Sân hận và cách giải trừ theo Ngũ Hành

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Sân hận và cách giải trừ theo Ngũ Hành

Postby nmchau » 16 Aug 2008 20:19

Ghi lại 3 kỳ nói chuyện của thầy Hằng Trường trên radio Khai Tâm

KỲ 1



Hỏi: Xin thầy cho biết sân hận là gì, nguyên nhân và hậu quả của sân hận, và cách giải trừ sân hận.

Sân hận là một đề tài thường được nói đến vì ai trong chúng ta cũng từng muôn vạn lần sân. Sân có rất nhiều khía cạnh. Trong đạo Phật, môn học cao nhất là làm sao chuyển hóa sân hận ra tình thương. Gọi là môn học vì bất kỳ người nào tu hành thì cũng phải học môn đó.

Sân là giận dữ, là lúc bản ngã của mình không được thỏa mãn. Phản ứng của sự không thỏa mãn này là tức, giận. Người thường hay tức bực, không có được sự thỏa mãn bản ngã này thì mình gọi là người nóng nảy, hay quạu.

Một môn khoa học rất quan trọng trong văn hóa của người Trung Hoa và cũng của phật giáo là Ngũ Hành, nói về những đặc tính, 5 màu sắc của sự giận dữ đó. Ở đây sẽ dùng phương pháp ngũ hành để phân tích cho rõ.



Hỏi: Người hay sân hận là người ở vào mạng hỏa, có đúng không?

Chữ mạng có ý nghĩa như định mạng tức không thay đổi được. Trong Phật giáo, mình không nên nói rằng người này mạng hỏa hay mạng thổ..., làm cho họ ở trong một cái dạng không biến đổi được, làm cho họ bị cố định. Phật giáo không nói về cái mạng mà nói tánh tình, hình dạng người đó thuộc về ngũ hành nào trong KIM MỘC THỦY HỎA THỔ. Người giận dữ nhiều thì mình hình dung họ là con người nóng nảy như lửa, đúng, nhưng không phải là mạng hỏa. Có thể tâm tánh, hình dạng của họ làm điều kiện khiến nóng giận phát sinh lẹ hơn. Nên trong ngũ hành nói thân thể của mình có 5 dạng chính.

Kim: mặt dạng nhọn, Thổ: mặt vuông, Hỏa: đầu nhọn như ngọn lửa, mặt Mộc thì dài còn mặt Thủy thì chảy xuống như giọt nước. Nói như vậy không phải là tướng số mà chỉ nói về dạng của mặt theo 5 đặc tính KMTHT. Đây là một khoa học của người Trung Hoa ngày xưa, đi liền với Kinh Dịch. Dùng những đặc tính của ngũ hành để nói về sân hận rất thực tế và dễ hiểu.



Hỏi: Biểu lộ của người mạng hỏa như thế nào.

Nên nói là người hành hỏa, không phải mạng hỏa. Mỗi hành biểu hiện bằng 2 dạng: âm và dương. Âm là tiêu cực, dương là tích cực. Người có biểu hiện hành hỏa tích cực thì rất sáng suốt, nói những lời ứng khẩu rất rõ ràng. Người hành hỏa “âm” hay tiêu cực thì khi bất như ý, giận thì họ hay bộc phát, hay chửi thề, nói một cách như lửa cháy, nghe họ nói tim gan mình sôi sục lên. Nhưng họ không có ác ý mà chỉ nói cho đã miệng thôi, để tức khí của họ giải tỏa. Người hành hỏa “dương” khi có chuyện bất như ý thì họ rất sáng suốt, họ phân tích và nhìn được cái nguồn gốc chuyện đó ở đâu ra, như ngọn đèn chiếu tới chỗ đen tối. Họ rất hay, rất minh lý. Họ sáng suốt, rõ ràng và không dễ giận. Thành ra không phải người hành hỏa là giận dữ nhiều. Người hành hỏa “âm” mới nhiều giận dữ, chửi thề...



Hỏi: Người hay giận dữ thì nên làm gì để hoán chuyển?

