Ta^.p sa'ng ta'c nha.c cu?a Phan Va(n Hu+ng

Phan Hung

Ta^.p sa'ng ta'c nha.c cu?a Phan Va(n Hu+ng

Postby Phan Hung » 25 Feb 2006 23:01

TẬP SÁNG TÁC NHẠC

bài chép lại từ website Phan Văn Hưng - nay không còn vào được nữa


“Tôi chỉ muốn cho những xúc cảm của mình trào ra thành nhạc mà thôi. Nhưng sau nhiều năm viết ca khúc, có lẽ tôi đã thấm được một số kỹ thuật và công thức làm nhạc, mà bây giờ tôi muốn chia sẻ cùng các bạn mới bước vào con đường này, một con đường đã đem cho tôi những niềm vui không thể tả xiết.

Những kỹ thuật này chỉ là một phần nhỏ trong nghệ thuật viết ca khúc. Bằng chứng là có nhiều ca khúc chẳng theo luật lệ mà vẫn hay tuyệt vời. Thế nhưng nếu ta biết một số kỹ thuật đó thì công việc sáng tác nhạc sẽ dễ dàng hơn nhiều. Ðó là điều tôi muốn cùng các bạn bắt đầu sáng tác tìm hiểu thêm”.

Mục lục

1. Sự quan trọng của cảm xúc chân thật trong việc sáng tác

2. Sáng tạo trong việc sáng tác

3. Chọn đề tài

4. Sáng tác nhạc dựa trên thơ

5. Sáng tác nhạc dựa trên âm điệu (melody)

6. Sáng tác dựa trên hoà âm (harmony hay chord progression)

7. Sáng tác dựa trên một cách đệm đàn

8. Những yếu tố cấu tạo ca khúc - Ðoạn thường và điệp khúc

9. Dùng câu mẫu (motif)

10. Mở đầu (intro) và kết thúc bản nhạc (ending)

11. Vài công thức kết cấu ca khúc

12. Luật cân phương

13. Dùng âm giai trưởng (major) hay thứ (minor) ?

14. Ðổi âm giai trong bản nhạc

15. Tiếng Việt và lời ca

16. Accent trong tiếng Anh và lời ca

17. Diễn tả qua nhịp điệu

18. Ðổi nhịp điệu trong bản nhạc

19. Các loại giọng hát

20. Vài ý kiến về hoà âm

21. Vài ý kiến về soạn bè

22. Nhu liệu (software) ghi nốt nhạc và hoà âm

23. Tự thâu nhạc

24. Ngẫu hứng (improvisation)

25. Phá luật

Guest

Postby Guest » 25 Feb 2006 23:01

1. SỰ QUAN TRỌNG CỦA CẢM XÚC CHÂN THẬT TRONG SÁNG TÁC

Theo tôi âm nhạc là một phương tiện để diễn tả nội tâm. Nội tâm của ta được thể hiện qua cảm xúc, tư tưởng, hoài bão hay mộng ước.

Ngay khi ta dùng âm nhạc để mô tả ngoại cảnh, chẳng hạn một phong cảnh hữu tình hay một câu chuyện thương tâm, thật sự ta cũng đang diễn tả nội tâm của ta đối với ngoại cảnh đó mà thôi. Không có cảm xúc hay suy tư của ta lồng vào bản nhạc thì ngoại cảnh chỉ là một vật vô tri vô giác không có khả năng gây nỗi xúc động nơi người nghe nhạc.
Cảm xúc của ta càng mạnh mẽ chân thành bao nhiêu thì cái khả năng tác động đó nơi người nghe càng lớn.

Cũng vì vậy mà tôi cho rằng sự chân thật trong cảm xúc là yếu tố không thể thiếu được trong sáng tác. Cảm xúc chân thật thường được bộc lộ như sau (theo thứ tự giảm):
ta nói lên nỗi niềm sâu xa của ta về một sự việc nào đó đã xảy ra cho chính mình. Những bản nhạc tình hay nhất chẳng hạn, thường là sáng tác của người đã nếm mùi đau khổ hay hạnh phúc tuyệt vời trong tình yêu. Tương tự, những ca khúc tranh đấu hay nhất thường là tác phẩm của chính những người đang sống cuộc đời đấu tranh.
có những sự việc tuy không xảy ra cho chính ta nhưng đã làm rúng động cái "thế giới của ta". Chẳng hạn một câu chuyện thương tâm hay oan trái tuy xảy ra cho người khác nhưng đã làm cho ta cảm thương hay uất hận.
một phong cảnh, một cảnh tượng, một lời nói hay có khi một sáng tác của một người khác khiến ta sống lại một số cảm xúc của chính ta trong quá khứ.
Có một số trường hợp sáng tác không dựa trên kinh nghiệm bản thân, chẳng hạn khi người ta viết nhạc cho một vở kịch, một cuốn phim. Nhưng trong những trường hợp như thế, người nhạc sĩ thường bỏ ra một thời gian khá dài để "thấm nhuần" cốt chuyện và nhân vật trong kịch phim, gần như phải "sống" những nhân vật đó trong tâm khảm của mình trước khi đặt bút viết nhạc. Cuối cùng, tuy câu chuyện không xảy ra trong thế giới của mình, nhưng nhờ cái khả năng "trầm mình" vào một bối cảnh tưởng tượng như vậy, người nhạc sĩ vẫn có thể đạt đến một trạng thái thương cảm cao độ.
Nhưng nếu thiếu cái khả năng thương cảm đó thì tác phẩm thường nhạt nhẽo, thiếu cá tính và chiều sâu. Bản nhạc đó thường là sự chắp nối một số kỹ thuật viết nhạc và hoà âm ăn khách, tuy nghe xuôi tai hay rất hợp lỗ nhĩ, nhưng không khơi dậy được tình cảm sâu đậm nơi người nghe.

Thời nay, với sự xuất hiện của vô số ban nhạc trong đó ban nhạc trẻ chiếm số lớn, rất nhiều tác phẩm được sáng tác trong những jam session, tức khi những nhóm này tụ họp lại với nhau, chơi ngẫu hứng. Những ca khúc được sáng tác trong những dịp này thường dựa trên một chuỗi hợp âm (chord progression) hoặc một nhịp điệu sẵn có, cho nên không khởi đầu từ một ý tưởng, một đề tài. Tuy nhiên, những tác phẩm đó cũng có giá trị chân thật nếu thể hiện được, ít ra một cách chung chung, những ưu tư tập thể của nhóm.
Đứng ở chót cái nấc thang chân thật là:

những bản nhạc được sáng tác để thỏa mãn một số thị hiếu của quần chúng nghe nhạc, chẳng hạn một yêu cầu thương mại hay một thời trang nào đó. Nhũng loại nhạc này thường không có nhiều tham vọng, họ chỉ mong muốn cống hiến một sản phẩm văn hóa, đôi khi cũng có giá trị, cho người tiêu thụ. Tuy những bản nhạc này có một chỗ đứng không thể chối cãi được trên sân khấu văn nghệ, chỗ đứng đó thường không được vững bền. Ở đây tôi phải mở một dấu ngoặc quan trọng: việc phân định nhạc nào là nhạc "thương mại" không phải là dễ. Có những bản nhạc gọi là "thương mại" nhưng đã khởi đầu cho những phong trào và chiều hướng sáng tác thật là sâu rộng. Tuy nhiên, phần lớn những bản thành công này lại là những bản tôi cho là có nhiều tính chất chân thật trong sáng tác.
Nếu tôi có một lời khuyên nào cho bạn mới sáng tác lần đầu, thì lời khuyên đó sẽ là: bạn hãy nói lên những điều mình cảm xúc và suy nghĩ thật, và hãy thể hiện con người thật, không dấu diếm, của bạn qua bản nhạc. Đó là nhịp cầu thương cảm mà bạn sẽ bắc với những người thưởng thức nhạc của bạn. Nghĩ cho cùng, họ là người bạn đồng hành, đồng tâm của bạn trên con đường sinh hoạt văn nghệ.
Trong phần trình bày sau, tôi sẽ đề cập rất nhiều đến những vấn đề kỹ thuật sáng tác. Kỹ thuật đương nhiên là rất quan trọng, nhưng trong suốt tiến trình sáng tác, bạn hãy đừng bao giờ quên mất những yếu tố nội tâm nào đã thúc đẩy bạn sáng tác. Thoải mái với những yếu tố này, đó chính là chià khoá để thực hành sự chân thật của bạn trong sáng tác.

Guest

Postby Guest » 25 Feb 2006 23:01

2. SÁNG TẠO TRONG SÁNG TÁC

Là người thưởng thức nhạc, thể nào bạn đã không có lần nhận thấy nhiều ca khúc nghe như hao hao giống nhau? Chẳng hạn bạn có thể nhận ra cùng một nhịp điệu, một chuỗi hợp âm (chord progression), hay cùng một số lời ca, nhiều khi thậm chí cùng một số âm điệu hay nốt nhạc. Phải chăng người viết ca khúc đã "bắt chước" nhau?

Đây là một vấn đề phức tạp, nên tôi xin được mạn phép đưa ra một vài ý nghĩ dựa trên kinh nghiệm bản thân.
Nói tới "bắt chước" thì ta phải phân biệt "bắt chước" trong tiềm thức và "bắt chước" trong ý thức.
"Bắt chước" trong tiềm thức xảy ra rất thường. Tôi không biết có người làm nhạc nào có thể vỗ ngực cả quyết rằng mình không chịu ảnh hưởng nghệ thuật của một ai hết, rằng mình không mang trong mình phần nào cái kho tàng âm nhạc của dân tộc hay của nhân loại, hoặc rằng tất cả những gì mình làm ra đều là cái mới, cái chưa từng được sáng tạo bao giờ?
Không ít thì nhiều, ta đều chịu sự ảnh hưởng của âm nhạc ta nghe, âm nhạc ta đã học qua hay đã ưa thích. Nó vào đầu ta lúc nào không hay, và trong tiềm thức, nó uốn nắn giòng nhạc của ta dù ta có muốn hay không.

Điều này được thể hiện rất rõ khi ta chơi nhạc ngẫu hứng (improvise), ví dụ khi bạn cầm đàn gẩy tự do, không mục đích. Bạn sẽ thấy những điệu nhạc bạn đánh lên đã nằm sẵn trong đầu bạn tự bao giờ. Khó nhọc lắm bạn mới thoát ra khỏi những âm thanh đó, hoặc có thoát ra được cũng sẽ bị kéo trở lại mà không cưỡng nổi.

Điều ta có thể rút tỉa được ở đây là nếu bạn muốn sáng tác một loại nhạc nào đó, bạn hãy nghe loại nhạc đó cho thật nhiều để nó thấm dần. Âm nhạc khởi nguồn từ lỗ tai, trước khi nó vào đầu bạn, rồi sẽ thoát ra qua ngón tay hay giọng hát của bạn.

