Giới Thiệu Cá Voi Trầm Sát - Miêng

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Giới Thiệu Cá Voi Trầm Sát - Miêng

Postby nmchau » 01 May 2005 14:15

của Mai Ninh

Image


Vào những năm 90, khi bắt đầu xuất hiện trên một số tạp chí hải ngoại, MN đã gây được chú ý ngay. Từ dó đến nay MN liên tục viết cho nhiều báo với văn phong cá biệt, tạo cho mình thế đứng riêng, duy nhất.

Cá Voi Trầm Sát là tiểu thuyết dưới hình thức truyện ngắn, mỗi truyện tóm lược gãy gọn các cuộc đời đan chéo vào nhau. Truyện bắt nguồn từ tỉnh Phúc Kiến, một công nương phải lòng ông anh con bác, bị gả cho quan Tuần phủ người Việt. Công nương xuôi Nam làm lẽ, mình hạc xương mai mà mắn cái sai con khiến chú em chồng hiếm con ganh ghét, một lần cãi nhau đã thả lời nguyền rủa các đứa trai nhà bà sẽ không thọ. Trong cuộc đời truân chuyên lẽ mọn, công nương cũng vô tình truyền cho hậu duệ cái tình cảm oái oăm thường yêu người rất gần trong họ tộc.

6 trong 9 truyện là tiếng nói riêng của mỗi nhân vật được kể theo ngôi thứ nhất, về thân phận mình và những ràng buộc chung quanh. Bốn thế hệ nối tiếp nhau trong những môi trường khác biệt, từ Trung Hoa kéo qua Việt Nam và chạy mãi sang Pháp, chủ yếu là đàn bà, vì đàn ông đã chết non yểu đúng lời nguyền rủa. Những người cùng một gia đình nhưng không cùng nếp sống hay suy nghĩ, những khác biệt văn hoá vừa cuộn vào nhau vừa chống chọi nhau. Thời điểm lịch sử khác nhau mà xoắn xuýt qua trầm luân các đời đàn bà đắm say trong tuyệt vọng, cố vượt lên số phận nhi nữ tình trường. Cốt truyện có gì bỡn cợt với định mệnh, chỉ một câu thốt ra lúc cáu giận của con người lại có thể xoay chuyển bao số mạng trời sinh. Nhà văn Nguyên Ngọc nói « Đúng là cuốn tiểu thuyết được cấu trúc theo một thế xoáy trôn ốc, càng về sau vòng xoáy càng cao lên mãi, ráo riết hơn, nhanh hơn, dữ hơn, đau đớn hơn, mà cái trục tưởng chừng phi lý đến kỳ lạ của vòng xoáy chừng bất tận đó là một lời nguyền, một định mệnh kép có vẻ gì đó thật quái dị… ».

CVTS là quyển tiểu thuyết đầu tay của MN, đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Có người cho rằng MN có giọng văn thôi miên, có người cho rằng đọc MN như bị bỏ bùa… Không đúng. Đấy là 2 trạng thái u mê thụ động. Người bị thôi miên hay bị bỏ bùa nửa sống nửa chết, bị sai khiến, khi tỉnh ra chẳng còn nhớ gì. Có lẽ nên nói MN có giọng văn liêu trai, hư hư thực thực miên man bất tận, người đọc ý thức là ma quái vẫn tự để mình bị quyến rũ. Hoặc hiện thực xã hội hơn, có thể nói văn MN là loại văn thuốc phiện. Rít vài hơi ngất ngây choáng váng, lừ đừ mỏi mệt, nhưng vài cữ đâm ghiền.

Hãy thử cùng sống với tác giả phút giây tĩnh lặng qua đêm trong bịnh viện chờ sáng mai lên bàn mổ « Khoảng trống đến bất ngờ như một món quà chẳng chờ đợi, là không gian thênh thang chợt hiện ra sau khu rừng rậm, là hơi thở nhẹ nhàng của cành cây khi chiếc lá cuối cùng lià xa, không tiếc nuối. Sáng mai khi mặt trời lên, lần đầu tiên tôi chẳng cần biết phải làm gì cho ngày trước mặt, những biến chuyển chung quanh sẽ không tùy thuộc vào tôi nữa. Thả mình trôi đi, nằm xuống chiếc giừơng lại thấy nó cứng như tấm phản u già hở áo ngồi quạt cho mình ngủ buổi trưa hè oi bức ».

