ME. - Tram Huong - Quynh Huong

Quỳnh Hương
Pentium 4
Posts: 815
Joined: 01 Oct 2007 17:29

ME. - Tram Huong - Quynh Huong

Postby Quỳnh Hương » 05 May 2005 04:11

[center]Image

Mẹ

Văn: Trầm Hương

Đọc: Quỳnh Hương

[music]http://vtrans.net/quynhhuong/Audio/mp3/me2005.wma[/music][/center]

Cho đến cuối đời,
tôi sẽ vẫn không thể nào bằng MẸ


1. Nguời mẹ ... dũng cảm

Tôi không hiểu do duyên cớ nào mà ngay từ khi tôi còn bé, Mẹ tôi đã nhìn thấy rõ ràng cả một tương lai họa sĩ đầy màu sắc lộng lẫy chờ đón con gái mình. Bà mua cho tôi hộp bút chì gỗ 12 cây và những quyển sách tập vẽ bằng giấy croquis, khuyến khích con bé sao chép lung tung theo nhữõng hình vẽ trong các tập sách của ngoại quốc. Không những thế, bà còn sưu tầm hầm bà lằng đủ mọi lớp vẽ, gửi con gái đến thọ giáo . Từ lớp họa căn bản đến trung cấp rồi cao cấp của Họa sư Vương Quốc Đạt năm tôi mới 11 tuổi, cho đến lớp vẽ của Trung tâm Bình Dân Học Vụ năm con nhỏ lớ ngớ sang tuổi ... thần tiên 13. Chưa ngưng ở đó, bà cho tôi quá độ sang lớp hội họa Thiếu nhi Gió Khơi lẫn lớp dậy vẽ của Hội Việt Mỹ luôn thể.

Ngày tôi qua khỏi ngưỡng cửa trung học, chính bà đã khuyên tôi thi vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Saigon - cái trường mà hầu hết những người trong họ đều thở dài sườn sượt khi nghe tin con bé qua được kỳ tuyển sinh. Người duy nhất vui và hãnh diện, dĩ nhiên, đó là Mẹ tôi. Ngẫm lại, tôi vẫn phục bà đã có tư tưởng phóng khoáng và cấp tiến - không chỉ với thế hệ của bà - mà có lẽ, cấp tiến cả trong thời đại này nữa. Bằng chứng là khi cô con gái duy nhất của chúng tôi tuyên bố muốn học y khoa , tôi cười: “Con gái học Y khoa làm gì cho cực. Cứ lấy ông chồng bác sĩ là thành bà bác sĩ ngay!.” Con bé tưởng thật, ré lên: “Mẹ ơi, mẹ nói gì kỳ lạ quá vậy? Con không bao giờ lấy chồng bác sĩ đâu! Bác sĩ boring lắm! Mommy, con muốn get married với 1 artist”. Con bé vừa dứt câu, đến phiên mẹ nó rú lên như thể chạm phải cục than hồng, “Ấy chớ, không được con ơi! Nghệ sĩ ... kinh lắm. Lấy nghệ sĩ chỉ khổ cả đời (như bố con khổ vì mẹ đây này.”. Thế mới biết mẹ tôi quả thật là một người mẹ ... dũng cảm.

Điều đáng buồn là sau 8 năm trời rong chơi trong trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, nửa trước khi “nước mất” và nửa sau khi “mất nước”, cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa có được buổi triển lãm nào cho riêng mình để mẹ tôi cắt băng khánh thành như tôi đã tưởng tượng ngày bước chân (sáo) vào thế giới họa sĩ. Tôi cứ chạy loanh quanh từ nghề này qua nghề khác, để rồi cuối cùng, thành nàng ... bán hoa.

Điều an ủi là gần đây nhất, Mẹ tôi bảo: “Làm nghề gì cũng được. Miễn là mình vui!”. Vui hình như là điều cha mẹ (hay ông Trời) đã rộng rãi ban tặng cho tôi từ những ngày còn nằm trong bụng mẹ. Vui khi còn là trứng nước đến khi sắp thành hột vịt bắc thảo vẫn cứ vui. Vẫn thấy cuộc đời, dù gian nan cách mấy, mãi đẹp sao. Cảm ơn Mẹ!


2. Người vợ tuyệt diệu

Tôi yêu những cơn mưa đầu mùa của Saigon dạo ấy. Tuổi thơ tôi, mưa đầu mùa vừa hãi hùngï, vừa lôi cuốn. Bầu trời nặng mây đen và rồi cơn mưa, đúng là như trút nước, đổ xuống. Sấm, sét, chớp nhoang nhoáng cả một vùng trời. Cứ như thể Ông Trời vừa ra oai, vừa hớn hở phun cho hết nước Ông phải mang nặng trong bụng suốt mấy tháng mùa khô. Hậu quả đi kèm là dây điện đâu đó bị đứt và thành phố rơi vào cảnh cúp điện.

