Hiện Tượng Văn Chương Nữ Giới- Diệu Tâm

24/06/2007 tại FIAP, Paris
nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Hiện Tượng Văn Chương Nữ Giới- Diệu Tâm

Postby nmchau » 26 Jun 2007 21:59

Hiện Tượng Văn Chương Nữ Giới

nhà văn Trần Thị Diệu Tâm

Image


Download:
http://nmchau.club.fr/Events/pnv2006/dieutam.mp3


Hiện Tượng Văn Chương Nữ Giới

Bài viết trong dịp ra mắt Tuyển tập Phụ Nữ Việt (http://www.phunuviet.org) ngày 24.6.07 tại Paris do Văn Bút Trung Tâm Âu Châu bảo trợ.
Trần Thị Diệu Tâm



Ba mươi hai năm kể từ ngày người Việt Nam bỏ xứ sở ra đi tỵ nạn Cộng sản, thời gian đem lại biết bao thay đổi trong đời sống mỗi một chúng ta. Theo nhận xét chung, sự thay đổi không chỉ tính trên các tiện nghi vật chất hữu hình, nhưng thay đổi cả về phương diện tinh thần, trong đó văn hoá đóng một vai trò khá quan trọng và tích cực.
Có người cho rằng, mỗi người Việt Nam là một nhà thơ, tôi không dám khẳng định như thế. Nhưng theo tôi, tâm hồn Việt Nam chúng ta là tâm hồn trữ tình, do đó dễ hấp thụ những gì thuộc về cảm tính, nhất là phía nữ giới.
Hiện nay, vói một khối dân số 80 triệu người trong nước Việt Nam, nữ giới viết không nhiều, chỉ có một vài cây bút trẻ phản ứng lại với xã hội bưng bít với những sáng tác mới nổi bật lên trong khoảng thời gian ngắn. Riêng ở hải ngoại này, chỉ có 2 triệu người tỵ nạn, và một số ít du học trước 75 sống rải rác qua 5 lục địa, nhưng lượng cây bút nữ xuất hiện khá nhiều, bất cứ nơi nào có văn thơ là nơi ấy có tác phẩm của nữ nhân. Nhất là gần đây, họ xuất hiện khá đông đảo trên các tạp chí và trên các báo điện tử. Dù họ viết không nhiều, không chuyên nghiệp, nhưng họ viết hay.
Trước năm 1975 ở trong nước, những nữ tác giả như Tuý Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Lệ Hằng ( ở thế hệ chúng tôi) là những khuôn mặt văn chương qúy hiếm rất được độc giả trân trọng đón nhận sáng tác của họ. Họ sống bằng tác phẩm, tác phẩm nuôi sống họ. Những nữ văn sĩ ấy là những trường hợp ngoại lệ đặc biệt, văn chương đến với họ như là một định mệnh, và họ mang trách nhiệm của định mệnh ấy
Những cây bút viết văn làm thơ xa xứ này không hề mang một định mệnh nào cả. Họ không gánh vác trách nhiệm văn chương trên hai vai. Họ viết vì cảm thấy thích viết, thế thôi. Sự xuất hiện tên tuổi phái nữ trên diễn đàn văn chương hải ngoại càng ngày càng nhiều, như một hiện tượng.
Sự xuất hiện này có thể phát sinh từ nhiều khía cạnh khác nhau. Tôi chỉ xin trình bày qua hai khía cạnh : Thứ nhất là ngoại cảnh, tức hoàn cảnh sống bên ngoài. Thứ hai là hoàn cảnh bên trong tức trạng thái nội tâm.
Hoàn cảnh bên ngoài xã hội
Đời sống trước mặt chúng ta là đời sống của những con người bị lấy mất quê hương. Sự xa lìa quê hương xứ sở là một vết thương trầm trọng khó được chữa lành, lúc nào nhớ nhà, vết thương ấy lại rướm máu đến xót xa. Mất quê hương có nghĩa là thiếu một quê hương để cùng chuyện trò với nhau qua cùng một tiếng nói.
Sự thiếu thốn ấy được bù đắp bằng ngôn ngữ của lời thơ chữ viết.Vì thế văn chương xuất hiện để lấp đầy một không gian thiếu vắng quê hương, thiếu vắng tình tự ngôn ngữ, và có khi thiếu vắng cả tình người.
