Khái niệm về Thơ Đường luat

Giai thoại chữ nghĩa, Mỗi tuần 1 truyện kể
Ai Hoa
i3 Processor
Posts: 238
Joined: 01 Oct 2007 23:45

Khái niệm về Thơ Đường luat

Postby Ai Hoa » 14 Nov 2006 06:27

[b]A. ĐẠI CƯƠNG

1. Phân biệt thơ Đường luật và thơ Đường
- thơ Đường luật (ĐL) : là thơ làm theo Thi luật đặt ra từ đời nhà Đường bên Tàu .
- thơ Đường hay Đường thi : là những bài thơ của các thi sĩ Trung Hoa làm dưới thời nhà Đường, nổi tiếng nhất là 300 bài được gọi là Đường thi tam bách thủ . Trong số đó có một số được làm theo thể thơ ĐL, số còn lại làm theo thể thơ khác, phần lớn là thơ cổ phong.

Thơ ĐL chia làm 2 loại : thất ngôn mỗi câu có 7 chữ, ngũ ngôn mỗi câu có 5 chữ .
Bài thơ nào có 8 câu thì gọi là bát cú, có 4 câu thì là tứ tuyệt .

2. Âm, thanh và vần trong tiếng Việt
Âm
Tiếng Việt có 29 mẫu tự, tạo thành 10 nguyên âm (a, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư, y), 2 bán nguyên âm (ă, â) và 16 phụ âm đơn (b, c, d, đ, g, h, k, l, m, n, p, r, s, t, v, x), 9 phụ âm kép (ch, gi, kh, ng, nh, ph, qu, th, tr) không kể các phụ âm gh, ngh vì chữ h thêm vào chỉ có hình thức mà không đọc.

Âm là cách đọc của một chữ, được cấu tạo bằng một mẫu tự , hoặc cụm mẫu tự, mà không kể đến phụ âm đứng phía trước. Thí dụ: Inh, Hình, Tình, Tính, Tịnh, Vĩnh, Khinh ... các chữ này đều mang âm INH, nhưng khác các phụ âm đầu và dấu giọng.

Thanh
Tiếng Việt có 5 dấu giọng (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng) cùng với tiếng không có dấu tạo thành 8 thanh, chia làm 2 nhóm:
- Thanh Bằng gồm có :
Phù bình thanh : gồm những chữ không mang dấu (thí dụ: đêm, vương)
Trầm bình thanh : gồm những chữ mang dấu huyền (thí dụ: sầu, tiền)
- Thanh Trắc gồm có :
Phù khứ thanh : gồm những chữ mang dấu ngã (thí dụ: nỗi, mỹ)
Trầm khứ thanh : gồm những chữ mang dấu hỏi (thí dụ: cỏ, chuyển)
Phù nhập thanh : gồm những chữ mang dấu sắc mà tận cùng bằng phụ âm c, t, ch hay p (thí dụ: bích, sắc)
Phù thượng thanh : gồm những chữ mang dấu sắc còn lại (thí dụ: ám, chướng)
Trầm nhập thanh : gồm những chữ mang dấu nặng mà tận cùng bằng phụ âm c, t, ch hay p (thí dụ: thiệt, mập)
Trầm thượng thanh : gồm những chữ mang dấu nặng còn lại (thí dụ: lạ, mệnh)

Vần
Những từ mang cùng âm và cùng loại thanh (trắc hay bằng) được gọi là vần với nhau. Thí dụ chữ lồng vần với chữ ông, chữ đồng và chữ sông; chữ hỗ vần với chữ cố, chữ lộ và chữ sổ; chữ mắt vần với chữ cắt, chữ chặt và chữ bặt, v.v...

Ai Hoa
i3 Processor
Posts: 238
Joined: 01 Oct 2007 23:45

Khai niem ve Tho Duong luat

Postby Ai Hoa » 19 Nov 2006 16:33

B. LUẬT THƠ ĐƯỜNG LUẬT THẤT NGÔN BÁT CÚ (TNBC)

Hình thức 1 bài thơ ĐL TNBC gồm có 6 yếu tố:
1. Số chữ, số câu hạn định
Một bài thơ ĐLTNBC tổng cộng có 56 chữ , gồm 8 câu mỗi câu 7 chữ.

