Thế Chiến Quốc- Vương Văn Đông

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Thế Chiến Quốc- Vương Văn Đông

Postby nmchau » 24 Apr 2005 11:57

Vương Văn Đông



Vị trí chiến lược của Việt Nam trên phương diện an ninh chính trị trong vùng Đông Nam Á (ĐNA) không còn tầm quan trọng như vài thập niên trước đây, nhưng ngược lại vai trò kinh tế lại có ảnh hưởng tới các nước chung quanh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ðể có cái nhìn đúng đắn về tình trạng Việt Nam trên mọi phương diện chính trị, kinh tế và an ninh, chúng ta không thể nào bỏ qua việc tóm lược chính sách của các cường quốc có ảnh hưởng lớn dến Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Nhật và trong một chừng mục nào đó, Ấn Ðộ.

Phải nhìn nhận là Việt Nam về mặt quân sự hiện nay rất cô lập. Trước đây, khi thế giới còn chia ra làm hai cực ý thức hệ chống đối nhau và cạnh tranh ảnh hưởng thì cả hai miền, Bắc và Nam Việt Nam đều là những con tốt của các cường quốc : Nam Việt Nam là tiền đồn chống Cộng của Thế Giới Tự Do, Bắc Việt Nam là tuyến đầu, thành đồng của chủ nghĩa Cộng Sản Quốc Tế. Nhưng sau ngày bức tường Bá Linh sụp đổ và tiếp theo sự tan rã của Liên Xô, tổ quốc của những người cộng sản, Việt Nam bây giờ đi tìm thế đối trọng với Trung Cộng bằng chính sách liên minh với một cường quốc nhưng việc này cũng chưa phải là thời điểm khi Mỹ và các nước trong vùng Châu Ấ-Thái Bình Dương không còn nhu cầu ngăn chận ảnh hưởng của Liên Xô. Ðối với Trung Cộng thì không nước nào lại muốn có mâu thuẫn đối kháng với một quốc gia, có võ khí nguyên tử và đang tiến lên vị trí cường quốc để bảo vệ một quốc gia nhỏ bé, không mang lại một ích lợi chiến lược gì cho ho. Ít ra là trong giai đoạn này.

Trước đây, Mỹ tham chiến ở Việt Nam không phải vì Việt Nam : vì tự do, vì đất nước này có những gía trị nội tại về mặt tài nguyên thiên nhiên, về thị trường hoặc khả năng xử dụng căn cứ quân sự ngoài biên giới. Yếu tố chiến lược về địa dư chính trị của Việt Nam chỉ có giá trị khi Mỹ tìm địa bàn ngăn chận ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Cộng mà Mỹ vẫn coi là một khối không rạn nứt. Về sau thì nhằm ngăn cản Liên Xô mở rộng ảnh hưởng trong khu vực Thái Bình Dương. Nhu cầu của Mỹ -Trung Cộng trong chiến lược ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô tại khu vực Châu Á -Thái Bình Dương không còn tồn tại nữa khi Liên Xô đã giảm viện trợ cho Việt-Nam và hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô cũng đã rời Cam Ranh để rút về Vladivostok. Nhưng lịch sử có thể có những xoay chiều trong vòng một hai thập niên tới.

Người ta có thể nghĩ rằng là một thành viên của Hiệp Hội các Quốc Gia Ðông Nam Á, Việt Nam có thể liên minh với những quốc gia trong khối đó. Nhưng Hiệp Hội các Quốc Gia ĐNA trước hết là một tổ chức nhằm phát triển kinh tế trong vùng. Về mặt an ninh thì giữa các quốc gia này có nhiều khác biệt về văn hoá, tôn giáo, địa dư và lịch sử với những quyền lợi riêng biệt, khác hẳn Liên Hiệp Âu Châu, để có thể cùng nhau tìm một liên minh phòng thủ. Thái Lan, trong lịch sử, vẫn hướng về Trung Quốc vì luôn luôn lo ngại về một liên minh Việt-Trung có thể đe dọa an ninh của họ. Trong số các quốc gia này, Viêt Nam có thể trông vào sự ủng hộ của Nam Dương, một quốc gia có nhiều mâu thuẫn đối với Trung Cộng. Nhưng thực ra Nam Dương cũng không có khả năng quân sự giúp Việt Nam trong trường hợp bị xâm lăng ngoài sự ủng hộ chính trị. Hy vọng mỏng manh là được Ấn Ðộ, cường quốc trong vùng, ủng hộ vì giữa Hà Nội và New Delhi có những quan hệ quân sự thân hữu từ lâu. Nhưng cũng như Nam Dương, Ấn Ðộ khó có thể giúp ích gì cho Việt Nam về mặt chiến lược, trừ phi quốc gia này mở một trận tuyến ở vùng biên giới Trung Cộng trong trường hợp nước này xâm lăng Việt Nam. Giả thuyết này không có một hy vọng nào xẩy ra. Trông cậy vào sự ủng hộ của Mỹ có thể là hợp lý nhất nhưng không phải không có bất trắc khi Hoa Kỳ thay đổi liên minh vì quyền lợi. Hiện tại, mong muốn này dù sao cũng là không tưởng vì cả hai quốc gia trên đều không muốn quan tâm và dính dáng tới Việt Nam.

Nói tóm lại, sự chọn lựa một chính sách quốc phòng nhằm bảo đảm an ninh rất hạn chế. Ngoài ra, bất cứ chọn lựa nào của Việt Nam cũng phải dựa trên hai yếu tố : thực tế chính trị kinh tế của mình và đối thủ, nghĩa là tương quan lực lượng và tinh thần dân tộc đã đưa tới thắng lợi trong các chiến tranh chống ngoại xâm. Một đường lối độc lập chỉ dựa trên tình cảm giữa hai chính quyền cộng sản nhằm tránh sự thao tác của Trung Cộng không phải không mang một sự bất trắc đầy nguy hiểm.

