Đức Phật Thích Ca – Bước Chân Trí Tuệ

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Đức Phật Thích Ca – Bước Chân Trí Tuệ

Postby nmchau » 05 Feb 2010 13:41

Đức Phật Thích Ca – Bước Chân Trí Tuệ



Cát Biển







Năm 29 tuổi son trẻ trong nếp sống vương giả quyền quý, người quyết định rời bỏ cung vàng, vợ đẹp, con ngoan đi tìm con đường giải thoát cho loài người khỏi biển khổ trầm luân. Sáu năm ròng rã tầm đạo dầu cơ thể gầy mòn nhưng Ngài vẫn cương quyết. Một hôm Ngài chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác sau 49 ngày đêm nhập thiền quán. Trong đêm thành đạo ngài nhìn thấy vô lượng kiếp trước và sau. Màu da của Đức Thế Tôn trở nên sáng lạng, rực rỡ một cách lạ thường. Ngài ngộ ra nguyên uỷ của khổ đau và phương cách diệt khổ. Từ đó Ngài bắt đầu 45 năm hoằng pháp. Vào dịp nhập Hạ đầu tiên tăng đoàn lên đến 1250 tu sĩ trong một thời gian kỷ lục, quy tụ nhiều nhân vật nổi tiếng thời bấy giờ. 1250 người này một thời gian sau đó đều chứng quả A La Hán thoát khỏi luân hồi sanh tử. Chỉ mới 35 tuổi, Ngài là một giáo chủ trẻ tuổi nhất. Với những giáo lý và tư tưởng mới lạ Ngài làm kinh ngạc mọi người trong xã hội đương thời vốn sâu đậm tín ngưỡng Ấn Độ giáo với nhiều phân chia giai cấp, cao trọng nhất là các giáo sĩ Bà La Môn. 45 năm hoằng pháp Ngài đã quy nạp vua chúa, đạo sĩ, nhân tài, kẻ ác, kỹ nữ, nam nữ mọi loài về với chánh đạo và đạt được các quả vị cao quý. Ngài để lại vô số lời dạy vàng ngọc, mà khoa học qua bao thế kỷ tiến bộ vẫn chỉ chứng minh được phần nào tầm hiểu biết giới hạn của loài người, xác đáng như lời Phật đã dạy. Một nhà bác học tây phương đã thừa nhận: “Điểm tận cùng của khoa học chỉ là mức sơ khởi của Phật giáo.”



Sau khi đắc đạo Ngài tìm gặp lại 5 anh em Kiều Trần Như, những người từng tu khổ hạnh chung trước đó. Với một phong cách của một con người thoát tục Ngài khiến họ kinh ngạc và bị thu hút. Cách đó không lâu khi chia tay họ, sa môn Cù Đàm (tên của Đức Phật) còn là một tu sĩ ép xác khổ hạnh. Nay gặp lại từ lời nói đến diện mạo của Ngài đều toả ra nét tự tin nhân từ cao quý. Năm anh em Kiều Trần Như quên cả ý định trước đó là sẽ khinh miệt Ngài vì đã từ bỏ đạo tu khổ hạnh cùng với họ. Những người tu sĩ nổi tiếng và đứng tuổi ấy đối diện trước cốt cách oai nghi của Ngài đã tiếp đón trân trọng và lắng nghe bài giáo pháp đầu tiên của Đức Phật về Tứ Diệu Đế (bốn chân lý vi diệu), gồm: thực trạng đau khổ, nguyên nhân khổ, sự chấm dứt khổ đau (đồng nghĩa với Niết Bàn), và con đường hành đạo để diệt khổ, tức Bát Chánh Đạo. [Bát Chánh Đạo gồm: 1) Giới - gồm chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng; 2) Định - gồm chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định; và 3) Tuệ - gồm chánh kiến, chánh tư duy]. Như người lữ hành khát nước qua sa mạc chợt tìm ra được nguồn suối mát, họ giác ngộ nhanh chóng và đạt được chứng quả A La Hán, vượt khỏi luân hồi. Họ hỏi Đức Thế Tôn phải xưng hô với ngài là gì? Ngài nói hãy gọi ngài là Phật, và Ngài tự xưng là Như Lai. Phật là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Như lai có nghĩa “thực hành những điều mình dạy, tức tri và hành đi đôi”. Ngài nói: “ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.” Đó quả là một ý niệm quá mới lạ, chưa một giáo chủ của một tôn giáo nào giảng dạy rằng tín đồ của mình cũng có thể đạt địa vị ngang hàng với mình cả. Câu nói này là lời tiên thuyết: “tự tánh” là chủ thể trong Phật Giáo, con người khi hướng về chính tâm linh của mình vén vần mây u minh sẽ toả ánh sáng giác ngộ và đạt được trí huệ giải thoát.



Đức Phật truyền 5 đệ tử đầu tiên, nay đã chứng A La Hán, cùng Ngài chia ra khắp phương hướng đi truyền đạo pháp, không nên đi chung. Đi chung là “dư và thiếu”. A La Hán không cần ai trợ lực cả, đi chung là dư. Thiếu là vì mọi nơi mọi chỗ khác đều đang cần giáo lý đạo Phật. Trong một thời gian ngắn danh tiếng Đạo Phật loan truyền đi khắp nơi. Trong một xã hội mà phân biệt giai cấp đã ăn sâu tận gốc rễ như xiềng xích cột chặt tiến hoá của xã hội, Đức Phật nói “nước mắt nào cũng mặn và máu nào cũng đỏ” để cho biết ai ai cũng có ngầm chứa Phật Tánh như nhau, và mọi người nam lẫn nữ quyền quý hay cùng đinh, vốn dĩ đều bình đẳng. Điều này khiến các đạo sĩ Bà La Môn coi là mối đe doạ cho vài trò “trung gian giữa trời và người” cao quý ưu đãi của họ. Họ không tiếc lời chỉ trích Đạo Phật.



Suốt cả năm trường, đôi khi một mình có lúc cùng chư môn đệ, Ngài đi từ làng này đến làng khác, từ tỉnh nọ đến tỉnh kia, cùng khắp miền Bắc xứ Ấn Độ, để hoằng dương Giáo Pháp và dẫn dắt nhiều người ra khỏi vòng cương toả của những kiếp sống triền miên. Có những nhận vật được đầy đủ nhân duyên đã quy y với Đức Bổn Sư trong những trường hợp đáng kể.



Cảm Hoá Ba Anh Em Ngài Ca Diếp - Trên đường đi Đức Phật gặp ba anh em của đạo sĩ Ca Diếp (Kassapa), lúc ấy đang tu khổ hạnh, để tóc dài, thắt lại thành bím và thờ Thần Lửa. Ông anh cả có 500 đệ tử, anh giữa 300 đệ tử, và em út có 200 đệ tử. Vì có căn duyên, cả ba anh em cùng với tất cả đệ tử xin quy y, rồi xuất gia tỳ khưu với Đức Phật. Đức Phật giảng bài kinh đề cập đến "tất cả đều phừng cháy": "Tất cả đều phừng cháy! Này hỡi các Tỳ Khưu, tất cả đều phừng cháy là như thế nào? Mắt nằm trong lửa, hình sắc nằm trong lửa, sự thấy (nhãn thức) nằm trong lửa. Cảm giác (thọ), dầu thọ lạc, thọ khổ hay thọ vô ký, đều nằm trong lửa. Lửa ấy bắt nguồn từ đâu? Từ những ngọn lửa tham ái, sân hận, si mê, sanh, bệnh, tử, phiền muộn, ta thán, đau khổ, âu sầu và tuyệt vọng. Như Lai tuyên bố như vậy...người đệ tử thuần thục của bậc Thánh Nhân dứt khoát dập tắt mọi luyến ái, và do sự dứt khoát ấy, hoàn toàn siêu thoát. Từ đó hành giả biết không còn tái sanh nữa, sống đời sống thiêng liêng phạm hạnh của bậc Thánh Nhân, làm những việc cần phải làm, và không bao giờ còn trở lại trạng thái ấy nữa." Khi Đức Phật kết luận thời Pháp tất cả các vị tỳ khưu đều đắc Quả A La Hán.



