Tây Du Ký - Hoi 1

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Tây Du Ký - Hoi 1

Postby nmchau » 17 Apr 2005 13:56

Hồi 1


Viên chủ Tân Ðào đằng vân quá hải
Trưởng thôn Bọ Ngựa bôn ba phi trường (*)



Trước khi Tu Dây, anh MAT điện thoại tiễn, tôi có nói là mai tụi tôi đi, bái bai anh chị, và hẹn sang năm mới, ngay khi về sẽ nói chuyện nhiều . Anh MAT có hỏi bao giờ trở lại, xin trả lời mồng 8 tháng giêng. Ảnh nói: "Oh well, có mười mấy ngày thì qua nhanh lắm. Sẽ thấy anh chị về ngay đấy mà. Lúc đó sẽ phải hỏi Paris có gì lạ không anh ". Sau đó chúc t.ui tôi lên đường tu dây vui vẻ

Vui thì chắc chắn là vui rồi mà lạ thì cũng rất nhiều cái lạ. Tôi xin trả lời câu hỏi của anh MAT dần dần, nếu có gì sai xin chư vị "niệm tình sâu bò mà bỏ qua"

Ngày khởi hành, tàu bay bị trễ một tiếng. Vì vậy tới phi trường Bruxelles cũng bị trễ một tiếng. Khi check-in để bay tiếp sang Tây thì gìơ bay và giờ dự trù đến CDG vẫn như cũ thành ra thay vì phải chờ 3 tiếng tại Bruxelles thì chỉ phải chờ 2 tiếng, tôi nghĩ, cũng tốt. Nhưng thực ra không tốt đến thế. Sau khi xếp cái va ly sách tay ngay ngắn vào trong hộc tủ trên đầu và an vị một cách thoải mái thì thấy một bà tây đen béo mầm sách cái bị to như con bò mộng đi đi lại lại rồi đứng ngay cạnh tôi, dơ tay đẩy đẩy cái bịch to tổ bố đó vào trong cái hộc để đồ trên đầu tôị Vừa đẩy vừa thở. Khi tôi dàn xếp chỗ cho cái va ly của tôi thì tôi biết là đã chật lắm rồi duy chỉ có trên mặt valy của tôi là còn hở chừng 1 gang tay . Tôi không nhét gì lên đó vì sợ làm nát mấy qủa hồng chín ương mà tôi nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa định đem vụng vào đất Tây . Vì vậy, tôi vội đứng lên nhìn thì thấy qủa nhiên bà mập đen này đang hì hục tọng cái bị con bò mông ấy lên trên cái valy của tôi . Tôi hoảng hốt : Ấy, không được . Chợt thấy mình hơi sẵng giọng , bà béo đen khựng lại nhìn tôi , tôi hạ giọng cố làm ra vẻ "ít khả ái" nói: Tôi có đồ dễ vỡ ở trỏng . Bà ta không nói gì, kéo con bò mộng xuống và lếch nhếch sách đi . Tôi đóng sập cửa của hộc tủ và reo mình xuống ghế .

Có tiếng động roọc roọc ở trong chiếc loa rồi có tiếng nói: "Chào qúy vị, tôi là phi hành trưởng của phi hành đoàn .... Vì lý do trời trở lạnh đêm qua nên có băng đọng trên cánh và thân tàu bay, chúng ta sẽ phải cất cánh trễ chừng 45 phút, sau khi chuyên viên làm tan hết băng trên phi cơ" . Rồi im lặng. Rồi tiếng máy tàu bay vẫn ì ì đều đềụ

Tôi nhìn qua khung cửa sổ nhỏ thấy một chiếc xe cần trục đang vần xoay quanh một chiếc phi cơ ở bên cạnh. Mỗi khi đầu cần trục hạ xuống, tôi thấy một luồng hơi trắng bay mù mịt và hơi trắng chạm vào đâu thìbăng đá tan đến đó . Chừng 20 phút sau thì xong . Chiếc xe cần trục lùi ra sau nhường chỗ cho chiếc phi cơtừ từ chuyể bánh ra phi đạo . Tưởng sau đó thì họ sang làm đến phi cơ này .
Nhưng không, họ đi xuống. Họ kéo microphone từ trên trán xuống, nói nói nghe nghe một lúc thật lâu rồi họ lên xe . Một lúc sau nữa xe mới chuyển bánh tiến gần đến chiếc tàu bay tôi ngồi . Vì ngồi bên trái nên tôi chỉ thấy họ phun khói trắng xả băng ở cánh phi cơ bên trái . Rồi họ lùi dần, lùi dần. Rồi tôi không thấy họ nữa . Tôi bắt đầu hết tò mò và nhìn đồng hồ thì thấy 45 phút của ông lái tàu bay đã qua đi từ lâu . Tới khi ổng tuyên bố là đài kiểm soát đã cho mình là người thứ nhất được bay (ông nói bằng tiếng Tây rồi ông dịc sang tiếng Anh thì có nghĩa như vậy) thì đã hơn một tiếng đồng hồ . Mà nào đã cất cánh được đâụ Ông rời tàu bay ra khỏi phi cảng rồi từ từ lăn bánh ra phi đạo, vừa đi vừ ngừng vừa nói : Roọc, roọc, ... vì thời thiết nên phi đạo bị ứ đọng . Như qúy vị thấy, trước chúng ta còn 6 phi cơ nữa, rồi sẽ đến lượt mình. Tôi suýt phì cười vì ông vừa bảo mình là người thứ nhất được bay xong bây giờ ông bảo còn chờ 6 cái nữa . Thực ra, tôi tò mò ngoái trước ngoái sau qua lỗ cửa tò vò thì thấy có 7 cái đứng trước chứ không phải 6.

Nhưng rồi thời gian cũng qua đi và tàu bay cũng cất cánh một cách êm đẹp. Chỉ tội cho MC & HY phải chờ đợi hơn một tiếng đồng hồ ở phi trường CDG. Sau khi nhận hành lý rồi, đẩy ra đi kiếm đoan thì gặp ngay MC & HY . Tay bắt mặt mừng, vừa đẩy xe vừa trò chuyện, khơi khơi ra tới chỗ đậu xe mà chả thấy đoan điếc gì đâu cả

Bùi Tiến


(*) Số là Bh & Btt cho ngày giờ đến phi trường Charles de Gaulle mà không biết terminal . Check đi check lại cuối cùng trước khi lên xe phi trường bảo có một số nhân viên đình công, cứ ra đó sẽ biết ! Ðến ga số 1 tìm không thấy chuyến bay, lại lên xe chạy hộc tốc sang ga số 2 sợ Bh & Btt đến nơi bơ vơ xứ lạ quê người . Hóa ra tđ & tm có thì giờ điều hòa hơi thở, ngắm ông đi qua bà đi lại !

hyc hyc !

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Tây Du Ký - Hoi 2

Postby nmchau » 17 Apr 2005 13:59

Hồi 2

Thương nhau thương cả đường đi ...



Thôn Bọ Ngựa (TBN) ở trong một vùng đồi núi cách Ba-lê khoảng 60 cây số. Ít nhất tôi ra vào TBN từ phía Ba-lê cũng phải đến 30 lần, ngày cũng như đêm. Thế mà nếu bây giờ có ai bảo tôi tìm đường từ Ba-lê bò về TBN, chắc chắn là tôi bị lạc. Lạc trong thôn chẳng nói làm gì chứ lạc trên xa lộ khi tìm đường vào thôn mới thật là ê ẩm .

Sau chuyến đằng-vân dài dằngđặc từ Mộng-lệ-an, chúng tôi được nhị vi thôn chủ đón và, trên đường về, cho đi tham-quan quận 13, nhân thể đón nhị tiểu thư từ công-sẹc-va-toa . Sau đó, ghé Việt-nam tửu lâu dằn bụng mỗi người một tô Mì Ðặc Biệt, thôn chủ làm tô Bánh Canh ... Không Gìo Heo và nhị tiểu thư làm một tô Cơm ... Nhạt, nghĩa là một tô cơm trắng bự không có đồ ăn gì khác hết. Ðiều này không những làm cho khách phương xa thấy lạ mà ngay chủ tửu lâu cũng phải ... kinh-ngạc.

Sau đó chúng tôi về TBN nghỉ ngơi . Trong cơn mơ màng, chợt nghe đâu đây có tiếng đàn văng vẳng. Khách thấy mình tựa như tỉnh, tựa như mơ . Biết là mình mới thức giấc mà trong đầu và thân thể còn như đang ngủ . Mở cửa ra thì thấy đã lên đèn. Trong bầu không khí nửa tối nửa sáng, khach theo tiếng nhạc, xuống nhà . Qua cửa bếp, có khung kính, đóng kín, có ánh đèn bên trong và thấp thoáng có bóng ai hoạt động. Tò mò, gõ cửa bước vào thì ra thôn chủ phu nhân đang thoăn thắt thái rau . Hỏi thì biết thái rau làm Gỏi Ngó Sen . Nhìn quanh vẫn gọn gàng ngăn nắp như không có gì xảy ra . Trên quầy, có một lồng kính đậy kín, một sấp bánh tráng mềm mại và một đĩa rau sống đã thái nhỏ xanh rờn bên cạnh những cọng gía trắng muốt. Hỏi làm gì, có thể giúp được không; thì bảo là bánh cuốn ăn chiều; không có gì để giúp; khách cứ ra ngoài nhà ca hát. Sự thực, khách đâu có biết ca hát là gì, nhưng bảo ra thì ra . Thấy thôn chủ đang say sưa bên phím đàn. Có điều lạ là phím dương cầm chứ không phải phím ky-bo mà thôn chủ đã nổi tiếng mê say từ nhiều chục năm qua . Thôn chủ thấy khách vào, ngước mắt qua cặp kính, mắt và môi đều hơi nhếch lên; cái cười hồn nhiên và rất tươi cố hữu . Khách cũng không lên tiếng chỉ cười đáp lại, rồi ghé ngồi xuống chiếc ghế da dầy và êm, đưa mắt nhìn quanh. Khach phòng rộng và trang hoàng đơn giản. Một chiếc ti-vi và bộ sịt-tê-rê-ô trong góc phòng, bên cạnh là bộ keyboard với mixers và cặp loa lớn . Một sấp nhạc cao gần thước tây, về sau này dở ra xem mới biết là những sấp nhạc này thôn chủ sửa soạn cho bạn bè ca hát, mỗi người một bộ Phía bên kia là bộ tủ chè với chiếc dương cầm bóng loáng. Trên tường là tranh Việt-nam với những thủ bút về thơ với nhạc của bạn bè viết tặng.

Tiếng nhạc vừa dứt, khách định hỏi bản gì mà nghe mới vậy, thì có tiếng chuông keng keng từ trong bếp vọng ra . Thôn chủ sắp xếp lại mấy bản nhạc rồi đi qua phòng ăn. Mọi người cũng dần dần kéo vào . Có nhị vị thôn chủ, nhị vị tiểu thư và hai người khách phương xa . Bàn ăn đã bầy biện thịnh soạn . Thôn trang thật yên tĩnh. Không ai nói to, nếu không muốn nói là "không ai muốn nói". Chỉ cười mím chi và gật, thế mà sao ai cũng hiểu ai . Khách chợt nghĩ đến con kiến, con dán, nói chuyện với nhau qua hai sợi râu dài trên đầu cọ quạỵ Mà người từ hành tinh khác cũng vậy . Ý nghĩ này làm khách giật mình, tò mò nhìn lên đầu nhị vị thôn chủ thì không thấy có gì khác lạ .

Image


Sau bữa cơm chiều, trước chén trà nóng, khách được thưởng thức nhạc do nhị vị tiểu thư trình tấu . Nhị tiểu thư sở trường về trung-hồ-cầm và tam tiểu thư, dương cầm.

Sáng hôm sau tỉnh giấc thì đã gần sang Tỵ . Mở toang cánh cửa . Ánh sáng ùa vào theo hơi sương mát rượi làm cho tâm hồn thêm sảng khoái . Xa xa, qua làn sương nhạt, thôn xóm, với những mái ngói nâu đậm với tường vàng nhạt, trải ra một vẻ lười lĩnh trên nền đồi cỏ xanh. Những đốm đèn trông như loe rộng ra và vàng vọt hơn qua màn sương và mưa bụi . Khách thấy khao khát một cuộc tản bộ bèn khoác áo ấm, xuống thang . Qua thư phòng đã thấy thôn chủ ôm ấp điện-toán nương-nương. Qua cửa bếp đã thấy có ánh đèn và bóng ai thấp thoáng. Mở cửa ra ngoài . Làn mưa bụi reo lấm tấm nhẹ trên da mặt làm thêm tỉnh táo . Lần theo con đường nhỏ xuống đồi . Mặt đường như đậm hơn và trên lề, cỏ xanh như đã có vẻ muốn phục hồi sinh lực mặc dù mùa Ðông chưa hết . Một con sáo đen sà xuống, nhảy nhót đâu đây . Khách nhìn con sáo nhỏ mỏ vàng nhảy nhót, chợt phì cười . Nghĩ, may mà nó nhỏ như vậy nên chỉ đủ sức nhặt côn trùng thôi chứ không đủ sức bắt mất sâu Bọ Ngựa; vì vậy, TBN vẫn luôn luôn là Thôn Bọ Ngựa với:

Ðường vào thôn như mơ
uốn khúc trong sương mờ
Thoảng bên đồi thoai thoải
tiếng nhạc nhẹ nhàng đưa

Bùi Tiến

Như vậy có thể nói đường vào TBN ở Paris như Bùi huynh tả thì cũng mờ ảo như Hương Tích động của Chu Mạnh Trinh. Tuy không đến TBN nhưng TN cũng thấy nao nao là như lạc vào cảnh thần tiên đó vậy
Thôn Bọ Ngựa lung linh sương mây
Ðường quanh uốn khúc bụi mưa bay
Tuyết lạnh gió Ðông tình bạn hữu
Chúc nhau muôn thuở nụ cười say.

Dương Thiên Nga



YN lại quả cho TN nè :

Gặp mặt, nhìn nhau cũng đủ say
Tình thân gửi Quán cánh thơ bay
Bấc Ðông mát rượi nghìn Xuân tứ
Lòng ấm, mặc sương tuyết gió mây

Y Nguyên

Qủa thật lại :

Dù gặp dù chưa, như đã say
Dù cho gió bấc , tuyết, sương bay
lòng như lưu luyến, tình thêm thắm
Xuân nở tưng bừng giữa gió mây

Bùi Tiến
Last edited by nmchau on 17 Apr 2005 15:03, edited 1 time in total.

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Tây Du Ký - Hoi 3

Postby nmchau » 17 Apr 2005 14:00

Hồi 3

Trời Paris mưa phùn lất phất
Nước sông Seine sóng gợn lăn tăn


Image


Sau khi tản bộ một vòng trở về thời mọi người trong nhà đã sẵn sàng để ăn sáng. Trên bàn có cà phê, nước suối mặn, nước suối ngọt, bánh mì, bơ, phó mát đủ loại, kể cả brie và camembert, pâté và một rổ cam quít.
Nếu ai ở Tây mà đã đến thăm Ba-lê có lẽ sẽ đồng ý với nhận xét đơn giản của tôi là bánh tây, bơ, pa-tê, phó mat các loại và ... rượu, có thể có mặt trong bất cứ dịp ăn uống nào, từ ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều cho chí ăn ... chơi nữa . Thú thực, tôi chưa hề thấy ai ăn muffins, English muffins hay "pan cakes" trong suốt thời gian tôi ở bên đó. Thậm chí siêu thị, pastisseries cũng chỉ bầy bán một cách khiêm nhường. Chả bù với Bắc Mỹ. Ở Bắc Mỹ, một ly sữa hay nước trái cây với một muffin được coi là một bữa ăn sáng lành mạnh. Vào tiệm ăn hỏi phó mát, ngay như hỏi cheeseburger ở McDonald, để ăn sáng là một điều khó khăn, nếu không nói là không thể . Ở Bắc Mỹ nhiều khi thấy quảng cáo rầm rộ healthy continental breakfast chẳng qua cũng chỉ muffins và cà phê .

Sau bữa ăn sáng thì cũng tới giờ chạy xuống Ba-lê gặp Bh và Btt bên bờ sông Seine để kịp giờ du ngoạn trên sông.
Trời hôm đó trong sáng tuy không có ánh nắng và có mưa bay lất phất. Chạy xe vòng quanh tháp Eiffel để kiếm chỗ đậu thật là vất vả và mất thì giờ. Vì vậy, sau khi chạy mấy vòng, LD thả YN và chúng tôi ở chân cầu Passerelle Debilly, nơi bến chính của Bateaux Parisiens, rồi chạy đi tìm chỗ đậu một mình. Lý do là để cho Bh&Btt đỡ sốt ruột. Lầ theo bậc thang bước xuống chân cầu thì cũng vừa lúc trời mưa mau hạt hơn. Chúng tôi bước rảo cẳng vào ẩn dưới mái hiên của một quầy hàng đóng cửa . Gío tạt tứ phía, có mái che và có dù cũng chẳng thấy hơn gì.
Tuy trời mưa nhưng trên bờ sông lát gạch rộng rãi, mấy người bán ô và đồ kỷ niệm vẫn cần mẫn chạy loanh quanh và chià đồ ra mời mỗi khi có người qua lại . Cũng giống như chúng tôi, hầu hết mọi người đều bước mau như không nhìn thấy họ, mặc dù nhiều người to lớn kềnh càng đứng chắn ngang ngay lối đi .

Không thấy Bh đâu, YN bảo chắc là Bh đợi ở bên trong.
Tôi, che dù mầu xanh pha hồng của YN, chạy vào trong, tìm quanh. Không thấy . Lại chờ . Một chiếc tàu vừa cập bến Khách uà ra thật đông làm việc tìm kiếm càng khó khăn thêm. Quay ngang quay dọc, tránh người này nhường người kia đến chóng cả mặt . Chờ mãi cũng sốt ruột . Rồi cả chục phút qua đi . Rồi LD đậu xe xong cũng vừa đến .
Chúng tôi cùng nhau kéo xuống cầu tầu để hỏi . Không biết LD hay YN lúc đó mới chợt nhớ ra đây là cầu tầu đi một tiếng . Bh hẹn chờ ở cầu tầu đi lâu hơn một tiếng kia (được gọi là déjeuner croisière) chứ không phải ở đây . Tức là phải đi vào bên trong nữa . Tôi hăng hái đi trước, mọi người lục tục đi sau . Từ xa đã thấy một người dáng dấp nhã nhặn, tóc hoa râm, nét mặt thật tươi, không ra vẻ gì chờ đợi . Tuy chưa bao giờ gặp, nhưng tôi đã biết đây là ai, vì từ khi mới vào quán, tôi đã xem hình các bạn trên đó nhiều lần, nên trở nên quen thuộc. Tôi bước rảo chân lại . Bh cũng tươi cười chạy ra . Chúng tôi ôm nhau mừng rỡ . Chúng tôi xin lỗi đã để Bh phải chờ vì chúng tôi đã đợi nhầm chỗ . Btt hôm đó đi làm buổi sáng, cũng vừa tới nơi . Hàn huyên trong mưa một lúc thì cũng phải lên tầu vì tầu sắp kéo neo .

Image


Chủ có nhã ý nhường cho khách chỗ ngồi tốt để được nhìn cảnh đẹp . Tầu nhổ neo . Mọi người náo nức thăm hỏi và chụp hình lưu niệm . Tầu chạy thật êm . Bên ngoài mưa có vẻ mau hạt hơn vì mái kính của tầu đã nhạt nhòa hơi nước, làm cho cảnh bên ngoài thêm huyền ảo . Khi thấy các chiêu đãi viên bắt đầu đi quanh các bàn, chúng tôi mới mở thực đơn bàn nhau chọn món ăn . Btt nói trước kia thực đơn chỉ có một món, không có được chọn như bây giờ . Sau này mới có hai món để cho thực khách chọn . Tôi nhận thấy thật là tình cờ, cái gì ở đây cũng có đôi
Này nhá, bến có hai cầu tầu, một cho chuyến đi một tiếng và một cho chuyến đi lâu hơn. Món ăn cũng có hai món ăn chơi, hai món ăn chính, hai món tráng miệng (surprise du jour và non-surprise du jour), trà và ca-phê cũng là hai thức uống để chọn. Có hai món không được chọn mà bắt buộc phải dùng, đó là vang trắng và vang đỏ . Ðặc biệt là vang trắng có hai chai, vang đỏ cũng có hai chai . Người mở hai chai vang trắng là người da trắng. Mở rượu xong, lấy tên món ăn thực khách chọn rồi đi . Một lúc sau, có người da đen, không phải đỏ, đến mở vang đỏ . Ðiểm làm tôi càng chú ý là ông ta cũng mở luôn cả hai chai vang đỏ, mặc dù cho tới khi ăn xong, chúng tôi chỉ làm vơi được non nửa chai trong bốn chai này .

Tầu chạy dọc sông từ Passerell Debilly qua tới Pont Sully, vòng lại tới chân tượng Nữ Thần Tự Do, tượng đồng với kích thước nhỏ hơn tượng Nữ Thần Tự Do ở Nữu Ước, trước khi trở về bến. Vì cảnh qúa đẹp nên mặc dù món ăn ngon, rượu tốt với bạn hiền, chúng tôi vẫn không quên chụp rất nhiều hình lưu niệm .

Khi ngồi xuống ăn tráng miệng, tôi thò tay kéo ghế nhích lại gần bàn hơn, tình cờ thấy dưới ghế có một bọc dầy cộm . Tôi hỏi thì mọi người cũng lần tay xuống dưới ghế của mình và cũng thấy có một cái phao như vậy. Tôi tự nghĩ, người ở đây thật là cẩn thận và cách trí . Họ làm như vậy thì nếu rủi ro mà tầu có bị chìm, chắc chắn không một cái ghế nào bị chết đuối .

Bùi Tiến
Last edited by nmchau on 17 Apr 2005 15:04, edited 2 times in total.