Ngoài ra, không gian hiện tại trống vắng ấy, còn là không gian đa chủng tộc, đa văn hoá, đa ngôn ngữ, trong đó tiếng Việt hầu như lạc lõng vào chốn không vọng âm. Tiếng Việt chỉ có thể hiện diện với cộng đồng Việt. Người Việt chỉ có thể là người Việt thuần túy, khi cùng nói với nhau tiếng nước mình.
Nơi miền đất tự do này, nguồn thông tin sách báo được xuất bản không giới hạn, do đó những sáng tác được in ấn một cách khá dễ dàng, giúp những văn nhân có thể đưa tác phẩm của mình đến tay người đọc không mấy khó khăn. Các tác phẩm cũng không thông qua một sự kiểm duyệt hay một thẩm định nào, chỉ có sự thẩm định duy nhất và cuối cùng thuộc về phần độc giả.
Trạng thái nội tâm nữ tính
Thượng đế sinh ra người nữ không ngoài mục đích hoài thai tạo sinh con cái kế tục đời sống. Bản chất người nữ nằm trong ý niệm hoài thai, là một động cơ tiềm ẩn trong tâm hồn lẫn thể xác người đàn bà. Họ luôn muốn tạo sinh. Và tạo sinh bằng tác phẩm văn chương là phương cách độc lập không bị ràng buộc với bất cứ ai. Cùng với hành trình này, người đàn bà cũng ao ước mình không bị lãng quên, vì thế họ mong có một vị trí, một tiếng nói, hay một ý kiến với xã hội đang sống.
Nếu đời sống biểu hiện như ý nguyện như mong ước, nếu đời hạnh phúc, văn thơ sẽ không có điểm tựa. Nhưng cuộc đời không diễn ra theo như ước mơ, cuộc đời đầy oái ăm và nghịch lý hiện diện trước mắt, do đó sự thắc mắc tại sao được trình bày qua cái nhìn với nhiều góc độ khác nhau, văn chương phóng ảnh cái nhìn ấy.
Viết văn hay làm thơ, chính là làm công việc của một người thợ rửa hình trong phòng tối. Tác giả đưa âm bản ký ức qua ánh sáng của trí tuệ để trở thành dương bản. Văn thơ chính là dương bản của tâm hồn mang mẫu tự ngôn ngữ.
Thơ văn còn đem lại những an ủi, xoa dịu và đôi khi hàn gắn những vết xước, vết lỡ loét của tâm hồn trong khi va chạm với sự sống đá sõi. Văn chương, còn mang tính chất phản kháng với những vô lý, để xây dựng cho tốt đẹp hơn. Từ đó nó là một miền đất hay một mảnh vườn đầy hoa trái được ươm trồng từ những suy tư. Khi một ngưòi đàn bà viết văn làm thơ, họ đi vào một không gian riêng của một mình họ, chính họ trở thành kẻ sáng tạo vạn vật, họ độc lập, và không còn cảm thấy bị ràng buộc vời đời thường nữa. Hay nói một cách khác, họ tạo thêm một con người mới trong chính con người cũ của mình.
Tình yêu không còn là đối tượng duy nhất trong thơ văn nữ giới hiện nay, họ hướng nhiều qua những chủ đề khác trong cuộc sống.
Khi người đàn bà biết diễn tả tiếng nói của mình qua sách vở văn chương, người ấy không còn cảm thấy mình là một giới tính phụ thuộc, hay giới tính thứ nhì, họ xóa bỏ ranh giới của nam và nữ, của thứ nhất thứ nhì. Nói một cách khác tôi chính là tôi, đơn giản.
Văn chương vốn là lãnh vực khá phức tạp, nhưng đàn bà lại là tổng thể tinh thần phức tạp hơn, sự liên quan giữa hai giá trị phức tạp này, thật khó mà trình bày trong giới hạn của một bài viết ngắn. Những nhận xét của cá nhân chưa phải là những nhận xét hoàn tất, tôi chỉ xin góp một chút ý kiến về một thứ hiện tượng làm đẹp thêm cuộc đời, đó là hiện tượng viết văn của nữ giới.

Trần Thị Diệu Tâm