lan man (writings)

Niem Nhien
Analog IC
Posts: 55
Joined: 01 Oct 2007 23:23

lan man (writings)

Postby Niem Nhien » 29 Nov 2005 14:29

Những Cánh Hoa Phía Nhớ



(i)
Lần đầu tiên, con bé gái từ thành phố về miền quê ngoại nghỉ hè. Con bé thích thú nhìn vườn cây trái xum xê trĩu cành, nhưng mắt con bé đừng lại ngắm mãi mấy luống cà phía hàng xóm, cạnh nhà bà Ngoại. Vườn bên có thằng bé trai, màu da nâu xạm nắng, nụ cười hiền, hỏi làm quen
- Nè, tên gì? Thích bông hả?
Con bé mắc cở ngại ngùng không trả lời, bẽn lẽn quay mặt, và bước đi nhanh. Thằng bé đứng ngẩn nhìn theo.

Sáng hôm sau, vừa gặp con bé, thằng bé đưa ra một nắm hoa, cánh mong mỏng nho nhỏ, màu tim tím. Đôi mắt đen lay láy của con bé vừa như cười vui, vừa tròn xoe ngạc nhiên. Còn đang ấp úng, con bé chưa biết nói gì, bất chợt có giọng người đàn bà cau có quát
- Thằng Tèo đâu? Cha mày thằng Tèo! Sao mày ngắt ráo trụi mớ bông cà, mần sao mấy cây cà có trái, nè trời! Bớ.. thằng Tèo đâu, tao đập một trận cho hết phá! Tèo à...Tèo!!
Cậu bé ngượng ngùng nhăn mặt
- Chết, má tao la.. Thôi, tao trốn nghen!
Nói rồi, thằng bé chạy nhanh, dáng chiếc áo thung trắng đã ngà cũ khuất dần trong vườn cây xanh um tùm lá. Con bé trông theo, lo cho thằng bé bị trận đòn không tránh khỏi.
Ngày con bé về lại thành phố, thằng bé buồn buồn.

Ký ức vẫn ẩn hiện những cánh mỏng tim tím của lần đầu đời được tặng hoa.

oOo -- oOo

(ii)
Viết lưu bút vẫn là điều rất dễ thương của bọn học trò mỗi khi hè đến. Đối với nhóm học trò lớp mười hai những ngày cuối niên học, và những quyển lưu bút trao tay, càng làm bùi ngùi tiếc nuối nhiều hơn khoảng thời gian thần tiên tuổi nhỏ, vì không chỉ xa bạn bè thầy cô trong ba tháng nghỉ hè, mà thật sự sẽ phải vĩnh viễn xa trường lớp, để bước vào đời.

Vẫn mỗi buổi chiều tan trường, người con trai đợi người con gái để cùng về chung một đoạn đường. Người con gái trao cho người con trai cuốn lưu bút, cười mỉm và nói
- Viết vài dòng để giữ làm kỷ niệm nha.
Người con trai tay không vội nhận quyển tập, chỉ trả lời
- Bạn bè có nhiều cuốn lưu bút truyền tay nhau, đã bao nhiêu đứa viết cũng chỉ có mấy lời buồn chia xa, tiếc nuối.. Đến phiên mình, mình không muốn viết giống chừng ấy ý chung như vậy.
Người con gái ngỡ ngàng trước lời từ chối, hình như trái tim bị hẫng một nhịp, mắt thoáng cay cay. Người con gái khẽ cuối đầu vài giây ngắn, giấu nét buồn, rồi nhẹ nhàng bỏ quyển lưu bút vào cặp sách, lấy giọng bình tỉnh nói cho qua chuyện
- Không muốn thì thôi, không sao. Có lẽ lưu bút do bọn con gái bày chuyện, đám học trò con trai hình như không thích mấy vụ viết lưu bút này.
- Mình chỉ biết mình không muốn viết lưu bút giống như mọi người.
Không nói gì thêm, cả hai cùng lặng bước bên nhau. Trên con đường về, hàng cây đan nhánh vào nhau rợp bóng lá trên cao, không gian rộn tiếng ve gọi mùa.

Buổi tối, khi đi theo ba mẹ đến nhà của dì trở về, người con gái thấy trên bàn học có hai quyển tập. Một quyển bià được bao bằng giấy tím nhạt, màu như ý thích của người con gái, và một quyển bià màu xanh đại dương, kèm theo lá thư.