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Tay Du Ký - Hoi 4

Postby nmchau » 17 Apr 2005 14:02

Hồi 4


Bãi Deauville cảnh thanh người vắng
Ðường vào Caen gío lạnh sương mờ


Image


Lẽ ra thì tôi chỉ cần trả lời câu hỏi "Paris có gì lạ không anh?" vỏn vẹn trong phạm vi cái gì lạ được bắt gặp tại Ba-lê mà thôi . Nhưng, vì bản tính vốn dễ dãi và hơi thiên về cà kê dê ngỗng nên tôi trả lời câu hỏi này theo nghĩa rộng, nghĩa là "chuyến du Ba-lê này thấy những gì lạ ?" Vì thế cho nên tôi xin cà kê sang cả những cái lạ được bắt gặp dù ở bên ngoài lãnh thổ của thành phố Ba-lê nữa .

Có "plan" là sáng hôm sau dậy ăn sáng và ăn trưa sớm luôn xong rồi mới lên đường đi Caen . Cũng có ý kiến là chỉ ăn sáng thật sớm rồi đi để có thì giờ chơi nhiều ở dọc đường . Thế nhưng, vì tối hôm trước mê chơi qúa nên khi dậy ăn sáng xong thì đã gần 11 giờ trưa . Mọi người nhận thấy nếu chờ ăn trưa sớm xong mới lên đường thì e qúa trễ nên quyết định lên đường ngay, gặp đâu ăn đó thì mới có thì giờ thăm đó thăm đây .
Một trong những chỗ đó đây được thăm viếng là tỉnh Deauville , một tỉnh rất đẹp ở bờ biển, có cả ca di nô cho du khách nữa . Thoạt mới vào tỉnh, tôi có cảm giác đây là nơi nghỉ mát dành cho du khách hạng sang mà phần lớn là tài tử điện ảnh nổi danh trên thế giới . Sau một vòng thăm viếng và chụp hình kỷ niệm, tôi mới thấy rằng không biết họ giầu có và nổi danh như thế nào và họ sang ở đâu chứ như mắt thấy tại Deauville này thì họ cũng có vẻ cần kiệm lắm .

Image


Ði dọc bờ biển, trên nền sàn bằng gỗ thật sạch sẽ, phía bên mặt là bức tường chắn gió cũng bằng gỗ cao gần bằng đầu người, có dành chỗ đi xuống bãi . Nhìn qua bức tường, du khách sẽ thấy bên kia là bãi cát vàng trải dài, nối liền với mặt biển xanh lam gờn gợn sóng dưới nắng hanh và gió nhẹ . Về phía bên trái là một dẫy nhà nhỏ, cao chừng hơn đầu người . Mỗi phòng có bề ngang rộng chừng hơn thước tây và có cửa gỗ hai cánh sơn mầu xanh đậm được khóa kín bằng một ổ khóa lớn . Ðằng trước mỗi phòng lại có lan can gỗ cao trên đầu gối và chạy dài từ cửa ra phía trước chừng một thước . Bên trên các lan can này có bảng gỗ đề tên từng người Richard Chamberlain, Charlton Heston, Arnold Schwarzenegger, Elizabeth Taylor, Michael Jackson, Tom Cruise, Sylvester Stallone, Al Pacino, vv ... , nghĩa là tên hầu hết các tài tử ca sỹ nổi danh trong thế giới ta bà . Ðể chứng tỏ cho mọi người biết mình có tên to, họ thuê vẽ tên to đại sì bàng, cao đến cả gang tay . A, mà tụi có tên to hơn người này sao họ tằn tiện quá đi . Mặc dù bao thuê những chỗ đó như vậy thì họ được ở gần gụi với nhau hơn, nhưng xem ra có phần nhụ nhập . Ðầu chui vào ắt đít để ra chứ chẳng chơi . Tôi nói vậy không phải là noí ngoa đâu . Vì, cứ lấy thân xác còm cõi như tôi mà ước lượng thì đã thấy là căn phòng như vậy có phần quá nhỏ . Nếu nằm co quắp lại thì tạm ổn chứ nếu duỗi thẳng chân thì chắc chắn là bàn chân sẽ thòi lòi ra phía bên kia vách gỗ . Nếu dang rộng tay ra thì chắc chắn hàng xóm có cơ hội ru mãi ngàn năm từng ngón xuân nồng . Còn như vươn vai thì không biết cái gì sẽ sẩy ra, tôi không dám nghĩ tới, nhất là nếu người đó lại là tài tử khổng lồ Schwarzenegger .

Ði dọc bờ biển, qua hết khu tư thất của các nghệ sỹ điện ảnh tài danh trên thế giới này , chúng tôi rẽ sang trái để trở ra phố, với tà ý là vào ca di nô kiếm ít bạc lẻ mua qùa tặng am chủ Thạch Am. Nhưng, thiên bất dung gian, khi đến cửa thấy tấm bảng dán ở cánh cửa kính nói về y phục, chúng tôi mới thấy là họ đòi hỏi loại quần áo mà những du khách yêu thích tự do như chúng tôi thường không ưa mặc . Lý do giản dị là loại y phục này chỉ làm cho người mặc thấy gò bó hơn là thoải mái . Do đó, chúng tôi quyết định không vào và đi vòng quanh xem cửa tiệm rồi về kể cho am chủ nghe cũng đủ.

Ở một quán nhỏ góc đường, trong cửa kính có vẻ cũ kỹ chứ không ra vẻ cổ kính, đồ đạc được bầy một cách chểnh mảng . Tôi chú ý đến một vuông vải loang lổ màu xanh màu đỏ như bị trẻ con nghịch ngợm bôi tay bẩn lên lem luốc. Trông không ra miếng màn cửa mà cũng chẳng ra miếng giấy dán tường. Nhìn lui xuống thì thấy một tiếng plastic trắng nằm khiêm tốn ở một góc với mấy con số FF4500.00 . Hỏi ra mới biết đó là khăn quàng hiệu Hermes .
Ðiều này làm tôi chợt nhớ đến ở một cuốn hồi ký đi tây nào đó, tác gỉa kể, vì tò mò,đã khám phá ra một bà cô lớn tuổi của tác gỉa đã dùng khăn quàng Hermes làm đồ lót cho đôi păng-túp. Tôi thấy bà cụ này thật chí lý .

Vòng qua góc phố bên cạnh, chúng tôi xem quầy hàng quần áo phụ nữ . Trong quầy kính trưng bày mờ mờ sáng là mấy cô ma nơ canh mặc y phục mùa đông. Ðứng ngay ngoài, gần cửa kính là một cô dáng dấp gầy, cao và nhỏ, tóc dựng lên kiểu tóc ướt không nhuộm mầu . Trên mình cô khoác chiếc măng tô màu vàng cam đậm bằng len hay nỉ thì không rõ. Cổ áo bằng lông thú, thực hay a-cri-lích thì cũng không rõ luôn, màu vàng nâu hơi phơn phớt ánh sám. Toàn bộ cô ma nơ canh này trông như một cô gái quê lên tỉnh, nghèo nhưng muốn chưng diện. Tưởng tượng nếu cô ta di chuyển được thì sẽ giống hệt như các cô gái kiếm sống trong chỗ tranh tối tranh sáng . Và, tôi tin là nếu cô mon men đến gần bất cứ một đấng nam nhi bình thường nào, như tôi chẳng hạn, thì họ sẽ đều tìm cách né tránh hết.
Thế mà, bạn biết gì không, tôi sắp sửa nói cho bạn nghe điều mà chính tôi không tin là mắt mình đã nhìn thấy :
dưới chân cô ma nơ canh này có một miếng nhựa trắng to hơn ngón tay người lớn một chút, đề con số bằng mực màu đen FF 75000.00 . Tôi chợt vỡ lẽ tại sao các vị tài tử điện ảnh tên tuổi chân chính của cõi ta bà này lại thuê sẵn những căn phòng nhỏ híu bên bờ biển . Chẳng qua là để tiết kiệm lấy tiền mua quần áo đem về Hồ Ly Út trưng diện với người ta mà thôi .

Rời Deauville, chúng tôi đi theo đường phía trong. Tuy vòng vèo và xa hơn đường ngoài, nhưng được xem thêm danh lam thắng cảnh . Vì vậy nên khi đến Caen thì đã suýt soát 5 giờ chiều . Chúng tôi ghé quán trà nước giải khát một lúc thì có phôn gọi, té ra am chủ Thạch Am lo ngại quý khách bị đem cầm cố lấy tiền đánh bạc ở Deauville . Chúng tôi vội vã tìm đường về Thạch Am ngay để am chủ bớt sốt ruột và nhất là để cho kịp sửa soạn cùng nhau trở lại Caen ăn cơm chiều . Tất cả được anh chị NM Ðức mời vào lúc 7.30 tối . Mặc dù ai nấy đều đói ngấu mà không ai muốn dằn bụng chút gì hết, e làm đoảng mất bữa cơm chiều mà mọi người đều biết là sẽ có nhiều món đặc biệt và thịnh soạn

Bùi Tiến
Last edited by nmchau on 17 Apr 2005 15:00, edited 1 time in total.

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Tây Du Ký - Hoi 5

Postby nmchau » 17 Apr 2005 14:03

Hồi 5


Thôn Bọ Ngựa rong chơi vớì khách
Tân Ðào Viên thăm viếng Thạch Am


Nếu bảo tôi đi từ Ba-lê về Thôn Bọ Ngựa thì chắc chắn là tôi sẽ bị lạc vì đường lên xuống vòng vo tam quốc chí . Thế nhưng nếu ở Caen, hay nói rõ hơn là ở đại học Caen, mà bảo tôi tìm đường về Thạch Am (TA) thì dù chỉ mới được đi lại trên con đường này trên dưới 10 lần, ngày cũng như đêm, nhưng tôi có thể nhắm mắt mà đi cũng tới . Qủa thật tôi không nói ngoa vì am chủ thường nói "gần và dễ đi lắm" . Am chủ còn tỏ ra hăng say giải thích thêm: "Từ nhà tới đại học Caen chỉ có hai ngã tư đèn đỏ thôi" . Mà đúng thế thật . Chỉ có hai ngã tư đèn xanh đèn đỏ và, khi đi, nếu để ý sẽ thấy mỗi đèn chỉ cách nhau có khoảng 10 cây số chạy thẳng cánh cò bay băng ngang cánh đồng không mông quạnh bát ngát mù khơi . Thành thử, tôi chỉ việc nhắm mắt mà đi, một đèn này, hai đèn này, rồi ngoẹo thật gắt một góc gần 30 độ, một chút sau, ngoẹo thêm cái nữa ít gắt hơn. Ðấy, Thạch Am đấy, ở bên tay trái . Xin các bạn đừng cắc cớ hỏi tôi nếu đã nhắm mắt rồi làm sao còn thấy đèn xanh đèn đỏ mà đếm . Thú thực, phải ăn gian một tý, nghĩa là ty hý một tý tỵ tỳ ty . Chứ nếu không thì dù có vượt đèn đỏ cũng chẳng có xe quái nào nó bóp còi cho mình biết đâu . Ðường vắng lắm . Một mình một cõi, đường ta ta cứ đi, chẳng ai buồn chen lấn .

Image


Tôi không hỏi am chủ tại sao lại đặt tên cho nó như vậy .
Nhưng cứ nhìn Thạch Am từ bên ngoài mà nói thì thấy cái tên thật là đúng , nhất là vào những buổi chiều tà .

Chúng tôi đến TA vào khoảng sấp sỉ 5 giờ chiều . Ðậu xe xong, mọi người mang đồ vào . Tôi bước sang bên kia đường để nhìn TA một cách tổng quát và chụp bức hình kỷ niệm . TA tọa lạc trên một vùng đất rộng, tường màu vàng có vỉa đá vàng xám . Mái ngói màu nâu sậm vượt hẳn lên trên hàng rào cây cắt thẳng tắp và được tỉa một cách công phu . Trời dần tối nhưng có nhiều mây nên nền trời trở nên xám nhạt ương vàng và làm thêm đậm nét cho mái nhà cùng những cành cây cao khẳng khiu không còn
lá in hằn trên đó . Thật là tĩnh mịch, một sự tĩnh mịch trong cái yên tĩnh của một khu tự nó đã thật là yên tĩnh và vắng vẻ . Qủa thật, từ lúc chúng tôi đến cho tới lúc chúng tôi rời khỏi TA, tuyệt nhiên chúng tôi không thấy một bóng người hàng xóm ra vào hay thấy tiếng động của một chiếc xe qua lại . Tôi chợt thấy như mình vừa thóat ra khỏi cõi hồng trần, bỏ lại những xôn xao ở một nơi nào xa xôi lắm .

Tuy nhiên, khi vào đến bên trong, cảnh sắc TA hoàn toàn khác hẳn . Vừa bước qua cửa phòng khách, thấy trước mặt là một hồ cá thật to, bong bóng sủi lăm tăm . Ánh đèn chiếu sáng vừa đủ để thấy nước trong vắn vắt và thấy nổi bật lên những chú cá xinh xinh bơi lượn thật vui mắt .
Về bên trái là phòng khách, bàn vàghế bành rộng bầy phiá trước mặt lò sưởi . Tuy không đốt than hồng, nhưng ự nó, lò sưởi đã tạo nên một cảm giác ấm cúng . Lui vào phía trong là nơi để chiếc dương cầm cỡ lớn, dưới chân có mấy chậu cây, trong đó, cây lan đang nở ba giò tươi mát . Phía bên phải là phòng ăn . Tất cả được trang trí rất đơn giản trong bối cảnh thanh nhã và có phần nghiêm trang . Thế nhưng, nếu để ý từng món một thì thấy đa số có vương vấn đôi chút sở thích tỷ mẩn và hồn nhiên của thời son trẻ .

Buồng được dành cho chúng tôi ở trên lầu và về bên cánh tả . Bên cánh hữu có hai buồng, được dành cho Thôn Bọ Ngựa và của Thạch Am đại tiểu thư . Cánh tả và cánh hữu cách nhau bằng một phòng giải trí thật rông, có máy truyền hình cỡ lớn, máy VCR với hàng đống băng hình cao nghệu . Am chủ ở tầng chính . Căn nhà đã yên tĩnh, khi lên lầu càng yên tĩnh hơn . Tôi ngả mình trên nệm, vòng hai tay ra sau gáy gối đâu, cố tìm một sự thoải mái sau một ngày dài rong ruổi, tiệc tùng . Ðưa mắt nhìn trần
nhà và đảo quanh phòng, thấy toàn là cánh cửa khép kín .
Tôi tự nghĩ "thật là cách trí, lợi dụng được hết những chỗ thấp của căn phòng làm tủ chứa đồ" .

Image


Có tiếng dương cầm văng vẳng đưa từ dưới nhà . Tôi biết người nghệ sỹ tài tử này, dù mệt mỏi hay bận rộn đến đâu, khi thấy dương cầm đố ai có thể bảo đừng cho được. Bản đàn dứt. Căn phòng lại trở nên im lặng . Tôi chợp chờn, trong bóng tối mờ mờ của an'h đèn ngủ, mơ hồ thấy bên ngoài có tiếng lên thang chậm chạp và mỗi bước làm cho bậc thang gỗ kêu cót két nhẹ nhàng .
Tôi hơi thấy rờn rợn và cảm thấy nuối tiếc . Tôi thấy tiếc là giá mà trong thời gian 1965-66 khi tôi có dịp làm việc chung với nhà văn Phạm Cao Củng, nếu tôi cố theo học được cách viết văn trinh thám, thì với trí tưởng tượng của tôi lúc này tôi đã có thể có được một tác phẩ tuyệt vời . Nghĩ đến đây, tôi càng thấy rờn rợn hơn . Chợt nhớ đến cây kiếm anh Ðức tặng hồi chiều tối, tôi nhỏm dậy lấy ra để lên mặt bàn cho yên dạ .
Mặc dù khi rút kiếm ra khỏi vỏ không thấy có ánh sáng xanh đến lạnh mình toát ra như thanh Can Tương hay thanh Trủy Thủ Ngay như lưỡi kiếm cũng không có vẻ gì là cắt sắt như cắt bùn được như thanh Ỷ Thiên, vì nó dầy như phía dọng kiếm . Tuy nhiên, tôi vẫn thấy vững bụng qua đêm . Vì, như các bạn đã biết, gươm qúy hay bảo kiếm đâu phải là điều quan trọng . Ðiều quan trọng là ở tài năng và kiếm thuật của người sử dụng . Như Lệnh Hồ Xung kia còn chỉ cần có một cành tre nhỏ thì, như mình, lo gì khi đã có cả một thanh kiếm dầy cui .


Bùi Tiến
Last edited by nmchau on 17 Apr 2005 14:58, edited 2 times in total.

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Tây Du Ký - Hoi 6

Postby nmchau » 17 Apr 2005 14:04

Hồi 6

Lối lên non sương mù giăng mắc
Ðường về Am tuyết trắng ngợp trời


Tôi dơ cao hai tay lên qua đầu, vươn vai một cái thật dài, dài hơn người, thấy trong người thật là thoải mái .
Gân cốt như dãn ra và một làn hơi ấm áp đưa lên đầu làm tan loãng đi cái ngai ngái và váng vất vì dư hưởng của hơi rượu tối hôm trước . Căn phòng tối như bưng lấy mắt . Tôi định thần nhìn vòng quanh một lúc mới nhận ra ở khoảng giữa của vùng bóng tối phía bên phải có một khung chữ nhật mờ mờ sáng hơn chung quanh một chút .
Tôi nhớ ra chỗ đó là khung cửa sổ có che một tấm màn cửa mầu đậm và dầy . Nhờ nhận ra khung ánh sáng mờ nhạt này, mặc dù rất nhạt, đôi mắt của tôi dần dần nhận ra đồ vật trong căn phòng . Tôi nhẹ nhàng ngồi dậy và tụt xuống phía chân giường vì bên tay mặt là cái bàn ngủ và tường, bên tay trái là bà xã . Khoác chiếc áo choàng và dón dén đi ra phía cửa như một con mèo lười lĩnh và ngái ngủ . Hé cửa nhìn ra ngoài . Cửa buồng phía đối diện và cửa buồng tắm phía tay trái vẫn còn đóng kín, không có ánh sáng lọt qua khe dưới chân cửa . Vì e rằng lát nữa mọi người cùng dậy thì có thể phải chờ đợi nhau để có thể sử dụng phòng tắm nên tôi vào làm vệ sinh thường thức .

Tôi đi rảo xuống nhà dưới xem đã có ai dậy chưa . Bực cầu thang gỗ kêu cót két dưới mỗi bước chân gượng nhẹ . Tôi thấy bực mình vì những tiếng động thừa thãi làm xao động bầu không khí yên tĩnh buổi sáng sớm này .
Tầng dưới vẫn im lặng như tờ . Qua buồng bếp, không có ai . Nhìn dọc hành lang về phía phòng ngủ chính và phòng làm việc, một đôi dép màu nhạt được xếp một cách ngay ngắn . Vào buồng khách, tôi đứng ngắm mấy con cá con tung tăng bơi lội trong bồn nước trong veo, từng đoàn bong bóng đua nhau nổi lên trên mặt nước tạo nên những tiếng lóc póc đều đều . Một con cá trắng có vằn đen như da con ngựa vằn với vây và đuôi nhỏ, dài lê thê phất phơ thật đẹp, bơi lững lờ uể oải, mũi hướng lên cao ngáp ngáp, trông có vẻ mệt mỏi . Tôi quay gót, lặng lẽ
lên lầu .

Tôi chỉ định ngả lưng thêm một lúc chờ mọi người tỉnh giấc . Nhưng khi tiếng dương cầm từ dưới nhà vẳng lên đánh thức tôi dậy thì đã hơn 9 giờ . Kéo rộng tấm màn cửa sổ dầy, ánh sáng dịu lùa vào cùng với một cảm giác mát mẻ như báo trước một ngày không nhiều nắng . Chúng tôi thay quần áo, xuống nhà . Bước chân trên cầu thang như hòa nhịp với sự hoạt động của một ngày mới bắt đầu, không làm tôi thấy dễ ghét như hồi sớm .

Ở trong bếp và phòng khách không thấy am chủ đâu và đôi dép màu nhạt cũng không còn ở cuối hành lang . Hỏi, thì được biết am chủ chạy sang bên cạnh mua bánh tây tươi đãi khách . Tiếng là sang bên cạnh, nhưng thực ra đến mười lăm phút sau mới thấy am chủ cho xe vào cổng .

Theo chương trình thì ngày nào tươi đẹp đi Mont Saint-Michel và ngày còn lại đi thăm cổ thành, trường đại học và, nếu trời đẹp sẽ đi vùng Arromanches xem di tích cuộc đổ bộ Normandie của đồng minh vào thế chiến thứ hai . Sáng hôm đó trời có vẻ sáng sủa và không mưa nên mọi người quyết định đi Mont Saint-Michel vì "không biết ra sao ngày sau".

Image


Ðược biết Mont Saint-Michel là một trong những kỳ quan của thế giới, cách Caen khoảng hơn trăm cây số . Xa trông, Mont Saint-Michel chỉ là một ngôi nhà thờ cổ đồ sộ tọa lạc trên đỉnh một ngọn đồi thấp. Nhưng đến gần thì thấy nó là cả một quả núi lớn . Mặc dù ngôi nhà thờ choán hết già nửa quả núi về phiá đỉnh, nhưng chung quanh núi, dưới chân nhà thờ, vẫn dư đất để nhà cu+?a dựng lên san sát, đông đúc và sinh hoạt như một thành phố nhỏ .
Ðường lên núi là những bực thang bằng đá tảng rêu phong cổ kính . Hai bên đường, cửa tiệm buôn bán đồ kỷ niệm và quán ăn thật sầm uất. Khi nước triều xuống, Mont Saint-Michel đứng sừng sững như một qủa núi giữa cánh đồng bát ngát với đỉnh là tháp nhà thờ nhọn hoắt và trên đỉnh tháp, tượng thánh bằng vàng đứng xòe đôi cánh rộng . Dù chỉ một chút ánh sáng non buổi sớm hay chút nắng còn xót lại lúc chiều tà cũng đủ làm cho tượng sáng long lanh, nổi bật trên nền trời thẳm. Nhưng khi nước triều lên nó trở thành một hòn đảo lớn ngạo nghễ giữa một vùng mây nước mênh mông . Tục truyền rằng có lúc nước lên nhanh đến độ người và vật chạy không kịp, bị chết đuối vô số kể . Vì vậy, chúng tôi có ý dùng dắng để chờ xem lúc thuỷ triều lên và người với vật chạy nhanh như thế nào cho biết . Rất tiếc, không thấy nước lên nên việc xem chạy đua với thủy triều phải chờ dịp khác .

