Ý Kiến về đối tượng của nền giáo dục Việt Nam

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Ý Kiến về đối tượng của nền giáo dục Việt Nam

Postby nmchau » 24 Apr 2005 11:53

Vương văn Ðông


Ðưa ra thiển kiến về đối tượng của nền giáo dục Việt nam trong khi chưa từng có kinh nghiệm nghề nghiệp thì quả thực là sự lạm bàn . Nhưng nghĩ rằng kẻ thất phu cũng có trách nhiệm với đất nước, nên không ngần ngại bày tỏ suy nghĩ của mình với mong mỏi có thêm ý kiến của các thân hữu bổ sung cho đề tài nêu lên . Nhất là sự đứng đắn của một đường lối giáo dục là nền móng phát triển cho xã hội Việt nam . Tuy vậy, nội dung của bài nầy không đề cập tới lãnh vực chuyên môn như tổ chức học đường, phương pháp giảng dạy, mà chỉ nhằm đưa ra ý kiến về mục tiêu của nền giáo dục Việt nam .

nền giáo dục Việt nam qua các thời đại và quá trình đào tạo trí thức nhằm mục tiêu nào ? Trước hết, nhận định căn bản là hơn 2 000 năm dưới mọi chế độ chính trị, trí thức Việt nam, và qua đó xã hội, đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo cũng như cách thức học . Như vậy cái học ngày xưa ra sao ? Thời xưa nền giáo dục chuyên chú về từ chương, cử nghiệp, không thực dụng . Học để làm thi phú, câu đối, sớ tấu . Nhưng trước hết là phải thuộc lòng kinh truyện . Chương trình, nếu có thể gọi là chương trình, không hạn định thời gian, thâu tóm trong tứ thư ngũ kinh . Kinh điển này được coi là khuôn vàng thước ngọc của Nho gia . Nho gia các thời cho đó là chân lý vĩnh cửu . Mọi việc phải trái ở trên đời đều có đủ trong các sách nói trên mặc dù là điển tích kinh nghiệm lịch sử đều cách xa cả hàng nghìn năm . Cái chính của cái học thời xưa là để bắt chước thánh hiền chứ không phải học để tìm hiểu và sáng tạo, không phải cái học lấy thực tế và khoa học làm đối tượng .

Do đó nền giáo dục xưa đã tạo nên đa số nhà Nho tồn cổ, bảo thủ . Kiến thức không vượt qua những điển tích cổ của Trung quốc, xa lạ với thiên nhiên, với thế giới bên ngoài và thực tế xã hội . Quan điểm của Nho gia là trọng xưa hơn nay, trọng Vương khinh Bá . Nho gia thuộc kinh điển thường tự phụ là "không gì không biết" . Tư tưởng đa số nhà Nho bị tù hãm trong mớ kinh điển cũ kỹ, không vượt ra được nghững chân trời mới . Người ta không ngạc nhiên khi thấy hậu quả của nền giáo dục trên là đất nước dậm chân tại chỗ, xã hội bất biến, không có khả năng phát triển theo trào lưu lịch sử và thế giới .

về nội dung, cơ bản của Nho là Tam cương Ngũ thường . Nó xác định quan hệ tôn ti, trật tự giữa vua tôi, cha con, vợ chồng, thể hiện qua danh từ " Trung Hiếu và Nhân nghĩa" .

Và sau cùng, mục đích của nền giáo dục xưa là đào tạo cho Nho gia một nền học vấn để đi thi đỗ ra làm quan . Ðó là kỳ vọng chính của Nho gia . Làm quan để thực hiện đạo thánh hiền . Thầy Tử Lộ nói " nhà nho không ra làm quan là vô nghĩa . Quân tử làm quan là làm việc nghĩa " . Nho giaó * phương diện này đã là công cụ tích cực và đắc lực cho chế độ quân chủ chuyên chế .

Ðấy là nhà nho nói chung . Còn tư tưởng của nho gia Việt nam thì ra sao, nhất là nho gia dưới các triều Nguyễn ? Sách học Việt nam thời xưa cơ bản là sách do nho gia Trung quốc biên soạn và giải thích . Nội dung đều là điển tích và cổ sử Trung quốc . Thơ văn thì là thơ văn Hán Ðường . Học như vậy thì hậu quả tất nhiên là sự sùng bái Hán học, đưa tới tinh thần vọng ngoại của đa số nho gia Việt nam, luôn luôn coi Trung quốc là trung tâm văn minh nhân loại . Lịch sử quan của họ cũng không thoát khỏi chiều hướng đó khi chỉ chú tâm học Bắc sử, lấy đó làm gương mẫu trong khi coi quốc sử chỉ là phụ . Dĩ nhiên trong số nho gia cũng có những ngoại lệ như Trần Hưng Ðõo, Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát ...

