THÂN TRUNG HỮU - Part 2

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

THÂN TRUNG HỮU - Part 2

Postby nmchau » 17 Jun 2007 08:37

phần 2

Image


Khi một người sắp chết, thân tứ đại của họ tan rã: địa đại tức thân cứng đờ, thủy đại tức máu huyết ngưng chảy, hỏa đại tức sức nóng nguội đi, phong đại tức hơi thở ngưng tắt, không đại tức tư tưởng đứng lại.
Khoảng thời gian cận tử kéo dài chừng 1,2 giờ này rất quan trọng vì lúc này chúng ta hoàn toàn bị động, không còn làm chủ cuộc sống. Đây là lý do tại sao chúng ta nên tu hành để có thể làm chủ cuộc sống của mình trong 1,2 giờ cuối cùng (trừ trường hợp người bất đắc kỳ tử thì không làm gì được).
Vì vậy Thân Trung Hữu là một đề tài tâm linh quan trọng.

Khi người thân hấp hối ta nên làm gì?

Người hấp hối rất cần được hướng dẫn. Thí dụ, ta có thể đến hỏi xem có chuyện gì dang dở chưa làm xong thì sẽ làm giùm. Không còn ý niệm lưu luyến nữa thì họ có thể ra đi. Nếu một người đã để di chúc lại là không muốn trợ thở nữa, khi họ mê rồi thì nên nói chuyện với họ khoảng 2 giờ trước khi rút ống thở ra.

Đây là chuyện một cô người Mỹ có người thân bị coma đã được định giờ rút ống thở ra. Nhờ cô đã có học về phương pháp trợ giúp lúc lâm chung của người Tây tạng nên cô lấy sách tử thư ra và theo đó nói chuyện bên tai người sắp chết. Bác sĩ định 8 giờ là rút ống, cô đọc sách lúc 4 giờ thì 6 giờ người đó đã ra đi. Người hấp hối có thể nghe bằng thần thức của họ. Một người có liên hệ tình cảm với người hấp hối rất dễ nói cho họ nghe. Lúc đó họ không còn sức mạnh kháng cự, họ sẽ dễ nhận lời mình nói.

Nếu lúc này mà ta chỉ tụng kinh một cách máy móc, gõ mõ đánh chuông cho to thì thực sự đó không phải là cái người hấp hối cần. Họ cần sự hướng dẫn, quan trọng nhất là lúc đó thân thể đang rã, mình làm sao nói cho họ đừng sợ hãi.

Có thể nói 2 chuyện:
-Bản chất mình là chân không, bây giờ trở về chân không, đừng nên sợ hãi.
-Bây giờ họ đang từ từ biến mất không còn sức kiểm soát nữa, nếu nhận ra ánh sáng nào chiếu tới thì nhìn theo và đi theo ánh sáng đó đừng ngần ngại gì.

Nếu người nằm đó nghe được chuyện mình nói thì coi như mình đã giúp họ rất nhiều.
Tôn giáo nào cũng thấy những chuyện như nhau. Người tu, có ngồi thiền lâu năm, thì khoảng 1 giờ trước khi chết có ánh sáng phát ra từ trong tâm. Người không tu gì cả thì thấy ánh sáng từ ngoài chiếu vào.
Có thể sau khi nghe mình nói, tập khí nhiều năm khiến họ lại quên đi. Bây giờ mình giúp bằng cách niệm Phật để họ không bị phân tâm, đi theo hào quang Phật.

Nếu mình làm được 2 chuyện sau cho người hấp hối thì bất cứ người nào cũng có khả năng vãng sinh rất cao:
-Tiếp xúc với tâm của người đó
-Hướng dẫn và trợ niệm

Image


Nhắc lại khi thân thể vừa mất thì người ta rớt vào cảnh giới bất nhị, không có chủ thể và đối tượng, gọi là pháp tánh hay pháp thân, tương ưng với vô sắc giới. Sau đó chỉ một tích tắc là mình vô vòng thái cực, lưỡng nghi âm dương, sinh ra chủ thể và đối tượng, bắt đầu thể nghiệm báo thân với 5 vị Phật và Bồ Tát hiện ra.
Nếu không đi theo Phật thì sẽ vào giai đoạn thứ 3, đi theo ánh sáng lờ mờ hơn, mờ mịt, bắt đầu đi đầu thai.


Giai đoạn 1: Thể nghiệm Pháp Tánh

Image

Image


Pháp tánh không có hình tướng, là Chân Tâm, Bất Nhị, Chân Như, Phật Tánh...
Khi chết năng lượng cuối cùng trong thức đại sẽ đi vào tạng thức, biên giới giữa mình và người biến mất, không còn là mình hay người nữa, không còn tâm và thân, chỉ còn 1 loại năng lượng thôi.
Năng lượng cuối cùng duy trì thức đại sẽ tập trung 1 chỗ. Do đó nếu một người mất đi, trong vòng 8 giờ ta có thể thấy được điểm nóng cuối cùng của họ, điểm nóng này không ai giống nhau và cũng không phải do ngẫu nhiên.

