THÂN TRUNG HỮU Part 1

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

THÂN TRUNG HỮU Part 1

Postby nmchau » 01 Jun 2007 20:31

Bài giảng của thầy Hằng Trường ngày 6 tháng 5, 2007 tại Mc Garvin School

LTS: Trong bài này, thầy Hằng Trường sẽ trả lời những câu hỏi mà ai trong chúng ta cũng đều thắc mắc:

· “Sau khi chết sẽ đi về đâu?”
· “Ý nghĩa của Cầu Siêu 49 ngày cho người quá vãng?”
· “Phải chuẩn bị gì để được về cõi Tịnh Độ?”
· “Thân nhân phải làm gì để giúp cho người chết được chóng siêu thoát?”
________________________________________________________________________
Dàn bài

A. ĐỊNH NGHĨA THÂN TRUNG HỮU
B. TRUNG HỮU LÚC CẬN TỬ
C. TRUNG HỮU SAU KHI CHẾT

________________________________________________________________________

A. ĐỊNH NGHĨA TRUNG HỮU

Thế nào là trung hữu? Trung: giữa. Hữu: hiện hữu. Trung hữu là trạng thái chuyển tiếp, hiện hữu giữa hai trạng thái khác. Thân trung hữu nghĩa là thân chỉ hiện hữu torng khoảng thời gian chuyển tiếp.

Có 6 loại trung hữu:
1. Trung hữu trong cuộc sống
2. Trung hữu khi thiền định
3. Trung hữu trong mộng
4. Trung hữu trong lúc cận tử
5. Trung hữu sau khi chết
6. Trung hữu lúc sắp đầu thai

A-1. Trung hữu trong cuộc sống
Rất nhiều, ở đâu cũng có trung hữu. Thí dụ: muốn vô nhà tắm mà có người trong đó, phải ngồi chờ ở ngoài, giết thì giờ bằng cách xem TV, khoảng thời gian chờ đợi này là trung hữu. Giữa hơi thở vô và thở ra là một khoảng trống, đó cũng là trung hữu. Giữa hai ý nghĩ cũng là trung hữu.

A-2. Trung hữu khi thiền định:
Khi ngồi thiền, có những lúc tâm chợt náo động, nghĩ đến chuyện khác, như nghĩ tới công việc, đi chơi... Sau một lúc, tâm trở lại an định, thiền quán. Khoảng thời gian tán loạn này cũng là trung hữu. Ở giữa hai cảnh giới thiền định, cũng gọi là trung hữu.

Chuyện một vị thiền sư kia khi ngồi thiền thường rất thanh tịnh. Bỗng một hôm trong khoảng tích tắc, ông nhớ đến chuyện 27 năm trước, ông đã vô cớ đánh một cậu bé vì nghĩ nó lấy tiền của vợ ông. Bây giờ, trong cơn thiền, ông chợt thấy lại đứa nhỏ và sinh ra ý niệm tự trách mình tệ quá; trách xong, ông tiếp tục thiền. Nhưng khi xả thiền, ông chẳng nhớ gì đến chuyện đó, song lòng cảm thấy khó chịu. Bèn ngồi hồi ức, chợt nhớ ý niệm nổi lên khi thiền. Không ngờ lúc ông khởi lên ý niệm đó thì cũng đúng vào lúc đứa bé năm xưa, nay là một vị quan cũng đang viếng cảnh chùa ấy! Vị thiền sư ngộ ra, liền tìm đến ngỏ lời xin lỗi vị quan kia để giải nghiệp.

Như vậy trung hữu trong lúc thiền cũng liên quan đến cuộc sống của mình nhưng mình không nhận ra.

A-3. Trung hữu trong mộng:
Mộng là trung hữu giữa 2 trạng thái thức. Trong mỗi giấc mộng đều có một câu chuyện nhưng mình thường không nhớ. Khi mình nhớ lại được một giấc mộng thì sẽ thấy mộng có gắn liền với cuộc sống mình.
Đây là chuyện bà ngoại của tôi: Bà thường nằm trên gác một mình, tới giờ ăn thì bà xuống ăn hoặc có người bưng cơm cho bà. Hôm đó tôi mộng thấy bà nằm trong tư thế sắp chết và nói với tôi “Ta đi đây!” Tôi mộng lúc 6 giờ rưỡi sáng. Đến 12 giờ rưỡi trưa không thấy bà xuống, tôi lên xem thì thấy bà ngoại đã chết trong tư thế mà tôi đã nằm mộng thấy.
Như vậy mộng gắn liền với cuộc sống. Mình nghĩ mộng như là một sự gián đoạn nhưng thực ra không phải mà là tiếp tục cuộc sống. Mộng nói chuyện với mình nhưng mình không nghĩ tới.

