Thu+ cu?a Ngo.c Toa`n

Ra mắt CD Thụy Mi
nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Thu+ cu?a Ngo.c Toa`n

Postby nmchau » 27 May 2005 10:05

Thư cho Cô...Đại Hội PK 2005

Liège, 23.08.2004
Cô thương mến,

Ở Đại hội Petruský về đã hơn một tuần mà mãi đến hôm nay em mới viết thơ thăm Cô-Thầy và các em.
Cô lúc nầy sức khoẻ ra sao? Em hy vọng sức khoẻ của Cô mỗi ngày khá hơn nhờ sự chăm sóc của gia đình. Cô cho em gởi lời thăm đến Thầy và các em.
Như đã hứa với Cô, hôm nay em sẽ tường trình cho Cô biết về ba ngày Đại-hội vừa qua.
Sáng ngày thứ sáu 15.08.2004 vợ chồng em chuẩn bị lên đường lúc 9 giờ sáng. Chổ em ở cách nơi tổ chức Đại-hội khoảng 350 Km. Chồng em bảo nên đi sớm cho thong thả như mình đi nghỉ hè. Ngày hôm ấy thời tiết không được tốt, trên đường đi khi mưa khi nắng. Lúc nầy thời tiết Âu-châu cũng gần giống như ở Việt-Nam, mưa thì to như mưa rào của xứ mình, không giống như 20 năm về trước chỉ mưa rỉ rả và lạnh hơn bây giờ. Cô có nhận thấy điều
nầy không?
Tụi em tới nơi lúc 1giờ trưa, ngoài sân đã thấy có một gia đình. Các anh chị em thấy tụi em mừng quá vì họ đi từ Pháp và Áo đến đây từ lúc 12 giờ trưa mà không thấy bóng dáng người Việt nên tưởng là đến không đúng ngày hoặc là sai địa điểm. May quá trời đã tạnh mưa nên tụi em làm một buổi Picnic ngoài trời.
Đến khoảng 3 giờ chiều các anh chị trong ban tổ chức lần lược đến. Sau phần chào hỏi các anh bắt đầu làm thủ tục ghi danh nhập trại và chỉ dẩn phòng ngủ cho từng gia đình. Cô cũng biết là nhà ngủ phải đặt từ năm trước và các anh chỉ mướn được có hai nhà. Đến phút cuối số người tham dự lên đến 120. Nhưng may thay ban tổ chức đã điều đình thêm được một nhà cho tối thứ bảy. Đêm thứ sáu phụ nữ và trẻ em ngủ trong một nhà, đàn ông và thanh niên một
nhà còn ban tổ chức cùng một số anh phải ngủ trong phòng họp.
Đến khoảng 6 giờ chiều thì mọi người lần lượt đến đông đủ, một số anh chị sẽ đến hôm thứ bảy vì bận đi làm. Cũng như mọi năm, sau bửa cơm chiều lúc 8 giờ tất cả tụ họp lại trong phòng họp bắt đầu chương trình "Đêm làm quen" để mọi người có dịp quen biết nhau và dĩ nhiên là không thiếu phần đồ nhậu. Năm nay vì số người tham dự nhiều hơn mọi năm nên phòng họp lớn được chọn làm nơi tụ tập và cũng sẽ là nơi tổ chức văn nghệ đêm thứ bảy.
Vào phòng đã thấy trên sân khấu nhộn nhịp với ban nhạc Silicon của anh Châu/Paris với nhóm ca sĩ rất là hùng hậu đến từ Mỹ, Hòa-Lan, Pháp và ở Đức nữa. Đêm nay, ngoài những món nhậu như mọi năm gồm có nem, giò thủ, xôi lạp xưởng, gỏi, paté chaud, bánh gai, bánh xu xê, bánh phồng tôm v.v. đặc biệt là có món khô mực (mà em là thủ phạm). Cô biết không, khô mực xé ra chấm với tương ớt, uống một ngụm bia, chao ôi ngon làm sao, nhưng mà mùi
khô mực bay "nồng nực".
