NGHĨ TỪ TRÁI TIM --- Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Van Hac
i3 Processor
Posts: 205
Joined: 01 Oct 2007 23:37

NGHĨ TỪ TRÁI TIM --- Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Postby Van Hac » 08 Jul 2005 21:20

(Viết về Tâm Kinh Bát Nhã)

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc



Lời ngỏ


Trái tim không phải là để suy nghĩ . Trái tim là để yêu thương . Khi trái tim nghĩ thì chắc cũng không nghĩ như khối óc . Trái tim có cách nghĩ riêng của mình mà nhiều khi khối óc không sao hiểu được . Thời đại của chúng ta, con người dùng khối óc nhiều quá, nhiều đến nỗi người ta ở trong tình trạng muốn "điên cái đầu" . Và thực vậy. Bệnh tâm thần ngày càng phát triển, tự tử, ma túy, stress ... ngày càng gia tăng trong một xã hội mà người ta luôn quay cuồng, luôn phải chạy đua với tốc độ, tuổi trẻ, nhan sắc, thành đạt ... Có lẽ đã đến lúc thử nghe tiếng nói của trái tim . Một hôm chàng thi sĩ đi ngang qua vườn rào kia, giật mình thấy một bông bụp đỏ ở bờ giậu, cái bông bụp rất tầm thường như hàng ngày chàng vẫn thấy khi qua lại chốn này, bỗng nhiên như nở một nụ cười mầu nhiệm, rồi không chỉ cười, nó hát, và chàng thi sĩ chỉ còn biết sụp lạy, cúi đầu (*) . Vâng, chàng đã nghe. Nghe không phải từ bông hoa kia mà từ trong trái tim mình. Và chàng sửng sốt. Mọi thứ như khác hẳn. Đã thoát ra, đã vượt xa, vượt qua ... Người ta có thể nghĩ chàng thi sĩ chắc điên, có điều chàng biết rất rõ chàng đã nghe, đã thấy một điều kỳ lạ . Một thứ mật ngữ . Như anh chàng chèo đò của Herman Hesse, ngày ngày vẫn chèo đò đưa người qua sông, cho đến một hôm bỗng nghe được tiếng nói của dòng sông và từ đó chàng đã tự đưa mình qua sông, và đã vượt ra, vượt qua . Chúng ta bây giờ hình như có quá ít thì giờ để nghe tiếng nói của trái tim mình, dù chỉ cần nhấm con chuột trên vi tính thì đã nối trọn vòng trái đất, vậy mà người ta có vẻ ngày càng xa nhau hơn, xa với người và xa cả với mình . Một thi sĩ đã phải kêu lên: "...Không có thì giờ ! Chim lấy đâu mà về tổ . Tôi lấy đâu mà làm thơ . Em lấy đâu mà đọc những bài thơ tôi sắp viết ? ..." (**). Tôi cũng vậy . Tôi cũng không có thì giờ . Quần quật . Tối tăm mặt mũi vì "trăm công ngàn việc". Cho đến một hôm, hình như, có lẽ, một lần kia có một lúc hình như tôi cũng chợt nghe . Hình như thôi, không chắc, không dám. Ngẫm nghĩ rồi nghe ngóng. Nghiền ngẫm rồi ngập ngừng. Rồi bức xúc, phải viết ra cho khỏi quên, để lâu lâu còn coi lại một mình . Ba năm nghiền ngẫm, sáu tháng viết và hơn hai năm ngại ngần, thỉnh thoảng đọc và sửa, nhờ vài bạn thâm giao chỉ thêm cho, rồi tìm tòi, tham khảo, loay hoay ... Tôi không phải là thi sĩ, không phải là tu sĩ, tôi chỉ là một bác sĩ, một ngươì thâỳ thuốc, nên đôi khi phải hành nghề, phải giúp đỡ bạn bè, hàng xóm, kẻ nhức đầu người đau lưng ... và trước hết là phải chữa bệnh cho chính mình . Có những lúc thuốc men chỉ chữa được cái đau mà không chữa được cái khổ, chữa được "triệu chứng" bên ngoài mà không chữa được "căn nguyên" sâu xa, từng từng lớp lớp bên trong . Tôi đành chia sẻ những điều tôi nghĩ, tôi cảm, tôi nghe . Có thể đúng. Có thể sai . Có thể không đúng không sai . Có khi hiệu quả, có khi không . Có người hạp mà có người dị ứng . Vậy nên nếu tình cờ mà đọc được những dòng này thì xin hiểu cho mà đừng trách . Nếu muốn, có thể tủm tỉm cười một mình . Cũng chẳng khoái ru ?

