Cóc cuối tuần --- Tầm Ngưu

Trần Văn Lương
i5 processor
Posts: 350
Joined: 01 Oct 2007 21:09

Cóc cuối tuần --- Tầm Ngưu

Postby Trần Văn Lương » 31 May 2018 15:51

Kính gửi quý vị trưởng thượng và quý anh chị con cóc cuối tuần.
Dạo:
Tìm trâu lặn lội phương trời,
Nào hay tất cả tại nơi tâm mình.


Cóc cuối tuần:

尋 牛
其 牛 異 處 久 逍 遙,
牧 子 苦 尋 幾 暮 朝.
路 上 同 人 談 赤 竹,
江 中 舉 目 看 流 橋.
庭 前 從 諗 無 閒 話,
院 裏 慧 能 沒 絕 招.
垂手 回 鄉 深 谷 坐,
天 花 萬 朵 滿 雲 霄.
陳 文 良



Âm Hán Việt:

Tầm Ngưu
Kỳ ngưu dị xứ cửu tiêu diêu,
Mục tử khổ tầm kỷ mộ triêu.
Lộ thượng đồng nhân đàm xích trúc,
Giang trung cử mục khán lưu kiều.
Đình tiền, Tùng Thẩm vô nhàn thoại,
Viện lý, Huệ Năng một tuyệt chiêu.
Thùy thủ, hồi hương, thâm cốc tọa,
Thiên hoa vạn đóa mãn vân tiêu.
Trần Văn Lương


Dịch nghĩa:

Tìm Trâu (1)
Con trâu của mình đã ngao du xứ lạ từ lâu,
Người chăn khổ sở đi tìm bao sớm tối.
Trên đường hội họp với người để bàn luận về trúc màu đỏ, (2)
Trong sông ngẩng mắt nhìn chiếc cầu (đang) trôi. (3)
Trước sân, (Triệu Châu) Tùng Thẩm chẳng có lời nói vớ vẩn, (4)
Trong tự viện, (Lục Tổ) Huệ Năng không có tuyệt chiêu nào cả. (5)
Thõng tay, về quê, vào hang sâu ngồi,
Hoa trời muôn đóa (rải) đầy thinh không. (6)


Chú thích:

(1) Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền Luận, quyển Thượng, bản dịch của Trúc Thiên, Luận tám: MƯỜI BỨC TRANH CHĂN TRÂU
...
tranh Thiền Tông nào cũng mở đầu bằng bức họa tầm ngưu vẽ một chú mục đồng đi tìm trâu (trâu không có trong hình) và khép lại bằng bức họa nhập triền thùy thủ (buông tay vào chợ) vẽ một nhà sư trộn lẫn cùng thế tục.

Tầm ngưu: tìm trâu
Kiến tích: thấy dấu,
Kiến ngưu: thấy trâu
Đắc ngưu: được trâu
Mục ngưu: chăn trâu
Kỵ ngưu quy gia: cởi trâu về nhà
Vong ngưu tồn nhơn: quên trâu còn người
Nhơn ngưu câu vong: người trâu đều quên (vẽ vòng tròn)
Phản bổn hoàn nguyên: trở về nguồn cội
Nhập triền thùy thủ: thõng tay vào chợ
...
Trong hệ thống các pháp môn, Thiền là đốn giáo, chủ trương thấy được tánh là tức khắc thành Phật, tại đây và ngay ở phút giây này.
Tuy nhiên, pháp môn nào cũng có tu và có chứng. Chứng là một biến cố đột ngột, ngoài thời gian. Đó là một sự thật quá ư thật, như tiểu sử nhiều thiền tổ đã chứng rõ. Tuy nhiên, cũng cần những tiểu sử ấy còn cho ta thấy trước khi được đốn ngộ, hầu hết các tổ, và trước hết là Phật Tổ, đều trải qua nhiều đoạn đường dọ dẫm rất gay go. Như vậy là sự tu tập vẫn phải đặt trong chiều thời gian mà đi đến lần hồi vậy, hay nói một cách khác: tu thì tiệm mà chứng thì đốn.
THẬP MỤC NGƯU ĐỒ của Thiền tông cũng ghi lại bước tiến từng bực ấy trong thời gian và không gian.