Có điều làm tôi chú ý là trên đường đi đến Mont Saint-Michel, vì xa lộ đang được mở mang nên đi được non nửa đường thì phải đi sang quốc lộ 175 . Nhờ vậy, tôi được nhìn cảnh đồng quê rõ hơn, vào những lúc trời quang đãng . Những lúc đó, tuy trời mùa đông nhưng chỉ hơi lất phất mưa phùn làm cho cỏ như xanh hơn và những thửa đất đã vỡ trở nên đỏ hoặc nâu đậm hơn . Dọc sườn đồi thấp, những mảnh ruộng to nhỏ và màu sắc khác nhau được phân chia vuông vức và ngăn nắp . Lác đác đó đây những xóm nhà nhỏ đứng im lìm dưới làn mưa ướt át làm tôi liên tưởng đến những vùng đồi núi Ðà Lạt, Pleiku, Bắc Ninh, Bắc Lý, ... ngày nhỏ tôi đã có dịp đi qua . Ðiều khác biệt là bây giờ tôi đi xe chạy với vận tốc trên dưới 150 cây số giờ, còn ngày đó tôi đi bộ . Ngoài ra, đồng ruộng tuy ngăn nắp và phân định mầu sắc hao hao giống nhau nhưng ở kích thước khác nhau . Cánh đồng xưa của tôi tuy bé nhỏ nhưng có những luống cải xanh điểm những vồng hoa vàng, những luống rau cải bắp hay sà lách lá cuốn ôm chặt lấy nhau một cách tròn trịa và xanh mát . Tôi nhớ cả từ khi tản cư về làng Ném Tiền, tôi bỡ ngỡ định hỏi tại sao lại gọi là Ném Tiền . Bộ người ta giầu lắm nên đem tiền ném đi sao .
Như vậy có làng nào là làng Nhặt Tiền hay Thu Tiền không, nhưng không dám hỏi . Có lẽ vì vậy tôi cứ bị quẩn quanh mãi cho tới ngày nay về Thu Tiền với Tiên Thù . Ngày đó, những lúc đông về, trời lạnh đến hanh hao nứt nẻ, khi hầu hết các ruộng bí đã gặt xong, tôi thường đi lang thang xem người nghèo ra mót. Ðây là mót bí hoặc rau cỏ, củ, bắp còn xót chứ không phải mót tiền người giầu ném đi đâu . Nhiều khi, vào những lúc nhập nhoạng tôi thấy có người bê lên cả những qủa bí đao to như bắp chân người lớn . Lúc ấy tôi nghĩ là người thợ gặt đã bỏ sót, nhưng sau này nghĩ lại, biết đâu người đi nhặt đã chẳng bước cả sang thửa ruộng chưa gặt xong một cách vô tình .

Khí hậu thay đổi khá bất thường thoáng đấy đã thấy sương mù dầy đặc . Qua khung kính xe, chỉ thấy một mầu trắng xóa . Quạt thổi tối đa mới đuổi được phần nào hơi nước bám bên trong cửa kính . Thế rồi, một lúc sau lại thấy trời quang dần ra và cảnh trí lại trở nên mát mẻ, loáng thoáng chạy lùi ở phía bên ngoài .

Image


Gần đến Mont Saint-Michel, cảnh vật có phần đổi khác đôi chút, với những cánh đồng cỏ hoang dại hơn với những con bò khoang gầy guộc và những đàn cừu nhỏ thưa thớt . Thấy nói vì vùng này khi nước triều lên có tràn tới nơi nên đất mang nhiều chất mặn . Do đó cỏ không được non và thịt cừu có hương vị khác. Cỏ không được non thì đúng rồi, vì thấy có vẻ xác sơ . Nhưng chất vị của thịt cừu có khác lạ như thế nào thì tôi chưa được nếm . Chỉ thấy bề ngoài, lông lũ cừu này có vẻ nhuôm nhuôm bẩn hơn những con cừu tôi thường thấy và có nhiều chú đầu đen hơn đầu trắng . Nhớ hồi ở Tân Tây Lan, lần đầu tiên thấy mấy chú cừu mập nú mập nần, lông ngắn và xoăn tít, núng nính trên bốn cọng chân bé tí híu, tôi định đến gần vuốt ve xem nó có thực hiền như cừu như người ta thường nói không và xem da dẻ nó mịn màng như thế nào mà làm len được . Thế nhưng tôi không thể nào tới gần chúng được vì mỗi khi đến gần, chúng lại lảng ra xa và đến càng nhanh chúng lảng càng nhanh Nhất là khi chúng phóng chạy thì lại càng thấy là khó đuổi . Tôi tự hỏi nếu bây giờ xuống đuổi mấy chú cừu nhuôm nhuôm quen chạy trốn nước triều dâng này thì chúng sẽ chạy nhanh như thế nào . Tuy nghĩ thế, nhưng thâm tâm thì không muốn thử vì e khi đang đuổi cừu, nếu nước triều dâng thực mà mình chạy không kịp thì chúng sẽ có dịp cười sứt mũi, tội chúng .

Vì cảnh lạ và đẹp nên mặc dù mùa đông, khí hậu đổi thay nhiều và gió khá lạnh nhưng du khách vẫn đông, tuy thấy nói không đông bằng các mùa khác . Quẩn quanh lưu luyến , lên xuống chụp hình thì có lẽ ở đấy cả mấy ngày cũng chưa chán . Nhưng rồi ngày vui cũng qua đi và sắp sửa ra về . Trời về chiều có hơi hửng chút nắng vàng .
Ai nấy đều hài lòng vì đã chọn được đúng ngày đi chơi xa chứ nếu để đến hôm sau chưa chắc được ngày đẹp như vậy .

Trên đường về, được chừng mươi phút, tự nhiên thấy lất phất mấy bông tuyết bay rất đẹp . Tôi đùa: "Mới đây thấy tin tức nói có nước phải bỏ cả trăm ngàn đô la ra mua tuyết và thuê những tàu chuyên chở có khoang lạnh khổng lồ chuyển về . Nay mình mới đi chơi có mấy ngày mà đã có người gửi tuyết theo cho đỡ nhớ, thật tuyệt". Thế nhưng tuyệt thật chưa được bao lâu thì tuyết đã đổ xuống mịt mù . Thoáng chốc, cả trời lẫn đất đều trắng xóa một mầu . Xe đi chậm như sâu bò, nối đuôi nhau hàng dặm . Xa trông, trong vùng không gian trắng mờ nhập nhoạng, những đốm đèn sau xe vừa đi vừa thắng nối tiếp nhau thành những vạch đỏ ngoằng ngoèo nhạt nhòa dần cho tới khi ra ngoài tầm mắt . Chốc chốc lại thấy có xe trượt bánh lạc đoàn sang nằm nghỉ bên lề một mình hoặc vài ba xe hôn hít nhau rồi rủ nhau ra nằm riêng một cõi . Bò sìu sìu ển ển như vậy được thêm một lúc nữa thì đứng hẳn, không xe nào nhúc nhích nổi .
Mọi người bàn tán và đoán là có tai nạn phía trước .
Thấp thoáng có người xuống xe đi đi lại lại . Trời dần dần tối sậm hơn, chúng tôi bắt đầu cảm thấy sốt ruột. Càng sốt ruột hơn khi thấy có hai chiếc xe nhỏ của công chánh và cảnh sát hụ còi bí bo dọc theo lề đường dành riêng cho xe cấp cứu từ đằng sau chạy tuốt lên phía trước . Xe dừng lại một lúc . Họ xuống xe đi lại loanh quanh như có bàn luận điều gì, rồi lại lên xe và cả hai xe cùng chạy lùi lại gần xe chúng tôi, rồi tìm đường sang con đường nhỏ bên cạnh chạy đi mất, không được cái tích sự gì cả .

Thôn chủ Thôn Bọ Ngựa bàn đi vào con đường nhỏ bên cạnh, giống như service road, để tránh kẹt xe . Ai cũng ngần ngại vì sợ lạc . Nhưng, bổn tính vốn ưa "lái bậy" nên Thôn chủ quyết định xin đường, cắt ngang bãi cỏ, chui sang con đường nhỏ bên cạnh tìm đường về. Băng ghế phía sau xe lao xao có tiếng dở bản đồ và bàn luận . Xe chạy được một lúc khá thông, mặc dù đường cũng ngập tuyết nhưng không đến nỗi nguy hiểm. Phía sau có mấy xe cũng bắt chước chạy theo cho có bạn . Nhưng chưa được bao lâu thì xe lại phải ngừng vì phía trước có xe chở hàng bị mắc kẹt làm cả hai chiều đều bị ứ đọng . Trong khi chờ đợi, nghe radio thấy nói vì tuyết rơi qúa nhiều giữa Rennes và Caen, tức là đúng đoạn đường chúng tôi đang đi, nên xa lộ bị tạm thời đóng lại qua đêm . Chúng tôi ai nấy đều mừng rỡ vì lần này Thôn chủ đã "lái đúng" chứ không "lái bậy" . Dầu sao, trên con đường làng, tuy chậm nhưng chắc sẽ về tới Am chứ không đến nỗi phải ngủ đêm trên xe nơi đồng không mông ... tuyết này .

Bùi Tiến
Last edited by nmchau on 17 Apr 2005 14:56, edited 2 times in total.

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Tây Du Ký - Hoi 7

Postby nmchau » 17 Apr 2005 14:06

Hồi 7


Tiệc Bồ Ðào, Mộc Lan Trang đón mừng Tân Thế Kỷ
Nhạc Mừng Xuân, Silicon giữ khách thức thâu đêm


Chúng tôi được mời đến dự tiệc tất niên và đón mừng Thiên Niên Kỷ mới tại Mộc Lan Trang (MLT) vào lúc 7.30 tối . Mặc dù hôm trước đi chơi về khuya và sáng hôm sau rời Thạch Am (TA) hơi trễ vì am chủ bị mệt bất ngờ, chúng tôi không ai bảo ai, nhưng đều có vẻ cố gắng sắp xếp để đến MLT cho sớm . Người thì muốn đến xem có thể giúp được gì chăng, kẻ thì háo hức muốn gặp những người bạn từng nghe danh mà chưa bao giờ gặp mặt Lưỡng Dao (LD) sốt sắng lo xong phần Ki-bo và âm thanh của mình lên xe từ lúc 5 giờ chiều . Tuy khởi hành sớm nhưng khi gần vào tới Ba Lê, thấy đường có vẻ đông, rồi đèn nhấp nháy báo kẹt xe từ A86 tới A4, mọi người vẫn thấy lo đến trễ . Tuy nhiên LD tìm được chỗ ra trước khi bị kẹt nên đến nơi dù không sớm như mong muốn nhưng cũng không bị chậm trễ lắm . Trời lúc đó đã thật tối lại có mưa phùn, nên tôi không có dịp thăm viếng bên ngoài của MLT . Rất may là có chỗ đậu ngay trước nhà nên việc di chuyển nhạc cụ và đồ về âm thanh cũng như đồ ăn thức uống vào cũng đỡ vất vả đôi chút.

Qua cổng là cái sân nhỏ . Sát mặt trước căn nhà là cây mộc lan cao nghệu, lý do của cái tên rất thanh nhã của gia trang. LD khệ nệ ôm cái loa bự đi mau chân dọc theo con đường bên hông nhà ra đằng sau . Tôi xách cái mixer, mỗi bà ôm một bịch đồ ăn, lục tục theo sau . Về phía bên
phải có hàng rào trúc dầy và cao quá đầu người . Vào đến sau nhà thì thấy ni lông dầy bọc kín mít từ mái hiên xuống đến đất, không có lối vào . Bên trong có ánh đèn sáng choang và có bóng người qua lại . LD nói: "Mọi khi vẫn vô bằng cửa sau" rồi lại khệ nệ bê loa vòng ra phía
trước . Trang chủ thấy động, ra đón từ cửa chính. Ðồ đạc được tạm thời để ở hành lang, nơi có mấy chậu lan xòe rộng lá và đang trổ hoa . Chủ khách tay bắt mặt mừng, thăm hỏi, rồi trang chủ (Bh) mời mọi người vào phòng khách . Nhưng vì họ quen nhau quá thân nên cứ tà tà kéo thẳng vào nhà trong chào hỏi trang chủ phu nhân (Btt).
Chúng tôi cũng theo vào và gặp thêm hai người khách, được giới thiệu là Nguyên Dung và Minh Châu . Sau khi chào hỏi nhau tíu tít và cất xong áo khoác, mọi người lại được mời ra nhà ngoài . Có tiếng nói lao xao ở dưới nhà . Tôi đoán là có một số bạn đến sớm giúp sắp xếp nên chủ nhà không muốn chúng tôi kéo xuống làm rộn chân tay . Nhìn đến LD, Hoàng Yến (HY) và Mai Ninh (MN) thì không biết họ có cùng ý nghĩ như tôi hay không hay là vì họ nể lời Btt hơn là Bh mà bây giờ lại lục tục cùng nhau theo chân Bh ra phòng khách.

Image


Phòng khách là một cái buồng dài khoảng hơn hai lần chiều ngang nhưng được dành riêng làm phòng khách chứ không thấy có bàn ăn . Ở giữa phòng thấy kê một kệ rượu với những chiếc ly pha lê trong vắt, long lanh bên cạnh những chai rượu mạnh màu cánh cam, những chai nước suối màu xanh ngọc thạch và một thùng đá lạnh đang bốc hơi mát rượi . Sát bên tường là một tủ kính bằng gỗ cao gần sát trần, chứa đầy sách gáy da chữ vàng. Ðối diện là một chiếc tủ kính nằm sâu vào trong tường bầy đồ cổ bằng ngọc và sứ. Nhìn về phía tay phải, trên tường treo một bức tranh tố nữ, ở dưới là bộ sa lông nằm ấm cúng trước một cái lò sưởi đang bập bùng lửa hồng.
Phía trên lò sưởi treo môt con đồi mồi, bề ngang cỡ chừng ba, bốn tấc, và bên góc đứng khiêm tốn một bức bình phong sơn mài bốn cánh đối diện với chiếc đàn tranh. Tiếng Bh hỏi uống chút gì cho ấm bụng làm tôi quay về với kệ rượu . Tiếng rằng tửu lượng tôi cũng khá và đã mấy lần suýt vì bạn sai đầy tớ đi đổi áo khinh cừu . Nhưng, lần này tôi biết đêm vui còn dài mà tiệc Bồ Ðào thì chưa bắt đầu . Hơn nữa, tuy thân nhau mà mới gặp, tôi giữ lễ, chỉ xin vài giọt Martel trong một ly đá lớn . Nhưng, tợp một hớp trong ly đá lạnh mà sao thấy lưỡi thơm lừng và một luồng hơi ấm từ đan điền đưa thẳng qua đầu, lên tới trần nhà mới lững lờ đứng lại . Bh đang mỉm cười bỗng như khựng lại, lấy cặp kính cầm tay . Ðôi tròng mắt đảo ngược lên . E Bh quá ngạc nhiên, tôi lùi dần và ngồi xuống ghế . Btt và các người khách khác đang vui câu chuyện. Tôi quay ra quan sát nốt phòng khách . Bên cạnh tôi là bà xã, MN và Btt.
Ghế đối diện tôi, mấy bà đang vui vẻ rắc những đốm kim nhũ xanh đỏ lên tóc, lên mặt nhau . Nhưng sao không dính Mấy bà rắc rắc, vỗ vỗ, cười cười, nói nói . Tôi thấy có bà bị vỗ đến đỏ hồng cả đôi má mà không thấy dính được là bao . Hầu hết thấy lỏa tỏa xuống áo và sàn nhà .

Có tiếng ồn ào ngoài cửa . Khách bắt đầu đến đông. Chúng tôi được giới thiệu với từng người: anh Hùng, chị Quỳnh Dao (QD), à, người đã trách vốn chúng tôi đem tuyết sang hôm nọ đây , tý nữa mình sẽ mời sang chơi Mộng Lệ An vào dịp Nô En năm tới cho biết; anh Ðăng Thiện (DT), chồng chị Châu, à chồng bà vui tính đang cố rắc rắc hoa thể lên bạn bè đây mà ... Khi tới Bích Lý, tôi chào hai người, và trong khi bắt tay, tôi định hỏi đây là Bích Lý, thế còn anh, xin lỗi quý danh là gì, nhưng may thay, có tiếng hỏi anh Bích về cây ghi ta mang theo, tôi mới giật mình, hú vía . Anh Ngọc Bích (NB) là người vui tính, nói cười luôn miệng, ngược hẳn với anh DT, tuy vui tính nhưng khi cười, thấy có phần "dè dặt" . Ðây là hai trong những tay ghi ta nòng cốt của buổi tất niên. Ðược một lúc thì anh chị Ðông cũng đến. Anh Ðông là người hòa nhã, cười nói nhẹ nhàng, còn chị Ðông, Thục Hiền (TH), thì như một cơn gió lốc, ùa vào rồi ùa ra . Thoáng một cái, không nghe tiếng chị, nhìn lại, thì thấy quý bà đã bị cuốn đi đâu mất hết, phòng khách cò trơ lại một đống đàn ông cười cười nói với ly rượu trên tay .
*
* *
Image


Bàn ghế sắp xếp ở dưới nhà đã xong. Tôi để ly rượu cạn lại bàn và theo mọi người thủng thẳng xuống nhà dưới . Qua hành lang, tôi mới nhận thấy một bên tường cũng là một tủ kính rộng, ăn sâu vào trong . Những tượng bằng ngà và đồ kỷ niệm bằng ngọc thạch được bầy một cách khéo léo như nổi hẳn lên trên nền đỏ hung hung dưới ánh đèn vừa phải . Ở dưới bếp, các bà các cô đang túm tụm lại hâm và sắp đồ ăn ra đĩa một cách nghệ thuật . Tôi thấy có vẻ như mấy món chính là do chủ nhà, còn hầu hết các món khác do khách mang lại, mỗi người một vài món . Chỉ có khách phương xa là đến ... tay không . Qua bếp là phòng sinh hoạt, cách ra khỏi bếp bằng một bức tường gỗ, phía dưới thì đặc và là một tủ có nhiều ngăn đựng sách, phía trên thì thưa và có treo tranh trông rất nhã. Phòng sinh hoạt nằm theo bề ngang của căn nhà chính, có cửa rộng thông ra sân sau . Một chiếc bàn dài hình chữ S chạy dọc căn phòng, đủ dài để khoảng ba bốn chục người có thể ngồi thưởng thức món ăn một cách thoải mái . Cuối phòng, về phía cửa ra vườn, bầy một cái dương cầm và dàn nhạc ki-bo do Thôn Bọ Ngựa (TBN) mang đến, mới được dựng lên . Dọc theo tường phía bên đó là cả một kệ sách tám, chín tầng, cao nghễu mghện tới trần, đầy ắp những sách. Ngoài ra, chung quanh tường, chỗ nào không treo tranh cũng có một cái tủ chứa sách . Theo tôi biết thì Bh đã đọc hết những sách này, từ trên lầu tới dưới nhà. Hiện MLT đang gặp khó khăn tìm thêm sách mới . Thế mới biết Bồ huynh được biết như là Bồ Chữ huynh, quả danh bất hư truyền.

Image


Tôi được xếp ngồi giữa bàn, quay lưng vào tường nên có thể quan sát rộng. Có tiếng bàn tán xem nên ngồi xen kẽ một nam một nữ hay nam nữ ngồi riêng nhau . Người bàn ngồi chung cho vui, kẻ bàn ngôì riêng cho các ông uống rượu với nhau . Vần xoay chán vẫn không ai có ý kiến quyết định . Rồi mọi người từ từ ngồi xuống ghế, hoặc tự ý, hoặc theo đề nghị của trang chủ . Lúc tạm ổn, nhìn lại thì thấy mọi người đã ngồi theo thế "nam nữ thụ thụ bất thân". Tình cờ, tôi lại ở đúng lằn ranh giới . Cái ranh giới nam nữ thụ thụ bất thân này có vẻ nóng bỏng lắm, nóng hơn cả những lằn ranh nóng nhất ở Trung Ðông. Vì, không những tôi thấy thật là cắc cớ khi an tọa ngay chính giưa một cặp uyên ương, làm tôi có cảm tưởng vì vậy mà ông bạn này vốn đã cười dè dặt lại có vẻ dè dặt hơn; mà còn phải liên quan cả đến những tranh chấp giữa hai phe tả hữu . Tuy bị ngồi ở lằn ranh nóng hổi, nhưng sự đền bù cũng có phần hậu hĩnh: quý ông ở bên trái cứ buồn tay là lại tiếp rượu và quý bà ở bên phải và trước mặt vì vui chuyện và vui tay, cứ tiếp đồ ăn đầy bát.

Nói về đồ ăn thì nhiều lắm, nào món ăn chơi, nào gỏi, nào nộm, nào xôi, nào chim quay, thịt hấp, ... Có điều lạ là chúng tôi đã được thưởng thức nhiều món Việt Nam như bánh cuốn, giò thủ, thịt nướng, bún bì, ..., ở TBN ; gỏi dứa, tôm nướng, ... ở nhà anh chị Ðức; bánh chưng, cá thu kho, canh bóng, ... ở TA; mà không thấy trùng mòn nào ở đây . Trong bữa tiệc này, có hai món làm tôi chú ý hơn cả là món gà lột da nhồi trấu, ấy xin lỗi, nói nhịu, gà rút xương nhồi thịt, và món sáo . Tôi kể ở đây là gà, vì có người bảo tôi là gà. Chứ tôi, tôi có cảm tưởng chúng là vịt, vì thân chúng dài và phao câu thì to . Có điều khi ăn không thấy có mùi vị vịt nên tôi không dám quả quyết. Còn như nếu chúng đích thực là gà thì, các bạn ơi, gà Ba Lê lạ lắm. Chúng có thân dài, thịt mềm, phần hậu nở, đùi ngắn và phao câu ... to . Ðược biết mấy chú gà rút xương và nhồi này là tác phẩm của Bh. Nếu nghe nói không thôi thì ít ai tin. Nhưng có dự bữa họp mặt tất niên này mới tin là thực. Không biết làm cách nào mà Bh và Btt như không có mặt ở một chỗ nào nhất định, mà lại có mặt ở tất cả mọi chỗ . Ðã thế, những đĩa đồ ăn thường do chính tay Bh và Btt hâm nóng, xếp ra đĩa, bầy biện hoa thể, sau đó mới nhờ đến
mấy cô mấy bà sốt sắng giúp đỡ chuyển ra bàn hộ Còn món sáo cũng không kém phần hấp dẫn. Nhìn cái liểễn to, sóng sánh nước dùng nóng hổi, óng ánh chút béo màu vàng, bốc khói nghi ngút, ngập những thịt và rau, thấp thoáng màu trắng của trứng chim cút và điểm mấy cọng rau thơm màu xanh thái nhỏ . Lúc giọng đã thấm hơi men, tưởng như chỉ húp một thìa nhỏ cũng đủ cho tâm thần tỉnh táo . Không ai nói món sáo này là tác phẩm của ai . Nhưng khi ăn, ai cũng nói là Btt bảo đổ nhiều súp lên trên gà nhồi cho nó nóng ăn mới ngon. Tôi thường ít khi chan võng như thế lên món thịt nhồi, nhưng lần này tự nhiên thấy tin cẩn nghe theo và thấy quả nhiên có nóng và lên vị thật. Cái ròn của nhân thit nhồi quyện lẫn với cái mêm dẻo của trứng cút, cái đậm đà thơm ngon của nước sốt và gia vị tạo nên một hoàn mỹ cho khẩu vị . Sự phối hợp toàn hảo này làm tôi có thể khẳng định là nếu gà nhồi là tác phẩm của Bh thì tác giả của món sáo này nếu không phải là Bh thì không ai khác hơn là Btt được .

