TU LA` GÌ? - CE Hang Truong

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

TU LA` GÌ? - CE Hang Truong

Postby nmchau » 01 Sep 2006 20:36

TU LÀ GÌ?

Ce Hằng Trường

LTS: Dưới đây là bài ghi lại buổi hội thoại chủ đề TU LA` GÌ của chương trình TV KHAI TÂM trên đài SBTN, do Thầy HẰNG TRƯỜNG và các thành viên của HỘI TỪ BI PHỤNG SỰ CompaSS phụ trách. Thầy Hằng Trường trả lời những câu hỏi về chủ đề Tu Là Gì do các thảo luận viên đưa ra.


Hỏi: Tu là gì? Tại sao chúng ta phải tu. Nghe tới chữ tu là chúng ta đã sợ rồi, tu thì khó lắm. Có lẽ không ai có đủ tư cách để trả lời câu hỏi tu là gì cho chúng ta hơn là thầy Hằng Trường. Thưa thầy tu là gì, tại sao người ta sợ tu nhưng lại nói tu là cõi phúc tình là dây oan?

Đáp: Câu hỏi này rất hay nhưng cũng thiệt khó. Chữ tu, nghe nói tới thì lập tức mình liên tưởng tới nhà chùa, xuất gia, một nhóm người mặc áo vàng, cạo đầu, sống khắc khổ. Nên nói đến chữ tu thì mình liên tưởng tới chuyện xuất thế, đi ra ngoài cõi đời. Thường thường, mình hiểu lầm rằng tu là xuất gia, là xuất thế, yếm thế. Vậy mình cần định nghĩa lại chữ tu. Tu như đức Phật nói, là một sự thay đổi đến độ làm cho mình biến đổi từ một người phàm phu mà ra một vị Phật. Sự biến đổi đó là từng bước, để trở thành vị Phật đó, gọi là tu. Thầy muốn thêm vào: sự biến đổi phải như thế nào? Cứ nghĩ coi: trong đời mình cứ muốn ở nguyên 1 trạng thái hay muốn biến đổi?

Hỏi: Nếu cứ ở một trạng thái đó hoài thì chắc đời sống mình không biết có ý nghĩa gì không. Xin thầy cho biết làm sao để biến đổi đời sống mình đến một trạng thái tốt đẹp hơn.

Đáp: Sự thay đổi trạng thái đó mình gọi là tu. Nếu mình là một con người giận dữ thì mình bớt giận đi. Sự bớt giận đó chính là thay đổi, đưa mình tới chỗ tốt hơn, nên gọi là tu. Thành ra tu là thay đổi, sửa đổi, sửa lỗi lầm. Nhưng nếu chỉ nói thay đổi từ giận ra bớt giận thì sự thay đổi đó chỉ là chiều ngang, thay đổi tính tình chút xíu như vậy, không nói được sự thay đổi chiều dọc, tức là mình thay đổi để tới chỗ nào? Nếu thay đổi mà làm cho cuộc đời của mình hoàn toàn được cải thiện, con người mình hoàn toàn đổi mới cũng như là ở một địa vị thấp ra một địa vị cao hơn, thấy chân trời mới hơn, cái đó gọi là tiến hóa. Cho nên cái định nghĩa đầu tiên: tu là sửa đổi, thay đổi nhưng từ từ mình tới một định nghĩa mới, tu là một sự tiến hóa. Sự tiến hóa đó đưa mình tới một cái nhìn mới, tâm mình càng ngày càng mở rộng ra và mình thấy được con đường, thấy cuộc sống mình nó nối liền với nhau bởi những sự thay đổi để mình tiến lên. Nên bởi vậy nói tu có nghĩa là xuất gia thì quá nhỏ hẹp. Mình nên định nghĩa tu là tiến hóa. Mà định nghĩa này gần như quan trọng nhất trong đại thừa Phật giáo.

Hỏi: Những gì con nghe trước đây: tu là để được cái này cái kia, rồi cầu an, cầu siêu, cầu phước cầu tài. Những tư tưởng đó là sai lầm hết sao thầy?

