Page 1 of 1

Thế lưỡng phân trong thuyế't của Phật Như Lai

Posted: 29 May 2006 09:09
by nmchau
Dương Thu Hương

Ngày Mậu Ngọ-Tháng Nhâm Thìn-Năm Bính Tuất

Cung kính dâng Ðức Thế Tôn để tỏ lòng tri ân sâu nặng trước Ngài.

Trong tất thảy các tôn giáo, không tôn giáo nào dạy con người vừa phải sống, phải xây dựng cho cuộc sống tốt đẹp lại vừa phải từ chối nó, coi nó như áng phù vân, như hình bóng hư ảo chập chờn trên vách hang động, như ốc đảo lộng lẫy hiện lên trong trí tưởng tượng của kẻ lữ hành nơi sa mạc.

Vâng, không tôn giáo nào dạy con người sống với tư thế lưỡng phân như vậy, trừ đạo Phật. Nói một cách chính xác hơn, trừ lý thuyết của Ðấng Thế Tôn.

Với tư duy quen thuộc, người ta thường phân biệt hai hình thái đối lập rạch ròi, hai kiểu sống hoàn toàn trái ngược:

Một là nhập thân trong cuộc sống trần ai tục lụy, chấp nhận sự ồn ả, bụi bặm, nhộn nhạo, cạnh tranh khốc liệt với tất thảy những cuồng nộ của đam mê, tức giận , thù ghét, mưu chước và tất thảy những gì liên quan tới cuộc bại thành khiến con người phải uống đến giọt rượu cuối cùng của cuộc sinh tồn, ngọt ngào cũng như cay đắng.

Hai là tìm nơi hẻo lánh ẩn thân, sau khi đã ghê sợ no nê cảnh đời. Rời bỏ đô thành hay làng xóm, tìm nơi núi hoang hay biển vắng để tránh mặt người hoặc hạn chế tối đa mọi cuộc tiếp xúc với giống người. Ở những nơi đìu hiu như thế, làm bạn cùng cỏ cây muông thú, xa cách những xung đột bắt buộc của mưu sinh, tránh cạm bẫy của giàu sang, quyền thế, sắc dục.

Giữa cuộc nhập thế và sự ẩn thân là một giải biên thùy. Biên thùy ấy không đóng cột mốc để phân định ranh giới như cửa ải giữa hai nước lân bang nhưng có những quan niệm xưa cổ, được tập nhiễm một cách rộng rãi để phân biệt và so sánh, đối chứng.

Tuy nhiên, Ðức Thế Tôn lại chỉ ra rằng một bậc chân tu thì phải “Hoằng pháp, lợi sinh” nghĩa là phải giác ngộ chúng sinh, chấn hưng đạo Phật. Còn một người chân chính có ý nguyện tôn vinh đạo Phật, tuy không đạt đến La Hán hay Tỳ Kheo nhưng cũng phải sống giữa cuộc đời này giống như hòn đảo, tự tạo cho mình một cây đèn, nương theo chánh pháp và chỉ dựa vào bản thân thôi, không dựa vào ai khác.

Cái nguyên tắc:

“Chỉ dựa vào bản thân thôi, không dựa vào ai khác” chính là nguyên tắc vàng của người theo đạo Phật.

Nguyên tắc ấy chỉ ra rằng một bậc chân tu hoặc một người chân chính không có quyền theo đuôi kẻ khác, không có quyền nghĩ bằng cái đầu của kẻ khác, không có quyền làm bất cứ hành vi nào mà không ý thức về hành vi đó và chịu trách nhiệm về hành vi đó.

Chỉ dựa vào bản thân thôi và tồn tại giữa đời này như một hòn đảo chính là cách Phật Tổ Như Lai đặt con người ở thế trực diện trước mọi hiểm nguy của cõi sinh tồn.

Con người phải đối mặt với mọi cám dỗ, nhìn thẳng vào chúng như nhìn vào bầy thú dữ, lựa chọn cho mình cách ứng xử tối ưu. Cách ứng xử tối ưu này được kiến tạo trên hai cây cột lớn. Với bậc tỳ kheo hay chân tu ấy là Trí Huệâ và Phạm Hạnh. Với những cư sĩ hay người theo đạo ở mức thông thường ấy là Trí Tuệ và Giới Hạnh.

