Cuộc đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Cuộc đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963

Postby nmchau » 24 Apr 2005 11:49

Dưới mắt Francis X. Winters trong cuốn " Năm Quý Mão "

Vương văn Ðông


Cuộc đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963 lật đổ Tổng thống Ngô Ðình Diệm do chánh quyền Hoa kỳ tổ chức với những người thừa hành Việt nam không còn là điều bí mật đối với dư luận thế giới và Việt nam . Quá trình quyết định lật đổ Tổng thống Diệm của Hoa kỳ nêu trong cuốn sách cho thấy những chuyển hướng về đường lối Việt nam của Tổng thống Kennedy, những ý kiến trái ngược của các nhân vật trong nội các Hoa kỳ đối với ông Diệm và sau cùng mâu thuẫn ngay trong đường lối chính trị của ông Diệm .

Francis X. Winters cho biết là sau cuộc họp tháng 6 năm 1961 ở Vienne về Berlin thất bại ; Krushchev đe dọa sẽ đơn phương kiểm soát đường di chuyển từ Tây Âu tới Berlin nếu Hoa kỳ không đồng ý về hiệp uớc hòa bình về Berlin ; Kennedy một mặt muốn tránh chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra ở chiến trường tây phương nhưng đồng thời muốn tỏ sự quyết tâm bảo vệ mọi vùng ảnh hưởng của Hoa kỳ , nên ngay sau đó đã tăng cường gấp 3 lần số cố vấn quân sự cho Việt nam, tiền đồn chống cộng, ranh giới hai miền ý thức hệ ( trong cuộc phỏng vấn của James Reston, báo New York Times ) . Nhưng đến tháng 7 năm 1962 tại Genève, Kennedy lại đề nghị trung lập hóa Việt nam với chính quyền miền Bắc . Ðến khi tình trạng chính trị ở Việt nam vào năm 1963 trở nên bất ổn định do yếu tố Phật giáo, Tổng thống Kennedy ảnh hưởng bởi chiến dịch của báo chí, nhất là tờ New York Times, thấy không thể chiến thắng cộng sản với một đồng minh độc tài như ông Diệm, đồng thời lo lắng cho cuộc tranh cử nhiệm kì thứ hai sắp tới nên đã rắp tâm thay đổi đường lối ở Việt nam bằng biện pháp dùng áp lực thay đổi người cầm đầu . Tuy không thấy ai có tầm vóc hơn Tổng thống Diệm, nhưng theo những người cộng sự trực tiếp như Mc Namara thì Việt nam không cò là ưu tư chính cho ông Kennedy vì ông ta tính rút hết quân đội Hoa kì ra khỏi Việt nam vào năm 1965 ( trang 192, J.F. Kennedy trong cuốn The Year of the hare ) .

Cuốn sách này cũng cho thấy hai chủ trương hoàn toàn trái ngược giữa những nhân vật chủ yếu trong nội các Kennedy về vấn đề thay đổi người lãnh đạo chính quyền Việt nam . Tại Hoa thịnh đốn, những nhân vật chủ trương nhất định phải thay thế ông Diệm hay ít nhất là ông Nhu gồm có các ông : Averell Harriman, phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao, trách nhiệm Viễn đông , Roger Hillsman, Giám đốc văn phòng tình báo và nghiên cứu Bộ Ngoại giao , Michael Forrestal bạn thân của Kennedy và là chuyên viên về Viễn đông trong Hội đồng an ninh quốc gia . Tại Sài gòn, William Trueheart, đại diện lâm thời tòa Ðại sứ Hoa kì, thay thế Frederic Nolting đi nghỉ phép . Sau cùng là Cabot Lodge, một nhân vật đầu óc thiển cận, "trí óc rỗng tuếch" ( sđ trang 170 ) , dưới mắt không có ai . Theo Mike Dunn, phụ tá của Lodge, thì " ông Diệm đã điện thoại cho ông Lodge sáng ngày 2 tháng 11 để xin tị nạn . Sau khi nghe điện thoại, Lodge đã bỏ sang phòng khác để ông Diệm chờ ở điện thoại . Khi trở lại ông Lodge đồng ý để hai anh em ông Diệm tị nạn ở tòa Ðại sứ Hoa kì, nhưng không hứa là sẽ cho xe đón trước ngày hôm sau " . Và đã cấm Mike Dunn tự nguyện mang xe đi đón hai ông Diệm Nhu .

Thành phần không đồng ý với chủ trương trên ở Hoa thịnh đốn có Mc Namara, Bộ trưởng Quốc phòng, John Mc Cone, Giám đốc CIA và * địa phương có F. Nolting và William Colby, trưởng ban CIA tại Sài gòn .

