Giai thoại chữ nghĩa

Giai thoại chữ nghĩa, Mỗi tuần 1 truyện kể
Ai Hoa
i3 Processor
Posts: 238
Joined: 01 Oct 2007 23:45

Giai thoại chữ nghĩa

Postby Ai Hoa » 09 Jun 2005 03:24

Thơ con cóc

Hồi xưa có 3 anh chàng dốt văn thơ nhưng rất thích làm thơ và hoạ thơ với nhau. Dốt mà làm thơ cũng chẳng ai cấm, nhưng khổ nỗi mấy anh này làm thơ đã rất tệ, sai vần sai luật, khổ độc tùm lum mà lại cứ dương dương tự đắc, tâng bốc lẫn nhau, tự cho thơ họ là những tuyệt tác phẩm không ai sánh bằng.

Một buổi tối nọ trăng thanh gió mát, xúc cảnh sinh tình, mấy anh chàng rủ nhau làm thơ. Anh thứ nhất chợt thấy góc nhà nhảy ra 1 con cóc bèn ứng khẩu thành câu:

_ Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra

Anh thứ nhì nhìn con cóc ngồi im thì buột miệng nói theo:

_ Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó

Vừa lúc đó con cóc nhảy vụt ra ngoài, anh thứ ba tiếp lời:

_ Con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi

3 anh ráp 3 câu lại thành 1 bài thơ, tự cho là tuyệt tác phẩm, khoái trí đọc ngâm nga mãi và tán tụng lẫn nhau là những thiên tài thi văn thời đại. Chợt 1 anh la lên:

_ Chết rồi! Nghe người ta nói rằng thiên tài thường hay chết yểu. Mà mình đã làm ra 1 tuyệt tác phẩm thì tinh anh phát tiết hết ra ngoài, thế nào mai cũng chết!

2 anh kia giật mình bảo:

_ Thế thì phải lo sớm, kẻo mai chết đi thì không kịp.

Bèn sai người đầy tớ chạy ra tiệm mua ngay 3 cái quan tài về lo việc tống táng. Tên đầy tớ nghe chủ nói lật đật 3 chân 4 cẳng chạy ra đường, hấp tấp thế nào đụng phải 1 người đi ngang. Lão ta túm cổ nó hỏi:

_ Giữa đêm hớt hải thế này, chắc là mày đang làm việc gì mờ ám hử?

Tên đầy tớ trả lời:

_ Không phải đâu nào! Tại vì 3 cậu chủ tôi mới làm xong được 1 bài thơ tuyệt hay, mà nghe người ta nói thiên tài sau khi sáng tác ra tuyệt tác phẩm thì sẽ chết nên sai tôi đi mua 3 cái hòm về chuẩn bị sẵn, kẻo mai không kịp!

_ Thế mày có nhớ bài thơ đó không?

Tên đầy tớ tự hào nói:

_ Nhớ chứ ạ! 3 cậu ngâm suốt cả đêm tôi nghe đã thuộc lòng đây này.

Rồi nó đọc nguyên văn bài thơ cho lão kia nghe, lão ta phá lên cười sằng sặc. Một lát, lão cố nén cười bảo tên đầy tớ rằng:

_ Nhân thể mày mua luôn giùm tao 1 cái quan tài nữa nhé?

Tên đầy tớ ngơ ngác hỏi:

_ Chi vậy? Nhà ông có người mới mất à?

Lão ta cười nói:

_ Không phải, tao sợ tao cười một hồi rồi cũng chết theo 3 cậu chủ mày đó thôi!

Do truyện đó mà sau này các bài thơ đọc nghe dở hơi, ngớ ngẩn được gọi là thơ con cóc!

Nghe nói 3 anh chàng đầu thai lại thành 3 ông thi sĩ lừng danh ở quán SB, tiếp tục làm ra những tuyệt tác phẩm CC (xin đọc là con cóc) và lại tiếp tục tán tụng lẫn nhau. Ông nào cũng thủ sẵn một cái quan tài để chình ình giữa nhà!

Quỳnh Hương
Pentium 4
Posts: 815
Joined: 01 Oct 2007 17:29

Postby Quỳnh Hương » 09 Jun 2005 07:38

Truyện này nghe quen quá ! :roll:

umm...ba ông thi sĩ lừng danh nào ở quán thơ SB vậy AH ?

Qh thấy người đến, kẻ đi, xẹt ngang dán tùm lum những bài thơ của họ, đem từ quán này qua quán khác, không chỗ ở nhất định, thì đâu thể gọi là thi sĩ của quán thơ SB được nhỉ ? :wink:

Ai Hoa
i3 Processor
Posts: 238
Joined: 01 Oct 2007 23:45

Postby Ai Hoa » 09 Jun 2005 10:27

quynh huong wrote:Truyện này nghe quen quá ! :roll:

umm...ba ông thi sĩ lừng danh nào ở quán thơ SB vậy AH ?