Nhưng "bắt chước" cũng có thể xảy ra một cách có ý thức. Đó là trường hợp khi ta nghe một bản nhạc hay, ta tự nhủ ta cũng sẽ làm một bản mhạc về cùng một đề tài, hay với cùng một âm thanh âm hưởng như thế. Hoặc ta nghe một ngón đàn đặc sắc, ta cũng có ý muốn chơi được điêu luyện như vậy. Hoặc có một chuỗi hợp âm ai đó đã chỉ cho ta, bây giờ ta muốn đem ra áp dụng trong bản nhạc mới nhất. Những sự việc này xảy ra rất thường tình, nếu gọi là "bắt chước" thì hơi oan, đúng hơn ta phải gọi là học hỏi, là cảm hứng từ người đi trước.
Và dĩ nhiên, trong những cách "bắt chước" có ý thức, ta cũng phải kể đến sự bắt chước thẳng cánh, không ngại ngùng. Khi làm như vậy, người làm nhạc sẽ tạo ra những ca khúc rập theo một khuôn mẫu, với âm thanh và lời lẽ mới nghe câu đầu mà đã đoán trước được câu sau.
Tôi nghĩ người làm nhạc, cũng như trong mọi ngành nghề khác, phải dựa trên cái cũ để tạo cái mới. Nhưng nếu ta chỉ xào nấu lại thức ăn cũ, có thể thêm chút mắm muối, xong bày biện lại trên cái đĩa mới, thì e rằng ta sẽ không cống hiến được một bữa ăn tươi ngon.
Trái lại nếu ta ăn một món cơm ngon, phân tích mùi vị của nó, xong nghiên cứu cách nấu của ta, mua rau cỏ tươi, rồi tự tay nấu nướng, thì đĩa cơm đó đã có phần sáng tạo của ta. Ta là tác giả đĩa cơm đó cho dù mùi vị có phần giống cái đĩa cơm mẫu kia. Một bên là dùng lại đồ dư thừa, còn một bên là học từ cái cũ, cảm hứng cái cũ để sáng tạo cái mới.

Sự khác biệt chỉ rất ít nhưng lại có tính chất quyết định. Bí quyết của nó nằm ở chỗ ta có tiêu hoá được những bài học từ cái cũ hay không, ta có biến chúng thành một phần của thân thể tâm hồn ta, xong tái phát hiện nó với cá tính của ta hay không.
Khi sáng tác, bạn hãy luôn luôn cố gắng đi tìm cái mới, cái người khác chưa làm. Nhạc người khác, bạn hãy nghe và chơi cho thuần nhuyễn, nhưng bạn đừng ngừng ở đó, bạn hãy triển khai nó. Bạn hãy tìm cách diễn tả mới, âm thanh mới, hoà âm mới, đề tài mới, cảm xúc mới. Dù cái mới đó chỉ là một chút thôi, nhưng đó là phần đóng góp nho nhỏ của bạn cho kho tàng văn nghệ chung của nhân loại.

Trong chương trước, tôi có đề cập đến sự cần thiết của cảm xúc chân thật trong sáng tác. Phối hợp với nét sáng tạo của bạn, tác phẩm bạn cho ra đời sẽ thể hiện cá tính riêng biệt của bạn. Nó sẽ khiến tác phẩm đó có những nét gì đó đăc thù mà không ai khác có được. Tôi nghĩ sáng tạo là phô trương những nét đặc thù này.

Sáng tạo là đem một phần của riêng mình góp vào cái của chung.

Sáng tạo là lẽ sống của tất cả mọi ngành nghệ thuật.

Guest

Postby Guest » 25 Feb 2006 23:02

3. CHỌN ĐỀ TÀI


Chọn lựa đề tài và khai triển đề tài vừa dễ mà vừa khó. Dễ vì không có gì tự nhiên bằng sự kiện ta có một số cảm nghĩ bỗng muốn tuôn ra thành câu thơ câu nhạc. Nhưng cũng khó vì ta có thể rơi vào một số lỗi lầm khá thông thường nơi người mới làm nhạc. Trong chương này, tôi xin trình bày một số ý kiến để giúp bạn tránh những cái bẫy này.

NÊN CHỌN ĐỀ TÀI CHO NGƯỜI NGHE HAY CHO CHÍNH TA, NGƯỜI LÀM NHẠC?

Một số phương pháp dạy sáng tác (songwriting) khuyên bạn nên chọn những đề tài dễ hiểu và gần gũi với người nghe nhạc vì, theo họ, phải hiểu thì mới ưa thích được. Vả lại, người nghe thời nay không có nhiều thì giờ như xưa, họ chỉ nghe một vài câu xong quyết định ngay là họ có ưa thích hay không. Tôi đề nghị bạn không nên theo lời khuyên này vì:

lời khuyên này dành cho nhạc thương mại Tây Phương nơi sự thành công của một ca khúc được định đoạt bởi phản ứng tức thì của người nghe nhạc trên các đài phát thanh thương mại
rất nhiều bản nhạc, dù Tây Phương, đã thành công không phải vì chạy theo thị hiếu quần chúng mà vì có cá tính nổi bật, khác lạ so với những bản khác cùng thời. Thí dụ điển hình là đĩa nhạc “Sergeant Pepper's” của The Beatles, đã phá mọi kỷ lục dù không một bài nào nói về những đề tài “ăn khách”, dễ hiểu hay gần gũi với quần chúng nghe nhạc cả. Ðĩa nhạc đã nổi tiếng vì đặc tính sáng tạo cao độ của nó, vượt trội các ca khúc đương thời.
Nguyên tắc chân thật trong sáng tác mà tôi đã có dịp trình bày khiến cho bản nhạc bộc lộ con người thật của ta, nên người nghe sẽ dễ rung cảm với tâm sự người làm nhạc. Ngược lại, một tác phẩm viết để thỏa mãn thị hiếu cũng sẽ bộc lộ sự giả tạo đó, khiến người nghe sẽ không cảm xúc sâu đậm, không ưa thích lâu dài.

CHỈ MỘT Ý NHẠC CHO MỖI CA KHÚC

Một khuyết điểm thường gặp là ta quá tham lam. Những bản nhạc thành công nhất thường chỉ gồm có một ý nhạc mà thôi, dù đó là ý trong lời ca, trong âm điệu, hòa âm hay nhịp điệu. Dĩ nhiên, ý nhạc này sẽ được khai triển thêm, biến đổi, nhào nặn trong suốt bản nhạc để tạo sự phong phú, nhưng nếu ta phân tích cho kỹ, cốt lõi bản nhạc luôn luôn chỉ là một câu, một ý hay một cảm xúc mà thôi.

Nếu bạn có nhiều ý nhạc muốn đem vào sáng tác của mình, điều này thể hiện cảm hứng sáng tạo dồi dào của bạn, nhưng bạn hãy viết làm nhiều bản khác nhau, không nên dồn tất cả vào trong một bản.

ĐỀ TÀI CẦN RÕ RÀNG VÀ GIỚI HẠN

Có một ý nhạc, một đề tài thôi cũng không đủ. Đề tài cần được trình bày một cách mạch lạc, tập trung, rõ ràng. Trong nhiều bản đầu tay, lời ca chạy miên man từ hình ảnh này sang hình ảnh khác, bố cục không có đường hướng khiến người nghe xong bài hát vẫn không hiểu ý định của nhạc sĩ.

Trình bày cảm xúc của mình là điều hay, nhưng ta cũng cần làm cho người nghe chia sẻ cảm xúc của ta. Ta hãy nhớ, ca khúc là một thông điệp ta gửi về người khác, mong họ cảm thông với ta.

KHAI THÁC TRIỆT ĐỂ MỘT Ý NHẠC HAY

Khi có ý nhạc rồi, ta cần phải khai triển ý đó cho đến tột cùng của nó. Chẳng hạn, một lời ca hay, một giòng hợp âm êm tai cần được lập lại nhiều lần, khai thác triệt để trong tất cả những biến đổi mà nó có thể có, để trở thành trung tâm điểm cho bản nhạc.

Nhiều bản bắt đầu rất hay, nhưng ý nhạc hay ho đó chỉ gióng lên được đúng một lần mà không trở lại trong bản nhạc. Còn người thưởng thức thì đành tiếc nuối, khao khát...

Một số người nghĩ rằng khi lập đi lập lại một ý nhạc như thế, bài hát sẽ nhàm chán. Bài hát sẽ nhàm chán và nghèo nàn thật nếu ta lạm dụng sự lập lại, nhưng lập lại để nhấn mạnh những nét hay của bản nhạc là điều rất nên làm.

GIẢN DỊ LÀ HAY NHẤT

Thời nay, những sáng tác mới tràn lan khắp nơi. Người làm nhạc từ đó cảm thấy cần phải đi tìm những ý nhạc mới lạ. Ði tìm cái mới là điều rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên nếu cái mới đó quá phức tạp thì cũng sẽ khó thành công. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần rơi vào cạm bẫy này.

Như tôi đã trình bày, một bản nhạc chỉ cần một ý nhạc chính, một câu nhạc đập thật mạnh vào tâm thức người nghe. Thường ý nhạc nguyên thủy này rất giản dị, nhưng trong tiến trình khai triển ý nhạc đó, ta thường thêm thắt vào để tạo phong phú. Thêm thắt “mắm muối” như thế là một điều nên làm, tuy nhiên nếu lạm dụng sẽ dẫn đến một sự phức tạp, nặng nề mà người nghe sẽ nuốt không trôi.

Giản dị là một nghệ thuật khó đạt được. Nhất là đối với những nhạc sĩ đã nhiều kinh nghiệm, nắm vững nhiều kỹ thuật, họ sẽ có khuynh hướng dùng tối đa những kỹ thuật này, dễ quên đi đặc tính giản dị của những sáng tác đầu của họ.

Guest

Postby Guest » 25 Feb 2006 23:02

4. SÁNG TÁC DỰA TRÊN THƠ

4.1 Tính chất thơ, một đặc tính của nhạc Việt

4.2 Phổ thơ, một cách dễ nhất để khởi đầu sáng tác

4.3 Những hình thức thơ nào thích hợp nhất để phổ nhạc?

4.4 Một vài bước thực tiễn

4.5 Ghi nhận tác giả bài thơ

4.6 Sáng tác theo trực giác và sáng tác theo nhạc lý

4.7 Ðề nghị một số ca khúc phổ thơ để bạn tìm hiểu


4.1 TÍNH CHẤT THƠ, MỘT ĐẶC TÍNH CỦA NHẠC VIỆT


Có một lần tôi nói với một nhạc sĩ người Tây Phương rằng nhiều ca khúc VN phổ theo thơ, thì ông ta tỏ vẻ ngạc nhiên vô cùng. Lý do là ông nghĩ trong nhạc Tây Phương thơ ít khi được phổ thành nhạc lắm. Vậy vai trò quan trọng của thơ trong âm nhạc phải chăng là một điểm đặc thù của nhạc Việt ?

