Page 1 of 1

Cổ Mộ

Posted: 01 Jun 2006 09:49
by Diêu-Linh
có Quán Thiền của ac3 , em có "một cõi đi về " rồi :lol:

em dựng Cổ Mộ trong đây à nhen :oops:

Cổ Mộ

Người bảo Cổ Mộ có diêu bông
Linh-dược chữa được vết thương lòng
Ta về Cổ Mộ không thấy lá
Ta ngỡ mình đã đạt sắc không

Người bảo Cổ Mộ để chôn sầu
Ta về chôn thử mối tình ngâu
Mưa rơi rấm rức trời tháng bảy
Ta ngỡ mình lấp cả bể dâu

Người bảo Cổ Mộ để tham thiền
Ta về tĩnh tọa, lắng cuồng điên
Ngoài kia trùng trùng duyên khởi, diệt
Ta ngỡ mình đã diệt chướng duyên

Người bảo Cổ Mộ để lánh xa
Những phiền - não - trược cõi Ta Bà
Ta vào cực tịnh càng sanh động
Ngẫm ra tĩnh động bởi tâm ta.

Diêu Linh

Posted: 01 Jun 2006 13:12
by Diêu-Linh


Tỉnh Thức (Hoa và Rác)

Nhạc: Miên Du Đà Lạt
Thơ: Diêu Linh
Trình Bày: Mai Hậu

Chùa Thái

Posted: 19 Jun 2006 15:21
by Diêu-Linh
Chùa Thái
(mẫu hằng tuần)

Cuối tuần, tôi vác ba-lô gồm 1 quyển kinh Vạn Phật, 1 chiếc áo Tràng, 1 bộ đồ Vạt Hò, 1 cây nến to, 1 chai nước suối, cùng nhỏ bạn đạo lái xe trực chỉ Chùa Thái. Đấy là ngôi chùa tọa lạc trên núi, được bao bọc bởi khu rừng thiên nhiên (native bush), cách thị trấn của tôi khoảng hơn 1 tiếng rưỡi lái xe. Không hiểu sao tôi rất thích những ngôi chùa trên núị. Có câu rằng người thích núi là hiền nhân, người thích biển là trí nhân. Tôi thì thích cả núi lẫn biển nhưng lại ở thành phố, chắc là dị nhân quá. Chỗ tôi cách biển rất xa khoảng 3-4 tiếng lái xe, nên tôi không thể làm "trí nhân" được, thôi thì tập tành làm "hiền nhân" vậỵ

Kể cũng lạ, ngôi chùa này rất có duyên với tôi, mặc dù là ngôi chùa của người Thái, do các sư Thái trụ trì, nhưng lần đầu tiên tôi đặt chân lên mảnh đất chùa đã thấy quen thuộc như từng đến đây từ kiếp nào rồi. Và cứ thế khoảng vài tuần tôi lại "khăn gói" lên chùa, có khi rủ rê đứa bạn đạo cùng đi, có khi lái xe một mình.

Tôi thích lên chùa này vì nó xa hẳn trần thế, trầm mặc và u nhã như 1 nhà hiền triết ẩn dật non cao, rất thích hợp để nhập thất tịnh tâm. Chùa có xây nhiều Cốc nhỏ (meditation hut) rải rác trong rừng, nhưng không có điện và nước. Khách thập phương có thể trú ngụ qua đêm trong dãy nhà tập thể Nam/Nữ gần khuôn viên chùa trên đỉnh núi. Nhưng muốn nhập cốc thì phải ở lại lâu hơn và phải chịu tối tăm lạnh lẽọ Thật ra cũng không tối tăm lắm (vì đã có nến) và không lạnh lẽo lắm (vì lúc nào chùa cũng chu đáo chuẩn bị sẵn 3-4 tấm chăn mền trong Cốc). Thường thì tôi đến chùa dự những khóa Tu Thiền, meditation retreat (đặc biệt cho người Úc và Phật tử không nói tiếng Thái) nên ở lại lâu hơn và được riêng 1 cái cốc. Còn những lúc thăm chùa vào dịp cuối tuần, chỉ ở vài đêm như thế này thì vào ngủ trong khu nhà tập thể Nữ, trừ khi tôi phát nguyện trì 1 bộ Kinh hoặc thiền định thì xin phép thầy trụ trì được ra Cốc ở.