Vì buổi họp kéo dài đến 2 giờ sáng nên ai nấy đều mệt khi đi về phòng ngủ quên đậy các món ăn lại. Sáng hôm sau ông chủ trại phải cảnh cáo ban tổ chức xem lại coi chừng các món ăn bị hư. Em cũng không hiểu tại sao các anh ngủ ở phòng nầy mà không ngửi được mùi gì hết mà chỉ nghe các anh than phiền bị muỗi cắn quá chừng. Em nghỉ chắc đàn muỗi tưởng có những
con khô mực "khổng lồ" nên tha hồ mà hút máu. Nói vậy chớ năm sau em sẽ đổi món khác "thơm hơn". Cô thấy không, mấy cô dâu PK đảm đang quá chừng vậy mà cứ mỗi lần tối thứ sáu họp mặt là mấy ông cứ chê nào là tụi em già, xấu, dữ mà lại còn ghen nữa làm Cô phải bên vực tụi em. Năm nay không có Cô em cũng hơi lo, nhưng may quá có Thầy Liêm đặt lời cho bài ca "Ngàn năm Petruský" do anh Châu phổ nhạc và người dạy hát là "cô bé" Jazzy Dạ-
Lam đến từ München. (Em gọi "cô bé" vì cô rất trẻ, có giọng nói rất dễ thương và tự nhiên nên ai cũng thích). Cô dạy hát đúng phương pháp nên mấy anh ngồi học rất là ngoan chứ không như bài hát của anh Danh, anh dạy hát mỗi năm mà các anh vẫn chưa hát được nên tụi em đề nghị anh Danh phải kiếm cô nào giống hoặc chính "cô bé" để dạy mới được. Anh Hòa vẫn làm MC cho đại hội. Em biết là anh chỉ làm thêm được tối đa 15 năm nữa thôi vì PK đã
có một tài năng mới (em bé nầy -cháu nội của Thầy Đãnh- chỉ mới gần 3 tuổi nhưng có triển vọng lắm). Những kỷ niệm (đẹp ?) với bạn bè và (phá) với Thầy-Cô cũng được mọi người kể lại.
Về phòng ngủ -năm nay họ kê thêm mỗi phòng một giường nên có tổng cộng là 6 giường- đông đủ các chị vui ơi là vui. Anh Trực lúc đầu cứ xin lỗi và hứa với tụi em vì lý do kỹ thuật nên phải "chia loan rẽ thúy" một đêm nhưng qua hôm sau thứ bảy thì "châu về hiệp phố" làm tụi em buồn quá sức, và dự định "biểu tình" chống đối anh Tổng thư ký đòi hỏi anh Trực năm sau chỉ cần mướn một nhà cho mấy bà còn mấy ông ở đâu cũng được. Như vậy cũng là một hình thức tiết kiệm tiền cho Hội. Cô thấy "dâu PK" thương Hội ghê không? Ở chung với nhau em có dịp quen biết thêm những người bạn mới. Tụi em có "đồng quan điểm" về việc "đối xử" với chồng nên gần gủi nhau hơn. Lúc chia tay tụi em trao đổi nhau địa chỉ và chụp hình kỷ niệm. Hình ảnh này làm em sống lại những ngày còn "thơ".
Sáng hôm thứ bảy, sau giờ ăn sáng khoảng 9 giờ 30, tất cả tụ họp ở ngoài sân và trang nghiêm làm lể thượng kỳ PK đồng thời hát bản "Ngàn năm etruský" mà mọi người đã tập hát hôm tối thứ sáu.
Lên phòng họp ban chấp hành (BCH) khai mạc buổi họp với lời chào mừng và giới thiệu các tham dự viên từ xa đến như: Thầy Minh từ Việt-Nam;Thầy Liêm, Thầy-cô Nhơn từ Mỹ; Thầy Aí, anh Thứ từ Pháp và ở Đức thì có Cô Hà, Thầy Đãnh, Thầy Quế, Thầy Thái ... Bên nhóm học sinh và thân hữu ngoài nước Đức thì có thêm các anh chị từ Mỹ, Pháp, Áo, Hòa Lan, Bỉ.
Trước khi bắt đầu chương trình Thầy Liêm đọc điếu văn cho Cô Cúc và tất cả mọi người đều đứng dậy để dành một phút mặc niệm cho Cô. Ban tổ chức cũng cho xem lại hình ảnh của Cô Cúc trong mấy kỳ Đại hội và hình ảnh sinh hoạt của Hội trong mười năm qua. Trong phần thuyết trình Thầy Liêm có nhắc lại lịch sử của trường Petruský và các Thầy Minh, Thầy Đãnh, Thầy Nhơn cũng lần lược kể lại những kỷ niệm xưa và bày tỏ niềm vui mừng trong ngày hội ngộ.