Tôi không phải là nhà nhạc học nên không thể lạm bàn. Tuy nhiên, bạn hãy ngẫm nghĩ về những điều sau đây, xong tự kết luận nhé.
đại đa số những bản dân ca Việt Nam là những câu thơ dân gian hát lên thành câu hay thành bài. Thể nào bạn chẳng biết một vài bài dân ca quen thuộc: những bài này đều dựa trên lời thơ cả. Có bài thì giữ nguyên câu thơ, nhưng một phần lớn thì lại thêm thắt (những chữ đệm như ối a, tình rằng, hò ơi, v.v...), cắt xén hay lập lại để gây sự linh động rất cần trong âm nhạc.
Ví dụ thì vô số, tôi chỉ xin đưa ra vài bài làm ví dụ:

Yêu nhau cởi áo cho nhau, Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay (Qua Cầu Gió Bay)

Ai đem con sáo sang sông, Để cho con sáo xổ lồng bay xa (Lý Con Sáo)

Non cao ai đắp nên cao, Bể sâu nhờ bởi ai đào nên sâu (Lý Tình Tang)

tỷ lệ những bản tân nhạc dựa trên thơ khá cao và hầu hết những nhạc sĩ nổi danh của nước ta đều dùng đến thể loại này. Trong số những bản này, có nhiều bản đã rất nổi tiếng, chẳng khác gì bây giờ được xếp hạng "Top Ten", như: Em Hiền Như Ma Soeur Áo Anh Sứt Chỉ Ðường Tà ,Ðôi Mắt Người Sơn Tây , Chiều v.v...

có những nhạc sĩ tuy không phổ thơ, nhưng lời ca lại nhẹ nhàng phảng phất và rất nhiều chất thơ. Thí dụ điển hình là những ca khúc tiền chiến, một số ca khúc của Cung Tiến, Trịnh Công Sơn, v.v...
xem tới những ca khúc hoàn toàn không dựa trên thơ, ta cũng nhận thấy lời lẽ thường chải chuốt, chọn lọc, có vần điệu, chứ không phải ngôn ngữ thông thường ta dùng để đối thoại hằng ngày. Đây là một sự khác biệt rất lớn so với nhiều ca khúc Tây Phương tân thời.
Xem như vậy thì thơ là một trong những yếu tố căn bản của âm nhạc VN, còn tính chất thơ trong lời ca có thể nói là một đặc tính của nhạc Việt.


4.2 PHỔ THƠ, MỘT CÁCH DỄ NHẤT ĐỂ KHỞI ĐẦU SÁNG TÁC
Tại sao vậy ?


Một ca khúc gồm hai phần: nhạc và lời. Nếu ta có lời sẵn rồi thì chỉ cần phải lo phần nhạc thôi.
Một bài thơ thường chứa đựng nhiều tình cảm. Chính những tình cảm này gây cho ta nguồn cảm hứng để diễn tả những lời thơ đó qua ca khúc.
Một bài thơ thường chứa đựng một nhịp điệu sẵn có. Ðó là nhịp điệu do thể thơ (lục bát, thất ngôn, v.v...) hay bố cục câu thơ (như trong trường hợp thơ tự do) tạo ra.
Một bài thơ thường chứa sẵn một âm điệu (melody), do giọng cao thấp của dấu tiếng Việt. Khi đọc bài thơ thành tiếng, bạn sẽ nghe thấy giọng bạn lên cao, xuống thấp, lúc mạnh lúc nhẹ theo tình cảm bài thơ.
Những yếu tố sẵn có kể trên tạo cảm hứng cho bạn, giúp bạn vượt được cái bước khó nhất trong sáng tác: bước khởi đầu khi ta ngồi trước một tờ giấy trắng, đầu óc trống rỗng...

Guest

Postby Guest » 25 Feb 2006 23:03

4.3 NHỮNG HÌNH THỨC THƠ NÀO THÍCH HỢP NHẤT ĐỂ PHỔ NHẠC ?



Ngược lại, thơ cũng gây ra một số khó khăn cho người phổ nhạc. Lời thơ thường có những gò bó đối với người làm nhạc, và vì vậy, việc chọn một bài thơ thích hợp để phổ nhạc không phải là dễ. Ở đây tôi chỉ đề cập đến hình thức của bài thơ, chứ không bàn đến nội dung (xem chương trước "Chọn đề tài"). Sau đây là một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến công việc phổ nhạc của bạn.
Câu thơ dài ngắn khác nhau. Đây là trở ngại lớn nhất cho công việc phổ nhạc. Tinh túy của âm nhạc là sự lập đi lập lại một số âm điệu, một câu nhạc, hay một ý nhạc nào đó. Nếu bài thơ không cho phép bạn lập lại những ý nhạc đó vì chiều dài câu thơ không đồng đều, thì công việc của bạn sẽ khó lên gấp bội.
Dễ dàng nhất cho bạn là những bài thơ 4 hay 5 chữ, chia đều thành từng đoạn 4 câu. Hay những bài thơ lục bát. Hoặc những bài thất ngôn, bát ngôn không quá dài, chia thành từng đoạn ngắn. Còn khó nhất cho bạn là thơ tự do.

Câu thơ quá đều. Ngược lại, nếu tất cả câu thơ đều dài bằng nhau hết, hay theo cùng mô thức như thơ lục bát, tuy công việc phổ nhạc sẽ dễ dàng hơn, nhưng bản nhạc sẽ mất đi phần linh động. Một bản nhạc thường cần có những nét chấm phá, chẳng hạn có đoạn thường và đoạn đặc biệt (gọi là điệp khúc), để phá vỡ sự nhàm chán và nhấn mạnh những ý tưởng cần được nổi bật. Nếu bài thơ quá đều đặn, như trong trường hợp một bài thơ thất ngôn hay bát ngôn thật dài, thì điều này rất khó thực hiện.
Lý tưởng là những bài thơ với câu thơ tương đối đều đặn, nhưng lại có một đoạn đặc biệt với số câu, số chữ hoàn toàn đổi khác, trong đó thi sĩ gói ghém tất cả tình cảm và thông điệp của mình vào đó. Nhũng đoạn thơ đều đặn sẽ là những đoạn thường của ca khúc, và đoạn thơ đặc biệt có thể là điệp khúc của bản nhạc.

Bài thơ không có bố cục rõ rệt. Tuy đây là một vấn đề có thể vượt qua được, một bài thơ có bố cục rõ rệt, tức chuyển từ ý tưởng này sang ý tưởng khác qua những đoạn thơ khác nhau, sẽ khiến cho công việc của bạn dễ dàng hơn nhiều. Đó là vì ca khúc thường chia thành đoạn, nếu bài thơ không sẵn có đoạn thì bạn sẽ phải tự ý chia cắt nó thành nhiều đoạn vậy. Bạn sẽ gặp khó khăn nếu chia đoạn theo nội dung khiến cho số câu trong mỗi đoạn không đều nhau. Hoặc nếu khi chia đoạn theo số câu, nội dung không ăn khớp với cách chia đoạn.
Chữ chót của mỗi câu thơ. Thuận lợi nhất cho bạn là khi chữ chót của câu thơ là vần bằng (tức dấu huyền hay không dấu). Dấu sắc cũng không khó khăn mấy. Nhưng dấu hỏi, ngã hay nặng ở cuối câu thì hơi nhức đầu đấy. Nhất là khi dấu đó ở cuối một đoạn nữa thì có thể giòng nhạc sẽ bị gượng ép.
Lời lẽ của bài thơ. Không phải là lời thơ nào cũng sẽ chuyển thành nhạc một cách dễ dàng, vì những lời thơ không phải chỉ được đọc lên, hoặc ngâm lên, mà sẽ được hát to lên. Khó nhất cho bạn là những lời lẽ khách sáo, khuôn mẫu hay cứng ngắc. Thuận lợi nhất cho bạn là những lời lẽ giản dị nhưng thấm thía, gợi cảm nhưng rõ ràng, dễ đọc và dễ ngân.
Vần điệu. Một yếu tố rất quan trọng làm cho bài hát dễ nghe và du dương là vần điệu. Bài thơ càng có nhiều vần thì càng dễ cho bạn. Nhưng vần trong ca khúc có thể là vần nghèo, chứ không cứ phải vần giàu như trong thơ. Chẳng hạn, những vần nghe hao hao như nhau như ang, an, ân, ôn, ơn, ông, ... cũng đủ để gây cái âm vang cần thiết rồi, không cần phải đúng vần hẳn.
Giọng lên xuống trong mỗi đoạn. Ca khúc thường có những đoạn cùng một âm điệu nhưng với lời ca khác nhau. Nếu giọng lên xuống trong những đoạn thơ khác nhau quá xa, bạn sẽ không thể "ép" lời thơ vào âm điệu bài hát được. Nếu chuyện này xảy ra, hoặc bạn sẽ phải đổi lời thơ (một điều vô cùng bất đắc dĩ), hoặc bạn giữ lời thơ nhưng đành chịu có những đoạn nhạc khác nhau, một điều cũng đau đớn không kém, vì âm nhạc cần sự lập lại.
Đọc đến đây, có lẽ bạn sẽ nghĩ: đòi hỏi nhiều quá như thế thì làm sao tìm được bài thơ hội đủ điều kiện đây ? Xin thưa, thật sự một bài thơ không cần phải đủ cả những điều ở trên đâu, và kinh nghiệm cho thấy đã có những ca khúc rất thành công dựa trên những bài thơ thật là ... "khó tính" . Nếu bạn thật sự ưa thích một bài thơ nào đó thì thế nào cũng có cách. Tôi sẽ trình bày trong những phần sau một số những cách này.

Guest

Postby Guest » 25 Feb 2006 23:04

4.4 MỘT VÀI BƯỚC THỰC TIỄN


Bây giờ ví dụ bạn đã chọn được một bài thơ bạn ưa thích rồi, làm sao bắt đầu phổ thành nhạc đây ? Ðiều trước tiên bạn cần lưu ý là làm nhạc không có một quy thức cứng ngắc nào cả, mỗi người làm nhạc thường có những cách khác nhau. Ngay cả một người làm nhạc cũng có thể có nhiều cách khác nhau tùy theo hoàn cảnh lúc sáng tác. Tuy nhiên, tôi xin gợi ý những bước như sau, bạn hãy dùng thử rồi có thể điều chỉnh tùy theo sở thích của mình.

