Cóc cuối tuần --- Lợi Đao

Trần Văn Lương
i5 processor
Posts: 350
Joined: 01 Oct 2007 21:09

Cóc cuối tuần --- Lợi Đao

Postby Trần Văn Lương » 06 Sep 2018 16:45

Kính gửi quý vị trưởng thượng và quý anh chị con cóc cuối tuần.
Dạo:
Can chi cãi cọ tháng ngày,
Một đao lóe sáng đoạn ngay cát đằng.


Cóc cuối tuần:


利 刀
病 月 戴 愁 倚 破 雲,
學 僧 閙 論 假 和 眞.
殿 前 風 起 心 猶 動,
爐 裏 燼 寒 事 未 竣.
雙 老 捲 簾 知 得 失,
二 人 呈 話 辯 疏 親.
東 西 兩 院 爭 貓 子,
一 閃 刀 光 黑 白 分.

陳 文 良


Âm Hán Việt:

Lợi Đao
Bệnh nguyệt đái sầu ỷ phá vân,
Học tăng náo luận giả hòa chân.
Điện tiền phong khởi, tâm do động,
Lô lý tẫn hàn, sự vị thuân.
Song lão quyển liêm, tri đắc thất,
Nhị nhân trình thoại, biện sơ thân.
Đông Tây lưỡng viện tranh miêu tử,
Nhất thiểm đao quang, hắc bạch phân.
Trần Văn Lương


Dịch nghĩa:

Đao Bén
Con trăng bệnh đội sầu (đến) nương nhờ (cụm) mây rách,
Các nhà sư đang tham học ồn ào đàm luận chuyện giả với thật.
Trước đền thờ gió nổi, cái tâm còn động, (1)
Trong bếp, tro tàn nguội lạnh, việc chưa xong. (2)
Hai vị tôn túc ra cuốn rèm, biết ai được ai mất, (3)
Hai người trình kiến giải, tranh luận ai gần ai xa. (4)
Hai viện phía đông và phía tây tranh nhau con mèo,
Ánh đao vụt lóe, trắng đen phân biệt rõ ràng. (5)


Chú thích:

(1) Vô Môn Quan, tắc 29: Phi Phong Phi Phan

Cử:
Nhân gió lay lá phướn, có hai ông sư cãi nhau.
Một ông bảo:
- Phướn động.
Một ông nói:
- Gió động.
Cãi tới cãi lui không ra lẽ. Lục Tổ (Huệ Năng) bèn bảo:
- Không phải gió động, không phải phướn động mà là tâm của các vị động.
Hai ông tăng bỗng nhiên run sợ.

(2) Những Đóa Hoa Thiền, Dương Đình Hỷ dịch, công án số 1062: Mượn chuyện để dạy Đạo,

Có một lần Quy Sơn đang đứng hầu sư phụ là Bách Trượng. Bách Trượng bảo Quy Sơn bới trong lò xem có lửa không? Quy Sơn bới rồi thưa rằng không có. Bách Trượng thân đến lò bới sâu tìm được một điểm lửa nhỏ, bèn thổi cho cháy bùng lên rồi nói với Quy Sơn rằng:
- Đây chẳng phải là lửa sao?
Quy Sơn nghe câu nói đó hốt nhiên đại ngộ.

(3) Vô Môn Quan, tắc 26: Nhị Tăng Quyển Liêm

Cử:
Các học tăng trước giờ ăn đến tham hỏi Thiền Sư Pháp Nhãn (*) ở chùa Thanh Lương. Sư giơ tay chỉ bức rèm. Bèn có hai ông tăng ra cuốn rèm lên.
Pháp Nhãn nói:
- Một được một mất.

(*) Pháp Nhãn Văn Ích là pháp từ của La Hán Quế Sâm. Sư khai sáng Pháp Nhãn tông, một trong 5 tông phái chính của Thiền tông Trung hoa: Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Vân Môn, Tào Động và Pháp Nhãn.

Lời Bình của Vô Môn Huệ Khai:
Hãy nói ai được ai mất. Nếu hướng về chỗ này mà thấy rõ được thì biết ngay được chỗ thất bại của Quốc Sư Thanh Lương. Tuy nhiên như thế, rất kỵ bàn cãi chuyện được mất.