Xin lỗi N. vì T. không khéo đã làm N. buồn chiều nay.
T. muốn dành ngạc nhiên cho N.
Quyển vở màu tím nhạt này T. cố công trang trí và viết cho N.
Quyển màu xanh mong N. viết cho T., không chỉ viết vài dòng mà nhiều dòng, nhiều trang với những vui buồn của tuổi học trò để T. giữ mãi, nhé N!

Người con gái nghe nỗi buồn buổi chiều chợt tan biến, nhường cho niềm vui đang loang ngập tim, đọng trên môi cười. Nhẹ nhàng mở quyển tập bìa màu tím ra, người con gái thấy nhiều trang giấy được trang trí bằng những mẩu nhỏ cắt vụn từ những cánh hoa phượng đỏ, hoa điệp vàng, lá me xanh ép khô, và tỉ mỉ ghép thành nhiều trang hình cánh bướm, ngọn nến, nụ hồng, và cả tên của người con gái cũng được kết bằng những mẩu vụn li ti cắt từ cánh hoa đỏ, hoa vàng, lá xanh, rất mỹ thuật! Xen lẫn vào đó là những dòng thơ, bài nhạc mà người con gái yêu thích. Thơ và nhạc cũng được viết bằng màu mực tim tím rất tươi, màu mực pha khéo vừa đủ, không quá đậm, và nét chữ hơi vun rất con trai.
Người con gái bất giác đặc nhẹ nụ hôn lên quyển tập và ép cuốn lưu bút vào lòng ngực thật gần, thật gần.. thể như để ai đó nghe được nhịp tim đang tha thiết yêu người!

Đặc quyển tập bìa màu tím xuống, và nhẹ nhàng mở quyển tập màu xanh ra, lấy cây viết ngòi bút lá tre mỏng, khẽ chấm ngòi viết vào bình mực, người con gái nắn nót nét chữ viết

T. ơi,
N. rất thích quyển lưu bút của T. tặng, N. cảm động lắm!
Dù ra sao ngày sau, kỷ niệm của T. và N. sẽ ở mãi trong tâm với nỗi nhớ...

Có giọt nước mắt rơi nhanh làm loang nét mực.

Bốn hôm sau, người con trai tìm đến nhà gặp người con gái. Cậu em nhỏ ra mở cửa, kéo tay người con trai vào nhà, cậu em thì thầm nói
- Chị N. đi vượt biển rồi anh T. ơi! Chị N. có dặn em đưa lại anh hai quyển tập, anh chờ em vô lấy nha.
Người con trai thấy khoảng không gian trước mặt tối sầm lại, tim chới với.

Đêm trên đảo tị nạn, nằm nghe tiếng sóng, như tiếng gọi nhớ thổn thức, nhớ quê nhà, nhớ gia đình, và nhớ người con trai với quyển tập lưu bút bià màu tím.

Ký ức vẫn còn đó hình ảnh của cánh hoa phượng đỏ, điệp vàng, lá me xanh thuở thần tiên ngày xưa.

Niem Nhien
Analog IC
Posts: 55
Joined: 01 Oct 2007 23:23

transformation of a smile

Postby Niem Nhien » 29 Nov 2005 14:31

Hoá Thân Nụ Cười

Trời bên ấy , mùa mưa đang đến , phải không anh ? Mưa , những sợi tơ ướt mềm từ trời trao tặng đất , âm thanh giọt rơi như tỉ tê dòng nhớ , rí rách niềm mong .

Quen thuộc với nhiều bài hát về mưa , nhưng mỗi khi nghe mưa , em lại thì thầm hát Thương Một Người ! Có lẽ anh đang thắc mắc sao lạ thế , bài ấy chẳng tả cảnh gì về mưa . Đúng , đó anh . Nhưng , với mỗi người , một bài nhạc có niềm cảm nhận riêng cùng kỷ niệm của chính người đó . Với em , xa xưa của tuổi vừa lớn , đêm ấy nằm nghe tiếng mưa trên mái nhà hoà lẫn trong giọng hát của cô Khánh Ly

Thương ai về xóm vắng
Đêm nay thiếu ánh trăng
Đôi vai gầy ướt mềm
Người lạnh lắm hay không (*)

Em hình dung ra người con gái , bóng chiếc thầm lặng đi về , dáng buồn tênh , lạc lõng giữa dòng người , dòng đời . Em cảm nhận được niềm ân cần tha thiết từ câu hỏi người lạnh lắm hay không ? Hình như người hỏi cũng chỉ hỏi trong thinh lặng , chỉ riêng mình nghe , không có câu trả lời . Cơ hồ đâu đó là một khoảng cách giữa hai mảnh hồn côi . Và , em đã khóc , khóc khe khẽ , vậy đó mà mẹ biết anh ạ ! Mẹ lắc đầu nói "Vừa 16-17 tuổi , nghe bài hát hiểu được gì , sao lại khóc ? Con gái nhạy cảm quá , lớn lên sẽ khổ ! Tập bỏ tính ấy đi con à !"