Trước hết, bạn hãy đọc bài thơ nhiều lần và dành nhiều thời gian để bài thơ ngấm vào tâm tư. Bạn hãy lồng tâm tư của bạn vào bài thơ, gần như bạn trở thành tác giả bài thơ vậy.
Trong lúc này, bạn chưa cần phải chia bài thơ thành từng đoạn, hay lo nghĩ tới bố cục của bản nhạc (đoạn nào là đoạn thường, đoạn nào là điệp khúc, đoạn mở đầu, đoạn kết thúc). Thật sự bạn không nên nghĩ đến bất cứ một vấn đề kỹ thuật nào cả, hãy đặt hết tâm tư của bạn vào nội dung bài thơ và nỗi niềm người làm thơ.
Khi đã “thấm” rồi, bạn hãy cầm đàn lên (nếu là guitar), hay bạn ra ngồi trước piano hay keyboard, và bắt đầu đánh. Bạn cần một nhạc cụ nào có thể chơi được hợp âm, chứ không phải từng nốt rời một. Tôi thích sáng tác bằng guitar vì sự tiện lợi của nó: tôi có thể nằm đọc thơ trên giường, xong vơ chiếc guitar chơi luôn tại chỗ để giòng tâm tưởng không bị đứt quãng. Nhưng đây chỉ là ý thích cá nhân mà thôi.
Khi bắt đầu đánh đàn, bạn hãy đánh một điệu gì đó để gợi lên “cảm giác” (mood) bài thơ. Có khi điệu nhạc này chỉ là một vài hợp âm, hay một vài nốt, buồn hay vui tùy theo ý nghĩa bài thơ. Bạn hãy bỏ nhiều thì giờ ở đây để tìm điệu nhạc gợi ý này, vì với “cảm giác” đúng đắn, giòng nhạc sẽ tuôn ra tự nhiên. Tôi quan niệm giòng nhạc có thể đã có sẵn một cách tiềm tàng trong tâm khảm của ta rồi , ta chỉ cần gợi nó lên với một tâm tư trên cùng làn sóng, thì nó sẽ tự động tuôn ra. Bạn hãy giữ chuỗi hợp âm (chord progression) này khi bắt đầu hát.
Vừa đánh đàn, bạn vừa đọc nhẩm thơ trong đầu, để cho từng chữ vang lên trong đầu bạn. Sẽ đến lúc bạn hát những câu thơ đó lên. Lúc đầu, khó có thể nào lời và nhạc ăn khớp với nhau được. Nhưng bạn hãy lướt qua những chỗ “lủng củng” đó, chẳng hạn muốn giữ được giòng nhạc, bạn có thể tạm thế lời khác vào, hoặc bạn lướt qua những chữ “gây vấn đề” cho bạn. Cũng có khi bạn nhảy hẳn sang câu khác và tiếp tục hát, đừng để giòng nhạc bị ngắt quãng. Mục đích của bạn ở đây không phải là làm cho xong một số câu, mà là đi tìm ý nhạc, tìm giòng nhạc nào vừa diễn tả được nội dung, vừa thích hợp với lời thơ một cách chung chung mà không cần ăn khớp từng chữ vội.
Bạn hãy bỏ nhiều thì giờ làm việc trên. Có thể bạn sẽ hát đi hát lại bài thơ rất nhiều lần, mỗi lần như vậy thì khoảng cách giữa lời và nhạc sẽ có phần bé đi.
Trong tất cả các giòng nhạc mà bạn hát lên, thế nào cũng có một hai câu nào đó bạn thấy rất là ưng ý, tức nhạc và lời quyện với nhau trong một điệu hoà âm (tức những hợp âm chơi trên đàn) diễn tả được tình cảm bài thơ rất sát. Những câu ưng ý này sẽ là cái hạt nhân để bạn xây dựng bản nhạc chung quanh đó.
Lúc này bạn bắt đầu thấy bố cục bài hát hiện lên rõ hơn. Chẳng hạn bạn có thể chia bài thơ thành nhiều đoạn, và ý tưởng bài thơ chuyển từ đoạn trước sang đoạn sau một cách tự nhiên. Bạn cũng đã để ý một số câu thơ có lời lẽ hay nội dung nổi bật lên: bạn có thể dùng những câu này trong điệp khúc.
Có thể bạn cũng thấy có một số câu “vô vọng”, nghĩa là không tài nào hát câu đó thành nhạc được. Có thể bạn sẽ phải bất đắc dĩ loại những câu này đi, nhưng bạn hãy thận trọng: cắt bỏ như vậy có làm nội dung bài thơ bị mất mát hay không?
Bây giờ là lúc bạn xác định bố cục bản nhạc: đoạn mở đầu (intro) nếu có, đoạn thường (verse), điệp khúc (chorus), đoạn kết thúc. Những đoạn thường cần có chiều dài bằng nhau và âm điệu tương tự như nhau: đây là lúc bạn quyết định giữ lại câu nào hay bỏ câu nào. Muốn giữ âm điệu giống nhau, có thể bạn phải đổi một hai lời thơ, nhưng đây là điều bất đắc dĩ. Nếu có thể, bạn hãy đổi nhạc để giữ lời.
Lúc này bạn cũng cần xác định giòng hoà âm (tức chuỗi hợp âm) để giòng nhạc trôi một cách tự nhiên. Ðoạn thường có âm điệu (melody) hơi thay đổi vẫn có thể chấp nhận được nếu theo cùng một giòng hoà âm (harmonic line).
Bây giờ là lúc bạn có thể sửa chi tiết âm điệu, hay lời, hay hoà âm để cho bài hát tròn chĩnh lại. Hai chữ “tròn chĩnh” này có nghĩa là:

(1) số câu trong mỗi đoạn, và số chữ trong mỗi câu đều nhau, hay ít ra là theo cùng một mô thức (pattern),

(2) những đoạn thường có cùng giòng hoà âm, tuy có thể hơi khác nhau trên âm điệu,

(3) bài hát có bố cục, có đầu có đuôi, không chạy dài lê thê,

(4) có những đoạn được lập lại một cách cố tình, và có một hai đoạn bạn chọn làm điệp khúc,

(5) giòng hoà âm đi theo một mô thức (pattern), không “hên sui may rủi”.

Tại sao ta có nhu cầu phải làm cho bài hát “tròn chĩnh” lại ? Xin thưa, như tôi đã trình bày, vì thơ và nhạc có những nhu cầu khác biệt, khiến ta phải đi tìm một cái thế trung dung trong đó cả thơ lẫn nhạc được uốn cong cho hợp với nhau mà không bị bẻ gẫy.

Ðọc đến đây, nếu bạn nghĩ phổ nhạc “lắm chuyện” quá thì tôi xin nói cho bạn yên tâm. Trong đa số trường hợp, nhu cầu của thơ và nhạc sẽ tương đối ăn khớp với nhau và bạn sẽ phổ một cách trơn tru không mấy khó khăn. Ca khúc tôi phổ nhanh nhất, tôi nhớ chỉ mất có 15 phút, là bản “Trái Tim Tôi Là Bến” phổ thơ Bắc Phong. Tôi đề nghị bạn nên bắt đầu với những bài thơ ngăn ngắn, giản dị, với vần điệu rõ ràng như thế.

4.5 GHI NHẬN TÁC GIẢ BÀI THƠ

Nếu bạn dùng bài thơ “nguyên con”, tức không đổi gì cả, đồng tác giả của ca khúc sẽ là chính bạn (người làm nhạc) và thi sĩ đã sáng tác bài thơ. Thông thường người ta ghi tác giả ca khúc là “nhạc Nguyễn A – thơ Trần B”, hoặc ngắn gọn “Nguyễn A – Trần B”.

Nhưng nếu bạn đã thay đổi lời thơ, bạn cần ghi nhận sự kiện đó như sau.

Nếu bạn chỉ đổi một vài chữ: “Nguyễn A – theo thơ Trần B”

Nếu bạn đổi nhiều: “Nguyễn A – ý thơ Trần B”

Nếu lời ca khúc là do bạn viết, dựa trên một hai câu của nhà thơ: “Nguyễn A – cảm thơ Trần B”

Nếu bạn dùng lời thơ nhưng lại đặt thêm lời: “Nguyễn A­– thơ Trần B – Nguyễn A đặt thêm lời”.

Guest

Postby Guest » 25 Feb 2006 23:04

4.6 SÁNG TÁC THEO TRỰC GIÁC VÀ SÁNG TÁC THEO NHẠC LÝ


Ðọc đến đây có lẽ bạn đã thấy cách thức tôi trình bày có phần khác lạ so với nhiều phương pháp sáng tác truyền thống (traditional) thông thường.

Trong những phương pháp bạn có thể tìm thấy trong sách hay nơi các trường nhạc, người ta thường nhấn mạnh phần lý thuyết của một bản nhạc, chẳng hạn:

phải nắm vững trước tiên những kiến thức căn bản về nhạc lý, như nhịp điệu (ví dụ Slow Rock, Valse, Rumba, v.v...), nghệ thuật hoà âm, cấu trúc bản nhạc, v.v...
phải nắm vững cách xướng âm, tức đọc nốt nhạc mà hát ngay được, và các loại giọng ca,
phải nghiên cứu một số bài sáng tác mẫu của một số nhạc sĩ nổi danh,
bắt đầu tập sáng tác một số âm điệu đơn giản và dùng những căn bản nhạc lý, những luật lệ hoà âm và cấu trúc ca khúc nói trên,
tập nối những đoạn ngắn này thành một ca khúc đầy đủ.
Những phương pháp truyền thống này đi từ những căn bản lý thuyết kỹ thuật nên rất ích lợi cho ta muốn hiểu sâu hiểu rộng về vấn đề sáng tác. Trong những phần sau, tôi cũng sẽ đề cập đến một số ít những căn bản này, vì nếu thiếu chúng, sáng tác của ta thường rời rạc thiếu chất lượng. Tuy nhiên, tôi thiển nghĩ sự hiểu biết sâu rộng về sáng tác không bảo đảm là bạn sẽ sáng tác một bài hát “có hồn”, một bài hát làm người nghe rạo rực thương cảm.

Mục đích của mọi ngành nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, là chuyên chở và tạo cảm xúc. Ta không bao giờ nên quên điều đó khi ta áp dụng bất cứ một phương pháp hay kỹ thuật nào trong việc sáng tác.

Cũng vì vậy mà tôi ưa thích một cách sáng tác dùng trực giác (intuition) hơn là dùng sự hiểu biết. Tôi coi trọng sự kiện ta cần phải “ngâm mình” vào tinh thần bài thơ bài nhạc để đạt đến sự chân thật trong cảm xúc. Tôi đặt tin tưởng vào nguồn cảm hứng sẵn có trong mỗi chúng ta, chỉ chờ đợi tuôn trào ra khi những điều kiện tình cảm và tâm tư nơi người sáng tác được hội đủ.

