Kinh tế thị trường và quyền tư hữu

nguyen vu
Electron
Posts: 1
Joined: 14 Nov 2007 19:32

Kinh tế thị trường và quyền tư hữu

Postby nguyen vu » 14 Nov 2007 19:35

[right]Hoàng Xuân Đài[/right]

[right]Tư hữu là thiết chế cơ bản của kinh tế thị trường.
Ở đâu không có quyền tư hữu, ở đó không có kinh tế thị trường.

Ludwig von Mises[/right]


Bất cứ sách giáo khoa Mỹ, Pháp, trình độ đại học, khi bàn về kinh tế thị trường (không định hướng xã hội chủ nghĩa) đều đưa ra ba thành phần cốt lõi bắt đầu bằng chữ P: Price (Prix, Giá cả), Private Property (Propriété privée, Tư hữu), Profit (Profit, Lợi nhuận). Trong một xã hội thị trường, với sự cạnh tranh, ba P này sẽ phát sinh những khích động, phối hợp những quyết định kinh tế, làm thế nào để các xí nghiệp sản xuất những sản phẩm cho người tiêu dùng với giá thành thấp nhất.
Trên thế giới ngày nay, hai nước theo kinh tế thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa) là Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chấp nhận hai P ( P đầu và P thứ ba), nhưng đối với P thứ hai vẫn còn ngập ngừng vì tư hữu đi ngược lại đường lối cố hữu sở hữu tập thể của hai chế độ này. Tuy nhiên, tại hai nước này, đã có những bước nhích lại gần quyền tư hữu.
Bài viết này trước khi trình bày những bước nhích lại gần này, đưa ra một số khái niệm về quyền tư hữu, và cuối cùng, thay phần kết luận, đưa ra một vài báo động tại nông thôn Việt Nam về hậu quả của đường lối kinh tế thị trường đang được áp dụng tại đây.

1. Một vài khái niệm về quyền sở hữu

Tư hữu là quyền được sử dụng một của cải, tài sản, động sản hay bất động sản. Theo luật La mã, quyền tư hữu tập hợp ba quyền :
• Quyền được hưởng các hoa lợi (Frutus)
• Quyền được sử dụng (Usus)
• Quyền được tùy ý sử dụng (Abusus), nghĩa là có thể phá huỷ toàn phần hay một phần , thay đổi hay chuyển nhượng cho người khác hưởng các hoa lợi.
Có hai loại sở hữu :
Sở hữu vật chất : có tính trực giác nhất, nó thể hiện sự việc một vật chỉ có thể phục vụ một người mà thôi
Sỡ hữu trí tuệ: là một phát minh hiện đại, để chỉ định một mẹo pháp lý biến một phi vật chất thành một yếu tố đặc trưng, có thể sinh sản phân đôi mà không làm người giữ đầu tiên không bị tước mất vật đó. Chẳng hạn nội dung một quyển sách, một bài hát, một kỹ thuật (bằng sáng chế)…
Điều 2 của Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Quyền Công dân của cách mạng Pháp 1789, công nhận quyền sỡ hữu, cũng như tự do, an ninh và sự chống đối áp bức, là những quyền tự nhiên và không thể bị tiêu diệt của con người.[1]
Điều 1 của Nghị định thư bổ sung Công ước châu Âu bảo vệ Nhân quyền và những quyền căn bản (Protocole additionnel de la Convention Européenne de Sauvegarde des Droits de l'Homme et des Libertés Fondamentales) cũng công nhận quyền tư hữu trên mức độ châu Âu.
Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) nhà văn và triết gia Pháp đã bàn về quyền tư hữu trong tác phẩm "Du contrat social", đã gợi ý cho Thomas Jefferson, cùng với sở hữu chủ đất đai của 13 thuộc địa Mỹ của Anh quốc, nổi lên chống lại các loại thuế được xem là bất công do Triều đình Anh quốc áp đặt, và đã soạn thảo Bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng của Hoa Kỳ (4/7/1776).