Chỉ khi thời cuộc tại khu vực có những biến chuyển chính trị do sự cạnh tranh giữa ba cường quốc, Mỹ, Nhật và Trung Cộng, thì Việt Nam mới có thời cơ khả quan hơn để cải tiến một chính sách an ninh quốc phòng. Những giải pháp khả thi, trong một phạm vi giới hạn, đi từ chính sách dựa vào một trong những cường quốc tới việc thục hiện được liên minh phòng thủ với một hay nhiều nước trong vùng hoặc hoà hoãn hữu nghị với Trung Cộng. Tuy vậy, Việt Nam không có vai trò chủ động trong sự chọn lựa.

Chọn lựa một trong những giải pháp trên không phải không có khó khăn cho giới lãnh đạo Việt Nam. Vai trò chủ động không nằm trong tầm tay của Việt Nam. Một phần sự chọn lựa tùy thuộc vào đường lối chính trị của những quốc gia có cảm thấy cần thiết chủ trương liên minh phòng thủ hay không. Phần khác, chọn lựa nhượng bộ với chánh quyền Trung Cộng là vấn đề có thể gây khó khăn hay chống đối ngay trong nội bộ giới lãnh đạo và dân chúng.

Sau khi đã nhận diện cái thế chiến lược bất lợi của Việt Nam, bây giờ thử tìm hiểu đường lối chính trị của các cường quốc ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến Việt Nam để nhìn rõ hơn những cơ may hay trở ngại cho chính sách phát triển kinh tế và quốc phòng.



Chính sách của Nhật đối với Việt Nam


Từ những năm 70, Nhật đã đặt ưu tiên vào Việt Nam trong chính sách Ðông Nam Á của họ. Về phương diện chiến lược, họ coi một nước Việt Nam hậu chiến ổn định và trung lập cùng với sự ổn định của toàn vùng Ðông Nam Á, là yếu tố quan trọng cho nền an ninh của Nhật Bản. Tháng 8 năm 1977, nguyên Thủ Tướng Nhật Takeo Fukuda đã làm sáng tỏ chính sách chỉ đạo đối với Ðông Nam Á. Ba mặt của đường lối này, mà sau người ta goi là chủ thuyết Fukuda (doctrine Fukuda), đã được nêu lên tại Manille:



- Nhật cam kết chung sống hoà bình và nhất quyết không trở thành một lực lượng quân sự,

- Nhật sẽ thiết lập quan hệ hữu nghị với Ðông Nam Á, không những trên phương diện chính trị, kinh tế mà cả về xã hội và văn hoá,

- Nhật sẽ cộng tác tích cực với nỗ lực của Ðông Nam Á nhằm tăng cường tình đoàn kết và triển khai quan hệ đối tác với các quốc gia Ðông Dương trên căn bản tin cậy, lâu dài.( Yoshihide Soeya - Vietnam in Japan’s Regional Policy-‘’Vietnam Joins the World ‘’ M.E. Sharpe, Armonk, New York)

Ngay trong thời chiến tranh lạnh, cũng có những nhân vật trong Bộ Ngoại Giao Nhật tán thành một chính sách tích cực đối với Việt Nam, coi nó như một thành tố chính của chính sách Ðông Nam Á. Họ quan niệm rằng đường lối hết sức giúp Việt Nam tái thiết và sáp nhập vào khu vực Ðông Nam Á có hậu quả ngăn chặn sự bành trướng ảnh hưởng của Liên Xô.

Ðường lối chính trị của Nhật đối vời ĐNA và đặc biệt Việt Nam, tuy có lúc biến chuyển để phù hợp phần nào với nhu cầu giữ vững quan hệ quan trọng với Mỹ, nhưng tựu trung không khác bao nhiêu với những nguyên tắc trên, nghĩa là dùng phương tiện kinh tế để đạt mục tiêu chính trị. Ngay sau khi Sài Gòn thất thủ, Nhật đã bắt đầu chương trình ‘’Viện trợ chính thức về phát triển‘’ ( ODA ) bằng cách viện trợ cho Hà Nội 8,5 tỷ yen trong tháng 10/1975 và 5 tỷ khác tháng 9/1976, 4 tỷ tháng 4/1978, cho vay 10 tỷ tháng 7/1978 và 14 triệu yen cho năm 1979. Trước đó ít lâu, để chuẩn bị đối đầu với Khmer Đỏ, và để thay thế tình trạng bị Trung Cộng cắt viện trợ do chính sách Hoa kiều của mình Việt Nam đã ra nhập vào Ủy Ban Tương Trợ Kinh Tế (Council for Mutual Economic Assistance) của Liên Xô và ký với quốc gia này Hiệp Ước Thân Hữu và Hợp Tác ngày 3/11. Ðể cầm chân liên minh Liên Xô và Việt Nam, Trung Cộng tích cực ủng hộ chế độ Khmer Ðỏ.

Ðặc điểm của chủ trương Fukuda về Ðông Dương là ý muốn của Nhật muốn giữ vai trò quan trọng hơn trong khu vực miễn là không có mâu thuẫn với quyền lợi của Mỹ. Trong thời điểm đó, Mỹ đã thiết lập lại quan hệ với Trung Cộng hồi tháng 5/1978 và ngưng đàm phán việc thiết lập ngoại giao với Việt Nam không ngoài mục đích ngăn chận ảnh hưởng của Liên Xô. Quyền lợi chiến lược và chủ trương chính trị của Nhật Mỹ về Ðông Dương bắt đầu đi theo hai ngả khác nhau.