Mình cần biết người đó thuộc vào loại hành nào trong KMTHT. Gặp một người đang giận dữ, mình chỉ nói “thôi bớt giận đi”, họ cũng không trừ được. Nhưng nếu mình biết là người này thuộc hành hỏa âm, khi họ giận, chửi thề thì, cái gì là khắc với hỏa? – Thủy. Vậy muốn dập tắt hỏa thì mình dùng dương thủy để làm âm hỏa triệt tiêu. Một người khi giận lên thì la làng, nói lớn, chửi thề, nói cho đã thì nên làm gì? Người đó nên tập để có được cái dương thủy, tức là cái tình thương. Khi có tình thương thì mình trở nên nhẹ nhàng, dịu dàng, ít khi nói những lời bộc phát, la lối dữ dằn. Cho nên họ nên tập thương, tập cho có tình thương.

Tập làm sao? Nếu mình là cha mẹ thì nên tập cho con cái có dương thủy bằng cách dạy nó nói cám ơn, biết ôm cha mẹ, biết mời cha mẹ ngồi..., tức là những hành động hỗ trợ cho tình thương, sự quan hoài. Khi làm như vậy thì đặc tính dương hỏa là đặc tính biết giữ lễ cũng đi theo. Dương thủy thường làm cho âm hỏa triệt tiêu



Hỏi: Lòng quan hoài cho người khác có thể gọi là dương thủy không?

Đúng. Hi vọng khi nghe, các bác không cần phải nhớ cái nào là dương thủy hay âm hỏa mà chỉ cần nhớ phương pháp đối trị: làm sao hóa giải tính hay giận dữ, bộc phát: tập tình thương người khác, tập nhẹ nhàng dịu dàng như nước chảy xuống, mát và nhẹ nhàng dịu dàng vô cùng.



Hỏi: Người hành thổ thì như thế nào?

Người hành thổ có tướng trạng diện mạo như sau: mặt vuông chữ điền, da ngăm ngăm nhưng không đen vì đen là hành thủy rồi. Người hành thổ âm khi gặp chuyện bất như ý (mình đang nói đề tài giận) thì họ thâm trầm, tính toán mưu kế, không nói ra, không biểu hiện ra mặt, mình không biết họ đang giận. Họ không trợn mắt, không mỉm cười mà mím môi. Họ ngấm ngầm tính kế để chôn vùi đối phương. Người hành thổ thâm trầm như vậy thì đối phó bằng gì?



Hỏi: Mình nên thẳng thắn phơi bày ra hết thì họ không còn tính mưu kế gì được. Làm như vậy thì tức là người mộc phải không thầy?

Đúng. Người hành Mộc dương tức là cây thì có đặc tính lúc nào cũng vươn lên mặt trời, cây là đại biểu cho sự sống. Người âm thổ lúc nào cũng chôn giấu, không cho ai biết cả. Người hành mộc dương thì bộc trực, bưng sự thật ra, phơi bày ra.



Như vậy các bác sẽ đặt câu hỏi tôi thuộc về hành nào? Thì đây là cách để biết.

Khi có chuyện giận nếu mặt bác đỏ lên, bác chửi bới lớn tiếng, la làng, tai và đầu đỏ lên thì bác thuộc về hành hỏa. Nếu là dạng thổ thì gặp chuyện khó khăn, thường thường mình sẽ mím môi, không nói gì cả, ngồi yên nhìn xuống, suy nghĩ liên miên, mặt vàng bệch. Họ tránh nhìn thẳng vào mắt vì con mắt là thuộc về hỏa, nhìn mắt thì sinh ra dương thổ cho nên họ tránh. Họ thâm trầm vô cùng. Khi bác giận mà đóng cửa không nói gì, là lúc hành thổ đang phát triển.

Khi nghe chuyện làm mình khó chịu mà mặt mình trắng bệch không còn giọt máu, hơi thở khó khăn, mình tức giận nhưng không chửi bới mà sẽ nói những câu xỏ xiên trách cứ là mình đang bị hành kim. Khi mình biểu hiện giận dữ bằng cách khóc lóc, mặt mày nhầy nhụa, mình buồn, cảm thấy mọi chuyện sụp đổ, mình bất lực không làm gì được cả, thì đó là âm thủy đang hoành hành.

Trường hợp gặp chuyện bất như ý, nghịch cảnh làm mình giận dữ mà mình cảm thấy nghẹt thở, muốn chống lại, mặt xanh lè là đang có hành mộc. Mình lẩm bẩm, người run lẩy bẩy không vững, có khi xỉu cái đùng,

Mỗi hành này đều có âm và dương. Nếu mình biết thuộc về hành âm nào thì mình dùng đối cực dương để trị. Thí dụ như âm hỏa thì dùng dương thủy để trị.