Văn MN rất mịn, sờ không chạm; rất nhẹ, phải níu lấy không nó bay mất, bãng lãng, mênh mang; rất nguy hiểm, bởi cuối cùng là tấm lưới trêu ngươi bất ngờ chụp xuống, giam người đọc vào cảm giác bâng khuâng, u hoài, lìm lịm. Đây là dòng văn cổ điển trong lối xây dựng nhân vật, cách tân trong từ ngữ. Có chữ MN đặt ra chỉ MN mới dùng được. Có ý tự muôn đời mà trong tay MN lại hoá nên mới lạ. Văn MN không dễ đọc. Không phải giữa lúc chờ chuyến métro này bus kia, không phải ngồi ngoài xe chờ vợ tạt vào Tang Frères mua bó cải, vội rút MN khỏi túi lướt mắt qua giờ. Muốn đọc MN, muốn thấm văn MN phải thư nhàn, phải đọc đi đọc lại. Đọc lần đầu, cảm. Đọc lần hai, hiểu. Đọc lần ba, thâm thúy - và bấy giờ cái hay mới thấm vào người. Bởi văn MN khó nắm bắt, khó tập trung, thường diễn tả tâm trạng bên trong hơn hành động bên ngoài. Thông thường từ đọc đến hiểu, con đường coi vậy mà xa - huống chi văn MN mềm mại là thế, nhuần nhuyễn là thế, lại ẩn chứa nhiều điều rất mãnh liệt, rất gai góc. Riêng tôi đã đọc 4 lần CVTS, không phải để thuộc lòng, mà để thán phục tài hoa nhà văn. Mỗi đoạn tiểu thuyết là một cuộc đời, vậy mà MN đội da người khác, lắp thịt người khác, chích máu người khác vào mình để tuôn chảy ra tay tâm tư sâu kín nhất, tình cảm dè dặt nhất, ham muốn rạo rực nhất của mỗi người, chân xác tài tình như diễn tả chính mình, phơi bày những cái đó với giọng văn lung linh huyễn hoặc.

Tả nỗi buồn rất cao qúy kín đáo của bà nội xiêu lạc qua Việt Nam với đôi bàn chân bó, tác giả viết « Tôi tự hứa sẽ học ngôn ngữ của bà nội mình và một ngày phải đọc cho được những con chữ huyền bí ấy. Cũng như phải hiểu vì sao có tiếng thở dài u ẩn, có lòng mắt bạc long lên niềm gì uất ức rồi lại dịu xuống, ngoi ra từng giọt nuớc lăn xuống đồi má cao một nỗi truân chuyên, mỗi lần bà nhìn vào bao tấm ảnh đàn ông trai trẻ trên bàn thờ ». Giản dị vài chữ « có lòng mắt bạc long lên »- « rồi lại dịu xuống », đã vẽ ngay trước mắt người đọc nỗi cam chịu và lòng bao dung rất thánh của một con người với tất cả tình yêu và trách nhiệm. Suốt tập truyện toát ra tình người như vậy qua các nhân vật nữ, vì chỉ có đàn bà mới hoài thai và nuôi dưỡng được thứ tình cảm tự hoại trong nghĩa hy sinh.

Về 9 truyện ngắn tập hợp thành tiểu thuyết CVTS, Phan Huy Đường nói trong bài Miên, một bước đi dài hơn thế kỷ (Hợp Lưu tháng 10/11-2004), rằng anh thấy « Mỗi truyện long lanh vẻ đẹp riêng. Ta cảm nhận ngay khi vừa đọc. Chụm lại, mỗi truyện biến thành một cánh hoa. Một đoá hoa kỳ dị nở tung, lung linh mầu sắc, cả về nội dung lẫn hình thức. Những tia sáng lung linh ấy là những hình thái khác nhau của tình yêu, tình người. Mầu sắc cánh hoa này tô điểm mầu sắc cánh hoa kia, nội dung truyện này soi sáng nội dung truyện kia . Nhãn quan nhân vật này điểm cho nhân vật kia thêm một nét người »…Cách dựng tiểu thuyết bằng nhiều truyện ngắn không phải mới, mỗi nhân vật tự nói lên cảm nghĩ, cái nhìn của mình về việc chung cũng không phải mới. Cảnh chì chiết mẹ chồng nàng dâu, cuộc đời bẽ bàng làm lẽ, lòng hy sinh chị cả dành cho các em như người mẹ thứ hai, tình luyến ái vụng trộm giữa anh em họ hay ngay cả anh em ruột, cũng không mới. Trong cảm nhận riêng, CVTS thành công không phải vì cốt truyện ly kỳ, cũng không phải vì kỹ thuật dựng truyện sít sao – mà chính vì văn phong độc đáo rất MN, một văn phong mà từ thời tiểu thuyết VN khởi sắc thập niên 30 đến giờ, chưa mấy ai tạo được.