Ðến tháng 12/1978, Việt Nam đem quân sang Cao Miên, lât đổ Pol Pot. Do biến chuyển quan trọng này và dưới áp lực của Trung Cộng và Mỹ, Nhật đã ngừng lại viện trợ kinh tế cho Việt Nam và cùng các quốc gia Tây Âu và khối quốc gia trong Hiệp Hội ĐNA, bỏ phiếu tán thành giữ nguyên tư cách thành viên Hội Ðồng LHQ của chế độ diệt chủng Pol Pot.

Sau Hiệp Ðịnh Hoà Bình Cao Miên ký kết vào tháng 10/1991, Nhật làm trung gian giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước. Ðến tháng 11/1992, Nhật tiếp tục hỗ trợ lại cho Việt Nam theo chương trình ‘’Viện trợ chính thức về phát triển’’, trước cả khi Mỹ bỏ cấm vận. Thủ Tướng Kìichi Miyazawa đã phát biểu vào tháng Giêng năm 1993 tại Bangkok:


‘’Mục tiêu của chính phủ Nhật về chính sách Ðông Dương không thay đổi từ năm 1977 khi nguyên Thủ Tướng Fukuda tuyên bố tại Manille là chủ trương của chính quyền Nhật là đưa những quốc gia trong khối ĐNA và Ðông Dương phát triển như một toàn bộ, xây dựng hoà bình và ổn định’’. Và ông Miyazawa đề nghị thành lập ‘’Diễn đàn phát triển toàn bộ về Ðông Dương’’ ( Forum for Comprehensive Development of Indochina). Cuộc họp sơ bộ của Diễn đàn đã được tổ chức tại Ðông Kinh vào tháng 12 năm 1993. Chương trình nghi sự tóm tắt trên 3 điểm: chương trình và các dự án xuyên quốc gia; chương trình với dự án vượt khỏi biên giới quốc gia; chương trình và dự án chung cho hai hay ba quốc gia. Trong cuộc họp ở Ðông Kinh năm 1995 ở cấp bộ trưởng, đại diện cho 25 quốc gia và 8 cơ quan quốc tế đồng ý là những quốc gia tài trợ (aid donors) sẽ trao đổi tin tức về các dự án và phối hợp để quyết định thứ tự ưu tiên của các dự án.

Cần phải xác định là trước những năm 70, Nhật đã để hết nỗ lực vào việc xây dựng kinh tế và quan hệ với các quốc gia ĐNA, thu hẹp trong phạm vi thương mại. Chỉ khi trở nên một siêu cường kinh tế nhờ đường lối trên và sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, giới lãnh đạo chính trị mới nghĩ đến việc mở rộng tầm hoạt động, quan hệ chính trị trên nhiều mặt với các quốc gia trong vùng, tuy vẫn coi quan hệ với Hoa Kỳ là không thể thiếu để giữ tình trạng phát triển ổn định trong khu vực ĐNA. Chính sách này không phải không gây nên mối lo ngại, về việc tái vũ trang của Nhật, cho một số quốc gia vì quá khứ của Nhật trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến vẫn còn trong ký ức.

Nói tóm lại, sau khi Hoa Kỳ rút bớt sự hiện diện quân sự tại khu vực ĐNA, chính sách ngoại giao và chính trị của Việt Nam có ảnh hưởng đối tác đến tham vọng của Nhật là muốn đóng vai trò trung gian và cân bằng lực lượng giữa các cường quốc trong vùng. Cũng nhờ tính cách quan trọng của sự quan hệ đó, Nhật đã chủ trương phát triển một chính sách chính trị toàn vùng. Ý thức được vấn đề nên Việt Nam đã chủ trương thân thiện hợp tác với Nhật để cải thiện quan hệ với Trung Cộng và Hoa Kỳ.



Chính sách Việt Nam của Mỹ .



Chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam nằm chung trong chính sách khu vực ĐNA. Trong thời gian chiến tranh lạnh và hậu chiến tranh lạnh, Mỹ cam kết, song phương với các nước Nhật, Nam Triều Tiên, Thái Lan, Phi Luật Tân và Úc Ðại Lợi, bảo đảm sự có mặt của lực lượng Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dưong. Nhưng trong tình thế hậu chiến tranh lạnh, Mỹ đã chủ trương thành lập một diễn đàn đa phương để đáp ứng với tình hình an ninh mới.

Tuy vẫn trù tính giữ vai trò quan trọng về chính trị-an ninh trong vùng, nhưng với việc giảm thiểu lực lượng quân sự, đóng cửa các căn cứ tại Phi Luật Tân, các lãnh sự quán, các cơ quan thông tin v..v.., Mỹ đã gây một tinh trạng nghi ngờ của các nước trong vùng ĐNA về ý đồ bảo đảm an ninh của Mỹ. Ðặc biệt trong cuộc tranh chấp về quần đảo Trường Sa giữa Trung Cộng, Việt Nam, Phi Luật Tân và Brunei, một vấn đề quan trọng nhưng Mỹ đã có thái độ không can thiệp. Trong lúc đó, các nước trong khu vực cảm nhận thấy Trung Cộng và Nhật mỗi ngày mỗi ảnh hưởng hơn trong nhiều vấn đề. Các nước này cũng ý thức rằng Mỹ có mục tiêu ngoại giao đối với họ không phải chỉ vì vấn đề an ninh mà còn gồm những vấn đề dân chủ, nhân quyền, thương mại và thịnh vượng.