Đỗ Hồng Ngọc
Saigon 2003

(*) Thơ Quách Thoại
(**) Thơ Nguyên Sa



Van Hac
i3 Processor
Posts: 205
Joined: 01 Oct 2007 23:37

Postby Van Hac » 12 Jul 2005 18:10



Dẫn nhập



Tôi không còn nhớ ai là người đã mang tặng tôi cuốn "Trái tim hiểu biết" của NH, hình như không phải tặng mà cho mượn đọc lúc tôi đang nằm dưỡng bệnh ở bệnh viện An Bình, cuối năm 1997 sau khi mổ sọ não ở BV. 115 vì tai biến mạch máu não . Bản tôi đọc lúc đó là bản photocopy . Sau này, không rõ do "duyên" gì tôi tìm thấy bản chính ở một tịnh xá nhỏ, đối diện nơi tôi làm việc . Bản của NHin sai nhiều, trình bày không rõ, càng gây khó hiểu nên tôi phải tìm kiếm thêm những bản khác để so sánh, đối chiếu, nhờ đó tìm ra bản tiếng Phạn, tiếng Hán, tiếng Anh, tiếng Pháp, bản dịch, bản photo, bản chính ... Có cuốn mỏng chừng vài chục trang, có cuốn trên 300 trang về Bát nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh mà NH gọi là "Trái tim hiểu biết" . Tôi thích cách viết đơn giản của ông . Nó đời hơn . Gần chúng ta hơn . Hoặc chỉ cần viết Tâm Kinh ( Heart Sùtra) như Osho cũng đủ . Tôi muốn so sánh, đối chiếu cho rõ một số từ, với tôi, người không biết tiếng Phạn, tiếng Hán thì lem nhem, tiếng Anh, Pháp thì ở các bản dịch không toát được hết ý, còn tiếng Việt thì dễ gây hiểu lầm, ngay với chữ "Không" là chữ cốt lõi của Tâm Kinh . Tôi không biết có cái gì đó hút tôi vào với việc tìm hiểu Tâm Kinh, lực hút mạnh đến nỗi tôi gần như say mê ... Tôi thấy nó phóng khoáng, nó "lật đổ" tất cả những quan niệm hẹp hòi, đố kỵ ; nó có khả năng hòa đồng, khả năng giúp mọi người có trách nhiệm hơn với chính mình, biết thương mình, thuơng người, thương cuộc sống, biết thưởng thức ... cuộc sống với một chất lượng cao hơn - không phải giàu hơn, có danh tiếng hơn, thành công hơn - mà là có hạnh phúc hơn, biết tha thứ, biết buông xả ; hiểu được xã hội không làm nên bởi một cá nhân mà có sự liên đới trách nhiệm, nó có thể giúp cho những người đang mang mặc cảm tội lỗi thoát ra khỏi chính mình; giúp cho người đang làm thầy thuốc, thầy giáo, nhân viên công tác xã hội, phát triển cộng đồng, nhà tham vấn... hiểu thêm về mình và người khác, biết tôn trọng, biết thương yêu, thấu cảm, chân thành. Dĩ nhiên cũng như nhiều người khác, tôi hiểu Tâm Kinh theo góc độ của tôi . Của một người thầy thuốc . Hơn thế, một người thầy thuốc "kiêm" bệnh nhân, đã từng bị gây mê, bị đục sọ não, đã từng được mổ mắt, đã từng được truyền máu do loét bao tử, và bao nhiêu thứ đã từng khác. Tôi không theo đạo nào, không mê tín dị đoan; lúc nhỏ sống trong chùa vài năm, học văn hoá trong nhà thơ vài năm, rồi hành nghề y trên 30 năm, làm thơ, viết báo lai rai ... với đôi ba cuốn sách nhỏ được xuất bản . Trên 30 năm hành nghề y thì hơn 10 năm làm cấp cứu nhi khoa, ngày ngày có dịp thấy những nỗi khổ đau của người bệnh và gia đình, rồi gần 20 năm làm giáo dục sức khỏe chỉ mong làm vơi ít nhiều nỗi khổ đau đó - nhưng có làm được chút gì không lại là chuyện khác - nên đã chịu khó viết sách này sách nọ ... từ "Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò" (1972), "Viết cho các bà mẹ sanh con đầu lòng" (1975), "Viết cho tuổi mới lớn" lúc hãy còn trẻ ... đến "Gío heo may đã về", "Gìa ơi chào bạn ! ..." những năm gần đây khi đã có tuổi, chủ yếu là để tự chữa bệnh cho mình - và cũng để giúp cho bạn bè thân quen, những bạn đọc cùng thời, cùng lứa . Viết với tôi là một bức xúc, là một cách "xả" ! Tôi thấy nhẹ nhàng sảng khoái hơn khi được viết ra . Đó cũng là một cách tự chữa bệnh cho mình . Nhưng nếu khi viết mà tôi biết tôi đang viết, và tôi biết thở đúng cách thì đã tốt, đằng này tôi có vẻ như quên thở, nín thở ... Cái đó rõ ràng là không tốt cho sức khỏe, mãi sau này tôi mới hiểu ra điều đó, khi tôi được gặp bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, được ông chỉ dẫn thêm về cách thở cơ hoành và gần đây được đọc thêm những tài liệu về Yoga, về "thiền", những ứng dụng trong y học của bác sĩ Dean Ornish và đặc biệt là phương pháp "thở chánh niệm" mà Phật đã dạy từ những bài học đầu tiên sau khi giác ngộ - tôi thấy có thể có hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị một số bệnh thời đại, những bệnh dịch không lây, nhưng rất nguy hiểm, gây khổ đau, tàn phế cho nhiều người mà Tổ chức Sức Khỏe Thế giới (WHO) đã luôn cảnh báo trong những năm gần đây, làm giảm chất lượng cuộc sống cuả con người, chủ yếu do lối sống và môi trường sống đầy căng thẳng, bất an ...