Cái quan trọng nhất là làm sao chuyển hóa được những đặc tính âm trong con người mình để không bị cái giận dữ nó khống chế.



Tóm lược:

Ai trong chúng ta cũng có lòng sân hận cả. Sân hận không phải là chuyện xấu hay chuyện tốt mà là một thực tại của con người. Bây giờ mình muốn sống hòa bình thì mình làm sao chuyển hóa cái sân hận này ra tình thương. Có rất nhiều cách mà đây là cách dùng khoa học của ngàn đời trước là ngũ hành để điều hòa lại những tính tình trong người mình, do đó đạt được sự bình hằng. Khi mình có được sự bình hằng thì sân hận đó không còn khống chế mình, cuộc sống mình lúc nào cũng được ở trong trạng thái điều hòa. Chữ hòa là cái quan trọng nhất của con người tu dưỡng. Khi mình có tu dưỡng thì lúc nào mình cũng hòa cả, 5 hành KMTHT được điều hòa. 5 cái tạng trong người mình tức tâm can tỳ phế thận (tim gan tỳ phổi thận) sản sinh ra 5 cái khí làm cho 5 hành điều hòa. Đó là lý do mình cần học để chuyển hóa, điều hòa con người mình. Khi con người điều hòa rồi thì xã hội cũng điều hòa, trả lời cho câu hỏi đầu tiên mình đặt ra: làm sao để không còn chiến tranh nữa?





kyoto-cakoi_6426.jpgKỲ 2



Sân thì ai cũng có nhưng hận thì khác. Hận là phản ứng của lòng giận dữ mà mình giữ trong lòng, giữ hoài qua nhiều năm nhiều tháng, có khi nhiều đời nữa. Cái hận đó đưa tới sự muốn làm sao triệt tiêu đối thủ. Thường thường phóng ảnh của cái hận đó là mình ghét người này nguời nọ nhưng thực sự ra là mình không thể tha thứ được và không thể nhìn vào lòng mình được.

Giận dữ là phản ứng khi bản ngã không được thỏa mãn, phản ứng của nghịch cảnh. Giận dữ có 5 mầu sắc KMTHT. Nhưng quan trọng là nếu mình hoán chuyển được sự giận dữ thì mình sẽ có được sự an lạc.

Bản chất của giận dữ là sự khép kín của tâm hồn mình, mình không muốn nhìn sâu vào bản chất của sự giận dữ, không làm gì với cái năng lượng tạo ra sự giận dữ đó. Nếu thấy ngũ hành nghe mệt quá thì bác chỉ cần nhớ 1 chữ thôi là làm sao cho tâm mình luôn luôn cởi mở, khai tâm tức lúc nào tâm mình cũng mở rộng như bầu trời không có mây vậy. Tức lúc nào mình cũng ở trong trạng thái điều hòa ngũ hành âm dương.



Hôm nay mình đi vào chi tiết và nói cách làm sao để hoán chuyển.



Hỏi: Người khi giận mặt trắng bệch thì thuộc về hành nào và làm sao để hóa giải?

Khi giận mà mặt trắng bệch, mặt cắt không có giọt máu tức là thuộc về hành kim, âm kim. Người này còn có đặc tính là ít biết tha thứ, rất hay đố kỵ. Mình phải dùng lửa đốt cái kim. Người hành kim khi giận dữ hay nói chuyện nhọn hoắt, xiên xỏ, những chuyện mình nghe như bị đâm vào đau nhói. Người hành hỏa mà chửi thì mình nghe là mình nóng giận lên liền, còn người hành kim không chửi bới nhưng nói xiên xỏ cho mình nghe đau nhói trong lòng. Mình không nghe lửa trong người bốc lên nhưng nghe đau vô cùng tưởng phải ôm bụng vì đau.



Hỏi: Ngũ thường là gì và có sự liên hệ với ngũ hành không?