Cảm Hoá Đức Xá Lợi Phất và Đức Mục Kiền Liên - Cách thành Vương Xá không xa, trong làng Upatissa có một thanh niên thông minh xuất chúng tên Xá Lợi Phất (Sāriputta). Mặc dầu hấp thụ truyền thống Bà La Môn Giáo, Xá Lợi Phất sớm có một quan kiến rộng rãi về đời sống. Ngài có một người bạn chí thân tại Kolita tên Mục Kiền Liên (Moggallāna), một thanh niên rất tài giỏi. Hai vị này vốn đã có mối liên hệ mật thiết với nhau từ trong tiền kiếp. Hai người đi tìm học với nhiều vị đạo sĩ Bà La Môn trứ danh, nhưng ở đâu cũng gặp toàn thất vọng. Sau cùng cả hai đành trở về nhà, và trước khi chia tay, hứa hẹn với nhau rằng người nào tìm ra được Con Đường Giải Thoát sẽ cho người kia biết.



Lúc ấy Đức Phật đã gởi sáu mươi vị đệ tử đi truyền bá Giáo Pháp tốt đẹp cho thế gian. Ngài A Tư Đà (Assaji), tức em út của Kiều Trần Như, đi về hướng thành Rājagaha. Đến đây nghiệp tốt của hai chàng thanh niên ưu tú dốc lòng tìm đạo đã hợp đủ duyên lành để trổ sanh. Xá Lợi Phất đang đi trong thành Vương Xá thì bỗng nhiên nhìn thấy một tu sĩ, với y bát trang nghiêm tướng đi từ tốn, mắt nhìn xuống độ vài thước trước chân, gương mặt trầm tĩnh thong dong, biểu lộ một cốt cách thanh thản sâu xa từ bên trong. Vị đại đức khả kính nọ khoan thai đi từng nhà, nhà này sang nhà khác, nhận lãnh chút ít vật thực nào mà lòng quãng đại trong dân gian vui lòng đặt vào bát mình. Phong cách siêu phàm của vị chân tu khiến Ngài Xá Lợi Phất tò mò để ý, nhưng vì thấy Đức A Tư Đà đang yên lặng đi khất thực nên không dám làm rộn. Khi vị tỳ khưu A La Hán A Tư Đà đi bát xong, tìm nơi thích hợp để ngồi lại thọ thực, Ngài Xá Lợi Phất lấy làm mừng rỡ chụp lấy cơ hội, cung kính dâng đến Đại Đức một cái chén mà mình đã đem theo để dùng và rót vào một ít nước. Thực hành xong bổn phận khiêm tốn của người đệ tử, Ngài thành kính bạch: "Kính Bạch Đại Đức, ngũ quan của Ngài quả thật là bình thản và an tĩnh. Nước da của Ngài thật là sáng sủa và trong trẻo. Xin Ngài hoan hỉ dạy con vì mục đích nào Ngài thoát ly thế tục? Ai là vị tôn sư của Ngài? Ngài truyền bá giáo lý của ai?" Vị A La Hán A Tư Đà trả lời: "Này đạo hữu, bần tăng chỉ là một tu sĩ sơ cơ. Bần tăng không có đủ khả năng để giảng giải Giáo Pháp một cách dông dài và rành rẽ." Xá Lợi Phất nói: “Kính Bạch Đại Đức, con là Xá Lợi Phất, xin Đại Đức chỉ giáo ít nhiều, con sẽ cố gắng tự tìm hiểu giáo lý bằng trăm ngàn cách. Xin Ngài hoan hỉ dạy nhiều hay ít cũng được. Xin Ngài dạy cho điểm thiết yếu. Con xin Ngài dạy cho đại lược, chỉ một vài tiếng vắn tắt gọn ghẽ.” Đức A Tư Đà liền đọc lên bốn câu kệ tóm tắt phần triết lý cao siêu sâu sắc của Đấng Tôn Sư về chân lý của định luật nhân quả:

"Ye dhammā hetuppabhavā (Về các pháp khởi sanh do một nhân)

tesam hetum tathāgato. (Nhân ấy, Như Lai đã chỉ rõ)

Āha tesan ca yo nirodho (Và Như Lai cũng dạy phương pháp để chấm dứt)

evam vādī mahā samano (Đó là giáo huấn của vị Đại Sa Môn)"



Trí tuệ của Ngài Xá Lợi Phất đã đủ thuần thục để thấu triệt những chân lý sâu xa, dầu chân lý ấy chỉ được khiêu gợi một cách vắn tắt. Ngài chỉ cần một tia ánh sáng, và Đức A Tư Đà đọc lên bốn câu kệ thật là khéo léo, đưa Ngài ngay vào Con Đường. Khi nghe hai câu đầu Đức Xá Lợi Phất đắc Quả Tu Đà Huờn (Sotāpatti). Bấy giờ, đúng lời cam kết, Xá Lợi Phất trở về báo tin lành cho bạn, vốn cũng là bậc trí tuệ cao siêu. Khi nghe xong bốn câu kệ Ngài Mục Kiền Liên cũng đắc Quả Tu Đà Huờn. Do lời thỉnh cầu của hai vị, Đức Phật chấp nhận cả hai vào hàng môn đệ bằng lời kêu gọi chấp thuận: “Etha Bikkhave!” (Hãy lại đây, Tỳ Khưu!). Nửa tháng sau, khi nghe Đức Phật thuyết kinh Vedanā Pariggaha Sutta cho Đạo Sĩ Dīghanakha Ngài Xá Lợi Phất đắc Quả A La Hán. Đức Mục Kiền Liên cũng đã đắc quả A La Hán trước đó một tuần.