Không biết tôi có "phước báu" hay sao ấy mà mỗi lần lên chùa Thái vào dịp cuối tuần như thế này đều đúng ngay vào giờ thọ trai (ăn trưa), hay tại tôi thích thức ăn Thái quá nên "canh me" đúng giờ mới trực chỉ lên chùa. Thức ăn Thái nhẹ nhàng, ít dầu mỡ, đặc biệt chùa Thái này hoàn toàn ăn Chay. Thường các sư Nam Tông không ăn chay trường, chỉ tuỳ theo sự cúng dường của khách thập phương. Các sư Thái cũng không ăn Phi Thời, chỉ ăn 1 buổi trước giờ Ngọ.

Khi chúng tôi đến nơi thì vừa lúc kẻng báo giờ thọ trai. Tôi và nhỏ bạn vào Chánh Điện đảnh lễ Phật rồi theo nghi thức cúng dường của Phật Giáo Thái, sắp hàng ngay ngắn, mang những mâm thức ăn, gắp dâng vào bình bát của các vị sư, xong về chỗ ngồi, tụng kinh theo sự hướng dẫn của các sư, rồi thọ thực (dùng bữa). Các Phật tử Thái có hạnh nguyện thật đáng phục. Mỗi ngày các vị đều thay phiên nhau phát tâm đến chùa nấu nướng cúng dường cho các sư.

Sau giờ thọ Trai là giờ thuyết pháp (Dhamma Talk) và thiền định (Meditation). Các vị sư Thái thông thạo tiếng Anh nên thường thuyến pháp bằng tiếng Anh vì ngoài những Phật tử Thái, hầu hết những người đến chùa này đều là người Úc, thỉnh thoảng lọt vài cái "đầu đen nói tiếng Việt" như tôi :). Chùa này chuyên về Thiền Tông nên giờ ngồi Thiền rất lâu, từ 45 phút đến 1 tiếng. Sau giờ Thiền, anh Phật tử Người Úc mon men đến trò chuyện với tôi: "Oh, my Buddha, I felt very sore. Did you at all? You seemed really concentrated?". Tôi cười đáp "I'm used to it now".

Sau giờ Thiền, tôi và nhỏ bạn rủ nhau đi bush walking. Khu rừng này có nhiều walking tracks khác nhau, có track đi bộ dài 1 tiếng, 2 tiếng, 3 tiếng...Khi muốn quay về chùa thì cứ theo con đường mòn mà vòng trở lại. Track dài nhất sẽ dẫn đến thác nước dưới chân núi, nhưng thường thường muốn xuống thác phải có sự hướng dẫn của 1 vị sư trong chùa vì dễ bị lạc lắm. Tôi đã đi bush walking nhiều lần nên hăm hở làm hướng dẫn viên cho cô bạn. Đi chừng 1 chặp, mải mê nói chuyện, chúng tôi đi lạc ra khỏi con đường mòn hôì nào không hay. Càng lúc càng đi sâu vào khu rừng mịt mù không thấy lối ra. Cứ như đi trong "mê hồn trận" ấy, không tìm được phương hướng nữa, đi vòng vòng một hồi đến bờ gần vực thẳm, bên kia là cheo leo lưng chừng núi. Loay hoay gần 3 tiếng giữa rừng, chân tay đều bị gai cào cấu, chúng tôi chắc mẫm đêm nay phải ngủ lạnh giá giữa rừng rồi (trong rừng sâu không có Cốc). Tôi ngồi xuống, hít thật sâu, định tâm lại và bắt đầu trì Chú Đại Bi. Khi trì đến biến thứ 3 của Chú Đại Bi thì tôi bỗng nhiên nhìn thấy một dấu hiệu đi đường khắc trên 1 thân cây Khuynh Diệp (Gum tree) gần đấy. Tôi chợt nhớ lời bác Gia Trưởng Gia Đình Phật Tử của tôi có dặn, "khi bị lạc trong rừng nhớ nhìn dấu hiệu trên thân cây". Quả thật, chúng tôi nhìn chung quanh và thấy những ký hiệu khác nhau khắc trên thân cây gần đấy. Những ký hiệu này, chúng tôi đã học qua trong chương trình Hoạt Động Thanh Niên của GĐPT, nhưng chỉ được áp dụng trong các kỳ Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng và các trò chơi lớn của GĐPT. Bây giờ chúng tôi phải cố moi óc nhớ lại các ý nghĩa của từng ký hiệu.