Hai mươi năm sau , em vẫn đang "tập" mà chưa "bỏ" được , nhưng tại sao lại phải bỏ , anh nhỉ ? Nhạy cảm không hẳn là khổ . Ngược lại , em cho đó là niềm hạnh phúc vì dễ rung cảm với buồn , vui thì càng cho mình nhiều chất vị cuộc sống , nhiều sắc màu đa dạng của tâm tư . Nếu không , chắc cuộc đời sẽ ơ hờ trôi ngày qua ngày , chẳng có gì ghi nhận lại để làm tư trang cho cuộc lữ đường trần . Anh có nghĩ rằng em đang chống chế bênh vực cho bản chất của mình không ?

Em đọc đoản khúc anh viết có nhóm chữ [người yêu của em] Lạ! tại sao lại đóng khung, anh hở ? Đối với em , nhóm chữ ấy tự chúng đã là một họp ngữ trừu tượng , là điều hồ-như mông lung tựa sa mù , không làm sao có thể nắm, níu giữ được trong lòng tay! Nhìn nhóm chữ [người yêu của em], em ước gì ý nghĩa biểu trưng rằng anh là người yêu của riêng em để tình anh nằm gọn nơi chiếc khung hạnh phúc trong khuông tim em ! Cũng là mơ thôi !

Có bao người , khi đọc đoản khúc của anh , đã phải ôm ngực phía tim vì sợ trái ngu ngơ rụng mất , để rồi suy vấn thắc mắc anh viết cho người ấy hoặc cho một ai khác nữa ?! Dưng , em tự hỏi những dòng này em đang viết cho ai đây , có lẽ cũng không là riêng [anh] . Em đang tưởng tượng anh mỉm cười phân vân, rồi khẽ than "giời ạ! không hiểu , thật không hiểu !!" Chẳng cần phải hiểu anh à . Ai đó có lần đã nói với em rằng ngôn từ là nguồn cội của những hiểu lầm , vậy nếu càng giải thích thì lời lẽ lại gây thêm nhiều cái lầm khác nữa , phải vậy không ?

Anh ! duy một điều rất rõ , mưa đêm đã tạnh , bình minh của ngày mới đã đến , khí trời tươi mát , và những dòng chữ của anh , của em , chúng đang hoá thân thành nụ cười trên môi em !

_____________________
(*) Thương Một Người - cố ns Trịnh Công Sơn (TCS)
(Viết theo cảm tác từ một đoản khúc của [anh], đã thả theo dòng trôi, mất!)

Niem Nhien
Analog IC
Posts: 55
Joined: 01 Oct 2007 23:23

in the eyes of lovers

Postby Niem Nhien » 29 Nov 2005 14:33

Trong Mắt Nhau ...


Chiếc điện thoại cầm tay lại reo

- Hello ...

- tan sở rồi, đi đâu đó?

- Đi chợ mua thức ăn

- Mua những gì?

- Rau cỏ, sữa tươi với ....

- Mua rau thôi, đừng mua cỏ, muốn thì ghé ngang nhà tui, cỏ đang mọc cao, cắt cho không, chịu hông?

- Há, ai thèm

- Nè, thỏ ơi!

- Sao gọi tui là thỏ?

- Tại đằng ấy đòi ăn cỏ, Thỏ Ngọc dễ thương mờ !

- Ai thèm cho thương, khéo dụ !

- vậy thì yêu

- Ngu sao, yêu là liều

- Tui cũng muốn đi chợ...

- Bắt chước, muốn mua gì?

- Mua trái chà-là..

- Dân hảo ngọt

- Vì tui không có date nên ăn chà-là .. cho đời ngọt ngào.. chút tí.. dzậy mờ ..

bên kia đầu dây điện thoại, chợt hiểu cười thành tiếng
- Hihihi.. chơi chữ há, trái date tiếng việt là trái chà-là. Tếu há! Nhưng, date cũng có nghiã là hẹn hò nữa đó..
Hít một hơi thở dài, giọng chậm nhưng rõ ràng hỏi
- Ừ.. vậy... thứ Bảy này đằng ấy.. là.. chà-là của tui nghen?