Qh thấy người đến, kẻ đi, xẹt ngang dán tùm lum những bài thơ của họ, đem từ quán này qua quán khác, không chỗ ở nhất định, thì đâu thể gọi là thi sĩ của quán thơ SB được nhỉ ? :wink:


ừ thì gặp họ ở quán SB thấy thơ văng tùm lum tán tụng nhau nổi đình nổi đám nên nói vậy thôi, đâu có dám đụng tới các thi sĩ cóc thực thụ của quán SB nè! Các ông này xưng là trời là đất chứ có ai nhận là cóc đâu nà, phải vậy hôn? :twisted:

Ai Hoa
i3 Processor
Posts: 238
Joined: 01 Oct 2007 23:45

Postby Ai Hoa » 09 Jun 2005 10:33

Chữ gì?

Năm ấy triều đình mở khoa thi, các thầy đồ nhiều phen bút nghiên lều chõng, lảo đảo trường ốc vẫn chưa đỗ đạt, nay lại lục tục kéo về Thăng Long dự thi. Họ gặp nhau, tay bắt mặt mừng, rủ vào 1 quán thịt chó gần phường Bích Câu để nhậu. Rượu vào, lời ra, thi văn bốc lên hừng hực. Một ông thầy bắt đầu kể truyện Nguyễn Hiền đời Trần mới 8 tuổi (*) đã đỗ trạng nguyên, bị vua chê không biết lễ đuổi về. Sau sứ thần Trung Hoa sang đưa 1 bài thơ thách đố vua quan ta. Bài thơ nguyên văn như sau :

"Lưỡng nhật bình đầu nhật
Tứ sơn điên đảo sơn
Lưỡng vương tranh nhất quốc
Tứ khẩu tung hoành gian"

dịch nghĩa là :

Hai mặt trời bằng đầu
Bốn trái núi đảo điên
Hai vua tranh một nước
Bốn miệng nằm dọc ngang

Cả triều thần chịu cứng không hiểu ý gì. Cuối cùng nhà vua phải đi rước Trạng về giải. Trạng Hiền chỉ xem qua bài thơ rồi trả lời ngay :

"Hai nhật bằng đầu để sóng hàng
Bốn sơn đảo lộn dọc cùng ngang
Hai vương nghiêng ngửa lo tranh nước
Bốn khẩu liền nhau ghép chữ vàng

đều là chữ "điền" cả!"

Vua quan bấy giờ mới vỡ lẽ ra. Sứ thần nhận câu đáp của Trạng là đúng, phải chịu phục.

Các thầy đồ gật gù khen :
_ Kẻ đố đã giỏi mà kẻ giải được còn tài hơn mấy bậc!

Các thầy thích chí vỗ đùi đen đét làm đổ cả chung rượu. Anh hàng thịt chó ngồi hầu rượu nghe lỏm cũng ngứa ngáy góp lời :
_ Các thầy đây hay chữ, vậy tôi xin đố các thầy :"Lưỡng nghệ lưỡng biên, khuyển trên hoả dưới" là cái gì?

Các thầy đồ nhìn nhau, suy nghĩ nát óc vẫn không biết có chữ gì mà hai bên là 2 chữ "nghệ", trên có chữ "khuyển" và dưới có chữ "hoả". Sau cùng họ phải chịu thua, nhờ anh hàng thịt chó giảng giải.

Anh ta tủm tỉm cười đáp :
_ Thưa, là chữ "chó thui" ạ! Tôi kẹp hai lát nghệ hai bên rồi để lửa (hoả) ở dưới nướng chó (khuyển) ở trên thì thành "chó thui" chứ còn gì nữa?

(*) Thầy đồ nhớ lộn, theo sử chép thì Nguyễn Hiền đỗ Trạng lúc 11 tuổi
Last edited by Ai Hoa on 14 Jun 2005 05:04, edited 1 time in total.

Dao Hung
i5 processor
Posts: 324
Joined: 01 Oct 2007 21:49

Postby Dao Hung » 09 Jun 2005 10:57

Truyện huynh ai hoa kể thật có duyên. Anh hàng thịt đi ứng thí dám đỗ Trạng Chó lắm !

ynguyen
Digital IC
Posts: 151
Joined: 01 Oct 2007 17:21

Postby ynguyen » 09 Jun 2005 14:05

hyc hyc hyc !!! trạng Chó làm c3 nhớ câu đố
[center]trên thổ, dưới thổ, giữa mộc[/center]
đố ai biết là cái chi?
:lol:

Ai Hoa
i3 Processor
Posts: 238
Joined: 01 Oct 2007 23:45

Postby Ai Hoa » 10 Jun 2005 03:18

ynguyen wrote:hyc hyc hyc !!! trạng Chó làm c3 nhớ câu đố
[center]trên thổ, dưới thổ, giữa mộc[/center]
đố ai biết là cái chi?
:lol:


Anh Thổ đi guốc! :lol:

Ai Hoa
i3 Processor
Posts: 238
Joined: 01 Oct 2007 23:45

Postby Ai Hoa » 10 Jun 2005 03:20

DH wrote:Truyện huynh ai hoa kể thật có duyên. Anh hàng thịt đi ứng thí dám đỗ Trạng Chó lắm !