A-4. Trung hữu lúc cận tử
Tức là lúc lâm chung, là giai đoạn cuối cùng của cuộc đời. Đây là giai đoạn ta sắp bước qua một thế giới mới, nhưng chưa phải là thế giới của cõi 'chết'. Cuộc sống và tâm thức của người lâm chung rất đặc biệt, không như lúc bình thường; nó là cuộc sống chuyển tiếp sang cửa tử, do đó nên gọi là trung hữu.

A-5. Trung hữu sau khi chết
Tức là lúc ta đã tắt thở hoàn toàn, nhưng vẫn chưa đầu thai để có một đời sống mới. Đây là khoảng giữa của lúc lâm chung và lúc đầu thai, cho nên gọi là trung hữu. Thông thường, nhà Phật thường gọi cái thân lúc này là thân trung ấm.

A-6. Trung hữu lúc sắp đầu thai
Đây là giai đoạn chuyển tiếp từ thân trung ấm tới lúc thực thụ đầu thai. Lúc này thần thức của thân trung ấm đang đi tìm duyên để đầu thai; cảm nhận những cảnh giao hợp của nam nữ, giữa giống cái giống đực, rồi sinh tâm ham muốn. Từ đó thần thức mới thác sinh. Do vì đây là giai đoạn chuyển tiếp từ cõi chết (thân trung ấm) ra cõi sống (đầu thai) nên gọi là trung hữu.

Ba loại trung hữu sau cùng là đề tài mà ta sẽ tìm hiểu. Mục đích của sự tìm hiểu là giúp ta từ cái chết mà hiểu cuộc sống và tìm phương thức tu hành giải thoát. Nhất là nếu ta hiểu được giai đoạn trung hữu lúc cận tử (lâm chung) thì ta sẽ biết chết đi về đâu, đồng thời làm sao chuẩn bị cho cuộc ra đi bên kia cửa tử mà không bị đọa lạc.


B. TRUNG HỮU LÚC CẬN TỬ

Image


Image


Cận tử nghiệp là 5,6, hay 10 giờ trước khi chết. Thời gian lâm chung thì ngắn hơn.

Image


B-1. Thế nào là Lục Đại?

Theo nhà Phật, con người được cấu thành bởi 6 nguyên tố chủ yếu gọi là lục đại. Đại có hàm ý bao trùm, tổng hợp, đại biểu và gồm có:
1. Địa đại: thể nặng, như thân xác, thịt xương
2. Thủy đại: thể dịch, như máu huyết, chất lỏng
3. Hỏa đại: thể hơi, như hơi thở, hơi nóng
4. Phong đại: bao gồm tình cảm, cảm xúc, nhận biết
5. Không đại: bao gồm tâm tư, ý tưởng, sự tập trung, trực giác
6. Thức đại: là tâm thức, có sức mạnh tạo ra thói quen, nhận biết, và bao gồm 5 đại trước

Image



Image


Thân có 5 thứ: Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không. Tâm có Thức

B-2. Giải thích ý nghĩa của Lục Đại và sự tương ưng với các Luân Xa

Image


Địa---- tương ưng với LX 1 (nằm ở chỗ xương cùng)
Đất (địa đại) tượng trưng cho sự cứng chắc trong thân thể. Khi địa đại mạnh thì thân thể cường tráng, ý muốn sinh tồn, bảo trì thân thể này rất mạnh. Khi địa đại yếu thì thân gầy yếu, thiếu sức. Về mặt tâm lý, yếu địa đại thì tham sống, sợ chết; nhút nhát, lòng lúc nào cũng đầy sợ hãi. Địa đại mạnh thì dũng cảm, ít sợ hãi, dám hy sinh.
Khi lâm chung, địa đại sắp diệt, người cứng đờ từ từ, nhưng khả năng ham sống lại tăng gấp bội để cố duy trì địa đại, do đó lòng sợ hãi vì không làm chủ được thân xác cũng sẽ tăng gấp bội.