Image


Trong khi mọi người thưởng thức hương vị của gà nhồi, quý ông thì chuyền tay nhau chai vang mới mở và quý bà quý cô đang ồn ào đòi hơn một hạt trứng chim cút hoặc ganh nhau trứng lớn trứng bé thì Bh xuất hiện với hai chai trên tay, một chai gói giấy hoa đỏ và một chai không gói .
Bh tuyên bố có chai Hiệp Sỹ Bùi tặng khách, mọi người ngừng ăn, vỗ tay . Tôi hân hoan đứng dậy đón nhận món quà đặc biệt này . Trước khi Tây du, Bh đã cho biết có hai chai rượu quý, Bồ Ðào Tửu và Hiệp Sỹ Bùi đang chờ. Tôi nghĩ đây là chai DramBUIe nên tôi có hỏi Bh nếu định đánh ngã cả hai chai này thì cho biết để chúng tôi đổi vé tàu bay hoãn ngày về, vì tôi biết Drambuie tuy ngọt nhưng mạnh và say đầm lắm . Thế nhưng nhìn chai gói dáng thon và cao trên tay Bh, tôi đã thấy là tôi lầm. Khi nhận món qùa trên tay, bóc giấy gói thì thấy mình lầm thực. Ðó là một chai rượu chát mang nhãn hiệu Hiệp Sỹ Bùi thật sự.
Tôi ngạc nhiên là trong họ nhà mình có mở hãng rượu tại Pháp mà mình không biết . Tôi định mở chai này mời mọi người, trang chủ không cho phép, bảo giữ làm kỷ niệm . Tôi đành mang về Tân Ðào Viên để dành chờ quý khách . Vừa khi tôi để chai Hiệp Sỹ Bùi xuống bàn, Bh dơ chai thứ hai lên tuyên bố "và đây là chai Bồ Ðào Tửu 1975". Tiếng vỗ tay lại nổi lên . Phía quý ông nhao nhao muốn xem . Bh đưa cho mọi người chuyền tay nhau xem, rồi mở . Tôi được hân hạnh nếm thử chai này trước cả bao nhiêu người bạn lớn tuổi và thân qúy khác làm tôi trở nên lúng túng và quên hết cách thức nếm rượu đã từng được chỉ dẫn ở các lớp về wine tasting mà tôi đã dự . Từ cách cầm ly, cách làm cho rượu cuốn trong ly, cách nhấp rượu, cách súc và đưa rượu trong miệng để không những thấy hương vị từ lưỡi mà còn để cảm được hương vị rượu đưa lên từ phía sau lưỡi và từ hàm ếch. Nghĩa là quên hết, quên hết . Tôi làm đánh sụp một cái, rồi thôi . Dù cách uống thế nào và gọi là gì, rượu ngon vẫn ngon. Vị chát êm đềm thấm vào lưỡi và một hơi ấm nhẹ nhàng đưa lên từ dọng mũi . Xin thú thực, từ cái hương vị dịu dàng thấm trong miệng và đưa lên dọng mũi này, tôi không đủ khả năng và thì giờ phân tích xem có những vị gì bao hàm trong đó . Chỉ biết không cay, dịu giọng và ngon. Chờ mọi người ngưng vỗ tay, Bh trao cái chai cho tôi và nhường cho tôi vinh dự được rót rượu mời . Quý bà phía tay phải và đằng trước tôi, từ đầu vẫn không quan tâm đến rượu là mấy mà nay chợt xôn xao muốn được rót mời trước quý ông. Tôi nói xin theo truyền thống Việt Nam, vần cánh tay mặt. Quý bà hưởng ứng nhiệt liệt, nhưng lại gặp sự chống đối của quý ông không kém phần mãnh liệt. Liếc về cánh trái, thấy hầu hết đều dáng dấp đàn ông hơn cánh mặt, tôi hơi hoảng . Rất may, Bh còn ở trước mặt tôi, tôi rót ly của Bh rồi xin chuyển lại cái vinh dự mời rượu cho Bh.
Thoát!

Rượu ngon vào, lời đẹp ra . Chuyện vui ào ạt từ cả hai phe tả và hữu . Tôi thấy:

Bao lâu mới được gặp nhau đây .
Hể hả cùng nhau túy lúy say .
Chuyện trước chuyện sau đương sảng khoái .
Xá gì thêm chén nữa đêm nay . (BT)

nên cứ tỳ tỳ hết ly nọ tới ly kia . Thường vẫn nghe nói dân parisien uống rượu ghê lắm, nay nhìn lại thấy mình cũng có vẻ parisien không kém . Nhưng dù kém dù hơn, rồi tiệc rượu cũng đến lúc tàn để nhường chỗ cho những tiết mục vui khác . Trong khi mọi người ráng cất nhắc mỗi người một tay dọn dẹp, LD và các nhạc sỹ trong The Silicon Band lo sửa soạn dàn âm thanh và nhạc cụ, thử loa, thử đàn Thoáng một cái, đã thấy bát đĩa vào trong bếp hết sạch. Chúng tôi vào theo định xem có giúp được gì chăng thì bị đuổi ra quầy quậy cho khỏi vướng chân vướng cẳng . Tôi thấy vô dụng, lên lầu rửa tay .

Phòng toa lét ở MLT có điểm đặc biệt làm tôi chú ý .
Nhớ đến hệ thống giật nước ngày xưa ở Việt Nam thì cái rề dẹc voa ở trên cao và cái dây giật nước đeo một cái qủa nắm bằng gỗ hay bằng sứ buông toòng teng ngay tầm mắt . Sang đến Bắc Mỹ thì hoàn toàn không thấy loại dây giật này nữa mà chỉ thấy rề dẹc voa ở dưới thấp với cái cần kéo ngắn ngủn ở bên cạnh. Mỗi lần giật nước lại phải cúi người mà vừa đè đè cái cần một cách vất vả vừa ngắm nước xoáy . Sang đến Ba Lê thì hệ thống giật nước còn lạ hơn nhiều và có vẻ thay đổi tùy nhà, tùy nơi chốn . Có cái có núm ở trên nắp rề dẹc voa để ấn xuống, có cái có núm như vậy để kéo lên khi xả nước. Có cái không phải là cái núm mà lại là một cái vòng tròn kim loại để ấn xuống . Lại còn có cái vát một miếng hình vuông bằng hai đốt ngón tay bên cạnh nắp rề dẹc voa để đè xuống hay kéo lên. Thôi thì đủ thiên hình vạn trạng . Khách thường thấy thật là vất vả khi tìm hiểu làm sao mà sử dụng nó . Cứ sờ sịt loanh quanh, phân vân không biết làm sao mà xả nước vì dùng xong mà không xả đi thì thật là ... xí hổ, nhất là kiếm rổ mà che thì không có . Còn ở đây, tại MLT, tuy thật khác các chỗ khác, nghĩa là không phải qủa nắm đeo ngang mặt, cũng không phải là cái cần hay cái núm ở dưới thấp, mà là cái cần ngay ngang tầm mắt nên không làm khách bỡ ngỡ và khi xả nước không phải cúi mình, thật là thoải mái .

Khi quay trở xuống dưới nhà thì như một phép lạ, tất cả đã được dọn dẹp gọn gàng. Bát đĩa rửa xong và được lau khô xếp vào tủ gần hết. Bàn đã được xếp gọn vào một đầu của gian phòng, dưới hai hàng chữ lớn "Chúc Mừng Năm Mới" và "Thế Kỷ 21", để bầy đồ tráng miệng, gồm trái cây, thạch, chè, bánh ngọt, ..., trà, cà phê và rượu sâm banh. Ghế đã được kê dọc theo tường. Loáng thoáng đã có tiếng thử đàn, thử micro và các bản nhạc để mọi người hợp ca khi giao thừa đã bắt đầu được phân phát. Khi cầm đến bản nhạc, thấy bản Việt Nam Việt Nam, tôi đã mừng rỡ vì có thể coi là tủ. Nhưng khi dở đến bản thứ hai thì thấy hồi hộp vì bản mang tên Hoan Ca này Linh Chi (LC) mới cho ra lò . Ngay như ở TBN cũng mới chỉ được dượt có một lần . (Tuy nhiên tới khi hát, thấy mình theo cũng không vất vả lắm.) Lúc ấy cũng đã gần 12 giờ Bh trao cho tôi, anh Ðức (MD), mỗi người một chai sâm banh. Chúng tôi ba người rót ra ly phân phối cho mọi người để chờ lúc "cao đao" (count down) . Máy truyền hình được bật lên để chờ . Nhưng chờ mãi, 12 giờ đã qua mà chưa thấy họ "cao" thành thử chúng tôi quyết định để họ xuống "thấp" và "cao" theo giờ của mình. Nhưng khi bắt đầu "cao" thì cũng là vừa lúc. Mọi người hân hoan luân chuyển, tay bắt tay, má áp má, ly cụng ly với những lời chúc tụng Năm Mới, Thế Kỷ Mới và Thiên Niên Kỷ Mới đẹp như hoa và nở như pháo giao thừa thủơ nào nơi quê hương yêu dấu .

Image
Image


Từ lâu thường nghe nói ở ngoại quốc, nhất là Ba Lê và Nữu Ước, khi chuông nhà thờ đổ báo 12 giờ đêm giao thừa thì mọi người, dù ở ngoài đường phố và không quen nhau, cứ ôm nhau mà ... hun, nên tôi định đề nghị với mọi người là kéo ra Champs-Elysées với mục đích cao cả là xem tháp Eiffel được đổi sang màu xanh, nhưng hậu ý đen tối là xem người Tây ... hun nhau như thế nào cho biết. Thế nhưng tôi đã không đề nghị vì thấy không khí đang qúa ấm cúng, chẳng có ai hưởng ứng; nhất là nhớ lại đêm giao thừa năm 1970 khi tôi còn tu nghiệp ở Wellington, Tân Tây Lan . Ðêm đó, mấy du học sinh mới sang, ở cùng hostel, hăng hái rủ nhau xuống phố Willis đêm giao thừa xem có được ai hôn chăng. Tôi cũng tò mò đi theo mấy người bạn này xem cho rộng kiến thức . Lang bang trò chuyện trên phố vắng hoe và gió lạnh. Nền trời đen và thấp. Ánh đèn như vàng kệch cỡm hơn ngày thường . Giờ giao thừa điểm đã lâu mà chẳng thấy ma nào hôn, chỉ thấy có một ông già say, có vẻ thất nghiệp, trong bóng tối ngật ngưỡng đi ra . Tôi tá hỏa muốn tìm đường ... chạy .

Tiếp theo hai bản hợp ca là chương trình văn nghệ do MN và TH giới thiệu . Hầu hết ai cũng góp phần mình trong đêm vui họp mặt này, kể cả cháu Lộc, cháu của QD, độc tấu đàn bầu . Cháu còn cùng với cháu Hoàng Nam, con của KC, lo việc mở sổ số với sự giúp đỡ của nhị vị trang chủ .

Tôi thường khoe khoang rằng tôi không được Chế Linh thích lắm vì có lần ở Sài Gòn, Chế Linh đang hát, tôi vô tình cất tiếng ca làm các sến nương quăng cả thùng cả gánh, nước đổ tung tóe, bỏ Chế Linh mà bu lại nghe tôi . Từ đó mỗi khi thấy tôi, Chế Linh thường chỉ nhếch mép cười nhạt . Biết vậy nên MN đã yêu cầu tôi biểu diễn tài năng . Ui cha! Biết làm sao bây giờ . Sự bất khả kháng Tôi đành xin phép đi chọn nhạc để người khác tiếp nối chương trình . Khổ một nỗi, tôi lục hết đống nhạc mọi người mang theo, lục cả năm sáu sấp nhạc, mỗi sấp dầy hơn gang tay, của trang chủ mà không thấy bản nào khả dĩ đủ sến sện cho tinh hoa của tôi có thể phát tiết ra ngoài được . E mọi người cho là tôi câu giờ, tôi đành chọn đại bài Dư Âm và khuyến cáo trước là vì không ai có bài cho tôi nên nếu tôi có hát dở là do lỗi của nhạc sỹ . Lời khuyến cáo này làm cho nhạc sỹ phải cố trổ tài theo, khi đợi khi chờ, có vẻ vất vả lắm . Chắc mọi người đều nhận thấy sự vấp váp của nhạc sỹ nhưng trong dịp đầu xuân trở thành dễ tính nên khi dứt bài, không cần chờ tôi nhắc cũng có tiếng vỗ tay đí đốp .

Thành thực mà nói, vì sự ưu ái của bạn bè dành cho chúng tôi nên đã cho phép tôi phá đám, làm loãng đi cái bầu không khí ấm cúng, hào hứng của chương trình được tạo nên qua sóng nhạc thần diệu của LD, DT, NB với sự huyền ảo tuyệt vời khi Hoàng Yến (HY) & Xuân Sương (XS) đưa mọi người qua Những Ngày Thơ Mộng cũng như TD khi Hong Tóc cùng với TH trong Nhạc Nắng .

Image


Rồi chương trình được nối tiếp với giọng ca trầm ấm của DT, MD, ..., giọng ca nhẹ nhàng, truyền cảm của QD, Nguyên Dung (ND), Nguyệt Ánh (NA), LC ... qua những dòng nhạc Trở Về, Trường Làng Tôi, ... và những dòng nhạc thiền thanh thoát.

Xen kẽ cùng những câu chuyện vui của QD, Thanh Vân (TV), là giọng ngâm thơ đầy đam mê và xao xuyến của Bh qua tâm sự Trở Về của Y Nguyên (YN) và giọng ngâm điêu luyện, trữ tình của KC qua bản Giấc Em mà thủ bút là của anh Văn Tấn Phước gửi tặng Tân Ðào Viên. Rất tiếc, anh Phước vì bận không đến được nên chúng tôi không có cơ hội thưởng thức giọng ca của anh trong đêm vui đó .

MN được TH giới thiệu . Chắc là MN thấy mọi người đã có vẻ thấm mệt nên thương và (Tôi) Ru Em Ngủ một cách êm ả dịu dàng . Trong khi ấy, chắc Vĩnh Thiện (VT) thấy còn sớm nên chưa muốn cho ai ngủ, đã hăng hái đưa ra những nét đặc thù của thập niên 60 cho mọi người thêm tỉnh táo .

Mặc dù chương trình thật hấp dẫn và độc đáo, nhưng hình như vẫn có ai đâu đó thấy thiếu thốn những giọng ca "vàng ròng" nên chúng tôi lại được ưu ái nhắc đến .
Một lần nữa khắp gia trang được đảo lộn lên để tìm bản nhạc thích hợp với giọng ca "độc nhị vô nhất" này .
Rất tiếc lại không tìm thấy . Trong khi khẩn cấp, được LC tình nguyện ghi lại theo trí nhớ bản Tình Khúc Cho Em của Lê Uyên Phương. Chúng tôi kéo bè lê thê cho các nhạc sỹ lại có dịp trau dồi khả năng theo đuổi những giọng ca "vàng ròng khan hiếm" và NB cũng lưu luyến, lõm bõm bơi theo bè của chúng tôi cho đến bờ đến bến.

Riêng Bích Lý, thật là dịu dàng khi chứng tỏ "Tôi Yêu" sau những "Ðêm Tái Phạm". . Tôi thấy, mặc dù NB đã hứa:

Anh thấy chắc không xong rồi,
Thì xin ... từ nay ... chừa luôn . (Y ... Chang)

Nhưng chừa gì thì chừa chứ chừa luôn việc ôm ấp cây ghi ta thì chắc là khó lắm .

Có lẽ tiết mục đặc biệt nhất đối với chúng tôi trong đêm vui này là bản "Im Lặng Ðêm Hà Nội" do MN yêu cầu Bh trình bầy với tiếng đệm dương cầm của Btt. Tiếng hát trầm ấm, dịu dàng dâng lên cùng với tiếng nhạc dương cầm ngọt ngào thánh thót như quấn quít với nhau bay bổng trong không gian thanh vắng. Nếu chúng tôi đã có dịp chứng kiến sự tương đồng trong quan niệm về sự toàn bích của trang trí, ẩm thực, thì một lần nữa, qua tiết mục này, chúng tôi lại được dịp xác định lại cái cảm quan của mình về sự hòa hợp toàn hảo về phương diện nghệ thuật của Bh và Btt.

Tới khi Btt yêu cầu mọi người ngừng để ăn cháo nóng thì trời đã tang tảng sáng. Chỉ vì mấy con gà đã bị vặt lông nhồi thịt tối qua hết rồi chứ nếu không đã nghe tiếng chúng xao xác gáy đâu đó . Thời gian qua thật nhanh, mới đấy mà đêm đã tàn . Nhìn đồng hồ đã hơn 5 giờ sáng . Ôm bát cháo ấm trong tay, húp một thìa, thấy một luồng hơi nóng chạy dọc từ cổ trở xuống, như đem theo một cảm giác ấm áp dễ chịu chyển đi khắp thân thể.
Lác đác đã có người ra về . Tôi có bốn câu thơ định đọc :

BBồ Ðào Tiệc đêm nay,
Ly vơi ly lại đầy .
Họp mặt vui chửa bén,
Chia tay đã hẹn ngày . (BT)

nhưng YN cho là không nên vì buồn . TBN có ý định dọn đồ ra về, dành lại sự yên tĩnh cho trang chủ phục hồi sức lực, thì ngay lúc đó có tiếng ồn ào vui vẻ và Thanh Ðạm cùng phu quân ùa vào như một cơn giông . Vì vậy, nhạc lại trỗi lên và tiếng ca hát lại tiếp tục . Nhóm ca sỹ thường trực của lúc này gồm Thanh Ðạm, HY và hai giọng ca "vàng ròng". Có điều lần này LD theo bằng dương cầm không đến nỗi vất vả lắm vì có HY đi bè bè bên cạnh, với những cái đưa tay, cái nhịp chân, cái gật đầu và nhất là cái hơi nhún nhún của Thanh Ðạm, làm tôi thấy thoải mái hơn khi "hướng dẫn" ban hợp ca này cho đến 8 giờ sáng.

Bùi Tiến
Last edited by nmchau on 17 Apr 2005 14:54, edited 8 times in total.

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Tây Du Ký - Hoi 8

Postby nmchau » 17 Apr 2005 14:08

Hồi 8


Chưa báo là bị cắp đã tìm ra kẻ cắp
Quà xa nhận được mà chẳng thấy đề tên


Về đến Thôn Bọ Ngựa (TBN) đã gần 9 giờ sáng . Thôn chủ cho xe vào ga-ra rồi khóa cửa chứ không đậu ngoài và mang đồ vào như thường lệ . Có lẽ vì sợ để xe ở ngoài sẽ bị đập kính ăn cắp đồ, mà bê đồ vào thì lại e dông, không được nhẹ nhàng cả năm chăng . Tình cờ hóa ra chính nhị vị thôn chủ tự xông đất TBN ngày đầu năm và đầu thế kỷ .

Tiếng rằng thức trắng đêm trước mà trông ai cũng không thấy có vẻ mệt mỏi đến độ cần một giấc ngủ nhưng đều có vẻ cần một cái gì cho tỉnh táo . Như đoán được ý mọi người, thôn chủ phu nhân, sau khi kiểm soát lại dung nhan, vào bếp sửa soạn cà phê . Phải nói là tôi đã từng uống cà phê từ nhỏ, từ cà phe Bác Ba Bít Tất ở Chu Văn An đến Givral, Brodard, Second Cup, Timothýs, Al Van Houtte, cà phê Chào Cô, Chào Cậu . Ngay như đi quán ăn hay la cà ở quán cóc, tôi cũng thường phải có ly cà phê . Tuy nhiên, không nơi nào tôi thấy có cà phê giống cà phê TBN .
Tôi không muốn so sánh như so sánh trà Ô Long với Thiết Quan Âm hay với Trảm Mã, hoặc so sánh cà phê Macchiato với Cappuccino, Latte với Café Au Lait . Tôi chỉ muốn nói đế cái hương vị của cà phê đen thôi .