2. Luật bằng trắc
Các câu trong bài thơ ĐLTNBC phải theo quy luật bằng trắc rất chặt chẽ . Chữ thứ 2 của câu đầu bài thơ nếu là thanh trắc thì bài thơ theo luật trắc, còn nếu là thanh bằng thì bài thơ theo luật bằng . Bài thơ không theo đúng luật bằng trắc là bài thơ thất luật .

3. Niêm
- Chữ thứ 2 của câu 2 phải cùng nhóm thanh (trắc hay bằng) với chữ thứ 2 của câu 3 và khác nhóm thanh với chữ thứ 2 câu 4.
- Chữ thứ 2 của câu 4 phải cùng nhóm thanh (trắc hay bằng) với chữ thứ 2 của câu 5 và khác nhóm thanh với chữ thứ 2 câu 6.
- Chữ thứ 2 của câu 6 phải cùng nhóm thanh (trắc hay bằng) với chữ thứ 2 của câu 7 và khác nhóm thanh với chữ thứ 2 câu 8.
- Chữ thứ 2 của câu 8 phải cùng nhóm thanh (trắc hay bằng) với chữ thứ 2 của câu 1 và khác nhóm thanh với chữ thứ 2 câu 2.

Nếu bài thơ không thoả bất kỳ điều kiện nào trong tất cả các điều kiện trên thì gọi là thất niêm.

4. Vần
Vần được gieo ở cuối các câu chẵn của bài thơ ĐL. Chữ cuối câu 1 có thể cùng vần hoặc không vần. Trong toàn bài thơ chỉ dùng 1 vần duy nhất (gọi là độc vận).
Vần có 2 loại: chính vận và thông vận.
- Chính vận là vần gồm những chữ có âm y hệt nhau, chỉ khác phụ âm đầu và dấu giọng . Thí dụ: trường, sương, dương, thương ...
- Thông vận là vần gồm những chữ có âm tương tự . Thí dụ: lùng, chung, không, công, tòng, đông, hồng ...
Nếu dùng chữ mà âm nghe không giống lắm, miễn cưỡng mà dùng tạm thì gọi là cưỡng vận .
Nếu dùng chữ có âm hoàn toàn khác nhau thì gọi là lạc vận .

Trong 1 bài thơ ĐL có thể dùng cả chính vận lẫn thông vận, cưỡng vận chỉ dùng trong trường hợp bất đắc dĩ và nên dùng ít thôi. Nếu có lạc vận là bài thơ hỏng .

5. Đối
Trong bài thơ ĐLTNBC, các câu 3-4 và 5-6 đối với nhau từng cặp một . Đối phải bao gồm cả đối ý, đối từ và đối thanh. Bài thơ có phần đối không chỉnh thì không phải là bài thơ ĐLTNBC hoàn hảo, còn nếu không đối thì không gọi là thơ ĐL (có người gọi nó là thơ Thất ngôn bát cú).

6. Nhịp điệu
Thơ ĐL được ngắt nhịp ở chữ thứ 2 hoặc thứ 4 của câu, hoàn toàn khác với 2 câu bảy chữ trong thể thơ song thất lục bát của Việt Nam ngắt nhịp ở chữ thứ 3 và thứ 5. So sánh:

Bước tới đèo Ngang _ bóng xế tà
Cỏ cây chen đá _ lá chen hoa
hay:
Nhớ nước _ đau lòng con quốc quốc
Thương nhà _ mỏi miệng cái gia gia
(Bà huyện Thanh Quan)

với:

Chìm đáy nước _ cá lờ đờ lặn
Lửng da trời _ nhạn ngẩn ngơ sa
(Ôn Như Hầu)

Nước thanh bình _ ba trăm năm cũ
Áo nhung trao quan vũ _ từ đây
(Đoàn Thị Điểm)

Bài thơ ngắt nhịp không đúng cũng không gọi là thơ ĐL.
Last edited by Ai Hoa on 19 Nov 2006 16:58, edited 1 time in total.