Thủy---- tương ưng với LX 2 (ở lỗ rún)
Nước (thuỷ đại) là phần thể lỏng, nhờ tim bơm đi khắp người. Khi nước mạnh thì có thể đi mọi nơi. Nước yếu sẽ đi xuống chứ không đi lên được. Khi thủy đại yếu, máu huyết và chất dịch trong người thiếu thốn, không tuần hoàn điều độ. Về mặt tâm lý, thủy đại tượng trưng cho lòng ham muốn. Thủy đại yếu, sẽ bị lòng tham, và dục vọng tràn ngập, lôi tâm đi xuống. Thủy đại mạnh, ít tham lam, biết hỉ xả.
Lúc lâm chung, thủy đại sắp diệt, máu chảy chậm lần, nhưng lòng ham muốn tăng gấp bội để cố duy trì vì sợ mất thủy đại, tạo ra trong tâm đủ thứ hình ảnh: từ vật chất, đồ ăn thức uống, nhà cửa xe cộ tới họ hàng quyến thuộc, là những đối tượng của ham muốn.

Hỏa----- tương ưng với LX 3 (ngay chấn thủy)
Hỏa là chất nóng trong người, là sức sống, có tính chất bốc lên, bộc phát. Khi hỏa mạnh, sức nóng trong người nhiều, sức sống mãnh liệt. Khi hỏa yếu, toàn thân nguội lạnh, không còn sức sống. Hỏa đại tương ưng với sự giận dữ, hay sự xác quyết của bản ngã, của cái tôi.
Lúc lâm chung, hỏa đại sắp tắt, hơi thở yếu ớt sắp dừng, khiến sự nóng giận bộc phát gấp bội vì cảm thấy mất khả năng làm chủ. Lúc ấy bản ngã muốn sống lại những kỷ niệm đã qua trong đời, nên sinh ra những hình ảnh của quá khứ oanh liệt, vẽ vang, mà bản ngã tự hào.

Phong----- tương ưng với LX 4 (ngay giữa xương ức)
Phong đại tượng trưng cho cảm tình, cảm xúc. Phong đại mạnh thì tình cảm phong phú dồi dào, lạc quan. Khi phong đại yếu, cảm xúc sẽ buồn bã, uất ức, không thể diễn đạt.
Lúc lâm chung, phong đại sắp dừng, cảm xúc đau đớn của thân xác bổng trở nên mãnh liệt, khiến tâm tình sợ hãi, muốn cầu cứu người thân. trong tâm nổi lên hình ảnh nhữn người thân thuộc, những hình ảnh kỷ niệm gắn liền với cảm xúc êm ái xưa kia với người thân ... đều hiện lên trong tâm. Những hình ảnh đó dần dần méo mó, mờ nhạt, và trở nên huyền ảo, khiến ta lại sinh sự sợ hãi vô biên: sợ mất mối liên hệ với người thân, với hình bóng quen thuộc trong tâm.

Không---- tương ưng với LX 5&6 (ngay cổ và giữa hai chân mày)
Không đại là khoảng không gian trong tâm, tức là tư tưởng, ý niệm, trực giác, sự hiểu biết. Không đại mạnh thì vũ trụ quan rộng, tư tưởng phong phú, thông minh, trực giác cao. Không đại yếu thì đầu óc u tối, mức độ tư duy thấp, vũ trụ quan nhỏ hẹp.
Lúc lâm chung, không đại sắp tận, thì óc não sắp ngừng, nên tư tưởng trở nên rời rạc, ý tứ không rõ ràng, thế giới của tâm trí trở nên đen tối. Một sự sợ hãi dâng trào, muốn gào thét ra một lời, nghĩ ngợi một ý mà không thể làm được.

Thức------ tương ưng với LX 7 (trên đỉnh đầu)
Thức đại là năng lực tiềm tàng tạo ra tất cả các yếu tố trên kia. Thức là hạt giống, là rễ mà những yếu tố kia giống như thân cây. Khi thức đại mạnh thì ta có xu hướng tâm linh mạnh mẽ, ưa thích hướng thượng, tu luyện tiến hóa tới chỗ cội nguồn Bất Nhị Phật Tánh. Khi thức đại yếu, thì thích đời sống vật chất trần tục, không nghĩ tới đường tâm linh.
Lúc lâm chung, 5 đại tan rã, nhập vào thức đại. Khi thức đại sắp tận, sự lưu luyến cuộc sống nhị nguyên (có chủ thể và đối tượng), có mình có người sẽ dâng trào mãnh liệt. Một niềm sợ hãi tột độ rằng sẽ mất đi cuộc hiện sinh, mất chủ thể bản ngã này; do đó sinh khởi một động năng mãnh liệt tìm kiếm đối tượng, để duy trì quan hệ chủ thể-đối tượng, mình-người, trong-ngoài.