Tôi vẫn thường tìm dịp để ý xem cách pha cà phê ở đây có gì khác biệt để bắt chước . Thành thật mà nói, cũng bình cà phê điện pha nhiều tách loại giống như Procto Silex cỡ nhỏ, thìa múc cà phê cũng như bất cứ thìa nào khác. Từng thìa, từng thìa cà phê xay cho vào cái lọc, rồi từng cốc, từng cốc nước trong đổ vào bình và bật nút điện lên đun . Thế nhưng, một lúc sau, khi nước sôi cùng với tiếng nước reo lóc póc nhè nhẹ, từng giọt cà phê đậm rơi xuống bình thủy tinh làm tóe lên những hạt nhỏ lăn tăn bám trên thành bình trong vắt. Mộ lớp hơi nước bốc lên mờ mờ trong bình và thoát ra ngoài mang theo một mùi thơm thoang thoảng trong làn không khí trong lành buổi sáng. Một vát nắng sớm vàng tươi lọt qua khe màn cửa mỏng, trải một vạt dài trên tường và chảy dài trên một góc bàn. Không khí trong bếp tự nhiên ấm áp hẳn lên.
Thôn chủ phu nhân xếp ra khay một lọ đường viên, bốn cái tách hạt mít (tôi gọi như vậy cho văn vẻ chứ thực ra gọi là tách qủa quít mới đúng vì nó to bằng cỡ quả quít và lớn hơn cái hột mít), với bốn cái thìa con . Tất cả trông xinh xắn như đồ chơi khi còn trẻ . Thực ra, bộ đồ này không phải là dễ kiếm. Thôn chủ phu nhân nói mọi người ra phòng ngoài uống cà phê . Mọi khi, nếu là buổi sáng, chúng tôi thường kéo nhau qua buồng ăn hoặc buổi tối thì ra buồng khách . Nhưng lần này, mọi người đều có vẻ lưu luyến cái bầu không khí ấm cúng trong phòng nên đều kéo ghế ngồi quanh bàn bếp. Cà phê được rót ra tách, đặc đến độ như muốn lưỡng lự khi ra khỏi bình Tôi nhón một viên đường nhỏ xíu hình trái tim, bỏ vào tách . Viên đường trắng tinh thấm cà phê từ từ chuyển mầu nâu và dần dần chìm xuống. Chỉ khuyấy nhẹ một cái là đã tan hết. Nhón ngón tay cầm tách cà phê đưa lên môi Một làn hơi thơm ấm nhẹ nhàng thoảng qua mũi . Nhấp một ngụm mà cảm thấy vị chát nhẹ và thơm vương chút ngọt ngào, như quyện lấy mặt luỡi và chuyển sang dọng mũi .
Cái nóng ấm của cà phê khi trôi xuống cổ như được chuyển qua khắp các tế bào làm ruột gan như dãn hẳn ra và tinh thần như thêm sảng khoái và minh mẫn.

Chợt nhớ đến ngày xưa, người ta nuôi ngựa bằng trà non ngoài vùng hoang, rồi trảm nó lấy trà trong bao tử. Người ta gọi loại trà đặc biệt này là Trảm Mã Trà . Biết đâu TBN đã chẳng có bí quyết nuôi bọ ngựa bằng cà phê rồi Trảm Bọ Ngựa (TBN) lấy cà phê trong bao tử để có loại cà phê TBN đặc biệt này . Có điều tôi để ý khá kỹ mà không thấy có trại nuôi bọ ngựa nào quanh thôn và cũng chưa từng được mục kích việc trảm bọ ngựa ở đây bao giờ .

Sau khi cà phê cà pháo thì cũng đến giờ ăn trưa . Vì hôm trước ăn quá nhiều nên mọi người đều thấy nên kiếm chút gì nhẹ bụng rồi đi nghỉ ngơi . Tôi xung phong ra phố mua bánh tây tươi . Lúc đó đã quá ngọ và trời bên ngoài cũng có mây che . Thôn chủ nói ngày mồng một Tết các cửa tiệm đều đóng, nếu có tiệm nào mở thì cũng chỉ đến 12 giờ thôi . Vì thấy bên này của xa lộ thuộc TBN tôi đã tham quan và bên kia xa lộ là vùng khác hẳn với những cao ốc đồ sộ, mang một sắc thái khác biệt, nên tôi quyết định khoác áo ra đi mua bánh. Nếu không mua được, cũng là dịp thăm thú một vùng đất mới .

Thôn chủ phu nhân ân cần dặn dò: "Có một lò bánh tây ở trong khu cao ốc. Sau khi khi hạ san, cứ trực chỉ mà tiến, qua một hay hai cao ốc gì đó thì trở sang tay trái, đi chừng một thôi đường nữa sẽ thấy cửa tiệm . Huynh tỷ từ xa mà đến thì chắc không có cắc , hãy cầm ví cẩm nang này cho đỡ phải đổi giấy lớn" . Tay trao cho tôi ví cẩm nang bằng da bọ ngựa, vẻ mặt nghiêm trọng mà rằng "Trong này muội có 3 ngăn . Không được mở tầm bậy .
Chờ khi nào đúng lúc hoặc nguy ngập lắm mới được mở, thì việc lớn ắt thành :

1. Nếu thấy có bánh tây thì huynh mở ngăn thứ nhất, sẽ có đồ bửu bối giải cứu bằng kim loại

2. Nếu vẫn còn gặp khó khăn thì mở ngăn túi thứ hai, trong đó muội có đồ giải cứu bằng giấy, lấy ra, theo đó cứ thế, cứ thế mà làm

3. Còn như nếu thấy trời cao đất rộng, mây khói mịt mùng, đấy là đã lạc vào mê hồn thì đừng hoảng hốt . Hãy mở ngăn túi thứ ba, ắt có thẻ tô-lô-phôn và cách chỉ dẫn làm sao rút lưỡi ngựa gỗ cho Châu đến giải cứu ."

Tôi cảm động về sự ân cần này, đưa tay nhận cẩm nang mà không dám nói rằng tôi không những không có cắc mà giấy nhỏ gì cũng không có nốt chứ đừng nói đến giấy lớn . Bởi vì trước khi lên đường Tây Du, có người bạn dặn rấy kỹ là kẻ cắp Ba Lê giỏi nhất thế giới . Kẻ cắp chợ Ðồng Xuân không thấm tháp gì. Nếu không giữ dìn cẩn thận thì sẽ có gì mất nấy . Người này kể kinh nghiệm bản thân của mình khoảng một năm về trước .
Ngày đó, trong một trạm metro đông đúc ở Ba Lê, khi đang lên thang, chợt người đằng trước đánh rơi món đồ, dừng lại và cúi xuống nhặt làm người đằng sau ép tới Chỉ thoáng một cái, mọi người lại tiếp tục rảo bước như thường . Khi ra khỏi trạm metro, chợt nghi! lại, thấy thắc mắc về việc sẩy ra, đưa tay sờ túi hậu thì cái ví đã không cánh mà bay đâu mất .Vội vã điện thoại cho nhà băng báo cáo về việc mất thẻ nhà băng và thẻ tín dụng. Họ ghi chép xong, khuyến cáo nên báo ngay cho cảnh sát.
Khi điện thoại cho cảnh sát, vừa thông báo việc bị mất ví tại trạm metro, cảnh sát viên đã hỏi xác định lại tên họ, mầu của cái ví và cho biết là đến bót cảnh sát mà nhận lại . Thật là kinh ngạc . Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tại sao vừa mới bị mất cắp chưa kịp báo mà kẻ cắp đã bị bắt . Người bạn này vội vã nhẩy taxi, dù trong túi không có một xu, lên bót cảnh sát thì quả nhiên là ví của mình với đầy đủ giấy tờ tiền bạc.
Hỏi tại sao lại có thể nhanh đến không thể tưởng tượng nổi như vậy; được đáp là ngay sau khi kẻ gian lấy ví, một cảnh sát viên thường phục có mặt tại chỗ thấy có người ném một vật vào thùng rác liền tiến đến xem .
Nhận ra đó là cái ví nên bắt ngay kẻ gian tại chỗ . Kiểm soát lại thì thấy hắn lấy tiền nong và thẻ nhà băng, thẻ tín dụng còn các giấy tờ tùy thân thì hắn bỏ thùng rác .
Nhờ vậy mà cảnh sát bắt được kẻ gian trước khi người bị mất cắp biết là mình bị cắp .

Vì câu chuyện trinh thám ghê gớm ở Ba Lê này mà tôi đã quyết định lên đường không mang theo gì hết cho khỏi rắc rối .

Chúng tôi xuống núi bằng đường có bực thang . Những bực đá rộng và thấp làm cho việc đi đứng có phần chập chững . Xuống hết bực thang là lề đường. Tuy có vạch vàng được vẽ cho người đi bộ sang ngang con đường lớn và nhìn lên thấy có bảng vẽ hai người dắt tay nhau dung dăng dung dẻ, nhưng thập thò lên xuống đường mãi mà chẳng ai chịu giảm vận tốc chứ đừng nói là đậu lại để nhường cho mình đi qua . Tuy nhiên cứ dập dình mãi rồi cũng phải qua được .

Sang bên kia đường, trước mặt là mấy toà cao ốc . Hơi thiên về bên trái, có khoảng trống đi thẳng sang được.
Nhưng vì là bãi cỏ ẩm ướt, đầy đồ phế thải của chó nên chúng tôi không trực chỉ . Quay về tay phải, ở ngay ngã tư có trồng một cái bảng thật cao và to cỡ bằng hai cái chiếu . Trên bảng kẻ tên các đường, cửa tiệm, ... và có mũi tên chỉ hướng . Trên đó có tiệm FranPrix, một tiệm tạp hóa lớn, có chi nhánh cùng khắp Ba Lê, với mũi tên chỉ về phía trái . Tôi nghĩ chắc là tiệm này, nên cứ theo mũi tên chỉ, ngoẹo sang đường khác mà đi . Nhưng càng đi càng thấy con đường cứ kéo dài mãi ra chứ chẳng thấy FranPrix FranPriếc gì đâu hết . Chúng tôi quay trở lại, thấy giữa hai cao ốc có một con đường nhỏ lát gạch Hai bên có cây và có mấy đứa trẻ chơi đùa . Chúng tôi quyết định đi vào . Hai bên là nhà ở xen với cửa hàng đóng kín . Có cái có địa chỉ, có cái không .
À, nói về địa chỉ ở Ba Lê và vùng phụ cận mà tôi đã thăm viếng thì tôi thấy lạ lắm . Ðể ý, không thấy mấy nhà có ghi số , nhất là ở những vùng nhà cổ xưa . Ở những khu này, hầu hết nhà cũng như những bức tường dài hàng trăm thước tây bao quanh đều bằng đá rêu phong .
Nhìn trên dưới chẳng thấy có số lý gì cả . Hỏi làm sao mà bưu chính có thể đưa thư, được trả lời là không những kẻ cắp Ba Lê giỏi nhất thế giới, cảnh sát Ba Lê giỏi bắt gian nhất thế giới, mà bưu chính Ba Lê cũng thật là giỏi nhất thế giới . Họ có thể giao thư đến tay người nhận không cần biết tên và địa chỉ . Truyện được kể rằng có một du khách đến thăm và ở nhà một người bạn mới quen ít lâu . Khi đi, quên không lấy địa chỉ và tên người bạn này . Về đến nhà, ông mua quà gửi sang tặng người bạn mới . Không biết làm sao, ông ta đành viết ngoài bao bì đại khái là : "Tôi không biết tên ông này và không biết số nhà. Nhưng tôi biết ở vùng ..., cách Ba Lê khoảng ... cây số . Từ ngoài phố lớn đi vào chừng ... thước; có một cửa tiệm trước nhà và bên cạnh nhà có ... v.v... " Ông tả rất dài và rất tỷ mỉ nhưng chi tiết thì cũng rất đại khái . Thế rồi ông gửi đi cầu âu . Ít lâu sau, ông mừng rỡ khi nhận được thư hồi âm của người bạn mới . Chuyện này nghe thấy hay hay nên khi Tây Du về, vì không nhớ địa chỉ, tôi đã gửi hình sang tặng TBN, ngoài bì thư đề "Hyc, Thôn Bọ Ngựa, Bên Tây"kèm theo mấy bài thơ về TBN trong Hồi 2, hy vọng có ngày sẽ đến .

Trở lại chuyện đi mua bánh tây, khi vào tới tận cùng con hẻm thì tôi thấy một tiệm không tên, còn mở cửa và có ánh đèn . Trời bắt đầu lất phất mưa . Chúng tôi đi mau chân để tránh phải mở ô trong một đoạn đường qúa ngắn, mà thực ra, cũng có phần sợ đến nơi vừa lúc tiệm đóng cửa thì mất công vô ích . À, ra tiệm thôn chủ phu nhân dặn dò là tiệm bánh tây thời danh không tên này đây, thế mà tôi cứ tưởng là tiệm FranPrix, mất công đi tìm mãi . Ðâu có ai có thể ngờ được là ở Ba Lê không những nhà không cần mang số mà đến cả tiệm cũng không cần mang tên nữa .

Mới bước vào tiệm, tôi mừng rỡ hết lớn vì phía sau quầy thu tiền, tôi thấy nguyên một bức tường là những kệ và sọt đan để đầy bánh tây, đủ loại, từ bánh tây hình tròn, to như cái lồng bàn nhỏ, bánh tây thuôn thuôn hình cái gối, bánh tây to và dài như cái đòn gánh, cho tới bánh tây ba-ghét, bánh tây mẹ-ghét, kể cả bánh tây con-nít-thích, to bằng nắm tay . Thôi thì đủ hình đủ dạng, cái nào cái nấy thật vàng rượm, đậm nhạt khác nhau .
Cứ nhìn lớp cùi căng nứt nẻ đã cảm thấy như nó ròn tan giữa hai hàm răng .

Ðược biết ở Ba Lê có thể mua nửa cái bánh tây . Tôi chưa hỏi thử xem nếu mua 1/3 cái thì sao . Ðây là một tiệm bán bánh tây làm bằng máy . Thấy nói ở Ba Lê ngày nay có khuynh hướng thích trở về với bánh tây cổ truyền, nghĩa là từ nhào bột đến nặn bánh đều làm bằng tay . Sau đó, bỏ lò than hồng như xưa chứ không phải lò điện, lò ga, mặc dù làm kiểu này thì bánh đắt hơn lên gấp bội . Tôi hỏi mua 2 cái ba-ghét vì không biết nó giống đực hay giống cái . Người bán hàng quay lại lấy 2 miếng giấy to hơn bàn tay để lên mặt quầy xong vớ lấy 2 cái ba-ghét để ngay ngắn trên 2 miếng giấy , rồi sổ một tràng tiếng tây . Tôi nghe không rõ và trong bụng đã định đặt tên cho người bán hàng này là "tôi-ghét" vì tôi không biết ông ta nói gì . Tôi nhớ đến cái cẩm nang thôn chủ phu nhân trao cho, vội mở ngay ngăn thứ nhất, đổ hết đồ bửu bối để giải cứu bằng kim loại ra mặt quầy và hỏi "Xe com biêng sà" . Ông ta nhanh tay kéo 2 cục bửu bối, ném leng keng vào ngăn kéo rồi đóng sập lại và nói "Xe co-rếch" . Ui chạ! co-rếch quái gì, tôi có kịp nhìn thấy ông ta lấy cục co-rếch loại nào của tôi đâu . Tôi cứ ngẩn ngơ chẳng hiểu gì cả và vội vàng xếp hết đống bửu bối kim loại trở lại ngăn thứ nhất chứ nếu chậm tay lỡ ông ấy lại kéo thêm mấy cục "co-rếch" hay "anh-co-rếch" của tôi thì không biết ăn nói ra làm sao bằng tiếng tây nữa . Ðoạn, tôi cuốn miếng giấy chung quanh khoảng giữa cái bánh và cầm tay, đi ra . Tôi không hỏi xin cái túi để tỏ ra mình là người Tây chính cống, vì được biết từ xưa người Tây mua bánh tây xong là cầm tay mà đi, ngày nay đã tiến bộ hơn là có cho miếng giấy lót tay . Có điều, nếu ai muốn cặp nách thì chắc chắn là miếng giấy này không đủ che gì hết .

Ra đến ngoài, trời mưa mau hạt hơn. Tôi muốn hát :

Trời mưa thì mặc trời mưa
Tôi có ba-ghét, trời chừa tôi ra

Nhưng tôi biết có hát đến rát cổ trơi cũng không chừa ra được, đành phải dương ô lên che cho cái bánh. Nhờ vậy, khi về đến thôn bánh tây vẫn còn chưa ... nhão .

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Tây Du Ký - Hoi 9

Postby nmchau » 17 Apr 2005 14:09

Hồi 9


Xe ngoẹo trái nhưng vẫn ôm tay mặt
..


Không biết là tôi có vội vàng quá không khi nhận xét là con người ở vùng Bắc Mỹ ưa đòi hỏi và được chiều chuộng nhất thế giới . Chẳng nói đâu xa, cứ lấy việc di chuyển ngoài công lộ thì biết . Người đi bộ bất cẩn bị trơn ngã què giò, đổ lỗi cho thành phố đã sơ suất trong việc bảo trì thành phố . Trẻ vị thành niên say rượu lái xe gây tai nạn, cha mẹ chúng đổ lỗi cho người bán rượu . Thậm chí lái xe ngoài đường rộng thênh thang, thấy có người đậu không ưng ý cũng ngừng lại, bóp còi loạn lên dục người ta tránh . Nguy hiểm hơn cả là thấy người đi trước chạy chậm, cứ cố thúc xát đít người ta cho người ta sợ phải chạy nhanh hơn hoặc tìm chỗ nép vào cho mình vượt .

Có lần tôi bị một người thúc đít quá, tôi nghĩ hắn phải có cái gì thật khẩn cấp ... chí nguy, nên cũng có ý tìm chỗ tránh cho hắn vượt . Nhưng khi nhìn lên gương chiếu hậu kỹ hơn, tôi thấy đó là một bà sồn sồn, đầu bù tổ quạ đánh, tóc vàng khô như rơm . Cổ ngoẹo qua một bên như bị kinh phong . Thực sự ra, bà ta ngoẹo cần cổ để kẹp cái cellulaire . Tay phải cầm một ly cà phê bằng giấy đưa lên cạnh miệng, khuỷu tay tỳ lên vô lăng, miệng thì nguếch ngoác, không biết cười, nói hay uống cà phê hay cả ba . Còn tay kia để làm gì các bạn có biết không, đang hất hất mấy lọn rơm khô lòa xòa trước mặt và mắt thì liếc liếc vào gương chiếu hậu . Chắc là để làm duyên với người trong điện thoại . Rồi có tiếng còi dài . Tôi nhìn lại thì thấy cái cùi tay cầm cà phê của bà tóc rơm này đã chuyển vào giữa vô lăng để nhận còi . Tôi chợt thấy sợ cho việc lái xe gần, chứ đừng nói ngay phía trước, một người như vậy nên định táp đại vào bên lề cho bà ta vượt qua cho đỡ nguy hiểm và ... chướng mắt . Chẳng may, vừa mới nhấp thắng và định vào thì chợt thấy có người đi xe đạp trờ tới, tôi lại phải giữ thẳng tay lái về vị trí cũ . Có tiếng bánh xe siết mạnh trên mặt đường . Tôi đoán có tiếng văng tục bị khuất lấp trong đó . Nhưng, tôi chẳng quan tâm Tôi cứ tiếp tục đi thẳng . Nhìn lại, thấy cái xe hoảng loạn đó đứng lệch và sừng sững ngay giữa đường . Bà tài xế thì đang cuống quít phủi phủi rất mau . Cứ trông động tác của bà ta thì có thể đoán là bà ta đang phủi, không biết là cà phê nóng hay cái gì, rớt trên đùi trên vế .

Ở Ba Lê, tôi chưa thấy có tệ trạng thúc đít xe như thế, nhất là cảnh vừa lái xe vừa dùng cellulaire thì lại càng chưa thấy bao giờ . Mặc dù là tỷ lệ người có cellulaire ở đây không thua gì ở những thành phố lớn Bắc Mỹ .
Hình như là vừa lái xe vừa dùng cellulaire bị coi là phạm luật nên không ai dùng . Không những thế, người lái xe thường rất điềm tĩnh và nhã nhặn . Trước khi lên đường Tây du, tôi cẩn thận đọc rất nhiều tài liệu có thể tìm thấy, kể cả trên internet về Ba Lê . Hầu hết đều nói là sang Ba Lê không nên lái xe vì họ lái ẩu như Tây, thích chen lấn và thích bóp còi . Thậm chí có chỗ còn nói họ cứ việc bóp còi và sấn đến chứ không tránh Nghe qua thì ngại lắm . Thế nhưng khi sang đến nơi rồi thì thấy cũng không thấy có gì đáng ngại đến như vậy .
Những nhận xét này có phần gay gắt vì tôi chưa từng nghe một tiếng còi xe ô tô nào . Còn về chen lấn thì thoạt trông thấy như có vẻ chen lấn thật bởi vì họ lái xe khéo lắm . Dù con đường hẹp thế nào đi nữa, họ vẫn lái qua phăng phăng như tự động cái xe nó thuôn nhỏ lại hay con đường tự động dãn ra cho vừa cái xe . Tôi đã chứng kiến ba chiếc xe từ ngoài đường lớn chạy quanh công trường dồn vào một con đường nhỏ, nhỏ đến độ tôi nghĩ may lắm chỉ vừa cho một chiếc xe nhỏ nhất . Thế mà họ cứ nhẹ nhàng cái trước cái sau, kể cả minivan, đi qua một cách êm đẹp . Tôi nghĩ, chẳng qua họ quen với sự ước lượng bề rộng của con đường, họ biết ai trước ai sau và với định kiến là nhường nếu cần . Còn như hầu hết tài xế ở hầu hết các thành phố lớn Bắc Mỹ, người ta luôn luôn nghĩ là mình có ưu tiên, nên thường có khuynh hướng thêm ga hơn là giảm để chắc chắn là mình đi trước . Có người tranh được trước rồi mà còn tỏ thái độ mắng mỏ người khác là không biết lái xe, cố mà chen lấn .

Một điều rất lạ nữa, mà có lẽ là lý do chính khiến du khách từ Bắc Mỹ sợ tài lái xe ẩu, ưa chen lấn nguy hiểm của dân Ba Lê là khi ngoẹo tay trái . Ở Bắc Mỹ, khi đến ngã tư đường mà muốn ngoẹo trái, tài xế phải luôn luôn giữ bên trái của mình . Như vậy, nếu hai xe đi ngược chiều nhau mà cùng muốn ngoẹo trái thì không ai cắt ngang đường của ai . Trong khi đó ở Balê, nếu tôi nhớ không nhầm thì ở Saigon ngày xưa khi tôi còn lái xe ở đó cũng vậy, thì dù ngoẹo trái, ngoẹo phải hay đi thẳng gì cũng cứ thảnh thơi ôm tay phải của mình . Thành thử khi đang quẹo trái, tự nhiên thấy một cái xe khác cũng quẹo trái và sầm sầm tiến đến bên hông trái của mình thì ai mà không khỏi hoảng hốt . Chắc cũng vì vậy mà mỗi khi đường phố đông là dễ bị kẹt xe và cần có cảnh sát công lộ đứng chỉ dẫn tại mỗi ngã tư chăng, vì nếu không thì không biết phải chờ đến bao giờ mới giải quyết được cái vòng xe luẩn quẩn nơi ngã tư, làm cản trở công lộ .