Ai Hoa
i3 Processor
Posts: 238
Joined: 01 Oct 2007 23:45

Khai niem ve Tho Duong luat

Postby Ai Hoa » 19 Nov 2006 16:55

C. KỸ THUẬT LÀM THƠ ĐL TNBC

1. Bố cục bài thơ ĐLTNBC
Bài thơ ĐLTNBC có 4 cặp câu tạo thành 4 phần: đề, thực, luận, kết
- Đề: gồm 2 câu đầu . Câu 1 là phá đề dùng để mở bài, câu 2 là thừa đề tiếp nối với câu 1 nói lên đầu đề của bài .
- Thực hay trạng: 2 câu 3-4 dùng giải thích đầu bài, nếu là tả cảnh thì mô tả cảnh sắc, nếu vịnh sử thì nêu công trạng đức hạnh của nhân vật, v.v...
- Luận: 2 câu 5-6 nói lên cảm xúc, ý kiến khen chê hay so sánh, v.v...
- Kết: 2 câu cuối tóm ý nghĩa cả bài .

2. Luật bằng trắc trong bài thơ ĐLTNBC
- Luật trắc vần bằng

T T B B T T B (vần)
B B T T T B B (vần)
B B T T B B T
T T B B T T B (vần)
T T B B B T T
B B T T T B B (vần)
B B T T B B T
T T B B T T B (vần)

- Luật bằng vần bằng

B B T T T B B (vần)
T T B B T T B (vần)
T T B B B T T
B B T T T B B (vần)
B B T T B B T
T T B B T T B (vần)
T T B B B T T
B B T T T B B (vần)

- Luật trắc vần trắc

T T B B B T T (vần)
B B T T B B T (vần)
B B T T T B B
T T B B B T T (vần)
T T B B T T B
B B T T B B T (vần)
B B T T T B B
T T B B B T T (vần)

- Luật bằng vần trắc

B B T T B B T (vần)
T T B B B T T (vần)
T T B B T T B
B B T T B B T (vần)
B B T T T B B
T T B B B T T (vần)
T T B B T T B
B B T T B B T (vần)


3. Bất luận và khổ độc
Giữ đúng luật bằng trắc của bài thơ ĐL rất khó, làm hạn chế việc sử dụng từ ngữ và diễn đạt ý tưởng nên trong thơ ĐL có thêm luật "nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh", tức là trong 1 câu thơ ĐL không cần giữ đúng luật bằng trắc ở các chữ thứ 1, 3 hay 5, nhưng chữ thứ 2, 4 và 6 thì tuyệt đối không thể du di được .

Tuy vậy khi sử dụng luật bất luận, chữ theo luật là trắc mà đổi sang bằng thường thì không sao, nhưng nếu bằng mà đổi sang trắc đôi khi đọc nghe không êm tai, phải nên tránh .

Những chữ thứ 5 của câu lẻ và chữ thứ 3 của câu chẵn nếu theo luật đáng là bằng mà lại đổi thành trắc theo luật bất luận thì gọi là khổ độc .

Một bài thơ bị nhiều lỗi khổ độc sẽ kém giá trị !

Thí dụ:

Hát bội

Đứa mắc ghẻ ruồi, đứa lác voi
Bao nhiêu xiêm áo cũng trơ mòi
Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc
Kẻ nịnh râu hoe mấy sợi còi
Trên trính có nhà còn lợp lọng
Dưới chân không ngựa lại giơ roi
Hèn chi chúng nói bội là bạc
Bôi mặt đánh nhau, cú lại thoi

(Phan Văn Trị)


4. Âm điệu tiết tấu bài thơ ĐL
Một bài thơ theo đúng hết quy định bằng trắc của luật thơ đôi khi đọc lên nghe vẫn không xuôi tai, đó là vì sử dụng không khéo các tiếng trầm bổng . Mặc dù chữ có dấu huyền (trầm bình thanh) và chữ không dấu (phù bình thanh) đều là thanh bằng, chúng lại không tương đương nhau về mặt cao thấp khi đặt trong câu . Để câu thơ đọc nghe du dương réo rắt tránh dùng chỉ toàn một loại thanh mà cần phải thay đổi, xen kẽ các thanh này với nhau trong các vần liên tiếp, hoặc trong các chữ trong câu .

5. Các lỗi thông thường trong bài thơ ĐL TNBC
- Trùng vận:
Thơ ĐL chỉ dùng độc vận, nếu 1 chữ vần được dùng lặp lại ở 2 câu khác nhau thì gọi là trùng vận, bài thơ sẽ hỏng .
Tuy nhiên nếu chỉ là tiếng đồng âm mà khác nghĩa thì được coi là 2 chữ vần khác nhau, không phạm lỗi .
Thí dụ:

Thăng long hoài cổ

Tạo hoá gây chi cuộc hí trường
Đến nay thắm thoát mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường

(Bà huyện Thanh Quan)

Chữ "trường" câu 1 với chữ "trường" câu 8 có nghĩa khác nhau nên không phạm lỗi trùng vận .

