Ngày xưa ơi ! Chuyện cổ tích thời nay !

Dao Hung
i5 processor
Posts: 324
Joined: 01 Oct 2007 21:49

Ngày xưa ơi ! Chuyện cổ tích thời nay !

Postby Dao Hung » 11 Apr 2005 18:08


Tân Châu, quê ngoại !

Image

Quê ngoại tôi nằm ở quận Tân Châu (thị xã Châu Đốc), nơi nổi tiếng với những vườn vú sữa ngọt ngào hương vị và nhất là về trái mặc nưa, dùng để nhuộm đen hàng Mỹ A may quần lãnh. Vẫn nhớ hoài, vào mùa nước lên, tôi cùng các cậu và mấy anh em họ, chèo ghe đi bắt chuột. Vào mùa này, lũ chuột ẩn núp trên những cây cao đã bị nước sông ngập đến quá nửa thân cây. Nhác thấy những người đi săn, chúng nhảy tủm xuống nước, lặn lẹ như rái. Phải biết đoán đường lặn của chúng để phóng lao theo. Lớn lên, đôi lúc suy nghĩ lại, thấy cũng chỉ vì miếng ăn ngon miệng, con người trở nên khá ác.

Má tôi là chị Hai, tôi lại là con một và là dân Sài-Gòn nên bà con dưới quê cưng và chiều chuộng hết sức. Cưng quá nên có khi tôi cũng hư thân lắm. Bà ngoại làm bánh ít thì phải làm riêng cho tôi bánh bột ngọt nhưn dừa. Cháu muốn ăn cá lóc, bà sáng sớm lặn lội ra chợ quận dặn mua cá tươi. Cá mang về, hấp, nấu canh hoặc kho xong, tôi chỉ thích ăn có mỗi hai má và chùm trứng. Mà ở dưới quê, ăn sáng cũng hết chỗ chê, vừa ngon lại vừa rẻ. Ăn mặn nào bánh bao, bánh canh, bánh khọt, cháo lòng . . . . Ăn ngọt thì có xôi gói trong bánh phồng nướng, xôi Xiêm, chè chuối cơm nếp, . . . Món cơm nguội ăn với lía phơi khô chấm nước mắm me thì ngon số dách. Lại thêm món đậu phọng nước, mọc gần những cồn cát nổi lên giữa sông, ăn sống ngọt lịm.

Nhờ những bận về quê ngoại, tôi học được cách chèo xuồng một mái và tấp tểnh lội kiểu .. . . chó. Lúc chưa lội được, nghe lời mấy anh chị em họ, cứ tưởng thiệt, bắt chuồn chuồn cho nó cắn rún để mau biết lội. Còn chuyện ma da, lúc nhỏ tôi cũng sợ chết người. Bà còn hay kể, chúng chỉ rình kéo chưn người ta ở những khúc sông vắng vẻ hoặc những lúc về khuya. Nghe đâu, thật ra cũng chỉ là loài thuồng luồng hay bạch tuộc gì đó. Rồi một ông thêm mắm, mười bà thêm muối để hù con nít. Cũng như cái chuyện ông kẹ, cho đến giờ, tôi cũng chẳng biết ổng là ai, mặt mũi ra sao cả . Chỉ thấy, cứ mỗi lần nghe con nít khóc nhè, lại lôi ổng ra để hăm he.

Lúc trước, đi từ Sài Gòn về tới Tân Châu, xa chưa đầy 300 cây số mà tốn cà ngày trời. Tờ mờ sáng ra bến xe miền Tây ở miệt đường Petrus Ký đón xe đò. Mà phải lựa loại xe tốc hành chở thơ để được ưu tiên qua bắc Mỹ Thuận và bắc Vàm Cống. Qua bắc cũng có nhiều cái vui. Ngồi trên xe, có người mang đủ thứ thức ăn, thức uống tới bán. Kêu một dĩa cơm, ngồi ăn ngon lành, qua xong cái bắc rồi mới trả tiền. Tiếp đó, xe trực chỉ phóng về hai thị xã Long Xuyên và Châu Đốc. Lại phải qua sông, chạy thêm khoảng 20 cây số nữa mới tới Tân Châu.