Bữa cơm tối chập chờn dưới ánh đèn dầu mờ tỏ, thi vị như ở ... nhà quê. Không gian tràn ngập tiếng ễnh ương, cóc, nhái ồm oàm. Hơi đất ngai ngát, nước mưa mát lạnh kèm theo tiếng mưa rỉ rả là những hình ảnh cùng hương vị đậm đà nhất của quê hương mỗi khi tôi nhớ đến.

Điều thú vị nhất ở những đêm mưa bị cúp điện như thế là sau bữa cơm, anh em chúng tôi được xúm xít nằm chung quanh Mẹ, chăn đắp ấm, lắng tai nghe chuyện đời ... Mẹ. Bà kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần cái chuyện cha tôi bị Tây bắt giam, tra tấn đủ cách đến độ khi ông được thả về, thân thể bầm dập như miếng giẻ rách. Hai mắt đứng tròng, ông cứ ngồi nhìn trừng trừng vào khoảng không cả giờø không nhúc nhích. Tóc thì trắng xóa những trứng chấy. Khắp người, từ thân thể, mặt mũi, tay chân đều lở lói. Những mụn lở đầy mủ xanh, to phồng bằng đầu ngón tay út hoặc đã đóng vẩy nâu hôi tanh, thu hút lũ ruồi bay quanh cha vo ve cả ngày. Thê thảm hơn nữa là cả 2 cánh tay ông bị tê liệt. Hai bàn tay thì sưng mọng, các ngón tay phình to như quả chuối cau....

Nước mắt tôi cứ ứa ra trong bóng tối, cố nén tiếng sụt sịt để khỏi.. xấu hổ với anh chị em. Câu chuyện nghe mãi mà tôi vẫn cứ hồi hộp cái khúc thằng “Tây đen rạch mặt” giơ súng nhắm Cha, bắn. Bắn 3 lần, đạn đều “thối”, cha tôi thoát chết cả ba.

Mẹ kể những ngày gian truân ôm anh Cả tôi, khi ấy mới chỉ lên 3, đi lên đồn Tây tìm chồng. Viên sĩ quan Pháp yêu Mẹ tôi vì sắc, cảm vì tấm lòng trung trinh, can đảm của bà, cho người thuyết phục Mẹ tôi lấy hắn để đánh đổi sự tự do cho Cha tôi. Bà đã cương quyết chối từ, sẵn sàng chịu chết chứ không chịu nhục. Cuối cùng, bạo lực cũng phải lắc đầu chịu thua. Và ông đã được trở về cùng gia đình tang thương như thế.

Cha tôi qua đời ở tuổi 70 vì ung thư gan. Chuyện xưa qua lời mẹ kể, ly kỳ như một khúc phim. Tôi nghe xúc động, xót xa nhưng những hy sinh, tần tảo lo cho chồng con của bà cũng chỉ như những hình ảnh được chiếu trên một khung vải, khán giả “xem” nhưng không thể nhập vai hoàn toàn để thấm thía hết tâm tình người diễn. Chuyện nay, những ngày cha tôi đối diện với tửû thần, mẹ tôi bên giường bệnh, chăm sóc ông từng chút gần như đủ 24 tiếng ròng rã suốt gần 3 tháng trời, đã là hình ảnh cụ thể đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam mà tôi đã nhiều lần tự hỏi, nếu tôi lâm vào hoàn cảnh như Mẹ, liệu tôi có tận tụy với chồng được như những gì bà đã làm cho ông không?

...
Trong hồi ký của Mẹ:


Ngày thứ năm mươi bảy...

Suốt ngày anh nằm thoải mái, thở nhẹ nhàng, đều đặn như gió thoảng. Nửa đêm anh mở mắt. Mình để tay lên trán anh, hỏi:
“Anh! Anh có nhận ra em không?”
Nét mặt anh ngơ ngẩn, hai mắt trong suốt như thủy tinh chằm chằm nhìn mình. Rồi một giọt nước mắt, đúng một giọt như sương, ứa ra bên khóe mắt trái. Mình cầm cái khăn giấy đã đẫm nước mắt của mình thấm khô giọt nước mắt của anh. Đau lòng quá anh ơi! Anh vẫn còn hiểu phải không anh? Đừng quá xúc động! Bình tĩnh lại kẻo mệt. Em thương lắm. Ngủ đi! Ngủ đi anh!


Ngày thứ năm mươi tám...