Y học ngày càng phát triển, càng phân nhánh, phân tầng, càng đi vào chi li, vào từng tế bào, vào từng phần tử ... Mỗi thầy thuốc chỉ giỏi, chỉ chuyên sâu trong chuyên khoa lẻ của mình mà chữa bệnh ngày nay, con người bị cắt chia manh mún, trị được bệnh này thì "xì" ra bệnh khác, dùng thuốc này thì phải cảnh giác vì có thể gây ra bệnh kia . Thế nhưng y học giúp ta hiểu "lục phủ ngũ tạng" luôn gắng bó với nhau, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, không tách rời nhau . Không có cái nào đứng riêng lẻ một mình mà tồn tại . Y học còn giúp ta hiểu lẽ sinh diệt trong mỗi con người . Hàng tỷ tế bào tự hủy diệt trong từng giây để tạo ra hàng tỷ tế bào mới . Chỉ riêng về máu, mỗi giây đã có hàng trăm triệu hồng cầu bị hủy diệt và các "thành tố" đã được chọn lọc, sử dụng lại để tạo ra những hồng cầu mới . Cứ chừng ba tháng, một hệ thống máu mới dã xuất hiện, nói cách khác, một con người "mới" đã ra đời trong mỗi chúng ta . Y học phân tử giúp phân tích các hoạt động của từng tế bào và đã không ngớt gây cho ta hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác . Bản đồ gène người đã được phát hiện đầy đủ . Người ta ngạc nhiên thấy ruồi giấm có khoảng 60% gène người . Con người với con người thì có đến 99,99% gène giống nhau ! Khi một nhà báo hỏi một nhà sinh học trong ngày công bố bản đồ gène người, ông đã nói "Này, cô hãy trông cái cây ngoài kia . Nó có 70% số gène giống y như gène của cô và tôi !" . Học y, người thầy thuốc còn có dịp mổ xẻ xác ướp, thuộc từng làn gân, sớ thịt, biết những chất liệu gì đã cấu tạo nên ; được học về cốt học để thấy rõ sự tạo xương và hủy xương trong quá trình phát triển, học tế bào học, mô học, sự tập hợp và phân tán, cơ chế tạo ra năng lượng ; về di truyền học ...truyền đi những hạt giống và về sinh lý học, với tất cả những quấn quít chằng chịt của kích thích tố (hormones), tác động qua lại của các chất sinh hóa, tương tác của hệ thần kinh giao cảm đối và đối giao cảm ... Biết cả protéin, chất liệu của sự sống đã cấu trúc từ các nguyên tố C, H, O, N mà nói cách nào đó là từ lửa (Carbone), nước (Hydrogène), gió (Oxygène) và đất (Nitrogène) . Có phải đó là cái mà người xưa đã dùng từ "tứ đại", đất nước gió lửa, hay "cát bụi" để nói về "một cõi đi về" ?

Thầy thuốc cũng biết giới hạn của các giác quan . Mắt chỉ nhìn thấy trong khoảng bước sóng nào đó, vượt ra ngoài bước song đó thì chịu, hết thấy . Tai cũng vậy . Mũi cũng vậy . Có cái thua loài dơi, có cái thua loài chó …
Thế nhưng thầy thuốc thường cũng dễ tưởng mình là người biết nhiều, học rộng (bác sĩ), dễ tự cao, tự đại thấy mình không thể chấp nhận, không thể nghe điều gì khác ngoài cái gọi là “khoa học”, do đó, không dễ tiếp thu điều gì mới lạ hơn . Thầy thuốc có lợi mà cũng bất lợi là vậy .

Từ khi hiểu biết thêm về Tâm Kinh Bát Nhã Ba–la-mật-đa, tôi thấy thương mình hơn, thương người hơn, tôi bớt … tự mãn, tôi biết buông xả hơn, biết cười, biết thở . Dĩ nhiên tôi vẫn thường hay quên . Phải ráng tập . Kiên nhẫn tập . Cái cốt lõi của Tâm Kinh là thực hành, không phải là kiến thức . Biết cũng có lợi, nhưng chỉ thoả mãn tri thức . Biết thì thành một trí thức, một học gỉa, thêm gánh nặng . Hành mớI làm cho cái biết rõ hơn, soi sáng cái biết và giúp trở thành một “hành giả” . Bởi vì có lẽ cuối cùng cái “vô trí”, hồn nhiên – chớ không phải ngây ngô – như một em bé thì mới tới được chỗ an vui, nói cách khác “chỉ có trẻ con mới vào được thiên đàng” . Cái nước thiên đàng đó, có khi gọi là niết bàn, thực ra ở ngay đây thôi, ngay lúc này thôi, và ở ngay trong ta thôi, không phải tìm kiếm đâu bên ngoài, vô ích : “Gia trung hữu bảo hưu tầm mích” . Trần Nhân Tông nói vậy .