Đáp: Có lẽ chúng không sai lầm nhưng thiếu sót thôi. Trong tôn giáo có nhiều cái gọi là tác dụng. Tác dụng làm cho mình được an lạc, có những tác dụng tạm thời làm mình mất đi những sợ hãi. Nhưng tác dụng quan trọng nhất, cốt tủy của tôn giáo là làm sao cho con người mình được giải thoát ra khỏi những đau khổ, sự giải thoát đó gọi là tiến hóa. Cho nên trong con đường tu có nhiều người không thể cảm nhận được tu là tiến hóa, họ cần giải quyết những vấn đề ngay trước mắt, ngay lập tức. Tôi đang sợ, mẹ tôi vừa mới mất, tôi đang buồn đây, làm sao cho hết buồn? Bởi vậy mình có lễ cầu siêu để làm cho người ta tâm được an ổn. Tác dụng tôn giáo đó là tác dụng gọi là thứ yếu, tác dụng chính nhất là để con người vô tôn giáo để tiến hóa chứ không nhấn mạnh vào thứ yếu. Đó là lý do vì sao tôn giáo bị người t a hiểu lầm rằng là một thứ ma túy, thuốc phiện vì người lãnh đạo, trường phái hay chiều hướng tôn giáo thay vì chú trọng vào sự tiến hóa thì lại chú trọng vào chuyện làm sao giải quyết những vấn đề cấp thời. Trong thời đại bây giờ với tri thức, sự hiểu biết, cách suy nghĩ hiện đại, có lẽ mình nên thay đổi lại, tu có nghĩa là tiến hóa. Do đó, không phải chỉ có người Phật giáo mới tu mà tất cả ai có sự sửa đổi để tiến hóa thì đều gọi là tu cả.

Hỏi: Thầy vừa nói tới vấn đề là người nào cũng cần phải tu nhưng có nhiều người nói là tôi ăn hiền ở lành, sống một cuộc đời hạnh phúc, tôi thành công trong xã hội, thì cần gì tôi phải tu.

Đáp: Quan điểm đó rất là đúng. Bởi vì con người có nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có một cái ưu tiên. Giai đoạn đầu tiên là mình phải làm sao sinh tồn. Khi mình cần phải sinh tồn thì mình sẽ không nghĩ gì đến chuyện tu hành, tiến hóa gì cả. Mình thấy rất nhiều người nghèo khổ, không có miếng ăn, không có gạo, có muối, không có nước nữa thì mình không cách chi biểu người ta tu được cả. Sinh tồn là chuyện quan trọng lúc đó, phải giải quyết chuyện sinh tồn chứ không phải chuyện tiến hóa. Nhưng khi sinh tồn giải quyết rồi thì mình muốn làm sao cho cái nhà đẹp chút xíu, có cái xe hơi chạy cho tốt, tức là không những sinh tồn mà được sung sướng chút xíu. Nên mỗi tầng lớp đều có một ưu tiên. Có rất nhiều người tới chùa không phải để tiến hóa nhưng nhu cầu của họ là cần làm sao giải quyết cái niềm sợ hãi, không an toàn. Họ cảm thấy cần được an toàn. Họ muốn giải quyết vấn đề tâm lý. Thành ra đầu tiên là sinh tồn thân thể, đến vấn đề sinh tồn của tâm lý, tức sự an toàn xong rồi, họ mới tới chỗ cho có tên tuổi, muốn người ta biết tui, muốn định vị trí của mình trong xã hội. Tới đây là mình thấy đã có một sự tiến hóa rồi. Như mình thấy nếu mình mới đẻ ra, làm sao mình nghĩ mình sẽ xuất gia thành Phật? Nhưng bắt đầu lớn chút xíu rồi mình sẽ nghĩ khác. Quan điểm của mình sẽ thay đổi theo thời gian, theo vị trí sống của mình. Tất cả những thay đổi đó thường theo 1 chiều tiến hóa: thể xác trước rồi tâm lý tới tâm linh. Cho nên khi nói chuyện tu hành, nhất là trong thời đại bây giờ, khi đa số chúng ta ở Bắc Mỹ, Canada, Âu châu... đều có sự sinh sống, chức vị ổn định trong xã hội rồi thì thường mình sẽ nghĩ đến chuyện tâm linh. Mình muốn ngồi thiền, được an lạc. Hiện tượng đặc biệt nữa là mình muốn làm việc thiện, việc xã hội, cứu đời. Tất cả những cái đó là biểu tượng của việc mình đang tu, mà tu tiến hóa đó. Chuyện đó thường không xẩy ra ở những nơi như Phi châu chẳng hạn, nơi người ta đang cần sinh tồn...