B-3. Trạng thái tan rã của lục đại

B-3-1. Khi đất tan rã

Image


Đất tan rã sẽ dung nhập vô nước. Nước tan rã sẽ dung nhập vô hỏa... Tuy nhiên, nếu người chết bị bệnh ở chỗ nào thì chỗ đó tan rã trước. Luân xa nào yếu nhất sẽ tan đầu tiên. Luân xa mạnh sẽ tan rã sau cùng. Thí dụ khi sống, nếu là người háo thắng tức có luân xa 3 mạnh nhất thì khi chết LX này sẽ tan rã sau cùng. Nếu khi sống là người tham nói, suy nghĩ tư duy nhiều thì khi chết LX 5 mạnh nhất sẽ tan cuối cùng.
Năng lượng của 1 luân xa đã rã sẽ dung nhập luân xa kế tiếp.
Khi đất tan rã, người sắp chết muốn động đậy không được, khó chịu, thấy được thân thể nhưng không chuyển động được. Họ tự tranh chấp, vùng vằng, lo lắng, bất lực... càng vùng vằng thì càng thêm hãi sợ.
Một chuyện cận tử như sau: Người nằm bệnh sắp đi, thấy cứng đờ. Sự khó chịu nhất là cái đau; đau không thể tưởng tượng, không thể chịu đựng. Lúc đó người lâm chung chỉ muốn được để yên, đừng ai đụng chạm tới thân họ. Do đó, lúc này mà làm người ta chấn động giật mình sợ hãi thì nguy, phải để yên.
Những người kề cận vây quanh có ảnh hưởng tới người lâm chung chăng? Có. Tâm của mình ảnh hưởng đến người chết do hiệu ứng đồng bộ “entrainment”.
Thí du về sự đồng bộ, hòa nhịp sống:
Đàn cá cùng bơi với nhau. Tất cả mọi con đều cùng lúc chuyển thân, cùng hướng bơi lội. Khi một con cá nào tham gia vào đàn cá ấy thì cũng lập tức đồng bộ bơi lội với đàn.
Bác có chuyện khó khăn, khi vô thiền đường yên lặng, sẽ cảm thấy tâm an hơn, vì tâm của những người đang ngồi thiền làm tim bác đồng bộ với tim họ.
Hai vợ chồng ở 2 phòng khác nhau, tim đập khác nhau nhưng nếu vô cùng phòng nói chuyện thì 7, 8 phút sau, tim họ sẽ đập cùng nhịp với nhau.
Khi một nhóm 4, 5 người nói chuyện, người lớn tiếng phát biểu thường ảnh hưởng tới người ít phát biểu nhất. Kẻ im lặng mà ở trong nhóm người nói chuyện thì sẽ dễ động tâm lên.


Bây giờ người đang nằm gần chết, thí dụ có 10 người tới hộ niệm. Họ nói chuyện với nhau ồn ào. Có người muốn tụng cho xong để đi chỗ khác; có người lo ra, nghĩ chuyện này chuyện kia. Nhịp sống của họ sẽ ảnh hưởng tới nhịp sống của người sắp chết. Âm thanh quá động của họ sẽ làm người sáp chết bị động theo.

Đôi khi sự đồng bộ của ý kiến và tâm tư cũng rất quan trọng. Nếu người xung quanh mà ý kiến bất hòa, cũng khó giúp người lâm chung ra đi an lành. Đây là chuyện một bà bị mê man (coma) lâu nhưng không chết được. Người ta hỏi ông chồng xem bà có điều gì mạnh nhất mà bà không buông bỏ được. Ông chồng trả lời: Bà xã tôi rất giỏi. Bà buôn bán có nhiều tiền, có tới 4 căn nhà mà bà đứng tên. Bây giờ bà coma không chuyển tên được, không lấy 4 cái nhà đó cho 3 đứa con được.
Thành ra cái lý do là bà không thể buông bỏ 4 căn nhà này nên không chết được. Như vậy thì cái kẹt của bà thuộc về LX 2. Vị thầy bèn nói vô lỗ tai của bà: Cho bà 3 cái chọn lựa: 1 là chia hết của cho mọi người, 2 là cho 3 người con, 3 là đem tiền bố thí làm việc thiện.
Nhưng bà coma thì đâu trả lời được. Ông bèn chọn giùm bà: Làm cả 3 điều: bán hết 4 căn nhà rồi chia 3 phần, cho con, làm việc thiện, cho người khác. Ông nói vô lỗ tai bà chưa đầy 3 phút sau bà đi.
Vị thầy này rất thông minh vì đã nghe ngóng người trong gia đình. Có mấy đứa con thì người muốn lấy nhà, người không muốn. Ông chồng thì muốn làm việc thiện... Mọi người bất đồng ý kiến không giải quyết được. Ông đã giải quyết giùm cho bà.