Người bạn – cũng là một thầy thuốc – quy y từ thuở nhỏ, khuyên tôi không nên bước vào Tâm Kinh ngay . Phải học từ từ . Đúng vậy, nhưng cái số lượng kinh Phật nói ra, có lẽ học đến mười kiếp chưa hết . Mà Phật nói cái nói của Phật mới chỉ là một nhúm lá trong một rừng cây . Tôi còn ngờ rằng các học trò của Phật đã biên soạn, biên tập lời Phật rất khác nhau . Cái đống kinh sách vô tận kia thiệt ra … chỉ để cho ngươì ham học, muốn thành học gỉa nghiên cứu …cho vui , bởi vì trong nhiều kinh, Phật nói chỉ cần học một chút cũng tốt lắm rồi . Một câu, một chữ cũng đã quá đủ . Sự giác ngộ có thể như một ánh chớp, tốc độ còn hơn tốc độ ánh sáng . Mà cái “hành” mới thật là lý thú . Bởi vì người ta không thể chỉ biết về thở, người ta phải thở . Cũng như ngườI ta không thể chỉ biết về thiền, ngườI ta phải thiền . Phải trải nghiệm . Mỗi hơi thở vào thở ra, trung bình 5 – 10 giây, đã có bao nhiêu triệu hồng cầu được sinh ra và bao nhiêu triệu đã mất đi ? Và có phải mất đi là để được sinh ra ? Và cái mới nhờ đó cứ liên tục . Liên tục vô thường . Liên tục chằng chịt, liên tục quấn quit . Cái này cái nọ cái kia cái khác . Mà cũng chỉ vậy thôi . Rã rồi hợp lại . Sóng vỗ bờ . Thủy triều lên xuống . Trăng tròn khuyết . Vật chất thành năng lượng – và ngược lại . Nhưng chẳng có cái gì mất đi, chẳng có cái gì sinh ra . Những Einstein, Lavoisier đó cũng đã “chứng ngộ” qua con đường khoa học của họ . Khi trái táo rơi thì Newton “ngộ”. Ông cứ để cho trái táo rơi . Và thấy cái điều chưa ai thấy . Phật giảng dạy cả 49 năm trời, để rồi nói chả giảng dạy cái gì cả ! Cái gì cũng sẵn có đó rồi ! Mà làm sao giảng dạy cho người khác được ? Mỗi người phải là thầy và là học trò của chính mình thôi !

Tôi tự nhiên mà khoái Tâm Kinh . Có thể là có cái “duyên” nào đó . Sau cơn mê, mổ xong tôi tỉnh dậy . Cười một mình . Ngu ơi là ngu . Đáng đời ơi là đáng đời . Rồi tôi lạ lẫm nhìn ánh nắng chiếu qua khung cửa, lạ lẫm nghe tiếng chim hót . Lạ lẫm thấy lá thông lắc lư trong gío . Lạ lẫm nghe người này người kia nói . Một cơn mơ . Rồi ai đó tặng tôi Tâm Kinh . Tối có vẻ hiểu được . Có thể không tròn trịa . Méo mó có cái hay của méo mó . Tâm Kinh là một chiếc lá nhỏ trong nhúm lá mà Phật trao truyền, cầm trong tay, đưa cho ta . Một cái lá cây ? Không có tứ đại, ngũ uẩn sao ? Không có trăng sao nhật nguyệt sao ? Không có khủng long và ruồi giấm sao ? Cái dải ngân hà kia không phải là có cấu trúc nguyên tử giống y hạt cát sao ? Phật nói Tâm Kinh khi đã ngoài 60 tuổi, khi đã có gần ba mươi năm giác ngộ, giảng dạy cho người ta tìm đường giải thoát . Lúc đã gìa, đã lớn tuổi, hình như Phật ít nói hơn . Có lúc không thèm nói chi hết, chỉ tủm tỉm cười . Cười một mình . Rồi ngài nói cho Sariputra một bài giảng "có vẻ quái lạ, bác hết, quét sạch hết những ảo tưởng của con người, của mọi người" (NH, Trái tim hiểu biết). Phật mỉm cười giữa chốn trang nghiêm, giữa lúc mọi người đang há hốc chờ đón từng lời vàng ý ngọc . Ngài nhìn quang cảnh ngơ ngác đó và mỉm cười . Có kẻ cũng cười theo, có lẽ cũng vì thấy được cái ngơ ngác đó của mình, của mọi người ... Phật bèn trao ngay y bát, "truyền ngôi" tức khắc cho cái lão biết cười, biết chế giễu chính mình đó . Đó là ông Ca-diếp . Cái cười đó là cái "giáo ngoại biệt truyền", "bất lập văn tự " ...

Vậy sao còn bảo phải học từ từ, học cho hết những bước căn bản, rồi lên cấp 2, cấp 3, đại học ... để phì cười được như Phật ?