(2) Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền Luận, quyển Thượng, bản dịch của Trúc Thiên, Luận 6: THIỀN PHÁP THỰC TẬP
...
Người ta kể rằng có người đặt cho ông Okubo Shibun, một họa sĩ xuất thần vẽ trúc: làm một tấm bình phong rừng trúc. Họa sĩ nhận lời, và đem hết ngón tuyệt kỹ tạo thành một bức tranh trong đó trúc toàn một màu đỏ hoe. Khách hàng nhận được tranh trầm trồ mãi tài khéo phi thường của họa sĩ, tìm đến nhà họa sĩ để cảm ơn, nhưng thắc mắc ướm hỏi: "Xin lỗi tiên sinh, sao trúc đỏ như vậy?" Họa sĩ hỏi :
- Ấy ông muốn nó màu gì?
- Cố nhiên là màu đen.
Họa sĩ hỏi bâng quơ: "Có ai thấy lá trúc đen bao giờ không nhỉ ?".

(3) Bài kệ nổi tiếng của Phó Đại Sĩ :

空 手 把 鋤 頭
步 行 騎 水 牛
人 從 橋 上 過
橋 流 水 不 流


Không thủ bả sừ đầu
Bộ hành kỵ thủy ngưu
Nhân tòng kiều thượng quá
Kiều lưu thủy bất lưu
.

Trúc Thiên dịch:

Tay không nắm cán mai
Đi bộ: lưng trâu ngồi
Theo cầu qua bến nước
Cầu trôi nước chẳng trôi.

(4) Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền Luận, quyển Thượng, bản dịch của Trúc Thiên, Luận 6: THIỀN PHÁP THỰC TẬP
...
Một chuyện mâu thuẫn khác sau đây của Thiền sư Thiết Chủy Giác, cứng rắn hơn, tỏ rõ, dứt khoát, thường được truyền tụng trong giới tu Thiền. Giác là đệ tử của Triệu Châu (4*). Giác đến viếng hòa thượng Pháp Nhãn (885-958), một cao tăng đương thời. Pháp Nhãn hỏi: "Lúc rày Thượng Tọa ở đâu nay đến đây?". Giác đáp :
- Triệu Châu.
- Tôi nghe Triệu Châu có câu nói "cây bách trước sân" có phải vậy không?
- Không.
Pháp Nhãn gạn hỏi: "Mọi người đến đây đều thuật rằng có chú điệu hỏi Triệu Châu "Tổ Đạt Ma qua Tàu có ý nghĩa gì", Châu đáp: "Cây bách trước sân"[11] sao Thượng Tọa lại nói không có?". Giác rống to: "Tiên sư tôi thật không có nói câu ấy mà. Xin hòa thượng chớ phỉ báng Tiên sư tôi". Pháp Nhãn rất tán thành thái độ ấy ở người học trò của lão túc Triệu Châu, khen: "Đúng là con dòng sư tử".
Tiểu chú:
(4*) Triệu Châu Tùng Thẩm là pháp từ của Nam Tuyền Phổ Nguyện. Sư có nhiều công án nổi tiếng được ghi lại trong 2 bộ sách Thiền:
1.- Vô Môn Quan:
- Tắc 1: Triệu Châu cẩu tử (tức là công án chữ Vô),
- Tắc 7: Triệu Châu tẩy bát,
- Tắc 11: Châu khám am chủ,
- Tắc 31: Triệu Châu khám bà,
- Tắc 37: Đình tiền bách thụ (tức là công án "Cây bách trước sân" nói trên).
2.- Bích Nham Lục:
- Tắc 2: Triệu Châu chí đạo,
- Tắc 9: Triệu Châu tứ môn,
- Tắc 30: Triệu Châu la bặc,
- Tắc 41: Triệu Châu vấn tử,
- Tắc 45: Triệu Châu bố sam,
- Tắc 52: Triệu Châu thạch kiều,
- Tắc 57: Triệu Châu điền khố,
- Tắc 58: Triệu Châu phân sơ,
- Tắc 59: Triệu Châu vô nan,
- Tắc 64: Triệu Châu thảo hài,
- Tắc 85: Triệu Châu hài tử,
- Tắc 96: Triệu Châu chuyển ngữ.