Phương pháp hộ niệm của một phái Tây tạng: không ồn ào, nói bên lỗ tai dạy họ vượt qua từng giai đoạn, từ hấp hối tới lúc chết. Trong Thiền Tông: hộ niệm cũng không ồn ào, nói nhỏ để chỉ dẫn, dùng tâm vắng lặng của thiền định để làm tâm người lâm chung đồng bộ với sự vắng lặng. Bên Tịnh Độ: tụng niệm hồng danh đức Di Đà để người lâm chung có thể đồng bộ với âm thanh niệm Phật và do đó dễ dàng nhận được sự tiếp dẫn của đức Di Đà. Bên Trung Hoa, hồi xưa trước khi tụng niệm, vị sư cả ngồi nói chuyện đến 5, 10 phút để tìm ra người sắp chết còn có ý nguyện gì chưa làm (tức là kẹt vô LX nào) rồi khuyên dạy, để người lâm chung xả bỏ (giải thoát khỏi LX đó) nên nhẹ nhàng ra đi.

Ai là kẻ hộ niệm có hiệu quả nhất? - Người thân và kẻ được người lâm chung tin cậy nhất.
Khi có người thân sắp chết, ta khoan mời người ngoài tới tụng niệm. Nên dùng tình thương để nói chuyện với ho; người thương nói họ sẽ nghe liền. Nên cùng nhau niệm Phật. Hãy nói vô lỗ tai, lời sẽ đi vào tiềm thức. Nói cho rõ đi chỗ nào: đi theo hào quang của Phật.
Cách hộ niệm hiệu quả: Tâm phải nhẹ nhàng. Ngồi im lặng cho tâm lắngï xuống rồi niệm Phật, hình dung ra đức Phật. Khi mình quán tưởng hình đức Phật, người chết sẽ thấy hình ảnh Phật trong tâm họ. Mình nên niệm sao cho người chết chấp nhận dễ dàng. Nếu chỉ niệm cho có niệm, không có cảm xúc gì cả thì không cảm ứng được mà còn làm xốn xang địa đại của người chết.

B-3-2. Khi nước khô cạn

Image


Nước đình trệ, tan biến, dung nhập vào hỏa, không.
Nghe máu chạy bên trong, nghe tim bóp ngày càng yếu, nghe lớn hơn lúc thường
vì cảm nhận về thủy đại trở nên sâu sắc.
Trong giai đoạn này, người chết thấy khó chịu vì nước ngừng lại như đang đi bị giữ lại. Hình ảnh người thương người ghét hiện lên trong lòng.
Thấy đồ ăn đồ uống, nhà cửa... làm mình muốn chạy tới đó nhưng không chạy được vì bị giữ lại thành khó chịu giận dữ đau buồn.
Người thương người ghét hiện ra nhưng mình chạy tới không được thành bị xốn xang, hỗn loạn nổi lên.

B-3-3. Khi hỏa tắt đi

Image


Hỏa tắt đi, dung nhập vô gió, các đại khác.
Sức nóng nguội lần, cái lạnh làm mình khó chịu, rút lại. Mình cảm thấy xa vắng người chung quanh, mất liên hệ với thân xác. Mình không còn cảm nhận thân mình nữa vì địa đã rã.
Ý nghĩ về bản ngã hiện lên. Tất cả các chuyện quá khứ, chuyện đúng, hay, cả chuyện dở, chuyện bí mật... đều hiện rõ.
Khi mọi chuyện trong đời, công danh sự nghiệp hiện ra như vậy, người chết sẽ cảm thấy luyến tiếc muốn có lại quá khứ nhưng giận dữ vì không có được. Vì thế có sự tranh chấp giữa quá khứ và hiện tại. Mình có cảm giác xâu xé từng mảnh, khó chịu.
Cảm thấy lạnh, muốn nhiệt náo lên.

Biết được tình trạng này lúc sắp chết, mình nên tự hỏi lúc sống làm sao chuẩn bị để khỏi qua trạng thái này.

