....Nhu+ The^? Ti`m Chim

Quỳnh Hương
Pentium 4
Posts: 815
Joined: 01 Oct 2007 17:29

....Nhu+ The^? Ti`m Chim

Postby Quỳnh Hương » 04 Apr 2007 07:53

....Như Thể Tìm Chim

Quỳnh Hương
04.04.2007
(Hình chụp từ máy point and shoot của tác giả)

Sáng nay mới 6g tôi đã thức dậy, cả đêm qua ngủ chẳng được gì cả, cứ 2 tiếng lại thức, ngóc đầu lên xem đồng hồ trên bàn đã đến giờ chưa, lòng nôn nao cứ như ngày xưa thao thức chờ sáng để đi trại hè với các bạn trong trường. Sau 3 tuần theo học lớp nhiếp ảnh, hôm nay nhóm chúng tôi tổ chức đi chụp hình ở Mission San Juan Capistrano, một thành phố ven biển cách Bolsa khoảng 1 tiếng lái xe. Nghe thày nói hằng năm có đàn chim én bay về ngôi nhà thờ này, nên càng khiến tôi háo hức đi xem cho biết.

Hẹn nhau 7g30 ở Song Long, khi tôi đến thì thấy thày Hiền, anh Tú và 3 anh chị khác nữa đang đứng chờ, hỏi ra thì được biết một nhóm đã đi trước rồi, chỉ còn chờ tôi nữa mà thôi. Vội vàng lên đường, đến nơi vẫn còn sớm nên chúng tôi tìm được chỗ đậu xe dễ dàng, xuống xe các anh thận trọng đeo ba-lô (back pack) đựng máy chụp hình với các ống kính nặng nề sau lưng, tay xách thêm cái giá 3 chân (tripod) để gắn máy lên chụp cho vững vàng. Phụ nữ thì kéo theo cái carry-on hay cái ba-lô có bánh xe cho đỡ nặng, ai cũng có cái tripod riêng của mình như mấy ông.

Chúng tôi đứng chờ khoảng 10 phút sau thì nhà thờ mở cửa, vào đến bên trong, hai nhóm tập họp lại, người thì lấy máy ra gắn ống kính vào điều chỉnh khẩu độ, kẻ thì kéo tripod ra để gắn máy vào. Các anh chị cẩn thận nâng niu máy của mình như là đang bế em bé vậy, tôi thì camera-less nên chỉ đứng nhìn, may thay anh Tú có dư một máy nên cho tôi mượn để thực tập, cám ơn anh Tú rất nhiều. Sau khi được chỉ dẫn cách xử dụng máy và căn dặn phải cẩn thận bồng bế em bé như thế nào, chúng tôi tản mác, mạnh ai nấy đi, muốn chụp gì thì chụp. Tôi đi sau cùng, len lén lấy cái máy digital nhỏ xíu của tôi ra bỏ vào túi áo, mình cũng phải chụp vài tấm làm kỷ niệm chuyến đi này chứ, nhưng đừng để cho các anh chị ấy thấy, quê lắm vì ai cũng đeo máy với ống kính to trông Pro quá chừng đi.

(Chú thích: những hình post dưới đây là từ camera point & shoot của tác giả, chỉ là hình kỷ niệm mà thôi, không phải từ máy xịn của anh Tú.)

Image

Tôi theo chân thày Hiền và anh Tú, vừa chụp hình, vừa học hỏi và tham khảo mỗi khi có câu hỏi hay thắc mắc điều gì. Thày đưa tay chỉ vườn hoa trước mặt, “Mấy cây hoa phía trước là tiền cảnh, bức tường đàng kia là hậu cảnh, nếu có cô người mẫu vào đứng ở giữa thì thật tuyệt.” Anh Tú chỉ dẫn: “Phải biết lấy góc cạnh như thế nào mới ăn tiền, thí dụ như cái tượng ông kia đang giơ tay chỉ cái gì, hoặc thấy con ong đang bay la đà vờn quanh nhụy hoa sắp sửa đáp xuống.”