(5) Lục Tổ Huệ Năng, Pháp Bảo Đàn Kinh, bản dịch của Thiền Sư Duy Lực, phẩm thứ 7: Cơ Duyên.
...
Có vị Tăng đem bài kệ của Ngọa Luân thiền sư lập lại với Sư (Lục Tổ Huệ Năng),
Kệ rằng:

Ngọa Luân hữu kỹ lưỡng,
Năng đoạn bá tư tưởng.
Đối cảnh tâm bất khởi,
Bồ đề nhựt nhựt trưởng
.
( 臥 輪 有 伎 倆
能 斷 百 思 想
對 境 心 不 起
菩 提 日 日 長
)

Dịch nghĩa:
Ngọa Luân có bản lãnh,
Dứt được trăm tư tưởng.
Đối cảnh tâm chẳng khởi,
Bồ đề luôn luôn trưởng.

Sư nghe xong nói:
Kệ này chưa rõ tâm địa, nếu theo đó mà hành thì lại thêm trói buộc. Do đó khai thị một bài kệ:

Huệ Năng một kỹ lưỡng,
Bất đoạn bá tư tưởng.
Đối cảnh tâm số khởi,
Bồ đề tác ma trưởng
.
(惠 能 沒 伎 倆
不 斷 百 思 想
對 境 心 數 起
菩 提 作 麼 長
)

Dịch nghĩa:
Huệ Năng không bản lãnh,
Chẳng dứt trăm tư tưởng.
Đối cảnh tâm cứ khởi,
Bồ đề làm sao trưởng!

(6) Bích Nham Lục, tắc 6: Vân Môn Hảo Nhật.
Trích lời Bình của Viên Ngộ:
...
Như Tu Bồ Đề muốn tránh huyên náo tìm yên tĩnh bèn vào trong hang núi ngồi yên.
Vua Trời Đế Thích rải hoa tán thán Tu Bồ Đề rằng:
- Tôi kính trọng tôn giả khéo giảng Bát Nhã.
Tu Bồ Đề nói:
- Về Bát Nhã tôi chưa từng nói một chữ!
Đế Thích nói:
- Tôn giả không nói, tôi cũng không nghe. Không nói không nghe đó mới thật là giảng Bát Nhã.


Phỏng dịch thơ:

Tìm Trâu
Trâu nhà đã khuất bóng ngàn khơi,
Mục tử sục tìm kiếm khắp nơi.
Cất bước theo đời nhìn trúc thắm,
Buông mình cưỡi sóng ngắm cầu trôi.
Triệu Châu nào có lời khai ngộ,
Lục Tổ cũng không pháp độ người.
Kiến tánh, hang sâu ngồi tĩnh tọa,
Trên không lả tả vạn hoa trời.
Trần Văn Lương
Cali, 5/2018




Lời bàn của Phi Dã Thiền Sư:
Tất tả bôn ba khắp chốn kiếm tìm, làm nhọc lòng bao nhiêu thiện tri thức.
Nào hay "Tâm đó là Phật" (*) và "Đạo lớn không kh
ó" (**).

(*) Vô Môn Quan, tắc 30: Tức Tâm Tức Phật.
Cử:
Mã Tổ nhân Đại Mai hỏi:
- Phật là gì?
Tổ bảo:
- Tâm đó là Phật (tức tâm tức Phật).

Lời Bình của Vô Môn Huệ Khai:
Nếu ngay đó hiểu ngay được thì mặc áo Phật, ăn cơm Phật, nói lời Phật nói, làm việc Phật làm, tức là Phật vậy. Tuy nhiên như thế, Đại Mai đã làm nhiều người nhận sai hướng. Nào có biết rằng nói đến chữ Phật này thì phải súc miệng đến ba ngày. Nếu là bậc hảo hán thì nghe nói "tức tâm tức Phật" thì phải bịt tai chạy trốn.

(**) Tam Tổ Tăng Xán, Tín Tâm Minh:
Trích (4 câu đầu):
Chí đạo vô nan,
Duy hiềm giản trạch
Đản mạc tắng ái
Đỗng nhiên minh bạch

( 至 道 無 難,
唯 嫌 揀 擇.
但 莫 憎 愛,
洞 然 明 白.
)
...
Nghĩa:
Đạo lớn chẳng có gì khó,
Miễn đừng có so đo chọn lựa.
Chỉ cần lòng không có thương ghét
Thì sẽ rõ ràng thông suốt ngay.

Return to “Cóc Cuối Tuần”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1 guest