Hỏi: Thưa thầy, thầy có nói tu hành là tùy theo cái giai đoạn trong cuộc đời. Nhưng có những ngươi đi tu rất sớm, thí dụ như thầy. Vậy những người khoảng 40, 50, nếu họ tu thì có được không, có dễ không?
Đáp: Cô nói thầy tu sớm là mấy tuổi. Thầy đâu phải tu từ hồi 3 tuổi đâu?

Hỏi: Vậy lúc thầy đi tu là bao nhiêu tuổi?

Đáp: Thầy xuất gia năm 19 tuổi rưỡi. Có những người đi tu còn trẻ hơn, ngày xưa thầy có một chú đệ tử 6 tuổi đã biết muốn đi tu rồi. Có nhiều người trẻ lắm đã có căn cơ. Những người lớn tuổi thì quan điểm và kinh nghiệm sống của họ chững chạc, đứng đắn hơn vì vậy sự tu hành của họ đúng hơn. Nếu không dùng chữ tu, thì mình nói cái nhận thức về mình cao hơn, vững vàng hơn. Những người đó thực sự dễ dàng tiến hóa hơn. Lúc mới bắt đầu xuất gia, thầy không nghĩ rằng tu là tiến hóa mà nghĩ tu là mình sẽ đạt được một cảnh giới gì hay đạt tới thần thông, muốn giác ngộ. Mình không nghĩ rằng tu là tiến hóa. Nhưng có cái hay vô cùng là té ra chuyện tiến hóa nó lạ lắm. Càng tiến hóa bao nhiêu thì mình lại càng xả thân mình cho người khác, tức là khi tu, không những mức độ tiến hóa càng lúc càng cao mà tâm mình càng lúc càng khai mở ra. Càng lên cao thì tâm mình càng mở ra. Phật thì mở ra đến tâm vô lượng vô biên. Sự khai mở đó đi đôi với cái sự tu hành cảnh giới cao. Thí dụ như khi mới tu, nếu mình giận 1 người đó thi nếu người đó xin lỗi mình, mình cũng không thèm tha thứ cho họ. Nhưng nếu mình tu, sửa đổi tánh tình của mình, mình không cần đi sửa đổi người ta, mình lo sửa tánh tình của mình tới một mức độ nào đó thì mình tha thứ cho người ta dễ lắm, mình nhìn người đó mà không còn sự giận dữ, ghét người đó nữa. Đó là cái chứng tỏ tâm mình đủ rộng để chứa người đó trong lòng. Nếu 10 năm sau mà mình vẫn không chứa được người đó, mình không tha thứ được thì tâm mình vẫn nhỏ như thường.
Càng tu, tâm mình càng rộng mà càng rộng tức càng tha thứ. Cái đó là điều lạ thứ nhất, đặc điểm thứ nhất là càng tu tâm càng mở rộng. Cái đặc điểm thứ hai là càng tu thì càng vì người khác, càng vì mình bao nhiêu thì cảnh giới của mình càng lúc càng nhỏ hẹp lại. Thành ra sự sửa đổi và tiến hóa là của sự bố thí, cái lòng khai mở, cởi mở. Đặc tính đó là lý do mình gọi chương trình của mình là Khai Tâm vì mình thấy được rằng con đường tu hành là con đường tiến hóa mà con đường tiến hóa là con đường lúc nào cũng khai mở cả.