- Trùng từ:
Cùng 1 chữ được dùng nhiều lần ở trong bài thơ, ngoại trừ trường hợp cố ý, thì gọi là lỗi trùng từ hay điệp từ.

Thí dụ bài thơ trên của BHTQ bị trùng từ ở 2 chữ "cũ"

Dùng lại chữ 1 lần thì tạm chấp nhận, dùng lại 2, 3 lần thì bài thơ kém .

Trong trường hợp sử dụng mỹ từ pháp điệp ngữ thì không tính là lỗi .

Thí dụ:

Dĩ Hòa Vi Quý

Ở thế đừng tranh tiếng trượng phu
Làm chi cho có sự đôi co
Ðấy cậy đấy khôn, đây chẳng nhịn
Ðây rằng đây phải, đấy không thua
Duật nọ hãy còn đua với bạng
Lươn kia hầu dễ kém chi cò
Chữ rằng: Nhân dĩ hòa vi quý
Vô sự thì hơn, kẻo phải lo

(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

- Phong yêu hạc tất
Bài thơ ĐL chỉ gieo vần ở các chữ cuối câu. Nếu chữ thứ 4 trong 1 câu cũng vần với chữ cuối câu thì phạm lỗi phong yêu hạc tất .

Thí dụ:

Thi hỏng

Mai này tớ hỏng tớ đi ngay
Cúng giỗ từ nay nhớ lấy ngày
Học đã sôi cơm nhưng chửa chín
Thi không ăn ớt thế mà cay
Sách đèn phó mặc đàn con trẻ
Thưng đấu nhờ tay một mẹ mày
"Cống hỉ" "mét xì" đây thuộc cả
Chẳng sang Tàu tớ cũng sang Tây

(Trần Tế Xương)

- Bình đầu
Bài thơ mà có nhiều câu liên tiếp bắt đầu bằng những tiếng cùng một từ loại, cùng một cấu trúc câu thì phạm lỗi bình đầu, ngoại trừ trường hợp cố tình làm có mục đích rõ rệt.

Thí dụ:

Đón Tết

Anh em đừng tưởng tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu
Rượu cúc nhắn đem hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi giá còn kiêu
Bánh đường sắp gói e nồm chảy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu
Thôi thế thì thôi đành tết khác
Anh em đừng tưởng tết tôi nghèo

(Trần Tế Xương)

Ai Hoa
i3 Processor
Posts: 238
Joined: 01 Oct 2007 23:45

Khai niem ve Tho Duong luat

Postby Ai Hoa » 22 Nov 2006 05:11

D. CÂU ĐỐI TRONG THƠ ĐL TNBC

Câu đối là những câu văn đi đôi với nhau thế nào cho ý, chữ và luật bằng trắc cân xứng nhau.

Trong thơ ĐL TNBC các câu 3-4 và 5-6 bắt buộc phải đối từng cặp một . Câu đối thì không hạn chế số chữ, nhưng trong thơ ĐL câu đối phải giữ theo đúng luật của bài thơ về số chữ và luật bằng trắc .

Về đại thể, hai câu thơ đối nhau phải đối cả về ý, từ và thanh.

1/ đối ý

Ý ngụ trong 2 câu đối phải mang tính cách tương phản (tức là tả 2 sự việc trái ngược nhau) hoặc tương đồng (tức là ý đi song song bổ túc nhau).

Thí dụ:

- tương đồng:

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
(Bà huyện Thanh Quan)

- tương phản:

Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng
(Trần Tế Xương)

2/ đối từ:

Các từ hoặc cụm từ trong câu trên và câu dưới phải đối nhau về từ loại, sự vật và ngữ pháp:
- từ loại: danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ, tính từ đối tính từ, v.v... từ đơn đối từ đơn, từ kép đối từ kép, từ lắp láy đối từ lắp láy, v.v...
- ngữ pháp: chủ từ phải đối với chủ từ, túc từ phải đối túc từ, v.v...
- sự vật: từ nhân xưng thì đối từ nhân xưng, cảnh vật thì đối cảnh vật, tên người đối với tên người, địa danh đối với địa danh, v.v...