Ludwig von Mises
Ludwig von Mises (1881-1973), kinh tế gia người Áo, người đã có ảnh hưởng rất lớn trên trường phái kinh tế tự do hiện đại đã có những khám phá độc đáo về những liên hệ giữa kinh tế thị trường và quyền tư hữu các phương tiện sản xuất.[2]
Tư hữu những phương tiện sản xuất là thiết chế cơ bản của kinh tế thị trường. Đó là thiết chế mà sự hiện hữu làm rõ nét một nền kinh tế được xem là kinh tế thị trường. Ở đâu khõng có quyền tư hữu, ở đó không có kinh tế thị trường.
Quyền sở hữu có nghĩa là sự hoàn toàn tùy ý sử dụng những dịch vụ có thể rút ra từ của cải. Không được lẫn lộn khái niệm "trao đổi (catallactique)"[3] này của sự chiếm hữu và quyền sở hữu với định nghĩa pháp lý của các quyền này trong các luật của nhiều nước. Các nhà làm luật hoặc các toà án đã định nghĩa khái niệm pháp lý của tư hữu thế nào để các sở hữu chủ được hoàn toàn bảo vệ bởi guồng máy chính quyền bằng cách trừng phạt và ngăn chận bất cứ những vi phạm các quyền này. Trong chừng mực mà các mục tiêu này được đạt tới, khái niệm pháp lý về quyền tư hữu tương ứng với khái niệm "trao đổi (catallactique)". Tuy nhiên, ngày nay, người ta có khuynh hướng bãi bỏ thiết chế quyền tư hữu bằng cách thay đổi các luật xác định phạm vi tác dụng cho phép các sở hữu chủ sử dụng các tài sản mà họ sở hữu. Trong khi vẫn dùng thuật ngữ tư hữu hay sở hữu, những cải cách này có mục đích thay quyền tư hữu bằng các quyền sở hữu tập thể. Khuynh hướng này là nét đặc trưng của các trường phái xã hội chủ nghĩa (socialisme), quốc xã (socialisme nationaliste) hoặc Cộng sản chủ nghĩa (Communisme). Nhưng rất ít người bào chữa cho các luận cương này có đủ sáng suốt để tuyên bố một cách rõ ràng rằng việc thực thi các kế hoạch này sẽ dẫn đến tình trạng thiết chế quyền tư hữu chỉ được duy trì một cách hình thức, trong khi đó, trên thực tế chỉ còn quyền sở hữu tập thể. Cần phải nhấn mạnh các điểm này để tránh ngộ nhận hoặc ảo tưởng thường gặp. Quyền tư hữu hiểu theo khái niệm "trao đổi (catallactique)" phải được hiểu là khả năng tùy ý sử dụng, chứ không phải chỉ có giá trị như một thuật ngữ, khái niệm, định nghĩa cấp pháp lý. Quyền tư hữu có nghĩa là sở hữu chủ quyết định việc sử dụng các nhân tố sản xuất, trong khi đó quyền sở hữu tập thể muốn nói là chính quyền quyết định việc sử dụng này
Quyền tư hữu là một phát minh của con người. Quyền tư hữu không có tính thánh thần thiêng liêng. Quyền này hiện hữu vào thời khởi đầu của lịch sử, khi con người, bằng khà năng và quyền lực của chính mình, đã chiếm hữu những cái gì trước đó không thuộc về ai cả. Nhiều lần liên tiếp trong lịch sử, các sở hữu chủ đã khánh tận vì của cải bị trưng dụng. Lịch sử của tư hữu có từ thời điểm mà nguồn gốc của quyền này phát sinh từ các hành vi không có mảy may dấu ấn pháp lý nào cả. Một cách chung chung, tất cả các sở hữu chủ là những người thừa kế hợp pháp trực tiếp hoặc gián tiếp của những người đã chiếm hữu một cách tuỳ tiện những tài sản vô chủ, hoặc bằng cách cưỡng đoạt một cách thô bạo các người sở hữu chủ trước.
Nhưng trong thực tế, khi chủ nghĩa hình thức pháp lý có thể gắn liền giấy nhận thực quyền sở hữu với chiếm hữu tuỳ tiện hoặc bằng trưng dụng một cách thô bạo, điều này hoàn toàn không quan trọng tí nào về phần những gì triển khai trong một xã hội thị trường. Trong kinh tế thị trường, quyền tư hữu không bị ràng buộc với nguồn gốc xa xưa của nó. Những biến cố trong một quá khứ xa xôi, mất hút trong bóng đêm thời nguyên thủy của nhân loại, hiện nay, không còn lợi ích nào nữa. Bởi vì trong một xã hội thị trường không bị cản trở, hằng ngày, người tiêu thụ lại quyết định ai được quyền sở hữu và sở hữu được bao nhiêu. Người tiêu thụ cấp cho người biết sử dụng tối ưu các phương tiện sản xuất để thỏa mãn tối ưu những nhu cầu khẩn cấp nhất của họ.
Trong một xã hội kinh tế thị trường, người sở hữu chủ nguồn vốn và đất đai chỉ thụ hưởng những tài sản này khi sử dụng chúng để thỏa mãn những nhu cầu người khác. Họ phải phục vụ người tiêu thụ để rút ra nguồn lợi từ các tài sản mà họ làm chủ. Ngay cả việc tư hữu các phương tiện sản xuất bắt buộc họ phải tự đặt dưới những ước muốn của công chúng. Tư hữu chỉ là một nguồn lợi tức cho những ai biết tận dụng để có lợi tối ưu cho người tiêu thụ. Dưới cái nhìn này, tư hữu là một chức năng xã hội.