Duyệt lại quá trình quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam giúp chúng ta có một cái nhìn tổng quát về đường lối chính trị của hai nước. Sau khi Việt Nam rùt khỏi Cao Miên năm 1989 và hiệp định hoà bình về Cao Miên ký kết tháng 10 năm 1991, Tổng Thống Bill Clinton bãi bỏ cấm vận kinh tế, thương mại với Việt Nam và đồng ý đặt văn phòng liên lạc giữa Hà Nội và Washington. Ðầu năm 1995 chánh quyền Mỹ, khi tỏ ý muốn bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Hà Nội đã vấp phải phản ứng của một số nghị sĩ đảng Cộng Hoà trong quốc hội và thượng nghị sĩ Jesse Helms, chủ tịch Ủy Ban Ðối ngoại tại Thượng Viện. Ngược lại, thượng nghi Sĩ John McCain thuộc đảng Cộng Hoà, thượng nghị sĩ John Kerry thuộc đảng Dân Chủ (cả hai đều là cựu tù binh Mỹ ở Việt Nam) và các nhà đầu tư, thương gia đã có một thái độ khác. Họ thấy việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao là một chính sách đúng đắn và cũng là một giải pháp cho phép hàn gắn được vết thương nhức nhối sau chiến cuộc Việt-Nam.

Thượng Viện Mỹ đã thay đổi thái độ về vấn đề bình thường hoá quan hệ ngoại giao với VN khi thấy Trung Cộng đưa yêu sách về chủ quyền trên vùng biển Đông (vùng chi phối đường lưu thông hàng hải chiến lược), về vấn đề Ðài Loan và nhân quyền. Các đồng minh của Mỹ ở trong vùng cũng tỏ ý lo ngại khi thấy Mỹ giảm thiểu lực lượng quân sự. Các giới Mỹ đã nhận thấy sự cần thiết phải mở những cuộc đàm phán với các quốc gia trong Hiệp Hội ĐNA và Việt Nam về an ninh, hơn nữa, nước này cũng sắp được gia nhập vào tổ chức trên. Ông Bill Clinton đã tuyên bố ngày 7/11/1995 về việc bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Ngoại trường Christopher sau cuộc họp ở Diễn đàn khu vực ĐNA (ARF ở Brunei, hồi tháng 8/1995, để bàn về những vấn đề liên quan đến an ninh và vùng biển Đông) đã đến thăm Hà Nội để thảo luận với giới lãnh đạo Việt-Nam về sự chia sẻ những lợi ích chiến lược.

Những vấn đề ưu tiên quan trọng trong quan hệ song phương, khi quan hệ ngoại giao đã thiết lập là: kinh tế, tù binh và binh sĩ mất tích, nhân quyền, thay đổi đường lối chính trị, vai trò trong phương trình chiến lược ở vùng biển Đông với tư cách một thành viên của HH ĐNA. Trước khi đi tới sự kiện này, quá trình cấm vận và quan hệ ngoại giao của Mỹ đối với VN cũng có những cơ hội bị bỏ lỡ. Một mặt do áp lực của những gia đình tù binh và binh sĩ Mỹ bị mất tích đối với chính quyền Mỹ. Mặt khác, do sự chính quyền Việt Nam chưa nắm rõ quan hệ giữa lập pháp và hành pháp của Mỹ.

Cơ hội bỏ lỡ lớn nhất của Việt Nam là vào năm 1977. Chính quyền của Tổng Thống Jimmy Carter đồng ý, trong cuộc đàm phán với một nước Việt Nam thống nhất, là sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và sau đó bỏ cấm vận; ủng hộ việc để các cơ quan quốc tế tài chánh quốc tế tài trợ; đồng thời cho Việt-Nam hưởng quy chế đặc biệt về thương mại ‘’MFN’’. Ðang say chiến thắng, Việt Nam đã từ chối nếu không được giúp số tiền 3,25 tỷ USD bồi thường chiến tranh như ông Nixon đã hứa trong Hiệp Ðịnh Paris. Trong hoàn cảnh lúc đó, đòi hỏi bồi thường chiến tranh là một điều sỉ nhục mà Mỹ không thể nào chấp nhận được. Hơn nữa, cộng sản Việt Nam cũng đã không tôn trọng Hiệp Ðịnh Paris 1973, tiếp tục chiến tranh và đã đưa tới ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Cùng lúc chính quyền Carter cũng nghĩ rằng mở cửa với Hà Nội sẽ làm hỏng đường lối đặc biệt ưu tiên bình thường hoá quan hệ với Trung Cộng. Không những thế, cuối năm 1978, việc Việt Nam mang quân sang đánh Cao Miên đã cắt đứt hết hy vọng có thể bình thường quan hệ và chấm dứt cấm vận. Mỹ nhìn chiến cuộc ở Cao Miên như một chiến lược của Liên Xô chống Trung Cộng qua một lá bài địa phương. Việc ký kết hiệp ước tương trợ an ninh giữa Việt Nam và Liên Xô với khả năng sử dụng cảng Cam Ranh càng làm tăng thêm tình trạng tranh chấp chiến lược giữa hai cường quốc trong vùng châu Á -Thái Bình Dương. Vấn đề Cao Miên trở thành yếu tố chiến lược trong quan hệ Mỹ và Trung Cộng chống Liên Xô và Việt Nam.