Men theo những dấu hiệu trên thân cây, khoảng 15 phút sau chúng tôi ra khỏi "mê hồn trận" trở về con đường mòn dẫn lên núi. Trên đoạn đường trở về chùa, tôi chợt ngẫm ra vài điều nho nhỏ, thú vị: "Trên con đường trở về với chân tâm, có đôi khi chúng ta thường đinh ninh cho rằng mình đi đúng đường, nhưng chỉ 1 phút mất chánh niệm, chúng ta sẽ đi lạc đường và loay hoay trong vòng lẩn quẩn của chính mình" Cô bạn thân của tôi thì quá tin tưởng rằng tôi đã đi lại nhiều lần trong khu rừng này, chắc chắn rành đường nên hoàn toàn không chú tâm, đến khi bị lạc cô ấy mới nghiệm ra rằng: "Đừng bao giờ lệ thuộc vào bất cứ người nào, mà mình phải tự thắp đuốc soi đường cho chính đường. Đấy là ngọn đuốc trí tuệ trong được thắp lên trong chính bản thân mình".

Khi về đến Chùa thì trời đã xế chiều. Ngang qua nhà bếp, chúng tôi thấy các Phật tử đang tụ họp ở đấy. Quý sư chùa Thái chỉ ăn một bữa, nhưng Phật tử đã quen ăn phi thời, nên đến chiều bụng đánh lô-tô, chắc xuống bếp kiếm cơm đây. Thấy chúng tôi, anh Phật tử người Úc ban nãy hỏi liền:

"Looks like you got lost in the bush?"
"Yes, mate, for 3 hours"


Một ông Phật tử lớn tuổi người Úc khác chen vào:

"That’s nothing. Last time, my son got lost for 6 hours. He said he’ll never go back to the bush again”. Ông cười vui vẻ, tiếp."Anyway, you're sound and safe now. Have some fried rice that I just cooked. This is the first time I ever cooked."

Chúng tôi quân quầy dưới bếp, 1 số là Phật tử người Thái (có người rành tiếng Anh, có người chỉ bập bẹ), 1 số là Phật tử Úc, chưa từng quen biết nhau bao giờ, nhưng thật gẫn gũi và thân tình, không có ranh giới. Cảm giác giống hệt như mỗi lần tôi ở trong ngôi chùa tại trụ xứ của mình, quây quần chung quanh bên những Phật tử thân quen, ấm áp tình đạo vị. Có lẽ bởi chúng tôi có cùng giòng máu Phật Đà và đã từng là thiện hữu tri thức với nhau từ muôn kiếp rồi. Một lát sau, có vị sư trẻ, với khuôn mặt và nụ cười thật là hoan hỷ, xuống bếp cùng ngồi chơi với chúng tôi. Sư ôm con Mèo hoang mà sư nuôi được vài tháng nay. Sư nói: “This cat is a good buddhist. He follows the five precepts (Ngũ Giới) really well. He chases the mouse around the temple, only to scare them off but never eat them”.

7 giờ tối, chúng tôi vào Chánh Điện tụng Kinh (chanting) và ngồi Thiền khoảng hơn 1 tiếng. Sau đó, về phòng Chỉ Tịnh (giờ ngủ). Tối nay, chúng tôi không ngủ ở Cốc mà ngủ trong khu nhà tập thể, nhưng chỉ có 2 đứa tôi, còn vài Phật tử người Thái và người Úc ở lại lâu nên ngủ trong Cốc. Về phòng, tôi và bạn chưa chịu ngủ ngay. Chúng tôi nhặt củi ngoài rừng về thắp vào lò sưởi, bên ánh lửa bập bùng, ngồi nói chuyện đạo tới khuya (lần sau tôi sẽ nhớ mang theo hạt dẻ để nướng ăn vào mùa đông này thì tuyệt vời). Phật tử chúng tôi tin rằng, mỗi khi Phật tử ngồi lại với nhau chia sẻ chuyện đạo, thì Long Thần Hộ Pháp luôn quây quanh, gia hộ độ trì cho chúng tôi.