2. Quyền tư hữu tại Trung Quốc.

Được ghi vào Hiến Pháp từ ba năm nay, quyền tư hữu được công nhận bằng một bộ luật do Hội Nghị Đại Biểu Nhân Dân Toàn Trung Quốc (Quốc Hội) biểu quyết ngày 16 tháng ba năm 2007.
Từ Hội nghị lần thứ 31 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội, khoá 9, tháng 12 năm 2002 đến tháng ba 2007, Quốc Hội đã duyệt xét tổng cọng tám lần dự luật về quyền tư hữu. Dự luật này, được bàn cãi trong một thời gian dài nhất trong lịch sử lập pháp Trung Quốc, đánh dấu một chặng đường quan trọng trong việc bảo vệ tư sản bằng luật. Một thành viên của Uỷ ban luật của Quốc Hội cho biết, trong thời gian kinh tế kế hoạch hoá, quyền tư hữu đã bị bỏ quên và ngay đến phủ nhận, luật này nhằm củng cố một cách vững chắc quyền lợi của người lao động và xí nghiệp, động viên sự hăng say hàng triệu người để tạo ra và gom góp của cải, và xúc tiến phát triển sức sản xuất của xã hội. Ngày hôm nay, điều kiện đã chín muồi để hành động trong chiếu hướng này.
Một số chuyên gia cho rằng, sở dĩ luật về quyền tư hữu đã mất nhiều thì giờ như vậy để thành hình, đặc biệt vì tại Trung Quốc chính quyền ít quan tâm đến câu hỏi về quyền sở hữu tài sản và chỉ có một vài ý niệm mơ hồ về đề tài này. Tuy nhiên, khi trình bày dự luật này, Vương Triệu Quốc (Wang Zhaoguo), phó Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc Hội đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của nó. Phát triển kinh tế, hậu quả của việc thực thi các chính sách cải cách và mở cửa đã nâng cao đời sống, và bảo vệ thật sự các quyền chính đáng của người dân, đặc biệt là quyền sở hữu những của cải tích lũy một cách hợp pháp bằng sức lao động nhọc nhằn và sự khai thác đất đai mà họ được sử dụng một cách hợp pháp.
Sở hữu đất đai là đối tượng của một dự luật khác, tới nay, đất đai trồng trọt vẫn còn là sở hữu tập thể, người dân chỉ được quyền thụ hưởng các hợp đồng canh tác.
Bộ luật sở hữu đang được thảo luận cho phép định rõ và bảo vệ quyền tư hữu hoặc quyền đồng-sở-hữu một bất động sản, quyền khai thác khoán đất đai và quyền sử dụng đất xây dựng.
Bộ luật quan trọng này sẽ đem lại những bảo đảm gì trong việc tôn trọng tư hữu, đó là sự bảo vệ quyền tư hữu cá thể của người dân.
Với việc cải cách hệ thống cư trú, càng ngày càng có nhiều dân thành thị sở hữu các căn hộ của mình, phần lớn tại các khu chung cư. Quyền đồng-sở-hữu của các lô nhà này đã trở thành một khía cạnh quan trọng của quyền bất động sản cá thể [sự quản lý các đồng-sở-hữu, chẳng hạn như sự lạm dụng thường xuyên những đất đai bởi các doanh nghiệp xây bất động sản, từ vài năm nay đã gây ra nhiều tranh chấp; nhiều quan sát viên cho rằng việc thành lập các hội đồng đồng-sở-hữu chủ để bảo vệ quyền lợi của họ là dấu hiệu chớm nở của dân chủ].