Image

Image


Trạng thái cuối cùng hoàn toàn bất nhị có tên là Pháp Tánh, Chân Tâm, Pháp Thân..., là cảnh giới niết bàn không giới hạn, không thời gian, không không gian.

Tâm thức này chưa phân biệt chủ thể và đối tượng nên mình ở đây không lâu vì mình không thích, không quen chỗ này, lúc sống mình không hề biết. Nên ngay giây kế tiếp mình phát sinh ra chủ thể và đối tượng, thiết lập cái tôi và cái bên ngoài.

Image


Vì trong khoảng thời gian này, mình là bất nhị, đồng thời có 1 động lực trong mình có xu hướng muốn hướng về nhị nguyên có tôi có người, bên trong bên ngoài, khiến cảnh giới bất nhị biến mất.

Một động năng khác cũng mạnh là nỗi sợ mất cái tôi. Sự sợ hãi này là quan trọng nhất của vô minh, làm mất cảnh giới Bất Nhị.

Hai động lực này tạo ra bản ngã, tượng trưng bằng vòng tròn này. Có bản ngã thì có giận có tham, có vui, có buồn...

Đây là cái đau khổ đầu tiên của mình trong giai đoạn này. Mình được cho Niết Bàn trước mặt nhưng không có khả năng lấy vì trong cuộc sống mình chưa hề làm chuyện gì hướng về Bất Nhị cả.

Image


Đây là chuyện thầy nghe một thiền sư tu rất cao nói: Khi tu thiền, ta đắc được quả thiền nhưng không thể giải thoát được vì còn thân thể. Vì những nghiệp chướng trong thân vẫn còn, ta chưa làm thanh tịnh được. Tiếp tục tu, khi chết sẽ chứng đắc cảnh giới đã đạt được.

Lúc nghe thầy không hiểu lắm, sau này suy nghĩ lại mới hiểu rõ.
Ta có thể thấy chân tâm Bất Nhị nhưng chỉ một lần thôi, không chứng được quả thiền. Nhưng khi có kinh nghiệm đó rồi thì không quên.
Vị thiền sư này gần chết sẽ không có sự sợ hãi mà sẽ nhập vào Bất Nhị.

Có những người thể nghiệm pháp tánh khi sống nên có tự tại khi sắp chết và sẽ đạt được pháp tánh lúc đó.

Image

Image]


Trong giai đoạn này mình mất đi cái Chân Như, Pháp Tánh hay Bất Nhị. Vì không am hiểu nên không thể nhập Bất Nhị hay Chân Như , Pháp Tánh được. Mất rồi, mình muốn đi tìm lại cái cảnh giới bất nhị hoàn toàn quang minh trong sáng, không có bóng tối.

Bản ngã của mình muốn đi tìm lại ánh sáng đó, đi tìm ánh sáng thay thế cho ánh sáng Bất Nhị, Pháp Tánh, tức là hào quang của các bồ tát.

Giai đoạn 2: Thể Nghiệm Báo Thân

Image


Về chuyện sau khi chết, bộ kinh quan trọng nhất là Kim Cang Định Kinh, có Mạn Đà La nói về các vị Phật và cách tu.

Image


Ngũ Như Lai

Có 5 vị Phật hiện ra, mỗi vị đều có chư bồ tát đi theo. 5 vị Phật là 5 phương tiện khác nhau. 5 vị Phật là sự chuyển hóa của 5 đại tức Địa Thủy Hỏa Phong Không hay 7 luân xa.

Nói cách khác, muốn giải thoát thì cần khai mở 7 luân xa, khai mở hết 7 LX sẽ thấy 5 vị Phật ngay trong đời này.

Mà muốn khai mở luân xa thì nên bắt đầu bằng cách đi học Càn Khôn Thập Linh. Đi học thì làm mình khỏe lên, dương hóa các LX nhưng phải thiền định, thực hành vài cách khác nữa thì các LX đó mới thực sự phóng hào quang. Thân và tâm dính liền nhau, không thể nào chỉ tu tâm mà không tu thân được. Tập Càn Khôn Thập Linh mình có thể dương hóa ngũ đại nhưng không thấy Phật. Nhưng sau khi thực hành thiền định và luyện tập thêm, LX sẽ có sức nóng, điện từ trường và ánh sáng quang minh.

Image


5 vị Như Lai khác nhau về mầu sắc, phương vị, chủng tử tự, âm thanh

5 vị Phật hiện ra, mỗi vị gắn liền với 1 đại:
Đại Nhật Như Lai (Không Đại),
A Súc Bệ Phật (Thủy Đại),
Bảo Sinh Phật (Địa Đại),
A Di Đà Phật (Hỏa Đại),
Bất Không Thành Tựu Phật (Phong Đại).