Ngũ thường là 5 đặc tính làm mình thành người quân tử. Ngũ thường là kim chỉ nam cho những người muốn học để trở thành người lãnh đạo, người quân tử. Ngũ thường gồm có nhân lễ nghĩa trí tín, phối hợp với 5 đặc tính của ngũ hành. Người hành mộc có nhân, biết lo lắng nâng đỡ người khác. Người hành hỏa thì biết giữ lễ, sáng suốt vô cùng, biết thế nào là đúng hay sai, biết rõ chân lý. Người hành thổ dương thì có chữ tín, không bao giờ làm mưu kế âm thầm, quỷ kế đa đoan cả. Người dương kim thì rất nghĩa khí, có ý chí, làm chỗ dựa cho kẻ khác, làm cho mình tin tưởng vô cùng. Người dương thủy thì có social intelligence, có trí huệ giúp người ta đạt tới mục tiêu. Tình thương thuộc về thủy tính mà tình thương đi cùng với trí huệ trong đạo Phật là một cặp song hành. Người có dương thủy thì họ có trí huệ và khi họ hành sự thì mình cảm thấy có tình thương, chứ không phải sự thông minh của người hỏa, mà là cái trí huệ biết xử thế, biết phối hợp tình thương, sự hiểu biết, biết trường hợp nào thì sử dụng cái chi. Thành trí huệ này rất cao, từ trong lòng có tình thương mà ra.

Trở lại chuyện người âm kim ít tha thứ, hay đố kỵ thì làm sao. Hỏa khắc kim, dùng hỏa đốt sắt tan ra thành nước tức là dùng dương hỏa trị âm kim. Khi mình có sự sáng suốt minh lý, biết rõ chân lý nhân quả thì làm sẽ cho tính tình đố kỵ ghen tuông đó mất đi. Sự sáng suốt đó quan trọng nhưng chưa phải là tình thương. Sáng suốt của dương hỏa cho thấy té ra mình có thể làm việc với người kia, đâu có gì quan tọng. Cho nên cái sáng suốt đó tỏa ra thì con người kim lúc nào cũng đóng kín đó mới mở ra được, tức mình mở bung cái cánh cửa đóng kín của họ. Người lúc nào cũng giữ ý kiến của họ, không chịu nghe ai nhưng nếu họ thấy được chân lý họ sẽ mở ra. Mỗi người mỗi khác, khi nghịch cảnh tới thì người âm kim đóng kín sẽ nói xỏ nói xiên, không có chân lý. Thí dụ mình cất ly nước trên bàn không cho uống thì người âm kim sẽ làm gì? Họ sẽ không nhìn mình, không tha thứ cho mình. Họ không để ý tới cái lý do tại sao mình cất ly nước đi. Người dương hỏa thì sẽ đặt câu hỏi tại sao mình lấy ly nước đi, có thể là vì ly nước này là dành cho người nào đó. Họ hỏi được câu hỏi và trả lời được.



Hỏi: Mình nên học như thế nào để tạo được dương hỏa như vậy?

Có nhiều cách lắm nhưng cách quan trọng nhất trong quá trình tu hành là phải dựa trên căn bản để giải quyết. Căn bản gì? Tất cả KMTHT này đều nằm trong thân xác mình chứ không phải bên ngoài. Tánh tình của mình bị chi phối bởi thân thể, nói cho đúng là 5 bộ phận, hệ thống tâm can tỳ phế thận. Tâm là tim hay nói đúng hơn là bộ kinh mạch và khí huyết chạy qua tim, can không phải chỉ là lá gan mà kể cả hệ thống kinh mạch khí huyết tạo thành năng lượng gọi là gan, tỳ là ruột, phế là phổi còn thận là trái thận của mình, là những hệ thống năng lượng trong người mình. Muốn cho mình có dương hỏa thì phải tập làm sao cho hệ thống trái tim mình mạnh lên. Tim mình bịnh vì mình không tập luyện, không làm hỏa trong người mạnh.

Bài học quan trọng là tánh tình và các bộ phận trong người mình liên hệ trực tiếp với nhau. Khi mình giận dữ bộc phát thì tim mình dễ bị cao huyết áp hay bệnh về đường máu. Ngược lại khi năng lượng tim mình không dương đủ thì sẽ tạo ra giận dữ và hay chửi bới. Hai cái đi đôi với nhau, tâm và thân, hay trạng thái cảm xúc và trạng thái của thân thể đi đôi với nhau. Nên khi tu hành từ căn bản thì đối với tim mình nên tập luyện. Có nhiều phương pháp để nâng năng lượng lên: taichi, yoga..., làm bớt sự giận dữ chửi bới, làm mình sáng suốt ra. Thí dụ thế con rồng trong Càn Khôn Thập Linh sẽ làm cho hỏa trong tim mình cân bằng lại. Đó là một trong những cái làm cho hệ thống ngũ hành cân bằng và năng lượng tim cân bằng lại.