Trong mối bận tâm phòng giữ những quyền lợi chính đáng của các sở hữu chủ, dự án luật về các quyền về vật [quyền về vật (droit réel) khác với quyền trên người (droit personnel): chẳng hạn quyền cầm cố là quyền trên bất động sản bị cầm cố (droit réel), trong khi người cho vay tiền có quyền trên kẻ đi vay (droit personnel)] ấn định một cách rõ ràng quyền sở hữu trên một vài phần đặc biệt để ở hoặc để buôn bán của chung cư và quyền đồng-sở-hữu và đồng-quản-lý trên những phần chung, như không gian xanh, những thiết kế chung, như thang máy. Ngoài ra, dự luật ấn định những điều kiện cấp những khu đỗ xe, nhà để xe trong các cư xá, những chức năng của hội đồng của các đồng-sở-hữu, cũng như mối quan hệ giữa các đồng-sở-hữu và các cơ cấu quản lý bất động sản. Nguyên tắc theo đó tư hữu phải được bảo vệ cùng một cách như các sở hữu tập thể cũng là một trong những ý niệm được dự luật nhấn mạnh.
Với điều kiện là quyền sở hữu được pháp lý tiên quyết xác định, các của cải – công cọng, tập thể hoặc cá thể-, mà trên đó quyền về vật có hiệu lực thì quyền sở hữu phải được bảo vệ như nhau.
Tuy nhiên, Vương Triệu Quốc (Wang Zhaoguo) nhấn mạnh rằng thừa nhận sự bảo vệ như nhau không có nghĩa là ấn định các vị trí và vai trò giống hệt nhau trong nền kinh tế toàn quốc cho những thực thể kinh tế với những hệ thống sở hữu khác nhau. Thật vậy, Hiến pháp tiên liệu rằng kinh tế đặt cơ sở trên sở hữu tập thể là yếu tố trội nhất và kinh tế nhà nước là lực lượng chỉ đạo chính, trong khi kinh tế đặt cơ sở trên sở hữu cá thể là thành phần trọng đại của kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Hai loại kinh tế này có những vị trí và vai trò khác nhau trong nền kinh tế toàn quốc, điều đó đã thể hiện đặc biệt trong các lĩnh vực điều hòa kinh tế vĩ mô bởi Nhà nước, sự phân phối tài nguyên công cọng, và quyền được vào thị trưòng. Nhà nước tuyệt đối phải nắm lấy những khu vực kinh tế chủ chốt cho an ninh quốc gia và kinh tế toàn quốc, những khu vực này được quản lý bởi các luật kinh tế và hành chánh.
Sau đây là những thời điểm chính của cuộc trường chinh đến quyền tư hữu [4]
• 1994: Những nhà lập pháp cho vào chương trình làm việc một luật về quyền tư hữu.
• Tháng 11 năm 2002: Đại hội lần thứ XVI của đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định “hoàn chỉnh sự bảo vệ quyền tư hữu bằng luật ”. Uỷ ban Luật của Quốc Hội bắt tay vào việc nghiên cứu một dự luật đầu tiên.
• Tháng 3 năm 2004: Quốc Hội sửa đổi Hiến pháp và thêm vào “những quyền cá thể về sở hữu của nhân dân không được xâm phạm”.
• Tháng 6 năm 2005: Trong cuộc thảo luận lần thứ ba, Uỷ ban Luật của Quốc Hội ghi nhận nguyên tắc về trách nhiệm dân sự của những quan chức hành chính của những xí nghiệp công cọng và tập thể. Điều này chủ yếu nhắm vào các trường hợp chiếm lấy các lợi ích một cách bất hợp pháp và quản lý tồi dở đưa đến phá sản.
• Tháng 10 năm 2005: Trong cuộc thảo luận lần thứ tư, nguyên tắc được bảo vệ bằng nhau giữa những quyền sở hữu công cọng, tập thể và cá thể được ghi nhận, quyền sở hữu của Nhà nước được xác định là trung tâm của nền kinh tế toàn quốc.
• Tháng 3 năm 2007: Bản cuối cùng của dự luật về quyền sở hữu được trình cho Quốc Hội sau bảy lần thảo luận của Uỷ ban Luật. Dự luật được thông qua ngày 16/03/2007 với 2799 phiếu thuận, 52 phiếu chống và 37 phiếu trắng. Điều 247 xác định rằng sở hữu Nhà nước, tập thể và cá thể được bảo vệ bằng luật và không ai được xâm phạm.