Trong bài Nỗi chết và tình yêu (Diễn Ðàn tháng 10-2004),Hàn Thủy nhận xét : « CVTS là một áng văn chương cực buồn mà tuyệt đẹp về số phận người phụ nữ VN trong giai đoạn vừa qua. Đọc CVTS đôi khi người ta tự hỏi: có phải văn chương là để chuyên chở nỗi đau về thân phận con người, hay chính thân phận con người là cái cớ để làm văn chương ? Chỉ biết, văn chương như thế có khả năng vừa khơi mở vừa xoa dịu nỗi đau thân phận ». Xưa nay văn chương vẫn đem thân phận con người làm cớ gửi gấm nỗi lòng, bởi văn chương đích thực không thể ra ngoài vòng tục lụy nhân sinh. Nhưng thăng hoa cái cớ ấy, diễn tả nỗi nhục nhằn khổ ải hay căm phẫn hận đời bằng giọng văn dịu nhẹ không trách móc than vãn, không dèm xiểm oán thù, mà vẫn thấy đủ lục dục thất tình, và đọc xong gấp sách lại, không phải chỉ con người mà cả các tình huống ấy cứ quấn quýt vướng víu bên ta ; gấp sách lại, vẫn nghe tiếng thì thầm tâm tình từng nhân vật, vẫn cảm hơi thở nhè nhẹ từng nỗi niềm, vẫn thấy ánh mắt dìu dịu từng con tim thổn thức níu hồn ta lại – thì đủ hiểu văn MN là loại lạt mềm buộc chặt.

Nếu có thể so sánh với tranh, thì văn MN mờ ảo lung linh tranh thủy mặc Trung Hoa. Nếu có thể so sánh với phim ảnh, thì văn MN là loại phim Á Châu chậm chạp, trữ tình, lãng mạn và trí tuệ, khác với phim Âu Mỹ hối hả sôi nổi, rộn rịp hành động. Nếu có thể so sánh văn với tiếng hát, thì văn MN nhừa nhựa huyễn hoặc giọng Khánh Ly, lạ lẫm, độc đáo, quyến rũ. Vì vậy cũng có người không đọc nổi văn MN, cho là mau mệt, nhức đầu, khó hiểu. Hay có người cho văn MN không tự nhiên, chải chuốt quá, bóng bẩy quá, gọt dũa quá. Dĩ nhiên văn chương là nhan sắc, tùy thị hiếu mỗi người thích hay không thích khuôn mặt này, hình thể kia, nhưng ý niệm về cái hay-cái đẹp thì muôn đời vẫn có.

Và nếu quan niệm không có gì tuyệt đối hoàn hảo, phải trách móc điều gì, chắc chỉ có thể trách văn MN quá đẹp. Ranh giới giữa ưu điểm và khuyết điểm không xa. Ưu điểm thái quá cũng có thể thành khuyết điểm. Giọng văn thư thả, trầm mặc, bàng bạc suốt truyện từ trang đầu đến trang cuối, ngay cả cái đau đớn nhất mãnh liệt nhất khắc khoải nhất cũng chỉ tiềm tàng ẩn chứa, bởi giọng văn đã được thi vị hoá làm giảm thiểu gai góc sự thực đời thường. « Tôi dùng dình mãi mới trở vào căn phòng có cây ngọc lan ngoài cửa sổ, có bố thoi thóp trên chiếc giừờng chân qùy. Nắng xuyên qua những cánh lá thả bóng lốm đốm trên khuôn mặt thoáng chốc già hơn vỏ cây đa. Bố ngước nhìn bằng cặp mắt mà con Nhược vẫn cho là lẩn tránh, biểu hiện sự bất an, thiếu cá tính hay bạc nhược. Nhưng bây giờ nó ánh lên nỗi thao thiết của người biết mình sắp bước qua bờ bên kia, nơi tất cả những gì thân yêu sẽ xoá trắng, vô hình vô thanh. Không còn có thể bày tỏ, chẳng thể phân trần, không cả nói lên ước mơ cuối cùng. Bố mấp máy đôi môi nhưng tôi sợ nghe, tôi sợ nghe nhữnglời yếu đuối từ một người tôi vẫn nghĩ là không có can đảm để yêu thương và bảo vệ tình yêu của mình… » .

Giới viết lách đã từng đặt câu hỏi văn chương VN sẽ đi về đâu, người ta lo ngại văn học VN đã bế tắc vì thiếu những tác phẩm dài hơi giá trị. Trong không khí lo âu đó, Cá Voi đã lượn lờ ngang dọc Thái Bình Dương, bắc cầu cho trong ngoài nước gặp nhau trước khi văn chương đến bờ Trầm Sát.

Phan Huy Đường nhận xét « Đây là một tác phẩm đậm nhân tình, sâu sắc, độc đáo. Đây không là tác phẩm dễ hiểu, dễ đánh giá. Phải đọc với tâm hồn khắc khoải của con người vừa tự do vừa trìu mến ». Đúng chăng hay hoàn toàn chủ quan ? Và bởi chỉ có độc giả mới hoàn thành tác phẩm, xin mời qúy anh chị đọc và tự mình đánh giá cuộc Trầm Sát của loài Cá Voi quý hiếm trong phong cách MN.

MIÊNG

Paris, Déc 2004


Image

Return to “Tùy Ý”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 5 guests