Trí Huệ là sự thức tỉnh siêu tuyệt trước chân lý, là khả năng cảm thụ chân tướng của sự vật dễ dàng an nhiên tựa nhìn vào một dòng nước suối trong suốt hay nhìn vào chiếc cốc fa lê. Người có trí huệ là người có khả năng tự gián cách với cuộc sống tục lụy và do đó, đủ điều kiện để phân tích nó một cách chân xác. Ðể tìm một hình ảnh thuận tiện cho sự so sánh, ta có thể coi người có trí Huệ đứng ở một vị thế xa và cao, gián cách với xã hội tựa hồ ai đó đứng trên đỉnh núi cao nhìn xuống cõi thế, thấy muôn vạn những con đường chồng chéo nhằng nhịt trên mặt đất, theo những ngả khác nhau. Trên muôn vạn ngã đường ấy chúng sinh xuôi ngược như đàn kiến hối hả điên cuồng trong cuộc truy tìm hạnh phúc: Giàu sang? Quyền thế? Sắc dục?.. hoặc tất thảy cùng một lượt với những ai trí tham may quá cỡ. Nhưng đa số hoặc chính xác hơn là tuyệt đại đa số những cuộc truy tìm ấy đều dẫn đến khổ đau:

“Bể khổ mênh mông, sóng lút đầu”.

Người có Trí Huệ là người có khả năng nhìn thấy cả biển lẫn bờ, cả căn nguyên lẫn các trạng thái hiện hành mọi nỗi khổ đau mà chúng sinh phải gánh chịu.

Còn Phạm Hạnh, cây cột thứ hai vừa là bệ đỡ vừa là điểm kết nối với Trí Huệ.

Người có Phạm Hạnh là người mà sự giới hạnh đã đi từ ý thức sang vô thức, sự thực hành đạo đức không còn chú tâm, còn ý niệm mà trở thành bản thể, như hơi thở ra vô nơi buồng phổi như nhịp đập của con tim.

Ðối với các cư sĩ, các chúng sinh có thiện tín và thiện tâm, hai cây cột chống cho tinh thần của họ được đặt tên là Trí Tuệ và Giới Hạnh. Hai cây cột này là cặp song trình, vừa là đôi lại vừa là chuyên nhất. Bởi trong đạo Phật không có sự chia cắt giữa trí tuệ và giới hạnh.

Kinh Sonadanda Sutta viết:

“Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh,

Giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh,

Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ,

Chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có giới hạnh,

Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ,

Người có trí tuệ nhất định có giới hạnh,

Giới hạnh và trí tuệ là Tối Thắng ở trên đời.”

Như vậy, lối nói thông thường “kẻ ấy hữu tài vô đức” là không tương thích với đạo Phật. Thật sự ra, nơi đâu là biên giới giữa Trí Huệ và Trí Tuệ. Và ở đâu có vạch phân ly giữa Phạm Hạnh với Giới Hạnh?..

Trong giới hạn của ngôn từ, con người chỉ có thể nhận biết một cách vô cùng tương đối mà thôi!..

Tuy nhiên, kinh Tương Ưng dạy chúng ta rằng:

“Huệ minh được mọc lên

Là mọc lên tối thượng

Vô minh được rơi xuống

Là rơi xuống tối thượng!”

Như vậy, sự Ngộâ, sự thấu hiểu chân lý một cách siêu tuyệt giống như đôi cánh chắp cho con người bay cao lên một tầm cao cần thiết để họ có thể nhìn rõ muôn vạn nẻo đường ngược xuôi gió bụi, để họ có thể nhìn rõ đồng loại cũng như bản thân họ thời quá khứ chính là những bầy kiến đông đảo đang chen lấn trên những ngã đường kia, trong cuộc truy tìm điên cuồng và vô vọng.

Nhưng muốn Ngộ, con người không thể thiếu đức hạnh, không thể chỉ là con mồi bị ngoạm chặt trong hàm loài hổ dữ: Tham, Sân, Si...

Vậy là thế song hành cần thiết cho cơn Thức Tỉnh. Một đôi chân tinh thần bắt buộc phải đủ để bước lên con đường của đạo Phật. Cho dù về mặt thân xác, ta có thể bị bom đạn, tai nạn hay kẻ dữ làm cho thành phế nhân.