(4) Những Đóa Hoa Thiền, Dương Đình Hỷ dịch, công án số 599: Hai đệ tử của Đại Mai

Giáp Sơn (xin đừng lầm với Giáp Sơn Thiện Hội, pháp từ của Hoa Đình Thuyền Tử) và Định Sơn đều là đệ tử của Đại Mai. Một hôm tranh luận vấn đề có Phật hay không. Sư đệ Giáp Sơn chủ trương có Phật. Chỉ cần trong tâm chúng ta lúc nào cũng có Phật thì không sợ 6 đường luân hồi, không sợ những khổ sở của thế gian, thậm chí địa ngục cũng không sợ nữa. Dù gặp khổ nạn, nghịch cảnh lúc nào tâm cũng niệm Phật, Bồ tát thì sẽ khắc phục được. Nhưng sư huynh Định Sơn lại không đồng ý. Ông nói: "Chỉ cần tất cả đều không, cả Phật cũng không thì không có 6 đường luân hồi. Đó mới thật sự là giải thoát." Hai sư huynh, đệ tranh luận, không ai chịu ai. Sau đó, hai người đến nhờ sư phụ là Đại Mai phân xử.
Sau khi nghe xong, Đại Mai nói:
- Hai người đều đúng, nhưng một gần, một xa.
Giáp Sơn hỏi:
- Sư phụ! Vậy ai gần, ai xa?
Đại Mai đáp:
- A! Hôm nay ta mệt rồi, muốn hỏi gì ngày mai hẵng hỏi.
Ngày hôm sau, mới sáng sớm sư đệ Giáp Sơn đã đến gõ cửa phòng sư phụ. Đại Mai hỏi:
- Hãy còn sớm mà ai đã gõ cửa?
- Là con, Giáp Sơn.
- Đến làm gì?
- Hôm qua chúng con chả hỏi sư phụ là gì, sư phụ nói một gần, một xa. Con có hỏi nhưng sư phụ bảo hôm nay lại.
- Kẻ gần không đến, kẻ đến không gần.

(5) Vô Môn Quan, tắc 14: Nam Tuyền Trảm Miêu

Cử:
Nhân tăng chúng trong hai chái nhà phía đông và phía tây tranh nhau con mèo, Hòa thượng Nam Tuyền giơ con mèo lên bảo:
- Đại chúng nếu nói được thì tha, không nói được thì sẽ chém.
Tăng chúng không ai nói được câu gì. Nam Tuyền bèn chém con mèo.
Chiều tối, Triệu Châu từ ngoài về, Nam Tuyền kể lại chuyện. Triệu Châu bèn cổi giày đội lên đầu và đi ra.
Nam Tuyền nói:
- Nếu lúc đó có ngươi thì đã cứu đưọc con mèo rồi.


Phỏng dịch thơ:

Đao Sắc
Trăng lẩy bẩy tìm chỗ dựa thân,
Thiền đường, tăng nghị luận vang rân.
Trước sân nhìn phướn, tâm còn động,
Trong bếp vạch tro, trí chửa thuần.
Vội vã cuốn rèm, suy được mất,
Long đong trình ý, biện xa gần.
Mèo con, hai chái tranh giành mãi,
Một ánh đao bay, phải trái phân.
Trần Văn Lương
Cali, 9/2018




Lời bàn của Phi Dã Thiền Sư:

Hỡi ơi! Chúng sinh chỉ mê mải lo tranh luận chuyện giả thật, gần xa, được mất... Nào có hay rằng chỉ cần vung đao cắt đứt một sợi tơ là cả cuộn đều bị cắt (**).
Thử nói xem, nhát đao này của Nam Tuyền so với nhát kiếm của A-Lịch-Sơn Đại Đế (***) là khác hay không khác?
Than ôi, đến chỗ này rồi thì lão tăng hoàn toàn mù tịt!


Tiểu chú:

(**) Bích Nham Lục, tắc 19: Câu Chi Nhất Chỉ
Thùy:
Một hạt bụi dấy lên cả trời đất bị thâu, một đóa hoa nở cả thế giới hiện. Nếu khi hạt bụi chưa dấy lên và hoa chưa nở thì phải nhìn như thế nào? Vì thế nên có câu nói: "Như cắt một cuộn tơ, một sợi bị cắt là cả cuộn bị cắt. Như nhuộm một cuộn tơ, một sợi nhuộm thì cả cuộn bị nhuộm." Hiện giờ phải chặt sạch hết tất cả những gì dây dưa (cát đằng)...

(***) A-Lịch-Sơn Đại Đế (Alexander the Great) và Nút dây Gordium (the Gordian knot)
Truyện kể rằng năm 333 trước TL, A-Lịch-Sơn Đại Đế đem quân vào Gordium, thủ đô của xứ Phrygia (ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ). Nhà vua thấy một chiếc xe bò được cột chặt bằng một cái nút dây phức tạp đến nỗi không ai biết đã được thắt như thế nào. Chiếc xe bò đó tương truyền là của Gordius, thân phụ của vua Midas nổi tiếng. Và có một lời sấm nói rằng ai mà gỡ được cái nút dây này thì sẽ làm bá chủ Á châu. A-Lịch-Sơn rất muốn gỡ, nhưng ông hì hục mất một thời gian mà vẫn không thành công. Cuối cùng ông lùi lại và thầm nghĩ rằng cách nào cũng là cách, miễn mở được thì thôi. Ông bèn rút kiếm, chỉ một nhát chặt đứt đôi cái nút.

Return to “Cóc Cuối Tuần”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 2 guests