M ột trong những khu đường nhỏ, còng quèo và khó đi nhất có lẽ là vùng chung quanh Sacre Coeur, Montmartre . Hầu hết là đường hẹp, lên dốc , xuống dốc, lót đá cobble đã trở mầu rêu . Ðã thế lại còn có xe đậu nửa trên lề nửa dưới đường nữa . Có đường vào được, có đường không vào được . Ðường nào cũng đông . Có đường lại còn bị vướng bởi xe lấy rác thành phố nữa . Nhìn từ đằng sau, chỉ thấy phần sau của xe rác được mở rộng, mấy chiếc xe nhỏ nối đuôi đứng chờ người phu chạy đi chạy lại, thế thôi . Khó mà nhìn thấy lề đường hai bên và càng không nhìn thấy gì phía trước xe rác . Chạy vòng vo tam tứ quốc, khi lên khi xuống, khi ngoẹo trái khi ngoẹo phải chán rồi cũng đến được chỗ đậu xe gần đỉnh núi . Mọi người xuống xe đi thăm nhà thờ .

Image


Ngự trị trên đỉnh một ngọn đồi cao ở miền Bắc Ba Lê nên từ nhà thờ Sacre-Coeur nhìn xuống, thấy cả một vùng khoảng khoát bao la của thành phố trải rộng ra tới tận ngoài tầm mắt . Có lẽ vì kiến trúc độc đáo của nhà thờ, địa điểm và phong cảnh quanh vùng đã khiến Montmartre một thời lừng danh là trung tâm nghệ thuật của thành phố Ba Lê .

Chúng tôi theo con đường nhỏ lót đá cobble xuống thăm vùng chợ trời . Dọc hai bên đường là những quán bán đồ kỷ niệm, đặc biệt là hai quán cà phê thật lớn, mái hiên bằng vải thật rông bao trùm suốt mặt lề đường, che cho những bàn và ghế mây bầy la liệt . Lúc đó tuy du khách
đã đông mà không thấy mấy ai có vẻ có thì giờ la cà thưởng thức hương vị cà phê lề đường cả . Ðậu nép vào bên lề, tôi thấy một chiếc xe "xi trrông" hai ngựa .
Loại xe này hình như được xuất hiện vào cuối thập niên 50 hay đầu thập niên 60 . Mục đích là cho sinh viên và giới trung lưu nên trông rất nhỏ, sơ sài và nhẹ nhàng .
Nhỏ đến độ nếu gặp chỗ đậu xe quá chật, một người tây phương cỡ trung bình có thể lần lượt nhấc mũi rồi đít xe lên, rê từ từ vào vào chỗ đậu được, thay vì phải cố gắng xoay sở với vòng tay lái . Ðiều làm tôi ngạc nhiên là làm sao một chiếc xe sơ sài đến thế lại có thể trông tốt như vậy sau ngót 40 năm . Hơn nữa, nếu tôi không lầm thì loại xe này bi gián đoạn ngay sau khi có mặt trên thị trường một thời gian rất ngắn . Thế mà khi hỏi ra mới biết không phải chỉ có một hai xe của những người thích chơi đồ cổ, thực ra tại thành phố Ba Lê còn có rất nhiều xe loại đó đang lưu hành . Có thể là nhờ khí hậu ôn hòa và bảo trì tốt đã giúp cho nó được bền bỉ như vậy chăng .

Image


Xuống tới gần cuối đường là khu chợ trời, nơi sinh hoạt của các nghệ sỹ đang chờ cơ hội nổi danh thế giới Khu chợ trời là một công viên nhỏ bầy la liệt bàn và kệ để treo tranh . Một dẫy dù cao và rộng được dương lên che mưa che nắng . Nghệ sỹ có mặt ở đây thuộc đủ mọi trường phái và có đủ loại . Từ già chí trẻ, từ đàn ông đàn bà đến con nít . Có người cầm tập giấy bút đi tuốt ra xa mời chào khách . Có người ngồi hoặc đứng tại chỗ . Mà về ăn mặc cũng vậy, từ gọn gàng lịch sự đến luộm thuộm bê tha . Thôi thì đủ thứ . Họ vẽ từ tranh hý họa, truyền thần cho đến tĩnh vật, phong cảnh . Nhiều bức trông rất tệ nhưng cũng có nhiều bức rất nghệ thuật . Tôi nói vậy là do cảm quan cá nhân . Tôi cần minh xác ngay như vậy vì biết đâu trong những bức tranh tôi nói quá tệ lại chẳng có bức trở nên danh họa nổi tiếng trên thế giới trong một ngày gần đây, giống như những bức tranh của Picasso ở thế kỷ 20 vừa qua vậy .
Chúng tôi để ý đến một bức thuộc phái tả thực, tỷ mỷ đến độ nếu chụp hình cho khéo mà treo lên, có thể có người lầm là hình chụp một góc phố .

Có vẻ như vì đây là nơi sinh hoạt của nghệ sỹ và với tâm hồn nghệ sỹ họ chỉ chú trọng đến nghệ thuật nên khu chợ trời này ngoài họ ra, không có gì đặc biệt khác, nếu không nói là "nghèo" . Rác rến thì nhiều mà đồ đạc thì luộm thuộm . Rải rác đó đây, một vài bông giấy và đồ trang trí của ngày Giáng Sinh vừa qua còn sót lại trông thật là lạc lõng .

Rời khu chợ trời thì cũng là giờ ăn trưa . Mọi người kéo nhau lên xe, xuống phố tàu ăn mỳ vịt . Ðây là một trong những tiệm mỳ đặc biệt ở Ba Lê . Trông bên ngoài thì rất nhỏ . Nhưng, khi vào trong thì thấy cũng không đến nỗi to như thế . Mới đẩy cửa bước vào là đã phải nép sang một bên để lấy chỗ đóng cửa lại chứ nếu không sẽ bị vướng chân . Người đứng xếp hàng chờ bên trong, nếu ý tứ, cũng tự đứng gọn mình thêm chút nữa, dù đã quá gọn, để lấy chỗ cho người mới vào . Xếp hàng chờ trước chúng tôi là một cặp và một nhóm 6 người . Tuy nhiên chúng tôi cũng vẫn phải chờ đến cả tiếng đồng hồ vì không có bàn cho 4 người, thành thử cứ nhìn những cặp đôi đến sau, được gọi trước, chen qua mặt vào ngồi thưởng thức bát mỳ nóng hổi vừa thổi vừa nuốt, mà thấy càng thêm đói bụng . Ðược cái đứng chờ lâu cũng gíup cho tôi được dịp quan sát chung quanh .

Bên trái chúng tôi là quầy thu tiền. Lọt vào giữa quầy tiền và cửa kính là hai cái bàn nhỏ, kê nép vào tường, chỉ còn đủ chỗ cho mỗi bàn ngồi hai người, nếu không sẽ không có chỗ cho người đứng xếp hàng . Hai bàn này đã có người ngồi nên khách xếp hàng cứ bị tiểu bảo đi qua đi lại trước mặt để vào tiếp đãi họ . Ðược cái các tiểu bảo này coi khách xếp hàng lúc đó như người trong nhà nên chen qua chen lại cũng không cần phải xin lỗi .

Bên phải chỗ chúng tôi đứng là nhà bếp rất khiêm nhường và hở hang trong chiều hướng khách nhìn gì ăn đó" . Sát vào tường là là hai nồi nước thật to đang sôi sùng sục ngồi trên bếp lửa . Một nồi là nồi nước dùng, váng sao chất béo , nồi kia là nồi nước trần bánh đục lờ lờ . Bên cạnh hai nồi nước sôi là bồn rửa tay Một đầu của nhà bếp, sát cửa kính mặt tiền, là quầy bán vịt quay với cái bàn chặt thịt nhỏ còn con dao thật to thì hầu như luôn luôn trên tay người bán thịt .
Người này ngoài việc chặt vịt quay còn lo phụ với người bếp chính việc tiếp tế mỳ, mằn thắn , ... Cách một khoảng trống vừa đủ chỗ cho hai người làm việc một cách cẩn thân để không vướng vào nhau thì đến một cái bàn vuông mỗi cạnh chừng một mét và một bục gỗ cao ngang tầm tay với . Bục này dùng để để đồ cần thông thương giữa nhà bếp và phòng ăn . Ðồ ăn được chuyển từ bàn bếp lên đó trước khi tiểu bảo chuyển sang cho khách và bát đĩa dùng, sau khi đã rửa, cũng sẽ chuyển qua đó cho nhà bếp sử dụng .

Cái bàn bếp luôn luôn có bát . Ngay khi rảnh tay, ông đầu bếp đẩy gọn những bát còn lại trên bàn cho ngay ngắn, cầm nắm rẻ lau quơ nhanh một cái, cuốn hết đồ vương vãi trên mặt bàn vào chiếc khăn . Quay ra bồn rửa tay rũ rũ nhẹ vào đó rồi mở vòi nước òa òa, vò vò chiếc khăn, vắt kiệt nước. Lau quanh thành bồn rồi gác lên một góc . Ông ta quay lại, kéo một chồng bát cao ở trên bục gỗ xuống, xếp ngay ngắn ra mặt bàn, mỗi bề chừng 5 sáu cái, rúm một chút rau, hành thái nhỏ sẵn ném vào mỗi bát một ít . Ðoạn cầm chai dầu bằng ny lông vẩy vẩy vào mỗi bát vài giọt . Tả ra như vậy thì thấy lâu và cầu kỳ . Thực ra, ông ta làm nhanh lắm mà không đổ vỡ, chỉ thấy nhầy nhợt vương vãi . Ðược cái là có khăn lau và bồn nước ngay cạnh nên chỉ cầm rẻ quệt một cái, lại thấy sạch sẽ như thường .

Nếu còn thì giờ thì ông ta kéo thêm một chồng bát mới . Các bạn có biết ông ta sếp vào đâu không ? Không phải xếp dưới đất đâu, mà là xếp lên trên mấy cái bát đã sửa soạn xong ở trên bàn . Cứ chỗ giao nhau của 4 cái bát, ông ta để một cái lên trên . Có nghĩa là số bát ở lớp trên sẽ kém lớp dưới một cái mỗi chiều . Ðể rõ hơn, tôi xin lấy ví dụ ở dưới có 5 x 5 bát thì tầng trên có 4 x 4 bat' . Trên lý thuyết, có thể lên như vậy cho đến còn một cái ở tuốt trên đỉnh như hình Kim Tự Tháp. Nhưng tôi chỉ có hân hạnh được xem ông ta xếp 2 cái lên tầng thứ ba thì lại có người gọi món ăn nên ông ta phải ngưng tay để quay ra nấu nướng .

Nói về cách nấu nướng của ông đầu bếp này cũng nhanh và gọn lắm . Tay trái cầm cái rổ lưới nhôm nhỏ, có chuôi dài bằng tre; tay phải bốc một nắm mỳ vàng, mềm mại và đều sợi để gọn vào lòng rổ rồi nhúng vào trong nồi nước trần . Tay phải cầm đôi đũa thật dài sơ nhẹ cho mỳ tơi và chín đều . Ðoạn, nhấc lên, rung rung tay mấy cái vừa đủ mạnh cho thoát bớt nước mà không văng ra ngoài . Châm một chút dầu trong khi tay trái hất hất cái rổ để đảo cho mỳ cuốn đều với dầu, rồi ông ta quay lại, cuốc vào bát nghe đánh cạch một tiếng. Ðều dều như một cái máy và cùng với cái rổ nhỏ chuôi tre với đôi đũa dài, ông ta làm không ngừng tay . Hết mỳ sang đến mằn thắn . Ðưa cái rổ nhỏ vào thùng mằn thắn, thò đũa gạt gạt một lô bánh vào, đem chút tụt sang nồi nước trần . Khua khua mấy cái cho chúng không dính vào nhau và chờ cho hơi nóng ngấm tới ruột chiếc mằn thắn, thì chúng được vớt lên và chuyển sang bát . Tuy làm rất nhanh mà không hề dư thừa, bát hơn bát kém . Rồi từng muôi, từng muôi nước dùng nóng hổi, váng chất béo vàng ngậy được chan vào bát . Một rúm rau xanh và vài bụi hạt tiêu rắc rắc lên trên , thế là bát mỳ nghi ngút khói được chuyển ra cho khách đang hau háu ngồi đợi, làm cho những kẻ chậm duyên hơn đang đứng chờ thấy đói lòng thêm một chút .

Bùi Tiến
Last edited by nmchau on 17 Apr 2005 14:40, edited 2 times in total.

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Postby nmchau » 17 Apr 2005 14:10

Hồi 10

..
Viện Dư Lu mà lại hóa không Lu


"Ăn cơm xong rồi đi bách bộ vài vòng, vài vòng cho nó tiêu cơm" là câu hát mà tôi được học từ khi mới chập chững học đi và bây giờ tôi vẫn nhớ . Tuy không còn thấy hay như ngày bé nhưng thấy là đúng hơn tôi nghĩ ngày đó.
Chắc các bạn cũng đồng ý với tôi là sau bữa ăn, nhất là bữa ăn thiên về "nặng" mà làm một cuộc bách bộ nhẹ nhàng thì thật là thoải mái không những cho tâm thần mà cả cho con tỳ con vị . Vì vậy, sau khi ở quán ăn ra, chúng tôi kéo nhau xuống bờ sông Seine đi tản bộ . Nhìn dòng nước trôi êm ả và đón những làn gió nhẹ mang theo chút hơi nước mát lạnh từ lòng sông vuốt ve trên da mặt, thấy tâm hồn thật nhẹ nhõm và thanh thản .

Image


Bờ sông Seine có hai tầng . Tầng dưới gần mặt sông, thấp hơn mặt đường thành phố cả ba bốn thước tây nên yên tĩnh và mát mẻ, tuy đôi khi thấy đồ phế thải tự nhiên của gia súc . Mặt đường lát đá vuông . Tường sắn thẳng đứng, và xây bằng đá tảng . Vì đã lâu ngày và không khí rất ẩm nên trông thật rêu phong, cổ kính. Tầng trên là vỉa hè dường thành phố, xe pháo chạy ồn ào như mắc cửi . Dọc bờ sông, trên lề đường, là các quầy bán đồ kỷ niệm và tranh ảnh . Có quầy mở, có quầy đóng . Những nơi có quầy mở, tuy đồ tranh ảnh không có gì đặc biệt nhưng còn thấy vui con mắt chứ ở những quãng các quầy còn đóng thì trông thật là nản . Nhìn những thùng to cao tầm đầu người, đen xì, chạy dọc bên lề đường, quay lưng xuống sông, người ta liên tưởng đến những thùng rác đóng kín. Thật là mất thẩm mỹ .
Không những thế, chúng còn có tác dụng làm cho những làn hơi thở muốn hít cho đầy lồng ngực cái không khí tươi mát của bờ sông trở nên lưỡng lự và đồng thời làm nản những bước chân giang hồ ... vặt .

Image


Chúng tôi kéo nhau vào thăm nhà thờ Notre Dame . Bên trong, vì bầu không khí tối và yên tĩnh, những khung kính hình, mầu sắc, (stained glasses) ở trên trần, các tường chung quanh và nhất là tường ở tận cùng phía sau nhà thờ, như nổi và rõ hẳn lên . Tôi chọn một chỗ ít người qua lại ở cánh bên trái nhà thờ, ngồi thụp xuống giữa hai hàng ghế , đưa máy chụp hình lên ngắm và thấy nếu chụp từ dưới lên trần, giữ đủ lâu cho có chiều sâu thì sẽ có một bức tuyệt đẹp . Vì vậy, tôi vẫy tay gọi YN, nhờ YN đứng ngước nhìn lên trần cho tôi chụp . Không biết tôi nói to thế nào mà thấy ngay một ông mặc đồ tây xuất hiện sừng sững trước mặt . Nhưng khi thấy mặt tôi tối mò trong bóng tối, chắc ông ta nhận ra ngay là tên này không biết tiếng Tây nên ông không buồn mắng, chỉ nói gì thầm thì tôi không nghe rõ và đưa ngón tay quơ quơ trước mặt . Tôi được cái nhanh trí, hiểu ngay là ông ta muốn gì rồi, nên cười cười, gật gật . Mặc dù tôi biết tôi có cười hay mếu lúc đó chắc ông ấy cũng không phân biệt được. Nhưng tôi vẫn cười cầu tài, với hy vọng ông ta nhìn thấy mấy cái răng trắng trong đêm mà khỏi đuổi ra chứ thực trong thâm tâm, tôi muốn mếu vì cái pose đẹp tôi định chụp đã không lấy lại được nữa . Một phần vì mọi người đã di chuyển khỏi chỗ, mà phần chính là vì tôi đã tụt mất cả cảm hứng .

Ði thăm vòng quanh khá lâu vẫn không nghe thấy tiếng chuông nhà thờ đổ . Tôi hỏi tại sao chưa thấy anh Gù Nhà Thờ Ðức Bà kéo chuông vậy . Ðược cho biết anh Gù không còn đó nữa . Tự nhiên tôi thấy như hơi thất vọng, cái thất vọng nhẹ nhàng của sự thiếu vắng một người quen mình muốn gặp mà không được . Mà thực thế, thiếu anh Gù thì nhà thờ Ðức Bà ở Ba Lê hay ở đâu cũng chỉ là nhà thờ . Thành thử, tôi muốn đi ra ngoài .

Chúng tôi đi vòng qua đại học Sorbonne . Ðang là ngày Tết nên cửa trường đóng im ỉm . Bên ngoài vắng tanh . Chụp một bức hình lưu niệm ở cổng trường rồi thủng thẳng đi xuống vườn Lục Xâm Bảo .

Trong lúc la cà trên đường phố, tôi nhận thấy bảng chỉ giao thông ở Ba Lê cũng có nhiều cái lạ . Ngay tại thủ đô của xứ nói tiếng Tây mà tất cả các bảng ngừng xe ở ngã tư đều kẻ chữ STOP chứ không thấy bóng dáng chữ ARRÊT đâu cả . Arrêt là để dành cho chỗ ngừng xe buýt . Mà ngay tại bến xe buýt cũng chỉ thấy hình vẽ dấu hiệu mà thôi . Còn như ở Quebec, không những ở tại Quebec city, thủ phủ của Quebec, mà ngay ở các thành phố dùng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Tây, các bảng ngừng xe ở ngã tư cũng đều bị bắt buộc kẻ chữ ARRÊT . Nhớ lại khi còn có những cuộc bàn cãi trên báo chí, truyền thanh và truyền hình về nên dùng Stop hay không, người ta đã dẫn chứng là chữ STOP có gốc gác Tây chứ không phải Anh. Thế mà, chính quyền Quebec vẫn đơn phương ra luật bắt dùng ARRÊT vì STOP là chữ Anh. Chữ Stop nếu có kẻ trên bảng chỉ là phụ , nghĩa là bé hơn chữ Arrêt và phải ở dưới . Ðiều này gây ra tệ trạng là hầu hết các bảng ngừng xe ở ngã tư đều có chữ bị xóa . Bảng thì xóa chữ Arrêt, bảng thì xóa chữ Stop . Nhiều bảng còn bị bôi lem nhem đi luôn , trông rất là bẩn mắt . Nếu tôi không lầm, trong mấy tuần nay báo chí loan tin có người đi ăn cắp những bảng Stop về dấu đi, làm cho giao thông ở những ngã tư này trở nên thật nguy hiểm .

Còn về bảng chỉ hướng đi, nếu thấy mũi tên hướng lên trời thì biết là đi thẳng, thấy mũi tên quẹo cái đầu về trái hay về phải là biết đi sang trái hay sang phải . Ở đâu cũng vậy . Riêng ở Ba Lê còn có loại mũi tên chỉ xuống đất với cái đầu cong queo . Ở trong thành phố thì có thể đoán là hướng xuống đường hầm metro hay chỗ đậu xẹ nhưng ở những vùng ngoại ô hoặc ở đường trường mà thấy bảng chỉ như vậy, khách lạ khó biết là chỉ đi đâu .

Càng đến gần vườn Lục Xâm Bảo, tôi càng náo nức . Cái náo nức tôi có từ thời thơ ấu , từ thời phải học thuộc lòng từng đoạn dịch truyện của Anatole France . Tôi không nhớ người dịch là ai nhưng tôi nhớ lời văn, vì văn dịch mà khéo đến độ nhiều khi làm tôi lẫn với văn viết của Thanh Tịnh . "Bạn ơi, tôi sắp sửa nói cho bạn biết rằng, hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. " Cái buổi tựu trường mà trẻ con, lưng đeo cặp sách, tung tăng nhẩy chân sáo đến trường ấy cứ luôn luôn loáng thoáng trong tôi như là một phần hình ảnh của tôi khi còn thơ ấu .