Các ngài sẽ hiện ra trong bóng tối vô minh, không phải chỉ có Phật mà có Bồ tát nữa.
Ta thường niệm A Di Đà Phật vì ngài là 1 trong 5 vị Phật này.

Image

Image

Image


Đức Đại Nhật Như Lai hiện ra, phóng hào quang màu xanh. Nhưng mình có theo ngài hay không là do có tu luyện hay không. Nếu không tu thì sẽ không thấy hào quang nữa dù ngài vẫn còn đó.

Một vị khác hiện ra là A Súc Bệ Phật, hào quang trắng. Mình thấy nhưng không theo nên không thấy được nữa. Vị Phật khác là Bảo Sinh Phật lại hiện ra, mình cũng thấy hào quang nhưng không theo, tiếp tục như vậy...
Vị Phật cuối cùng hiện ra nhưng mình cũng không theo.

Image


Lý do thầy nói về những vị Phật này là để khi các bác đi qua cánh cửa chết thì nhớ lại bài học hôm nay. Khi bác hấp hối nếu có người tới nói: Cô ơi! Cô còn nhớ Đại Nhật Như Lai không, nếu thấy ngài tới thì cô theo nghe. Chỉ cần như vậy thôi thì mình sẽ thấy ngài hiện ra lại.


Đại Nhật Như Lai Phật

Image


Đại Nhật Như Lai Phật thuộc về Phật Bộ, chuyên về thực nghiệm thể tánh Bất Nhị, chuyển hóa si mê, làm mình không còn vô minh.

Khi thấy hào quang phóng tới, nên nói: “Con xin quy y trong hào quang và trí huệ của Phật”. Hằng ngày trong chùa hay nói câu quy y tam bảo tức và dựa vào, theo vào tam bảo. Thì ở đây mình cũng nói như vậy. Khi có người hấp hối nhớ nói với họ câu này để nhắc họ đi theo cái hào quang của Phật.

Không phải chỉ có hào quang của Phật mà còn có ánh sáng khác chiếu tới. Đây là ánh sáng mờ ảo màu trắng như của đèn nê ông là ánh sáng của chư thiên. Không nên theo ánh sáng này.

Image

Hào quang và ánh sáng khác nhau như thế nào? Ánh sáng chiếu tới một chỗ nào thì tạo ra bóng. Hào quang chiếu đúng mình thì xuyên qua luôn, mình nhìn bất cứ hướng nào cũng thấy hào quang chiếu tới, hào quang vô tận, không có biên giới.

Hào quang khác với ánh sáng xa. Chỉ cần thấy hào quang một lần trong đời là bác sẽ muốn tu và không bao giờ rời con đường tu hành cả. Khi thấy hào quang một lần là sẽ không bao giờ quên, do đó khả năng rớt xuống địa ngục ngạ quỷ súc sanh rất là hiếm. Cái kinh nghiệm thấy được hào quang làm cho bác đi ra khỏi thế giới này, thấy một thế giới hoàn toàn vô ngại. Hào quang không phải là khó thấy. Nếu bác muốn thấy thì thầy dạy cho bác.

Phương pháp để thấy hào quang:
Tụng Kinh Hoa Nghiêm Phẩm Hiền Thủ, đọc liên tục không suy nghĩ và lạy. Khi đọc và lạy đủ phẩm này thì cuốn kinh đó sẽ giúp bác thấy hào quang của Phật. Đó là nguyện lực của chư Bồ tát. Phẩm Hiền Thủ tóm gọn lại cảnh giới ở trong tất cả mọi nơi. Tụng chuyên tâm sẽ thấy hào quang hiện ra.

Bản chất của hào quang

Image

Image


Hào quang khởi dậy từ nội tâm. Do đó đừng bị mê hoặc, đừng sợ hãi mà chỉ cần thư giãn trong trạng thái tự tại vô tư. Chỉ trong trạng thái này, nhiều hào quang đều hợp nhất và mình sẽ giác ngộ.

A Súc Bệ Phật

Image


A Súc Bệ Phật phóng hào quang trắng, thuộc Kim Cang Bộ, chuyên về thiền, chuyên môn xoi thủng màn vô minh, có trí huệ rất sắc bén, chuyển hóa những sân hận của cõi địa ngục.
Thấy hào quang này sẽ mất đi sự sân giận độc hại đó.
Nhưng khi mình nhìn thấy hào quang đó thì mình lại thấy lạ quá nên mình nhìn chỗ khác và thấy ánh sáng của địa ngục, bóng lờ mờ của địa ngục vì mình là một động vật của thói quen, mình quen làm cái gì thì làm cái đó hoài.

Ngài A Súc Bệ Phật phóng hào quang để cứu độ, mình nên nói: “Con xin quy y trong hào quang và trí huệ của Phật”. Không chống cự lại, hoàn toàn buông thõng thì sẽ nhận hào quang ngay.

Nên trong sự tập luyện hằng ngày, lúc nào mình cũng nhấn mạnh chuyện thư giãn, thả lỏng. Trạng thái thả lỏng là trạng thái cao nhất của thân thể.