Cám ơn DH! Trùi, lần đầu tiên trong đời có người khen AH kể truyện có duyên, méc cỡ wé! :oops:

Ai Hoa
i3 Processor
Posts: 238
Joined: 01 Oct 2007 23:45

Postby Ai Hoa » 10 Jun 2005 03:21

Lê Văn Hưu

Tác giả bộ Đại Việt Sử Ký là nhà bác học thiên tài Lê Văn Hưu, giữ chức Hàn Lâm Viện Học Sĩ đời Trần, cũng là thầy dạy Tướng quốc Trần Quang Khải. Thuở nhỏ ông đã nổi tiếng thần đồng. Truyện kể rằng có người đố chú bé Hưu có dám vào núi thử xem vì trong núi có con ma râu dài. Chú bé một mình vào núi chẳng thấy ma mà chỉ thấy một ông lão nông dân đang làm rẫy, tóc râu bạc trắng như cước. Về làng mọi người hỏi bé Hưu có gặp ma không, chú bé đáp :
_ Cháu chỉ gặp tiên thôi.
_ Mày nói thật hay dối?
_ Thật mà! Này nhé, một người đứng bên núi nhìn cháu. Người là chữ "nhân", núi là chữ "sơn", chữ "nhân" ghép với chữ "sơn" thì chả thành chữ "tiên" là gì?

Mọi người đều phục tài chú bé. Đầu làng có bác thợ rèn trước cũng theo đòi nghiên bút và thích thơ phú. Một bận chú bé Hưu ra lò rèn chơi. Thấy chú bé mặt mũi sáng sủa, bác lò rèn bảo :
_ Mày biết đối không? Tao thử cho mày một câu đối, không đối được tao bắt quai búa.

Hưu đáp :
_ Bác cứ đọc, tàn nhịp điếu cày là cháu đối lại ngay!

Bác thợ ngạc nhiên bảo :
_ Thằng này khoác lác nhỉ? Nghe này :
"Sắt trong lò, than trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò, rèn nên dùi sắt".

Câu đối ra có 2 chữ "sắt" và 3 chữ "lò", lại vần với chữ "phò", phải nói là khá hiểm hóc.

Hưu vỗ vào túi sách mang theo, nói :
_ "Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi, giật lấy khôi nguyên".

Chữ "nghiên" đọc trại gần giống chữ "nguyên", 3 chữ "túi" đối với 3 chữ "lò", và vần với chữ "húi", thật là tuyệt diệu.

Mọi người chung quanh thảy đều giật mình. Bác thợ rèn kêu lên :
_ A! Tài thế? Chắc chắn thằng bé này rồi sẽ giật giải khôi nguyên thôi!

Năm Đinh Mùi (1247), nhà Trần mở khoa thi Thái Học Sinh, Lê Văn Hưu trúng tuyển, lúc ấy mới có 17 tuổi. Tuy nhiên, ông không giật được khôi nguyên mà chỉ đậu Bảng Nhãn, dưới Trạng Nguyên Nguyễn Hiền một bậc!

Ai Hoa
i3 Processor
Posts: 238
Joined: 01 Oct 2007 23:45

Postby Ai Hoa » 13 Jun 2005 07:52

Nguyễn Hiền

Nguyễn Hiền quê làng Hà Dương, huyện Thượng Hiền (Nam Định), thông minh từ thuở nhỏ, học nhà sư ở chùa từ khi 5, 6 tuổi, năm 11 tuổi nổi tiếng thần đồng. Có người ở Kinh Bắc tên Đặng Tính tự thị mình tài giỏi hơn đời, nghe tiếng Hà Dương có thần đồng bèn lặn lội tìm đến thử tài. Đặng ra bài phú đề tài là: "Phụng hoàng sào vu A các, Kỳ lân du vu Uyển hựu" (chim phụng hoàng làm tổ trên A các, con Kỳ lân đi chơi vườn Uyển hựu). Nguyễn Hiền đọc luôn 4 câu:

_ Qui phi Lạc thủy
Long bất Mạnh hà
Ỷ bỉ Hữu hùng chi quốc
Ấp vu Trác lộc chi a"

nghĩa là:

Không phải con rùa sông Lạc thủy
Không phải con rồng sông Mạnh hà
Ấy kia nước Hữu hùng (hùng = con gấu)
Đóng đô ở gò Trác lộc (lộc = con nai)

Câu nào cũng có một giống cầm thú. Đặng Tính lắc đầu le lưỡi rằng:
_ Thiên tài xin nhường cho bác trẻ tuổi này!

Năm đó thi đỗ thủ khoa. Vào thi đình, văn Nguyễn Hiền hay nhất, được vua chấm giải Trạng nguyên. Lúc vào bái mạng, vua thấy bé loắt choắt lấy làm lạ mới hỏi:
_ Trạng học ai ở nhà?

Hiền thưa:
_ Tôi sinh ra đã biết. Chỉ thỉnh thoảng vào chùa hỏi nhà sư vài chữ thôi.