Cái quy luật duy nhất mà tôi áp dụng là quy luật của lỗ tai: nếu bài hát nghe hay theo lỗ tai của mình, thì như vậy là được. Tất cả những quy luật khác đều phải lép vế so với quy luật này.

Tôi có thể trích dẫn hàng trăm bài hát rất thành công do người không biết, hay không quan tâm, nhạc lý sáng tác. Và tôi cũng có thể trích dẫn nhiều bài hát theo đúng tất cả các quy tắc nhạc lý nhưng lại không gây được nơi ta một chút tình cảm nào cả. Dĩ nhiên, lý tưởng là ta vừa ý thức nhạc lý mà vừa “có hồn”, nhưng nếu phải chọn một trong hai thứ, tôi biết là tôi sẽ chọn thứ nào.

Nhưng rồi cuối cùng, trực giác và nhạc lý cũng sẽ gặp nhau. Sau nhiều lần phổ thơ, bạn sẽ càng ngày càng thấm nhuần, “tiêu hóa” những nguyên tắc nhạc lý trong tiềm thức, để rồi một ngày những nguyên tắc này sẽ hiện diện một cách tự nhiên trong sáng tác của bạn.


4.7 ÐỀ NGHỊ MỘT SỐ CA KHÚC PHỔ THƠ ÐỂ BẠN TÌM HIỂU


Nói về phổ thơ thì phải kể đến Phạm Duy, một “bậc thày” trong nghệ thuật này. Ông phổ thơ khá nhiều và thành công. Tôi đề nghị bạn nên phân tích và tìm hiểu những bài sau đây - một số bài đã khá xưa nhưng vẫn còn nguyên vẹn giá trị nghệ thuật - để thấm nhuần kỹ thuật phổ thơ của ông.

“Vần Thơ Sầu Rụng” ( thơ Lưu Trọng Lư). Bài này dựa trên thơ lục bát, theo nhịp Valse, một nhịp điêu khá thông dụng cho thơ lục bát.

“Tình Nghèo” (Ý thơ Hồng Nam)

“Em Hiền Như Ma Soeur” ( thơ Nguyễn Tất Nhiên). Thơ 5 chữ, nhịp Valse. Bài thơ này rất thuận lợi cho phổ thơ vì lời lẽ nhẹ nhàng, vần giàu . Ða số chữ cuối câu lại là vần bằng (dấu huyền hoặc không dấu).

“Áo Anh Sứt Chỉ Ðường Tà” ( thơ Hữu Loan). Bạn hãy để ý nhạc sĩ chia đoạn, đổi nhịp như thế nào để theo sát những biến đổi trong giòng thơ.

“Ngày Xưa Hoàng Thị” (thơ Phạm Thiên Thư). Thơ 4 chữ.

“Tiễn Em” ( thơ Cung Trầm Tưởng). Thơ 5 chữ.

Guest

Postby Guest » 25 Feb 2006 23:05

5. SÁNG TÁC NHẠC DỰA TRÊN ÂM ĐIỆU


5.1 GHI LẠI CẢM HỨNG TIÊN KHỞI


Có khi nào bạn hát nhẩm hay hút gió (thổi sáo) khi lái xe, đi dạo hay ... trong phòng tắm hay không? Nếu khi làm chuyện đó, bạn thổi hay hát những âm điệu vụt qua đầu bạn, những âm điệu không "ăn nhập" vào đâu cả, thì thưa bạn, bạn đang... sáng tác đó.

Dĩ nhiên, tiến trình sáng tác gồm nhiều thứ hơn như thế, nhưng cái bước đầu đó, cái mẩu nhạc chợt hiện ra trong đầu bạn, là bước có nhiều tính chất sáng tạo nhất trong nguyên tiến trình sáng tác. Tất cả những bước sau đó, tuy vận dụng nhiều chất xám, nhưng tựu chung chỉ là dựa trên cái ý nhạc đầu tiên đó mà phát triển thêm, "vẽ vời" thêm, và sắp xếp lại cho thành bài bản mà thôi.

Điều khó nhất ở đây là khi ý nhạc hiện ra,

bạn ý thức được đó là một hạt mầm có tiềm năng mọc lớn thành cây, và
bạn ghi lại được trong ký ức ý nhạc đó để từ đó khai thác thêm khi có dịp.
Ý nhạc đầu này có người gọi là cảm hứng. Cảm hứng thường rất ngắn ngủi, vụt qua trong một vài giây phút. Cảm hứng thường chỉ là một câu nhạc, hay tối đa một đoạn nhạc. Nhiều người làm nhạc đã rất khổ tâm vì vấn đề này: cảm hứng như con chim bay vụt qua, một con chim muôn màu thật đẹp. Mải ngắm chim thì chim sẽ bay mất. Mà cố bắt chim thì không còn thấy vẻ đẹp của nó nữa. Cả hai cách đều dẫn đến một hậu quả chung: không ít thì nhiều, ta sẽ đánh mất phần nào vẻ đẹp của cảm hứng nguyên thủy.

Vậy thì làm thế nào ? Tôi xin đề nghị một vài phương cách để bạn dùng thử, nhưng bạn cũng biết rằng mỗi người trong chúng ta đều có cách riêng của mình cả:

Bạn cần luôn luôn ở một tư thế nội tâm (tôi xin tạm gọi là tâm thế) nhậy cảm, để khi ý nhạc hiện lên, bạn nhận diện ra nó. Trong tâm thế này, bạn không có ý định hay nỗ lực sáng tác, nghĩa là bạn không tự nhủ: "À, ta ngồi đây và sẽ bắt đầu sáng tác". Làm như vậy sẽ khiến bao ý đẹp e thẹn trốn hết. Tâm thế của bạn nhẹ nhàng, tự nhiên, không kỳ vọng, không chờ đợi, nhưng ý thức và nhậy cảm.
Khi ý nhạc hiện ra, bạn hãy đừng đánh mất nó. Nếu bạn cố ghi nhẩm ý nhạc đó thành nốt, trí óc bạn sẽ bận bịu hình dung nốt nhạc, và giòng nhạc sẽ bay mất. Tốt hơn, bạn nên tiếp tục hát mẩu nhạc đó, biến đổi đi (variations) nếu thích, nhưng điều cần nhất là bạn hãy trở về giòng nhạc đầu và đừng ngừng hát.
Hát nhiều lần như thế, giòng nhạc sẽ ghi lại sâu đậm hơn trong ký ức của bạn.
Cũng có khi, ý nhạc dựa trên một câu nói nào đó. Chẳng hạn bạn đang nghĩ: "lá mùa thu sao đẹp như mơ" thì bỗng nhiên câu nói đó hiện lên trong đầu bạn như một câu nhạc. Nếu chuyện này xảy ra, bạn hãy trân qúy giây phút đó: lời và nhạc hiện ra cùng lúc như thế rất là hiếm hoi. Trong trường hợp này, bạn sẽ không khó khăn gì ghi lại giòng cảm hứng.
Nếu chỉ có nhạc không thôi, bạn có thể đặt lời tại chỗ cho ý nhạc. Làm như vậy sẽ khiến bạn khó quên hơn.
Sau khi bạn đã hát nhiều lần mẩu nhạc tiên khởi, tính chất "mới mẻ" của nó sẽ tan biến dần. Bạn không nên chờ mong nguồn cảm hứng kéo dài thêm nữa. Bạn hãy ghi lại những gì bạn vừa chiêu nghiệm, có thể là ghi lại nốt nhạc trên giấy.

5.2 KHAI TRIỂN Ý NHẠC TIÊN KHỞI

Thường ý nhạc tiên khởi chỉ là một hai câu ngắn. Nhiệm vụ của bạn bây giờ là phát triển, nới rộng ra cho thêm lông thêm cánh. Sau đây là một vài đề nghị, không theo một thứ tự nào cả.

Ý nhạc tiên khởi thường có một nhịp điệu hay một bố cục sẵn có. Bạn hãy giữ lại nhịp điệu, bố cục này để đặt thêm những câu mới. Bạn có thể thay đổi âm điệu, nhưng nếu có thể, hãy giữ lại cùng số chữ, cùng giọng lên xuống của câu nguyên thủy. Kỹ thuật này có tên là variation (tạm dịch là "chuyển đổi"), rất thông dụng trong sáng tác từ cổ xưa cho đến ngày nay.
Khi ta chuyển đổi như vậy, tự động ta tạo ra một mô thức (pattern) cho bản nhạc. Mô thức này đặc thù của bản nhạc, làm cho người nghe nhận ra bản đó ngay khi vừa nghe qua một hai câu.
Bạn hãy dùng mô thức này trong tất cả những đoạn thường (verse) của bản nhạc. Thông thường, một đoạn thường gồm 4 hay 6 câu.
Đến điệp khúc (chorus), bạn có thể tiếp tục mô thức trên, tức là tiếp tục chuyển đổi giòng nhạc chính, thay đổi hòa âm và lời ca. Nhưng nếu thấy làm như vậy hơi nhàm chán, bạn có thể bỏ hẳn mô thức đó và dùng một điệu nhạc hoàn toàn phá vỡ lề lối sẵn có cho điệp khúc.
Cách ngược lại, cũng có khi rất thành công, là bạn dùng ý nhạc tiên khởi làm điệp khúc. Thường ý nhạc đầu tiên có những nét rất nhiều cá tính, nên dùng trong điệp khúc là lý tưởng. Có điệp khúc rồi thì bạn sẽ phải sáng tác những đoạn thường chung quanh điệp khúc đó. Những đoạn thường này gần như trở thành những khúc nhạc để "lấy đà", sửa soạn cho điệp khúc mà thôi. Trong trường hợp này điệp khúc là trái tim của bản nhạc.
Một kỹ thuật cũng khá thông dụng là chuyển đổi lời ca. Chẳng hạn, nếu câu đầu là "lá mùa thu sao đẹp như mơ", thì chuyển đổi (đây chỉ là ví dụ, tôi không bảo đảm lời ca hay ho!!) thành "gió mùa thu nhẹ nhàng như thơ", dùng cho câu sau hay đoạn sau. Kỹ thuật chuyển đổi này dùng thường lắm trong thơ văn. Do lời ca thay đổi, ta sẽ có thêm ý để phát triển thêm ý nhạc đầu.