Hình ảnh hiện lên, mình thả lỏng ra thì tự nhiên mình sẽ vào đó. Nhưng mình không thả lỏng, thấy sáng quá mình khó chịu. Lúc bấy giờ bóng lờ mờ của địa ngục bắt đầu hiện ra, mình thích hơn.

Phật phóng sáng quang minh mà mình không theo vì cả đời mình có nhiều chuyện giấu diếm, mình không muốn theo cái ánh sáng chói chang đó vì sợ nó sẽ soi thấy hết những chuyện bí mật của mình. Người nào cũng có bí mật giấu, phương pháp hay nhất là sám hối, nói ra cái bí mật đó.

Image


Đây là chuyện một bà lúc nào mặt cũng buồn, khi bà bịnh cả gia đình lo. Bà bị coma mấy tuần, không đi được vì còn lưu luyến chuyện gì đó. Ông cha tới thăm, gia đình xin cha cầu nguyện cho bà. Cha nói chuyện với người bệnh và nói: Có lẽ còn nhiều chuyện cần xưng tội với cha nhưng bà không nói được. Người chồng xin với cha là có thể xưng tội giùm cho bà được không. Sau đó, ông khóc và kể chuyện bí mật: họ chưa lấy nhau chính thức đã ăn nằm với nhau, bà có thai 4 tháng mới đi phá. Khi đứa bé ra thấy mặt giống bố vợ y hệt (trước kia ông bố vợ chết mà không được săn sóc đúng mức). Họ hối hận, giấu không cho ai biết, không dám nói vì biết nói ra không được tha thứ, không có cách xóa bỏ. Bây giờ mới thú tội với cha. Khi hai người nói chuyện với nhau, không có ai nghe cả. Đức cha này rất hay, nghe xong liền nói với bà: “Bao nhiêu tội lỗi của con sạch rồi, nhờ hồng ân của Chúa. Chuyện tha thứ quan trọng nhất, bây giờ con đã được tha thứ, Chúa sẽ tới rước con”. Cha nói xong, trong vòng 3 phút bà đi.

Nên có một vị thầy hay một vị thẩm quyền để bác sám hối. Những người này thay cho Phật, Bồ Tát, cho Chúa, nhận lời sám hối đó để gỡ nút thắt nghiệp chướng của mình.

Ai mà không có lúc làm chuyện bậy. Điều quan trọng nhất của đời mình không phải là luôn luôn làm đúng. Chỉ có thánh mới luôn luôn làm đúng. Nên cho phép mình làm sai nhưng cũng nên cho mình cơ hội để sám hối.

Tuần sau CSS sẽ có tổ chức lễ Lương Hoàng Sám. Lúc cuối cùng của buổi sám, bác nên viết vào một tờ giấy kể ra chuyện thầm kín của bác, bỏ vào bao thơ dán kín, đưa thầy dâng lên như một lời sám hối với chư Phật Bồ Tát. Làm như vậy tội nghiệp của bác sẽ tiêu trừ. Chuyện gì mình làm hồi xưa khó khăn nhất, dễ sợ nhất, giờ đây mình nên sám hối.

Bảo Sinh Phật

Image


Bảo Sinh Phật thuộc về địa đại, chủ của Bảo bộ, chuyên phát triển Chân Thiện Mỹ, người tu theo Phật này chuyên làm thiện.
Ngài Bảo Sinh Phật chuyên làm việc tốt, tăng trưởng vẻ đẹp của vũ trụ chung quanh. Hào quang của ngài chiếu tới làm mất đi sự kiêu mạn, tự cao, tự đại.

Image


Ngài phóng hào quang vàng chói. Thấy hào quang này, nên nói: “Con xin quy y trong hào quang và trí huệ của Phật”.

Không nên theo ánh sáng mầu xanh mông lung, nhẹ nhàng của cõi người, sẽ vào luân hồi. Màu xanh tượng trưng cho đặc tính con người là sự kiêu ngạo của bản ngã, dính liền Luân Xa 3.

Mình thích cái bóng mờ này vì tâm thức mình khơi động lên những chuyện đã làm, thấy cảnh đời mình hiện ra đẹp vô cùng, mình cảm thấy quen thuộc, do đó mình muốn theo ánh sáng xanh mờ đó.
Làn ánh sáng xanh mờ đó từ chỗ nghiệp của loài người tạo ra, đồng thời cũng có một cái nghiệp của mình nữa, hai cái đi liền với nhau. Hình ảnh hiện ra, mình thấy tự hào là của mình. Càng kiêu ngạo, càng có nhiều chức vụ bao nhiêu thì cảnh hiện ra càng mau. Chuyện khó khăn nhất trong việc tu hành là mình không thấy được cái điểm mù của mình mà chỉ thích nhìn thấy những tốt đẹp được người ta khen. Không có người nào không thích được người ta khen cả. Có bác nào không thích khen không?