Cho nên mình có thể dùng phương pháp tập luyện thân thể đồng thời kèm theo cách cân bằng cảm xúc, dùng dương này để trị cái âm kia thì mình sẽ đạt tới sự bình hằng.

Trong sự tập luyện ngũ hành hay tập luyện để giải trừ sân hận thì mình làm sao cho cái can mộc tức là hỏa khí nơi gan hay mộc của mình điều hòa lại, đừng bộc phát quá. Mộc tạo ra lửa, điều hòa khí ở gan thì tất cả các khí khác sẽ điều hòa theo. Nên người làm cho cái gan, cái khí trong gan hay hành mộc điều hòa lại thì sẽ ít có giận dữ, do đó không có những oán thù ghê gớm.



Những trường hợp cực đoan của ngũ hành:

Cực đoan của hành hỏa là hay phẫn tức là giận dữ một cách quá đáng, chửi rủa hằng 10, 15 phút cho đã miệng thôi. Người hành thổ cực đoan thì càng giận họ càng hận sâu nhưng họ chôn kín không nói ra, chôn sâu vô cùng. Người hành kim cực đoan thì như sắt, họ đóng kín lại, đố kỵ sâu, oán sâu vô cùng. Người âm thủy thì sinh ra sự sợ hãi ghê gớm đưa đến trầm cảm, tới chỗ tự hủy. Họ không trả thù người khác nhưng họ tự diệt. Người hành mộc cực đoan thì khi giận dữ quá, thì thay vì phẫn, hận, oán hay tự hủy thì họ làm cho người khác nghẹt thở, khiến người ở gần họ không cảm thấy dễ chịu được, không có không gian để hít thở, không có sự sống.

Câu hỏi đặt ra là nếu mình như vậy thì phải làm sao để điều hòa 5 cái hành này. Có 2 phương pháp chánh:

1 là làm sao cho ngũ tạng có năng lượng luôn luôn dương, điều hòa

2 là học một chữ thôi là chữ khai mở. Khai mở là phương pháp chuyển âm thành dương, làm cho 5 cái khí đó điều hòa.



Tóm lược kỳ 2:

Chữ đầu tiên nên học là chữ khai mở vì đóng lại thì ngũ hành sẽ loạn đi, còn mở thì ngũ hành sẽ điều hòa và dung hòa được nhau.

Và học những đặc tính dương của ngũ hành. Thí dụ học để làm sao sáng suốt, minh lý tức hiểu được chân lý của Hỏa, làm sao biết chia sẻ bình đẳng của Thổ, biết có ý chí cứng rắn, có nghĩa khí của Kim, làm sao phát triển tình thương của dương Thủy, làm sao phát triển sự ngay thẳng bộc trực và lòng tha thứ của dương Mộc

Làm sao tập những chữ sau đây: tha thứ, thương, có nghĩa khí, biết chia sẻ với người khác, sáng suốt biết rõ nhân quả. Được như vậy rồi thì ngũ hành trong người mình sẽ điều hòa. Quan trọng nhất là nên thường tập luyện những môn như taichi, yoga hay CKTL làm cho năng lượng trong ngũ tạng tâm can tỳ phế thận điều hòa. Do điều hòa nên tướng mạo hành trạng của mình, lời nói việc làm của mình điều hòa, không đưa tới sân hận và những thù hằn. Những thứ này là bệnh hoạn làm cho mình ngày càng hao mòn đi sức sống.