Chỉ khi đã Ngộ, đã đủ giới hạnh ta mới có thể trở thành con người chân chính, sống cuộc sống chân chính. Mà muốn Ngộ, trước hết ta phải hiểu đến tận thịt xương ta hai chữ Vô Thường.

Vậy là, vẫn phải chấp nhận cuộc sống mặc dù nhìn thấy chân tướng của nó là Hư Ảo.

Vừa phải sống vừa phải coi cuộc sống ta đang sống là phù du.

Quan niệm như thế là vô cùng khó hiểu, thái độ như thế quả là vô cùng khó khăn đối với đám đông.

Theo con số thống kê, hiện nay trên hành tinh có 1 tỷ bẩy người theo đạo Hồi, 1 tỷ bốn theo đạo Thiên Chúa. Còn người theo đạo Phật chỉ có trên 400 ngàn thôi. Con số ấy không mọc lên một cách ngẫu nhiên. Con đường chông gai thường ít người qua lại. Vách núi cao chắc chắn khó trèo.

Nhưng con đường cheo leo ấy lại chính là phần tinh túy nhất trong lý thuyết của Ðức Thế Tôn, là thứ nước cam lồ mà nếu ai đã từng nhắp một lần thì mọi thứ giải khát khác sẽ trở nên vô vị.

Trước hết, bởi thế lưỡng phân này đòi hỏi một lòng tin tuyệt đối ở chân lý. Và lòng tin vào chân lý lại phải dựa vào sự tự tin ở chính bản thân mình.

Vì chân lý không phải là món hàng có sẵn ở siêu thị hoặc có thể vay tạm của láng giềng. Chân lý là thứ sản phẩm giá thành rất cao, nếu không nói là tuyệt đối đắt, vì nó đòi hỏi Ðộng Não và Ðộng Tâm. Nó yêu cầu sự chấp nhận hao tổn Tâm Cơ lẫn Não Cơ cùng một lượt.

Người ta không thể nghĩ một cách hời hợt, cảm một cách hời hợt, mong ước một cách hời hợt mà lĩnh hội được chân lý. Người ta phải đào sâu trí não, phải xúc động sâu sắc, phải mong ước chân thành và kiên định mới hòng tiếp cận được ánh sáng của Trí Huệ:

Kinh Pháp Cú viết rằng:

“Thiếu trí thì không định,

Thiếu định thì không Tuệ,

Người có định có Tuệ,

Nhất định gần Niếp Bàn”

Cuộc hành trình tìm chân lý là cuộc hành trình tự thân, tự tại. Ðức tin không thể tìm kiếm, xin xỏ hay vay mượn nơi người khác, cho dù người đó là bậc cao nhân.

Kinh Kalama (Kinh Xét Ðoán) viết rằng:

“Này các ngươi Kàlàmà,

Chớ có tin vì nghe truyền thuyết;

Chớ có tin vì nghe truyền thống;

Chớ có tin vì nghe người ta nói;

Chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng;

Chớ có tin vì đúng theo một lập trường;

Chớ có tin vì đánh giá hời hợt các dữ kiện;

Chớ có tin vì phù hợp với định kiến;

Chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền;

Chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình”.

Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau:

- Các pháp này là bất thiện;

- Các pháp này là có tội;

- Các pháp này bị các người có trí chỉ trích;

- Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau;

Thời này Kàlàmà , hãy từ bỏ chúng!

Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau:

- Các pháp này là thiện;

- Các pháp này không có tội;

- Các pháp này không bị các người có trí chỉ trích;

- Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc và an lạc;

Thời này Kàlàmà , hãy đạt đến và an trú!

Như vậy, Ðức Thế Tôn chỉ cho chúng ta thấy rằng “Phải giương cao ngọn cờ hoài nghi trước tất thảy các chân lý đã được làm sẵn”. Phải biết ngờ vực mọi loại hàng hóa tư tưởng đã đóng gói trong các loại bao bì. Chân lý, nếu quả thật xứng đáng với tên gọi, luôn luôn đòi giá cao, giá đắt. Phải đổ mồ hôi, sôi máu não. Phải lao động cật lực trên khối óc và con tim mình. Aùnh sáng Trí Tuệ và Trí Huệ không rọi chiếu tới những hang ổ của sự lười biếng và thói quen ăn bám.