Cảm Hoá Sư Cô Rūpananda.- Tại Trúc Lâm Tịnh Xá, Đức Phật tế độ một ni cô. Vào thuở ấy có một ni cô xinh đẹp tên Rūpananda (Janāpada Kalyāni Rūpananda) và sư cô rất hãnh diện với sắc đẹp của mình. Bà không chịu đến nghe Đức Phật thuyết giảng Giáo Pháp vì Ngài luôn luôn nhắc đến tánh cách vô thường của thế gian, không hề tán dương vẻ đẹp của thế nhân. Ngày nọ, duyên lành đưa đẩy bà được một vị Vua tiến dẫn vào thính đường của Đức Phật. Nhưng lòng bà vẫn bảo lòng, hãy lẫn lộn trong đám đông các vị tỳ khưu ni, không để cho Đức Phật trông thấy. Đức Thế Tôn biết như vậy. Vì lợi ích của bà, Ngài tạo ra hình ảnh một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần, đứng sau lưng Ngài cầm quạt, quạt, và chỉ có sư cô Rūpananda thấy. Bà bị thu hút với sắc đẹp của người đó mải mê ngắm nhìn, say đắm vẻ đẹp của thiếu nữ và hết lòng ước muốn mình cũng được xinh đẹp như vậy. Cuối cùng bà đến quỳ đảnh lễ Phật. Khi ấy Đức Phật biến sắc đẹp thiếu nữ kia trưởng thành dần dần từ 16 đến 20, 30, 40 trung niên 50, rồi lão niên 60, 70... già cỗi. Ni Cô Rūpananda theo dõi từng giai đoạn của tiến trình biến đổi, thấy hết vẻ đẹp này rồi đến vẻ đẹp khác của thiếu nữ tăng trưởng rồi nối tiếp nhau tàn tạ. Bây giờ, thiếu nữ xinh đẹp ấy đã biến thành một bà lão lụm cụm, tóc bạc răng long, xương nhô, gầy yếu, lưng còm gối mỏi, tay chân run rẩy lập cập. Rồi Đức Phật cho ni cô thấy lão bà bị một cơn bệnh đau siết, rên la thê thảm và té ngã lăn xuống đất. Rồi bà lão chết. Thi thể sình lên, nước vàng tuôn ra từ cữu khiếu, rồi giòi, tủa trào ra, loi nhoi lúc nhúc v.v...Cảnh tượng thê thảm ấy gợi cho Ni Cô Rūpananda ý nghĩ, "Nếu thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần kia đã trở nên đứng tuổi, già nua và hoại diệt, thì chính thân hình mỹ miều của ta cũng sẽ không thể tránh khỏi con đường đau khổ, đáng chán, đáng ghê sợ ấy." Bà nhận chân tánh cách vô thường của vạn pháp. Và sau khi nghe lời kêu gọi của Đức Bổn Sư, "Hãy quán xét tánh cách rỗng không của những yếu tố hợp thành cơ thể này. Hãy quẳng đi, vứt bỏ lòng tham muốn đeo níu theo kiếp sinh tồn, con sẽ vững bước trong sự vắng lặng", bà chú tâm hành thiền theo chiều hướng của lời dạy và đắc Quả Tu Đà Huờn.



Trúc Lâm tịnh xá - Từ Gayā Đức Phật đến Rājagaha cùng với các đệ tử A La Hán. Nơi đây Ngài ngự tại đền Suppatittha, trong một rừng kè. Lúc bấy giờ danh tiếng của Ngài đã bay cùng khắp vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha). Vua Bình Sa Vương nghe tin, đem theo rất đông quần thần đi đón Đức Phật. Vua đến gần, cung kính đảnh lễ Phật và ngồi lại một bên. Những người khác, người thì đảnh lễ một cách cung kính, người chào hỏi lễ phép theo như bạn bè hay thân thuộc, người thì chấp tay xá, người tự xưng danh tánh, và cũng có người không nói gì, chỉ lặng lẽ ngồi xuống. Lúc ấy phần đông dân chúng tôn kính Đức Phật và Đại Đức Ca Diếp đồng nhau, không ai biết ai là thầy. Đức Phật đọc được tư tưởng ấy. Ngài hỏi Đại Đức Ca Diếp tại sao trước kia tôn thờ Thần Lửa mà nay không thờ nữa. Đại Đức hiểu ý Đức Phật, bạch rằng vì Đại Đức chọn con đường đưa tới trạng thái an lành, hạnh phúc và châu toàn, chấm dứt ô nhiễm và dục vọng, con đường đi ngược dòng đời, ngược chiều với những thú vui trần tục, không bổ ích. Nói xong Ngài Ca Diếp khấu đầu đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn và xác nhận: "Bạch Hoá Đức Thế Tôn, Ngài là Đức Bổn Sư của con. Con là đệ tử. Bạch hoá Đức Thế Tôn, Ngài là Đức Bổn Sư của con. Con là đệ tử." Tất cả mọi người đều hoan hỉ. Đức Phật nhân cơ hội giảng một thời Pháp về Túc Sanh Truyện, dạy rằng trong một tiền kiếp Ngài là Nārada, cũng đã từng dìu dắt Đại Đức Ca Diếp một cách tương tợ. Nghe Đức Phật giảng, Ánh Sáng Chân Lý phát sanh đến mọi người và Vua Bình Sa Vương chứng đắc Tu Đà Huờn. Vua xin quy y Tam Bảo và cung thỉnh Đức Phật cùng chư vị đệ tử hôm sau về hoàng cung thọ trai.

Khi mọi người thọ thực xong vua tỏ ý muốn biết nơi nào thích hợp để Đức Phật ngự. Đức Phật trả lời: "Một nơi vắng vẻ hẻo lánh, không xa mà cũng không gần thành thị, để cho ai muốn, có thể đến dễ dàng. Một nơi mát mẻ, ban ngày không đông đảo ồn ào, ban đêm yên tĩnh, khoảng khoát và kín đáo, nơi ấy sẽ thích hợp." Vua nghĩ đến khu Trúc Lâm (Veluvana) nơi có thể hội đủ những yếu tố cần thiết, nên bạch với Đức Phật, xin dâng khu viên Trúc Lâm này đến Đức Phật và chư Tăng. Khu này cũng được gọi là "nơi ẩn trú của loài sóc", không có nhà cửa lều cốc cho chư tỳ khưu, nhưng có nhiều cây to bóng mát và vắng vẻ kín đáo. Đây là khu đất đầu tiên được dâng cúng đến Đức Phật và chư Tăng. Nơi đây Đức Phật nhập Hạ liên tiếp ba năm -- từ Hạ thứ nhì đến Hạ thứ tư.



Chuyện Của Vua Bình Sa Vương (Bimbisāra) - Sau khi quy y với Đức Phật Vua Bình Sa Vương sống đời gương mẫu của một vì vua. Ngài đều đặn nghiêm trì bát quan trai giới mỗi tháng sáu ngày. Mặc dầu rất mực minh quân và có tâm đạo nhiệt thành nhưng không tránh khỏi phải chịu hậu quả của nghiệp đã tạo trong những kiếp sống quá khứ, Ngài chết một cách thê thảm và vô cùng đau đớn.



Hoàng Tử A Xà Thế bị Đề Bà Đạt Đa xúi giục, âm mưu sát hại vua cha để chiếm ngôi. Nhưng công việc bại lộ, A Xà Thế bị bắt quả tang và người cha đầy lòng bi mẫn không đành xử phạt xứng đáng như quần thần xin. Chẳng những thế mà vua còn nhường ngôi vàng lại cho hoàng tử, vì thấy con thèm muốn làm vua. Ấy vậy mà vị hoàng tử bất hiếu vừa lên ngôi liền hạ ngục cha và ra lệnh bỏ đói cho chết dần. Chỉ một mình hoàng thái hậu được phép vào thăm. Mỗi khi đi, bà giấu đồ ăn trong túi áo đem cho chồng. A Xà Thế hay được, quở trách mẹ. Sau lại, bà giấu trong đầu tóc. A Xà Thế cũng biết được. Cùng đường, bà tắm rửa sạch sẽ rồi thoa vào mình một thứ đồ ăn làm bằng mật ong, đường và sửa, vua gợt lấy, ăn để sống. Nhưng A Xà Thế cũng bắt được và cấm hẳn mẹ, không cho vào thăm cha nữa. Lúc ấy Vua Bình Sa Vương đã đắc Quả Tu Đà Huờn. Ngài thản nhiên cam chịu đói, lòng không oán trách con mà cố gắng đi tới lui thiền hành, chứng nghiệm hạnh phúc tinh thần. Thấy cha vẫn vui tươi A Xà Thế quyết định giết cho khuất mắt, hạ lệnh cho người thợ cạo vào khám đường lấy dao bén gọt chân vua, xát dầu và muối vào, rồi hơ trên lửa nóng cho đến chết. Khi người cha bất hạnh thấy thợ cạo đến thì mừng thầm, ngỡ rằng con mình đã ăn năn hối cải, cho người đến cạo râu tóc để rước về. Trái với sự ước mong của Ngài, anh thợ cạo đến chỉ đem lại cho Ngài cái chết vô cùng thê thảm.