Còn cái ông Sariputra đó, thực ra cũng chính là ta thôi . Tại sao không ? Nếu bây giờ bất cứ chuyện gì xảy ra làm ta buồn, ta khổ, ta giận, ta lo ... làm cho mặt mày ta xanh lè lại hay đỏ bừng lên, làm cho tim ta đập loạn xạ, làm cho tay chân ta bủn rủn, run rẩy, co cứng, làm cho huyết áp tăng vọt lên, làm cho miệng ta đắng chát lại hay toát mồ hôi lạnh, mắc tiểu liên tục ... thì ta cũng có thể nói "Chẳng phải đã qua rồi, qua rồi, qua hết rồi, qua bờ bên kia rồi ư ? " . Vậy thì, việc gì mà không tìm hiểu Tâm Kinh ? Việc gì mà không thực hành Tâm Kinh ? Việc gì mà không tủm tỉm một mình ?



(còn tiếp)


ynguyen
Digital IC
Posts: 151
Joined: 01 Oct 2007 17:21

Postby ynguyen » 13 Jul 2005 10:01

merci VH chịu khó chép lại cho mọi người cùng được nhấm nháp.
Ai thấm được bao nhiêu là chuyện của... người đó, hí! :D
c3

Van Hac
i3 Processor
Posts: 205
Joined: 01 Oct 2007 23:37

Postby Van Hac » 13 Jul 2005 22:29



... dạ c3... ai thấm bao nhiêu cũng được hết ...cái ni là tùy hỷ ... :wink:


Van Hac
i3 Processor
Posts: 205
Joined: 01 Oct 2007 23:37

Postby Van Hac » 13 Jul 2005 22:53




Một chút lịch sử



Tâm Kinh - gọi tắt của Bát Nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh (Prajnaparamità Hrdaya Sùtra) do Phật thuyết giảng lúc đã ngoài 60 tuổi (Osho, Heart Sùtra) cho Sariputra (Xá lợi tử) mà theo Osho - cũng như một số tác gỉa khác - vốn là một nhân vật nổi tiếng, có đến 5000 đệ tử, đến gặp Phật mục đích là để tranh luận . Phật đề nghị ông chờ cho một năm . Đúng ngày hẹn, Phật mời đến để tranh luận thì ông đã quỳ xuống xin được thu nhận làm đệ tử . Sariputra đã tới độ "muồi" cần thiết, và Phật đã giảng Tâm Kinh cho ông . Điều Osho nói có thể là huyền thoại, nhưng điều chắc chắn là bản dịch Hán văn đầu tiên là của Huyền Trang (Trần Vĩ, thường được biết với tên Đường Tam Tạng) gồm 260 chữ, xuất hiện vào năm 649 đời Đường (Suzuki, Tâm Kinh Bát Nhã trong Thiền tông, Thiền Luận, quyển hạ, Tuệ Sỹ dịch, 1998) . Bản lá bối cổ còn lưu tại Nhật (thủ bản) ở chùa Hôryoji (Pháp Long tự ), Yamato, mẫu tự Sanskrit, tương truyền do Bồ Đề Đạt Ma mang vào Trung Hoa, rồi sau đó đến Nhật . Hiện có rất nhiều bản dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Việt ... và có thể coi Tâm Kinh là phần tinh yếu nhất, cốt lõi nhất của bộ Đại Bát Nhã gồm 600 quyển với hàng trăm ngàn bài tụng và các kinh khác trong hệ Bát Nhã, Tâm Kinh chỉ vỏn vẹn 260 chữ mà các nhà nghiên cứu cho là đang làm "rúng động" cả Đông lẫn Tây phương, mà có người như thiền sư NH bảo đã hành trì trên 40 năm, ngày càng thấy những vi diệu thâm hậu của nó ...

Bản dịch của Huyền Trang có thêm 5 chữ "độ nhất thiết khổ ách" (giúp giải thoát tất cả mọi đau khổ, ách nạn) vào ngay trong câu đầu của Tâm Kinh, như một định đề, nhằm nói lên "diệu dụng" của Tâm Kinh, như một xác quyết của Huyền Trang, người đã vượt bao gian nguy hiểm trở trong chuyến đi thỉnh kinh - dài 17 năm trời - với một nghị lực phi thường - (Nguyễn Hiến Lê, Ý chí sắt đá, 2000) là nhờ ở tinh thần "vô úy" của Tâm Kinh . Suzuki nói bản Tạng ngữ có thêm câu mở đầu (cả Phạn ngữ cũng vậy) như sau :
"Một thời, đức Thế tôn ngự tại thành Ràjagriha trên đỉnh Linh Thứu, cùng với chúng Tỳ Khưu và Bồ tát . Bấy giờ Thế tôn nhập vào tam muội chánh giác thậm thâm . Lúc đó Đại Bồ tát Quán Tự Tại (Avalokitesvara) đang thực hành Bát Nhã Ba-la-mật sâu xa".
"Này Xá lợi tử, như thế Bồ tát phải tự mình thực hành trong Bát Nhã Ba-la-mật sâu xa ." Bấy giờ Thế tôn rời khỏi tam muội và tán dương Quán Tự tại Bồ tát : "Hay thay, hay thay, thiện nam tử ! Quả vậy, phải nên tiếp tục thực hành Bát Nhã Ba-la-mật sâu xa" (Suzuki, sđd).