Bởi vì, tất thẩy mọi tư tưởng cũng như mọi tôn giáo đều chứa đựng trong ngôn từ thông qua ngôn từ mà đến với con người. Mà ngôn từ nào cũng có hai dạng thức tồn tại:

Trạng thái hiển nhiên như thứ vỏ trái cây.

Trạng thái bộc lộ như sự dung chứa cốt lõi, tức là phần ruột quả.

Muốn có được hạt hạnh nhân phải đập vỡ lớp vỏ cứng bên ngoài. Muốn tìm được nguyên ủy sự vật phải vượt qua được lớp vỏ hình thức che phủ chúng, có nghĩa là phải lột được vỏ quả mít để thấy múi mít, phải bóp vỡ quảû dẻ để lấy ra hạt dẻ...

Cái lớp vỏ của định kiến, của thói quen, của mê hoặc, của nhầm tưởng... luôn luôn vây bọc nội dung thật sự và tạo nên những xét đoán sai biệt, những phán xử bất công, những hy vọng và thất vọng hão huyền hoặc hàm hồ trong con mắt người đời.

Ðể nhìn cho rõ cốt lõi của sự việc chính là hành trình tìm chân lý. Hành trình ấy chẳng phải là một trò chơi.

“ Này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn hay hòn đảo cho chính mình, hãy tự mình nương tựa vào chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một điều gì khác”. Aáy là lời Như Lai Phật Tổ dạy chúng ta.

“Hãy tự mình nương dựa vào chính mình!..”

- Vì sao Ðấng Thế Tôn nhắc đi nhắc lại câu nói đó?..

- Bởi mỗi lời mỗi chữ ấy là vàng đã được thửù lửa, là đá đã đẽo gọt, là kim cương đã được mài chuốt, là chân lý tối thượng được chắt lọc đúc kết qua bao nhiêu chiêm nghiệm suy tưởng của Ngài.

Con người, do bản tính luôn bị Tham Sân Si chi phối, thường không dám đối đầu với những dục vọng của chính mình. Ðể chạy trốn nỗi sợ hãi này, họ thường có hai cách. Hoặc nhắm mắt rúc đầu vào cát như loài đà điểu, hoặc xa lánh cõi đời. Trong cả hai trường hợp cuộc chạy trốn đều không đạt tới kết quả.

Theo cách loài đà điểu, dù nhắm mắt để không nhìn thấy sự thật, sự thật vẫn đập cửa xông vào nhà. Nếu đã gây tội ác, không phải luật dương gian khoác áo cảnh sát ập tới thì sẽ là bóng ma của oan hồn trở về cưỡi đầu giường ngủ. Còn nếu là kẻ bị bệnh nặng thì dù có tìm mọi cách lẩn tránh thì thần chết cũng sẽ cưỡi chổi hay cưỡi xe hơi tìm đến tận nơi.

Theo cách thứ hai, ẩn trốn nơi hang cùng núi hẻm thật ra chỉ là trò bày đặt, nói khác đi là chuyện thay đổi cảnh trí, phông màn trên sân khấu của cuộc tồn sinh. Bởi vì, bạn hiền hay thù nghịch ngự trị trong tâm hồn ta, điều ấy do chính ta định đoạt. Dẫu cho là nơi thâm sơn cùng cốc, nếu tâm chưa tịnh, trí chưa minh, người ta vẫn có thể bị một nàng sơn nữ xinh đẹp, vợ một chàng tiều phu nào đó bên kia núi khuấy đảo lòng dục và xui khiến chui vào tròng tội lỗi. Hoặc là, khi Vô Minh chưa được rơi xuống khi Giới Hạnh chưa thành, dù ở nơi hẻo lánh nhất con người cũng có thể phạm tội trộm cắp, ví dụ giết thịt một con dê của trang trại lân bang lạc đến vườn nhà...

Những hành vi bất thiện đó dù không ai nhìn thấy, dù lọt lưới pháp luật của loài người nhưng chẳng bao giờ lọt được lưới nhân quả. Vậy nên, mọi sự trốn tránh, ẩn náu đều là trò chơi vô nghĩa của những ai yếu bóng vía hay còn mang vác quá nhiều nhầm tưởng và vọng tưởng.