Hai ngày qua, lúc lau rửa, anh nhăn nhó. Tuy anh không hề xuýt xoa nhưng thấy anh nhăn, vợ con cũng chùn tay, không dám lau rửa kỹ. Sáng nay anh thản nhiên để mặc vợ con tha hồ rửa ráy, xoay qua, trở lại, thay hết khăn giường, chăn gối. Anh sạch bóng, sạch trong, thơm như trẻ thơ mới tắm.
Mẫn rút được ra khá nhiều đờm nên anh có vẻ thoải mái, ngủ say sưa, êm ái.
Em co rút trong chiếc ghế bành như con mèo đói, lặng lẽ ngắm anh. Lạ kìa! Cái mũi to tướng, mỗi lần muốn trêu anh cười vui, em vẫn gọi là mũi sư tử, sáng nay dường như thu gọn lại, nhỏ hẳn đi, trông xinh tệ. Làn môi khô nhợt nhạt, nay tươi nhuận, hồng hào. Cả khuôn mặt do ánh sáng ban mai ngoài cửa sổ hắt vào sáng rỡ hào quang.
Em đặt tay lên trán anh. Anh mở mắt nhìn em. Đồng tử trong suốt, lấp lánh ánh nắng. Một chút nước mắt lại lặng lẽ ứa ra, vừa đủ ướt đuôi con mắt. Đau lòng đứt ruột, anh ơi!
Em bôi kem, xoa lưng, nắn tay, xoa chân cho anh. Anh lại chìm vào giấc ngủ êm, giấc ngủ thiên thần.
Năm giờ bốn mươi bảy chiều, em đặt cặp thủy vào nách anh để lấy nhiệt độ. Anh vẫn ngủ êm.
Ba phút sau, anh bỗng mở mắt. Diệu An kêu lên mừng rỡ:
“Mẹ ơi! Bố tỉnh dậy này!”

A Ờ, 3 tuổi, con trai của Út, luẩn quẩn bên cạnh mẹ, chắp tay thỏ thẻ:
“Ạ ông ạ.”
Bàn tay anh nhúc nhích như muốn xoa đầu cháu ngoại.
Em đặt tay lên trán anh, hỏi:
“Anh có thấy dễ chịu hơn không?”
Anh nhìn em đăm đăm. Bỗng anh mím môi, nấc khẽ trong cuống họng, đồng thời mi mắt nhắm lại.
Tưởng anh sặc đờm, em cuống quýt bảo Út:
“Con gọi anh Mẫn vào rút đờm cho bố.”
Diệu An chạy sang phòng bên gọi Mẫn rồi trở lại ngay, đứng bên giường tay cầm cái khăn tắm. Tay em vẫn để trên trán anh.
Út nhìn bố, thảng thốt kêu lên:
“Ôi! Mẹ ơi! Bố ngưng thở rồi!”
Em ngơ ngẩn, cúi sát mặt anh. Hai mắt khép kín. Khuôn mặt anh bình thản lạ thường.
Mẫn nghe ngực, nói:
“Tim bố còn đập.”
Mẫn ướm ống rút đờm lên môi bố nhưng bỏ ra ngay. Hai tay buông sõng, Mẫn lẩm bẩm:
“Bố đi thực rồi!”
Em ngơ ngác nhìn anh. Anh nhắm mắt. Khuôn mặt bình an, yên ngủ.
Anh ngủ yên như lúc nãy, như hôm qua, như hôm kia mà!
Anh bỏ vợ, bỏ con, bỏ cháu! Anh đi thật rồi sao! Anh ơi! Anh Nguyễn ơi!
Quang ôm mẹ thổn thức:
“Bố ra đi êm ái, mẹ hãy cố bớt đau buồn. Con nguyện sẽ lo cho mẹ. Mẹ nắm tay bố đi.”
Em nắm bàn tay vẫn còn mềm mại, nóng ấm của anh.
Anh đi rồi, thật ư! Anh Nguyễn ơi! Anh Nguyễn ơi!

...
Đọc lại những trang cuối trong tập hồi ký của Mẹ, tôi biết chắc chắn, cuối đời, tôi sẽ vẫn không thể nào bằng Mẹ . Cho dù chỉ là viết nổi câu chuyện đời mình trong hơn 1,000 trang như Mẹ tôi đã viết, dẫu bà chẳng phải là nhà văn.

Trầm Hương
Last edited by Quỳnh Hương on 16 May 2005 04:32, edited 2 times in total.

Dao Hung
i5 processor
Posts: 324
Joined: 01 Oct 2007 21:49

Postby Dao Hung » 06 May 2005 17:46

Giời ơi ! Giọng của Wình đọc nghe mê quá !

Khi nào có nhã hứng nhớ ngâm thơ luôn nhé !


Return to “Thơ Ngâm Truyện Đọc”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 3 guests