Cùng ngày ấy hoàng hậu, vợ Vua A Xà Thế hạ sanh một hoàng nam. Tin lành đến vua một lượt với tin Vua Bình Sa Vương băng hà trong ngục thất. Tin chánh hậu hạ sanh hoàng nam được đọc trước. Nỗi vui mừng của Vua A Xà Thế không sao kể xiết. Cả người nghe nhẹ nhàng vui sướng. Tình thương của một người mới làm cha lần đầu tiên chớm nở trong lòng, mặn nồng sâu sắc, thấm vô từng khớp xương ống tuỷ. Đứa con đầu lòng là một nguồn yêu thương, là cơ hội để cha mẹ thưởng thức một tình thương mới mẻ đậm đà, vô cùng trong sạch. Cảm giác đầu tiên của người mới có đứa con đầu lòng dường như đưa họ vào một cảnh giới kỳ lạ, khiến họ có cảm tưởng rằng máu huyết mình đã nhỏ giọt ra để nối tiếp mình. Tức khắc A Xà Thế vội vã chạy đi tìm người mẹ yêu dấu và hỏi: "Thưa mẫu hậu, khi con còn nhỏ phụ hoàng có thương con không?"



- Tại sao con hỏi lạ vậy? Mẹ tưởng trên thế gian này không tìm đâu ra người cha lành như cha con. Để mẹ thuật cho con nghe. Lúc mẹ còn mang con trong lòng, ngày nọ mẹ thèm lạ lùng một món kỳ quái, mẹ thèm nút vài giọt máu trong bàn tay mặt của cha con. Mà nào mẹ dám nói ra. Rồi càng ngày mẹ càng xanh xao, và sau cùng, phải thú nhận với cha con. Khi nghe vậy, cha con vui vẻ lấy dao rạch tay cho mẹ nút máu. Lúc ấy các nhà chiêm tinh trong triều tiên tri rằng con sẽ là người thù của cha con. Do đó tên con là A Xà Thế (Ajātasattu - có nghĩa là người thù chưa sanh). Mẹ có ý định giết con ngay trong lòng, nhưng cha con không cho. Khi sanh con ra, mẹ nhớ đến lời tiên tri nên một lần nữa muốn giết con. Một lần nữa, cha con ngăn cản mẹ.

Một hôm con có cái mụt nhọt trên đầu ngón tay, nhức nhối vô cùng, khóc suốt ngày đêm, không ai dỗ được. Cha con đang cùng bá quan phân xử việc triều đình, nghe vậy cầm lòng không đậu, bế con trong lòng và không ngần ngại ngậm ngón tay con trong miệng, nhè nhẹ nút cho đỡ đau. Gớm thay! Cái nhọt bể, máu mủ tuôn ra trong miệng cha con và, sợ lấy tay ra con sẽ nghe đau, cha con nuốt luôn vào bụng cả máu lẫn mủ. Phải, đúng vậy, người cha hết lòng thương yêu con, vì tình phụ tử đậm đà, nhè nhẹ nuốt hết vừa máu vừa mủ.



Nghe đến đó Vua A Xà Thế bỗng dưng đứng phắt dậy gọi quân hầu, kêu lên như điên, "Hãy chạy mau, thả ra lập tức người cha yêu quý của Trẩm." Than ôi! Người cha yêu quý ấy đã ra người thiên cổ. Tin thứ nhì được trao tận tay Vua A Xà Thế. Vua hết sức xúc động, rơi luỵ dầm dề và đến lúc bấy giờ mới nhận thức rằng chỉ khi bắt đầu làm cha mới biết được tình cha thương con như thế nào. Vua Bình Sa Vương băng hà và tức khắc tái sanh vào cảnh Trời Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājika), tên là Jana-vasabha. Về sau Vua A Xà Thế được gặp Đức Phật, trở nên một thiện tín lỗi lạc và tạo được nhiều công đức trong cuộc Kết Tập Tam Tạng lần đầu tiên.



Kẻ Ác Devadatta (Đề Bà Đạt Đa).- Mặc dầu phục vụ thế gian với tâm tuyệt đối tinh khiết và hoàn toàn bất vụ lợi, Đức Phật lắm khi phải đương đầu với nhiều sự đối nghịch mãnh liệt trong những ngày chu du hoằng Pháp. Những người tự xem là thù nghịch với Đức Phật thường là đạo sư hay tín đồ các hệ thống tôn giáo chủ trương những nghi thức dị đoan, tạo những tập tục vô ích, có hại đến tiến bộ tinh thần. Nguy hiểm nhất là người anh vợ của Ngài khi Ngài còn là Hoàng Tử Sĩ Đạt Đa, và cũng là môn sinh của Ngài sau khi Ngài đắc Quả Phật.

Đề Bà Đạt Đa là con Vua Suppabuddha và Hoàng Hậu Pamitā, một người cô của Đức Phật. Công Chúa Yasodharā là chị ông. Như vậy, ông vừa là anh em cô cậu, vừa là anh vợ của Đức Phật khi còn là hoàng tử. Ông xuất gia cùng một lúc với Đại Đức Ananda và các hoàng thân dòng Thích Ca (Sākya). Tỳ Khưu Đề Bà Đạt Đa không đắc được Thánh Quả nào nhưng có nhiều phép thần thông (pothujjanika iddhi) lỗi lạc. Một trong các đại thí chủ hộ trì Ngài là Vua A Xà Thế, người đã xây cho Đề Bà Đạt Đa một tu viện.

Trong những ngày đầu tiên sau khi xuất gia, Tỳ Khưu Đề Bà Đạt Đa có một nếp sống gương mẫu, cao thượng đến độ Đại Đức Xá Lợi Phất đi khắp thành Vương Xá ca ngợi tài đức Ngài. Về sau, bị danh lợi trần thế làm mù quáng, Đại Đức Đề Bà Đạt Đa lại ganh tị với Đức Phật và hoàn toàn đổi tánh, trở nên thù nghịch nguy hiểm nhất của Đức Phật. Cùng lúc, khi lòng sân hận đối với Đức Phật khởi sanh và tăng trưởng trong tâm, bao nhiêu thần thông của ông tự nhiên mất hết. Mặc dầu tư cách ông xấu xa, Đề Bà Đạt Đa có rất đông đệ tử, và có người còn tôn sùng ông hơn cả Ngài Xá Lợi Phất.