B-3-4. Khi gió ngừng thổi

Image


Gió: tình cảm. Gió ngừng thổi, dung nhập không gian tư tưởng.
Nơi phổi hơi thở gần như không còn. Thường ta nói phổi ngừng thở thì tim ngừng đập, ngược lại ở đây nói phổi sau tim. Cái khác ở đây không phải là hơi thở mà là tình cảm, gió tình cảm ngưng sau trái tim.
Người sắp chết muốn thở nhưng không được, muốn giao tiếp cũng không được.
Một chuyện trên net: người sắp chết thấy vợ đến thì với tới nhưng người vợ quay lưng đi. Thấy người muốn cười, muốn ôm thì người biến mất, nói gì người kia cũng không nhận ra được. Có sự ngăn cách rộng sâu giữa người sống và người chết.
Cảm thấy sự trống vắng của không gian, hồi nãy thấy lạnh, giờ thấy sự trống vắng trong người mình. Sự trống vắng rộng sâu đến nỗi người thương trở thành người ghét vì mình tiếp xúc không được.
Phim của đời mình hiện ra. Người sắp chết thấy người đánh mình, lúc đó mình nhịn thì bây giờ mình muốn đánh lại. Ngay trong tâm mình biểu hiện sự hung bạo. Nghiệp khác, tư tưởng khác xẩy ra. Người sắp chết sinh ý tưởng níu kéo, đem thêm vô, kéo người khác vô.
Người sắp chết phát sinh ra mâu thuẫn không thể tưởng tượng, muốn không gian đầy nhưng ngày càng rỗng.
Ý tưởng họ mất đi, càng lúc càng rời rạc, tê liệt không thể nghĩ được.

Do đó nếu không học cách niệm Phật đúng thì khi gần chết mình không thể niệm Phật được vì tư tưởng bị rời rạc.

B-3-5. Khi không tan biến

Image


Nhiều hình ảnh không biết từ đâu hiện ra. Có thể là những chuyện mình đã đọc, đã học từ lâu. Mình muốn chạy tới những hình ảnh đó nhưng tư tưởng mình đã yếu quá. Hình ảnh trở lên xa vời , âm thanh lại ồn, mạnh nổi lên giống như bên tai mình. Hình ảnh tư tưởng thành hỗn loại không ăn khớp nhau, thí dụ trong những hình ảnh đi chơi Italy bỗng hiện lên con chó... không còn ý nghĩa.
Từ từ hình ảnh bớt đi, tiếng động cũng nhỏ lần, đến lúc cuối thì không gian tan biến, hình ảnh ngừng lại.

Image


Thức tan rã là lúc dễ sợ nhất. Chủ thể chỉ còn thấy bao nhiêu chuyện dồn lại trong 1 tích tắc. Nó là năng lượng (khí) kết tinh, kinh nghiệm cả 1 đời gom lại vô 1 hột nguyên tử năng lượng nhỏ chút xíu gọi là thức đại.

B-4. Nhìn lại quá trình trong bức tranh toàn diện hơn

Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Bản lai pháp tánh hay Phật tánh ra ngoài không gian thời gian, vô chung vô thủy, không có chủ thể và đối tượng.
Tạng thức bao trùm cũng vô thủy vô chung không biên giới. Chủ thể và đối tượng đều là một, đều là thức, khác với Phật tánh.
Chúng ta không thấy được Phật tánh vì bị mây mù che, vì vẫn còn quan niệm đối đãi. Cũng không thấy tạng thức vì nó cũng không có chủ thể đối tuợng.

Lúc tất cả tan rã, toàn bộ năng lượng sẽ dung nhập vào thức đại. Thức đại gồm năng lượng gói ghém cả đời mình dung nhập vào tạng thức, thành một bộ phận của cảnh giới vô biên vô hạn. Tạng thức là biển cả, thức đại là giọt nước. Trong biển tạng thức (trước khi mình sinh ra) có những luồng sóng là những tập khí hay thói quen (thích ăn uống, ngủ nghỉ, nói nhiều...). những luồng này cuộn lại nhau sinh ra lục đại, một thân mới qua quá trình mà ta gọi là 12 nhân duyên.
Nếu ta có nhân duyên với những người nào đó thì họ là cha mẹ, kéo ta lên thành một đời sống khác.
Và đây là chuyện bà nọ đi cầu tự vì bị bác sĩ chê cho là không thể nào có con được. Bà ăn chay, thọ ngũ giới, tụng chú Đại Bi. Bà cầu Quan Âm Bồ Tát xin cho Bồ Tát đầu thai để giúp đời. Bà sinh một con trai, lên 8 tuổi đã biết giảng pháp dù không hề coi sách vở. Sau đó bà lại cầu nguyện xin thêm một Bồ Tát nữa và cũng sinh đuợc một con trai y như người anh.