Quan điểm trọng Vương khinh Bá, chú trọng từ chương, coi thường các hành động thương mại kinh tế là nguyên nhân chính của tình trạng bế tắc xã hội . Và nguyên tắc tam cương ngũ thường chi phối quan hệ cá nhân và xã hội giải thích tại sao dân tộc Việt nam không có truyền thống dân chủ . Dưới bất cứ chế độ chính trị nào, danh từ có thay đổi nhưng quan hệ vẫn là quan hệ vua tôi, quan hệ thiên mệnh và quan hệ " dân chi phụ mẫu " .

Nho giáo tuy về mặt chính trị là công cụ hữu hiệu để phục vụ chế độ phong kiến, nhưng về mặt luân lý đạo đức có điểm tích cực là dựng nên một mẫu người lấy nhân nghĩa và hiếu đễ làm phương châm xử thế .

Tới thời Pháp thuộc, lúc đầu chủ ý nhằm phục vụ mục đích chính trị, chính quyền bảo hộ đào tạo một lớp người trung gian giữa chính quyền và dan bản xứ qua trường thông ngôn . về lớp người này tác giả cuốn Lịch sử Nam kì thuộc Pháp từ kh*i thủy đến 1883, đã có nhận xét sau : " Những người An nam trẻ tuổi này thành thư ký hay thông ngôn rất hãnh diện với vẻ học thức tây phương mới nhận được, tập hợp thành một tầng lớp vong bản trong xứ thuộc địa, lợi dụng địa vị trong bộ máy cai trị và danh nghĩa chánh quyền Pháp để bóp nặn dân chúng mỗi khi tới cửa công " . Ðồng thời thực dân duy trì Nho học với chế độ thi cử cũ để thu hút nho gia đầu hàng và cũng để lợi dụng bộ máy chính trị và nền luân lý đạo đức phong kiến . Albert Sarraut trong thông tư thuộc địa ngày 10/10/1920 đã viết : "chọn lọc và đào tạo những người hợp tác, những công chức bản xứ lương trả ít đi đỡ tốn cho ngân sách thuộc địa" , " huấn luyện các nhà cầm quyền bản xứ mà hiệp ước bảo hộ và sự sáng suốt của chính sách chính trị sơ đẳng bắt chúng ta phải duy trì để làm trung gian giữa chúng ta và dân bản xứ " . Có thể nói rằng cơ sở xã hội và xuất xứ của phần lớn trí thức Việt nam trong thế kỉ thứ 20 đều * tầng lớp lãnh đạo mới này, được cấu tạo theo biến chuyển chính trị của đất nước . Người ta không ngạc nhiên khi thấy phần đông qua ảnh hưởng của hai nền giáo dục trên đều có tư tưởng quan liêu và vọng ngoại . Gần đây hơn, nền giáo dục của miền Bắc Việt nam dưới chế độ cộng sản dĩ nhiên nhằm đối tượng chính trị hơn là phát huy kiến thức . Qua sự chọn lọc thành phần xã hội của học sinh sinh viên, chỉ nhằm đào tạo tầng lớp cán bộ trí thức trung thành . nền giáo dục do đảng lãnh đạo nên nội dung giảng dạy phải phù hợp với tín điều chủ nghĩa . Thời gian tuy có khác, nhưng cung cách học không khác gì thời xưa, gò bó trong kho kinh điển của " thánh hiền " .

