Cóc cuối tuần --- Đáo Lai

Trần Văn Lương
i5 processor
Posts: 350
Joined: 01 Oct 2007 21:09

Cóc cuối tuần --- Đáo Lai

Postby Trần Văn Lương » 30 Sep 2021 16:27

Kính gửi quý vị trưởng thượng và quý anh chị con cóc cuối tuần.

Dạo:
Qua bao chướng ngại trùng trùng,
May thay người đã cuối cùng đến nơi.


Cóc cuối tuần:

到 來

悤 悤 欲 看 浙 江 潮,
朝 暮 草 鞋 路 上 飄.
夏 灼 冬 凋 心 永 艮,
山 窮 水 盡 腳 猶 驍.
龍 蛇 靜 靜 逢 金 翅,
驢 馬 愔 愔 渡 石 橋.
夜 黑 禪 風 吹 燭 滅,
一 生 見 解 忽 全 消.
陳 文 良



Âm Hán Việt:

Đáo Lai
Thông thông dục khán Chiết giang triều,
Triêu mộ thảo hài lộ thượng phiêu.
Hạ chước đông điêu, tâm vĩnh cấn,
Sơn cùng thủy tận, cước do kiêu.
Long xà tĩnh tĩnh phùng kim sí,
Lư mã âm âm độ thạch kiều.
Dạ hắc, thiền phong xuy chúc diệt,
Nhất sinh kiến giải hốt toàn tiêu.
Trần Văn Lương


Dịch nghĩa:

Đến Nơi
Vội vàng muốn đi xem sóng Chiết giang, (1)
Sáng tối giày cỏ lướt trên đường như gió thổi.
Hè rực rỡ, đông điêu tàn, lòng luôn bền vững,
Núi cùng, sông tận, chân vẫn còn mạnh mẽ.
Rồng rắn điềm đạm gặp (chim) cánh vàng, (2)
Lừa ngựa lặng lẽ qua cầu đá. (3)
Đêm đen, ngọn gió thiền thổi tắt ngọn đuốc,
Hiểu biết của một đời chợt hoàn toàn tan biến. (4)

Chú thích:

(1) Thiền Luận, quyển thượng, bản dịch của Trúc Thiên:
...
Thi hào Tô Đông Pha, một quan đại phu đời nhà Tống,
diễn lấy bằng mấy vần thơ như sau:
Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự
Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều

Khói ngút non Lô sóng Chiết giang
Khi chưa đến đó luôn mơ màng
Đến rồi hóa vẫn không gì khác
Khói ngút non Lô sóng Chiết giang
Cũng vậy, sư Thanh Nguyên Duy Tín có lời tự thuật như sau:
“Sãi tôi, ba mươi năm trước, khi chưa học Thiền,
老 僧 , 三 十 年 前 , 來 參 禪 時 ;
thấy núi là núi, thấy nước là nước;
見 山 是 山 , 見 水 是 水 ;
“Sau nhân theo bậc thiện tri thức chỉ cho chỗ vào,
及 至 後 來 親 見 知 識,有 箇 入 處
thấy núi chẳng phải núi, thấy nước chẳng phải nước;
見 山 不 是 山 , 水 不 是 水
“Rồi nay thể nhập chốn yên vui tịch tĩnh, y nhiên,
而 今 得 箇 體 歇 處 ,依 然 ,
thấy núi chỉ là núi, thấy nước chỉ là nước,
見 山 衹 是 山 , 見 水 衹 是 水.
...


(2) Bích Nham Lục, tắc 52, Triệu Châu Thạch Kiều

Trích lời Bình của Viên Ngộ:
...
Lại có vị tăng hỏi Hoàng Long (*):
- Từ lâu nghe danh Hoàng Long (rồng vàng), đến khi
tới nơi thì chỉ thấy có con rắn vằn đỏ.
Hoàng Long nói:
- Ông chỉ thấy con rắn vằn đỏ mà không thấy Hoàng Long.
Tăng hỏi:
- Thế nào là Hoàng Long?
Hoàng Long nói:
- Kéo dài trên đất.
Tăng nói:
- Thế chợt gặp Kim Sí Điểu (**) đến thì như thế nào?
Hoàng Long nói:
- Tính mệnh khó giữ.
Tăng nói:
- Như thế là bị chim ăn mất.
Hoàng Long nói:
- Cám ơn đã cúng dường.
...

Chú:
(*) Thiền sư Hoàng Long (Huệ Nam) sinh năm 1002 và tịch
năm 1069. Dòng Lâm Tế đến đời Thạch Sương Sở Viên
(Từ Minh) thì chia làm 2 nhánh: Dương Kỳ và Hoàng Long.
Dòng Hoàng Long sản xuất ra những Thiền sư rất nổi
tiếng như Hối Đường Tổ Tâm, Bảo Phong Khắc Văn và
Minh Am Vinh Tây (Nhật bản).
(**)Theo truyền thuyết, Đại bàng Kim Sí Điểu chuyên bắt
rồng để ăn thịt.