Căn nhà của bà Ngô Bình
Câu chuyện bà Ngô Bình (Wu Ping) và chồng Dương Vũ (Yang Wu) chống lại những doanh nghiệp muốn xây một trung tâm thương mại tại một khu đất của thành phố Trùng Khánh (Chongqing), trên đó tọa lạc căn nhà của họ, bằng cách không chịu dọn đi chỗ khác, đã làm sôi động giới truyền thông Trung quốc. Sau khi 280 chủ các căn hộ chịu bồi thường và bỏ đi, cuộc thi công bắt đầu, các căn nhà bị phá bỏ, chỉ còn lại căn nhà của cặp vợ chồng đứng chơ vơ trên một mỏm đất cao.
Thật ra, căn nhà đã bi cắt điện, nước và khí đốt từ hai năm nay. Bà Ngô Bình và chồng đã chịu đựng sống tại căn nhà trong những điều kiện vật chất khắc nghiệt. Trước một đám đông quy tụ để ủng hộ, bà Ngô Bình, giơ cao bộ luật mới của Trung Quốc bảo vệ quyền tư hữu và tuyên bố: “Ngược lại điều các báo chí đăng tải, chúng tôi không đòi hỏi một bồi thường tài chính nào cả. Điều mà chúng tôi đòi hỏi là những quyền tư hữu của chúng tôi được thừa nhận và chúng tôi đuợc cấp chỗ ở trong một căn nhà cùng diện tích, cùng độ cao và trong cùng một mảnh đất! ” [5]

3. Quyền tư hữu tại Việt Nam.

Con đường dẫn đến quyền tư hữu không theo tiến độ thi công rõ nét như Trung Quốc, nhưng ta cũng có thể có một ý niệm về tiến trình này khi xem xét ba luật đất đai được lần lượt ban hành vào năm 1987, 1993 và 2003 với một nguyên tắc bất di bất dịch là đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và người dân chỉ được quyền sử dụng.
Người sử dụng đất được ấn định càng ngày càng phong phú theo thời gian:
Theo Luật 1987 :
“Nhà nước giao đất cho các nông trường, lâm trường, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, xí nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân-dưới đây gọi là người sử dụng đất-để sử dụng ổn định, lâu dài.”
Theo Luật 1993 :
“Nhà nước giao đất cho các tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội (gọi chung là tổ chức), hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Nhà nước còn cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê đất. Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trong Luật này gọi chung là người sử dụng đất.
Nhà nước cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất.”
Người sử dụng đất được xác định như sau theo điều 9 của Luật đất đai 2003:
“Người sử dụng đất quy định trong Luật này bao gồm:
1. Các tổ chức trong nước bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức kinh tế – xã hội, tổ chức sự nghiệp công, đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi chung là tổ chức) được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; tổ chức kinh tế nhận chuyển quyền sử dụng đất;
2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân) được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất;
3. Cộng đồng dân cư trong nước (sau đây gọi là cộng đồng dân cư) gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc và các điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ được Nhà nước giao đất, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất;
4. Cơ sở tôn giáo trong nước (sau đây gọi cơ sở tôn giáo) gồm nhà chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất hoặc được Nhà nước giao đất;
5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận, cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc tại Việt Nam, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất;
6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư vào Việt Nam theo pháp luật về đầu tư, về hoạt động văn hoá hoặc khoa học thường xuyên tại Việt Nam, về sống ổn định ở Việt Nam được Nhà nước Việt Nam giao đất, cho thuê đất, được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam;
7. Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo pháp luật về đầu tư được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất.”