Guest

Postby Guest » 25 Feb 2006 23:05

5.3 HOÀN TẤT BẢN NHẠC


Từ ý nhạc đầu, ta đã phát triển thành đoạn thường và điệp khúc. Ta cũng đã có lời ca cho tất cả các đoạn. Bây giờ là lúc ta hoàn tất bản nhạc bằng cách:

các đoạn nhạc có cùng số câu, câu nhạc có cùng số chữ
âm điệu và hòa âm của các đoạn nhạc theo cùng mô thức
bài hát có đầu (intro) và đuôi (kết thúc như thế nào?)
đặt tên cho bản nhạc.
Điểm bạn cần đặc biệt chú ý là giòng hòa âm và bố cục bản nhạc. Tại sao vậy? Vì khi sáng tác từ một âm điệu, bạn thường chỉ chú trọng đến âm điệu đó, nên có thể đã bỏ qua phần hòa âm hay bố cục (nhất là nếu bạn hút gió trong khi lái xe hay hát trong phòng tắm thì làm sao mà nghĩ đến hòa âm được?).

Do đó, trước khi hoàn tất bản nhạc, bạn nên coi lại phần hòa âm và bố cục, xem có lủng củng, thiếu đồng nhất, thiếu mô thức, thiếu chuyển tiếp hay không.

Xong xuôi, bạn hãy hát bài hát lên, và... thưởng thức thành quả sáng tác của mình.


5.4 MỘT SỐ SÁNG TÁC DỰA TRÊN ÂM ÐIỆU


Tôi muốn đưa ra một số sáng tác của một số nhạc sĩ tiêu biểu làm ví dụ, thế nhưng... làm sao biết được người làm nhạc đã sáng tác trong hoàn cảnh nào? Ðành trở về với chính mình vậy, vì ít ra tôi còn biết những bài hát của tôi từ đâu mà có. Tôi xin ghi ra những điều sau đây, không phải vì muốn bạn dùng những ca khúc này làm mẫu, mà để bạn cảm được phần nào tiến trình đặt nhạc mà tôi đã đề cập ờ trên.

“Bài Ca Tuổi Trẻ”. Bản này xuất phát trong lúc tôi đang đi dạo bộ, do đó mới có nhịp điệu như thế. Ý nhạc đầu là những câu “chúng ta là lá là la la, chúng ta là la lá là la, chúng ta là la lá là la”. Tôi dùng những câu đó làm hạt nhân cho điệp khúc, ghi kỹ vào ký ức. Khi về đến nhà, tôi mới đặt phần đầu của ca khúc (“Từ khắp những phương trời, từ muôn lối đi trong đời v.v...”). Do tiến trình sáng tác như thế, cho nên:

nguyên đọan đầu bài hát chỉ để mở đường cho điệp khúc mà thôi
điệp khúc là cái trung tâm của bài hát, nơi tất cả tình cảm nổ tung ra và dẫn đến kết cuộc trong chiều hướng đi lên thật mạnh mẽ “Bạn hỡi, ...., một khối óc một tấm lòng một giấc mơ”.
“Những Tình Khúc Dở Dang”. Âm điệu bản này đến với tôi khi đang lái xe, nhất là âm điệu của điệp khúc, tức 4 câu sau trong mỗi đoạn 8 câu. Ý nhạc đó tôi khai triển thành đủ 8 câu, xong giữ trong lòng suốt một thời gian khá lâu vì chưa tìm được đề tài thích hợp. Ðây là vấn đề tôi đề cập ở trên: khi âm điệu đã có nhưng đề tài chưa rõ, thì công việc viết lời ca tương đối khó khăn hơn.

Ðùng một cái, tôi được tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời, khiến nhiều kỷ niệm bừng sống lại trong tôi (muốn thêm chi tiết, mời bạn bấm ở đây). Trong giây lát tôi hình dung được bản nhạc với âm điệu đã sẵn có trong tôi (một âm điệu có sẵn “âm hưởng TCS”) với lời ca của Trịnh Công Sơn. Bài hát hoàn thành khi tôi lật lại những bài hát cũ của ông, và tuần tự xếp lời ca vào những chỗ trống.

“Tôi Thương”. Âm điệu bài này đến với tôi chỉ qua mấy nốt đầu “tôi thương la là, là la la la là”. Tôi mường tượng đây là một bài trong đó mỗi câu sẽ bắt đầu với hai chữ “tôi thương”, và toàn bài sẽ nói lên tất cả những nỗi niềm yêu thương trong ta. Tôi cũng mường tượng ra điệp khúc là những câu “à à ơ à ơi, à à ơ à ơi”, nhưng lúc đầu tôi dự tính sẽ đặt lời ca cho những câu điệp khúc này. Cuối cùng tôi quyết định làm cho giản dị, giữ giọng ru con “à ơi” này, vì nó làm cho tình cảm yêu thương càng dâng trào thêm. Nhiều khi, trong nỗ lực làm hay hơn, ta dễ rơi vào cái bẫy là rời xa khỏi ý nhạc ban đầu, cái ý nhạc có nhiều tính chất sáng tạo nhất như tôi đã trình bày.

Có âm điệu và ý lời rồi, tôi cảm thấy phải mở rộng lời ca cho càng nhiều người càng tốt để thể hiện những niềm yêu thương chung của tập thể rộng lớn hơn. Từ đó mới có ý tưởng đưa bản này lên internet để mọi người cùng đóng góp

Guest

Postby Guest » 25 Feb 2006 23:06

6. SÁNG TÁC DỰA TRÊN HÒA ÂM


Khác với hai phương cách trước (sáng tác dựa trên thơ hay âm điệu) cách sáng tác này dành cho những bạn chơi một nhạc cụ đa âm, tức một nhạc cụ có thể chơi được nhiều nốt cùng một lúc, như guitar, piano hay keyboard, v.v...

Đây cũng là cách sáng tác được ưa chuộng của những ban nhạc khi họ sáng tác tập thể trên căn bản một chuỗi hợp âm (chord progression) đã được đồng ý trước. Trong phương cách này, các nhạc cụ đơn âm (như kèn, vĩ cầm, sáo) cũng có thể được dùng vì chúng tạo nên hợp âm khi chơi chung với nhau. Các nhạc sĩ trong ban nhạc định trước với nhau một chuỗi hợp âm cố định, xong tìm giòng nhạc mới bằng cách mỗi người dựa vào nhau mà chơi ngẫu hứng.


6.1 CHỌN CHUỖI HỢP ÂM


Dù đơn độc hay cùng với ban nhạc, tiến trình sáng tác cũng như nhau. Khởi đầu bao giờ cũng là một chuỗi hợp âm mà ta cảm thấy ưng ý. Để tìm ý chuỗi hợp âm, bạn có thể tham khảo bài "Vài chuỗi hợp âm căn bản" và "Vài chuỗi hợp âm lả lướt".

Lý thuyết hòa âm có một số quy luật, bạn có thể tìm đọc sách thêm về đề tài rộng lớn này. Tuy nhiên tôi quan niệm không có luật lệ nào là cao hơn luật của lỗ tai, tức là nếu bạn nghe thấy hay thì như vậy là được, ít nhất là đối với bạn. Nhưng để giúp bạn dễ dàng chuyển những chuỗi hợp âm này thành bài hát, tôi xin đưa ra một số điều mà bạn nên để ý, như sau:

Mỗi bài hát nằm trong một âm giai nhất định (cũng có bài đổi âm giai giữa chừng, nhưng điều này tương đối hiếm hơn) với một hợp âm gốc. Chuỗi hợp âm bạn chọn nên bắt đầu và kết thúc bằng hợp âm gốc này. Chẳng hạn, bạn chơi trong âm giai E thứ, thì nên bắt đầu và kết thúc với hợp âm I trong âm giai đó, tức Em. Nếu bạn chưa nắm vững vấn đề âm giai và hợp âm, đề nghị bạn xem phần chỉ dẫn "Cách chọn hợp âm cho một bản nhạc".
Bạn nên có một chuỗi hợp âm riêng cho đoạn thường và điệp khúc. Đối với đoạn thường, bạn nên có chuỗi kết thúc với hợp âm V, và chuỗi kết thúc với hợp âm I.
Chuỗi hợp âm dành cho điệp khúc cần có những nét đặc sắc, bất thường, khác hẳn các đoạn thường. Chẳng hạn, đoạn thường mà buồn, thì điệp khúc có thể mạnh, vui hơn. Hoặc đoạn thường âm giai thứ, thì điệp khúc có thể chuyển sang âm giai trưởng.
Số hợp âm trong chuỗi nên là số chẵn, thông dụng nhất là 4, 6 hoặc 8. Nếu bạn có số lẻ thì nên bồi thêm một hợp âm, chẳng hạn bằng cách kéo dài hợp âm chót thêm một nhịp.
Nếu có thể, bạn nên chọn một chuỗi hợp âm chứa đựng một giòng nhạc nội tại, hay những hợp nối tiếp nhau mà chỉ đổi có một nốt mà thôi (xem bài "Vài chuỗi hợp âm căn bản"). Tuy không phải là thiết yếu nhưng một chuỗi hợp âm như thế sẽ tạo cảm giác đồng nhất cho bài hát của bạn.

Guest

Postby Guest » 25 Feb 2006 23:06

6.2 KHAI TRIỂN BÀI HÁT TỪ CHUỖI HỢP ÂM


Có chuỗi hợp âm ưng ý rồi, bây giờ bạn chỉ cần làm một việc: chơi hợp âm lên và bắt đầu tìm một giòng nhạc cho thích hợp với chuỗi hợp âm đó. Sau đây là một số điều để giúp bạn trong công việc này:

Bạn phải chọn một nhịp điệu cho bài hát. Thông thường người ta đổi hợp âm vào mỗi đầu nhịp, tức là bạn cứ tuần tự đánh các hợp âm trong chuỗi và đổi sang hợp âm kế tiếp vào mỗi đầu nhịp.
Tuy nhiên, có thể khi đổi như vậy khiến hợp âm đổi quá nhanh so với tình cảm bài hát. Trong trường hợp đó, bạn hãy đổi chậm hơn, chẳng hạn đổi hợp âm mỗi 2 nhịp.
Khi tìm giòng nhạc, bạn hãy nghĩ về một đề tài, một lời ca hay một tình cảm nào đó. Đề tài là chất xúc tác để giòng nhạc chào đời. Thiếu đề tài hay thiếu tình cảm, nhạc vẫn có thể tuôn ra, nhưng sau đó bạn sẽ gặp khó khăn khi viết lời ca, vì một khi âm điệu và giòng hòa âm bài hát đã ổn định rồi, rất khó cho bạn ghép lời trên những nốt nhạc “không hồn” và “không định hướng” kia.
Nghĩ về một đề tài, một lời ca cũng sẽ khiến giòng nhạc mà bạn đang sáng tác không đi ra ngoài khuôn khổ ngôn ngữ Việt quá xa. Khi sáng tác dựa trên hòa âm, bạn rất dễ bị lôi cuốn chỉ còn chú tâm đến phần nhạc mà thôi, quên mất rằng âm điệu không thích hợp với lời ca Việt sẽ khiến cho việc đặt lời khó khăn hơn.
Ðối với những bạn mới sáng tác, giòng nhạc của bạn nên theo sát hợp âm, tức là nốt đầu nhịp phải luôn luôn nằm trong hợp âm được dùng trong nhịp đó. Như vậy thì giòng nhạc nghe mới không “chói tai”.
Tuy nhiên đối với những bạn đã chơi nhạc khá hơn, luật lệ này không còn cứng ngắc nữa, vì có thể bạn cố ý chơi nhạc “chỏi”, nghĩa là âm điệu không cần nằm trong hợp âm nữa.