Sau khi một người chết, thường thường mình nói 49 ngày là vì sao? Vì truyền thống của người Tàu, người Tây Tạng và người Ấn Độ tin rằng 49 ngày là thời gian sống của mình trong cõi âm. Thời gian đó mỗi ngày mình nên nói một chuyện cho người chết nghe. Ngày đầu tiên nói về Đại Nhật Như Lai, ngày thứ nhì nói A Súc Bệ Như Lai, ngày thứ ba nói Vãng Sinh Như Lai, thứ tư nói về A Di Đà. Mỗi ngày nói một vị phật, đó là theo lý thuyết nhưng thực sự ra trong một giờ đồng hồ mình phải nói về hết tất cả các vị đó. Người nằm đó họ thấy ngay được cái tình cảm, cảm xúc liền.

Có người hỏi khi gia đình có người mới chết, con mời các thầy tới tụng kinh có tốt hay không?
Khi một người chết, người quan trọng nhất để cầu nguyện là ai? Không phải chư tăng ni đâu mà là người thân cận, gần kề nhất với người chết vì cái quan hệ giữa người chết và người sống là quan hệ tình cảm. Người chết trong vòng 7, 8 ngày họ còn có thể nghe được nhưng không thấy được. Trong thời gian đó, nhịp cầu duy nhất của họ với người sống là tình cảm. Chư tăng tới tụng niệm hướng dẫn nhưng quan trọng nhất vẫn là người trong gia đình phải làm, phải cầu nguyện, hướng dẫn, nói chuyện để cho vong linh đó có sự lèo lái cho họ đi, không kháng cự. Nếu chỉ tụng kinh ào ào thì chẳng tốt gì, chỉ có ứng dụng khi nào vị thầy có mối quan hệ với người đó, không thể làm một cách tự động mà nghĩ là có kết quả được.
Tầu có trường phái chuyên tụng kinh lấy tiền rất nặng. Họ không cần biết người chết là ai, họ chỉ tụng xong rồi đi ra.

Các vị thiền sư nói khi có người mất thì nên khởi lòng từ bi. Trước khi tụng kinh thì nên có sự tiếp xúc của hai con tim, giao hòa. Bằng cách nào? Nên tới nói chuyện, hướng dẫn, nên tụng kinh với hình ảnh người chết trong đầu. Như vậy người chết mới có thể thấy cái tâm của mình được. Cho nên chuyện tụng niệm, trợ niệm là quan trọng lắm, không làm một cách máy móc được. Mình không tin, mình nói chỉ cần theo đúng qui tắc, qui luật, gõ mõ tụng kinh là được. Bác nên hỏi người nào đã khai thiên nhãn rồi thì họ sẽ nói cho bác nghe.

Đó là lý do hiện nay theo chiều hướng tụng niệm bên Tàu, người ta có nhiều sửa đổi. Có nhiều cái người ta nói cho người sau biết, đó là cần có một thái độ thông cảm, từ bi, sẽ giúp cho người chết.

A Di Đà Phật

Image


A Di Đà Phật, tên quá quen thuộc. Do đó mình nên niệm tên ngài, vì hy vọng gặp ngài rất là cao. Vị này chủ Liên Hoa bộ, chuyên phát triển thanh tịnh vô nhiễm. Ngài thuộc hỏa đại, phương Tây. Ánh hào quang chiếu tới làm tan biến dục vọng, không còn lửa nóng trong người mình nữa.
Hào quang màu đỏ phóng ra rất là rực rỡ, cả không gian đỏ lên, mình nên chắp tay lại nói: “Thưa Đức Di Đà, con xin quy y với ngài để trở thành trí huệ, trở thành ánh hào quang.” Ý niệm đó sẽ làm mình tức khắc vãng sinh.

Image


Nhưng lúc đó cũng có ánh sáng vàng vọt của loài quỷ hiện ra. Ánh sáng vàng vọt này giống như vào buổi hoàng hôn rất quen thuộc, làm mình dễ chịu. Mình không chịu ánh hào quang đỏ vì làm dục vọng tắt đi, mình thấy không hứng thú. Ánh sáng hiu hắt thì dục vọng hiện ra, giống như người ta chỉ đi ăn trộm vào buổi tối. Ánh sáng ít thì dục vọng nhiều hơn. Ánh sáng vàng vọt hiện ra thì hình ảnh cõi dục vọng gợi ra, mình thấy lại hình ảnh mình đang đi dành ăn, ăn vụng, đi mua những thứ mình thích...

Mình sợ ánh sáng của đức Phật vì dục vọng của mình bị mất đi. Ánh sáng cũng làm mình sợ bị phanh phui ra chuyện mình làm xấu trong cuộc đời. Sự sợ hãi làm mình chạy trốn ánh sáng hào quang của Phật.

Ngài Tuyên Hóa có nói:
Dù cho con có làm bao nhiêu tội lỗi đi nữa, điều quan trọng là phát được tâm bồ đề. Đó là cái tâm hướng về giác ngộ, tâm muốn sửa đổi, tâm không ngừng khai mở. Mở được tâm đó thì không có tội lỗi nào không tiêu trừ cả.