Vua cho là Trạng chưa biết lễ phép, ăn nói không khiêm tốn, cho về nhà học lễ 3 năm rồi mới bổ làm quan.

Không bao lâu có sứ Tàu đem bài thơ ngũ ngôn sang thử tài. Cả triều đình không ai biết nghĩa bài thơ, vua phải sai sứ giả tới làng Hà Dương mời Trạng về triều. Sứ giả tới nơi gặp 1 đứa trẻ trên đường làng mới lại hỏi thăm thì nó không thèm đáp. Sứ giả cũng là tay hay chữ, bèn nói rằng:
_ Tự là chữ, cất giằng đầu chữ Tử là con, con ai con ấy? (chữ Tự bỏ nét trên đầu thành chữ Tử)

Đứa trẻ đáp ngay:
_ Vu là chưng, bỏ ngang lưng chữ Đinh là đứa, đứa nào đứa này? (chử Vu mất nét ngang giữa thành chữ Đinh)

Sứ giả biết là Trạng bèn dò tới nhà, gặp Hiền đang lúi húi nhóm bếp lại châm chọc:
_ Ngô văn quân tử viễn bào trù, hà tu mị táo? (Tôi nghe quân tử xa chỗ bếp núc, lọ là phải nịnh vua bếp)

Trạng đối liền:
_ Ngã bản hữu qua cư đỉnh nại, khả tạm điều canh. (Ta cốt có chức Tể tướng, còn tạm nấu nồi canh. Ý nói nấu canh cũng như làm tướng, mặn lạt do tay mình)

Sứ giả kính phục bèn kể ý vua rước Trạng về kinh. Hiền nói:
_ Trước Thiên tử bảo ta chưa biết lễ, không ngờ chẳng những Trạng không biết lễ mà Thiên tử cũng vậy.

Rồi nhất định không đi. Sứ giả về tâu, vua phải sai đem ngựa xe cờ lọng đủ lễ thỉnh Trạng mới chịu theo về triều. Liếc qua bài thơ Trạng đã biết ý giải ra ngay, sứ Tàu phải chịu phục. Vua phong Trạng làm Kim tử vinh lộc đại phu, sau thăng Công bộ Thượng thư. Không bao lâu thì mất.

Vua thương tiếc, đổi tên huyện Thượng Hiền thành Thượng Nguyên để tránh húy, bắt dân nơi ấy lập miếu thờ, cấp ruộng dành cho việc cúng tế hàng năm.
Last edited by Ai Hoa on 14 Jun 2005 05:03, edited 1 time in total.

Ai Hoa
i3 Processor
Posts: 238
Joined: 01 Oct 2007 23:45

Postby Ai Hoa » 14 Jun 2005 04:59

Lương Thế Vinh

Lương Thế Vinh người làng Cao Lương huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định, đỗ Trạng Nguyên đời Lê năm 22 tuổi, làm quan tới chức Hàn Lâm Trực Học Sĩ. Không những giỏi thi phú, thông làu kinh sử, ông còn là một nhà khoa học đại tài, người soạn sách "Đại Thành Thập Toán", và giỏi tài giúp dân đo đạc ruộng đất chính xác, nên được gọi là Trạng Lường.

Một lần vua Lê Thánh Tông đi thị sát dân tình vùng Sơn Nam. Trên đường về vua ghé lại làng Cao Lương thăm quan Trạng. Ông cùng các chức sắc trong làng đón vua và mời đến thăm chùa. Sư cụ đang tụng kinh thấy vua tới, lập cập thế nào làm rớt chiếc quạt xuống đất mà chưa dám lượm sợ thất lễ. Viên quan tuỳ tùng nhà vua nhặt chiếc quạt đưa cho sư cụ. Vua quan thấy vậy cùng cười. Khi trở ra, tiệc rượu đã bày sẵn, vua quan cùng ngồi vào mâm trên, Trạng và các chức sắc làng ngồi chiếu dưới. Rượu ngà ngà, vua hừng chí đọc câu đối bắt các quan đối lại. Câu đối ra như sau :

_ "Đường thượng tụng kinh, sư sử sứ"

nghĩa là: "đọc kinh trên bục, sư khiến sứ" (quan sứ của vua).

Không viên quan nào đối được, bởi vì khó nhất là tìm 3 chữ đồng âm khác dấu ghép liền nhau cho có nghĩa để đối với câu "sư sử sứ" của nhà vua.

Thấy Lương Thế Vinh ngồi im, Lê Thánh Tông đắc ý ra lệnh cho quan Trạng phải đối. LTV bèn quay lại bảo người hầu mời bà Trạng tới ngay. Khi vợ tới rồi, ông đứng dậy lảo đảo bảo vợ dìu đi và xin phép vua về vì đã quá chén sợ thất lễ. Thánh Tông cười nói :
_ Ngươi không đối được nên tìm cách trốn ta đấy phải không?

Quan Trạng thản nhiên đáp :
_ Muôn tâu thánh thượng, thần đâu dám trái mệnh. Thần đã đối xong rồi!