Một hôm Tỳ Khưu Đề Bà Đạt Đa đến hầu Phật và thỉnh cầu Đức Phật trao quyền cho ông chưởng quản Giáo Hội Tăng Già, vì lúc ấy niên thọ Đức Phật đã cao. Đức Phật thẳng thắn từ chối, "Chí đến Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên mà Như Lai còn chưa giao phó Giáo Hội Tăng Già...." Đại Đức Đề Bà Đạt Đa lấy làm tức giận và nguyện sẽ trả thù. Sau đó Đề Bà Đạt Đa âm mưu với Thái Tử A Xà Thế toan sát hại Đức Phật. Ông khuyên A Xà Thế giết cha đoạt ngai vàng. Phần ông sẽ giết Đức Phật để nắm quyền chưởng quản toàn thể Giáo Hội Tăng Già. Kẻ bất hiếu A Xà Thế thành công mưu sát người cha có tâm đạo nhiệt thành. Tỳ Khưu Đề Bà Đạt Đa thuê những tay thiện xạ giết Đức Phật. Nhưng trái với điều ông mong muốn, tất cả những người ấy, lúc đến gần Đức Phật đều xin quy y Tam Bảo và theo Ngài. Mưu đồ bất thành Đề Bà Đạt Đa quyết tâm chính ông sẽ ra tay sát hại Đức Phật. Trong lúc Đức Phật đi bên sườn núi Linh Thứu (đỉnh núi có hình con kên kên) ông trèo lên đỉnh cao xô một tảng đá to lăn xuống ngay Đức Phật. May thay, đá va nhằm một tảng đá khác, bể ra làm nhiều mảnh, và chỉ có một mảnh vụn rơi nhẹ vào chân Đức Phật làm chảy máu. Vị lương y Jivaka liền đến săn sóc vết thương cho Ngài.



Một lần khác Đề Bà Đạt Đa mưu toan làm hại Đức Phật bằng cách cho tượng voi đá Nālāgiri uống rượu mạnh đến say rồi xua nó chạy xả vào Đức Phật. Khi tượng Nālāgiri trở nên rất dữ tợn, chạy vồ đến gần thì Đức Ananda vội vã đứng ra trước chặn lại, định hy sinh, cho voi đạp mình để cứu nguy Đức Phật. Nhưng lúc ấy Đức Thế Tôn dùng tâm từ (mettā) cảm hoá voi say. Sau những hành động tội lỗi ấy Đề Bà Đạt Đa mất hết uy tín, và dư luận cực kỳ chống đối ông. Vua A Xà Thế cũng bỏ rơi, không nâng đỡ ông nữa. Từ đó về sau những ngày đen tối dồn dập đến với Đề Bà Đạt Đa. Ông lâm bệnh trầm trọng. Trước khi nhắm mắt ông thành thật ăn năn hối cải và mong muốn yết kiến Đức Phật, lúc ấy ngự tại Kỳ Viên Tịnh Xá. Nhưng nghiệp dữ trổ sanh và ông phải chết một cách cực kỳ thê thảm, không được gặp Đức Phật. Mặc dầu ông phải tái sanh vào khổ cảnh và phải chịu sống trong ấy vì những tội ác quan trọng, kinh sách ghi rằng trong một tương lai xa xôi, do nhờ đời sống trong sạch và cao thượng trong những năm đầu khi mới xuất gia, Đề Bà Đạt Đa sẽ trở thành một vị Độc Giác Phật tên Atthisara.



Trưởng Giả Cấp Cô Độc (Anāthapindika) - Vị thí chủ rất quan trọng thời Đức Phật còn tại thế là Ông Cấp Cô Độc, một trưởng giả triệu phú. Do lòng quãng đại vô song của ông, người đời tặng ông danh hiệu “Anāthapindika”, có nghĩa là nuôi ăn những người xấu số không được giúp đỡ, hay trợ cấp cho những kẻ cô độc neo đơn (Cấp Cô Độc). Sāvatthi là nơi chôn nhau cắt rún của ông.



Một hôm ông Cấp Cô Độc có việc đi từ Xá Vệ đến Vương Xá để gặp người anh rể. Hôm ấy ông anh rể không ra đến cửa để đón ông như thường lệ, mà chính ông phải vào tận nhà sau để gặp ông anh, lúc ấy đang bận rộn chuẩn bị một bữa tiệc. Khi hỏi ra, Cấp Cô Độc lấy làm vui được biết rằng người anh rể đang sửa soạn để đón tiếp Đức Phật vào ngày hôm sau. Thoáng nghe danh từ "Buddha", Phật, trong lòng Cấp Cô Độc chớm nở một hứng thú lạ thường, và ông hết lòng mong mỏi được gặp Đức Phật. Ông cũng được biết rằng lúc bấy giờ Đức Phật đang ngự tại rừng Sītavana, gần đấy. Và khi nghĩ rằng qua ngày sau ông sẽ được cơ hội quý báu yết kiến Ngài thì ông lấy làm hoan hỉ, yên trí đi ngủ. Nhưng lòng ông vẫn nôn nao mong gặp Đức Phật đến độ không làm sao ngủ được. Trong đêm khuya ông dậy sớm và đi lần đến rừng Sītavana, xuyên qua một nghĩa địa. Lúc ấy một hiện tượng mới lạ xảy đến cho ông. Khi ra đi trong đêm tối, niềm tin của ông đối với Đức Phật thật vô cùng trong sạch. Do đó có những tia sáng phát tủa ra từ thân ông. Thấy ánh sáng tự nhiên phát sanh ông đâm ra sợ hãi và muốn quày trở về.

Bỗng nhiên như có lời vô hình khuyến khích ông hãy đi gặp Đức Phật. Được khích lệ, Trưởng Giả Cấp Cô Độc hết sợ, can đảm bước tới và đức tin trở lại mạnh mẽ. Ánh sáng do đó phát sanh. Ông lại sợ. Ánh sáng mất. Lại có lời vang vọng khuyến khích. Và như vậy đến lần thứ ba. Rốt cùng, ông đến rừng Sītavana nhằm lúc Đức Phật đang thiền hành ngoài trời, biết rằng lúc ấy ông sẽ đến. Đức Phật gọi ông bằng tên tộc, Sudatta, và bảo ông lại gần. Trưởng Giả Cấp Cô Độc lấy làm hoan hỉ được yết kiến Đức Thế Tôn và cung kính hỏi thăm Ngài có an vui không. Đức Phật trả lời:

"Chắc chắn lúc nào cũng an vui

Vì bên trong vị A La Hán

Mọi thứ lửa đều dập tắt.

Không còn đeo níu dục vọng,

Hoàn toàn mát mẻ.

Dứt bỏ mọi mầm giống

Khả dĩ tạo kiếp sống mới,

Cắt đứt mọi trói buộc phiền luỵ.

Chế ngự mọi đau khổ và thèm khát, trong tâm

Vị A La Hán lúc nào cũng vắng lặng và tự tại

Vì tâm đã thành đạt trạng thái

thanh bình, tịch tịnh.

(Kindred Sayings - Tương Ưng, phần I, trang 173)


Sau khi nghe Đức Phật thuyết giảng, Cấp Cô Độc đắc Quả Tu Đà Huờn (Nhập Lưu). Ông cung thỉnh Đức Phật nhập Hạ tại Xá Vệ (Sāvatthi). Đức Phật chấp thuận và gợi ý rằng chư Phật chỉ thích sống nơi vắng vẻ. Trưởng Giả Cấp Cô Độc trở về Xá Vệ mua một thửa đất của Hoàng Thân Kỳ Đà (Jeta). Chuyện tích ghi rằng ông Hoàng Jeta có ý không muốn bán nên thách một giá thật cao để Ông Cấp Cô Độc thối chí không mua. Giá tiền của thửa đất ấy được phân định bằng cách sấp tiền vàng trên mặt đất, tiền trải ra đến đâu là đất đó được bán. Nhưng Cấp Cô Độc vẫn đồng ý mua. Trên đất ấy Trưởng Giả Cấp Cô Độc kiến tạo ngôi tịnh xá trứ danh Kỳ Viên Tịnh Xá (Jetavana). Nơi đây Đức Phật nhập Hạ mười chín lần, và phần lớn các bài Pháp được Ngài thuyết giảng tại đây. Đa số các bài Pháp có liên quan đến hàng cư sĩ là do Đức Phật giảng cho Ông Cấp Cô Độc.