Hỏi: Thưa thầy, có người tu sớm, tu muộn. Như vậy, cái sự thành tựu như thế nào? Người xuất gia sớm thành tựu hơn người tại gia?
Hỏi: Thường thường mình hiểu như vậy. Thời xưa trong văn hóa Đông phương, người ta nghĩ rằng con nít không ô nhiễm và dễ dàng thành tựu. Người ta nghĩ như vậy, đồng chân nhập đạo, mình dễ thành tựu cao hơn. Đó là quan điểm văn hóa quan trọng trong xã hội người Tàu. Cho nên nếu các bác qua bên Tây tạng sẽ thấy con nít mấy tuổi đã cho xuất gia rồi. Có những người tái sanh mới 6, 7 tuổi đã đảnh lễ.
Quan điểm quan trọng nhất mình nhận ra là sự thành tựu không phải do tu sớm tu trễ mà là sự nhận thức làm sao để mình khai mở. Vì nếu mình tu lâu lắm nhưng mình không khai mở thì không được. Có chuyện nói trong thiền môn như vầy: hai người học trò tới tu với 1 ông thầy. Ông sư phụ hỏi: Con vì sao muốn xuất gia?
Người thứ nhất nói: Con nghe danh sư phụ nổi tiếng là người giác ngộ, có đến 8000 đồ đệ, có tới 300 ngôi chùa. Nên con muốn tu hành để trở nên một người như sư phụ để sau này có thể hoằng dương Phật pháp, hóa độ chúng sanh, tăng số chùa, tăng số đệ tử làm cho pháp của sư phụ mãi mãi bất diệt.
Người ngồi nghe phục lắm, nghĩ người đệ tử này thiệt là một người có tâm đạo, theo hoằng dương nối nghiệp sư phụ.
Người đệ tử thứ 2 thì không nghĩ tới nhiều thêm chùa chiền, thêm đệ tử vì mục đích người tu là làm sao cho tâm khai mở, làm sao bố thí ra chứ không phải thêm nhiều. Càng thêm nhiều thì càng không được. Người thứ hai nói: Con không nghĩ mục đích của con khi con tu là thêm chùa, thêm đệ tử. Con sợ sư phụ thất vọng là con không làm được chuyện đó. Mục đích của con là tu để làm sao con có thể đem sinh mạng con cống hiến cho chúng sanh, chứ con không có tư tưởng nào nghĩ về con nữa. Không có giờ phút nào con phải lo nghĩ về con, con muốn làm sao con nhỏ hơn hạt bụi nữa, làm sao con không có 1 mảy may nào là vì con cả.
Sư phụ cười không nói gì, hỏi tất cả những người ngồi đó: Như vây các con nghĩ thế nào về hai người đệ tử này của ta?
Còn các anh chị thì nghĩ sao?

Hỏi: Người thứ hai là người có tư tưởng đúng đắn nhất về vấn đề tu.

Đáp: Đúng. Anh chàng này muốn tiến hóa khai mở. Người kia thì muốn bên ngoài. Người thứ hai có mức độ hiểu được chính mình rõ ràng hơn. Đó gọi là mức độ tiến hóa. Ông Socrate nói: mình hiểu chính mình, đó là con đường tâm linh. Cho nên con đường khai mở, con đường quan trọng nhất, là mình phải hiểu chính mình và mình phải mất đi chính mình. Tu có nghĩa là càng tu thì càng mất đi chính mình, không phải thêm vào. Tu là bố thí, là cởi mở. Làm cho mình không còn gì cả thì gọi là tu. Ông Lão Tử nói: nếu vì cái đạo thì hằng ngày mình càng giảm bớt mà giảm tới cái chỗ vô vi, không còn gì nữa. Nhưng cái học thì ngày càng tăng, tri thức tăng. Do đó khi bắt đầu tu hành, mình thường bắt đầu nghĩ tới chuyện làm sao mình tiến hóa, làm sao mở rộng ra, mất mình đi, chứ không thêm vào.

Hỏi: Tại sao 2 người đều xuất gia mà nghĩ khác nhau? Vì người có căn tu, người không? Tại sao sự nhận thức khác biệt như vậy?