Về quyền sử dụng đất đai, điều 3 của luật đất đai 1987 xác định “Nhà nước bảo đảm cho người sử dụng đất được hưởng những quyền lợi hợp pháp trên đất được giao, kể cả quyền chuyển, nhượng, bán thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất được giao khi không còn sử dụng đất và đất đó được giao cho người khác sử dụng theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định”.
Trong khi đó điều 3 của luật đất đai 1993 cho phép “Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất.” nghĩa là thêm quyền cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất đối với Luật đất đai 1987
Điều 106 của Luật đất đai 2003 cho phép “người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất ….” nghĩa là thêm quyền tặng cho quyền sử dụng đất; bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với Luật đất đai 1993. Tuy nhiên các quyền này phải tuân thủ một số quy định của chương IV-Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất-, của Luật đất đai 2003.

4. Thay lời kết : kinh tế thị trường = báo động tại nông thôn Việt Nam

Luật đất đai, tưởng đem lại đất đai cho nông dân nghèo sử dụng tại nông thôn, nhưng ngược lại, một hậu quả bất ngờ đã xảy ra: số nông dân không có đất càng ngày càng tăng, như thống kê sau đây của World Bank cho biết.

Năm ..Nông dân có đất (%)..Nông dân không có đất(%)
1993 .............. 92.2.......................7.8
1998 .............. 93.1.......................6.9
2002 .............. 86.1.......................13.9
2004 .............. 87.7.......................12.3

Nguồn: Does Rising Landlessness Signal Success or Failure for Vietnam’s Agrarian Transition, Martin Ravallion & Dominique van de Walle, Development Research Group, World Bank.

Các chuyên gia của World Bank đã đưa ra một số giải thích:
• Luật mới đã tạo ra một thị trường đất đai, những người nông dân nghèo, đã bán quyền sử dụng các ruộng đất mà họ được cấp phát để có tiền thỏa mãn những nhu cầu cấp thiết: ăn uống, thuốc thang khi đau ốm, ma chay, cưới gả ...
• Những nông dân giàu, muốn phát triển diện tích ruộng đất, đã mua lại quyền sử dụng ruộng đất của nông dân khác với giá cao, những người này trở thành nông dân không có đất, và bắt buộc đi làm công.
Một số chuyên gia khác cho rằng luật đất đai đã đem đến “sự tập trung vĩ đại hơn những sở hữu ruộng đất, sự chênh lệch giàu nghèo lớn hơn trong cộng đồng nông thôn, và có thể gia tăng hiện tượng vô-ruộng-đất và số nông dân đi làm công toàn thời gian” [6]
Akram-Lodhi [7] , cho rằng cuộc cải cách của luật đất đai không có lợi cho người nông dân nghèo và chỉ đem lại sự phân biệt giai cấp nông dân:
“Sự thật hiển nhiên …chứng minh sự gia tăng nhanh chóng của giai cấp nông dân vô-ruộng- đất, đã bị cách ly khỏi những phương tiện sản xuất, chỉ còn sống bằng cách bán sức lao động lúc được lúc không, và là thành phần nghèo nhất của xã hội nông thôn”

Một báo động khác về chính sách cổ phần hoá Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NHNN-PTNT) vào năm 2008, cũng cần được gióng lên.