Chúng ta để ý những từ "thực hành", "phải tự mình thực hành", "phải nên tiếp tục thực hành" v.v... được lặp đi lặp lại nhiều lần, tưởng như "lẩm cẩm" nhưng thực ra là để thấy rằng không thể chỉ đọc, chỉ hiểu Tâm Kinh mà không được thực hành tới nơi tới chốn, không sống "tâm kinh" tới nơi tới chốn . Tâm Kinh ở đây chính là một loại "chân kinh" cần phải được rèn luyện, thực tập, thực hành, thực chứng ... chớ không lý thuyết suông, không để học hỏi, tụng niệm thuộc lòng ...

Nhiều tài liệu nghiên cứu Tâm Kinh chưa nhấn mạnh đủ ý này, chỉ dừng lại ở ý nghi!a và nặng về tranh luận chữ nghĩa, trên bình diện triết học, triết lý ... Dĩ nhiên ý nghĩa, ngữ nghĩa từng câu từng chữ trong văn bản cũng rất quan trọng, do vậy mà Tâm Kinh đòi hỏi vừa được hiểu thấu đáo mà cũng vừa được hành nghiêm chỉnh .

Chắc chắn không phải vô cớ một bản kinh cô đọng chỉ với 260 chữ như Tâm Kinh được truyền tụng hơn hai ngàn năm và được cả thế giới học Phật cũng như trí thức Đông và Tây phương ngưỡng mộ mà không mang một ý nghĩa và một hiệu quả nào đó cho cuộc sống .

Tôi nghĩ điều quan trọng không chỉ nằm trong chữ nghĩa - mặc dù nội dung "vi diệu" chắc phải có - nhưng ngay trong câu "linh ngữ" (thần chú) kết thúc Tâm Kinh chắc cũng phải có một ý nghĩa thực tiễn nào đó trong đời sống, dù lúc đầu tôi rất dị ứng với kiểu tán dương quá lố nào "đại thần, đại minh, vô thượng, vô đẳng đẳng" gì gì đó thật là đáng ngại !

Tôi nhớ lại hồi mới lên mười, trọ trong chùa, đêm đêm cũng nghe cô tôi tụng "Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha !" tôi chỉ thấy êm tai, ngủ ngon lành mà thôi .

Rõ ràng, điều quan trọng là phải hành . Phải tự mình thực hành, tự chứng nghiệm . Và còn phải thực hành sâu xa, liên tục .

Nhưng bằng cách nào ?

Câu trả lời là Thiền . Nhưng Thiền có lẽ cũng mới chỉ là bước đầu để với tới Tâm Kinh và khi đã qua giai đoạn một này thì Tâm Kinh là môi trường mà ta phải cố gắng "liên tục" sống trong nó . Hành, bấy giờ là thiền quán và sống "tâm kinh", sống với cái nhìn mới, cái nhìn trí tuệ Bát Nhã . Thiền là điều kiện cần nhưng chưa đủ .

Thiền là để cho mình lắng đọng lại, không bị lôi cuốn vào trăm ngàn thứ chuyện lăng xăng, vọng động, không để cho cái tâm nhảy nhót như khỉ như ngựa (tâm viên ý mã) làm cho ta mất rất nhiều năng lượng, vất vả, lao đao . Coi bộ không dễ . Nên phải liên tục, tiếp tục cầm cương hoài hoài . Tôi ngờ các vị Bồ tát cũng không dám sơ ho8?, không dám bỏ bê . Rồi trong Thiền mới có quán, kể cả quán sự "tự tại, an nhiên" . Dùng hơi thở để điều hòa, tức dùng thân để chăn tâm như hình ảnh tượng trưng của một vùng nông nghiệp : chăn trâu . Gặp trâu điên thì cũng mệt, nhưng còn đỡ hơn bây giờ ! Thời hiện đại có lẽ còn khó hơn ngày xưa nhiều vì thế giới bị xáo động, bị toàn cầu hóa với đủ thứ truyền thông, "internet" bát nháo, con người bị thu hút vào đủ thứ chuyện trên đời nên con người bây giờ không chỉ phải chăn trâu mà còn có thể phải ... chăn nhiều con khác ! Con người bây giờ khổ hơn, thần kinh hơn, tâm thần hơn, tự tử nhiều hơn và vô số cạm bẫy làm cho tham sân si nẩy sinh, khó mà sống tĩnh lặng . Thế nhưng chính trong cõi bát nháo đó có thể lại là điều kiện để "ngộ" nhanh hơn chăng ?

