Giới thiệu tuyển tập « Phụ Nữ Việt 2006 »- Nhà Văn Từ Trì

24/06/2007 tại FIAP, Paris
nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Giới thiệu tuyển tập « Phụ Nữ Việt 2006 »- Nhà Văn Từ Trì

Postby nmchau » 26 Jun 2007 18:53

Nhà văn Từ Trì hiện là phó chủ tịch Trung tâm Âu Châu của Hội Văn Bút Hải Ngoại :


Image



Download:
http://nmchau.club.fr/Events/pnv2006/tutri.mp3

Giới thiệu tuyển tập « Phụ Nữ Việt 2006 »

Bài của Nhà Văn Từ Trì đọc trong buổi Ra mắt tổ chức tại Paris chiều 24.6.2007
do Trung Tâm Âu Châu Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại bảo trợ ;



Kính thưa quí vị,
Chiều hôm nay tôi được hân hạnh giới thiệu cùng quí vị « Tuyển Tập Phụ Nữ Việt 2006 », một áng văn giá trị qui tụ 30 nhà văn nữ Việt Nam hải ngoại, diễn tả nhiều cảnh huống của cuộc đời người đàn bà Việt Nam sống tại quốc ngoại cũng như tại quốc nội.

Qua 30 bài viết trong tuyển tập chúng ta thấy những suy tư, cảm nghĩ của các nhà văn nữ về thân phận con người nói chung và về thân phận đàn bà nói riêng.

Trong quá khứ, nền văn hóa Khổng Mạnh đã khép người đàn bà Việt Nam vào một khuôn khổ chật hẹp khắt khe khi phân định rõ rệt vai trò khác nhau của hai phái nam và nữ. Chúng ta còn nhớ câu phương ngôn :
Gái thì giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa
Trai thì đọc sách ngâm thơ
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa . . .

Do đó, người phụ nữ Viêt Nam không có dịp hay ít có dịp thi thố văn tài. Tuy nhiên, khiếu văn chương vẫn tiềm ẩn trong người phụ nữ Việt. Vì vậy trong lịch sử văn học nước nhà đã có những nhà văn nữ vượt khỏi vòng kiềm tỏa này như Đoàn Thị Điểm, như Ngọc Hân Công Chúa vào thế kỷ thứ XVIII, như Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Nhược Thị vào thế kỷ thứ XIX.

Từ thế kỷ thứ XX, ảnh hưởng Khổng Mạnh phai mờ dần, các nhà văn nữ càng ngày càng góp mặt đông đảo trên thi văn đàn Việt Nam. Lần lượt các nhà văn nữ nổi tiếng xuất hiện : Anh Thơ, Thụy An, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng, Minh Đức Hoài Trinh, Nhã ca, Túy Hồng . . .

Hiện thời các nhà văn nữ càng ngày càng hoạt động mạnh mẽ. Tại quốc nội, nhiều nhà văn nữ, mặc dầu bị kiểm duyệt gắt gao, bị kiềm chế chặt chẽ, vẫn cương quyết đẩy mạnh phong trào đối kháng, dùng cây bút tranh đấu đòi tự do.Tại quốc ngoại, các nhà văn nữ được hưởng tự do ngôn luận, được nhiều dịp tiếp xúc với các nền văn hóa, với nhiều dân tôc khác nhau, nên cũng đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc giải phóng tư tưởng phụ nữ.