Kinh Pháp Cú viết như sau về sự Nương Tựa trên cõi đời:

Hoặc trên trời, dưới biển

Hoặc vào trong hang núi

Không chỗ nào trên đời

Thoát khỏi tay thần chết

Hoặc trên trời dưới biển

Hoặc vào ở trong rừng

Không chỗ nào trên đời

Trốn được quả báo ác

Người ta vì hoảng sợ

Tìm nhiều nơi nương tựa

Núi non và rừng rú

Vườn, cây và đền miếu

Ấy không là nơi tựa

An ổn và cao nhất

Nương tựa các nơi ấy

Không giải thoát khổ đau

Ai nương tựa Ðức Phật

Chánh pháp và Tăng đoàn

Thấy rõ Bốn chân lý

Bằng trí tuệ chơn chánh (chân chính-tiếng Nam bộ)

Thấy khổ và nhân khổ

Thấy khổ bị tiêu diệt

Và Chánh đạo tám nẻo

Thì sẽ được hết khổ

Aáy là nơi nương tựa

An ổn và cao nhất

Nếu nương tựa như thế

Mới giải thoát khổ đau

Vui thay, già có đạo

Vui thay, niềm tin vững

Vui thay, có trí tuệ

Vui thay, không làm ác.

Người có đạo là người tự xây cho mình một thành trì vững chắc, trong thành trì ấy họ Ðạt Ðến và An Trú!

Trong thành trì ấy, họ tự tại vững chắc như hòn núi, không một xao xuyến ngoại diện nào có thể tác động vào họ. Dù là lời khen hay tiếng chê, dù là cả biển người vỗ tay cổ vũ hay cả biển người la ó, chửi rủa, ném rác ném đá, dù là sự tâng bốc đến mây xanh hay sự nhục mạ, vu khống đê hèn và bỉ ổi... Tất thảy những phản ứng của tha nhân không thể làm xôn xao run rẩy một con người khi họ đã:

- Tự mình trở thành ngọn đèn cho chính mình,

- Tự mình đủ nương dựa vào mình

- Tự biết sống như một hòn đảo giữa biển trần ai.

Kinh Ðại Niệm Xứ giảng giải cặn kẽ hành trình của một con người đi tìm nơi An Trú trong chính mình, xây đắp thành trì của chính mình.

Với khuôn khổ bài viết ngắn ngủi này, tôi chỉ có thể trích dẫn vài đoạn mà theo tôi có tính biểu trưng: Trong 37 phẩm bồ đề tạo thành bản đồ tu Phật thì Niệm tứ xứ được xếp ở hạng vị đầu tiên. Chắc chắn đây là bước khởi sự của cuộc hành trình. Người xưa đã nói:

“Vạn sự khởi đầu nan”.

Ðây chính là cuộc đấu tranh đầu tiên với những sợi dây trói của nhầm tưởng, vọng tưởng, tà kiến, định kiến, sức mạnh của hủ tục, thói quen, sự ngu dốt...tất thảy những gì kiến tạo nên bóng đêm có tên gọi Vô Minh.

Vũ khí trong cuộc đấu tranh này chính là bốn pháp quán niệm.

1. Niệm thân tức minh sát về thân

2. Niệm thọ tức minh sát về cảm thọ

3. Niệm tâm tức minh sát trạng thái nội tâm

4. Niệm pháp tức minh sát sự tương quan các pháp.

Phải thành đạt trong cuộc chiến đấu với Vô minh người ta mới có thể ngăn ngừa cái ác, khởi xây cái thiện. Và quá trình này sau khi lập đi lập lại trong một thời gian nào đấy, sẽ đạt tới thời điểm mà người ta thường gọi là “lượng đổi thành chất”, đấy chính là lúc con người sở hữu được Tứ thần túc, có nghĩa là họ đạt được bốn pháp có hiệu năng:

1. Dục thần túc tức hiệu năng của ý muốn

2. Cần thần túc tức hiệu năng của nỗ lực

3. Tâm thần túc tức hiệu năng của tâm thần hóa

4. Thẩm thần túc tức hiệu năng của trí phân biệt.

Ðây là bốn thứ châu báu mà mắt thường không nhìn thấy được, câu thường không đong đếm được, người phàm tục không ý thức được. Nhưng tứ thần túc lại là bảo bối cho các bậc chân tu cũng như các Cư Sĩ hoặc các thiện nhân. Khi đã có trong tay những báu vật này, với sự định tâm, với nỗ lực chuyên cần họ sẽ đạt tới Ngũ lực. Ngũ lực tức là năm tảng đá gốc xây cất lên thành trì để con người có thể Tự tại và An trú, thành trì của đức tin vào Như Lai và niềm tin nơi bản thể, thành trì của sự vững chắc và sự thanh thản, thành trì của Từ Bi, Hỷ Xả, Dũng, Trí và Ðịnh.