Đáp: Nói về chuyện căn tu, chắc có lẽ nói cho rõ ràng hơn thì là kinh nghiệm sống. Người thứ hai có lẽ có kinh nghiệm sống thực tiễn trong xã hội. Người đó có vẻ đã đụng chạm nhiều và thấy sự thất bại là mẹ của thành công, rằng sự nhục nhã không khác gì sự quang vinh cả. Do đó anh được tiến hóa. Người thứ nhất có lẽ là người chưa trưởng thành nhiều và có nhiều lý tưởng quá nên thường thường, tự biến cái lý tưởng đó thành bản ngã. Có rất nhiều người mình thấy sống trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn khi mình chưa thành công trên đời, mình nghĩ công việc, tiền bạc là quan trọng nhất. Khi có tiền bạc vững vàng rồi, mình mới bắt đầu nghĩ rằng tiền bạc, công việc chưa phải là quan trọng mà phải có sự hy sinh, buông xả chính mình để giúp cho người khác vui vẻ. Mình thấy niềm vui của người khác cũng quan trọng tương đương như việc của chính mình. Do đó mình thấy ra cuộc đời mỗi người có một giai đoạn. Do đó người sau không phải là hay hay dở hơn người trước. Anh chàng sau có sự trưởng thành nhiều hơn người trước.

Hỏi: Con thấy có những lý do khác nhau làm người ta đi tu. Thầy có thể phân loại những lý do mà người ta đi tu?

Đáp: Lý do dễ dàng có lẽ là sinh tồn. Vừa rồi thầy đi Trung Hoa về và biết rằng người xuất gia cũng được trả tiền lương hằng tháng, do đó là vấn đề sinh tồn, đi tu được trả tiền thì tội gì mình không đi tu? Chuyện thứ hai nhiều khi là áp lực của gia đình khiến cho mình phải đi tu chứ không phải tự nguyện. Thứ ba nữa là do truyền thống.

Hỏi: Hay là vì họ thất bại trong đời sống nên họ muốn đi tu? Thất bại về tình cảm, công việc. Nếu đi tu vì những động lực như vậy thì có thành công được không thưa thầy?

Đáp: Câu hỏi rất hay. Nếu mình nghiên cứu thì sẽ thấy mỗi động cơ đều đưa tới một kết quả khác. Không một động cơ nào không có kết quả. Do đó, khi nói tới chuyện tu hành thì phải nghĩ tới cái động cơ . Hồi nãy mình nói lý do này nọ nhưng thật ra còn phải nhìn vào cái con đường từ cái động cơ này cho tới kết quả. Thường thường, cái động cơ thì phật giáo gọi là cái nhân, nhân nào thì quả đó. Nên nhiều khi người thất tình đi tu thì thường thường họ không nghĩ tới chuyện thành Phật hay tiến hóa mà chỉ nghĩ tới làm sao cho bớt cái niềm đau khổ. Vì cái động cơ là hết đau khổ nên tìm được an lạc trong chuyện tu hành, do đó sự phát triển bình thường là người đó sẽ hết sức nhẹ nhàng hằng ngày tụng kinh để được an ủi. Do đó cái nhân quả rất quan trọng, mỗi người mình trồng một cái nhân, không ai giống ai cả. Nhiều khi trong chuyện tu hành, có rất nhiều cái nhân hội tụ lại, cho nên cái quả cũng rất là phức tạp, mình không thấy được liền. Cho nên khi nói chuyện tu hành nhân quả mình phải nhìn cái động cơ đầu tiên cả.

Hỏi: Người bình thường với đời sống bận rộn thì có cách nào hữu hiệu để tu không?