Ðiện tín quyết định số mệnh của Tổng thống Diệm ngày 23 tháng 8 năm 1963 hồi 9 giờ chiều gửi cho Ðại sứ Cabot Lodge với sự đồng ý của Tổng thống Kennedy có nội dung sau :

" 243 . Riêng cho Ðại sứ Lodge,
Chính phủ Hoa kì không thể chấp nhận tình trạng quyền lực nằm trong tay Nhu . Hãy để cho Diệm cơ hội gạt bỏ Nhu và bè lũ, và thay thế họ bằng những nhân viên quân sự và chính trị có sẵn và tốt hơn ...
... Chúng tôi muốn để Diệm một cơ hội phải chăng để gạt bỏ Nhu, nhưng nếu ông ta vẫn giữ thái độ ngoan cố, như vậy chúng tôi sẵn sàng chấp nhận hậu quả, dĩ nhiên là chúng tôi không thể ủng hộ Diệm lâu nữa . Ông có thể nói cho những người chỉ huy quân sự được chọn lựa là chúng tôi sẽ trực tiếp ủng hộ họ trong bất cứ thời gian lâm thời nào khi bộ máy của chính quyền trung ương bị sụp đổ ...
Cùng với những điều trên, Ðại sứ và những đội * địa phươngphải cấp tốc nghiên cứu mọi lựa chọn về lãnh đạo và thiết lập chi tiết về cách thức thay thế Diệm nếu việc đó trở nên cần thiết ... "

Phải nói rằng Kennedy đã đồng ý về nội dung bức điện tín này do Hillsman thảo trong khi đang nghỉ cuối tuần và Forrestal đã làm cho Tổng thống Hoa kì tưởng rằng các bộ trưởng của ông ta như Dean Rusk và Mc Namara đã đồng ý .

Dưới mắt người quốc gia thì ông Diệm trong những năm 1955-1963 chủ trương một đường lối chống cộng cực đoan, trông đâu cũng thấy cộng sản . Nhưng tới khi Hoa kì tham gia nhiều vào chiến cuộc theo yêu cầu của chính ông ta và cố vấn Hoa kì càng ngày càng vượt mặt tỉnh trưởng trong việc phân phối tiền nong thì ông Diệm ý thức được sự đe dọa tiềm tàng cho quyền lực của ông . Hơn nữa thái độ của cố vấn * địa phương là một hình thức trực tiếp cai trị, như có lần một nhân vật Hoa kì đã chủ trương . Tình trạng này nếu có, một phần do trách nhiệm của ông Diệm . Vì đường lối chình trị, ông ta không xây dựng được một đội ngũ cán bộ có khả năng và tinh thần trách nhiệm . Chung quanh ông Diệm phần lớn chỉ có thành phần xu thời, bám vào chế độ để lũng đoạn và không ngạc nhiên khi thấy các cố vấn Hoa kì * địa phương đã không tin vào sự liêm khiết của các tỉnh trưởng .

Nguy cơ mỗi ngày một mất dần chủ quyền và trước áp lực của Hoa kì muốn áp đặt một chính quyền dân chủ tây phương lên một xã hội mà những người lãnh đạo còn mang nặng truyền thống chính trị của Nho giáo, nhất là sau những biến cố Phật giáo, ông Diệm và ông Nhu đã chuyển hướng đường lối sang thỏa hiệp với chính quyền miền Bắc để tiến tới một liên bang Việt nam trung lập nhằm bảo tồn được chế độ .

Trong thời điểm này, ông Hồ chí Minh cũng thay đổi đường lối . Khó chịu về sự can thiệp vào nội bộ Việt nam của Trung cộng đồng thời với tình trạng hạn hán, ông Hồ tỏ ý thiện chí thỏa hiệp với ông Diệm về tương lai của Việt nam . Ông Hồ gửi một thông điệp qua ông Mieczyslaw Maneli là sẽ " không đặt lại vai trò nguyên thủ quốc gia của ông Diệm trong một liên bang Việt nam " ( sđ trang 45 ) . Ông Nhu trong một buổi tiếp tân đã tiến một bước trên chiến dịch tâm lý khi tuyên bố với Ðức cha Asta đại diện Ðức giáo hoàng và ông Maneli là " dân tộc Việt nam dè chừng không những Trung quốc mà tất cả những thực dân khác . Hiện thời chúng tôi chỉ quan tâm đến hòa bình và chỉ hòa bình mà thôi ! "

Ðồng thời terong cuộc phỏng vấn bởi Gambino, một phóng viên người Ý, ông Nhu còn tuyên bố " quả quyết không muốn có nhân viên quân sự Hoa kì vì theo ông ta họ hoàn toàn không có khả năng để chiến đấu trong một chiến tranh du kích ... " . Sau cùng, theo Schlesinger thì ông Nhu đã tuyên bố với Forrestal trong mùa hè năm 1963 là Hoa kì không hiểu gì về Việt nam " rồi trước sau gì người Việt nam chúng tôi cũng giải quyết những khác biệt giữa chúng tôi " . Ông Nhu cũng nói với Maneli là " Ngay trong những cuộc chiến khốc liệt, người Việt nam cũng không bao giờ quên ai là người Việt nam, ai là ngoại quốc " .