Bất Không Thành Tựu Phật

Image


Thuộc Yết Ma Bộ, chuyên phát những đại nguyện để cứu độ chúng sinh.
Phật này chuyển hóa những ghen tuông sân hận của loài A Tu La.
Loài A Tu La là một loại chúng sanh rất giàu có sung sướng nhưng tính ghen tuông rất nhiều.

Image


Hào quang của ngài màu xanh lục.

Lúc này mình thấy hào quang chiếu xuyên qua mình. Mình nên nói : “Con xin quy y theo hào quang, trở thành hào quang Phật và con xin được khai mở trí huệ như Phật.”

Nếu nói được như vậy thì hay lắm nhưng có chuyện xẩy ra làm trở ngại cho mình.

Ánh sáng đỏ của sự ghen tuông bùng lên. Khi mình ghen tuông thì ai nói mình cũng không nghe. Lòng ghen tuông khiến mình không muốn cứu giúp ai cả, làm mình muốn triệt hạ người khác, đi ngược lại Yết Ma Bộ.

Khi nổi lên rồi thì rất khó nên mình chỉ làm sao mà ngăn chận nó trước khi nó xẩy ra.

Khi ánh sáng của ghen tuông nổi lên thì hình ảnh của người bác ghét nhất hiện ra.

Màu sắc có ý nghĩa rất hay. Màu lục của hào quang Phật làm mất đi khả năng ghen tị đố kỵ. Nhưng vì vậy mình lại càng không muốn theo hào quang đó.

Hình ảnh ghen tuông nổi lên mạnh quá, rút cục mình không theo ngài.

Chư Bồ Tát

Image


Chư Bồ Tát cũng hiện ra cùng các vị phật. Thí dụ như Phật A Di Đà có bồ tát Quan Thế Âm và Văn Thù

Ngũ Đại Minh Vương

Image


Mình không theo hào quang của Phật thì các vị Phật sẽ biến mất. Giai đoạn kế tiếp là sự xuất hiện của các vị Minh Vương.
Minh Vương là những Bồ tát có hình tượng phẫn nộ làm ta không dám khơi lên những hình ảnh có xu hướng đọa lạc, giống như người thấy một con rắn xuất hiện trước mặt thì sợ cứng lại không dám động đậy.

Minh Vương hiện ra rất dễ sơ, to cao, mình không trốn tránh được. Minh Vương làm mình đông lạnh những ý niệm của bản ngã như sự ghen tuông, ích kỷ, độc ác, ham muốn. Ông khiến mình vào trạng thái nhất tâm bất loạn, không nghĩ chuyện gì cả.
Biểu tượng này là phương pháp để cứu mình. Nếu bác có lòng tin thì sau khi ông làm cho bác sợ như vậy thì ông sẽ phóng hào quang giống Phật.

Image

Image


Minh Vương chỉ xuất hiện trong cõi trung hữu, gồm có: Phật Bộ Minh Vương, Kim Cang Bộ Minh Vương, Bảo Bộ Minh Vương, Liên Hoa Bộ Minh Vương, Yết Ma Bộ Minh Vương. Các vị phóng hào quang nhưng mình cũng không chịu theo. Vì gặp Minh Vương hiện ra mình sợ, mình bị cứng lại. Nhưng mình sẽ bị phân tâm vì những luồng ánh sáng mờ mờ trên kia vẫn tiếp tục tới. Hào quang chỉ phóng ra trong 1 giây thôi. Nếu mình không theo thì làn sóng sẽ kéo mình đi về những cõi khác, theo quỷ, a tu la, trời....

Image


Cho nên cửa chỉ mở trong vòng tích tắc. Minh Vương không thể làm cho mình đông cứng quá lâu được, mình chỉ có một thời gian rất ngắn thôi. Mình ấu trĩ nghĩ rằng tu hành không là gì cả. Nhưng thực ra tu hành là tập cho mình thư giãn hoàn toàn vì những xu hướng của bản ngã, tức những thói quen khiến lúc nào mình cũng hướng ra ngoài. Phải tập thư giãn, đứng yên một chỗ, định thì giây phút này mình sẽ được cứu độ nhưng rất tiếc ngài phóng hào quang mà mình không thấy nên ngài đi. Hào quang Minh Vương phóng tới cũng để cứu mình, nhưng bởi tham sân si, mình sợ quá không chịu theo.

Vì sao Phật- Minh Vương xuất hiện?
Phật hiện ra để giúp ta thể nhập Pháp Tánh hay hào quang của Phật.
Minh Vương hiện ra để giúp ta vất bỏ bản ngã nhỏ hẹp.

Pháp Tánh bây giờ gọi là Báo Thân vì là hào quang phóng ra. Mình chấp ngã, sợ đức Phật phóng hào quang sẽ tìm ra lỗi lầm của mình, thành ra làm cho mình không còn thấy Phật nữa.