Đáp: Có! Có cách dễ dàng. Nếu mình nghĩ tu hành là một sự tiến hóa, khai mở thì tu dễ dàng thôi. Thường thường, mình nghĩ tu là phải mặc áo tràng, lên chùa... nên thấy khó. Nếu mình nghĩ tu có nghĩa là thành Phật thì tu trở nên càng khó hơn. Nhưng nếu nghĩ rằng tu là một sự cởi mở, là một sự thay đổi con người mình thì tự nhiên nó dễ. Có những cái rất quan trọng. Nhưng cái mình nên thay đổi đầu tiên là cái nhìn. Do đó, cách hữu hiệu nhất cho người tại gia, người xuất gia hay bất kỳ người nào là thay đổi cái nhìn Thay đổi cái nhìn không những là chuyện đầu tiên đức Phật dạy trong bát chánh đạo tức 8 con đường chính, thì con đường đầu tiên để tu là làm sao có chánh kiến tức thay đổi cái nhìn, nhìn làm sao mà khiến mình có thể vượt ra được ngoài cái sự đau khổ chướng ngại. Thường thường mình nhìn một cái tai nạn, chướng ngại gì đó là cái khổ cho mình. Nhưng nếu mình nhìn đó là một cơ hội để tiến hóa, thay đổi thì tức nhiên nó khác. Do đó gần như là phương tiện đầu tiên dễ dàng hữu hiệu nhất là mỗi chuyện tới, mình đổi cái nhìn khác. Thầy cho thí dụ: Cô này đã có chồng và 2 đứa con. Cô muốn đi tu nhưng không biết làm sao. Hôm đó ông chồng đi chơi với cô, thấy một người đàn bà đẹp, ông khen. Bà vợ hỏi: nếu anh thấy người đẹp anh khen như vậy, anh có bao giờ nghĩ rằng anh muốn sống với một người đẹp hơn em không? Ông chồng nói: đương nhiên! Đàn ông nào không muốn sống với người đẹp.
Sau đó, bà này tìm 1 người đàn bà mới giới thiệu cho chồng cưới bà đó rồi bà đi tu. Người ta hỏi tại sao bà có thể làm chuyện đó được? Vì tình vợ chồng gắn bó, tình yêu là muốn chiếm hữu. Bà nói: sở dĩ tôi làm được như vậy là vì tôi thay đổi quan điểm. Hồi xưa tôi nghĩ vợ chồng là gắn bó lắm, là 1 chứ không là 2. Nhưng khi tôi học Phật pháp, tôi thấy thì ra trước sau gì mình cũng phải tự lo cho mình, trước sau gì mình cũng phải ở riêng mới tu được. Chính vì đó mà tôi thay đổi quan niệm. Nếu tôi muốn chồng tôi tốt thì tôi phải cho ông sung sướng. Ông muốn người khác nhưng ông chưa nói thì tôi cúng dường.
Mình không nghĩ rằng tất cả những người đàn bà nên làm như vậy, ở đây mình chỉ nói đến cái sự thay đổi cái nhìn của bà này.

Hỏi: Người ta thường nói câu: Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa. Như vậy có phải dễ nhất là tu ở chùa không. Theo con thấy là tu chùa khó lắm, đâu phải ai cũng đi tu được.

Đáp: Tu chợ thì khó, tu nhà thì càng khó hơn vì người nào cũng biết mình cả, mình không trốn được. Ở chùa mình làm không ai biết nên thực sự tu ở chùa dễ hơn ở nhà. Ông Lão tử nói rằng muốn tu chân thật thì phải tu cái thân của mình. Tu chùa khó ở chỗ phải ép mình vào khuôn khổ, thí dụ dậy sớm, sáng 4 giờ dậy tối 12 giờ tụng kinh ... ăn ít, không có tiền bạc, đi ngược lại dục vọng, những cái đó khó là khuôn khổ nhưng tu ở nhà khó là vì mình phải chân thật với chính mình, phải đối diện với chính mình, phải làm sao cho người ta vui vẻ, hai cái khó khác nhau. Tu nhà tu chợ tu chùa mình không thể so sánh, mỗi nơi có một khó khăn khác nhau. Tu là mức độ đổi cái nhìn, mức độ tâm cởi mở. Nếu các anh chị muốn nhớ được ý nghĩa của tu hành thì có 3 chuyện: tu làm sao càng ngày càng cởi mở, 2 là tu thì làm sao thay đổi cái nhìn cho rộng ra, 3 là tu phải có một sự tiến hóa, thí dụ 5 năm sau nhìn lại thấy xưa mình ấu trĩ quá, con nít quá. Nghĩ được như vậy thì gọi là tu. 3 điểm đó gần như là yếu tố chính để mình biết là mình có tu hành.