C. TRUNG HỮU SAU KHI CHẾT

Dịch từ tiếng Phạn antara bhava, nghĩa là thân trung ấm, trung ấm hữu, trung uẩn, trung ấm thân..., chỉ sự hiện hữu của một “thân” sau khi chết và trước khi đầu thai. Thân là một hiện hữu chứ không phải một ý tưởng.
Có thân mới có tâm được, trừ ra trong cảnh giới thiền định thì chỉ có tâm thôi. Ở thế giới mình thì thân là sắc, xác thịt nhưng ở cõi trời, ông trời không có thân bằng xác thịt nhưng bằng chất sắc khác, năng lượng khác và cũng có cái tâm tương ưng. Hễ có tâm là có thân. Cõi vô sắc giới không có thân vì định lực để sinh ra tâm, vừa là thân vừa là tâm. Thân tâm phải đi liền, không tách rời được.

C-1. Những đặc tính của trung hữu sau khi chết

1.Ý thành: Do ý hướng, tâm trí của cả đời mình tạo ra, không phải do tinh cha huyết mẹ tạo thành

2.Cầu sinh: Thường tìm cầu một nơi sinh mới, tức năng lượng của tâm thức hướng về một chỗ để thác sinh. Đây là giai đoạn chờ đợi, khó chịu xôn xao muốn đi tìm chỗ ngay.
Do đó giai đoạn trung hữu này chỉ kéo dài 49 ngày. Không nhất thiết phải là 49 ngày, có thể ngắn hay dài hơn. Có 3 giai đoạn xẩy ra trong thời gian này, tương ưng với 49 ngày.

Có một loại người bị kẹt ở đây. Họ chết nhưng không đi vào trung hữu này mà kẹt ở trần gian, không vô được trung hữu vì còn energy của đời người. Đó là những người chết bất đắc kỳ tử. Phước đức của họ vẫn còn nhưng họ không xài được vì chết bất ngờ. Thành ra họ không ở đâu cả. Họ sẽ gắn năng lượng của họ vào thế giới này vì còn phước mà không còn thân. Đôi khi mình có thể thấy họ.
Ngài Tuyên Hóa, khi qua cầu Golden Gates, hay ngừng lại cầu nguyện. Ngài niệm Chú Đại Bi, tụng Bát Nhã Tâm Kinh, Chú Vãng Sinh... Ngài nói có những người chết bất đắc kỳ tử do nhảy xuống cầu và không được siêu thoát nên đi ngang qua đây phải tụng niệm cho họ. Tôi hỏi làm sao chứng minh cho tôi thấy là có những người đó. Ngài hỏi: “Con có thực sự muốn thấy họ không? Nếu muốn thấy thì cần mở huệ nhãn. Họ có cái chọn lựa là để cho con thấy họ hay không, tùy theo con với họ có nhân duyên không. Nếu mình phát lòng từ bi thì họ sẽ có nhân duyên với mình. Còn nếu không thì thấy họ làm chi? Con nên tập mở lòng từ bi.”
Ngài Tuyên Hóa nói người chết ở cầu Golden Gate sẽ ở cầu đó để nói vô tai những người đang giận dữ, buồn bã, dụ cho người đó nhảy cầu chết như họ. Vì thế người trầm cảm nghe tiếng nói trong tai nhiều khi là do những oan hồn.

Ta nên gửi điều tốt lành cho người chung quanh. Lúc nào ta cũng làm được chuyện ngồi yên chắp tay hồi hướng, gửi những điều tốt trong tư tưởng mình cho người chung quanh.

3.Thực hương: nghĩa là dùng hương khí để duy trì năng lượng. Đây là ý nghĩa của Phật giáo, không phải là hít hương mà là hấp thụ cảm xúc, tình cảm của bà con quan hệ với họ.
Thí dụ: Người chết nằm trong hòm, thấy các bác người quen tới nói: Thầy vãng sanh đi nghe. Thì người chết có thể hấp thụ tình cảm của những người đó. Mình quan hệ với người chết qua tình cảm.

Chuyện kể trên net: một ông chết, xác bị đắp lại. Hồn ra ngoài không thấy thân nhưng cảm nhận được lời nói người khác. Nghe ít nhưng cảm nhận tình cảm của họ vì tình cảm đi theo câu nói. Nếu người lúc sống có LX 5 mạnh thì có thể nghe được tiếng nói. Nhưng tình cảm là loại hương sâu sắc hơn, người bình thường cũng nhận được ngay.
Cũng như lúc sống, thường người ta không biết người khác trong óc nghĩ gì nhưng có thể nhận ra cảm xúc, tình cảm ngay qua nét mặt. Ở Trung Hữu nhận cảm xúc mau vì quan hệ tình cảm tới trực tiếp.