Vua ngạc nhiên hỏi :
_ Ngươi không say chứ?
_ Muôn tâu thánh thượng, quả là thần không dám nói dối.
_ Vậy thì khanh hãy đọc trẫm nghe.

LTV cao giọng :
_ "Đình tiền tuý tửu, phụ phù phu".

nghĩa là: "Trước đình say rượu, vợ dìu chồng".

Thánh Tông cười vang khen ngợi :
_ Quan Trạng đối rất chỉnh và sát ý. "Đường thượng" đối với "đình tiền" đã hay, "tụng kinh" với "tuý tửu" cũng chỉnh, mà "sư sử sứ" đối với "phụ phù phu" thì thật tuyệt vời, tưởng không còn vế đối nào hơn thế nữa!
Last edited by Ai Hoa on 14 Jun 2005 05:03, edited 2 times in total.

Ai Hoa
i3 Processor
Posts: 238
Joined: 01 Oct 2007 23:45

Postby Ai Hoa » 14 Jun 2005 05:00

Trạng Trình nói lái

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng Nguyên và làm quan triều Mạc, được phong tước Trình Tuyên Hầu. Ông dâng sớ xin chém 18 gian thần hại nước không được chấp thuận nên từ quan về ở ẩn, vui thú điền viên. Học vấn uyên thâm, thi văn lưu loát, ông còn được biết nhiều về tài bói toán qua các bài sấm ký tiên đoán tương lai được người đời tin theo truyền tụng. Chẳng hạn bài thơ sau đây :

_ Non sông nào phải buổi bình thời
Thù oán nhau chi khéo nực cười
Cá vực chim rừng ai khiến đuổi
Núi xương sông máu thảm đầy nơi
Ngựa phi ắt có hồi quay cổ
Thú dữ nên phòng lúc cắn người
Ngán ngẩm việc đời chi nói nữa
Bên đầm ca hát nhởn nhơ chơi
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

2 câu luận bài thơ được cho là lời tiên đoán về việc trung hưng của nhà Lê và sự chuyên quyền của họ Trịnh.

Lúc sinh thời ông được cả vua Lê, chúa Trịnh và chúa Nguyễn tới cầu xin ý kiến. Câu nói nổi tiếng nhứt của ông là lời khuyên chúa Nguyễn Hoàng tới nhờ ông giúp sau khi anh là Nguyễn Uông bị anh rể là Trịnh Kiểm sát hại :
" Hoành Sơn nhứt đái, vạn đại dung thân " nghĩa là một rặng Hoành Sơn có thể nương thân muôn đời.

Theo lời khuyên của ông, Nguyễn Hoàng nhờ chị xin anh rể cho vào trấn ở phía Nam rặng Hoành Sơn (đèo Ngang), từ đó sáng lập ra cơ nghiệp nhà Nguyễn.

Thế gian còn truyền tụng 1 bài sấm của ông về chiến tranh thế giới như sau :
_" Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh
Can qua xứ xứ động đao binh
Mã đề dương cước anh hùng tận
Thân dậu niên lai kiến thái bình"

nhiều người cho rằng ứng với thế chiến II (1939-1945), mặc dù thời điểm chưa phải phù hợp lắm.

Tương truyền lúc Doanh điền Sứ Nguyễn Công Trứ phục mệnh vua Minh Mạng đi khai khẩn đất hoang vùng Hải Phòng có ra lệnh đào 1 con sông qua làng Trung Am quê Trạng Trình. Con sông đi thẳng qua đền thờ Trạng Trình nên sẽ phải phá đền, dân làng đến kêu quan chớ phá đền. NCT cho là lệnh vua to hơn thần nên cứ ra lệnh phá dỡ đền đi.

Binh lính vào đền bê bàn thơ và bát nhang ra thì thấy dưới có tấm bia đá, vội khuân về trình Doanh điền Sứ. NCT bước xuống đọc trên bia khắc dòng chữ tự lâu đời :
"Minh Mạng thập tứ
Thằng Trứ phá đền
Phá đền thì phải làm đền
Nào ai đụng đến doanh điền nhà bay!"

Năm ấy là năm Minh Mạng thứ 14. NCT sợ toát mồ hôi trước thiên cơ thần toán biết trước hàng trăm năm của Trạng Trình, vội sai sửa sang lại đền đẹp đẽ và uy nghi hơn trước.

Người ta còn kể rằng có hai cha con người bắt chuột đồng do ham bắt đã đào hang ở đền Trạng Trình làm đổ tấm bia đá trước đền. Làng bắt cha con họ phải trồng lại bia và phạt 3 quan tiền. Khi kéo tấm bia lên trồng thì thấy dưới chân bia có hàng chữ :
_ "Cha con thằng Khả
Đánh ngã bia tao
Làng xóm xôn xao
Bắt đền TAM QUÁN"

Quả thiệt là người bắt chuột tên Khả và bị bắt phạt 3 quan tiền! Nhưng cha con họ nhà nghèo, vét hết túi cũng chỉ có quan tám, đào đâu ra thêm cho đủ 3 quan mà đóng? Có ông cử thương tình gọi tới nhà dặn dò, bày cho lão Khả cách biện bác. Lão Khả về làng xin nộp quan tám và minh rằng :
_ Cụ Trạng thương chúng con nghèo nên dặn rõ ràng 2 chữ câu cuối là TAM QUÁN nói lái thành QUAN TÁM. Chứ cả bài thơ gồm toàn chữ Nôm, không lý gì cụ lại dùng chữ Hán ở cuối như thế !