Hỏi: Như vậy có cách gì thiết thực để thực hiện những chuyện đó?

Đáp: Chuyện đầu tiên là sửa đổi cái nhìn. Muốn sửa đổi cái nhìn thì mình phải đi học. Phật giáo nói là mình phải gần người thiện tri thức, người hiểu biết nhiều. Thiện là điều tốt, điều hay, tri là biết, thức là người có kiến thức. Cái người có kiến thức,hiểu biết hay thì mình nên gần. Mình muốn tới gần người có tánh tốt để mình học, đó là cách để mình thay đổi cái nhìn. Đối với người tu tại gia thì mình cần có người mình gọi là người hiền, mình chưa cần tới ông thánh, mình cần tới người hiền, có tâm đạo cởi mở để mình học, bắt chước. Thường thường khi tu mình bắt chước nhiều hơn là học chữ nghĩa. Nhiều khi mình nghĩ tu là đọc sách nhưng thực sự là bắt chước nhiều hơn là đọc sách. Nhưng đọc sách cũng là quan trọng vì đọc sách mở mang những ý tưởng, tâm trí để mìn h biết con đường đạo mà đi theo. Nếu nói đúng thì tu tại gia là đổi cái nhìn, lúc nào cũng cởi mở, cởi mở ra cả. Đối với người tại gia, mình cần chú ý tới mấy chuyện sau: tu làm sao để lương tâm đứng đắn tức là tu cái bụng, 2 là tu cái ngực, tức con tim, làm sao cho con tim của mình cảm nhận được sự thiện, sự lành. Cái bụng thì cảm nhận sự đứng đắn, lương tâm cảm nhận sự thiện, nhưng cái tâm thì cảm nhận sự lành. Tức là đối với cái bụng thì mình tu làm sao để việc gì trái với lương tâm thì mình không làm. Tu tâm thì khai mở. Việc gì làm mình cảm thấy thoải mái, việc thiện, lành thì mình phải làm. 3 là tu cái óc, tức là con đường thánh hiền, triết lý làm cho mình có thể sáng tạo hơn, mở rộng hơn, đó là con đường tu. Nói 1 cách tổng quát như vậy

Hỏi: Cách tu có khác nhau tùy theo lứa tuổi?

Đáp: Đúng, mỗi lứa tuổi có một lối tu khác nhau, nếu nói sâu sắc hơn nữa thì không phải là vì tuổi. Lớp tuổi khác nhau là vì thân thể. Người già không thể ngồi thiền lâu được. Nói về các lớp tuổi là nói về sức khỏe của thân thể nhưng nói về phương pháp tu khác nhau như thế nào là nói về mức độ trưởng thành của tâm linh, tâm lý và nhận thức, 3 cái. Nếu một người tâm lý không trưởng thành thì chỉ tu cho an toàn thôi, mình chỉ nói: bác ngồi đó niệm Phật thì Phật sẽ độ cho bác. Người tâm lý trưởng thành thì mình nói bây giờ bác đi làm việc thiện giúp người khác đi. Nếu nhận thức trưởng thành thì mình nói đây là con đường đạo, bây giờ bác nên làm chuyện này: tới chùa, hội đoàn này, cộng đồng kia... làm những chuyện này để mở tâm ra, khai tâm người ta. Cuối cùng, tâm linh người ta đã chín mùi thì mình nói khác. Nếu tâm linh người ta chưa khai mở, không thấy chuyện tu hành quan trọng thì có cách tu khác, nhiều khi chỉ là tu làm sao cho thân thể khỏe mạnh. Nhiều người nghĩ tu làm sao cho thân thể khỏe mạnh thì chỉ là thể dục mà người ta không biết té ra thân thể khỏe mạnh là một phần của tu hành bởi vì tu thì phải đều hết, toàn diện chứ không thể nghĩ tu là chỉ có chuyện tâm linh mà thôi.