Khoảng 11 giờ thì đám tụi em rút lui xuống phòng họp nhỏ để học làm bánh "dầu cháo quẩy"
do chị Phượng (vợ anh thủ quỷ) dạy. Eo ơi làm thì không khó nhưng mà phải cần nhiều thì giờ để ủ bột và phải biết cách làm. Nguyên cả buổi chiều em cũng không tham dự được phần thuyết trình của Thầy Đãnh và anh Bảo (Hội Petruský Nam Cali). Sau đó là phần tranh giải thể thao.
Vì thích ăn hơn nên khoảng 3 giờ chiều tụi em tụ tập trong nhà bếp để bắt đầu nặn bột và chiên "dầu cháo quẩy". Cách nặn bột và chiên là cả một "nghệ thuật" chứ không phải bỏ vào chiên là được. Phải làm sao cho bánh thẳng, cứng và đều nữa. Kết quả là "dầu cháo quẩy" chiên nóng được đem ra mời tất cả mọi người thưởng thức lúc 4 giờ chiều. Ai nấy đều khen ngon vì đúng lúc đang đói bụng. Sau phần giới thiệu bánh "dầu cháo quẩy" là tụi em sửa soạn
cho màn nướng thịt buổi chiều. Thịt đã được ướp từ hôm qua khi tụi em mới vừa đến trại nên chỉ còn lo rửa rau, xắt dưa leo, cà chua... Em phải công nhận là kỹ thuật ướp thịt nướng của các chị ngày càng phát triển nên lúc nướng mùi thơm bát ngát làm "siêu lòng" mọi người chịu khó đứng sắp hàng đến lúc thưởng thức "thịt nướng" quên cả no và kết quả là đến phần văn nghệ các anh chị em ca sĩ cứ luôn xin lỗi có thể hát không được như ý muốn vì thịt nướng
ngon quá. Nhưng theo em thấy thì các anh chị ấy quá khiêm nhường vì có thể nói là đêm văn nghệ năm nay là một đêm Đại nhạc hội. Rất tiếc là Cô không có diễm phúc để thưởng thức đêm văn nghệ khó quên nầy. Trong chương trình văn nghệ cũng không thiếu phần sổ số Tombola, kể chuyện tiếu lâm, đố vui để cười, ngâm thơ tiền chiến với những bài hát phổ nhạc như "Áo anh sứt chỉ đường tà" hoặc "Ghen" của Nguyễn-Bính và một màn kịch vui ngắn. Sự
cổ vỏ nồng nhiệt của khán thính giả đã tạo một bầu không khí rất ấm cúng và vui vẻ. Chương trình đã được nối tiếp với phần "văn nghệ bỏ túi" đến 2 giờ sáng.
Như mọi năm, sáng chúa nhật buổi tập luyện "Tai-chi" được Thầy Đãnh hướng dẫn thế chị Nga. Một số chơi Tennis hoặc đi dạo. Một nhóm khác đi thăm lâu đài cổ Ronneburg. Em đi theo nhóm "chân tu" đến chùa Phật-Huệ để xem triển lãm Xá-lợi của các bậc chân sư.
Đến giờ ăn trưa, nhìn những khuôn mặt bơ phờ của mọi người nhưng miệng luôn tươi cười làm em cảm thấy vui vui. Trước khi chia tay các Cô-Thầy cùng anh chị em tụ họp ở ngoài sân và hát lại những bài của hướng đạo ngày xưa. Chia tay mà lòng mọi người còn luyến tiếc cùng hẹn năm sau gặp lại.
Năm nay tuy Cô Thầy và các em không tham dự nhưng qua phần kể trên em nghĩ Cô đã hình dung được phần nào của ba ngày Đại hội. Tất cả đều mong gặp lại Cô-Thầy và các em trong kỳ Đại hội tới. Em chúc Cô, Thầy và các em vui, mạnh và bình yên.
Hẹn Cô thư sau.
Kính thương
Ngọc-Toàn