(3) Bích Nham Lục, tắc 52, Triệu Châu Thạch Kiều

Cử:
Tăng hỏi Triệu Châu (Tùng Thẩm):
- Từ lâu nghe tiếng cầu đá Triệu Châu, đến nơi lại
chỉ thấy chiếc cầu khỉ sơ sài.
Triệu Châu nói:
- Ông chỉ thấy cầu khỉ sơ sài, không thấy cầu đá.
Tăng nói:
- Thế nào là cầu đá?
Triệu Châu nói:
- Để lừa qua, ngựa qua.

(4) Bích Nham Lục, tắc 4: Đức Sơn Hiệp Phức

Trích lời Bình của Viên Ngộ:
...
Đức Sơn (Tuyên Giám) vốn là giảng sư, ở Tứ xuyên
giảng kinh Kim Cương, dạy về Kim Cương Dụ Định,
theo đó sau khi đạt được trí huệ thì phải học uy nghi Phật
trong một ngàn kiếp, học Phật hạnh trong một vạn kiếp,
rồi mới thành Phật.Thế mà đám tà ma ở phương Nam lại
nói "Tâm chính là Phật".
Đức Sơn phát phẫn, gánh "sớ sao" (luận giải về kinh
do mình soạn) thẳng tới phương Nam để tiêu diệt đám
tà ma này. Thấy ông phát phẫn như vậy thì hiểu được
ông là một người cương liệt như thế nào.
Mới đến Phong Châu, trên đường gặp một bà lão
bán bánh, bèn đặt sớ sao xuống, để mua điểm tâm ăn.
Bà lão hỏi:
- Thầy mang cái gì vậy?
Đức Sơn nói:
- Kim Cương Kinh sớ sao.
Bà lão nói:
- Tôi có một câu hỏi, nếu trả lời được thì xin biếu bánh
cho thầy điểm tâm, còn nếu trả lời không được thì xin đi
mua chỗ khác.
Đức Sơn nói:
- Bà cứ hỏi.
Bà lão nói:
- Kinh Kim Cương nói: "quá khứ tâm bất khả đắc,
hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc" (***),
thế thì Thượng tọa muốn điểm cái tâm nào?
Đức Sơn không nói gì được. Bà lão bèn chỉ cho đến
tham kiến Long Đàm (Sùng Tín).
Vừa qua ngưỡng cửa, Đức Sơn nói:
- Từ lâu nghe tiếng Long Đàm, nhưng khi đến chẳng
thấy đàm (đầm) mà cũng chẳng thấy long (rồng).
Long Đàm hòa thượng từ sau bình phong hiện ra nói:
- Ông quả đã đến Long Đàm.
Đức Sơn bèn lễ bái rồi lui. Đêm đến nhập thất,
đứng hầu mãi đến khuya.
Long Đàm nói:
- Sao thầy chưa lui về.
Đức Sơn chào kính rồi vạch màn bước ra, thấy bên ngoài
tối bèn quay vào nói:
- Ngoài cửa tối.
Long Đàm thắp cây đuốc giấy đưa cho Đức Sơn. Đức Sơn
vừa tiếp, Long Đàm bèn thổi tắt. Đức Sơn hoát nhiên đại ngộ,
bèn cúi lạy.
Long Đàm nói:
- Ông thấy gì mà lễ bái vậy?
Đức Sơn nói:
- Từ nay trở về sau kẻ này sẽ không còn nghi ngờ những
lời nói của các lão hòa thượng trong thiên hạ nữa.
...
Chú:
(***) Nghĩa: "tâm quá khứ không thể có được, tâm hiện tại
không thể có được, tâm vị lai không thể có được".

Phỏng dịch thơ:

Đến Nơi
Nôn nao tìm đến sóng triều xa,
Chân lướt sương mai, trượt nắng tà.
Mặc tháng năm nhòa, luôn phấn chấn,
Dù non nước tận, vẫn xông pha.
Rồng sa xuống đất chờ chim bắt,
Cầu bắc ngang sông đón ngựa qua.
Ngọn đuốc vừa trao đà vụt tắt,
Một đời kiến giải thoắt tiêu ma.
Trần Văn Lương
Cali, 9/2021



Lời bàn của Phi Dã Thiền Sư:
Nhìn rồng ra rắn, nhìn cầu đá ra cầu khỉ!
Vọng tưởng rập rình, vô minh lấp nẻo!
May thay, ngọn đuốc Long Đàm vụt tắt, con mắt huệ bỗng
mở bừng ra và hành giả đã đến nơi. Và, ô kìa, núi vẫn là núi,
sông vẫn là sông, rồng cứ lại là rồng và cầu đá vẫn hiện
nguyên hình là cầu đá. Cuối cùng rồi thì khói sóng Chiết
giang vẫn là khói sóng Chiết giang, nào có gì lạ đâu!
Hỡi ơi, một lần nữa, lão tăng lại:
Nhắm mắt nói càn,
Muôn vàn tội nghiệt,
Khẩu nghiệp mênh mang,
Thênh thang địa ngục!  
Than ôi!

Return to “Cóc Cuối Tuần”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1 guest