Hỏi: Chuyện gần người thiện tri thức rất là quan trọng, thưa thầy.

Đáp: Tức là chọn bạn lành, hiểu biết, giúp mình tu. Kinh Hoa Nghiêm nói gần như 7, 8 chục phần trăm là mình phải nhờ người bạn lành chỉ dạy hướng dẫn. Cái đó cũng nói lên một quan điểm của tôn giáo là thường thường đặt nặng vấn đề giáo dục, đi học, bắt chước theo, được dạy...Mà điều đó đưa tới 1 điều khác nữa trong quan điểm tu hành là mình phải muốn tu mới được, nhiều khi người ta muốn dạy mà mình không muốn tu thì cũng khó. Nhiều khi mình đi theo thầy tu nhưng không tu theo thầy, phiền lắm... Mình phải mở cái tâm ra để chịu tu.

Hỏi: Tu toàn diện là gì, thưa thầy.

Đáp: Tu toàn diện bắt đầu bằng tu thân. Thường Phật giáo nghĩ tu thân tức là tu về đạo đức thôi, đừng ăn trộm, ăn cắp, đừng tà dâm... Nhưng không ngờ tu thân còn là tu cái thân thể của mình. Thể dục và đức dục là 2 môn khác nhau. Thể dục là giáo dục cái thân thể, làm sao cho thân thể khỏe mạnh, tráng kiện. Như hồi xưa ở Thiếu Lâm tự, tất cả các ông tăng và những người tới chùa, người nào cũng phải có sức khỏe để làm sao có thể tu lâu dài và càng tu càng tiến hóa. Do đó, quan niệm tu toàn diện là quan niệm tu cái thân và tu mặt tâm lý tức làm sao cái tâm đại bi, cái tình thương mình được mở ra làm sao có thái độ lúc nào cũng cởi mở cả. Mình phải tu cái mức độ trí óc. Mình có trí óc và có con tim. Tu trí óc là làm sao mình phải sáng tạo, hằng ngày vận dụng trí óc chuyên chú vào chuyện đang làm và có thể phát triển được tới mức cái nhìn, vũ trụ quan rộng mở. Tu cái thân, tu tâm lý, tu trí năng, cuối cùng là tu tâm linh tức tu cái mức độ nhận thức về bản ngã, về cõi tâm linh, cõi lòng, cõi im lặng.
Do đó, con người mình phức tạp không phải chỉ có chuyện tu ngồi một chỗ hay quan niệm tu là lên chùa gõ mõ tụng kinh, hay tới chỗ bây giờ mình gọi đời mạt pháp, người ta nghĩ rằng tu là làm sao có áo tràng cho tốt cho đẹp, lên chùa cúng dường và ngồi đó để tụng niệm mà thôi, không thấy rằng chuyện bên ngoài đó không dính dáng gì tới chuyện tiến hóa của tâm linh, sự khai mở của cõi lòng và sự không ngừng thay đổi quan điểm, thay đổi cái tầm nhìn cả. Chuyện hiểu lầm lớn làm cho mình không tu toàn diện được là nghĩ rằng tu là gắn liền với chùa, gắn liền với cái động tác gõ mõ tụng kinh, đưa đám, treo tràng chuỗi..., bị dính vào lễ nghi mà không nghĩ được rộng hơn rằng tu là một sự biến đổi của thân thể và tâm linh.

Lời cuối: Con đường tu là con đường rất tự nhiên bởi vì nó là con đường thay đổi cái nhìn của mình, con đường làm cho mình cởi mở, tâm mình càng ngày càng rộng lớn hơn, con đường làm sao cho mình càng ngày càng tiến hóa, trở nên tốt hơn, đẹp hơn. Do đó con đường tu không phải là con đường dính liền với sự xuất gia hay tại gia mà là con đường khai mở. Chữ khai mở sẽ gắn liền vào chữ tu

Return to “Tu Tập”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 2 guests