Sau này, để chặn bớt những chỉ trích là Mỹ đã đi sai đường trong chính sách đối với Ðông Dương, nên đến tháng 4/1991 chính quyền này đã đưa ra một ‘’lộ trình’’ trong đó có những điều kiện mà Việt Nam phải thực hiện để có thể đi tới bình thường quan hệ giữa hai nước. Cái đáng lưu ý là lộ trình này cố tâm có đoạn mập mờ để Mỹ có thể đơn phương tùy tiện quyết định điều kiện nào Việt-Nam đã đáp ứng một cách thỏa mãn. Ðối với Việt Nam, trong giai đoạn này, bình thường ngoại giao là một đòi hỏi cấp bách, nhưng vấn đề này đối với Mỹ không có tầm ưu tiên trong mục tiêu ngoại giao toàn diện của họ. Dưới nhiều áp lực, từ vấn đề Cao Miên tới sự giảm thiểu viện trợ của Liên Xô và tình trạng kinh tế suy sụp, Việt Nam không còn lựa chọn nào khác là chấp nhận những điều kiện của Mỹ để bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Tuy vậy, cuối cùng Tổng Thống Clinton, ngày 11/7/1995, tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trong diễn văn ông Clinton phát biểu là: ’’ ...bình thương quan hệ ngoại giao và tăng việc tiếp xúc giữa hai nước sẽ làm tiến triển sự nghiệp tự do ở Việt-Nam cũng như ở các nước Ðông Âu và Liên Xô. Tôi tin tưởng vững chắc là việc đưa Việt Nam đến một cải tổ rộng lớn về kinh tế và dân chủ sẽ giúp chúng ta vinh danh những hy sinh của nhưng người đã chiến đấu cho tự do ở Việt-Nam ..’’ Lời tuyên bố trên không gì khác hơn là thúc đẩy diễn biến hoà bình. Ðảng cộng sản Việt Nam ý thức được là họ đứng trước một một thế đôi ngả.
Last edited by nmchau on 11 Feb 2006 10:49, edited 4 times in total.

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Postby nmchau » 24 Apr 2005 11:58

Một số người Mỹ tin rằng trong một tương lai trung hạn, Việt Nam sẽ đi dần tới một chế độ mà Robert Scalapino gọi là ‘’chế độ quyền uy đa nguyên’’ (authoritarian-pluralism), một chế độ pha tạp chủ nghĩa xã hội và kinh tế thi trường tự do. Kinh nghiệm Nam Triều Tiên và Ðài Loan là một thí dụ. Việt Nam thì gọi đó là đường lối ‘’kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa‘’, một lý thuyết mang đầy những nghịch lý. Dù sao, sau khi cấm vận bãi bỏ và quan hệ giữa hai nước đã trở nên bình thường, thương mại và đầu tư của các tư nhân Mỹ vào Việt Nam đã tăng lên một cách đáng kể. Mỹ, với số vốn 1,7 tỷ USD trong năm 1995-1996, đứng trong số 10 nước đầu tư hàng đầu ở Việt Nam với nhiều dự án. Nhiều hãng Mỹ đã mở văn phòng và năng động trong đía hạt hàng không, năng lượng, du lịch, truyền tin v..v..nhưng đồng thời họ cũng gặp những khó khăn một phần vì luật lệ không rõ rệt phần khác vì tham nhũng, vì chế độ quan liêu từ trên xuống dưới.

Trong phạm vi an ninh khu vực thì quyền lợi của Mỹ và Việt-Nam có thể nói là đồng quy trên nhiều điểm. Với sự tan rã của Liên Xô, sự đe dọa bởi liên minh Liên Xô-Việt Nam không còn nữa, trong khi đó thì một cường quốc khác phải tính tới là Trung Cộng. Ý đồ tương lai của Trung Cộng chưa rõ rệt đối với các nước ở trong vùng về những yêu sách về chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều nước trong vùng có lúc nhìn Việt Nam như là một thành lũy ngăn cản những ý đồ khó dự kiến được của một Trung Cộng có tham vọng bá quyền. Chính sách căn bản của Mỹ trong hiện tại vẫn là xây dựng một quan hệ vững chắc với Trung Cộng, nhưng đồng thời cũng có một quan hệ song hành với Việt Nam về những vấn đề an ninh khu vực với một đường lối thận trọng.



Tham vọng và ý đồ của Trung Cộng.



Trung Cộng mặc dầu theo chủ nghĩa Mác Xít – Lê Nin Nít trong thời đại mới nhưng vẫn không bỏ quan niệm coi những nước láng giềng như các chư hầu, thể hiện phức cảm tự tôn của các triều đại thời quá khứ. ‘’Thưởng phạt’’ phiên quốc tùy theo thái độ thần phục hay chống đối là đường lối cố hữu của họ. Chuyên gia về Trung Cộng, Samuel Kim nhận định rằng Trung Cộng trong mấy thập niên giữa thế kỷ 20, là một quốc gia đã gây nhiều chiến tranh nhất về lãnh thổ hơn bất cứ một quốc gia nào trên thế giới: tranh chấp với Liên Xô, Ấn Ðộ, Tây Tạng, Cao Ly, Việt Nam. Ðồng thời Trung Cộng khuyến khích, giúp đỡ phương tiện các phong trào cộng sản ở các nước Miến Ðiện, Nam Dương và trong khắp vùng ĐNA.

Chính quyền các nước trong vùng đã bất mãn và lo ngại về hành động can thiệp vào nội bộ của Trung Cộng, như Tân Gia Ba, Mã Lai, Miến Ðiện và đặc biệt Nam Dương sau cuộc biến động ngày 30/9/1965. Vì vậy, trong thời điểm này Trung Cộng đã rất cô lập, không tìm được sự ủng hộ nào trong cuộc đụng độ với Liên Xô ở biên giới dọc sông Amour.