Image

Muốn lấy hình hoa cho đẹp, phải nằm xuống ngang với cụm hoa thì mới thấy được hết cái đẹp của nó, chứ không phải cứ khơi khơi đứng đó mà bấm.” Thế là tôi ngồi bẹp xuống đất, chồm người đến trước, ngã người ra sau, vẹo người qua phải, nghiêng người sang trái, chụp từ dưới thân cây lên đóa hoa, chụp ngang cánh hoa, nhắm máy rà rà chọn hậu cảnh ...hòa đồng với tư thế của các ông phó nhòm tài tử mà chuyên nghiệp kia.

Image

Quả là tầm nhìn của con mắt có khác, chỉ xê xích chút xíu cũng đã cho thấy những góc cạnh đẹp khác nhau của chủ thể hoa mà tôi chưa từng thấy bao giờ, vì từ trước đến nay tôi cứ toàn đứng từ trên cao, nhắm cái máy xuống đóa hoa mà chụp, hoặc lấy cảnh lãng đãng từ xa, một cách hời hợt không có tâm tư.

Image

Tôi bỗng nhiên khám phá ra, hoa cũng như con người vốn dĩ bản chất là thiện tâm, nếu chịu khó tìm hiểu và khơi ra góc cạnh đó, sẽ thấy được cái đẹp của nhau. Quay người sang bên trái, tôi tìm được một chủ thể cũng khá hay, nên giơ máy bấm ngay. :lol: .

Image

Phải công nhận là “đi một đàng học một sàng chụp hình khôn” thật. Càng lúc, tôi càng xử dụng máy nhanh nhẹn hơn, xoay xoay ống kính để điều chỉnh khẩu độ, khoảng cách, rồi bấm xuống tí xíu như lời thày và các anh chỉ dẫn, ngưng lại để focus chỗ nào mình muốn chụp, xa-mờ gần-rõ hay xa-rõ gần-mờ thì tùy, rồi click, click, click. À, kìa con ong đang đậu trên cánh hoa, bấm một cái thử.

Image

Còn cái màng nhện giăng trên cành cây trước mặt xem cũng hay đấy, nếu tôi chụp với hậu cảnh là tháp chuông cổ kính kia thì càng tăng thêm nét phong trần của thời gian trên di tích lịch sử này, ý tưởng chợt lóe lên, bèn canh, điều chỉnh, focus, và click click (tiếc là hôm ấy quên chụp với máy của mình). Cũng như là hai đóa hoa này chẳng hạn, một cái đang nở rộ thật tươi trong lúc xuân thì, còn cái bên cạnh thì hoa đã tàn, nhụy đã phai, khiến tôi liên tưởng đến hai lứa tuổi, hai cảnh đời của con người.

Image

Mặc cho mọi người đang vây quanh hồ sen, một mình tôi đi loanh quanh, chui vào con hẻm, hành lang vắng lặng.

Image

Lạc vào vườn hoa đủ sắc màu rực rỡ trong khuôn viên nhà thờ.

Image

Đi một hồi, nhìn quanh chẳng thấy ai hết, tôi vội vàng đi ra ngoài cổng tìm, cũng không thấy ai. Điện thoại cho thày mãi vẫn không thông, cuối cùng mới bắt được làn sóng, “ới thày, ới anh Tú, đang ở đâu thế?”, “Chúng tôi đang ở phía nhà trong”, chưa kịp hỏi thì lại im lặng, mất làn sóng nữa! Bên trong là ở đâu cơ chứ, tôi lại quay vào đi tìm, đang dáo dác nhìn thì may thay thày đã trông thấy tôi đưa tay vẫy lại. Cả nhóm đang ngồi nghỉ dọc theo hành lang đàng sau rặng cây, chỉ có tôi là lạc loài nãy giờ. Vừa ngồi xuống thở một chút, thì thấy một đàn em bé người Mễ trong các sắc phục đủ màu, theo sau vài bà Mễ cũng trang sức sặc sỡ đi ngang, vừa đi vừa cười nói rộn ràng như bầy chim sẻ. Thế là cả nhóm đứng dậy, xách máy chạy theo, “Cô ơi, cô đứng lại cho tôi chụp một tấm nhé”, “Bé ơi, bé cười lên một chút đi, hé hàm răng một tí, cười xinh quá”. Xem như hôm nay cũng có thành quả, được mấy tấm với nhiều màu sắc đặc biệt, nụ cười lại nở trên môi, mọi người tíu tít lăng xăng cười nói.