Do đó đừng cãi nhau khi có người thân chết. Thí dụ cha chết tranh giành gia tài hoặc nhiều khi cãi lộn những chuyện nhỏ hơn như nên chôn hay đốt, để vong ở chùa nào..., mình tưởng là bình thường nhưng khi có tang chuyện nhỏ có thể thành gay cấn. Người chết sẽ cảm nhận được sự đứt đoạn của cảm tình, cảm xúc. Khuyên gia đình đừng cãi nhau.
Còn nếu họ nói không cãi ở nhà mà lên chùa cãi thì sao. Trung Hữu không bị hạn chế, tâm nối với nhau bằng quan hệ tình cảm nên người chết cảm nhận được ngay, cãi ở đâu cũng vậy. Cũng như nhiều người muốn Thầy tới tận nơi tụng, thật ra không cần, có lòng thành tụng ở đâu cũng được.

Đây là chuyện 1 người đệ tử ở Đài Loan sắp chết, điện thoại về chùa cho ngài Tuyên Hóa. Ngài nói xa ngàn dặm là thân xác, còn tâm không phân cách. Hãy cùng lòng thành khẩn cầu. Ngài chắp tay cầu nguyện. 1 giờ sau điện thoại cho biết bà đã đi vãng sanh.
Tâm không biên giới. Mình chấp trước cần hình tướng nhưng trung hữu thì không có biên giới.

4.Khởi: tạm thời hiện khởi trước khi có sắc thân mới. Trung hữu có sinh khởi và có diệt mất nhưng rất ngắn ngủi như đốm lửa khởi lên rồi vụt tắt, không trường tồn.


C-2. Ba giai đoạn của Trung Hữu sau khi chết

Image


-Giai đoạn 1: Thể Nghiệm Pháp Tánh

Image


Ngay lúc thân tan rã là lúc bắt đầu trung hữu sau khi chết, lúc đó chưa thành hình sự chấp trước trong ngoài, có không.... hay nhị nguyên. Lúc nhị nguyên chưa thành hình, mình sẽ thấy Phật Tánh, ngay giai đoạn đầu tiên sau khi chết. Cuộc sống Bất Nhị xuất hiện ngay lúc đó tức giai đoạn thể nghiệm Pháp Tánh. Nhưng mình đã quá quen với cuộc sống nhị nguyên mấy chục năm nên giai đoạn này tới mà mình không nhận ra và đi luôn.
Vậy khi chết, mỗi người đều có được món quà vô song là Pháp Tánh, Bất Nhị nhưng vì mình quen sống trong nhị nguyên (tìm lỗi lầm người khác, thích nịnh bợ, tranh chấp, tìm lợi lộc...) nên không nhận ra. Cửa vào Bất Nhị mở ra ngay lúc thân xác tan rã, ngay cả không có tu luyện gì cũng có được giây phút này nhưng ăn thua là mình có nhận ra hay không.
Càng buông xả thì càng dễ nhận ra Pháp Tánh.

Image


Image


Làm sao thể nghiệm Pháp Tánh lúc sống: Trở ngại là lúc nào mình cũng sống trong cảnh đối đãi nên khó thể hiện Pháp Tánh. Nếu muốn lúc chết được giác ngộ ngay thì lúc sống nên tập luyện cho năng lượng của mình lên đỉnh đầu vì giác ngộ Pháp Tánh là từ đỉnh đầu. Muốn tập cho năng lượng lên đỉnh đầu, nên tập Càn Khôn Thập Linh để tu cả Tâm và Thân. Tâm tương ưng với khí lực. Khí lực giải thoát thì Tâm sẽ giải thoát.

Image


Thể nghiệm Pháp Tánh lúc chết: Như trên đã nói, khi vừa chết là ta gặp được Bất Nhị nhưng vì tập khí của ta bám víu vào đối đãi nhị nguyên nên ta không thấy được ánh sáng chói lòa của Bất Nhị mà Kinh Hoa Nghiêm gọi là Quang Minh Biến Chiếu.

_____________________________________________________________
Tài liệu tham khào
Những tài liệu chính mà bài này tham khảo là:
· Kinh Hoa Nghiêm, phần nói về cảnh giới thiền định của chư Phật
· Kim Cang Giới Mạn Đà La, Kinh Kim Cang Đỉnh, thuộc Đông Mật của Nhật Bản, với rất nhiều cách tu luyện, tương tự như Tạng Mật của Tây Tạng, nói về những cảnh giới mà người tu chứng nghiệm
· Kinh Lăng Nghiêm, phần nói về tình tưởng, nghiệp báo, và các loại chúng sinh
· The Tibetan Book of the Dead do Chogyam Trungpa dịch và giải
· Những bài viết trên internet về near death experiences tức những người đã chết một thời gian ngắn và sống lại viết ra

Return to “Tu Tập”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 4 guests