Khi người ta nói mình một câu, đừng nghĩ rằng thể diện của mình bị mất. Chấp ngã, thói quen giữ thể diện từ Luân Xa 3 quá mạnh, làm ta vướng vào vòng Luân Hồi Sanh Tử. Ta không muốn ai nói câu gì làm mình mất mặt. Thái độ đó sẽ khiến mình không bao giờ ra khỏi vòng Luân Hồi Sanh Tử. Minh Vương hiện ra để giúp mình xóa đi chấp ngã nhưng mình lại sợ bị trừng phạt, sợ tội, sợ mất bản ngã của mình.

Image


Hai phương hướng giúp mình bây giờ không còn nữa. Một vòng tròn mới hiện ra. Vòng tròn bản ngã này càng ngày càng cứng chắc lại.

Từ chỗ vô sắc giới là pháp tánh không còn hình tượng gì cả, ra cõi sắc giới có vòng tròn. Tới cõi dục giới, vòng tròn càng chắc hơn. Đó là sự khổ sở của cuộc sống.

Muốn tu lúc chết thì lúc sống mình nên tu, đừng chờ tới lúc chết thì không kịp nữa.

Image


Khi không thể nhận được Báo Thân thì mình tạo ra cái bản ngã mới nhưng nó sẽ cản trở sự tương ưng với Báo Thân. Tại sao? Vì Báo Thân tức là hào quang của Phật, giờ mình chạy khỏi hào quang theo ánh sáng kia thì có thân xác bản ngã khác, không còn thấy Phật nữa.

Mỗi lần qua một giai đoạn, đầu tiên thấy Pháp Tánh Bất Nhị, mình không theo. Xuống một nấc thấy Phật Bồ Tát cũng không theo, xuống thêm một nấc thấy Minh Vương cũng không theo, cuối cùng xuống tới nấc đầu thai... là cả một quá trình.

Mà tu hành đi ngược lại quá trình này. Lý do mình rớt xuống là vì mình chấp ngã, mình tham, mình sợ không còn gì cả .

Image


Phật và Minh Vương từ đâu?

Do tâm thức ta biểu hiện ra. Phật là hiện thân của Pháp tánh Bất Nhị. Minh Vương là hiện thân của tâm thức vô ngã

Mỗi người mình đều có khả năng thành Phật vì có 2 đặc tính này nằm trong người mình: pháp tánh bất nhị và tâm vô ngã.
Khi thân mình còn thì mình có ngã nhưng khi thân mình rã ra thì mình có khả năng vô ngã ngay lập tức.

Nhưng mình có chụp cơ hội đó hay không?
Muốn chụp được cơ hội vô ngã đó thì phải tu ngay từ bây giờ. Chờ đến lúc đó thì cơ hội qua quá nhanh, mình không chụp được.

Image


Làm sao bảo đảm được Phật độ, Minh Vương rước?

1.Lối sống:
sửa đổi để bớt chấp ngã, hết sợ hãi, không còn cảm giác cầu an toàn. Lúc nào cũng cầu an toàn là mình sợ hãi, khiến cho mình bị đọa lạc. Làm sao phải huấn luyện để bớt chấp ngã. Bạn đạo của mình muốn giúp thì khi mình bị chửi đừng lại bênh vực. Mình nên nhẫn nại, thấy rằng họ sỉ nhục cái bản ngã chứ không phải mình. Mình có một cái tên và cái tên đó bị sỉ nhục chứ không phải mình.
Mình phải thay đổi lối sống, nhưng có lẽ đây là một đề tài lớn, mình chưa làm được ngay. Chuyện thứ hai mình có lẽ mình dễ làm được hơn. Đó là

2.Tụng chú Lăng Nghiêm thường xuyên
-Tụng Tâm chú Lăng Nghiêm là đoạn cuối cùng cả. Khi tụng sẽ khiến 5 vị Phật hiện ra, 5 hào quang trong người sẽ tỏa ra, do đó mình không bị đọa lạc.
-Tụng hội thứ 4 của chú Lăng Nghiêm sẽ khiến cho tất cả các Minh Vương hiện đến làm cho mình không còn ý niệm về bản ngã nữa. Nếu mình tụng thường xuyên thì khi chết mình đã quen gặp các ông rồi. Có những câu chú trực tiếp ảnh hưởng đến các vị thần nào đó, thí dụ bị ma đè có 1 câu chú tụng thì không bao giờ bị phá.

3.Thể lực cao:
tập tành thể lực cho có năng lượng cao vì năng lượng không đủ cao thì không thể thay đổi lối sống, không có ý chí.... Năng lượng cao thì lúc nào cũng hướng thượng, lên đỉnh đầu. Năng lượng thấp sẽ đi ngang, mình bị tán loạn.
Muốn bảo đảm được Phật độ phải có năng lượng tụ nơi đỉnh đầu. Mình đã đem integral taichi vào chuyện tu hành, tụng chú đồng thời tập đường năng lượng đi lên. Khi chết, chỉ cần tụ năng lượng nơi đỉnh đầu là giải thoát. Nhưng mình có làm được lúc chết, lúc cận tử nghiệp không?