Không biết các bạn ở tuổi tôi có ai có và còn nhớ những kỷ niệm ngày cắp sách đến trường tiểu học ở Hà Nội thời 50-51 như tôi không . Chứ tôi, tôi nhớ lắm . Nhớ những buổi sáng mùa thu trời trong sáng và hiu hiu lạnh Mặc trên mình chiếc áo len mềm chị đan và trên đầu đội chiếc mũ nồi, rủ nhau đi học, vừa đi vưa la cà đùa nghịch . Cái đùa nghịch rất hồn nhiên. Nhiều khi đùa cả trên đồ dùng của nhau nữa . Như chiếc áo len đan kiểu quả dâu nổi đang mặc trên mình tôi chẳng hạn . Tôi thích những đốm dâu nhỏ xinh xinh . Tôi thích lắm vì tôi thấy nó đẹp . Nhưng nhiều đứa bạn tôi ngày đó lại có vẻ thích nó như là một trò chơi hơn là đẹp . Chúng thường hay cấu những quả dâu của tôi, nhiều và mạnh đến độ lắm lúc làm tôi khó chịu . Có lẽ tôi càng thấy khó chịu, chúng càng thấy thích thú hơn . Thế nhưng, khi chúng không phá, có khi tôi lại thấy nhớ . Tôi nhớ cả đến việc chúng phá cái đuôi nhỏ xíu trên mũ nồi của tôi . Nhà tôi ngày đó mới tản cư về nên thanh bạch lắm . Phải nói là nghèo lắm mới đúng . Tuy nhiên, bố mẹ tôi tính thích chiều con nên thường sắm sửa cho chúng tôi bằng người khi đi học . Sợ chúng tôi lạnh đầu, mỗi đứa đều có chiếc mũ nồi xinh xắn như ai . Cũng vì cái mũ nồi mà tôi thấy ngay từ ngày đó là câu " nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò" cần phải đổi lại thành thứ nhất học trò, thứ ba mới là ma quỷ . Có khi còn hơn cả ma quỷ nữa . Tại sao, bạn có biết không ? Chúng thường hay nắm cái đuôi nhỏ xíu ở trên mũ mà kéo và diễu tôi là con trai mà điệu , là con trai mà cũng đội nón có đuôi . Ðã thế có đứa còn dám cả gan lấy mũ của tôi rồi chuyền tay nhau nắm cái đuôi, quay tít thò lò lên như chong chóng . Tôi chạy đuổi thì không kịp . Dù có kịp đứa này, nó lại ném sang đứa khác . Cứ như vậy, nhiều lúc chỉ có cách đứng mà nước mắt chạy quanh . Có lần vì tức quá, tôi đã lấy kéo cắt béng cái đuôi đi cho chúng hết cái phá . Ấy thế mà vẫn chẳng được yên thân . Chúng xoay sang trêu tôi là con chuột cụt đuôi . Có đứa giả vờ làm thân đi bên cạnh rồi chợt lấy tay di di lên đầu tôi, chỗ cái đuôi cụt, nói "chuột cụt đuôi" và phóng chạy . Những ngày đó nhiều khi tôi cầm cái mũ tần ngần sờ sịt cái đuôi cụt, ước nó mọc ra mà lòng thấy thật buồn . Chị tôi thấy thế bảo đưa cái đuôi chị khâu vào cho . Nhưng đâu có
được nữa, tôi vứt mất rồi . Nhớ lại nét mặt chị ngày đó, chắc chị cũng muốn phì cười nhưng không dám vì e làm tôi tủi thân .

Những ngày trẻ thơ đó qua đi như mới đây . Muốn lấy lại cũng không được nữa, cũng như cái đuôi chuột đã rời khỏi chiếc mũ nồi . Sau hơn 50 năm chật vật với cuộc sống và làm lại cuộc đời nhiều lần, lắm lúc tôi thường muốn tìm lại phần nào hình bóng mình nhũng ngày hồn nhiên. Có lẽ cũng vì vậy mà đôi khi tôi tự thấy như mình đã cố gắng làm hồn nhiên cuộc sống .

Vườn Lục Xâm Bảo vào mùa đông không có vẻ thơ mộng như muà thu của tuổi học trò, có lá vàng rơi trên đôi vai tượng trắng . Cây cối đứng phô bộ xương gầy trên nền trời bàng bạc . Người đi lại thấy cũng khá đông nhưng có vẻ là những du khách trái mùa như chúng tôi hơn là những cậu học trò tung tăng đến trường . Mà trường tiểu học ở đâu thì tôi không biết chứ trường Sorbonne chúng tôi vừa đi qua thì hình như ngày nay không có đến cấp tiểu học . Hơn nữa, nếu có học trò Sorbonne nào đi qua vườn Lục Xâm, chắc cũng không còn có thể hồn nhiên chân sáo .

Chợt nhớ đến mấy câu thơ:

Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm


tôi tò mò muốn tìm chiếc ghế đá thơ mộng đó . Nhưng, thấy toàn là ghế gỗ và ghế sắt . Ðâu đó có chiếc ghế đá, nhưng thật ẩm ướt và đất cát . Thực ra, nếu ghế đá đó có sạch và nên thơ mà phải ngồi một mình để thấm cái buốt giá từ tâm buốt ra hay buốt giá cái tâm hiền từ của tôi, tôi đều không muốn . Vì, tôi không có cái may mắn của tác giả bài thơ . Tác giả buốt giá từ tâm vì không có em ở công viên, nhưng đã cóem cầm tay như muốn khóc ở ga Lyon đèn vàng . Còn tôi, tôi đã chẳng có em ở công viên, cũng chẳng có ai cầm tay tôi mà khóc ở ga nào hết . Tuy không có em ngồi bên ghế đá, mà nếu có, em cũng không khóc, nhưng vì trời đã sụt sùi, nên không những làm vai tôi ướt mềm, mà còn làm ướt mềm luôn cả đôi vai tượng đá .

Image


Tượng đá công viên có vẻ có nhiều tự do hơn tượng đá nơi vườn thượng uyển . Tôi nhận xét như vậy vì tôi thấy những tượng trongvườn Lục Xâm không bị bọc ni lông Còn những tượng trong khuôn viên điện Versailles đều bị bọc bằng tấm ni lông dầy mầu xanh đậm , trông thật là gò bó và tội nghiệp . Gò bó đến độ tôi thấy có tượng ở một góc vườn, không biết vì phẫn uất hay ngộp thở, đã chọc thủng tấm ni lông, thò tay ra dơ thẳng lên trời như tỏ vẻ phản đối .

Image


Ðến Ba Lê mà không đi thăm Musée Du Louvre (Viện Dư Lu) thì quả là một thiếu sót lớn . Vì mục đích của viện Du Louvre và điện Versailles khi được xây cất khác nhau nên kiến trúc, phối trí các dinh thự, đường xá, vườn tược cũng khác nhau . Trong khi ở điện Versailles vườn tược rộng mênh mang với những rừng cây, ao, chuôm, thì ở viện Du Louvre vườn không được như vậy . Ðã thế, về sau này người ta còn xây một nhà kính khổng lồ hình Kim Tự Tháp theo kỹ thuật của thế kỷ 20 ở ngay mặt trước của viện, tạo nên một sự tương phản không cần thiết . Có thể người ta đã quyết định dùng lối kiến trúc này để tiết kiệm nhiên liệu khi mang thêm ánh sáng xuống tầng dưới mặt đất, một khu thương mại ăn thông sang nhà ga xe điện ngầm của thành phố .


Nếu nói là đi thăm viện bảo tàng Dư Lu thì có lẽ đi cả mấy ngày xem cũng không hết . Nhưng vì ít thì giờ mà tính tôi lại tham lam muốn xem được nhiều nên chúng tôi đi rất nhanh . Ðiều không ai có thể chối cãi được và nói đến thì thật là thừa trong phạm vi câu chuyện phiếm này, đó là giá trị nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, thương mại, vv... của các bộ sưu tập về tranh ảnh, điêu khắc, tạc tượng, ... từ hàng chục thế kỷ trước thiên chúa cho tới thời cận đại. Có một điểm tôi muốn nói ở dây là hầu hết các tranh ảnh, tôn giáo cũng như lịch sử, đều có đàn bà mũm mĩm, ăn mặc hở hang, hoặc không mặc gì sất, ngoài một miếng voan dài vắt qua những chỗ đáng lẽ không nên vắt qua, hoặc nằm buông thả khêu gợi, hoặc ngồi lê la ôm chân người đàn ông đang đứng chàng hảng một cách ngạo nghe^? ễ. Cũng có cô trần chuồng nằm ườn thẳng cẳng ra, như chết, cho người bê đầu, kẻ bê chân .

Image


Còn về tượng thì có cái gẫy đầu, cái cụt tay . Hầu hết là tượng thời cổ Hy Lạp . Có cái to, cao che kín nguyên một bức tường, có cái nhỏ tý xíu, nếu không để trong lồng kính mà bị người ta hắt hơi một cái sẽ không biết đâu mà tìm . Hầu hết các tượng đá, từ con trai đến con gái, từ ông già cho chí con nít, đều không mặc gì cả, trông rất tự nhiên . Lạ một điều là không thấy có tượng một bà lão nào hết, dù tông nhông hay mặc quần áo .

Image


Qua khu chai lọ thì ôi chao, các lọ bằng đất nung mầu đỏ gạch có vạch đen như những vằn của con hổ , sao mà nhiều thế . Từ to đến nhỏ không biết bao nhiêu mà kể, la liệt hết kệ này sang kệ khác, hết phòng nọ sang phòng kia .
Tưởng nếu đem những hũ đất nung này ra bầy ở tiệm chạp khô thì chẳng ai buồn để ý, nếu không phải là người có con mắt trời ban cho để chuyên đi nhìn đồ cổ .

Từ khi tôi còn bé, tôi đã nghe nói ở viện bảo tàng Dư Lu này có nhiều đồ cổ Việt Nam hơn cả ở viện bảo tàng Ðông Dương và viện bảo tàng Việt Nam . Người ta nói đã thấy cả lồng bàn và áo giáp của vua Quang Trung . Vì vậy, tôi cố gắng đi tìm . Từ Richelieu qua Sully, qua Denon, ...
thậm chí ra cả hành lang, ngoài vườn cũng không thấy . Trong khi đi đến đâu cũng thấy có bảng chỉ hhướng trưng bầy Ðồ Cổ Ðông Phương, nhưng khi đến nơi chỉ thấy toàn là đồ Trung Ðông hay vùng phụ cận hình thù quái dị . Cũng nhờ đi kiếm đồ Việt Nam mà chúng tôi được xem những thảm, bàn ghế, tủ nẻo, quần áo cũ của các vua chúa tây phương thời xưa . Thật ra, trông cũng cũ như bất cứ đồ cũ nào khác chứ chẳng thấy có vẻ gì là vua chúa cả .

Nói theo kiểu các cụ ta, mới thoạt trông thì hầu như ở đây thượng vàng hạ cám, cái gì cũng có . Thế nhưng để ý kỹ thì cũng thiếu nhiều lắm. Như cái dùng để che đầu chẳng hạn, ta thường gọi là cái nón, cái mũ hay cái dù , ... Nó có đủ thiên hình vạn trạng, từ cái mũ nhỏ như một miếng vải, một tầu lá cho chí cái lọng lớn cả thước tây . Có cái được trang đi^?m diêm dúa bằng hoa lá, súc vật, có cái thật đơn giản, một mầu . Từ nghèo chí giầu, từ Âu sang Á, từ Tây sang Ðông, từ nông dân cho đến vua chúa, không ai là không dùng nó . Ấy thế mà tôi không thấy một chiếc nào được bầy trong viện bảo tàng . Vì vậy, mặc dù tôi vốn yêu mến mũ nồi từ nhỏ, tôi đã không ngần ngại lưu lại tặng viện cái mũ tôi đang đội . Sau này nếu có ai thăm viện Dư Lu mà thấy có cái mũ nồi của thế kỷ trước, tức là thế kỷ thứ 20, đó là cái mũ của tôi đã tặng .

Không những chỉ những đồ lặt vặt, như cái mũ, mới bị khiếm khuyết mà tôi thấy có những cái tiêu biểu cho cả một nền văn minh dân tộc cũng bị bỏ quên, không thấy có trong cái viện bảo tàng được mệnh danh là bậc nhất thế giới này . Chẳng hạn như khi nói về văn minh Việt Nam, chúng ta thấy đã trải qua nhiều thời kỳ, nào thời văn minh Cây Tre, thời văn minh cái Lu Ðất Sét, văn minh Ðồ Gốm Bát Tràng, văn minh Trống Ðồng Ðông Sơn .Vậy mà tôi không thấy có một vết tích của bất cứ thời kỳ văn minh nào của Việt Nam ở đây cả . Ðến như cái Lu, ở Việt Nam không nhà nào là không có, thế mà ở viện bảo tàng mang tên là viện Dư Lu, lại tuyệt nhiên không thấy một cái Lu nào hết.

Bùi Tiến
Last edited by nmchau on 17 Apr 2005 14:38, edited 10 times in total.

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Tây Du Ký - Hoi 11

Postby nmchau » 17 Apr 2005 14:12

Hồi 11
..

Ðường Minh Châu dễ lên khó xuống
Văn Tấn Phước duyên lắm tài nhiều


Tuyết Dung (TD) có nhã ý tổ chức họp mặt bạn bè vào cuối tuần chót trước khi chúng tôi rời Ba Lê . Nhưng vì nhiều người bận chiều thứ bảy nên phải chuyển sang tối thứ sáu tại nhà hàng Việt Nam Chez Xuân .

Quả thực không phải vì tôi là người Việt Nam (VN) mà tôi thiên vị cho món ăn VN. Ðối với tôi, đó là cảm giác thực . Ăn món ăn VN trong không khí VN vẫn có cái thoải mái và thú vị riêng mà tôi không thể tìm thấy ở bất cứ gia đình hay tiệm ăn ngoại quốc nào khác . Ăn trong không khí tây phương thì có phần gò bó về cách ăn uống và thù tiếp, giống như giao du với người mà mình thấy có phần trái vị tướng . Ăn đồ ăn Tầu thì quá dầu mỡ nặng nề chẳng khác gì tâm tình với những người luộm thuộm và thích nói năng nhưng ý tứ và sự duyên dáng có phần khiêm nhường . Còn ăn đồ Nhật thì thiên về giả tạo, mỏng mẻo . Từ lối tiếp đãi cho chí cách bầy biện . Ăn đồ Nhật dù ngon miệng đến thế nào đi nữa, tôi vẫn thấy cái dư hưởng hao hao như cái dư hưởng của sự giao thiệp với những người giả đài các, hoặc nói một cách thực tế hơn, điệu một cách thiếu hợp lý . Trong khi ăn đồ ăn VN, tôi có cảm giác thoải mái như giao thiệp với những người cởi mở, duyên dáng và tự nhiên . Ðồ ăn VN, dù ở nhà hay ở tiệm, cách nấu nướng tuy có vẻ cầu kỳ mà thanh nhã . Từ tô canh suông, nước thanh mà ngọt, khay thịt nướng xém cạnh mà thơm, đĩa chả cá vàng ươm mà bùi , cho chí đến món đồ nhúng ướt át mà khoái khẩu .
Cứ tưởng tượng trên những chiếc đĩa trắng tinh những miếng thịt bò thái mỏng màu hồng , những con tôm cong cong bóc vỏ màu sám nhạt, những miếng mực tươi cắt vừa miếng ăn màu trắng đục . Bên cạnh là những đĩa rau tươi còn mát nước, ngồn ngộn như trẻ con mới được nhấc lên khỏi chậu tắm . Những lá sà lách xanh non điểm loáng thoáng những cọng mùi mỏng manh, những ngọn húng láng xanh đậm, điểm màu đỏ của tía tô cùng màu xanh bóng có vân hung hung của húng quế , trông thật tươi mát . Cái tươi mát thanh tao, nhìn đến mà muốn nhìn mãi, chỉ tưởng đến cắn nhẹ vào giữa hai hàm răng đã thấy thích thú mà ngay như chưa nuốt đã đủ thấy mát ruột . Cái tươi mát khác hẳn với cái tươi mát phù phiếm của những đĩa sà lách tây phương cắt vụn, điểm mấy lát củ cải đỏ, lát dưa chuột xanh vài lát cà rốt vàng kệch, bên trên đổ nhầy nhợt salad dressing, nhìn thấy mà tưởng như đang nhìn những người trang điểm vụng về .

Thực khách gắp thịt, hoặc đồ biển, tùy ý, nhúng vào soong nước sôi, gồm nước lã, nước cốt dừa, dấm, muối, ... đã được pha theo kinh nghiệm riêng của người đầu bếp, đang bốc khói trên bếp cồn leo lét lửa xanh.
Ðoạn, để lên miếng bánh tráng mềm mại, lót tàu sà lách xanh tươi, thêm vài cọng rau mùi, húng, tía tô rồi cuốn lại gọn gàng . Chấm vào chén nước mắm pha khéo . Ðưa lên miệng mà cắn ngập răng một miếng, nghe cái rau ráu của rau tươi rập gẫy, cảm cái mềm ấm của thịt, tôm, thấm cái vị chua chua của chanh, hăng hắc của tỏi, cay cay của ớt và thoang thoáng chút hương vị của rau thơm . Cứ nghĩ thôi cũng đã thấy không có cái ngon nào tươi mát, hài hòa và hợp với khẩu vị hơn được . Trong bữa ăn này, anh Văn Tấn Phước (VTP) tuy bận nhưng cũng đến góp vui nên tôi có hân hạnh được biết mặt người có hoa tay viết chữ thảo và nói ra nhạc . Ðồng thời cũng có dịp uống với anh chai bia . Uống bia với anh Phước có cái thú là không bị ép như uống với nhạc sỹ Châu Kỳ . Bởi vì khi anh hỏi "chai nữa ?" mình trả lời "cám ơn anh đủ rồi", anh không ép, chỉ nhìn về hướng người tiếp rượu, cười cười và dơ tay . Tức khắc hai chai nữa được đem đến và mở ra, lúc đó mới nhận thấy là mình vô tình không nhìn số ngón được xòe ra, thì đã muộn .
Anh VTP tóc dài bồng bềnh trông rất tài tử. Lúc nào cũng tươi cười hồn nhiên. Nhờ cá tính này mà có lẽ ai mới gặp anh, dù là lần đầu, đều cảm thấy de^?ễ nói chuyện như quen đã từ lâu . Ðiều này được chứng minh ngay khi anh mới đến đã thân và tương đắc với cô nhạc sỹ kiêm ca sỹ duyên dáng người Ðài Loan. Lúc đầu cô có vẻ man mác với những bản nhạc Blues . Sau khi anh VTP hát tặng cô bản Giấc Em do anh mới phổ nhạc, cô đã trở nên tươi tắn gấp bội, cô xuống tận bàn ăn nói cười vui vẻ và rất là thân mật với Bồ tỷ tỷ và TD, chắc vì cô biết anh VTP thân với hai người này hơn cả nên tìm dịp giữ liên lạc mật thiết. Mặc dù lời bản Giấc Em là tiếng Việt nhưng tôi biết là cô không cần hiểu, cô cảm tiếng nhạc hơn là lời thơ vì cô đã đàn bản này cho anh VTP hát mà không cần nhìn nốt nhạc . Giọng anh VTP thật ấm và tròn . Tuy nhiên, trên Ðường Chiều, giọng anh vỡ nghe cũng man dại lắm .

Image


Mặc dù quán Chez Xuân có cô nhạc kiêm ca sỹ Ðài Loan chuyên nghiệp này và ông chủ có làn hơi rất ấm và phong phú, nhưng khi thấy anh VTP đã cạn ly bia và trên bàn tiệc hồi "gay cấn" đã có vẻ sắp qua , họ tự thấy nên nhường lại sân khấu . Vì vậy nên phần văn nghệ hóa ra do The Silicon Band đảm trách với Minh Châu dương cầm. TD truyền cảm qua Ánh Ðèn Sân Khấu với VTP rồi lôi cuốn mọi người qua liên khúc Không Tên.

Ðặc biệt tối hôm đó có sự tăng cường của ca sỹ Long Ðàm nên khán giả yêu cầu nhiệt liệt . Ðể đáp lại thịnh tình của quý khán giả, ca sỹ LÐ đã trình bày bản Tình Khúc Mùa Xuân theo điệu Tình Khúc Mùa Ðông . Ðược biết ca sỹ Long Ðàm đã nổi danh một thời về giọng ca vàng ròng chảy của anh . Vì vẫn còn rất phong độ, nên ngay khi người ca sỹ thời danh này cất tiếng, mọi người vội rùng rùng ... ra về một cách thơ thới hân hoan, mặc dù bên ngoài trời đang mưa tầm tã .

*
* *

Qua một đêm mưa, sáng hôm sau bầu trời thấy như sáng hơn và ánh nắng như tươi hơn, tuy rất nhạt . Tin là sẽ có một ngày khô ráo nên chúng tôi quyết định đi chơi vùng đồi núi cho biết . Ba Lê không phải chỉ có nhà thờ, viện bảo tàng, sông Seine, với ghế đá công viên . Ngoại ô Ba Lê là cả một kho tàng thắng cảnh và cổ tích, tuy không được giới thiệu như những nét đặc thù của Ba Lê nhưng không kém phần độc đáo, bỏ qua cũng là điều đáng tiếc .

Image


Vùng chúng tôi đi thăm là vùng đồi núi La Roche-Guyon, thuộc Val d'Oise . Cách Thôn Bọ Ngựa vài chục cây số .
Ðường đi tuy không lên dốc xuống đèo nhưng rất quanh co và cảnh rất đẹp . Có nhiều khúc thấy cánh đồng thẳng tắp ngang tần mắt . Có khúc thấy xa xa phía dưới là làng mạc trải rộng một cách êm ả dưới nắng vàng hanh. Dọc theo hai bên đường, rải rác những căn nhà kiểu cổ tường đá mái ngói, có cái đứng ngay sát mặt đường, có căn khuất lấp sau những hàng cây không cắt tỉa . Ðây là vùng núi đá vôi . Có lẽ khi xưa đã có thời có nhà máy nung vôi ở vùng này nên dọc đường đi thấy những vách núi bị xén thẳng đứng, tuy đã có cây cối mọc che um tùm nhưng vẫn còn trơ nhiều khoảng đá trắng .

Lâu đài cổ Château de la Roche-Guyon được xây từ thế kỷ thứ 13 . Xa trông thấy trên đỉnh núi một lâu đài đồ sộ bằng đá và mất nóc , trông như dáng của một cái lô cốt khổng lồ bị hư hại vì chiến tranh tàn phá mà không được trùng tu . Núi tuy thấp, nhưng từ dưới đường nhìn lên thấy vách núi đứng thẳng khó lên. Tuy nhiên, đi vòng ra đằng sau ngôi nhà thờ nhỏ, có đường lên núi xây bằng đá tảng. Theo đường này bước lên chừng mươi bực thì nó trở thành con đường mòn nhỏ . Minh Châu hướng dẫn mọi người đi về phía tay phải một cách tin tưởng là con đường này sẽ đưa vòng phía sau núi, từ từ sẽ lên đến đỉnh . Ðây là một con đường mòn bằng đất, dốc và nghiêng, lổn nhổn những sỏi và gạch vụn, rải rác vỏ và lá cây khô . Vì tối hôm trước mưa to nên đường đi tuy không thật lầy lội nhưng trơn trượt, khó đi . Tuy nhiên, vì mới đến, mọi người còn hăng hái, chúng tôi vừa đi vừa la cà chụp hình một cách thoải mái . Hơn nữa, về phía bên phải, nơi sườn núi dốc xuống, không biết là để ngăn đất tư gia hay để cho du khách, nếu có trượt chân, không bị ngã lăn lông lốc xuống chân núi, người ta dựng một hàng rào bằng sắt mắt cáo màu xanh chạy dọc theo con đường mòn. Nhờ vậy, đôi khi gặp khó khăn, cũng có chỗ bám vào mà lên . Mọi người thấy dù đường khó đi như vậy mà Minh Châu tỏ ra rất quen thuộc và thảnh thơi bèn cho con đường này mang tên là Ðường Minh Châu .