Tuyển tập mà tôi xin trình bầy cùng quí vị ngày hôm nay qui tụ 20 nhà văn nữ cư ngụ trên đất Mỹ, 5 trên đất Pháp, 2 ở Gia Nã Đại, 2 ở Na Uy và 1 ở Tân Tây Lan. Các bài trong tuyển tập được viết theo đủ mọi thể loại : ký như « Chứng Khoán » của Miêng kể kinh nghiệm mua chứng khoán, phóng sự như bài « Từ Trong Cơn Mưa » của Kim Nguyên kể chuyến viếng thăm Trung Quốc hay bài « Một Chuyến Viễn Du » của Sương Lam kể chuyến du lịch trên mặt biển của các cựu đồng nghiệp ngành Điện Lực Việt Nam, tùy bút như bài « Lá Thư Này Em Có Đọc Bao Giờ Không Em » của Hoàng Thi Mai Thảo hay « Biển Nhớ » của Nguyễn Thị Tê Hát, dịch thuật như bài « Lạc Vào Tiền Kiếp » của Hạt Cát và phê bình văn học như bài của Hương Kiều Loan đọc cuốn « Thung Lũng Hoàng Hôn ».

Qua các thể loại này, các tác giả mô tả nhiều cảnh huống khác nhau trong cuộc đời của người đàn bà Việt sống tại trong hay ngoài nước.
I) Đàn Bà và Tình Yêu

Trước hết là thân phận người đàn bà trước tình yêu. Tình yêu được các tác giả trong tuyển tập mô tả là những cuộc tình duyên e ấp, kín đáo, nhẹ nhàng như mối tình thầm lặng của một cô gái Huế trong chuyện « Sầu Riêng » của Linh Bảo hay là khi được Phạm Thị Trọng Tuyến nhắc tới bằng câu ca dao đậm đà :
Thò tay ngắt ngọn rau ngò
Thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ.

Người đàn bà thường bị đau khổ nhiều khi gặp tình duyên trắc trở. Đau khổ khi lỡ lấy phải anh chàng công tử « vướng vất với xì ke ma túy » như trong chuyện « Hờ Hững Xuân Phai » của Ấu Tím. Đau khổ vì chót si mê một tên công an cộng sản miền Bắc đã có vợ có con đến độ khước từ tình yêu của một bác sĩ Cộng Hòa như trong chuyện « Cây Độc Không Trái » của Bình Nguyên. Đau khổ như một vũ nữ khi người yêu là sĩ quan VNCH trúng mìn bị thương nặng trong chuyện « Em Mãi Yêu Anh » của Việt Dương Nhân. Đau khổ cũng là cảnh ngộ của một cô con gái sĩ quan VNCH bị ma cô lừa dối bán sang Đài Loan trong chuyện « Lạc Mất Mùa Xuân » của Nguyễn Ngọc Phan An.

Vì tình yêu gây ra nhiều đau khổ như vậy nên người đàn bà đôi khi phẫn uất, bỏ ý định đi lấy chồng. Ấu Tím đã nói : « Đi uống cà phê anh chàng hút thuốc như ống khói phà, xúc miệng bằng nước trà xùng xục . . .tưởng tượng mỗi ngày vào ra đụng chạm nhau như thế thà tôi chết già không chồng còn hơn là có ông chồng như thế » (trg 11).
Cảm nghĩ này nhắc chúng ta tới câu phương ngôn :
Gái có chồng như gông đeo cổ

Như vậy, thời nay người đàn bà Việt đã nhất quyết tự nắm lấy vận mệnh mình trong tay không như quan niệm cổ xưa là đàn bà phải có chồng. Người xưa có nói :
Gái không chồng như phản gỗ long đanh
Phản long đanh anh còn chữa được
Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi
Không chồng khổ lắm chị em ơi.

Các nữ tác giả trong tuyển tập hoàn toàn bác bỏ lập luận cổ hủ này.

Nếu tình yêu đôi lứa thường được các tác giả trong tuyển tập coi như nguồn đau khổ của người đàn bà thì ngược lại các bài viết trong tuyển tập lại chan chứa tình người, sưởi ấm con tim người đọc.

II) Tình Người

Tình người trước hết được thể hiện trong tình mẫu tử mênh mang như khi một góa phụ ở vậy nuôi con, hy sinh hạnh phúc của riêng mình để con gái có được đời sống an nhiên trong chuyện « Sự Bình Thường Trong Một Thế Giới Thật Tương Đối » của Hoàng Ân hay trong chuyện « Có Chăng Đâu Đây Niềm Hạnh Phúc » của Linh Vang.