5 giờ sáng, tiếng đại hồng chung thong thả nhã từng hồi thanh thoát, báo hiệu giờ công phu sáng. Sau thời Kinh và Thiền là phần hồi hướng công đức

"May all beings be well and happy
Free from pains and sufferings
Whatever merits we have done
May these merits be shared by all"


Buổi sáng trên núi sương mù bảng lảng. Xa xa là ánh bình minh đang ló dạng trong mây. Tôi hít thật sâu không khí trong lành, cảm thấy vô lượng an lạc, tràn đầy hạnh phúc vì được sống trong phút giây hiện tại mầu nhiệm này.

Chúng tôi khăn gói về sớm vì hôm nay là Chủ Nhật, tôi còn phải về "chăn" bầy em Oanh Vũ trong GĐPT của mình. Trên đường về, tôi lẩm nhẩm:

"Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo"


Diêu Linh

Posted: 19 Jun 2006 16:38
by Quỳnh Hương
Thấy mí M's tái xuất giang hồ là anh3 dzui lắm a :lol:

Kể hay lắm, DL .

Posted: 20 Jun 2006 11:45
by Guest
hí hí chị Wình :lol:

em xuống núi thì ac3 lại lên núi :roll:

Posted: 20 Jun 2006 11:58
by Diêu-Linh
Image
ảnh m6

Trăng
(gợi hứng từ ảnh "trăng" của m6)

Trăng xưa vằng vặc khuôn rằm
Theo đường tay chỉ chân tâm đi tìm
Bao phen hư vọng ảo huyền
Lấp che diệu tánh, ẩn chìm bản lai
Đời chia trăm nhánh trần ai
Trơ vơ kiếp trược, lạc loài tử sinh
Nửa vầng khuất bóng vô minh
Nửa còn treo giữa lênh đênh sa mù

Vạch màn tháo bức thâm u
Sáng soi thật tướng, thiên thu thường hằng
Ngón tay không phải là trăng
Trong ta, ta thắp một vầng viên dung.

Diêu Linh

Posted: 22 Jun 2006 10:57
by Diêu_Linh
Image

Bố Đại Hòa Thượng

Trải lòng trên bước vô vi
Người mang hỷ xả từ bi vào đời
Ngày đi chia sớt nụ cười
Đêm về ngủ giữa đất trời thong dong
Phủi tay nhẹ túi không không
Vác vai chánh đạo viên thông bồ đề
Chúng sanh nghiệp nặng tình mê
Người từ vọng ảo đưa về giác chân
Vào, ra tự tại vô ngần
Hóa thành muôn vạn ứng thân, độ đời.

Diêu Linh


(*) Bố Đại Hòa Thượng: Hòa Thượng mang cái túi lớn

Dịch ra Hán Văn :

布 袋 和 尚
入 世 长 开 喜 捨 心
宽 容 无 量 道 渊 深
日 笑 向 人 真 善 法
夜 眠 天 枕 地 为 床
凡 夫 种 业 迷 宫 窘
说 理 慈 悲 拔 望 嗔
去 来 自 在 心 无 畏
化 度 群 生 万 应 身
白水译本

Phiên âm Hán Việt :

Bố Đại Hòa Thượng

Nhập thế tường khai hỉ xả tâm,
Khoan dung vô lượng ,Đạo uyên thâm ,
Nhật tiếu hướng Nhân chân thiện Pháp,
Dạ miên Thiên chẩm Địa vi sàng,
Phàm phu chủng nghiệp mê Cung quẩn,
Thuyết lý từ bi bạt vọng sân,
Khứ lai tự tại tâm vô úy,
Hóa độ quần sanh vạn ứng thân .

Bản dịch của Bạch Thủy

Posted: 16 Aug 2006 09:22
by Diêu-Linh
Tâm Hạnh

Phủi tay áo lộng non ngàn
Về nghe hạc trắng vỗ tràn hư không
Thả rơi mấy hạt bụi hồng
Nơi bờ tục lụy bên giòng nhân gian

Người từ mấy nẻo quan san
Về mang sắc áo nhuộm vàng tà huy
Khép tờ hoa mộng xuân thì
Mở trang kinh kệ, huyền vi phút này

Người là sứ giả Như Lai
Về gieo tâm hạnh hiển bày chân nguyên
Rồi mai cởi bỏ nghiệp duyên
Qua cầu sanh tử, hoát nhiên bến nào.

Diêu Linh