6.3 HOÀN TẤT BÀI HÁT


Khi bạn sáng tác từ một giòng hòa âm, thường bản nhạc sẽ rất “tròn chịa”, tức đồng nhất, có bố cục mô thức rõ ràng, có khởi đầu và kết thúc. Cho nên bạn sẽ không cần làm cái công việc “dọn dẹp cho ngăn nắp” như khi bạn sáng tác từ thơ hay từ một âm điệu. Trái lại, điều mà bạn cần xem lại ở đây là lời ca. Những điều bạn cần để ý là:

lời ca có dễ hát, hát nghe có đúng giọng tiếng Việt hay không?
lời ca có tự nhiên, không gò bó, không dùng chữ vô nghĩa?
lời ca có diễn tả được tình cảm bài hát hay không?
Nếu được như vậy thì bài hát bạn vừa sáng tác đầy đủ cả trên phương diện nhạc lẫn lời.


6.4 MỘT SỐ SÁNG TÁC DỰA TRÊN HÒA ÂM

Một lần nữa, để đơn cử ví dụ, tôi lại phải đem thân mình ra mà “làm trò” vậy. Lý do là vì chỉ có người viết ca khúc mới biết được ca khúc đó ra đời trong hoàn cảnh nào mà thôi. Khi đưa ra những điều sau đây, tôi không có ý muốn bạn dùng những bài hát này làm mẫu, mà chỉ mong bạn cảm nhận phần nào tiến trình đặt nhạc mà tôi đã trình bày ở trên.

“Chợt Gió Chợt Mưa”. Ðiệp khúc bản này hoàn toàn dựa trên chuỗi hợp âm

G – Gmaj7 – G7 – C – Am – Am7 – Adim7 – D7

G – Gmaj7 – G7 – C – G – D7 – G – G



Bạn cũng có thể để ý chuỗi hợp âm chứa đựng một giòng nhạc nội tại như sau (trong dấu ngoặc). Chính giòng nhạc nội tại này, đi xuống từng 1 hay 2 bán âm một, là cái chất keo nối những hợp âm lại với nhau như sợi giây trong chuỗi hạt vậy.

G (nốt G) – Gmaj7 (nốt F#) – G7 (nốt F) – C (nốt E) – Am (nốt A) – Am7 (nốt G) – Adim (nốt F# - nốt D#), D7 (nốt D - nốt C) – G (nốt B)

Có chuỗi hợp âm rồi, tôi mới đặt âm điệu dựa trên giòng hòa âm đó, và cuối cùng là lời ca (cảm thơ Lý Hoài Xuân).

“Bài Ca Trìu Mến”. Bài này dưa trên chuỗi hợp âm (giòng nhạc nội tại ghi trong dấu ngoặc, cũng giảm dần từng 1 hay 2 bán âm một)

C (nốt C) – Gm (nốt Bb) – F (nốt A) – Fm (nốt Ab) – C (nốt G) – G7 (nốt F) – C (nốt E) – C (nốt E)



Có chuỗi hợp âm rồi, tôi đặt lời ca cho câu đầu “Tôi hát cho em nghe những lời ca trìu mến, Giờ rạng đông gần đến thật gần em có nghe”. Dựa trên câu này, Nam Dao viết thành bài thơ, rồi tôi phổ bài thơ để hoàn tất bản nhạc.

“Bóng Quê Hương”. Bài này khởi đầu trên dương cầm (piano) bằng chuỗi hợp âm

(E )– A – A – G#m – C#m – F#m – B7 – E – E7

A – A – G#m – C#m – F#m – B7 – E – E



Ðây là một chuỗi hợp âm rất được ưa chuộng trong nhiều loại nhạc, có tên là diatonic progression. Căn bản là chuỗi III – VI – II – V – I (mời bạn tham khảo bài “Cách chọn hợp âm...” và các bài khác trong phần “Tập đánh đàn guitar” để hiểu rõ cách ghi này), từ hợp âm trước chuyển qua hợp âm sau bằng cách cộng thêm 3, hoặc nói một cách khác, các hợp âm nhảy lên từng quãng 4 một.

Một điều đáng chú ý nữa, diêp khúc bản này dựa trên sự thay đổi âm giai từ E trưởng qua E thứ. Từ giòng hòa âm đó, âm điệu mới thành hình và chót hết là lời ca.

Trong tất cả các bản được sáng tác dựa trên hòa âm như trên, hòa âm là tinh túy của bản nhạc. Người chơi nhạc cần theo đúng cách hòa âm đã ghi thì mới diễn tả dược bài hát. Ngược lại, đối với một ca khúc sáng tác dựa trên âm điệu, phần hòa âm không phải là chính, cho nên bài hát chỉ mất mát đi chút đỉnh nếu ta chẳng may không giữ được đúng hoà âm đã ghi.

Guest

Postby Guest » 25 Feb 2006 23:07

7. SÁNG TÁC DỰA TRÊN MỘT CÁCH ĐỆM ĐÀN



Cách sáng tác này khá thông dụng trong nhạc Âu Tây nhưng hình như chưa được dùng nhiều trong âm nhạc Việt Nam.

Cách này khởi đầu khi người làm nhạc, hay ban nhạc trong một jam session (ban nhạc chơi ngẫu hứng với nhau để trao đổi ý hay tìm ý mới), dùng cách chơi đàn của mình làm căn bản cho ca khúc. Khác với những cách sáng tác đã được trình bày, người làm nhạc không khởi sự từ một đề tài, một lời ca hay một giai điệu, mà chỉ chơi đàn để tự gợi cảm hứng. Thông thường người sáng tác sẽ tìm ra một ngón đàn nghe thật hợp tai gồm những thành phần sau đây:

một chuỗi hợp âm căn bản, thường không quá 3, 4 hợp âm,
một nhịp điệu khá lôi cuốn, mới mẻ
một cách chơi đàn gồm một motif (tạm dịch, câu mẫu) được lập đi lập lại liên tục.
Khi tìm ý, ngón đàn đó được chơi đi chơi lại nhiều lần để làm nền tảng và hạt nhân cho ca khúc. Những thành phần khác của bài hát như giai điệu, lời ca lần lượt được ghép vào qua sự ca hát ngẫu hứng hay ban nhạc chơi ngẫu hứng trên cái nền nhạc đó.


Vì đặc tính lập lại của ngón đàn, cách sáng tác này rất thích hợp với nhạc điện tử, vì một khi ý nhạc tiên khởi đã được hoàn thành trên máy điện toán, người làm nhạc chỉ cần “copy and paste” ý này nhiều lần, xong vặn máy chạy liên tục mà thôi. Nhạc sĩ cũng có thể tạo sự thay đổi bằng cách biến dổi viên gạch căn bản này, ví dụ bằng cách thêm bớt tiếng trống đôi chút, thêm bớt một hai nhạc cụ hay ngừng hẳn tiếng trống trong một hai nhịp. Dù sao thì những thay đổi này cũng rất giới hạn để ngón đàn gốc vẫn được giữ nguyên trong suốt ca khúc.


Lời ca và giai điệu trở thành những yêu tố phụ thuộc, gần như chỉ hiện diện để “đệm” thêm cho nhạc mà thôi. Lời ca và giai điệu có khi bị “lột” xuống chỉ còn vài ba chữ, vài ba nốt.

Nhạc Rockn' roll và loại nhạc khiêu vũ điện tử hay dùng lối sáng tác này.

Có người cũng xếp loại nhạc rap vào cách sáng tác này. Nhưng theo thiển ý, nhạc rap thường khởi đầu từ lời ca là những câu tương tự như thơ, rồi sau đó nhịp trống và nhạc đệm mới được ghép vào hoặc sáng tác. Do đó tôi cho rằng nhạc rap khá gần gụi với lối viết ca khúc phổ thơ.

Guest

Postby Guest » 25 Feb 2006 23:07

8. NHỮNG YẾU TỐ CẤU TẠO CA KHÚC - ĐOẠN THƯỜNG VÀ ĐIỆP KHÚC


8.1 NHỮNG YẾU TỐ CẤU TẠO CA KHÚC


Trước khi bàn đến đoạn thường và điệp khúc, tôi xin trình bày về những yếu tố cấu tạo một ca khúc, vì chính bằng cách biến đổi những yếu tố này mà ta gây được sự sống động trong bài hát. Điệp khúc là hiện thân rõ ràng nhất của sự sống động đó.

Lời ca (lyrics)

Trái với cách trình bày của đa số sách dạy nhạc, tôi xin để lời ca lên hàng đầu. Vì tôi nghĩ lời ca là tinh túy của nhạc Việt. Có thể nói đa số ca khúc VN, kể cả dân ca, đều phát xuất từ một câu thơ hay một câu nói. Thiếu lời ca, hầu hết ca khúc VN sẽ mất hết ý nghĩa và tình cảm.

Nếu trong nhạc Tây Phương ta gặp nhiều bản hoà tấu (dù cổ điển hay tân thời như jazz) thì trong nhạc Việt, loại nhạc được viết cho hoà tấu rất hiếm hoi. Chẳng hạn thời xưa ta có nhạc cung đình và thời nay một vài bản sáng tác theo khuôn khổ nhạc cổ điển Tây Phương. Nhưng nhìn chung, những bản này hình như khá giới hạn về cả số lượng lẫn tầm ảnh hưởng.

Ngày nay người ta cũng có chơi một số ca khúc theo lối hòa tấu, nhưng đây là những ca khúc đã nổi tiếng từ nhiều năm, nên người nghe không khó khăn mấy "ghép" tình cảm sẵn có của bài hát vào một điệu hòa tấu không lời.

Âm điệu (melody)

Ðại đa số nhạc phẩm đều có âm điệu. Điển hình nhất là những bài độc tấu với một nhạc cụ đơn âm như sáo, kèn, hay những bài hát dân ca cổ xưa khi người ta hát mà không có nhạc cụ đệm theo.