Tình mẹ con còn được đề cao hơn nữa khi Võ Thị Điềm Đạm trong bài « Con Gái Thày Giáo Làng » nói lên nết đảm đang quán xuyến của một bà mẹ tận tụy lo lắng chăm sóc đàn con.

Tình chị em cũng không kém thắm thiết khi một người chị cố tình mang tên cô em đau ốm để cho người yêu của mình liên lạc bằng thư từ với em trong chuyện « Mùa Xuân Vĩnh Biệt » của Hồng Thủy.

Lòng nhân đạo cũng được nói lên trong hành động cao cả của một ông khách hàng giúp tiền cho một em bé bán hoa chữa bệnh trong chuyện « Ngày Mưa » của Vi Hoàng.

Hình ảnh quê hương cũng không vắng mặt trong tuyển tập. Trong chuyện « Lấy Vợ Quảng Nam » Phạm Đào Nguyên gợi lại những hình ảnh trìu mến thân thương của xứ Quảng khi nhắc tới câu phương ngôn đậm đà hương vị dân tộc :
Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đã say.

III) Hình ảnh xã hội Việt Nam hiện tại

Mặt khác, hình ảnh quê hương sau năm 1975 khi bị quân cộng sản cưỡng chiếm cũng được nhiều tác giả gợi ra với niềm đau đớn xót xa. Ngay trong chuyện đầu tiên « Hờ Hững Xuân Phai » Ấu Tím đã ghi lại cảnh « những ông « vẹm » đóng bộ đồng phục nhăn nheo màu cứt ngựa, nồng nặc mùi mồ hôi trộn lẫn bụi đường khăm khẳm » (trg 7) tràn vào thu vét các hàng hóa « Mỹ-Ngụy » tải về Bắc, trong bầu không khí «người Nam nhận họ, người Bắc nhận hàng ».
Cảnh người con gái miền Nam phải vội vã lấy chồng khi mình còn « chưa biết yêu, chẳng một lần hò hẹn » (trg 10) chỉ vì sợ phải ép gả cho « thương binh Bắc quân ».
Cảnh buôn lậu bán chui, mánh mung kiếm sống của một xã hội bị kẻ chiến thắng bần cùng hóa.
Đau thương hơn nữa là cảnh một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa tự sát để vẹn tròn tiết tháo của người chiến binh, trong chuyện « Gọi Người Tôi Thương » của Lê Thị Nhị.

*
* *

Kính thưa quí vị,

Tuyển tập « Phụ Nữ Việt 2006 » là một áng văn phong phú và đa dạng. Tuyển Tập này là một diễn đàn nơi người phụ nữ Việt mạnh dạn nói lên tư tưởng và cảm nghĩ của mình về thân phận người đàn bà vào thế kỷ thứ 21. Bằng lối hành văn nhẹ nhàng ý nhị, không một lời thô bạo, không một câu nói sỗ sàng, các nhà văn nữ Việt Nam hải ngoại trong Tuyển tập đã xác nhận quyền tự do của người phụ nữ Việt trong mọi lãnh vực : tự do trong tư tưởng, tự do trong hành động, tự do trong một cuộc đời phóng khoáng không còn bị các thành kiến cổ hủ xưa cũ chi phối.


*
Nhà văn Từ Trì từng cộng tác nhiều tạp chí văn học tại Sài gòn trước 1975, đặc biệt là tờ Bách Khoa, và nhiều tạp chí văn học tại hải ngoại. Hiện là Phó chủ tịch Trung Tâm Âu Châu Văn Bút Việt Nam Hải ngoại. Vừa xuất bản tập truỵên : Quê Hương Chìm Sâu Trong Dĩ Vãng, 2004.