Lần nọ, khi thuyết giảng cho ông về hạnh bố thí, Đức Phật dạy rằng dâng cúng đến chư Tăng hay Đức Phật là tạo rất nhiều phước báo. Nhưng kiến tạo tu viện để chư tỳ khưu có chỗ tu hành càng được nhiều phước báo hơn. Càng nhiều phước báo hơn xây cất tu viện là quy y Tam Bảo. Càng nhiều phước báo hơn quy y Tam Bảo là nghiêm trì năm giới. Càng nhiều phước báo hơn trì giới là hành thiền về tâm từ. Và cuối cùng, hơn tất cả các phước báo là phát triển tâm nhằm chứng ngộ tánh cách vô thường của vạn hữu.


Đến nay, 26 thế kỷ miệt mài trôi qua, xã hội vùng đó vẫn chẳng thay đổi bao nhiêu. Người dân dã được sinh ra trong giai cấp thấp hèn phải cam chịu an bài trong vòng lao khổ không cơ hội vươn lên hay thoát ra. Những người trong giai cấp đặc ân quyền quý vẫn hưởng đầy quyền lực. Nhìn lại để so sánh, chính nước Mỹ đã phải trải qua một cuộc “cách mạng” bằng nội chiến tương tàn, để có thể giành quyền làm người cho các nô lệ da đen, và rồi Mỹ trở thành một quốc gia có nền văn hoá đa nguyên nhất, với tầm sinh hoạt và văn minh hàng đầu thế giới về mọi lỉnh vực khoa học, văn hoá, thể dục, tôn giáo.



Nền khoa học cách đây 26 thế kỷ vẫn còn thời hồng hoang sơ khai, con người chưa có kính hiển vi hay viễn vọng, cũng chưa có phi thuyền không gian, vậy mà Đức Phật đã chỉ tay vào một thau nước và nói: “trong đây có hằng vạn hằng ức chúng sinh.” Điều này vượt ra ngoài trí hiểu biết của con người đương thời, vì mãi sau này khi khoa học tiến bộ, loài người mới hiểu ra trong dung dịch sống ấy có vô số vi trùng, vi khuẩn, và mọi loài vật chất đều được cấu tạo từ sự kết hợp của các nguyên tử. Đức Phật cũng nói “trong vũ trụ ngoài thế giới này còn có hằng hà sa số thế giới khác.” Khoa học gia lỗi lạc nhất của loài người, Albert Einstein đã từng nói: “nếu có một tôn giáo nào không hề lỗi thời với đà tiến triển của nhân loại, tôn giáo ấy chính là Phật Giáo.” Những lời dạy của Ngài về vũ trụ nhân sinh, cho đến nay vẫn là chân lý; và khoa học càng tiến bộ chừng nào, lại càng chứng minh sự chính xác của mọi điều Ngài chỉ dạy từ xa xưa. Trí tuệ sâu xa ấy của Ngài do đâu mà có? Đức Phật dạy rằng Trí huệ ấy cũng sẵn có trong tất cả chúng sanh, chỉ vì vô minh che lấp nên mãi chịu kiếp đoạ đày trong trần lao sinh tử, như mặt trăng luôn hiện hữu trên trời không, vì mây phủ che nên trái đất bị bao trùm trong bóng tối. Người biết tụ tập, như Đức Phật từng làm, sẽ tiếp nhận được trí huệ từ Phật tánh có sẵn nơi mình.



Danh tiếng của Đức Phật lan truyền đi khắp nơi đến nỗi sư Huyền Trang của Trung Quốc theo tiếng gọi linh thiêng tầm đạo đã thiên khổ vạn nan vượt đường bộ, qua bao đồi núi khắc trở, đến xứ Thiên Trúc rồi mất thêm 15 năm trời tu học diễn dịch từ tiếng Phạn cuối cùng mang về được ba tạng kinh điển. Chuyến phiêu lưu kỳ ảo này còn lưu lại qua huyền thoại Tây Du Ký. Nhờ kinh điển đó Đạo Phật được truyền bá sang Đại Hàn, Nhật Bổn, Tích Lan (Sri Lanka), Miến Điện (Myanma), Thái Lan, Nam Dương (Indonesia), Việt Nam, Cam Bốt. Các tông phái Thiền Định, Tịnh Độ, Nguyên Thuỷ, Hoa Nghiêm Tông, Niệm Phật v.v... cùng phát triển khắp nơi. Tại Tây Tạng thì phái Mật Tông (trì thần chú) được phổ biến với các vị Đại Lai Lạt Ma có nhiều khả năng huyền bí. Ngày nay theo trình độ tiến hoá của nhân loại Đạo Phật bắt đầu được các quốc gia Tây Phương tìm hiểu và học hỏi với lòng khâm phục.



Đức Phật dạy đệ tử: “Hãy đến với giáo pháp với nhận xét của các con. Nếu đạo Pháp giúp con tăng tính thiện và giảm tính xấu, con hãy tin vào đó. Bằng nếu ngược lại giáo Pháp làm con thêm ác và giảm tốt, con hãy từ bỏ nó.” Như vậy Đạo Phật từ chối vai trò thần khải (tin tưởng tuyệt đối vào các giáo điều) của một đấng toàn năng nào đó. Đức Phật nói: “Khi ta dùng ngón tay để chỉ các con về hướng mặt trăng, chớ lầm tưởng ngón tay ta là mặt trăng” như một lời cảnh giác sự tin tưởng quá tuyệt đối vào ngôn từ trong các giáo điều. Điều quan trọng là thấu hiểu ý nghĩa cứu cánh cao xa chứ không nên bị giới hạn trong phương tiện ngôn từ.



Khi sức khoẻ Ngài cạn kiệt gần giờ phút lâm chung, Ananda hỏi: Ai sẽ là người thay thế? Đức Phật nói: Hãy tin vào Đạo Pháp. Giáo Pháp sẽ thay ta mà hướng dẫn chúng sanh. Lúc ấy hai vị đại đệ tử Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã nhập diệt trước đó ba tháng. Hai vị Tỳ Khưu La Hầu La và Tỳ Khưu Ni Da Du Đà La (tức con trai và vợ Ngài) cũng đã viên tịch. Đệ tử Ananda, một Tỳ Khưu đầy đạo hạnh, cũng chính là anh em khác mẹ của Ngài. Một lần nữa, màu da của Đức Thế Tôn trở nên sáng lạng, rực rỡ một cách lạ thường, báo hiệu phút lâm chung. Ngài dạy: "Này Ananda, Giáo Hội các đệ tử còn mong gì ở Như Lai? Như Lai đã truyền dạy Giáo Pháp mà không có sự phân biệt nào giữa giáo lý bí truyền và giáo lý công truyền. Về chân lý, Như Lai không khi nào có bàn tay nắm lại của một ông thầy. Có người nào đó sẽ nghĩ rằng: 'Chính ta sẽ lãnh đạo Giáo Hội các tỳ khưu', hoặc, 'Giáo Hội các tỳ khưu sẽ tuỳ thuộc nơi ta', hoặc 'Chính Đức Phật phải dạy điều gì có liên quan đến Giáo Hội'. Này Ananda, Như Lai không nghĩ rằng có người nào phải lãnh đạo Giáo Hội các tỳ khưu, hoặc Giáo Hội phải tuỳ thuộc nơi người nào. Tại sao Như Lai phải truyền dạy một điều nào có liên quan đến Giáo Hội?”..."Vậy, này Ananda, hãy tự coi chính con là hải đảo (chỗ ẩn náu) của con, chính con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa bên ngoài. Hãy xem Giáo Pháp như hải đảo của con, là chỗ nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa bên ngoài."