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Postby nmchau » 27 May 2005 10:17

Pettrus Ký tình thân..

HHai mươi bốn năm rồi tôi mới được sống lại những giây phút thật bồi hồi, bổng chốc tôi có cảm tưởng mình trẻ hẳn lại, đứng bên cạnh thầy Trần Thành Minh lúc đầu cũng còn hơi run, nhớ ngày nào học 12C4 đã từng sợ bị kêu lên bảng giải một bài toán khó, vẫn còn nhớ cái nhìn nghiêm khắc của thầy và câu nói "tụi bây học có bao nhiêu đó mà cũng không nổi thì làm sau đi thi tuyển (đại học) được ?". Từ xa nhìn thầy Nhơn vẫn thấy ngán những buổi học hồi lớp 10C4 phải "đấu" công thức lượng giác với mấy đứa bạn+1. Thầy Minh, Bình, thầy Đảnh, thầy Nhơn, thầy Ái, Thấy Liêm

Ngày đầu tiên được anh Lê Trung Trực giới thiệu với thầy Nguyễn Thanh Liêm, vì hồi xưa không có học với thầy nên không nhớ nhưng cũng không dám hỏi thầy dạy môn gì. Đến ngày hôm sau nghe thầy đọc bài điếu văn cô Cúc cùng nói chuyện về tâm tình Petrus Ký tôi thấy tiếc tiếc đã không học với thầy, vội ghi lại mấy lời thầy nhắn nhủ "phụ có từ thì tử mới hiếu" (cha có hiền và thương con thì con mới hiếu thảo với mình được), những điều này đã được nói đến trong hai câu đối trước cổng trường (chữ "cương" trong "tam cương") nhưng mấy ai hiểu được tường tận để thực hành cho nghiêm túc. Một chữ cũng là thầy mà con được học đến một câu thì đã quá đũ để thốt lời cám ơn thầy, từ
đây tôi có thể hãnh diện khoe rằng tôi cũng có học với thầy Nguyễn Thanh Liêm !
Một phút thinh lặng nhớ về cô Cúc...
Chào thầy Phạm Ngọc Đãnh, thầy hỏi "gặp ở đâu ?" tôi vội trả lời "dạ con gặp thầy và cô ở trại Hướng đạo tại Brexbachtal ở gần Koblenz hồi năm rồi", thầy à dài một tiếng và nói "nhớ rồi !". Phải nói là tôi phục thầy lắm vì thầy luôn có mặt những lúc bất ngờ nhất. Đại diện cho ban tổ chức, thầy cám ơn các anh chị Petrus Ký và thân hữu đã có công thành lập hội Ái hữu Petrus Ký tại Đức, thầy không quên một ai và với ai thầy cũng giới thiệu với cái nhìn rất nhà giáo
(nghĩa là biết rất rõ anh nào phá, anh nào ngoan, nhưng nói chung ai cũng được khen đã cố gắng hết sức mình cho việc chung).
Thấy anh EmXi Hòa quậy quá, thầy cũng góp ý để mời anh Phạm Đăng hát bài "dzê" cho mọi người có nụ cười thoải mái (bài nầy hát lúc gần nữa đêm, nhìn qua nhìn lại thấy ai cũng "dzzzzzêêêễễ" thương hết !).
Tài của thầy chưa ngừng tại đây, thầy còn hướng dẫn tập thể dục nữa, thầy chỉ chỉ vài động tác thật dễ nhớ và có hiệu quả (có lẽ kinh nghiệm dạy học cứ hễ học nhiều là quên hết ráo, học ít còn hy vọng học trò nhớ được), như vậy là tôi cũng đã học với thầy Đảnh rồi đó nha. Đến lúc chia tay, lại cũng là thầy tập hợp mọi người đứng vòng tròn hát bài tạm biệt, sẵn máu Hướng đạo,
tôi xin thầy cho phép nắm tay chia tay theo kiểu Hướng đạo, không nhớ ai có diễm phúc nắm tay các ca sĩ trẻ và xinh đẹp nhỉ?

Gặp thầy Phạm Xuân Ái tôi mừng lắm vì nhớ lại cách đây mấy năm gặp lại thầy
Trần Thành Minh ở Sài Gòn, thầy dặn tôi đi thăm thầy Ái bên Pháp, có cho địa chỉ và số điện thoại nữa, vậy mà cứ chần chờ hẹn tới hẹn lui trong đầu và không thực hiện. Cũng may thầy không giận. Biết thêm được thầy hiền lắm, bị các học sinh chọc là "Pháp Sư" mà cũng chỉ cười vui vẻ, chắc thầy nghĩ "Nhất học trò, nhì ... ba ..." hơi đâu mà rút khăn ấn ra. Cũng biết thêm được khi xưa thầy đã từng là Hướng đạo sinh, như vậy thầy với tôi ngoài tình thầy trò còn tình huynh đệ nữa (xin nói nhỏ tôi không có ý muốn với cao đâu nhưng vốn dĩ điều luật thứ bốn của Hướng đạo có nói rõ, tất cả HĐ sinh đều là anh em).
Chuyến "trở về mái nhà xưa" như Uông Thu Hoài (bạn thời 6/7 với tôi) có nói thật là vui, tôi giờ đây có thêm thầy dạy dỗ, xiết chặt thêm "tình thân Petrus Ký" với các anh lớn, tìm gặp lại Nguyễn Thế Hùng của ngày xưa 6/7. Bây giờ tôi càng thắm thía hơn bốn chữ "Petrus Ký tình thân" các anh lớn thường thêm vào dưới các điện thư.