- miền Nam, ngược lại, ngay từ đầu, chánh quyền quốc gia đã không xác định một đường lối giáo dục dân tộc . Trong thập niên 50-60, nền giáo dục quốc gia có tính chất lai căng . Tiểu học và trung học lấy Việt ngữ làm chuyển ngữ, lên đại học thì chuyển ngữ lại là Anh hoặc Pháp ngữ, có khi cả hai . Tờ Sự thật Việt nam viết trong số tháng 9/1958 là " - trường Cao đẳng Kỹ thuật, các giáo sư Hoa kỳ vào giảng đường phải có thông ngôn đi theo . Sinh viên được phát bài bằng tiếng Pháp . Sinh viên không ai chú ý tới vì nhiều người không hiểu cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp . Luật khoa và Văn khoa vì vậy đã thu hút được đông đảo số sinh viên do vấn đề ngoại ngữ " . Và tập san Ðại học Huế số tháng 9/1959 thì than phiền : " Số sinh viên trong ngành sản xuất ... chỉ có 7 % tổng số sinh viên toàn quốc " . Lý do một phần vì viễn tượng nghề nghiệp do cơ sở kinh tế kỹ nghệ bị thu hợp . Phần khác vì thiếu phương tiện nghiên cứu thực tập khoa học đã hạn chế phần nào sinh viên trong việc chọn lựa . Dưới chế độ quốc gia, ngân sách dành cho giáo dục rất là ít ỏi . Sau nầy tuy đã Việt hóa chương trình giáo dục nhưng nói chung đường lối không có gì thay đổi . Một phần có lẽ vì chiến tranh . Phần khác vì chánh quyền không đặt vấn đề giáo dục vào ưu tiên của chánh sách .

Tóm lại, nền giáo dục Việt nam cho tới nay tuy có sự xâm nhập của văn hóa tây phương, nhưng căn bản vẫn giữ ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo . Văn bằng vẫn là cứu cánh chứ không phải là một giai đoạn để tiến lên trong tinh thần nghiên cứu trắc nghiệm và sáng tạo . về mặt tư tưởng thì tinh thần của văn hóa tây phương như Tự do Dân chủ vẫn chưa thay thế được tinh thần trên dưới, gia trưởng của Nho giáo .

Ðể thay đổi hẳn tư duy, tư tưởng của trí thức nhằm mục đích nâng cao tinh thần độc lập dân tộc và óc sáng tạo cầu tiến, nền giáo dục tương lai phải lấy sự phát huy kiến thức , tinh thần tự do dân chủ làm đối tượng . Phối hợp điểm tích cực của Nho giáo về đạo đức với điểm tích cực của văn hóa tây phương về mặt nhân bản, óc phê bình và óc khoa học . Dung hòa nguyên lý đạo đức quan hệ cá nhân xã hội của Nho giáo với chủ nghĩa tự do cá nhân của tây phương, giữa cái bắt chước và cái sáng tạo, giữa cái tôn vinh tất cả những gì của ngoại quốc, khinh rẻ những cái của xứ sở, với tinh thần tự tôn dân tộc .

Dĩ nhiên trên phạm vi thực dụng, mục đích trước tiên của nền giáo dục là đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trên mặt xã hội, kinh tế và kỹ nghệ . Nhưng chuyên môn và kỹ thuật không đủ . Ðể có khả năng nhìn xa trông rộng, biết đặt vấn đề và giải đáp một cách nghiêm túc, cán bộ chuyên viên kỹ thuật cần có kiến thức rộng rãi, có khả năng làm đầu tầt đưa xã hội mỗi ngày mỗi tiếnlên cấp cao hơn . nền giáo dục tương lai không thể đi từ thái cực chuyên chú về từ chương cử nghiệp của thời xưa để chỉ lấy khoa học và chuyên môn làm chính và sao nhãng về văn hóa .

Nói tóm lại, nhiêm vụ của nền giáo dục đứng đắn phải có tham vọng đào tạo được những tầng lớp chuyên viên trí thức có khả năng kỹ thuật và văn hóa cao để xây dựng đất nước kịp với những diễn biến của thế kỷ 21, nhưng không được rơi vào một nền văn minh mà tây phương hiện nay gọi là " nền văn minh tiêu thụ " .

Mục tiêu trên chỉ được thực hiện nếu có đủ hai điều kiện : chánh quyền phải đặt vấn đề giáo dục là ưu tiên với quyết tâm đầu tư vào chất xám với mọi phương tiện tài chánh . Thứ hai là nội dung giảng dạy và nghiên cứu không bị chi phối bởi chính trị với mục đích phục vụ chế độ .

Mẫu người mới qua sự đào tạo của giáo dục là những người biết dung hòa nhu cầu tinh thần và văn hóa với nhu cầu vật chất, biết giới hạn giữa tự do cá nhân và đòi hỏi của cộng đồng, có tinh thần độc lập trong suy nghĩ và hành động .



Vương văn Ðông,
Tháng ba năm 1994

Return to “Tham Luận”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 3 guests