quynhsen_5888.jpgKỲ 3



Đề tài Sân Hận rất lớn và nhiều khía cạnh. 2 kỳ vừa qua mình đã dùng một trí huệ sâu sắc của nhân loại là âm dương và ngũ hành để tìm hiểu sân hận. Mình nói về những mầu sắc của sân hận. Màu xanh là mộc, đỏ là hỏa, vàng là thổ, trắng là kim, đen là thủy. Màu sắc này cũng giống như màu sắc của sự giận dữ. Giận dữ có nhiều loại, có người giận thì chửi bới nhưng có người giận thì im lặng, giấu kín trong lòng, có người giận thì nói xỏ xiên, nói sắc bén, có người giận thì không nói nên lời mà lại khóc lóc, có người không nói được, không khóc lóc nhưng run rẩy và mặt mày xanh tái. Cho nên sự giận dữ có nhiều màu sắc, tất cả đều ở trong trạng thái không thấy được chân lý. Nên theo lối chiết tự thì chữ sân trong tiếng Trung Hoa họ viết là con mắt không nhìn thấy chân lý, giống như mình nói giận mất khôn, khôn ở đây là cái chân lý. Thành ra mình nên thương những người sân hơn là ghét. Khi mình nóng nảy thì mình có dễ thương không? Trả lời: mất cái dễ thương. Dù mình muốn thương những người nóng nảy đó nhưng họ đẩy mình ra. Sự nóng nảy đó chứng tỏ họ thiếu tình thương. Nói cách khác nếu tình thương của mình lúc nào cũng tràn đầy thì mình có dễ sinh ra sự sân hận không? Chắc là không. Và nếu tâm mình lúc nào cũng đầy sự tha thứ thì mình có dễ dàng sân giận không? Chắc là không. Nên cái thương và tha thứ làm cho mình không dễ dàng sân hận. Và nếu mình biết rõ chân lý để ngừng lại đúng lúc, biết THÔI, thì mình cũng không dễ dàng sân giận.

Trong 5 hành, người nào dễ dàng im lặng? Đó là người hành thổ. Họ không nói nhưng tâm họ có nói không? Tâm họ còn nói nhiều hơn cả. Họ tính toán mưu kế âm thầm trong bụng nhưng miệng thì không nói. Người ta thường nói khi nào giận thì đừng nói năng gì cả, uống ly nước vào. Phương pháp đó có thể dễ dàng cho người thổ nhưng đối với người hỏa thì khó lắm. Cho nên mỗi người có một màu sắc giận dữ khác nhau và mình có cách để chuyển hóa. Sau này mình sẽ nói về cách của Phật giáo để chuyển hóa sự giận dữ thành tình thương.

Bây giờ mình sẽ nói về một điều mà mấy lần trước chưa nói. Dương của cái này hóa giải âm của cái kia. Thí dụ một người hay tính toán mưu kế âm trầm, tức người âm thổ, họ không bao giờ nói ra chuyện trong lòng, họ nghĩ một đường nói một nẻo. Mình sẽ dùng dương mộc để khắc cái âm thổ. Dương mộc là tính bộc trực thẳng thắn. Mình hội họp bày tỏ hết ra cho người ta thấy rõ mọi chuyện. Mình sẽ giảm trừ được những tính toán mưu kế, đồng thời mình giúp cho họ gần mình, thấy cái thói quen lúc nào cũng ngay thẳng cả thì tự nhiên họ sẽ bớt đi những cái thói tính toán mưu kế. Đó là một cách tu dưỡng, dùng cái dương bên này để khắc cái âm bên kia. Còn một cách nữa là dùng dương này để sanh dương kia. Mình dùng dương mộc để khắc âm thổ nhưng đồng thời mình cũng có thể dùng dương hỏa để phát sanh ra dương thổ. Dương hỏa là mình lúc nào cũng sáng suốt và đem nói rõ mọi chuyện ra. Thường cái chân lý mình nói ra sáng suốt thì những quỷ kế đa đoan sẽ mất đi. Người thổ thường lo lắng nghĩ hết chuyện này chuyện kia cả trăm ngàn lần nhưng nếu mình thấy chân lý rõ ràng mình nói ra thì những cái lo lắng đó không còn nữa. Đó là những đặc tính liên hành, dùng dương này khắc âm kia và dùng dương này để sanh dương nọ.

Người có hành thủy âm thì khi giận họ sợ hãi nhiều khi muốn tự tử. Họ khóc lóc sầu thảm, bị trầm cảm ... mất tinh thần, xuống dốc. Người như vậy thì dùng cách gì đối trị? Dùng dương thổ khắc được âm thủy. Dương thổ có đặc tính luôn luôn chia sẻ, nối liền cái tâm mình với tâm người ta, làm cho sự buồn bã sợ hãi của họ biến mất. Thường âm thủy là nước cô đọng lại, không chảy được, bị ngưng trệ. Đặc tính chia sẻ của dương thổ gần như là làm phát sinh ra dương thủy. Dương thổ hay như vậy. Chia sẻ, nói ra điều mình sợ hãi, liên kết với người này, quan hệ với người kia, từ từ sự cô lập biến mất. Không cô lập nữa thì âm thủy biến mất. Âm thủy biến mất thì dương thủy sẽ xuất hiện. Do đó, giải trừ sân hận không phải đơn giản như chỉ nói “thôi đừng giận nghe, tha thứ đi”. Mình phải tùy người. Người âm thủy mà mình biểu họ tha thứ thì họ sẽ không giải được nỗi sầu của họ, mình phải dùng phương pháp chia sẻ để giải trừ.