Làng vào đền lễ tạ, xin quẻ âm dương, được Trạng Trình cho đúng như lời lão Khả, bèn bãi lệnh nộp 3 quan tiền mà cho phép lão chỉ nộp quan tám như lời nói lái của Trạng khắc trên bia !

Ai Hoa
i3 Processor
Posts: 238
Joined: 01 Oct 2007 23:45

Postby Ai Hoa » 15 Jun 2005 07:51

Đoàn Thị Điểm

Trong làng văn thơ chữ nghĩa đối hoạ, không người nào không biết tới câu đối hiểm hóc tương truyền của bà Đoàn Thị Điểm đã khiến cho Trạng Quỳnh phải cả đời ấm ức khôn nguôi :
_ "Da trắng vỗ bì bạch"

Hàng trăm năm sau vẫn có những bậc tài tuấn hậu sinh vò đầu bứt tóc cố tìm cách chứng tỏ mình giỏi hơn Trạng Quỳnh. Tuy nhiên vẫn chưa ai xứng đáng là đối thủ của người nữ sĩ tài ba này.

Đoàn Thị Điểm có biệt hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, là con của ông đồ Đoàn Doãn Nghi, quê làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (1). Anh bà là Đoàn Doãn Luân cũng là người giỏi văn thơ. Chuyện kể rằng một bữa bà đang ngồi soi gương trang điểm, anh bà chọc rằng :
_ "Đối kính hoạ mi, nhứt điểm phiên thành lưỡng điểm"

nghĩa là "soi gương, kẻ mày, một chấm biến thành hai chấm", đồng thời Điểm cũng là tên bà, nên có thể hiểu "soi gương, kẻ mày, một cô Điểm biến thành hai cô Điểm". Thật là tài tình, câu thơ mô tả cảnh hiện tại bà Điểm đang kẻ lông mày vô cùng chính xác.

Nhìn thấy ông anh đang đi ngoài sân cạnh cầu ao, trăng vàng soi bóng, bà ứng khẩu đáp liền :
_ "Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân"

nghĩa là "tới ao ngắm trăng, một vầng (trăng) chuyển ra hai vầng", mà cũng có thể hiểu là "tới ao ngắm trăng, một ông Luân chuyển ra hai ông Luân". Đối chan chát cả về ý lẫn từ, cả nghĩa đen lẫn bóng!

Lúc mới lên 5 tuổi ĐTĐ đã nổi tiếng thần đồng. Một ngày ĐTĐ đang học Kinh Thi do ông Đồ Nghi dạy, ông đồ bèn ra câu đối thử tài con gái :
_"Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi"

nghĩa là "rắn trắng cản đường, ông Quý tuốt gươm mà chém" lấy tích trong Kinh Thi Hán Cao Tổ Lưu Quý (hay Lưu Bang) lúc hàn vi say rượu chém rắn giữa đường.

Cô gái 5 tuổi không do dự, đọc câu đối ngay :
_"Hoàng long phụ chu, Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết"

nghĩa là "rồng vàng nâng thuyền, vua Vũ trông trời mà than" cũng lấy tích từ trong Kinh Thi ra. Ông đồ kinh ngạc trước tài năng sớm phát của con gái mình.

Năm 16 tuổi tiếng tăm ĐTĐ vang dội tới tận kinh đô. Quan Thượng Thư Lê Anh Tuấn là thầy cũ của ông Đồ Nghi từ kinh thành tới quê ông thăm viếng cũng nhân để coi mặt và thử tài cô gái. Ở làng Giai Phạm, quan Thượng Thư được ông đồ đón tiếp trọng thể và cho con gái ra chào. Thấy cô gái đẹp, dung mạo đoan trang, ngôn từ dịu dàng, quan Thượng Thư rất hài lòng, bèn bảo đến trước mặt, đi bảy bước đọc 1 câu thơ độc hành. Điểm thong thả đi, chưa tới bước thứ bảy đã đọc ngay đôi câu thơ đối :
_"Đàm luận cổ kim tâm phúc hữu
Trung tuỳ tả hữu cổ quan thần"

nghĩa là "nói chuyện xưa nay chỉ có bạn tâm phúc, kẻ theo hầu trung thành hai bên (phải, trái) chỉ có bầy tôi lâu năm".

Quan Thượng Thư nhổm người lên sửng sốt nói với ông đồ :
_ Khá khen cho con gái ông, đẹp người đẹp nết lại thông tuệ hơn người! Lời nữ nhi mà mang vẻ trang trọng uy nghi, có khí phách bậc đại nhân. Ở Thăng Long tiếng đồn đã vang dội trong hàng nho sinh học giả, nay ta mới thấy quả là không sai, lời thiên hạ truyền đi thật là xác đáng!