Image


Giai Đoạn 3: Thể Nghiệm Nghiệp Thân

Image

Khi không thể hòa nhập vô Báo Thân, bản ngã đi tìm một sự an lạc thay thế.
Ánh sáng Đức Phật tới mình không trở thành ánh sáng đó, các vị Minh Vương tới mình cũng không thể trở nên trang nghiêm như các vị được, thì bây giờ mình chỉ muốn có mờ mờ ảo ảo, cảm giác sướng, mình xuống tầng thứ ba gọi là cầu an lạc.

Đây là lúc mình đi vào con đường đầu thai, Nghiệp Thân. Hình ảnh của nam nữ giao hợp là cái người ta nghĩ là chỗ tìm được an lạc, niềm vui sướng mạnh nhất, bắt đầu hiện ra. Tâm thức của mình như con thuyền, bên dưới là những luồng hải lưu tức những tập khí. Những thói quen này đẩy mình đi, mình không có chọn lựa gì cả.

Image

Image


Có 6 luồng hải lưu chính: Sân (giận dữ), Tham, Si (ngu dốt), Mạn (kiêu ngạo), Nghi (đố kỵ, nghi ngờ), Kiến (nhìn không chính xác)

Image


Theo Kinh Lăng Nghiêm, có 10 thói quen xấu: Dâm, Tham, Mạn, Sân, Trá, Cuống (nịnh bợ, sửa đổi câu chuyện), Oán, Kiêu, Uổng, Tụng (tranh cãi).

Sân thuộc LX 3 thuộc bản ngã, Trá là lừa dối, không ngay thẳng, Cuống là nịnh bợ, sửa đổi câu chuyện với ý tâng bốc, Oán là hận thù, Kiến là cái nhìn sai lầm, Uổng là cong, Tụng là tranh cãi, kiện tụng.

Image

Image


Những luồng hải lưu này đưa mình tới 6 cửa khẩu là 6 con đường: Trời, Người , Tu La, Súc sanh, Ngạ Quỷ và Địa Ngục. Sáu cửa khẩu này có cái hấp dẫn là hình ảnh giao hợp giữa giống cái và giống đực. Bản ngã mình đang tìm một niềm an lạc vì không thể nghiệm báo thân được. Bây giờ thấy cảnh giao hợp là cái an lạc thay thế. Dòng hải lưu này là sân giận, tham... đủ cả. Thí dụ mình ăn cắp giấy của office về nhà xài... tham lam, ích kỷ càng ngày càng nhiều thì rõ ràng ra con đường mình đi là con đường tối đen ích kỷ, nó dắt vào chỗ cái cửa có hình ảnh quỷ giao hợp nhau. Mình không hấy hình ảnh mà lạ là tại sao mình thích. Té ra khi nó giao hợp thì ánh đèn mờ ảo nhẹ nhàng làm gợi lại cái cảm giác khích động lúc mình ăn cắp đồ. Cho nên mình đi vô trong đó.
Nếu bây giờ bác nói con không bao giờ ăn cắp, vậy tham ăn thì sao? Chỗ nào cũng đi ăn cho ngon, nhiều khi ngồi nghĩ đến chuyện ăn thôi.
Những hình ảnh hồi xưa mình đã từng làm hiện lên, như hồi xưa mình tham ăn, ăn cắp cái gì đó. Hình ảnh càng mạnh thì càng làm cho cửa khẩu hiện ra rõ bấy nhiêu. Cửa khẩu đó hiện ra rõ ràng nên mình không còn thấy những cửa khẩu khác nữa.

Lúc này Phật và Bồ Tát còn đó không? Vẫn còn nhưng mình không thấy nữa. Vì mình đã rơi xuống phần thứ ba ở dưới , đầu thai ra thành người rồi. Mình mất khả năng thấy hình ảnh cao hơn thực tại. Mỗi lần mình rơi xuống thì mất khả năng nhìn phía trên. Đây là giai đoạn cuối cùng, chỉ còn một giây nữa thôi là mình qua tới một trung hữu mới gọi là Trung Hữu Trước Khi Đầu Thai.

Ngay cửa khẩu đó, bác sẽ thấy một hình ảnh cực kỳ hấp dẫn. Mình thấy vui, thích thiệt nhưng khi mình nhảy vô đó thì nó lại không vui mà đưa tới một trạng thái mê mờ, chính là trạng thái trong bào thai. Tức là bác đã đầu thai rồi. Bác thấy hấp dẫn lắm, thích lắm nhưng một giây sau là bác thấy không vui gì cả, bác đang đi vô trong cảnh giới của bào thai, bao nhiêu nghiệp chướng bắt đầu hiện hình.

Bác đã qua Thân Trung Hữu.[/size]

Return to “Tu Tập”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 2 guests