26 thế kỷ đã trôi qua từ lúc Ngài nhập niết bàn. Chúng ta thử nhìn lại một vài điểm chánh rút tỉa từ lời Phật dạy.



Đạo Phật gần với thực tế. Đạo Phật đề cao giá trị của Trí Tuệ, tránh lối tin tưởng mù quáng. Có tôn giáo như Ky Tô Giáo đặt trọng tâm vào Đấng Toàn Năng, và loài người chỉ cầu xin tha lực ban phát xuống từ Đấng Toàn Năng. Đạo Phật lấy con người làm chủ thể, lấy lý nhân quả làm chủ động cho hành vi của quá khứ, hiện tại và tương lai. Tất cả hành vi xấu tốt đều là nhân duyên do ta gây ra cho kết quả trong tương lai, và con người cần ý thức để tránh gây nhân xấu. Cây sanh trái, trái sanh cây, trùng trùng duyên khởi. Vì vậy căn bản đạo đức là ngũ giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm (tức vợ chồng phải chung thuỷ), không nói dối, không rượu chè say sưa. Giới là những quy định tự nhiên trong đời sống thông thường. Luật được hiểu là quy luật dành cho những người xuất gia, sống trong chùa chiền hay thiền viện. Giới được nhắc tới như một phần trong ba nhóm của Bát Chính Đạo, một trong Tam Học, cũng là một của các hạnh Ba-la-mật-đa. Trong xã hội mọi người sống thở đều có hành vi tương quan lệ thuộc lẫn nhau. Một xã hội mà mọi công dân đều am hiểu lý nhân quả để làm việc lành và gìn giữ ngũ giới để tâm an định, xã hội đó sẽ đầy đủ an bình lạc phúc. Phật Giáo không phải là một lối sống tuyệt đối trí thức, tức hoàn toàn duy lý, cũng không phải chỉ thiên về những nghi thức lễ bái tụng niệm. Đạo Phật bao gồm cả hai sắc thái trí thức và xúc cảm của đời sống con người. Thái độ của Đức Phật đối với cuộc sống là trí thức thực dụng. Chính sự phối hợp giữa lý thuyết và thực hành đã hướng dẫn người tín đồ đến giác ngộ và giải thoát cùng tột.



Đạo Phật lấy đau khổ làm đối tượng. Tu đạo tức là chọn con đường diệt khổ. Đức Phật đã nói cùng với các đệ tử: "Này các Tỳ kheo, xưa cũng như nay ta chỉ nói lên sự khổ và diệt khổ" (Trung Bộ Kinh). Đạo Phật chủ trương tôn trọng sự sống, không giết hại, nhưng không coi sự sống là một điều thiêng liêng bất khả xâm phạm. Đối với đạo Phật, sự sống cũng như sự chết đều nằm trong một vòng sinh tử rộng lớn. Mọi hiện hữu đều là vô thường. Nếu biết tu tập thì từng sát na của sự sống hiện tại là cao quý. Bằng không thì chỉ là chuỗi dài nghiệp quả nhận lãnh từ những duyên khởi gây ra trong quá khứ. Chết chỉ là một giai đoạn, sinh ra cũng chỉ là một giai đoạn. Trùng trùng duyên khởi luân hồi. Ngoài đạo Phật ra, còn có nhiều con đường tâm linh khác nữa, người Phật tử cởi mở bao dung sẽ không bao giờ phủ nhận điều đó. Cũng như có một mặt trăng, nhưng có nhiều "ngón tay chỉ mặt trăng"...Ngay trong Đạo Phật hiện nay cũng có nhiều tông phái tu tập, thí dụ như người tu Tịnh Độ niệm Lục tự Di-Đà, Mật Tông trì chú, Thiền Nguyên Thuỷ giữ chánh niệm trên bốn lĩnh vực thân-thọ-tâm-pháp...



Đạo Phật dạy công thức giải thoát. Mọi chúng sinh tuỳ nghiệp duyên mà phát nguyện trì hành. Giới-Định-Huệ (tức tam vô lậu) là ba sự liên hệ hỗ tương, đan xen vào nhau và nhân quả cho nhau. Giới là giữ tâm ý trong sạch, căn bản là Ngũ Giới cho người tại gia, Thập Thiện cho người xuất gia. Nếu đèn có ánh sáng sẽ chiếu soi mọi vật. Những pháp môn Phật dạy đều giúp tâm hành giả bớt tán loạn, dần dần trở nên thanh tịnh, tức Định. Định là trạng thái tĩnh lặng, mọi vọng khởi như giọt nước nhểu trên lá sen, không dính mắc mà trôi đi, mà Thiền sư Suzuki ví như: “mặt biển im phắc trong bóng đêm, không gợn sóng và phản chiếu sao trời”. Khi tâm an định, Huệ phát sinh, như mặt hồ yên tĩnh, ánh trăng soi bóng sáng ngời. Trí tuệ nầy không từ bên ngoài mà hấp thụ. Trái lại Trí Tuệ có sẵn nơi mỗi chúng sanh, ở Phật không thêm nơi phàm phu chẳng bớt, nên gọi là “trí vô sư”, như lời Đức Bổn sư tuyên bố: “Ta học đạo không thầy”. Chính nơi trí tuệ siêu việt nầy, Đức Phật biết tường tận bản thể của mọi sự vật, từ vô thuỷ đến vô chung, nên những lời Ngài nói ra đều là chân lý tuyệt đối.

Theo lộ trình Tam vô lậu học này hành giả trở về với chính mình, an định và tiếp nhận tánh giác bản lai, nhập chân tánh, khải mạc Trí vô sư sẵn có. Đó chính là viên ngọc như ý của người giác ngộ. Trí tuệ chánh đẳng chánh giác chói toả như mặt trời không mây, quét sạch bóng đêm vô minh, hành giả giác ngộ toàn triệt như Sa-môn Cồ-Đàm từng chứng đắc trong Đêm thành đạo.



Quả vị Phật là kết-tinh của tự lực. Đêm ấy khi tĩnh toạ trên mớ cỏ khô dưới cội bồ-đề, tại Bồ-Đề Đạo-Tràng (Buddhagaya), Ngài tự nguyện : “Dù rằng thịt ta phải nát, xương phải tan, hơi phải-mòn, máu phải cạn, ta quyết ngồi nơi này đến khi được hoàn toàn đắc quả vô thượng”. Vào ngày rằm, tháng Vesak, Ngài đắc quả Chánh Đẳng, Chánh Giác. Màn vô minh đã được giải toả và trí tuệ phát sanh. Trong cuộc chiến đấu phi thường để thành đạt Đạo Quả, Ngài đã vẻ vang chiến thắng. Ánh sáng Chân Lý đã bật soi cho Ngài những bí ẩn của đời sống. Cuộc chiến thắng tinh thần vô cùng vinh quang rực rỡ này đã biến Đạo Sĩ Cồ Đàm (Gotama) thành một vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác, đấng Chánh Biến Tri, toàn năng vô thượng. Ngài đọc lên bài kệ hoan hỉ:

"Xuyên qua nhiều kiếp sống

trong vòng luân hồi,

Như Lai thênh thang đi, đi mãi.