Cảm động hơn nữa là những lời "tâm ca" sau phần trình diễn sân khấu đặc sắc.
Khuya lắm rồi nhưng chưa ai chịu rời hội trường, rồi từ trong bóng tối một giọng hát nhẹ, êm, ngọt ngào trỗi lên, ai hát vậy ?
Không biết. Tối quá không thấy. Tôi chợt nhớ đến lời một nhà văn Pháp Antoine de Saint Exupéry trong truyện Le petit Prince : On ne voit pas avec les yeux, on ne peut voir qu'avec le coeur (Hoàng tử nhỏ bé - Không thể thấy bằng đôi mắt nhưng chỉ bằng trái tim). Thật tuyệt diệu, tiếng hát mang nặng tình tự dân tộc, tình yêu quê hương, yêu con người, tiếng hát ru con sao mà dễ thương vậy không biết. Cám ơn các cô, các chị, các anh đã đem chúng tôi trở
về với quê mẹ, cám ơn thật nhiều, cám ơn với tất cả chân tình. Việt Nam là vậy đó,
Việt Nam không có lâu đài như Versailles của Pháp, không có nhà chọc trời như New York ở Hoa Kỳ. Việt Nam chỉ có trong tình tự, không hình, không sắc, có đi tìm cũng không thấy, chỉ có thể cảm nhận khi mình đã sống với nó mà thôi. Sao tôi thương nước tôi quá !
Vốn là dân trong Nam, thích nói lái, tôi nghĩ miên man về hai chữ "tình thân", biến đổi chút xíu trở thành "tinh thần". Ứ há, "tinh thần Petrus Ký" cũng ý nghĩa lắm chứ.Thầy Liêm có nói "học sinh thì phải phá nhưng học sinh Petrus Ký phá phách vui và nhã nhặn chứ không sỗ sàng, lỗ mãng". Từ trong nước, học sinh Petrus Ký đã là những rường cột của quốc gia, có anh bên nầy, có anh bên kia chiến tuyến nhưng cái phong thái cựu học sinh Petrus Ký thì không lầm lẫn được, hình như có một cái gì đó nối liền trái tim của các học sinh
chung trường, và ai cũng ráng cố gắng trong cuộc sống ngoài đời không bao giờ chịu bó tay trước khó khăn, hằng nâng đỡ những bạn học cũ mới trong tinh thần cũng như vật chất, luôn kính, thương và nhớ ơn thầy cô của mình dù có học hay không với thầy cô đó, tôi lờ mờ nghiệm ra rằng đó là "tinh thần Petrus Ký" !
Xa trường hằng vạn dậm, tên trường bị người thay đổi nhưng tại sao khi về Sài
Gòn vẫn ráng nhín chút thì giờ ghé lại trường xưa để ngậm ngùi đưa tâm hồn
mình về lại ngày nào còn hai câu đối trước cổng trường, nhớ ơi là nhớ cây phượng đỏ ối hoa mùa hè nay không còn nữa. Tìm, tìm hoài, tìm cho đến khi gặp được một thầy cô cũ, một người bạn từng học chung trường để hiểu rằng dù xa cách muôn trùng nhưng những đứa con Petrus Ký không ai là người hèn hết. Nơi nào học sinh Petrus Ký cũng làm rạng danh trường cũ của
mình và ai cũng có đôi chút hãnh diện khi cho biết mình là cựu học sinh Petrus Ký.
Tên trường không còn, lời nhắn nhủ "Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt,
Tây Âu khoa học yếu minh tâm" chỉ còn trong lòng, nhưng chính vì vậy mà các học sinh cũ luôn mang theo bên mình. Những cái gì hiện hữu thì sớm muộn gì cũng mất đi, chỉ có tinh thần, Tinh Thần Petrus Ký là còn hoài và trọng trách của chúng ta là truyền lại tinh thần đó cho em, con và cháu của mình.
Gia Bình
Antony 8/2004


Return to “Silicon Band Concerts -1999 -2005”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 2 guests