Thay đổi thái độ (cái tâm) thật không dễ . Thay đổi hiểu biết (kiến thức) dễ hơn . Kiến thức tích lũy đầy ắp càng làm khó thay đổi thái độ . Mất con dao, nhìn ai cũng nghĩ sao nó giống kẻ ăn cắp dao . Nghi thì vẽ vời tưởng tượng đủ thứ . Giận thì phừng phừng lửa đốt . Tìm đủ mọi lý lẽ để chứng minh mình đúng, người sai . Sợ thì tay chân bủn rủn, rụng rời ... Cũng tại tâm ta thôi . Từ cái coi trọng tri thức chuyển qua tâm thức, con đường không giản đơn cho con người hôm nay . Cho nên mới có chuyện kể thiền sư tiếp một giáo sư mà cứ rót tràn ly nước trà mời khách để nói rằng kiến thức của ngài nhiều quá như ly nước đầy không chứa thêm gì được !

Một ông tỉnh trưởng di công cán về miền quê, đêm chó sủa quá ngủ không được, trằn trọc bứt rứt mãi . Người chủ nhà nói : Cho nó không biết ngài là tỉnh trưởng đâu . Nó chỉ sủa vì thấy có người lạ . Ngài cứ coi như nó hát để ru mình . Thế là tỉnh trưởng ngủ thẳng đến sáng ! Chỉ cần thay đổi cái nhìn !

Tâm Kinh làm đảo lộn tất cả mọi suy nghĩ, quyết liệt phủ định, quét sạch mọi thành kiến kể cả thành kiến về Phật, về Bồ tát, về Tứ diệu đế, về Thập nhị nhân duyên ...(Suzuki, Sđd) , Phủ định hết . Còn gì ? Còn cái Tâm cá nhân ta . Tâm đó cũng cần được chùi sạch, lau sạch, gỡ sạch . Tấm gương phản chiếu chân thật trở lại với sự hồn nhiên, trong sáng, lành mạnh, an vui . Nhìn đời với một thái độ mới, với tình thương mới . Không phải xuất hiện một cái Tâm mới . Tâm vẫn có sẵn đó, không phải sinh thêm, không phải tạo ra . Chỉ cần gỡ bỏ đi những cái vướng mắc ràng buộc, che đậy cái tâm vốn luôn sáng trong kia . Trăng vẫn vằng vặc trên mặt hồ, chỉ cần sóng không xao động . Thế nhưng phải có cái nhìn mới về chính bản thân mình trước hết, vì trước hết phải "từ bi" với mình cái đã . Phải cám ơn thân xác, phải biết qúy trọng nó . Sống vui từng phút giây hiện tại . Với cái nhìn mới, hoa đẹp hơn, nắng tươi hơn, mưa mát hơn ... tình yêu cũng tuyệt vời hơn . Bữa ăn ngon hơn . Giấc ngủ yên hơn . Vì không còn ganh đua, không còn chen chúc, không còn tham lam, sân hận, thù nghịch ... thì mọi sự nhẹ nhàng ra, thanh thản ra, thảnh thơi ra . Ngay cả nỗi sợ lớn nhất của kiếp người là sợ chết - bên cạnh vô số những cái sợ khác như sợ nghèo, sợ xấu xí, sợ gìa nua, sợ ... thì với thái độ coi thân xác là ân huệ nhưng vô thường, chỉ do duyên sinh, tương hợp mà có thì cũng bớt đi nỗi sợ hãi sinh diệt . Người thầy thuốc nhìn con người một cách toàn diện, coi lục phủ ngũ tạng là tương sinh tương khắc thì điều trị không rời cái thân với cái tâm . Ngày càng nhiều ma túy, nhiều an thần, nhiều thuốc giải lo, nhiều thuốc ngủ ... bởi con người bất an thì Tâm Kinh có thể cũng là một thứ thuốc thần diệu chăng ? Vấn đề là phải "thực hành" như thế nào, vì rất dễ lãng quên ...



Van Hac
i3 Processor
Posts: 205
Joined: 01 Oct 2007 23:37

Postby Van Hac » 16 Aug 2005 21:34




BÁT NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA TÂM KINH

(Prajnàpàramità Hrdaya Sùtra)


Prajnàpàramità, Huyền Trang không dịch mà chỉ phiên âm từ tiếng Phạn thành Bát Nhã Ba-la-mật-đa, còn Hrdaya Sùtra được dịch là Tâm Kinh .

Tâm ở đây là cái tinh túy, cốt tủy, cốt lõi . Kinh : lời giảng của Phật, được ghi lại . Bát Nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh là "nước cốt", sắc kéo lại của toàn bộ Đại Bát Nhã 600 cuốn và các bộ kinh khác có tinh thần "Bát Nhã", nhưng theo Suzuki không phải chỉ là bản "tóm tắt ý chính", "đại ý" hoặc "toát yếu" mà có phần mở rộng thêm, mang nhiều ý nghĩa mới (Suzuki, sđd).

Có người dịch Bát Nhã là Trí tuệ cao nhất - Tuệ giác vô thượng - Minh triết siêu việt ... nhưng hình như không từ nào chính xác, đầy đủ ý nghĩa của chữ Prajnà, do vậy mà Huyền Trang chỉ dịch âm .