Người giận dữ biểu hiện bằng cách đóng kín lại thì là âm kim. Mình cũng không thể nào nói họ tha thứ mà mình phải dùng cái sáng suốt chỉ rõ để họ cảm thấy mọi việc rõ ràng và họ mở ra chứ không đóng kín lại, đó là cái dương hỏa. Dương hỏa là mình phải nói ra, biểu đạt ra một cách rõ ràng mạch lạc. Một người âm mộc khi giận dữ thì sinh ra thái độ chê bai, họ nghẹt thở run rẩy như không còn sức sống nhưng họ không khóc lóc, không tự hủy mình, trách mình. Mình nên nói cho họ biết, tập cho họ sự tha thứ thì có lẽ là một điều rất hay. Mình dạy cho họ làm sao để bớt cái đố kỵ. Họ cảm thấy họ có chỗ dựa thì tự nhiên họ không còn thấy nghẹt thở nữa. Chỗ dựa là sao? Người âm mộc khi giận dữ thì họ cảm thấy không còn chỗ đứng nữa. Bây giờ mình làm chỗ dựa, mình nói đi với tôi đi, nói chuyện với tôi đi, làm cho họ cảm thấy có người làm chỗ dựa, họ không bị lạc lõng bơ vơ thì họ lại mở tâm ra.

Tất cả những cái này đều đưa tới một chữ kỳ trước mình nói rồi là sự khai mở của tâm. Tâm mình khai mở rồi thì tất cả các đặc tính từ tha thứ đến tình thương, chỗ dựa cứng rắn, sự chia sẻ đến cái sáng suốt minh lý đều hiện ra cả. Do đó mình phải làm sao cho tâm mình khai mở đừng đóng lại thì mình sẽ giải quyết được rất nhiều khó khăn của con người. Lúc nào cũng nên nhớ tâm của mình đi kèm với cái thân. Thân của mình bệ rạc thì mình dễ giận dữ.



Hỏi: Vậy mình phải tập thể dục cho khỏe mạnh, tập CK10, học thiền, biết làm sao khai tâm mình, tập cho có Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín, có phải vậy không?

Đúng một phần. Bác nên tập CK10 hay yoga hay cái gì khác làm cho năng lượng trong người mình điều hòa. CKTL không những làm năng lượng trong người mình dâng cao mà còn điều hòa, trực tiếp ảnh hưởng tới ngũ hành trong con người mình. Thành ra đó là một phương pháp hay. Còn về cái tâm, thì nếu bác nói là thiền giúp cho mình thư giãn, do thư giãn mà 5 cái hành đó, năng lượng được điều hòa. Về tâm linh là sự khai mở. Khai mở rồi thì mình sẽ tràn đầy tình thương. Đó là những cái mình tập luyện không ngừng để điều hòa ngũ hành. Còn nói về NLNTT thì mình trở về cái đạo làm quân tử của đạo Khổng hồi xưa. Nhưng nếu là Phật giáo thì mình nói: thay vì nhân thì mình nó học lòng từ bi, thay vì lễ thì mình nên giữ giới, trì giới, thay vì tín thì mình học thành tâm với chư Phật và những người khác, thay vì nghĩa thì mình nên có thiền định sắc bén như kim, thay vì trí thì mình học bát nhã. Thay vì NLNTT thì học Phật pháp mình học từ bi, giới luật, sự thành khẩn, cái định lực và trí huệ bát nhã. Mình theo lời Phật dạy, học giới định huệ tức là đầy đủ NLNTT rồi.



Hỏi: Tại sao khi có trí thì có tình thương?