Hai thập niên sau cuộc cách mệnh văn hoá, Ðặng Tiểu Bình, với chính sách thực dụng, bỏ đi phần nào ý thức hệ sang một bên để thi hành chiến lược đi với đế quốc Mỹ, chống lại chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô. Lợi dụng tình trạng căng thẳng giữa Bắc Hàn và Liên Xô, Trung Cộng đã nhẩy vào thắt chặt giây liên lạc với Bình Nhưỡng, một địa thế chiến lược quan trọng ở vùng Bắc Á. Trung Cộng tuy nhiên không phải không có những vấn đề đối nội với các sắc tộc thiểu số Uyighurs, Kazahk, và Tây Tạng.

Nhờ sự giao hảo lại với Mỹ, Trung Cộng đã bình thường hóa được quan hệ lại với một số nước tư bản. Trong những nước này, quan trọng đối với Trung Cộng là Nhật. Theo đuổi đường lối thực dụng của Ðặng Tiểu Bình ‘’mèo trắng hay mèo đen không thành vấn đề, miễn là bắt được chuột‘’, Trung Cộng đã dần dần bỏ đường lối kinh tế xã hội chủ nghĩa để đi vào kinh tế thị trường. Về mặt chính trị nội bộ, Trung Cộng có một số cải cách nhỏ nhưng các quyền căn bản của một thể chế tự do vẫn bị bóp nghẹt. Nhân quyền là vấn đề quan trọng, thường xuyên được nêu lên bởi các nước dân chủ có liên hệ với Trung Cộng. Vụ đàn áp sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn đưa tới hậu quả Trung Cộng bị cấm vận trong một thời gian.

Khi cấm vận được bãi bỏ,Trung Cộng đã cố gắng ve vãn, thân mật với Nhật hòng giảm bớt hậu quả của vụ đàn áp sinh viên trên nền kinh tế. Không muốn dồn Trung Cộng đến tình trang cô lập nguy hiểm, Nhật trong cuộc họp của 7 quốc gia kinh tế phát triển năm 1990 ở Houston tuyên bố tiếp tục cho Trung Cộng vay vốn để phát triển kinh tế, tuy hai nước vẫn có những dè chừng lẫn nhau, một phần do quá khứ để lại, phần khác một vài thành phần Nhật lo sợ Trung Cộng có thể trở thành một cường quốc đáng kể trong thế kỷ 21 với tinh thần phức cảm tự tôn và bá quyền của các triều đại trước.

Tiếp tục theo đuổi đường lối bớt can thiệp và khuyến khích phong trào cách mạng trong nội bộ các nước láng giềng, Trung Cộng đã thiết lập quan hệ kinh tế với Nam Hàn trong khi vẫn có quan hệ chính trị ngoại giao với Bình Nhưỡng. Trên thực tế Trung Cộng áp dụng chính sách ‘’hai Cao Ly‘’. Về vấn đề Ðài Loan, Mỹ và Trung Cộng đồng ý giải quyết một cách hoà bình. Chính sách của Mỹ là ‘’một nước Trung Hoa nhưng hai chính thể.’’ Mỹ vẫn giữ liên hệ kinh tế, văn hoá và bán võ khí cho Ðài Loan. Trong thời điểm này, quan trọng đối với Trung Cộng làm sao có được ổn định chính trị để phát triển kinh tế.

Quan hệ giữa Trung Cộng và các nước trong châu Á -Thái Bình Dương tương đối không còn nhiều mâu thuẫn đối kháng. Các phong trào du kích chống chính quyền không còn được Trung Cộng tiếp tế võ khí quân trang quân dụng nữa. Ngoại trừ tình trạng căng thẳng vẫn còn được duy trì với Việt-Nam, một nước cùng theo một chủ nghĩa chính trị. Theo nhiều quan sát viên, tâm lý bị đe dọa nằm sâu trong tiềm thức dân tộc Việt-Nam nhưng rõ ràng rằng Việt-Nam đứng trước một song đề:

- giữ tình trạng chống đối với người láng giềng miền Bắc sẽ đưa tới hậu quả nghèo đói, thường xuyên quân sự hoá đất nước và phải tìm chỗ dựa vào một đại cường,

- hoặc theo đuổi một đường lối trung lập hay hoà hoãn với người láng giềng miền Bắc ..

Theo William S.Turley (Southeast Asian Security in the New Millenium-Armonk, New York) thì Hà Nội nhìn đường lối ngoại giao của Trung Cộng trong hiện tại cứng rắn hơn là hoà hoãn, đòi hỏi tôn kính hơn là đối thoại giữa hai quốc gia có chủ quyền, dồn Viêt Nam vào thế phải chọn lựa giữa sự đầu hàng hay kháng cự. Trung Cộng không chấp nhận Việt Nam có được khả năng chi phối đường lối chính trị của Miên-Lào trên bán đảo Ðông Dương, Vì vậy, khi Việt Nam mang quân sang lật đổ chế độ Khmer Đỏ và dựng nên chính quyền Hun Sen thân mình, thì Ðặng Tiểu Bình xua quân sang để cho Việt Nam một bài học. Nhưng bài học đã phải trả một giá rất đắt với số thương vong hơn 30 000. Việt Nam là nước trong số các nước ở vùng ĐNA mà Trung Cộng không ngần ngại dùng sức mạnh quân sự để áp đảo trong thời gian Việt Nam bị cô lập trên trường ngoại giao quốc tế. Nhưng về mặt quân sự, Trung Cộng chỉ có khả năng xử dụng giải pháp quân sự trong khu vực gần biên giới chứ không có khả năng tiến xa quá vùng hậu tuyến vì vấn đề tiếp vận. Sau này, khi Việt Nam đã gia nhập Hiệp Hội các nước ĐNA và không còn cô lập trên trường ngoai giao thì sự áp đảo quân sự Việt Nam không chỉ có tính chất tranh chấp đối kháng giữa hai nước mà mang tính chất khiêu khích đối với cả Hiệp hội các nước ĐNA.