Giám đốc một chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NHNN-PTNT) tại một tỉnh miền Tây cho biết [8] :“Mặc dù gọi là vựa lúa của cả nước, nhưng phần lớn nông dân đồng bằng sông Cửu Long còn quá nghèo. Cũng vì quá nghèo nên một số chị em đã phải trân mình ra xếp hàng để cho ngoại nhân ngắm nghía như là mua một món hàng giữa chợ. Xin hãy xem đó là một nổi đau". Vị giám đốc đó cho biết sau hơn 20 năm làm ở NHNN-PTNT ông đã thấy rất rõ điều đó. Chính vì thu nhập từ lao động nông nghiệp không bảo đảm cho người nông dân khá lên nên mấy năm gần đây đại bộ phận thanh niên nông thôn tìm cách bỏ quê về các thành phố lớn. Thế nhưng tại đây, họ làm những nghề có thu nhập rất thấp, chủ yếu là lao động chân tay và bỏ rất nhiều sức ra để đổi lấy đồng tiền ít ỏi. Trong đó có nhiều nữ thanh niên. Cuộc sống khó khăn nên khi các “cò“ môi giới hôn nhân xuất hiện thì một số chị em sẵn sàng lấy chồng ngoại với hy vọng cuộc sống sẽ thay đổi.
Trước tình hình đó, nếu hệ thống NHNN-PTNT được cổ phần hóa vào năm 2008 thì sẽ càng bất lợi cho nông dân. Tại sao? Có khoảng 85% hộ nông dân vay vốn từ NHNN-PTNT cho dù với lãi suất kinh doanh nhưng thấp chấp nhận được. Khi NHNN-PTNT chuyển sang cổ phần hóa thì mục tiêu kinh doanh phải thay đổi, chẳng hạn như lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh phải đặt lên hàng đầu. Đến lúc đó, nông dân sẽ không còn chỗ để bám. Vẫn theo ông giám đốc trên, mặc dầu lâu nay hệ thống NHNN-PTNT cho vay với lãi suất kinh doanh, nhưng trên thực tế vẫn có chính sách ưu ái cho hộ nông dân nghèo. Khi đáo hạn, nếu chưa có tiền trả thì nông dân được điều chỉnh kỳ hạn nợ hoặc gia hạn nợ. Tất nhiên cổ phần hóa hệ thống ngân hàng nhằm thích nghi với nền kinh tế thị trường , nhưng phải có lộ trình để giúp cho người nông dân đứng được. Nếu không có một tổ chức nào khác thay thế vai trò của NHNN-PTNT, sẽ là tai họa khi một bộ phận nông dân nghèo bị bỏ rơi. Tại Thái Lan, hiện chính phủ vẫn còn “bao cấp“ cho nông dân thông qua hệ thống ngân hàng nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp để cho người nông dân còn có chỗ dựa.
[right]Paris tháng 11/2007
Hoàng Xuân Đài[/right]

Chú thích

[1] Déclaration des Droits de l’Homme et du Citoyen 1789- Article 2 - Le but de toute association politique est la conservation des droits naturels et imprescriptibles de l'homme. Ces droits sont la liberté, la propriété, la sûreté et la résistance à l'oppression.
[2] L'Action humaine,Traité d'économie, Presses Universitaires de France (1985), Ludwig von Mises, dịch giả Raoul Audouin
[3] Theo Friedrich Hayek (1899-1992), triết gia và kinh tế gia người Áo, giải Nobel kinh tế 1974, tỉnh từ Catallactique (danh từ catallaxie) là một thuật ngữ bác học rút từ tiếng Hy lạp katallatein (hay katallassein) dùng để chỉ rõ trật tự sinh ra bởi sự điều chỉnh lẫn nhau của nhiều kinh tế cá thể trên thị trường, đặc biệt là trật tự tự động xảy ra trên một thị trường qua hành động của các tác nhân phù hợp với quy luật pháp lý liên quan đến sở hữu, bồi thường và hợp đồng.
Thuật ngữ phái sinh Catallarchie tương ứng với sự áp dụng của catallaxie để đạt tới một giải pháp cho vấn đề tổ chức toàn bộ xã hội chứ không phải chỉ cho tổ chức cục bộ các thị trường.
[4] Courrier international - n° 854 - 15 /03/2007
[5] Letemps.ch, 30/03/2007
[6] Smith, William & Tran Thanh Binh, 1994, “The impact of the 1993 Land Law on rural Households in the Mai Don District of Son La Province”, ActionAid, Hanoi, Viet nam
[7] -Akram-Lodhi ,A. Haroon, 2004, “Are ‘Landlors taking back the Land’? An Essay on the Agrarian Transition in Vietnam”, European Journal of Development Research 16(4):757-789.
-Akram-Lodhi ,A. Haroon, 2005, “Vietnam’s Agriculture Processes of Rich Peasant Accumulation and Mechanisms of Social Differentiation”, Journal of Agrarian Change 5(1):73-116.
[8] Báo Thanh Niên, Việt Nam, số 281(4307), ra ngày 08/10/2007

Return to “Tham Luận”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1 guest