Trí này là “social intalligence”, là biết đặt mình vào trong vị trí tốt nhất để cho tâm lý, tình cảm tâm linh mình được điều hòa và nâng cao. Trí này không phải là sự suy nghĩ, thông minh mà là cái nhìn đặc biệt tổng hợp được những dữ kiện ngay một lúc nào đó và hội tụ các yếu tố tâm lý, tình cảm , sự suy nghĩ của mình vào một chỗ để thay đổi cái hoàn cảnh. Do đó mình gọi là “social intelligence”, trí huệ của xã hội, khác với “emotional intelligence” EQ hay “intellectual intelligence” hay IQ. Nói cách khác hơn là đặc tính của người biết chữ thời, chữ thế. Thời là biết lúc nào để làm, thế là biết vị trí nào để hoán chuyển. Thường thường, người có đặc tính này thì rất dịu dàng, giống như nước, rất nhẹ nhàng, không hại ai cả, không làm cho ai sợ cả. Cho nên đó là cái tình thương đi đôi với trí huệ. “Social intelligence” đó trong Phật giáo gọi là từ bi đi đôi với trí huệ tuy có sự khác biệt chút ít về mức độ thâm sâu.

Mình hay hiểu lầm rằng trí là sự suy nghĩ của mình thôi. Trong khi đó, trí là cách mình biết dùng đời mình để làm sao mở ra cái tâm linh, dùng cái đời mình, vị trí mình đang có, cái thời điểm mình đang có đây để tiến hóa. Cái trí còn là nhiều cái khác nữa, như có người cho rằng trí huệ là sự hiểu biết Phật tánh thì cũng đúng nhưng trong cuộc sống bây giờ, người có trí là người biết thời (timing), biết thế (position), biết sử dụng nó để cuộc đời mình khai mở.



Hỏi: Trong ngũ thường NLNTT thì cái nào quan trọng nhất?

Xưa đức Khổng Tử nói quan trọng nhất là chữ nhân nhưng giờ nhìn đi nhìn lại thì mình thấy cái nào cũng quan trọng cả. Nhân thuộc mộc, cái gan của mình, lễ thuộc hành hỏa là trái tim, tín thuộc về thổ hay cái ruột của mình, nghĩa thuộc kim là cái phổi, trí thuộc về hành thủy tức thận. Không ai có thể nói tui chỉ cần cái này thôi, không cần cái kia. Thành ra mình cần cả 5 cái, không có cái nào quan trọng nhất mà quan trọng là sự hòa hợp của 5 bộ phận. Ngũ tạng mà điều hòa thì tự nhiên ngũ thường sẽ phát sinh, cuối cùng đưa tới là mình sẽ luôn luôn khai mở tức là ít sân, ít hận, ít sầu, ít buồn, ít oán. Câu quan trọng nhất để nhớ trong kỳ này là làm sao giải quyết sân hận. Câu trả lời là làm sao đạt tới sự hài hòa của ngũ tạng và ngũ hành trong người mình. Con người điều hòa là con người nhẹ nhàng, dễ thương vô cùng, luôn luôn tha thứ, luôn luôn đầy tình thương, không phải là con người dễ giận



Tóm lược ý chính:

Điều hòa của ngũ hành KMTHT là mục đích quan trọng nhất của sự tu hành, không sinh ra sự giận dữ. Khi giận các bác nên coi thử khuôn mặt của mình trong gương có mầu sắc như thế nào, nếu trắng bệch thì tức phổi hay kim của mình đang âm; nếu có mầu vàng và mình trầm ngâm thì là thổ; khi giận dữ mà mình khóc hoài thì là thuộc về thủy; miệng lắp bắp tay run thì là mộc, khó thở chê bai người ta muốn băm người ta thì thuộc về gan, nóng nảy chửi rủa mặt đỏ thì là hỏa. Không có cái nào xấu hơn hay tốt hơn cả. Điều quan trọng là làm sao mình điều hòa lại. Chữ cho các bác nhớ là khai tâm, lúc nào cũng cởi mở, hai chữ khác để nhớ là tình thương và tha thứ. Đó là những chữ căn bản để hóa giải sân hận. Còn 1 chữ nữa là chia sẻ . Mình nên tập chia sẻ. Còn nếu mình hay chửi bới dữ dằn thì giờ mình nên nhẹ nhàng lại, dễ thương hơn, dùng thủy để hóa giải. Sự hài hòa của ngũ hành là mục đích quan trọng nhất để hóa giải sân hận.

Return to “Tu Tập”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 2 guests