Trung Cộng mặc dầu ưu tiên vẫn là phát triển kinh tế, nhưng không vì thế mà từ bỏ tham vọng và ý đồ coi vùng biển Đông gồm các quần đảo Hoàng Sa và Tây Sa thuộc lãnh thổ Trung Cộng.



Ấn-Ðộ và Việt Nam.



Ấn Ðộ và Việt-Nam (trước 1975 và sau khi đất nước thống nhất) vẫn có một quan hệ hữu nghị từ sau Hội nghị Bandoeng tại Java năm 1955. Phối hợp lập trường trong khu vực, đặc biệt là với Hiệp Hội các nước DNA, Diễn đàn khu vực (ARF) là chủ trương của hai bên VN-Ấn Ðộ. Hai nước đồng thời tỏ ý muốn nâng cao tầm hợp tác kinh tế trong lãnh vực thương mại, đầu tư và giúp Việt-Nam trong vấn đề quản lý và, đặc biệt từng bước hợp tác trong lãnh vực an ninh và quốc phòng. Ấn Ðộ chia sẻ mối lo ngại với các nước trong vùng về sự tăng cường quân lực của Trung Cộng. Hạm đội Trung Cộng cũng đã có lúc xuất hiện ở Ấn Ðộ Dưong. Ðể đáp lại Ấn Ðộ, một cường quốc có võ khí nguyên tử, cũng đã từng cử hạm đội đến các hải cảng trong vùng ĐNA.

Ấn Ðộ có khả năng trong dài hạn tham gia vào nền an ninh của Việt Nam bằng cách tiếp tế võ khí và làm đối trọng cho sự hiện diện của Trung Cộng trong vùng. Trong năm 1992 Ấn Ðộ đã viện trợ cho Việt-Nam 48 triệu USD. Dĩ nhiên, hiện tại Ấn Ðộ chưa có đủ khả năng và ổn định chính trị nội bộ để thay thế Liên Xô trong việc bảo vệ an ninh cho Việt Nam. (William S. Turley - Việtnamise Security in Domestic and Regional Focus: The Political-Economic Nexus. Southeast Asian Security in the New Millenium- M.E. Sharpe, Armonk, New York). Nhưng gần đây, hai quốc gia này đã có những thoả thuận về việc huấn luyện quân đội Việt Nam và việc chống cướp biển. Ấn Ðộ có tham vọng giữ vai trò chính trị và chiến lược quan trọng trong khu vực Ấn Ðộ Dương và kéo dài tới tới các nước ĐNA


Kết luận



Trong hai thập niên cuối thế kỷ 20 và đầu thiên niên kỷ, các nước trong khu vực châu Ấ- Thái Bình Dương tương đối ổn định về mặt quân sự, không có sự đụng độ quân sự nào giữa các nước láng giềng. Ngoại trừ biệt lệ có những mâu thuẫn đối kháng giữa các miền hay sắc dân trong cùng một quốc gia như trường hợp Nam Dương. Trong chiều hướng tìm ổn định chính trị, tại hội nghị các ngoại trưởng các nước ĐNA, tháng 7 năm 1995 (PMC), ngoại trưởng Trung Cộng lần đầu tiên chấp nhận bàn thảo đa phương về vấn đề các quần đảo thuộc biển đông trên căn bản các nguyên tắc luật pháp quốc tế, gồm cả Luật về Biển năm 1982. Ngay sau đó ngày 24/7/1995, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo là ‘’tự do giao thông trên miền biển Đông quan trọng cho lợi ích quốc gia…và thể theo nguyên tắc mọi tranh chấp quốc tế phải được giải quyết một cách hoà bình bằng phương tiện ngoại giao.’’

Trung Cộng gián tiếp trả lời ‘’Trung Quốc coi sự tự do và bình yên di chuyển ở trục giao thông quốc tế trên biển hết sức quan trọng…vì vậy không có vấn đề gì cả’’. Gần đây, Việt Nam và Trung Cộng đã ký kết hiệp định về biên giới trên đất liền và trên biển vào cuối năm 1999. Thỏa hiệp này đã gây một dư luận bất mãn rất lớn ở trong và ngoài nước, mặc dầu không ai nắm vững được vấn đề. Dư luận bất mãn vì chính quyền cộng sản Việt Nam đã không giải thích, trình bày được một cách thỏa mãn nội dung hai hiệp định nói trên : Được gì và mất gì? Dựa trên những tài liệu chính thức nào về biên giới ?

Tóm lại, chiều hướng chung là tất cả mọi nước đều dồn nỗ lực vào xây dựng và phát triển kinh tế. Ổn định về mặt đối nội, đối ngoại và quân sự là điều kiện tiên quyết trong nỗ lực xây dựng và phát triển. Việt Nam hơn ai hết cần đạt được ổn định về mặt đối nội và đối ngoại. Theo nhu cầu này, đảng cộng sản việt-nam trong Ðại hội tám đã ra nghị quyết ‘’củng cố nền hoà bình chung và tạo điều kiện thuận tiện để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và kỹ nghệ hoá đất nước phục vụ cho việc xây dựng đất nước và quốc phòng, góp phần tích cực vào nỗ lực chung của nhân dân thế giới cho hoà bình, độc lập, dân chủ và thăng tiến xã hội‘’ Trong chiều hướng đó, Việt Nam đã thực thi một đường lối ngoại giao hữu nghị với các quốc gia bất kể chế độ, đặc biệt là với các quốc gia thuộc Hiệp hội các nước ĐNA. Nhờ vậy Việt Nam trở thành thành viên thứ bẩy của tổ chức này năm 1995 và hứa sẽ làm đầy đủ nghĩa vụ vào năm 2006 để gia nhập AFTA. Năm 1998 Việt Nam được gia nhập APEC và chuẩn bị vào WTO.