Image

Trời đã đứng bóng, đa số đã mệt rút lui vào bóng mát ngồi nghỉ. Thấy anh Tú đang lom khom với ống kính bên cạnh hồ cá, tôi cũng tiến lại, nhắm ống kính vào hai đóa hoa sen đang khoe sắc hồng dưới ánh nắng nhẹ nhàng của mùa Xuân. Trên mặt hồ là những cánh bèo đang khẽ khàng đưa đẩy theo làn nước, thỉnh thoảng làn nước trong veo lại gợn sóng nhè nhẹ vì vài chú cá vàng đang quẫy đuôi bơi ngang. Tôi yên lặng canh máy, chờ mấy chú cá đang lượn qua lượn lại dưới nước đằng kia, đợi chúng lội ngang mấy đóa hoa sen là chụp ngay. Để ý các con cá, hễ thấy bên nào có bóng người động đậy là chúng bơi về phía ấy, nên tôi quơ tay vẫy vẫy, nghiêng mình qua lại để xem phản ứng của chúng. Vài con quay mình bơi về phía tôi, ngang các cánh sen, tôi liền giơ máy bấm vài pô, tưởng chừng đã thành công nhưng khi về nhà xem lại hình thì chẳng thấy bóng dáng con cá nào cả, rõ ràng thấy nhiều cá lắm mà, sao lạ vậy? Không biết máy anh Tú mà tôi dùng để chụp có bắt được con nào không?

Image

Nhìn qua bên kia, thấy có một dáng phụ nữ ngồi trên thành hồ, tay cầm một cây dù Nhật hoa hòe màu xanh lá cây tươi đang che nắng, gương mặt khuất đằng sau cây dù. Tôi thả bộ sang mé bên đối diện xem đối tượng ra sao để bấm vài pô, thì hỡi ơi chỉ là một bà Mỹ đen có vẻ hơi phì nhiêu, màu sắc thật không hợp tí nào, nước da nâu đen dưới màu xanh lá cây của cây dù. Tiu nghỉu, tôi trở vào bóng mát, nơi thày đang ngồi chờ mọi người. Chợt nhớ mục đích hôm nay mình đi chụp chim én bay về tổ mà sao nãy giờ chẳng thấy ai đề cập đến cả, nhưng tôi không dám hỏi, chỉ nói nhỏ, bâng quơ (nhưng đủ cho thày nghe): “Chẳng thấy chim én đâu hết, đúng là...như thể tìm chim!”. Thày hiểu ý: “Thôi, chúng ta về Bolsa ăn trưa.” Một lời nói như mở cõi lòng ...đang thổn thức (kêu ro ro) của tôi! :oops:

Chiếc xe lăn bánh chầm chậm tiến ra xa lộ, tôi ngoái đầu nhìn lại ngôi nhà thờ cổ, xây từ hơn hai trăm năm trước, đến nay vẫn được xem là nhà của đàn chim én Capistrano. Đã qua bao nhiêu thế kỷ, mà hằng năm đàn chim vẫn không quên trở về vào mùa Xuân để xây tổ ấm, nhưng có lẽ chúng tôi chưa có duyên để thấy chim én mùa Xuân bay về.

Chim về đâu nơi xứ lạ
Tượng đá sầu ngó đời qua
Thuyền mây theo gió cứ bay xa
Nên vườn xuân nghe trống vắng buồn tênh

Cỏ hoang che kín dấu chân xưa
Nên tình xa không thấy lối quay về…

QH


***


Return to “Bạn Bè - Famille et Amis”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1 guest