Quan Thượng Thư nhận ĐTĐ làm con nuôi, đưa về Thăng Long. Tiếng tăm người con gái nuôi của quan Thượng Thư càng lan rộng khắp kinh thành. Các công tử, văn nhân bị cuốn hút bởi sắc đẹp và tài năng của nàng, suốt ngày tìm tới dinh quan cầu thân. Trong số có Thái học sinh Đặng Trần Côn cũng mon men đưa thơ chọc ghẹo. Cô gái xem thơ cười nói rằng:
_ Trẻ thơ mới học, thơ từ chả bõ ngứa tai!

Côn thẹn tức trở về nhà cố công học, sau thành danh sĩ, viết ra tác phẩm "Chinh Phụ Ngâm" được Điểm khen ngợi, tự tay dịch ra thơ Nôm.

Những người yếu văn dần dần bị loại hết. Chỉ còn 4 người hay chữ nổi tiếng ở kinh thành, tục gọi là "Tràng An Tứ Hổ", ở lại thi tài (2). Cô Điểm sai người hầu mang ra 1 vế đối bảo rằng nếu có người đối được thì cô sẽ ra tiếp khách. Câu đối như sau :
_"Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang"

nghĩa là : "gió nhẹ trước sân làm lay động hàng cau", nhưng cũng có nghĩa là : "trước sân cô gái trẻ mời chàng rể mới".

Câu đối hiểm ở chỗ thiếu nữ vừa có nghĩa là gió nhẹ, vừa có nghĩa là cô gái trẻ, tân lang vừa có nghĩa là cây cau, vừa có nghĩa là chàng rể mới.

Tứ Hổ nghĩ mãi không ra, trời mát mà mồ hôi xuất đầm đìa, lén rủ nhau chuồn về hết. Danh tiếng nữ sĩ càng nức Thăng Long!

Câu đối đó cho tới ngày nay chưa có người nào đối được!

AH
(1) theo Nam Hải Dị Nhân thì bà là người tỉnh Hải Dương
(2) Tràng An Tứ Hổ theo Phan Kế Bính là Nguyễn Huy Kỳ, Trần Danh Tân, Nguyễn Bá Cư và Võ Toại

Ai Hoa
i3 Processor
Posts: 238
Joined: 01 Oct 2007 23:45

Postby Ai Hoa » 20 Jun 2005 07:43

Câu đối dành cho Trạng Quỳnh

Nguyễn Quỳnh là một nhân vật văn học vang danh Bắc Hà, mà nổi tiếng nhứt là lối chơi ngỗ ngược xỏ cả vua chúa và thánh thần. Quỳnh đỗ Cống Sinh (tương đương Cử nhân) nên được gọi là Cống Quỳnh. Chức danh Trạng là do dân gian xưng tụng mà có.

Truyện dân gian hay tô vẽ thêm cho nhân vật Trạng Quỳnh thành huyền thoại với mối tình thơ văn đối đáp giữa Trạng Quỳnh và Đoàn Thị Điểm, mà kẻ bị đo ván luôn luôn là Trạng Quỳnh, do đó mà uy tín bà Điểm càng tăng cao. Truyện kể rằng ông đồ Nghi mở trường dạy học rất đông học trò bởi vì ông vừa dạy giỏi vừa có tư cách sáng ngời, mặt khác ông còn có con gái đẹp mà tài văn thơ lẫy lừng nức tiếng từ nhỏ. Để gây ấn tượng mạnh đối với thầy đồ và con gái, mỗi buổi bình văn của thầy đồ, Quỳnh khăn áo tề chỉnh tới dựa gốc bàng trước cổng chăm chú nghe. Thấy lạ, thầy đồ cho học trò gọi Quỳnh vào nhà hỏi họ tên và mục đích muốn làm gì. Quỳnh xưng tên và nói mình là nho sinh muốn theo học nhưng thiếu người tiến dẫn nên không dám đường đột. Ông đồ Nghi bảo :
_ Anh là nho sinh có lòng hiếu học, nếu quyết muốn học thì ta ra câu đối này, đối được ta sẽ cho nhập học.

Quỳnh xin vâng. Ông đồ đọc :
_ "Thằng quỷ ôm cái đấu đứng cửa khôi nguyên".

Trong tiếng Hán, chữ quỷ ghép với chữ đấu sẽ thành chữ khôi. Quỳnh suy nghĩ rất nhanh rồi đáp liền :
_ "Con mộc tựa cây bàng dòm nhà bảng nhãn".