Đây, Tân Châu! Quê ngoại tôi nằm hiền hòa bên bờ sông Cửu Long mênh mông. Dòng nước cuồn cuộn chảy và sẫm nâu một màu phù sa. Nhà ngoại nằm ở cây số 2 và có thể đi bằng xe lôi. Cái mục đi xe lôi, tôi mê tít thò lò từ thuở nhỏ. Lần nào cũng đòi ngồi phía trước cho bằng được, để lắc lư theo con đường đất gập ghềnh. Từ Tân Châu tới vùng đất Hòa Hảo, chỉ có một con lộ chạy dọc theo bờ sông, dài chừng 30 cây số. Hồi còn nhỏ, có lần lang thang ở cây số 12 hay mười mấy gì đó, tình cờ thấy được một tấm bia đá ghi dấu nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử đã đến tình tự cùng người yêu (Mai Đình hay Mộng Cầm, tôi không nhớ rõ vì lúc đó còn nhỏ nên chưa chú ý nhiều đến văn thơ)

Ngày như lá, tháng như mây, giờ ngoại đã không còn. Kỷ niệm xưa bỗng chợt về như một giấc mơ. Nơi đất khách, xa lộ người dẫu có rộng thênh thang, có dài hun hút, vẫn không phai mờ trong tôi hình ảnh một con đường cổ tích. Thân không là lính thú sao lòng cứ trĩu nặng nỗi nhớ nhà . . . .
« Trong khói sông mênh mông,
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Ðiệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ:
Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả,
Tới Cà Mau - Rạch Giá
Cất chòi, đốt lữa giữa rừng thiêng...
Muỗi, vắt nhiều như cỏ,
Chướng khí mù như sương.
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú,
Hoa lá rụng, buồn buồn

Tiễn đưa về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn,
Ðôi tâm hồn cô tịch
Nghe lắng sầu cô thôn
Dưới trời mây heo hút...,
Hơi Vọng Cổ nương bờ tre bay vút
Ðiệu Hò... ơ theo nước chảy, chan hòa
Năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố,
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê... »

(Sơn Nam)


ĐH – Hè 2004

Quỳnh Hương
Pentium 4
Posts: 815
Joined: 01 Oct 2007 17:29

Re: Ngay xua oi ! Chuyen co tich thoi nay !

Postby Quỳnh Hương » 11 Apr 2005 21:42

DH wrote:[center]
Tân Châu, quê ngoại !

Image
[/center]

ĐH – Hè 2004



Lời văn của tác giả viết tự nhiên như kể chuyện, nhưng không kém phần lôi cuốn .

Có những món ăn miền Nam nghe lạ quá (đối với QH), như "bánh bột ngọt nhưn dừa" (bên này nghe đến bọt ngọt mà bỏ vào món ăn là ai cũng sợ), "món cơm nguội ăn với lía phơi khô" (lía là gì?), "món đậu phọng nước" ???

Cám ơn bài viết hay Tùy Ý :)

Thôn Bọ Ngựa - Quê Ngoại
QH - Hè 2004 :P

Dao Hung
i5 processor
Posts: 324
Joined: 01 Oct 2007 21:49

Re: Ngay xua oi ! Chuyen co tich thoi nay !

Postby Dao Hung » 12 Apr 2005 20:37

quynh huong wrote:Có những món ăn miền Nam nghe lạ quá (đối với QH), như "bánh bột ngọt nhưn dừa" (bên này nghe đến bọt ngọt mà bỏ vào món ăn là ai cũng sợ), "món cơm nguội ăn với lía phơi khô" (lía là gì?), "món đậu phọng nước" ???

Thôn Bọ Ngựa - Quê Ngoại
QH - Hè 2004 :P


QH,
bột ngọt = bột bánh ít màu nâu vị ngọt chứ không phải mì chính.
lía = một loại sò, người ta phơi nắng cho chín.
đậu phọng nước = loại đậu phọng này mọc gần những cồn cát nổi giữa sông, ăn sống không cần phải luộc.


Dao Hung
i5 processor
Posts: 324
Joined: 01 Oct 2007 21:49

Xu chua thap

Postby Dao Hung » 06 Aug 2005 12:54

[center]
Xứ Chùa Tháp
[/center]
Cất tiếng chào đời trên xứ Chùa Tháp nên tôi không được cái may mắn học tiếng Việt theo hệ chính quy như bao đứa trẻ sanh trưởng trên đất nước Việt-Nam. Lý do là thời đó (thập niên 1960) việc giảng dạy tiếng Việt trong học đường Miên bị cấm đoán. Thỉnh thoảng cũng có vài thầy cô người Việt can đảm dạy lén. Lỡ gặp thanh tra Miên đột xuất xuống kiểm soát, thầy trò thi nhau chạy cất giấu sách vở trong nhà xí. Người dạy vỡ lòng tiếng Việt cho tôi ở nhà là dì Út, em gái nhỏ tuổi hơn má tôi hai con giáp. Mỗi lần tập viết chánh tả là mỗi lần bị dì cốc đầu vì tội viết trật. Mà trật cũng phải, « về » thì dì đọc là « dìa », tài nào viết cho trúng…