Từ sau đổi mới, tổng sản lượng quốc nội Việt Nam tăng trưởng hơn 8%/năm và đã kéo lạm phát từ 67.5% năm 1990 xuống còn 14;4% năm 1994. Ðến khi Mỹ và Việt Nam trao đổi Ðại Sứ thì nền thương mại giữa hai nước và đầu tư của Mỹ vào Việt Nam khá quan trọng. Với hơn 60 dự án trị giá 1,320 tỷ USD cho tới cuối năm 2003, Mỹ đứng hạng thứ tám trong số các nước ngoại quốc đầu tư ở Việt Nam. Tình trạng tăng trưởng kinh tế đã giải đáp được vài khó khăn, nhức nhối xã hội. Tuy nhiên, tình trạng khả quan này không có điều kiện phát triển mạnh hơn phần vì thiếu dân chủ, phần vì luật lệ không rõ rệt, phần vì tham nhũng. Nhật sau này gặp nhiều khó khăn đã rút phần không nhỏ đầu tư ra khỏi Việt Nam.


Có phát triển nhưng không phải là có an ninh.


Trong nước vẫn còn nguyên vấn đề tự do, nhân quyền, tôn giáo, vấn đề các sắc tộc thiểu số v..v..nói tóm lại vẫn còn nguyên những yếu tố căn nguyên của một sự bất ổn định không lường trước được. Bên ngoài Trung Quốc vẫn là đề tài nóng bỏng trong tương lai. Có thể trong vòng một hơn thập niên tới, Trung Cộng còn chú trọng vào phát triển kinh tế, cần thiết có ổn định trong vùng nên chưa gây ra những biến động quân sự giới hạn ở biên giới các nước láng giềng.

Ðối với Việt Nam thì Trung Quốc là vấn đề chủ yếu trong mọi dường lối chính trị, đặc biệt là an ninh quốc phòng. Nếu xét về mặt quân sự thì tương quan lực lượng giữa hai nước quá chênh lệch. Trung Cộng có một quân đội lớn, hiện đại hoá với võ khí tinh vi. Ngân sách hàng năm lên tới 65 tỷ USD, trong đó 700 triệu USD dành cho việc mua võ khi. Quân số lực lượng chính quy gồm 2,5 triệu người, chia ra làm 22 lộ quân (groupes armies) với quân số 60 000 người một lộ quân, các đơn vị lớn độc lập như 3 sư đoàn dù, các binh chủng pháo binh và thiết giáp. Không quân và hải quân tuy không có khả năng thực hiện những cuộc hành quân chiến lược trong một mặt trận xa biên giới, trên đất liền và trên hải phận, nhưng có thể chi phối miền duyên hải tới các quần đảo đang có sự tranh chấp với các nước trong khu vực.

Ðể đối đầu trong trường hợp xẩy ra tranh chấp, quân lực Việt Nam có một quân số khoảng 500 000 người. Phương tiện võ khí và tiếp vận của hải lục không quân ở trong tình trạng thiếu thốn cũ kỹ. Việt-Nam không còn trông vào sự tiếp tế võ khí nào của các cường quốc như trong những thận niên 50-75. Quân lực Việt Nam không còn là quân đội những năm trước và cũng không còn khả năng đe dọa một quốc gia nào khác nữa.

Trước một thế chiến lược như vậy, Việt Nam chỉ còn chọn lựa trong thập niên tới là hoà hoãn với Trung Cộng. Cho tới khi Trung Cộng trở thành một đe dọa cho Mỹ và Nhật cả trên phương diện kinh tế lẫn quân sự, Việt Nam mới có điều kiện chiến lược mới. Thời điểm này là thời điểm để suy nghĩ, tìm phương sách tổ chức lại quân đội theo một chủ thuyết quân sự (doctrine militaire) phù hợp với tình trạng kinh tế, xã hội, chính trị, kỹ thuật và địa dư, nhằm mục đích vừa không có một ngân sách quốc phòng quá lớn vừa có một quân đội có khả năng kỹ thuật và chuyên môn, đáp ứng được những đòi hỏi hiện đại và mục tiêu quốc phòng.

Giải pháp khả thi có lẽ nằm ở đường lối tổ chức quân đội gồm hai thành phần. Thành phần chính quy và thành phần địa phương. Quân đội chính quy chuyên nghiệp, để giảm bớt chi phí về quân số và cơ sở, chỉ gồm các đơn vị khung (unites cadres) và chuyên viên xử dụng các võ khí hiện đại với số binh sĩ tối thiểu. Quân đội địa phương với chính sách quân dịch làm nghĩa vụ tại địa phương với nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ an ninh, chuẩn bị trận địa cho quân đội chính quy khi chiến tranh xẩy ra. Việc huấn luyện trong thời bình tùy theo nhiệm vụ tổng quát chiến lược và chiến thuật của mỗi quân đội, phù hợp với chủ thuyết đề ra.

Nhưng chiến lược và chiến thuật dù kiện toàn tới đâu cũng chỉ có hiệu quả khi dựa trên một đồng thuận dân tộc.

4 - 2003

Vương Văn Ðông


Return to “Tham Luận”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 3 guests