Osho gọi Prajnà là "Minh triết siêu việt", là "cái đi vào bên trong, nở từ bên trong, không qua người khác, không nhờ kinh nghiệm từ bên ngoài, mà trong sự im lặng hoàn toàn, để cái ẩn kín (Phật tính, Tâm bản như, Chân như ... ) bùng nổ " .

Vậy thì Bát Nhã không phải là cái tri thức, sự hiểu biết, cái học, cái suy luận, cái nghiên cứu, tìm kiếm, thụ đắc được từ bên ngoài; cũng không phải là cái minh triết tích lũy từ kinh nghiệm, từng trải, mà là cái chỉ có thể chiêm nghiệm, mài dũa, ấp ủ, tưới bón ... từ bên trong mỗi người chúng ta cho đến lúc nào đó nó tự nở nhụy, đơm hoa, kết trái ...

Dù sao chữ Prajnà phiên âm "Bát Nhã" nghe cũng có cái gì đó hay hay, bao la, bát ngát, đẹp đẽ, dịu dàng .

Ba-la-mật-đa thì chữ "đa" chỉ là tiếng đệm . "Ba-la-mật" dịch âm từ Pàramità, nghe cũng có vẻ huyền bí . Ba-la-mật, Hán dịch nghĩa là "đáo bỉ ngạn", có nghĩa là "tới bờ bên kia", bờ của sự giải thoát . Người ta còn hình tượng Bát Nhã là một con thuyền, gọi là Thuyền Bát Nhã, giúp đưa người qua bờ "giải thoát".

Tâm Kinh làm cách nào giúp được người ta từ bờ mê sang bến giác, từ bờ khổ đau đến bến an lạc ? Có thể làm được chăng ? Và cách nào ? Vì sao nó là "mẹ" của các vị Phật, Phật của quá khứ hiện tại và vị lai như trong kinh văn khẳng định ?




Bản văn Tâm Kinh
(Bản dịch của Huyền Trang, năm 649, đời nhà Đường)


Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách .

Xá lợi tử ! Sắc bất dị Không . Không bất dị Sắc . Sắc tức thị Không . Không tức dị Sắc . Thọ tưởng hành thức diệc phục như thị .

Xá lợi tử ! Thị chư pháp Không tướng : bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm .

Thị cố Không trung : vô sắc vô thọ tưởng hành thức; vô nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý; vô sắc thanh hương vị xúc pháp; vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới; vô vô minh diệc vô vô minh tận nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử tận; vô khổ tập diệt đạo; vô trí diệc vô đắc .

Dĩ vô sở đắc cố, Bồ đề tát đỏa y Bát Nhã Ba-la-mật-đa cố tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn .

Tam thế chư Phật y Bát Nhã Ba-la-mật-đa cố đắc A nậu Đa la Tam miệu Tam Bồ đề .

Cố Tri Bát Nhã Ba-la-mật-đa thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư !

Cố thuyết Bát Nhã Ba-la-mật-đa chú, tức thiết chú viết :

Yết đế, Yết đế, Bala yết đế, Bala tăng yết đế, Bồ đề, Tát bà ha !


Diêu-Linh
Digital IC
Posts: 154
Joined: 01 Oct 2007 21:18

Postby Diêu-Linh » 20 Aug 2005 07:50

THE HEART OF THE PRAJNAPARAMITA

The Bodhisattva Avalokita, while moving in the deep course of perfect understanding, Shed light on the five skandhas and found them equally empty. After this pentration, He overcame ill-being.
(bell)
Lister, Shariputra,
Form is emptiness, emptiness is form.
Form is not other than emptiness.
Emptiness is not other than form.
The same is true with feelings, Perception, mental formations, and consciousness.
(bell)
Hear, Shariputra,
All dharmas are marked with emptiness.
They are neither produced nor destroyed,
Neither defiled nor immaculated,
Neither increasing nor decreasing.
Therefore in emptiness there is neither form, nor feelings, nor perceptions, nor mental formations, nor consciousness;
No eyes, or ear, or nose, or tongue, or body, or mind;
No form, no sound, no smell, no taste, no touch, no object of mind;
No realms of elements(from eyes to mind consciousness);
No in interdependent origins and no extinction of them(from ignorance to death and decay);
No ill-being, no cause of ill-being;
No end of ill-being, and no-path;
No understanding, no attainment.
(bell)
Because there is no attainment,
The bodhiattavas, grounded in perfect understanding, find no obstacles for their minds. Having no obstacle, they overcome fear, liberating themselves forever from illusion, and realizing perfect Nirvana. All Buddha in the past, present and future, thanks to this perfect understanding. Arrive at full, right, and universal enlightenment.
(bell)
Therefore on should know that perfect understanding is the highest matra, the unequalled mantra, the destroyer of ill-being, the incorruptible truth.

A mantra of prajnaparamita should therefore be proclaimed, this is mantra:
Gate gate paragate
Parasamgate
Bodhi Svaha
(three sounds of bell)

Van Hac
i3 Processor
Posts: 205
Joined: 01 Oct 2007 23:37

Postby Van Hac » 22 Aug 2005 05:26



cảm ơn Sư cô Diệu Ni ... :wink:



Return to “Tùy Ý”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 4 guests