Nhờ có những đứa bạn cùng xóm cũng gốc người Việt-Nam nên lũ chúng tôi có dịp chơi đùa và nói tiếng nước nhà với nhau. Chứ nếu không, chắc đến phải trở thành một bầy mất gốc. Còn trẻ con Miên, chơi chung với chúng thì ít mà đập lộn với nhau thì gần như hàng ngày.
[center]
Image
ảnh chụp khoảng năm 1969 ở Angkor Watt - đh là đứa bé gầy nhom đứng giữa hai tên em họ
[/center]
Thời kỳ này đánh dấu sự ra đời của vô tuyến truyền hình. Dĩ nhiên vẫn còn là đen trắng. Mỗi cuối tuần, mấy gia đình họp nhau lại, kéo đến nhà bọn Miên nhà giàu có máy truyền hình để xem cải lương phát sóng từ Sài-Gòn. Người lớn phải trả năm đồng (giá tương đương với giá một tô mì), trẻ con một đồng. Vì thế, tôi vướng phải căn bệnh nghiện Cải lương. Đây là thời kỳ vàng son của đoàn Cải lương Dạ Lý Hương và của nhiều nghệ sĩ tài danh, mà nay có người đã mất. Tôi xem mê mệt những vở tuồng Lệnh của bà, Một nàng ba chàng, Yêu người điên,…với những Hùng Cường, Bạch Tuyết, Dũng Thanh Lâm, Văn Chung, Tư Rọm,…

Tuy chưa đầy mười tuổi nhưng tôi còn mang thêm bệnh nghiện khác là mê xem phim. Thôi thì xem đủ thứ, từ phim Pháp qua phim Miên sang đến phim Tàu. Người Miên cũng quay nhiều tuồng tích quen thuộc như Thoại Khanh Châu Tuấn, Xử án Trần Thế Mỹ,… Phim Tàu thì tôi mê từ phim võ hiệp với Vương Vũ, Trương Dịch,..sang đến phim Hồ quảng như Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài với Lăng Ba và Lạc Đế,…Dĩ nhiên là phim nói tiếng Tàu phụ đề tiếng Miên. Sống ở xứ người có lúc khổ vậy.

Đầu thập niên 1970, gia đình tôi hồi hương về Sài-Gòn. Vẫn nhớ mãi cảnh má tôi rơi lệ trong những ngày tháng trước khi giã từ Nam Vang, khi phải cắt ngắn mái tóc dài và ăn vận giống phụ nữ Miên để tránh nạn « cáp duồn ».

Vào lớp năm trường tiểu học Aurore Sàì-Gòn, tọa lạc gần ngã ba Phan Đình Phùng-Cao Thắng, tôi bắt đầu thật sự vật lộn với ngôn ngữ Việt-Nam. Dĩ nhiên tiếng « mẹ đẻ » của tôi vẫn là tiếng Pháp, một ngôn ngữ bị buộc phải học tự buổi đầu tiên cắp sách đến trường trên đất Cao Miên.

Ba mươi lăm năm đã trôi qua, tôi chưa một lần trở lại khung trời thời thơ ấu.

ĐH – Pháp 2005

Quỳnh Hương
Pentium 4
Posts: 815
Joined: 01 Oct 2007 17:29

Postby Quỳnh Hương » 08 Aug 2005 07:59

í da, làm nhớ tới hồi nhỏ qh có bạn trai chơi correspondence (viết thư tiếng Fờ Răng Xe) bên Miên á .

sau nghe nói "lui" cũng chạy về SG vì nạn cáp duồn, rồi bị mất liên lạc luôn, hic !

hổng biết có phải là same "lui" đó không ???

:D

Dao Hung
i5 processor
Posts: 324
Joined: 01 Oct 2007 21:49

Postby Dao Hung » 08 Aug 2005 14:55

Á o Wình, thì ra là :

« Ta đợi em từ ba mươi năm »
Từ độ trăng xưa chửa đến rằm
Mới hay người cũ còn trông ngóng
Một cánh buồm giong quá xa xăm

đh - Hạ 2005

Quỳnh Hương
Pentium 4
Posts: 815
Joined: 01 Oct 2007 17:29

Postby Quỳnh Hương » 09 Aug 2005 06:19

DH wrote:Á o Wình, thì ra là :

« Ta đợi em từ ba mươi năm »
Từ độ trăng xưa chửa đến rằm
Mới hay người cũ còn trông ngóng
Một cánh buồm giong quá xa xăm

đh - Hạ 2005


Ngày ấy anh đi không giã từ
Để tôi mòn mỏi đợi chờ thư
Bao năm xa xứ...người phương ấy
Tôi ở bên này...vẫn nhớ xưa

qh
:)


Return to “Tùy Ý”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1 guest