Ngũ Lực gồm:

1. Tín lực tức sức mạnh của đức tin

2. Tấn lực tức sức mạnh của sự tinh cần

3. Niệm lực tức sức mạnh của sự tỉnh thức

4. Ðịnh lực tức sức mạnh của sự chuyên nhất

5. Huệ lực tức sức mạnh của trí tuệ

Trong lịch sử Phật giáo có biết bao truyền tích về các vị La Hán, mỗi người một cách đi đến Giải Thoát cuối cùng. Trong các vị La Hán ấy, có người xuất phát nơi cung cấm, có người xuất xứ trong hạng cùng đinh nhưng tất thảy đều phải tu tập để đạt được Ngũ Lực vì Ngũ Lực chính là đá tảng là gạch ngói với cát xây nên bức thành vĩnh định để mà: Ðạt Ðến và An Trú.

Là người Việt Nam, tôi hằng nhớ đến một nhân vật trong cổ sử, một tấm gương sáng chói về Phạm Hạnh, một phụ nữ bình dị trong bốn lũy tre xanh đã xây cất được thành trì, đã trở thành hòn đảo, thành ngọn đèn cho chính mình Nàng có tên là Thị Kính.

Thị Kính, nàng là ai?

Nàng là con người bằng xương bằng thịt của đồng quê Việt Nam trong một thời kỳ lịch sử nào đấy hay nàng là sự phóng chiếu của giấc mơ Phật tử?.. Dù sao chăng nữa thì chặng đường từ nàng Thị Kính cắt râu mọc ngược cho chồng đến lúc trở thành Quán Âm Thị Kính là hành trình tiêu biểu cho chữ Nhẫn mà chúng ta có thể tìm thấy trong những lời giáo huấn của Ðức Thế Tôn với Ra hầu la:

“Hãy tu tập như đất. Vì trên đất người ta quăng bỏ đồ tịnh, đồ không tịnh, phân uế, nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và máu; tuy vậy đất không lo âu, không giao động, không nhàm chán; cũng vậy, này Rahầula, hay tu tập như đất. Do tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.

- Cũng như thế, hãy tu tập như nước,...như lửa, như gió, như hư không.

- Hãy tu tập về lòng từ. Do tu tập về lòng từ, cái gì thuộc về tâm sâu sẽ được trừ diệt.

- Hãy tu tập về lòng bi, cái gì thuộc về tâm hại người sẽ được trừ diệt.

- Hãy tu tập về hỷ, cái gì thuộc về không vui sẽ được trừ diệt.

- Hãy tu tập về xả, do tu tập về xả cái gì thuộc về tâm hậu sẽ được trừ diệt.

- Hãy tu tập về bất tịnh, do tu tập về bất tịnh, cái gì thuộc về tham ái sẽ được trừ diệt.

- Hãy tu tập về vô thường, do tu tập về vô thường, cái gì về ngã nạn sẽ được trừ diệt.

Những lời Ðức Thế tôn răn dạy Rahầula cũng là lời răn dạy tất thảy những ai muốn đi theo con đường của Ngài.

Nhưng trên hành tinh này có bao nhiêu sinh linh thì có bấy nhiêu duyên nghiệp. Ai cũng vừa là nhân vừa là quả đối với duyên nghiệp của chính mình. Ai cũng phải ý thức về trách nhiệm của họ với chính cuộc đời của họ. Như thế, đạo Phật chẳng có nhu cầu ban phát cho các tín đồ những lời hứa hẹn có tính cho không. Nói một cách thẳng thừng đạo Phật không dậy người ta nhặt quả bứa chín giữa đường nếu chưa bỏ công trồng bứa. Có lẽ đây cũng là một yếu tố cấu thành sự khó khăn và nghiêm khắc trong lý thuyết của Phật Tổ Như Lai. Bởi vì một số không ít chúng sinh thường thích nhận quà mà không muốn làm điều khó nhọc, không muốn tự hoàn thiện mình, không muốn vứt bỏ những dục vọng riêng tư có thể gây tác hại cho đồng loại.