Tiếng Hán chữ mộc chắp với chữ bàng thành chữ bảng. Thầy đồ khen ngợi Quỳnh nhận vào học. Một ngày từ phòng học Quỳnh nhìn qua cửa sổ sang phòng cô Điểm thấy Điểm vén rèm cửa sổ ngồi trước bàn, hai cửa sổ trông thẳng sang nhau. Quỳnh mở lời tán xin qua bên ấy chơi. Điểm đề nghị đọc 1 vế đối nếu đối được sẽ mở cửa mời qua, Quỳnh nhận lời. Điểm đọc :
_ "Hai người ngồi hai bên cửa sổ song song"

Chữ "song" tiếng Hán là 2, đồng âm với chữ "song" nghĩa là cửa sổ. Song song tiếng Hán có nghĩa là 2 cửa sổ lại đồng âm với "song song" là sóng đôi nhau.

Quỳnh tịt mít nghĩ mãi không ra.

Một buổi trời khuya Quỳnh trèo tường sau nhà thầy đồ định rình phòng cô Điểm, bị chó lao ra sủa. Quỳnh sợ quá leo lên cây cậy tránh. Điểm ra tựa cửa nhìn thấy Quỳnh trên cây, bụm miệng cười. Quỳnh bám mỏi tay, năn nỉ Điểm xua chó đi cho mình tuột xuống, Điểm lại đòi ra câu đối, đối được sẽ tha. Vế đối ra như sau :
_"Thằng Quỳnh ngồi trên cây cậy, má đỏ hồng hồng".

Cây cậy gần gống cây hồng, trái cậy cũng màu đỏ, chữ "hồng" tiếng Hán là màu đỏ.

Quỳnh đối không được, bị ngồi trên cây tới gần sáng, Điểm mới ra xua chó cho xuống về nhà.

Hôm khác Quỳnh đang ba hoa với bạn học về việc trêu chọc cô hàng mật trên phố Mía thì Điểm tới, Điểm đọc luôn vế đối :
_"Lên phố MÍA gặp cô hàng MẬT, cầm tay KẸO lại hỏi thăm ĐƯỜNG".

Một vế đối có đủ mía, mật, kẹo, đường toàn là của ngọt cả ! Quỳnh và cả đám nho sinh ngây mặt không đối được.

Một lần giáp Tết, Quỳnh đi tới nhà thầy gặp trời mưa ướt lướt thướt. Điểm đang ngồi gói nem, mới mời Quỳnh ăn. Quỳnh đáp :
_ Chả thích nem, chỉ thích giò thôi !

Điểm biết Quỳnh trêu mình bèn bảo :
_ Đối được thì sẽ cho giò.

Rồi đọc :
_ "Trời mưa đất THỊT trơn như MỠ, DÒ đến hàng NEM CHẢ muốn ăn !

"Dò" đồng âm với "giò", "chả" là chẳng, lại có nghĩa là thức ăn từ thịt. Vế đối có cả "thịt, mỡ, giò, nem, chả" thì Trạng cũng đành phải thua !

Ai Hoa
i3 Processor
Posts: 238
Joined: 01 Oct 2007 23:45

Postby Ai Hoa » 22 Jun 2005 06:48

Tượng Bà Banh

Ở nơi nọ có pho tượng đá tạc hình người đàn bà khoả thân. Pho tượng tạc rất khéo, đầu nghiêng nghiêng, mắt liếc đưa tình, miệng tủm tỉm, ngực nhô cao, cổ đeo chuỗi hạt, chân đi giày, đứng bắt chéo, còn tay thì chỉ vào chỗ kín phía dưới bụng. Bên cạnh tượng, dưới chân có một cái chày đá. Tượng đá rất linh thiêng, tục truyền là tượng Bà Banh. Bà rất dữ vía, không ai dám trêu chọc. Theo lệ ai đi ngang qua tượng không được cười, nếu cười về nhà sẽ bị méo miệng. Bất kỳ già trẻ lớn bé tới đấy đều phải kính cẩn cầm chày chọc vào hạ bộ bà một cái, không làm thì về nhà sẽ bị động rồ. Ai cứ đứng ngắm nghía bà mãi thì về sẽ bị đau mắt v.v...

Trạng Quỳnh nghe đồn danh tiếng Bà Banh dữ như vậy, bèn nghĩ bụng phải trị bà một trận cho hết gây hoạ cho người. Một bữa Quỳnh tới tận nơi để xem. Ngắm nghía thân hình bà chán chê, Quỳnh cầm cái chày quẳng lưôn xuống hồ nước. Xong cầm bút đề bài thơ lên bụng pho tượng :

"Khéo đứng ru mà đứng mãi đây
Khen ai đẽo đá tạc nên mày
Trên cổ đếm đeo dăm chuỗi hạt
Dưới chân đứng chéo một đôi giày
Cởi váy phất cờ trêu ghẹo tiểu
Để đồ bốc gạo thử thanh thầy
Có thiêng sao chẳng ngồi toà ngọc
Khéo đứng ru mà đứng mãi đây!

Bài thơ tả pho tượng rất khéo, nhưng đọc kỹ thấy Trạng Quỳnh chơi trò nói lái chữ tục. Đồn rằng bài thơ viết xong, tượng đá tự dưng đổ mồ hôi ròng ròng như tắm. Từ đó mất thiêng !
:twisted:


Return to “Truyện Xưa Tích Cũ - Histoires Anciennes”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1 guest