Như Lai đi tìm mãi, mà không gặp,

Như Lai tìm người thợ cất cái nhà này.

Lặp đi lặp lại đời sống quả thật là phiền muộn.

Này hỡi người thợ làm nhà,

Như Lai đã tìm được ngươi.

Từ đây

Ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa.

Tất cả sườn nhà đều gãy,

Cây đòn dông của ngươi dựng lên

Cũng bị phá tan.

Như Lai đã chứng Quả Vô Sanh Bất Diệt,

Và Như Lai đã tận diệt mọi Ái Dục."

(Kinh Pháp Cú, Dhammapada, câu 153-154 )



Trong kiếp sống cuối cùng, giữa khung cảnh cô đơn tịch mịch của rừng thiêng, lúc đi sâu vào công trình hành thiền mà Ngài đã dày công trau dồi từ xa xôi trong quá khứ, Ngài khám phá ra anh thợ cất nhà hằng mong mỏi muốn biết. Anh thợ này không phải ở đâu xa lạ bên ngoài, mà vẫn tiềm tàng nằm sâu kín bên trong Ngài. Đó là Ái Dục, sự tự tạo, một thành phần tinh thần luôn luôn ngủ ngầm bên trong tất cả mọi người. Tìm ra người thợ cất nhà, biết được nguyên nhân lôi cuốn chúng sanh trong vòng sanh tử triền miên, tức Ngài đã tận diệt Ái Dục. Quả chứng đắc này là kết-tinh cuối cùng của một lòng tự tin, tự lực, tự giác, chớ không phải nhờ ở một quyền lực siêu nhiên nào giúp đỡ. Ngài đã diệt được bao điều chi phối của ngoại cảnh đối với thâm tâm để trở thành thanh tịnh chứng pháp, lãnh hội rõ ràng chân tánh của một sự vật: Ngài đã là đấng Toàn Giác, Ngài đã thành Phật. Lúc bấy giờ Ngài 35 tuổi. Từ đấy người ta gọi Ngài với danh hiệu Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.



Đức Phật truyền dạy tư tưởng cộng hoà và mầm mống dân chủ. 26 thế kỷ trước Đức Phật đã gieo hạt giống cộng hoà đầu tiên trong cách điều hành và phát triển Phật Giáo. Vào thuở đầu tiên ấy có sáu mươi vị A La Hán trên thế gian. Với tăng đoàn đầu tiên ấy làm nòng cốt, Đức Phật sáng lập "Giáo Hội của những người sống độc thân". Các hội viên đầu tiên là những người thuộc giai cấp lãnh đạo có học thức và cao sang nhất trong xã hội thời bấy giờ. Tuy nhiên Giáo Hội đã mở rộng cửa đón nhận tất cả mọi người xứng đáng, không phân giai cấp, đẳng cấp hay chủng tộc. Cả già lẫn trẻ, ở mọi tầng lớp, đều có thể được chấp nhận vào đoàn thể để chung sống trong tình huynh đệ, như anh em trong một gia đình. Giáo Hội ấy chính là một hệ thống tổ chức thật sự dân chủ tiên phong nhất trong lịch sử nhân loại. Khi rải các đệ tử đi hoằng hoá Giáo Pháp trong thiên hạ, Ngài gửi lời khuyên nhủ chư tăng như sau : “Hỡi chư Tỳ-Kheo, các con hãy mạnh dạn ra đi, đi vì ích lợi cho chúng sanh, đi vì hạnh-phúc an vui cho nhân quần, xã hội, đi vì thương xót nhân loại. Các con hãy đi khắp chốn, ban bố giảng dậy Pháp này là diệu Pháp hoàn hảo. Các con hãy nêu cao đời sống Thánh Đức khiết thanh, luôn luôn kiện toàn và trong sạch.” Cũng nên lưu ý, Đức Phật không khuyên tất cả mọi người nên rời bỏ đời sống gia đình để đắp y mang bát, trở thành tu sĩ không nhà cửa, không tiền của, sự nghiệp. Một người cư sĩ tại gia cũng có thể sống đời cao đẹp, thích ứng với Giáo Pháp và chứng đắc Thánh Quả. Cha mẹ và bà trước kia là vợ của Ngài Yasa là những người cư sĩ tại gia đầu tiên bước theo dấu chân của Đức Phật. Tất cả ba đều tiến triển đầy đủ về mặt tinh thần để thành tựu Đạo Quả Tu Đà Huờn.



Đức Phật đã dạy đức từ bi, hỉ xả gần 600 năm trước chúa Jesus ra đời. H.G. Wells, là một học giả người Anh đã viết: “Đức Phật là một nhân vật vô cùng giản dị, có Tâm Đạo nhiệt thành, tự lực một mình phấn đấu cho ánh sáng tươi-đẹp, một con người sống, chứ không phải là một nhân vật của thần thoại, huyền bí. Bên sau cái bề ngoài hơi ly kỳ thần thoại mà người đời hay gán cho ngài, tôi chỉ thấy rõ một con người như bao nhiêu vị Giáo Chủ khác. Ngài cũng truyền lại một tuyên ngôn, một hệ thống giáo lý rộng rãi khả dĩ thích hợp cho khắp loài người. Bao nhiêu ý niệm văn-minh của ta ngày nay cũng đều hoà hợp được với giáo lý ấy. Ngài dậy rằng tất cả cái bất-hạnh và phiền não của ta là do lòng ích kỷ mà ra, Ngài đã nhất định không sống riêng cho Ngài mà phải sống cho kẻ khác, từ đó Ngài sống một cuộc đời siêu nhân trên tất cả mọi người. Xuyên qua mọi ngôn ngữ khác nhau.”

Đạo Phật vẫn tồn tại và phát triển qua bao biến cố. Ngày nay nhiều chùa chiền của các sắc dân trên thế giới đã mọc lên khắp nơi trong 4 vùng thánh tích nơi Ngài đản sanh, thành đạo, chuyển pháp luân và nhập Niết Bàn. 26 thế kỷ qua những tàn phá của các bạo chúa Hồi Giáo (Islam) và Ấn Độ Giáo (Hindu) tàn sát tăng sư Phật Giáo biến nhiều di tích này thành đống gạch vụn. Những dấu vết tiên phong của Đức Phật vẫn còn lưu lại sáng ngời một gương dũng cảm để dẫn dắt chúng sinh, vượt qua bao oan nghiệt của xã hội phong kiến.



Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một vị Phật trong trường chi vô lượng Phật quá khứ và vị lai. Một vị Phật khác được các phật tử tụng niệm thường xuyên là Phật A Di Đà, giáo chủ xứ Cực Lạc. Phật Thích Ca cho biết trong tương lai sẽ có một vị Phật khác hạ sanh trong thế giới này, môi trường sống sẽ rất khác và lúc ấy đời sống con người rất dài, loài người cần một giáo chủ mới để dạy dỗ nhắc nhở con đường về Chánh Đạo. Tên vị Phật tương lai đó là Di Lặc Tôn Phật.



Cát Biển
(Jan – 2010)

Return to “Tu Tập”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 3 guests