Image


Ði vòng được một lúc khá xa thì Ðường Minh Châu trở nên khó đi hơn, nếu không nói là tắc tị . Dưới chân, cỏ ướt mọc dài và cành cây gẫy ngổn ngang làm dàn cho những dây leo mọc vô trật tự . Nhìn lên thì cây cối um tùm mà nhìn xuống thì chẳng thấy một bóng người , làm tôi nhớ lại khi còn nhỏ lên nghỉ hè trên Ðà Lạt . Ngày đó tôi có mấy người anh họ suýt soát tuổi tôi ở trên đó nên quen thung thổ và hay bầy tro đi chơi xa . La cà hết hồ đến thác, từ xa đến gần . Nhiều hôm rủ nhau leo tuốt vào khu rừng sâu kiếm lan . Ngày đó, tuy tôi có thích hoa thật, nhưng không phải vì thích lan mà đi kiếm . Thật ra vì tò mò nhiều hơn . Càng tò mò hơn khi thấy nhà văn Nhất Linh nói chuyện về thú tìm lan và chơi lan , với nhưng nét vẽ phóng thuỷ mặc linh động, với những tên hán việt thật nhã và với lời thơ mộc mạc :

Trâu thấy lan xinh ngoảnh cổ nhìn
Người thèm lan đẹp ngửa tay xin

Vì vậy mà tôi ham . Nhưng lên núi tìm lan cũng giống như bất cứ một trò chơi hay trò thể thao nào khác . Không biết đến thì thôi, nhưng nếu đã biết đến một lần sẽ đâm nghiện . Mặc dù chúng tôi đã từng đi thật xa và kiếm thật kỹ mà chẳng bao giờ kiếm được một giò lan nào . Tôi không biết có phải là ngày đó chúng tôi đã đi toàn vào những vùng mà người săn lan thiện nghệ đã từng qua hay tại chúng tôi tuy đi kiếm lan mà không cả biết mặt mũi cây lan như thế nào . Có điều là dù không kiếm được gì, nhưng thật là thích thú . Trời hiu hiu gío mát, không khí trong lành . Vừa leo vừa thở . Mặt ngẩng tìm lan Chân đạp cỏ dại . Bước thấp bước cao, ngã cứ như bổ củi mà vẫn đam mê . Có lần tôi nhìn thấy trên ngọn cây thông cao có bông hoa tim tím . Tôi nghi là lan, gọi anh em lại xem và tìm cách lấy . Qua khe cành lá của những ngọn thông gìa, nền trời xanh thẳm như cao hẳn lên . Một áng mây trắng từ từ trôi, làm tôi thấy như đất di chuyển dưới chân gây nên cảm giác chòng chành. Chúng tôi bàn tán ồn ào, ai cũng nghĩ là đã thấy lan mà không ai có sức trèo cao . Riêng tôi, cứ nhìn cái thân cây to sần sùi và thẳng tắp cao vút lên trời xanh đã thấy gân ở gan bàn tay như đã rờn rợn lên rồi chứ đừng nói là ôm lấy nó mà leo . Ngày đó chúng tôi trở về với một sự nuối tiếc và còn bàn tán đến cả mấy ngày sau không dứt .

Trở lại đường mòn Minh Châu, sau khi loay hoay một lúc, chúng tôi thấy không có cách nào lên tiếp được, Minh Châu bàn là chắc phải đi xuống rồi tìm đường lên phía bên kia . Vừa nói, MC vừa chỉ tay về phía chúng tôi mới đi qua . Mọi người đông ý và lục tục kéo xuống . Khi lên đã thật là khó khăn, khi xuống lại càng khó gấp bội .
Ðường trơn và dốc . Xuống nhanh thì sợ ngã mà đi chậm thì lại sợ trơn trượt . Vừa lần từng bước vừa chờ người sau để phòng hờ nếu có ai gặp khó khăn thì giúp cho khỏi bị ... đo đường . Tôi không biết các con đường mòn chiến lược khác thế nào chứ con đường mòn Minh Châu này không những là đã không de^?ễ lên mà còn khó xuống .

Xuống được một đoạn thì thấy có chỗ rẽ có thể đi được, chúng tôi theo sang hướng đó . Ðường chỗ này có phần hẹp hơn khúc vừa qua và khuất bóng một phần trái núi nên tôi tăm và lạnh lẽo hơn . Có lẽ vì vậy mà cỏ mọc nhiều hơn và có nhiều cây thấp mọc là là ngang tầm bụng.
Nhìn thì tưởng cũng dễ đi . Thực ra, khi dẫm lên cỏ, đất lún xuống, ở dưới là bùn dẻo quẹo thì cũng thấy nhờm chân. Tôi xung phong đi trước, níu cành vạch lá mà đi Ðước dăm thước, quay lại thấy mọi người còn đứng nhìn có vẻ ngại ngần . Tôi dục, không ai hưởng ứng .
Chợt có tiếng la chói lói từ lưng trời vọng lại . Ngẩng nhìn lên, thấy một cặp trẻ tuổi đang tìm đường xuống Người con gái hụt chân, vừa ngồi lê vừa la hét một cách run sợ , làm cho mọi người thêm nhụt chí anh hùng . Họ trẻ như vậy mà còn gặp khó khăn đến thế khi xuống , tôi thấy thật không còn hy vọng gì khuyến khích mọi người tự dắt dìu nhau mà lên cho được. Thực ra, khi xưa lên non tìm thày học đạo, tôi có học được thế "Bạch Ðầu Viên Ðăng Sơn Quá Hải" . Với thế này, tôi có thể hai tay quắp hai người, một chân quắp một người, còn chân kia đu dây mà lên . Nhưng nhìn quanh, chẳng thấy có sợi dây nào đủ sức, vì vậy tôi cũng đành chịu bỏ cuộc và theo mọi người xuống núi .

Bùi Tiến
Last edited by nmchau on 17 Apr 2005 14:25, edited 3 times in total.

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Tây Du Ký - Hồi Kết cuộc

Postby nmchau » 17 Apr 2005 14:13

Hồi 12
..

Sáu tháng nhập Thiên Thai, về quê cũ mới qua vài thế hệ
Mười ngày du Tây Quốc, lại nhà xưa đã hết một thiên niên


Tôi có cái tật xấu, không biết có ai giống tôi không, nhưng nếu có chắc cũng ít . Tật xấu đó là trước khi đi chơi đâu thì rất là háo hức muốn đi, khi đến nơi rồi thì lại háo hức ngong ngóng chờ ngày trở về .

Ấy thế mà lần đi chơi này, lại khác hẳn . Trước khi đi thì quả có háo hức mong cho chóng đến ngày đi thực . Thế nhưng đến ngày về thì lại thấy muốn trì hoãn . Cứ mong cho ngày dài mãi ra mà chẳng được . Thoáng một cái đã thấy đến ngày về . Các bạn biết gì không . Hôm sau phải ra phi trường sớm mà tối hôm trước vẫn còn loay hoay xếp đồ xếp đạc mãi cho đến khi đi ngủ vẫn chưa đâu vào đâu .

Sáng hôm sau dậy thật sớm, tọng đại đồ đạc vào va ly . Cái nào cái nấy đầy căng lên mà vẫn còn bừa bãi .

Tuy không dám mua sắm gì mà sao đồ đạc ở đâu ra lắm vậy . Cũng chỉ tại thôn chủ quý mình quá làm mình vất vả vậy thôi . Khen một bản nhạc hay, tức thì một CD nhạc được tặng . Khen hình chụp đẹp thì lại một CD khác đầy hình . Rồi rượu, rồi trà, khen cái gì cho cái nấy . Thậm chí thấy cái ống cắm tăm bằng quế to cỡ gấp đôi cuộn chỉ, khách vừa khen lạ và thơm, đã nói : huynh tỷ thích thì tặng cái này . Bèn đứng lên mở tủ . Tưởng cho cái ống cắm tăm khác chứ có ai ngờ đâu là bê xuống nguyên một cái tráp to bằng cái tráp thực của bà già trầu bằng quế chi . Từ đó khách sợ quá không dám khen gì nữa .

Image


Nhớ lại khi xưa tráng sỹ Kinh Kha định nhặt hòn ngói ném con rùa rùa mà được đưa thỏi vàng vào tay để thay hòn ngói . Rồi khi khác nhìn thấy con ngựa quý, Kinh Kha chỉ nói gan ngựa ăn ngon lắm, con ngựa quý đó tức thì được đem ra mổ bụng . Vì vậy, mỗi khi nhìn đôi bàn tay lướt nhẹ như đôi thỏ nuột nà trên phím đàn, những muốn khen mà rồi cũng đành giữ miệng .

Nhìn đống đồ bừa bộn, thôn chủ nói có cần thùng thì lên lầu, nhiêu lắm . Lạ thật . Mình ở đây cả mấy tuần mà không cả biết là nhà có tầng nữa . Mở một cửa từ trước vẫn nghĩ là cửa một buồng ngủ khác, luôn luôn đóng kín, bước vào hóa ra là một phòng nhỏ, có cầu thang lên lầu . Chọn được một cái thùng rất khỏe và to vừa phải, tuy hơi nặng . Tình cờ lại là thùng đựng printer cũ Ðem xuống xếp mấy chai rượu rồi lót giấy báo cho thật êm ái làm nệm ấm cho cái tráp quế chi . Sau khi dán kín, buộc thêm giây lấy chỗ xách và đề tên tuổi cẩn thận, không quên mượn cây bút to đầu đề chữ FRAGILE chung quanh, mặc dù mỗi mặt đã có chữ Fragile in sẵn rồi Tới đây thì cũng vưa đến giờ cà phê sáng .

Tàu bay dự trù là cất cánh lúc 12.30 . Chiều hôm trước điện thoại cho hãng tàu bay cũng được xác nhận là không có gì thay đổi . Thường thường thì hành khách được yêu cầu có mặt tại phi trường trước giờ bay hai tiếng . Tôi đoán từ thôn ra phi trường Charles De Gaule (CDG) mất chừng một tiếng, như vậy khởi hành lúc 9 giờ là vừa . Nhưng, thôn chủ, theo kinh nghiệm nói nên uống cà phê xong đi lúc 8 giờ, 8 giờ 15 . Lên phi trường, sau khi làm thủ tục xong thì sẽ ăn sáng trên đó cho ung dung kẻo kẹt xe thì khó lòng . Thoạt nghe, trong bụng tôi thấy sao mà sớm quá vậy . Tuy nhiên đến khi ngồi trên tàu bay, bắt đầu lấy lại hơi thở, mới thấy là thật chí lý .

Hôm đó, không biết có phải trời mùa đông Ba Lê vì nhớ nhung mà sương mù sương muối và dân Ba Lê định rủ nhau ra tiễn chúng tôi hay không mà đường phố kẹt như nêm .
Ðông đến độ xe nào xe nấy cứ lăn đi một ít, giây giây lại dừng .

Trời thì sương mù đến độ cách nhau chừng hai xe là không nhìn thấy gì nữa, chỉ thấy trắng xóa một màu . Cũng may là sương nên tuy mặt đường có ướt át cũng không đến nỗi trơn trượt như tuyết hay băng .

Hoàng Yến (HY) kể rằng có năm trên đường đi Caen, sương mù dầy đặc đến độ phải có một người xuống đi bộ, cầm một ngọn đèn dơ cao lên cho xe phía sau nhìn thấy và từ từ đi theo .

Cứ nhìn trong vùng gío lộng đầy sương mù trắng xóa mà tưởng tượng có một đốm đèn vàng le lói khi tỏ khi mờ phía trước tôi lại liên tưởng đến ông cựu Lãnh Binh với cây cầu ma trong chuyện cuối cùng của nhà văn Vũ Khắc Khoan. Bất giác tôi lo lắng, tự nghĩ nếu sương mù dầy đặc thêm đến độ phải có người xuống cầm đèn thì biết làm sao . Lão Dương (LD) thì thích lái đã đành rồi . Còn hai người đàn bà thì bé như cái kẹo đồng đôi, dù cho cả hai có xuống công kênh nhau lên mà cầm đèn, chắc cũng chẳng ai nhìn thấy ở đâu mà lần . Vậy thì phải làm sao ? Chỉ nghĩ đến đấy thôi, tôi đã cảm thấy rờn rợn . Cái rờn rợn của một người đang cầm ngọn đèn leo lét đi trong sương mù dầy đặc , gió lạnh thổi vù vù và bên tai như văng vẳng đâu đây có tiếng còi xe ô tô mơ hồ đưa lại . Bất giác tôi có cảm giác như chính chân mình bươc thấp bước cao theo nhịp xe di chuyển và thoáng giật mình như vừa chợt tỉnh .

Cũng may là khi chúng tôi đến phi trường thì mới gần 11 giờ . LD thả chúng tôi xuống rồi đi đậu xe, nói sẽ gặp nhau tại terminal 2D . Ba chúng tôi lật đật đẩy đồ đạc về phía 2D . Ở đây, nhìn màn ảnh ghi các chuyến bay và giờ đi thì thấy chuyến Sabena đi Brussels của chúng tôi bị hủy bỏ . Thật là bất tiện, muốn hỏi gì cũng không được vì nhìn quanh không thấy quầy Sabena đâu hết . Chạy quanh một lúc thì thấy quầy Information . Hỏi, họ xác nhận chuyến bay bị hủy và bảo sang quầy số 5 mà hỏi .

Chúng tôi vội hỏi đường vàđẩy đồ tới quầy số 5 . Tại đây, trong khi chúng tôi chờ đến lượt mình thì HY chạy lại kiếm LD cho biết, kẻo LD bị lạc . Ở quầy số 5, sau khi hỏi chúng tôi đi đâu thì người chỉ dẫn cho biết là hành khách của Sabena đi Brussels được chuyển qua Swiss Air (SA) ở bên 2B và bảo chúng tôi đi về hướng trước mặt ông ta, tức là thiên về phía trái chúng tôi . Tất bật đẩy đồ sang SA ở mãi cuối hành lang . Ở đấy lại phải sếp hàng chờ . Ðến khi được họ tiếp thì họ hỏi vé, lấy giấy tờ, làm thủ tục xong xuôi rồi lại bảo bây giờ đi sang 2A, đi Air Canada (AC), vì hành khách của SA được chuyển sang AC . Bà ta còn cẩn thận nhắc là đi mau chân lên kẻo trễ vì AC cất cánh lúc 12 giờ, sớm hơn giờ chúng tôi tính nửa tiếng . Thế mà họ dặn dò như mình từ sáng đến giờ đi chậm lắm .

Ôi chao, sao mà rắc rối quá thể vậy . Phi trường CDG thì to mênh mông, khách thì bỡ ngỡ lạ nước lạ cái . Sao họ không thể làm bảng chỉ rõ rệt và de^?ễ hiểu hơn một chút Nội một việc chạy từ terminal 2B sang 2A thôi cũng đã dủ khướt con cò bợ chứ đừng nói chuyện chạy lên nhạy xuống, chạy ngược chạy xuôi như vậy .

Nhìn lại, vẫn chưa thấy LD & HY đâu . Ðứng lại chờ thì e lỡ tàu bay . Ðành bảo nhau cứ đi . Nếu không gặp lại để bái bai được thì khi về Montreal sẽ điện thoại vậy Chúng tôi liền đẩy xe đi mau chân về phía tay bà tiếp viên chỉ . Hấp tấp đi suốt tới cuối hành lang cũng không thấy 2A 2 iếc gì hết . Chợt thấy có cái thang máy mới đến, mở cửa và có người đẩy xe hành lý vào giống mình, bèn chặn lại hỏi . Họ bảo ở dưới . Vậy thì yên tâm đẩy đồ vào theo . Xuống đến dưới nhà thì thật là hoàn toàn lạc lõng, không có vẻ gì là nơi soát vé lên tàu bay hết . Mà nhìn lại thì nhóm xuống thang cùng với mình cũng lạc loài đi đâu mất rồi . May lúc đó có một người có vẻ là người làm việc tại phi trường . Chúng tôi chặn lại hỏi đường tới 2A, Air Canada . Bà ta bảo không phải ở dưới này, ông bà lên lầu, đi thẳng về phía kia . Theo phía tay bà ta chỉ thì chính là phía ngược với phía chúng tôi vừa mới đi qua .

Lại lọc cọc đẩy đồ lên lầu . Chân thấp chân cao, chạy mãi vẫn chẳng thấy 2A đâu hết . Gặp một bà ăn mặc kiểu tiếp viên hàng không, hỏi 2A, Air Canada ở đâu . Bà ta bảo cứ đi tới nữa sẽ thấy . Ði một lúc thật lâu thì thấy 2A và xa xa hơn một chút là Air Canada . Hỏi mấy người trong hàng thì họ đều nói là chờ lên AC về Montreal, lúc bấy giờ mới được thở . LD & HY vẫn chưa thấy đến . Bụng cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, yên chí là không có cơ hội bái bai mất rồi . Một lúc sau, đang nhìn quanh thì nghe có tiếng nói quen thuộc bên cạnh . Nhìn lại thì thấy ông bà thổ công .

Image


Gọi cặp này là thổ công thật không ngoa vì đi chơi đâu họ cũng tỏ ra rất quen thuộc . Hầu như không bị lạc bao giờ , kể cả khi đậu xe dưới hầm của thủ đô Ba Lê . Sau khi xuống hầm chạy vòng vo tam tứ tầng mới có chỗ đậu rồi lại phải đẩy hai ba từng cửa mới lên được mặt đất . Thế mà khi mua sắm xong, quay về, họ cứ thảnh thơi tản bộ đi trở lại như là đã từng làm dấu đường đi ở đâu đó rồi .

Mà đáng phục hơn nữa là khi đi vào chợ mua sắm . LD thả cho HY xuống chợ đồ ăn, bà xã tôi đi theo . Rồi LD thủng thẳng đi vào tiệm đồ điện tử . Hai người không hề dặn dò gì nhau hết . Sau khi đi dạo một lúc lâu, tôi sợ HY bị lạc vì không biết chúng tôi ở đâu mà tìm nên chạy vội vào chợ đồ ăn với ý định cho HY biết là chúng tôi ở bên quán đồ điện tử . Sau khi chạy vòng quanh không thấy HY đâu, tôi lo lạc nốt LD thì kẹt quá, nên lại vội quay trở lại tiệm đồ điện tử . Nhưng khi ra đến cửa chợ đồ ăn đã thấy mấy người đang lảng vảng chờ mình
Hóa ra chính mình lại ... lạc . Rõ chán ngấy mớ đời .Ðúng là mình chỉ lo chuyện con bò trắng răng .

Vì giấy tờ đã làm xong từ bên quầy SA nên chúng tôi chỉ phải chờ cân hành lý là xong . Tuy nhiên cũng chỉ kịp nói mấy câu từ biệt và chụp vài bức hình kỷ niệm là phải chia tay :

Dùng dằng kẻ ở người đi
Chân ngơ ngẩn bước, dạ trì trì lưu
Ngợp trời sương gió đìu hiu
Ngoài song ướt át ra chiều Châu rơi
Yến oanh xao xác biếng hơi
Tân xuân vương vấn, đông thời chưa qua
Bàng Hoàng một bước một xa
Quay đầu nhìn lại đã xa ngàn trùng
Ðoái trông trắng xóa một vùng
Tuyết bay phơi phới ngại lòng người đi
Chợp chờn đứng nhận va ly
Qua đoan xét giấy không gì khó khăn
Ðẩy qua ba, bốn từng ngăn
Gặp ông soát giấy, nhe răng ra cười
Nhưng ông nghiêm nghị quá trời
Bụng tọ má phị, râu thời cong cong
Chỉ thùng, hỏi: gì ở trong ?
Thưa rằng giầy dép chứ không có gì
Hỏi giầy sao để Fra Gi
vào kia xem thử sự thì làm sao
Mở ra hương quế ngạt ngào
vài chai rượu qúy đem vào đã khai
Nhì nhằng hỏi một hỏi hai
Riết rồi cũng được bái bai ra về
Nhìn quanh tuyết lộng bốn bề
Mơ hồ không biết trong mê hay đời
Rẽ mây, vén tuyết lưng trời
Tân Ðào Viên vẫn rạng ngời như xưa
Bốn bề lặng ngắt như tờ
Xa xa thấy lão bạc pho đến gần
Han chào, đón hỏi vi vân
Rằng nghe tiên tổ ân cần truyền cho
Thiên niên kỷ trước tựa hồ
Tân Ðào Viên chủ vân du Tây miền
Thảnh thơi vui cảnh cõi tiên
xa nơi tục lụy đã quên đường về
Sự tình nghe thấy mà ghê
Mươi ngày mới đấy đã kề ngàn năm
Bâng khuâng tiên, tục, đạo, trần,
Lần theo kỷ niệm bớt phần tỉnh mê
"Gửi theo một chuyến Trở Về
Paris còn có lạ gì không anh ?"
Rành rành nét mực còn xanh .

Bùi Tiến


Image

Thay lời kết:
Ðến đây là chấm dứt thiên hồi ký Paris Có Gì Lạ Không Anh . Cám ơn Bồ huynh & Bồ Tỷ Tỷ, anh chị N Minh Ðức, Minh Châu & Hoàng Yến, Mai Ninh, Tuyết Dung, Văn Tấn Phước và tất cả các anh chị em trong cũng như ngoài Quán Sâu Bò đã dành cho chúng tôi sự đón tiếp ân cần, ấm cúng và thân mật .

Ðặc biệt là Minh Châu và Hoàng Yến, không có Tđ&Tm, thiên hồi ký này đã không thể thành hình được . Nhất là phần trình bày hình ảnh thích hợp và sống động là cho thiên hồi ký bớt phần tẻ nhạt.
Thân mến, Bh


Return to “Du Lịch đó đây - Voyages d'ici et là - Travelling Reports”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 2 guests