Hơn thế nữa, còn có những hạng người độc ác, khi vào chùa họ xin Trời Phật cho họ được quyền “ nói người nghe, đe người sợ”; họ xin cho “chúng sinh có mắt như mù, có tai như điếc, có mồm như câm” để cho họ thỏa chí đè đầu cưỡi cổ đồng loại, để họ tha hồ bóc lột, hà hiếp những ai “thấp cổ, bé họng”.

Và có những hạng người tìm sự an nhiên vui sướng trên cái chết của nhân sinh. Ðó chính là lũ đao phủ có bàn tay xức dầu thơm. Vài ngàn người, vài vạn người, vài triệu người chết đi cũng không gây cho chúng mảy may xao xuyến. Mạng sống của tha nhân với chúng chỉ là những dãy số vô cảm hiện lên trên trang giấy trắng hoặc màn hình, máy tính. Chúng có thể ký lệnh giết người trong quán Karaoke hoặc trước bát phở bữa sáng một cách vui vẻ như ném vài đồng xu vào bàn quay thò lò. Và giết người trong trường hợp này là giết những người vô tội. Tôi nhắc lại ví dụ về vụ giếtÙ mấy ngàn cựu chiến binh tỉnh Thái Bình bằng mọi cách thức đê hèn trong bóng tối các trại giam.

Trong trường hợp này, liệu chúng ta có thể tha thứ cho chúng được không?

Câu trả lời của tôi là không! Do đó tôi đã không trở thành một tỳ kheo mà là một kẻ làm giặc. Bởi tôi thiếu duyên, thiếu đức để mặc áo cà sa?.. Chắc chắn là vậy! Nhưng nếu có hạnh duyên tôi xin được trở thành tỳ kheo vào kiếp khác; còn trong kiếp này, mọi sự đã xảy ra rồi. Nước đã trôi xuôi không thể quay ngược dòng được nữa.

Tôi vui lòng với vận mệnh của tôi và không mảy may hối tiếc những gì tôi đã làm. Bởi tôi chỉ có thể tha thứ những kẻ làm hại bản thân tôi nhưng tôi không thể tha thứ cho những kẻ làm hại cả một dân tộc. Bởi tôi biết rằng phải chặn đứng bàn tay lũ sát nhân bằng các biện pháp hữu hiệu chứ không thể ngồi in kinh để mang tới rải trong các biệt thự của chúng (và cho dù các vị có mang kinh tới cửa thì chúng sẽ xùy chó berger ra cắn). Bởi tôi biết rằng nếu không hành động ráo riết thì chúng sẽ tiếp tục “thi hành các Thiên An Môn trong bóng tối” với bất kể những ai dám lên tiếng tố cáo sự nhũng lạm và tàn ác của chế độ. Sau các cựu chiến binh Thái Bình sẽ đến lượt dân phản kháng ở Nam Ðịnh, Hải Dương, Vĩnh Long hoặc Cần Thơ .v..v. Bởi tôi không mảy may hồ nghi về bản chất đồi bại của kẻ cầm quyền. Trong ánh điện chói lòa quyền lực, lương tâm và đức hạnh biến thành ánh trăng mờ rồi tới lúc nào đó không còn mảy may dấu vết. Xưa nay, nào mấy ai được thấy kẻ cầm quyền tự rời bỏ ngôi vị để chấp nhận cuộc sống thanh đạm của lương dân?.. Trong lịch sử Việt Nam, chỉ một mình Trần Thái Tôn cất tiếng ngâm nga:

“Mặc ai tranh bá đồ Vương

Trẫm xin gửi lại nắm xương chùa này”

Nhưng ông lại chính là người sáng tạo phái thiền Trúc Lâm. Không có người thứ hai tên là Trần Thái Tôn! Không có!

Vấn đề quyền lực đã cho nhân loại những bài học khủng khiếp mà học phí phải trả xương núi máu sông. Quyền lực trong các chế độ cộng sản lại cung cấp cho con người nhiều cuốn sách đen hơn cả chế độ Ðức Quốc Xã. Với một thực tiễn như vậy tôi đã chọn con đường đấu tranh.