Trong nhạc Việt Nam, âm điệu rất quan trọng. Có nhiều bài hát ta chỉ âm ư nốt nhạc lên là nghe đã hay lắm rồi, không cần đến đệm đàn để tinh túy bài hát mới thoát ra. Trong nhạc Tây Phương, âm điệu cũng khá quan trọng trong những ca khúc trước thập niên 70, nhưng sau đó thì dường như đã bớt tầm quan trọng đi khi càng ngày người ta càng chú trọng đến hòa âm và nhịp điệu. Thậm chí ngày nay có một số bài hát không còn âm điệu nữa, gần như chỉ gồm toàn hòa âm và một vài nốt nhạc ngẫu biến, hay như trong trường hợp nhạc rap, chỉ dựa trên lời ca và nhịp điệu mà thôi. Ta không nên coi đây là một điều dở hay điều hay, chỉ nên coi đó là sự chuyển biến bình thường trong mọi ngành nghệ thuật khi người nghệ sĩ không ngừng đi tìm cái mới lạ, dù cái mới đó nhiều khi cũng chỉ là biến thể của một hình thức đã có từ lâu đời.

Nhịp điệu (rythm)

Âm nhạc cần nhịp điệu. Ngay cả trong những bài hát nhịp tự do (ad libitum), nhịp điệu cũng nằm tiềm tàng trong cách kết cấu của câu nhạc hay cách "tổ chức" lời ca thành từng quãng ngắn hơn. Vả lại, sự lên giọng hay xuống giọng, hát to hát nhỏ, hát chậm rãi hay dồn dập, cũng đem lại một cảm giác nhịp nhàng nào đó cho dù ta không dùng đến trống, đàn hay vỗ tay để điểm nhịp.

Thành thử, khi nói tới nhịp điệu, ta phải đi xa hơn là điệu trống mà thôi. Nhịp điệu là hơi thở nội tại của bài hát và phải được diễn tả bởi tất cả các nhạc cụ chơi bản nhạc, kể cả giọng người hát.

Khi dùng hai chữ "nhịp điệu", ta cần phân biệt nhịp điệu trong ý nghĩa điệu nhịp (rythm, như điệu slow rock, tango, rumba, nhịp hai hay nhịp ba, v.v...), và độ nhanh (tempo). Nhịp điệu có thể có một vai trò rất lớn trong "sắc thái" của bài hát. Muốn thấy điều này, bạn chỉ cần chơi cùng một bản nhạc trong nhiều điệu nhịp và độ nhanh khác nhau, thì sẽ thấy ngay bản sắc của bài hát thay đổi nhanh chóng như thế nào.

Hòa âm (harmony)

Hiểu theo nghĩa rộng, đây là nghệ thuật dùng nhạc cụ, kể cả giọng hát phụ, để đệm một giọng hát chính đang giữ âm điệu của bài hát. Ta cần phân biệt hoà âm trong nghĩa hợp âm (chords), tức sự chọn lựa một số nốt nhạc "ăn khớp" với giọng hát, và phối khí (arrangement), tức sự chọn lựa một số nhạc cụ và cách dùng những nhạc cụ này để đánh lên những nốt trong hợp âm đã chọn.

Lấy ví dụ đệm đàn guitar, hợp âm là kỹ thuật tay trái, bấm nốt trên cần đàn. Còn phối khí là kỹ thuật tay phải. Tuy chỉ một nhạc cụ nhưng tay phải trên đàn guitar có thể giữ nhiều vai trò khác nhau, như đánh nhịp, đánh bass và đánh "solo", và người chơi đàn sẽ phối hợp tất cả những cách đánh này chẳng khác gì phối khí nhiều dụng cụ với nhau.

Vì không có ý niệm hợp âm, âm nhạc cổ xưa của VN (tức gồm cả nhạc dân gian lẫn nhạc cung đình) không có ý niệm "hòa âm", dù khi có nhiều nhạc cụ chơi chung với nhau trong một ban hòa tấu. Ý niệm hoà âm chỉ được du nhập vào nước ta cùng với nhạc Tây Phương sau này, nhưng từ đó đã chiếm một vai trò ngày càng quan trọng. Trong những năm gần đây, người ta bắt đầu thấy một số bản nhạc trong đó hòa âm là phần tinh túy, tức là nếu không theo đúng hòa âm ghi trên bản nhạc thì bài hát sẽ mất đi phần lớn bản sắc của nó.

Đối với người viết ca khúc, "hòa âm" có ý nghĩa giới hạn là "hợp âm" mà thôi, vì phần phối khí thường thuộc về thẩm quyền của ban nhạc hay của nhạc sĩ hòa âm (arranger).

Guest

Postby Guest » 25 Feb 2006 23:08

8.2 ĐIỆP KHÚC



Một ca khúc thường có những đoạn thường (verse) và một điệp khúc (chorus). Điệp khúc có những công dụng chính như sau:

thay đổi giòng nhạc của đoạn thường để phá vỡ sự nhàm chán (điệp khúc để "thay đổi không khí")
nhấn mạnh một ý nhạc, một ý tưởng hay một tình cảm mạnh (điệp khúc là trung tâm điểm hay cao điểm của bản nhạc)
làm sự chuyển tiếp để nối từ đoạn trước sang đoạn sau (điệp khúc "chám lỗ")
tạo một câu nhạc dễ nghe, dễ nhớ, đập vào tai người thưởng thức để tạo sự chú ý (điệp khúc "ăn khách")
Tuy nhiên cũng có một số ca khúc không có điệp khúc, chẳng hạn trong trường hợp:

ca khúc viết theo lối kể chuyện, gồm nhiều đoạn thường liên tiếp nối đuôi nhau.
những đoạn thường đã chứa sẵn một "tiểu điệp khúc", tức một hai câu ngắn có tính chất "đổi không khí" trong lòng mỗi đoạn thường rồi.
giòng nhạc của các đoạn thường đã "ngoạn mục" sẵn, không cần "thêm mắm thêm muối" nữa.
ca khúc để hát trong sinh hoạt, cần ngắn và dễ nhớ.
đa số bài hát dân ca khắp thế giới.


8.3 THỰC HIỆN ĐIỆP KHÚC

Dù được dùng với công dụng nào đi chăng nữa, điệp khúc luôn luôn tạo sự thay đổi trong giòng nhạc khiến nhạc phẩm linh động hơn. Muốn tạo sự thay đổi này, ta cần vận dụng mỗi yếu tố cấu tạo bản nhạc và tìm cách gây mới lạ trong mỗi yếu tố đó. Sau đây là một số phương cách thông dụng.

Thay đổi lời ca

Dùng một câu ngắn, dễ nhớ, lập đi lập lại trong điệp khúc để nhấn mạnh ý tưởng.
Thay đổi số chữ trong câu. Chẳng hạn, nếu đoạn thường là những câu ngắn 5 chữ, thì câu 8 chữ trong điệp khúc sẽ khiến bài hát chậm rãi lại. Hoặc nếu đoạn thường âm điệu chậm chạp, thì ta có thể gây sôi động bằng cách dùng câu ngắn 4 chữ trong điệp khúc.
Thay đổi ý tưởng, nội dung. Trong điệp khúc ta có thể trình bày đề tài dưới một khía cạnh mới. Ví dụ, trong bài hát kể chuyện, ta ngưng kể trong điệp khúc để bày tỏ tình cảm cá nhân của ta đối với câu chuyện. Hay ta có thể mở rộng đề tài sang những địa hạt mới.
Thay đổi cách dùng chữ. Chẳng hạn đổi từ những từ ngữ nhẹ nhàng sang từ ngữ sắc bén, mơ hồ sang rõ ràng, chung chung sang cá nhân.
Ðổi vần ở cuối câu.
Thay đổi âm điệu

Dùng một âm điệu hoàn toàn mới cho điệp khúc.
Từ những nốt thấp trong đoạn thường, ta bay bổng lên nốt cao trong điệp khúc, hay ngược lại.
Nốt dài (chậm rãi) đổi sang nốt ngắn (nhanh nhẹn hơn), hay ngược lại.
Nốt ngân đổi thành nốt ngắt, hay ngược lại.
Nốt uốn (hay láy) đổi sang nốt bằng phẳng, hay ngược lại.
Thay đổi nhịp điệu

Thay đổi độ nhanh (tempo).
Thay đổi điệu nhịp, chẳng hạn từ một nhịp ba như valse đổi qua một nhịp hai dồn dập. Thông thường người ta hay đổi nhịp 4 (chậm rãi) thành nhịp 2 (nhanh nhẹn hơn) hay ngược lại.
Thay đổi bố cục của mỗi câu, tức cách chia câu thành từng quãng nhỏ. Chẳng hạn đoạn thường dùng câu 8 chữ chia thành từng khúc 3 – 2 – 3, thì điệp khúc vẫn 8 chữ nhưng chia thành 4 – 4.
Trong cùng một nhịp điệu, thay đổi cách đánh trống hay đánh nốt bass (trong ban nhạc, đàn bass có thể dùng như một dụng cụ đánh nhịp).
Thay đổi hòa âm

Dùng hợp âm mới chưa dùng trong đoạn thường.
Ðổi âm giai từ trưởng (major key) sang thứ (minor key), hay ngược lại.
Ðổi âm giai bằng cách thăng lên hoặc giảm xuống, chẳng hạn từ C trưởng đổi sang G, hay F, hay C#.
Ðổi âm giai bằng cách chuyển từ âm giai trưởng sang âm giai thứ tương đương (relative minor), chẳng hạn đổi từ C trưởng sang A thứ.
Ðổi âm giai mới hoàn toàn.
Dùng nhạc cụ mới để đệm nhạc.
Hát giọng phụ họa cho giọng chính, hợp ca.
Nói tóm lại qua điệp khúc, ta tạo sự thay đổi trong giòng nhạc, nhưng sự thay đổi đó có thể nhiều hay ít.

Ta thay đổi nhiều khi ta muốn thoát khỏi khuôn khổ của đoạn thường để mở ra một giòng nhạc mới. Muốn làm như thế, ta phải tạo sự tương phản bằng cách phá tan tất cả những mô thức (pattern) của đoạn thường, dù đó là mô thức trong lời ca, âm điệu, nhịp điệu hay hòa âm.

Ngược lại, ta thay đổi ít khi ta muốn tiếp nối và hỗ trợ giòng nhạc của đoạn thường. Ta dùng cùng giòng nhạc nhưng đưa nó lên một nấc độ mới. Muốn làm như thế, ta chỉ phá vỡ mô thức (pattern) trong một hai yếu tố mà thôi. Ví dụ ta có thể giữ âm điệu và nhịp điệu chung chung của đoạn thường, nhưng ta thêm một giọng phụ họa (thay đổi yếu tố hoà âm mà thôi) vào điệp khúc.

Sự phối hợp những phương cách kể trên, và nhiều phương cách khác nữa, gần như là vô tận. Bạn hãy dùng khả năng sáng tạo của mình để luôn luôn thí nghiệm, tìm hiểu và khám phá.


Return to “Học làm nhạc”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1 guest