Ngoài ra các từ tiếng Hán Việt phải đối bằng từ Hán Việt, từ thuần Nôm thì đối với từ thuần Nôm, điển tích đối với điển tích, v.v...

Thí dụ:
Còi mục thét trăng miền khoáng dã
Chài ngư tung gió bãi bình sa
(Bà huyện Thanh Quan)

-còi với chài là những vật dụng để làm việc của mục đồng và ngư phủ,
-mục với ngư là danh từ người, ngành nghề, và là tiếng Hán việt
-thét và tung đều là động từ
-trăng với gió là danh từ, chỉ sự vật thiên nhiên
-miền với bãi là danh từ chỉ nơi chônkhoáng dã với bình sa là từ ghép Hán việt, khoáng với bình là tính từ, dã với sa là danh từ

3/ đối thanh:

Chữ thanh bằng đối với chữ thanh trắc và ngược lại . Nếu giữ đúng luật bằng trắc của thơ ĐL thì bắt buộc đã đối nhau về thanh rồi, không cần quan tâm nữa .

Tuy rằng đối thanh và đối từ góp phần quan trọng để tạo thành một bài thơ ĐL TNBC hay, nhưng nội dung ý tưởng mới là phần chủ yếu của bài thơ, nên cần phải đặt nặng vấn đề
viết câu sao cho có ý nghĩa, chớ không nên chỉ câu nệ vào việc tìm từ đối cho chỉnh mà quên ý nghĩa toàn cục .

GIAI THOẠI CÂU ĐỐI

Thần Nông - Thánh sâu
Một vị thầy hỏi môn đệ rằng:
- Thần đối với gì ?
Anh học trò mau mắn trả lời:
- Dạ, thánh ạ !
Thầy gật gù:
- Hay lắm, thế còn nông ?
- Thưa, nông thì đối với sâu .
Thầy lại khen:
- Tuyệt, đối tiếp nhé ? giáo ?
- Dạ, gươm .
- Dân ?
- Dạ, quan .
Thầy lại tấm tắc khen:
- Ừ phải, một đàng cai trị, một đàng bịi trị, đối xứng lắm! vậy, nghệ ?
Anh học trò nghe khen hớn hở :
- Thưa, nghệ đối với gừng ạ !
- Ngũ ?
- Dạ, tam !
- Thế còn cốc ?
- Dạ, cốc đối với cò!
Thầy cười:
- Hay quá, thế ghép câu của ta với của anh nhé ? "Thần nông giáo dân nghệ ngũ cốc" đối với "Thánh sâu gươm quan gừng tam cò", thế là thế nào ?
Không nói cũng biết mặt anh học trò đỏ như gấc chín ! Ông thầy chỉ cố ý dạy học trò một bài học mà chắc suốt đời anh ta sẽ không quên !


Giai thoại về Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa:
Thời xưa lúc ông BHN đỗ thủ khoa, tiếng tăm khá lừng lẫy lan ra tận Bắc Hà . Thường thời đó trung tâm văn vật ở miền Bắc và những danh tài đa số xuất thân từ miền Bắc và miền Bắc Trung phần . Ở miền Bắc có anh chàng Văn Bình cũng tự coi mình giỏi chữ nghĩa, nghe tiếng ông BHN bèn vào Nam tìm tới thử tài .

Tới làng ông Nghĩa ở, gặp một ông già đang ngồi vấn thuốc trước nhà anh ta lò dò hỏi thăm . Khi được hỏi, anh ta xưng danh tánh và cho biết mục đích chuyến đi của mình . Ông già nói :
- Anh muốn so tài ông Thủ Khoa thì chắc là hay chữ lắm, xin cho hỏi vậy chớ Vũ thì đối với gì cho xứng ?
Văn Bình đáp liền không suy nghĩ:
- Vũ thì đối với văn !
Ông già khen:
- Hay, vậy thì Trắc ?
- Trắc đối Bình thì không gì hơn nữa !
Ông già gật gật đầu ;
- Phải rồi, vậy còn khứ ?
- Khứ đối với lai .
- Nam ?
- Bắc !
- Vô ?
- Vô đối với cụ được không ?
Ông già đáp :
- Được quá chớ ! Vậy bây giờ ghép mấy chữ của anh đối thành câu nghen ?
Rồi ông cao giọng ngâm :
- Vũ trắc khứ nam vô, Văn Bình lai bắc cụ !
Nhìn thẳng vào mặt anh chàng, ông làm vẻ ngạc nhiên :
- Vậy ra anh vào đây để "bắc cụ" tôi hay sao ?
Lúc đó Văn Bình chỉ còn nước độn thổ !
:lol:

Câu đối của Vương Kỳ:
Ðời nhà Tống có một nhà thơ tên là Vương Kỳ lấy việc đối chỉnh làm hay. Kỳ làm bài thơ "Trúc Thi" được hai câu rất đắc ý, mới đem ra khoe với Tô Đông Pha:
- Lá buông nghìn lưỡi kiếm
Thân dựng vạn cây thương
Tô Ðông Pha cười :
- Hay thì hay thực, song như vậy thì mười cây tre chỉ có một chiếc lá thôi ư ?
Muôn cây mà chỉ có nghìn lá, thì chẳng phải 10 cây 1 lá hay sao ? Chỉ vì anh ta muốn đối cho chỉnh, cho khéo mà quên lẽ thông thường ai cũng biết !
:P

Tùy Viên Thi Thoại:
Một viên tú tài trình cho tác giả Tuỳ Viên một bài thơ, trong đó có câu:
- Cha chết chôn Vị Bắc
Anh đau nằm Giang Nam
Tùy Viên cảm động nói :
-Tình cảnh nhà anh sao mà thảm thiết thế ?
Viên tú tài liền thưa :
- Sự thật không phải thế, chỉ là làm thơ muốn đối cho chỉnh thôi.
Muốn làm thơ đối cho chỉnh mà bày đặt ra chuyện trù ẻo cả cha anh, thiệt là hết ý kiến!

Ai Hoa
i3 Processor
Posts: 238
Joined: 01 Oct 2007 23:45

Tho Co Phong

Postby Ai Hoa » 22 Nov 2006 06:30

THƠ CỔ PHONG

Thơ cổ phong hay cổ thể là thể thơ có từ trước đời nhà Đường . Trong thể thơ này chỉ có số chữ trong câu là nhất định . Các thể lệ chặt chẽ như niêm, luật và đối của thơ Đường luật không được áp dụng cho thể thơ Cổ phong .

1/ số chữ
Số chữ trong mỗi câu là 5 (ngũ ngôn) hoặc 7 (thất ngôn)

2/số câu
Bài thơ Cổ phong có 4 câu trở lên, dài ngắn bao nhiêu cũng được . Thông thường là thơ 4 câu (tứ tuyệt) hoặc 8 câu (bát cú).

3/vần
Thơ Cổ phong có thể dùng một vần nguyên cả bài (độc vận) giống như thơ Đường luật, hoặc dùng nhiều vần (liên vận) . Vần có thể liên châu (chữ cuối của hai câu liên tiếp vần với nhau) hoặc gián cách (chữ cuối của hai câu chẵn kế tiếp vần với nhau).

4/đối
Thơ Cổ phong không bắt buộc có đối, nhà thơ muốn làm đối thì tuỳ ý.

Một số bài thơ Cổ phong tiêu biểu

Về đi cày

Hán tự chẳng biết Hán
Tây tự chẳng biết Tây
Quốc ngữ cũng tịt mít
Thôi đi về đi cày

Giồng ngô và giồng đậu
Cấy chiêm lại cấy mùa
Ăn không hết thì bán
Bán đã ông Tây mua

Được tiền thì mua rượu
Rượu say rồi cưỡi trâu
Cưỡi trâu thế mà vững
Có ngã cũng không đau

Ăn lương hàm chính thất
Thôi thôi thế cũng xong
Ví bằng nhà nước dụng
Phải bổ toà canh nông

(Trần Tế Xương)


Vịnh sư

Đầu trọc lóc bình vôi
Nhảy tót lên chùa ngồi
Ề à kinh một bộ
Lốc cốc mõ ba hồi
Cơm chẳng thèm cá thịt
Ăn rặt oản chuối xôi
Không biết câu tình dục
Đành chịu tiếng mồ côi

(Nguyễn Khuyến)