Tuy nhiên, để đứng vững trên con đường đấu tranh, tôi phải nương mình trong bóng Ðấng Thế Tôn. Ðiều này có vẻ như nghịch lý nhưng phải chăng cuộc sống của nhân loại luôn luôn được tạo dựng trên các nghịch lý và lịch sử cũng tiến lên chính trên dấu vết các trận giao tranh giữa những sức mạnh đối chiều.

Nếu không có những nguyên lý vàng của Phật Tổ Như Lai, tôi đã không thể tồn tại như tôi tồn tại. Nếu không điên, không trầm uất, không chết vì sợ hãi, đau khổ, cô đơn ắt hẳn tôi cũng đã phải bỏ cuộc từ lâu.

Aáy là điều chắc chắn!

Những nguyên lý vàng của Ðấng Thế Tôn chính là con tàu cho tôi bấu víu giữa biển trầm luân.

Ngài dạy rằng kiếp sinh tồn hư hảo. Do nhận chân ra điều ấy tôi vừa sống vừa coi cuộc sống như xác con ve có thể đốt cháy bất cứ lúc nào cần thiết.

Ngài dạy rằng hãy tự nương dựa vào mình, hãy tự biến mình thành cây đèn hay hòn đảo cho chính mình. Khi thực thi lời Ngài, tôi tìm cho tôi sức mạnh tồn sinh và tôi bất chấp mọi thù nghịch.

Ngài dạy hãy tu tập như đất và nhờ lời Ngài dạy tôi vượt qua tất thảy mọi vu khống, mạ lỵ, đe dọa của một bộ máy quyền lực thực thi trên gần một trăm triệu con người.

Chỉ đáng tiếc là tôi đã không thực thi được điều này: “ Không được khinh bỉ kẻ thù của mình”.

Rất tiếc. Nhưng tôi chưa đủ cơ duyên và đức hạnh để thực hiện lời dạy ấy. Trong cuộc chiến đấu của tôi chống kẻ cầm quyền, một cuộc chơi trứng chọi đá, tôi chỉ có một vũ khí duy nhất là lòng tin vào Chính đạo và sự khinh bỉ lũ ròi bọ đục khoét xương tủy của lương dân.

Ðó là vũ khí duy nhất mà tôi có trong tay!

Hai mươi năm đã trôi qua.

Khi nhìn lại con đường đi của mình, nhiều lần tôi tự hỏi:

“Ta là học trò hư hay học trò ngoan của Ðấng Thế Tôn?.. Ta là đệ tử phái sinh, bất tuân lệnh hay là đệ tử xứng đáng của Ngài?.. Nếu Ngài tái sinh Ngài sẽ mắng mỏ hay khen ngợi, quở phạt hay cho ta phần thưởng. Bởi vì 37 phẩm Bồ Ðề của Ngài dạy cho các bậc chân tu là để đi đến cửa Thiền. Còn ta học đúng các bài bản của Ngài để đi vào con đường tranh đấu?..”.

Cũng nhiều lần tôi đặt ra giả thuyết:

“Phải chăng lý thuyết của Phật Tổ dựa trên thế lưỡng phân nên khi thực thi lý thuyết này nó sẽ làm nảy sinh một thế lưỡng phân khác. Ðó là cùng một lúc có những vị tỳ kheo theo phương cách cổ điển và những nhà sư tự thiêu trên con đường tranh đấu với bạo quyền?

Dẫu sao, chỉ Ngài, duy nhất Ngài mới có thể giải đáp được thôi.

Còn tôi, kẻ đã nương nhờ sức mạnh tinh thần của Ngài bấy lâu nay, tôi có nghĩa vụ viết bài này để bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng.

Trong cuộc đời tôi, nếu cuộc gặp gở Phật Bà là một hạnh duyên đem đến cho tôi sự giải thoát tuyệt vời giữa cơn bão tố tâm linh và tình cảm thì cuộc gặp gỡ Ðấng Thế Tôn mang cho tôi những nguyên ủy của sức mạnh tự tại. Nhờ sức mạnh ấy, tôi được là tôi của hôm nay.

Và tôi hy vọng rằng nếu Phật Tổ tái sinh, Ngài sẽ không nỡ mắng mỏ cũng không ban khen tôi, nhưng Ngài sẽ nhắm mắt, thở dài và nói rằng:

“Thôi, duyên nghiệp của nhà ngươi là vậy!”

Như thế, tôi cũng đủ mãn nguyện rồi!

Paris, ngày 4 tháng 4 năm 2006