Người ta thấy ở đây cả hai nhà lãnh đạo Nam và Bắc đều muốn giữ nền độc lập và chủ quyền cho đất nước . Nhưng độc lập dưới chế độ độc tài của họ chứ không phải độc lập trong tự do dân chủ . Vì vậy người ta không ngạc nhiên khi thấy ông Mao Trạch Ðông, hai năm sau ngày đảo chánh tháng 11 năm 1963, đã nói với Edgar Snow là " Cả ông ta và ông Hồ Chí Minh đều nghĩ rằng ông Ngô Ðình Diệm không đến nỗi kém ... ( not so bad ) " . Ðó là lời phê bình của hai nhà độc tài cộng sản đối với một nhà độc tài quốc gia .

Phật giáo trong thời điểm này đã chuyển mục tiêu tranh đấu chống kì thị tôn giáo sang mục tiêu chính trị là lật đổ chế độ Nhân Vị của ông Diệm . Nhóm của Thượng tọa Trí Quang, cũng theo cuốn sách trên, đã tuyên bố với nhà báo Marguerite Higgins " sự cần cấp lật đổ Diệm vì cần thiết cho việc mở đường điều đình với Hồ Chí Minh . Theo Trí Quang thì Diệm là chướng ngại vật duy nhất cho cuộc điều đình " . Francis Winters trích dẫn cuốn Vietnam, Between two Truces của Jean Lacouture thì từ năm 1958, Thượng tọa Trí Quang quyết định theo chủ trương trung lập để kéo Việt nam ra khỏi sự tàn phá của chiến tranh lạnh .

Qua những điều nêu trên trong cuốn Năm Quý Mão của Francis X. Winters, người ta nhận thấy những ngưười chủ chốt trong thảm kịch Việt nam đã có lúc cùng theo đuổi một chủ trương : Trung lập hóa Việt nam, tiến tới một hình thức liên bang Việt nam . Nhưng ở những thời điểm khác nhau, với ý đồ riêng biệt . Việt nam cả Bắc lẫn Nam thì để thoát khỏi sự can thiệp của Trung cộng và Hoa kì vào nội bộ . Kennedy để chuẩn bị cho cuộc tranh cử sắp tới nên không thể có mọt đồng minh như ông Diệm mà báo chí Hoa kì phản đối gay gắt, đồng thời tìm cách rút ra khỏi vũng lầy Việt nam . Nhưng ở mỗi thời điểm, mỗi người lại chỉ nhìn vấn đề dưới một khía cạnh riêng của mình và ngắn hạn . Và trong quá trình này, kẻ thù trở thành một liên minh khách quan, đồng minh trở thành đối lập, nên quan hệ giữa ông Diệm và Hoa kì, giữa ông Diệm và Phật giáo, trở thành quan hệ mâu thuẫn đối kháng . Tất cả xoay quanh yếu tố Hồ Chí Minh . Tổng thống Kennedy đề nghị trung lập hóóa Việt nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng không tham khảo ý kiến của Tổng thống Ngô Ðình Diệm . Ông Hồ Chí Minh đã từ chối . Ông Diệm và ông Nhu chuyển hướng từ chống cộng sang thỏa hiệp với miền Bắc nhưng không thấy cần thiết chuẩn bị tư tưởng cho quân đội, hành chánh và dân chúng . Trong khi tất cả những cơ cấu này đã được tuyên truyền chống cộng từ tám năm qua . Thượng tọa Trí Quang cũng cùng một chủ trương nhưng không biết rằng ông Diệm và ông Nhu cũng đang đi trên con đường đó .

Phải chăng là những người lãnh đạo Việt nam có trách nhiệm cả tôn giáo lẫn chính trị đều muốn độc quyền thực hiện được đường lối do chính mình chủ trương ? Chính vì tư tưởng độc quyền và thiếu dân chủ đã đưa đất nước đến tình trạng phải bạo động để thay đổi chứ không qua đối thoại . Những điều phát biểu của ông Nhu hay ông Diệm co thể có sự hồi âm và phù hợp với suy nghĩ của nhiều người quốc gia . Nhớ lại buổi nói chuyện giữa ông Nhu và tôi vào cuối năm 1959, những điều ông Nhu nói vào thời điểm 1963 không khác gì những điều tôi trình bày với ông ta khi ông ta hỏi ý kiến tôi về tình trạng quân đội và đất nước . Nhưng ông Nhu chỉ phát biểu cho những người ngoại quốc, không ngoài mục đích đe dọa thay đổi đường lối để bắt chợt . Còn thực tế đối với người Việt quốc gia, ông Nhu thiếu phần đối thoại và chỉ nhìn thấy là những người đe dọa quyền lợi của chế độ gia đình .

Người Việt sau khi đọc cuốn sách nói trên, thấy vì thiếu tinh thần dân chủ, thiếu đối thoại, những nhà lãnh đạo Việt nam tin tưởng rằng chỉ mình là có lý, chỉ mình nắm được sự thật tuyệt đối, người dân chỉ có quyền nghe, nên đã đưa đất nước đến hậu quả mà chúng ta đã biết .

Không hiểu bài học này có mang lại được gì cho chúng ta không ?


Vương văn Ðông,
Tháng Giêng năm 1999

Return to “Tham Luận”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 2 guests