Đêm mùa Hạ

Tháng tư đầu mùa Hạ
Tiết trời thật oi ả
Tiếng dế kêu thiết tha
Đàn muỗi bay lả tả
Nỗi ấy biết cùng ai
Cảnh này buồn cả dạ
Biếng nhắp năm canh chầy
Gà đà sớm giục giã

(Nguyễn Khuyến)


Khen Trần Bình Trọng

Giỏi thay Trần Bình Trọng!
Dòng dõi Lê Đại Hành
Đánh giặc dư tài mạnh
Thờ vua một tiết trung.
Bắc vương sống mà nhục,
Nam quỉ thác cũng vinh
Cứng cỏi lòng trung nghĩa
Ngàn thu tỏ đại danh

(Phan Kế Bính)


Cảnh Tạo Hoá

Đá xanh như nhuộm, nước như lọc
Cỏ cây hoa lá dệt như vóc
Trời quang mây tạnh gió hiu hiu
Ai thấy cảnh này mà chẳng yêu
Mới biết hoá công tay khéo vẽ
Không mực không thước mà đủ vẻ
Tay người điểm xuyết ra nước non
Bể cạn non bộ nhỏ con con
Sao bằng tiêu dao cùng tạo hoá
Bốn mùa phong cảnh thật không giá

(vô danh)


Dế duỗi bên đèn

Kiến chẳng phải kiến, voi chẳng voi,
Trời sinh dế duổi cũng choi choi
Ngắn cánh lên trời bay chẳng thấu,
Co tay vạch đất cũng khoe tài.
Mưa sa nước chảy lên cao ở
Lửa đỏ dầu sổi nhảy tới chơi
Quân tử có thương xin chớ phụ
Lăm lăm bay nhảy để mà coi

(Tú Qùi)


Ông Lã Gia

Ngồi buồn xem lại sử Nam nhà
Quan đời vua Triệu ông Lã Gia
Ngôi cao quyền trọng đầu râu bạc
Hai vai gánh vác một san hà
Giặc ngoài ngắm nghe, vua Hưng nhỏ
Nước đổ, thành nghiêng, một cụ gia
Cù Hậu, sứ thần trong nửa tiệc
Quét sạch hội tanh, tan nát hoa

Con trưởng vua Minh dựng nối dòng
Hai nghìn vào cõi tính đã xong
Gói cờ tiết Hán để mặt ải
Bao nơi hiểm yếu dàn canh phòng
Năm nghìn lại tiếp quân Tàu sang
Chín chục chết theo cơ nghiệp Triệu
Chưa chắc loạn thần hay trung trinh
Văng vẳng nghìn thu không kẻ hiểu

(Tản Đà)


Thăm mả cũ bên đường

Chơi lâu nhớ quê về thăm nhà
Đường xa người vắng bóng chiều tà
Một dãy lau cao làn gió chạy
Mấy cây thưa lá sắc vàng pha
Ngoài xe trơ một đống đất đỏ
Hang hốc đùn trên đám cỏ gà
Người nằm dưới mả ai ai đó
Biết có quê đây hay vùng xa

Hay là thuở trước kẻ cung đao
Hám đạn liều tên quyết mũi dao
Cửa nhà xa cách vợ con khuất
Da ngựa gói bỏ lâu ngày cao

Hay là thủa trước kẻ văn chương
Chen hội công danh nhỡ lạc đường
Tài cao phận thấp chí khí uất
Giang hồ mê chơi quên quê hương

Hay là thủa trước khách hồng nhan
Sắc sảo khôn ngoan trời đất ghen
Phong trần xui gặp bước lưu lạc
Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn

Hay là thủa trước khách phong lưu
Vợ con đàn hạc đề huề theo
Quan san xa lạ đường lối khó
Ma thiêng nước độc phong sương nhiều

Hay là thủa trước bậc tài danh
Đôi đôi lứa lứa cũng linh tinh
Giận duyên tủi phận hờn ân ái
Đất khách nhờ chôn một khối tình

Suối vàng sâu thẳm biết là ai
Mả cù không ai kẻ đoái hoài
Trải bao ngày tháng trơ trơ đó
Mưa dầu nắng dãi giăng mờ soi

Ấy thực quê hương con người ta
Dặn bảo trên đường những khách qua
Có tiếng khóc oe thời có thế
Trăm năm ai lại biết ai mà!

Tản Đà


Return to “Truyện Xưa Tích Cũ - Histoires Anciennes”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 3 guests