(thẹn đỏ mặt, không nói..)


Từ đó, hai người bắt đầu chuyện hẹn hò. Họ chia nhau từ những điều rất nhỏ như một bài thơ thích ý, một dòng nhạc du dương. Họ chia nhau những nhọc nhằn hạnh khổ của đời sống, chia nước mắt, chia nụ cười. Người này là sự cần thiết của người kia, và người kia không thể thiếu người này. Họ yêu nhau trong sáng, trọn chân thành tha thiết.

- chà-là nè!

- Gì hở!?

- Thương!

- Ồ, “bị” thương hở? Thê thảm quá, tội quá, ui đau!

- không phải bị, mà là được thương, hạnh phúc quá!

- Mai đi tìm tổ ong....

- chà-là định làm gì vậy ?

- Nhờ lũ ong chọn honey... mật ngọt cho đời...

- Tủi thân!

- Mười hai con giáp .. “tủi” thân cũng là tuổi khỉ, sao nhà họ Tôn Ngộ Không... "tủi" thân dzậy?

- Tại.. có người tính chuyện nhờ đàn ong hay đàn ông chọn honey! Còn tui bỏ cho ai ?

- Sợ...

- Chà-Là sợ gì ?

- Sợ, ai đó thành honey … mật ngọt .. là thành nguyên nhân của sâu răng .. sún răng .. đã móm càng móm hơn .. tội nghiệp!!

- Có người yêu thương chia đời với nhau .. nếu sâu răng... rụng sún hết răng cũng được, không sợ!

- Thật ư?

-Ừ, rất thật

- Liều quá ..

- Vậy mới được Chà-Là thương!

- Mật Ngọt nè, yêu nhiều !

Họ cho nhau nụ hôn ngọt ngào .. chia đời nhau... trăm năm bền lâu...

______________________________________________

viết vu vơ tặng cho những ai đang yêu!
Nè, bạn đọc! Bạn đang cười bài viết sến quá, phải không?!
Ừ! đúng đó, nhưng bạn nè, khi yêu .. hình như người ta sến mà dễ thương trong mắt nhau … và dường như trong mắt họ.. tôi và bạn không hiện hữu... vì thế giới này chỉ có riêng họ thôi!
Thưa, phải không ?!

Niem Nhien
Analog IC
Posts: 55
Joined: 01 Oct 2007 23:23

lullaby for autumn

Postby Niem Nhien » 29 Nov 2005 14:36

Đoản Khúc Ru Mùa Rơi



Ru em giấc mộng tơ vương
Ru ta thức trắng miên trường cô liêu
Em còn ân sủng bao nhiêu
Cho ta xin được một chiều riêng em (1)

Một chiều của lần đầu gặp nhau. Cuộc gặp gỡ ngoài ý định. Nơi bệnh viện, em đến thăm tôi. Em với nụ cười hiền, miệng ngọt lời ân cần, trên tay những đoá hoa vàng tươi nụ. Tôi thương tích, tóc rối, đời đau, ngập ngừng câu chào. Em và vòng tay ôm siết, sẻ chia hoạn nạn. Tôi bùi ngùi vì niềm an ủi dịu dàng!

Buổi chiều ấy … xa rồi, dòng đời như con nước trôi..

Mùa này, thành phố nhiều mưa. Những cơn mưa nhỏ lấm tấm bay lưa thưa, tôi thích bước chậm hơn trong không khí ướt sũng.
Và, cũng có những cơn mưa lớn nặng hạt như trút nước ngập lụt phố phường, giông gió về xô nghiêng ngã hàng phong già đầu ngõ. Sau cơn mưa, những chiếc lá hãy còn xanh rơi lác đác trên mặt đường, dưng tôi thấy buồn tiếc những chiếc lá xanh rụng vội, chưa kịp vàng để điểm trang mùa Thu. Lẩm cẩm, tôi!

Giăng mắc những kỷ niệm!

Ru em tình khi nhớ, ru em tình lúc xa
Ru cho bầy lá nhỏ, rụng đầy một mùa Thu
Ru khi mùa mưa tới, ru em mãi yêu người (2)

Tôi đã nghêu ngao hát cho em nghe trong đêm, lời thiết tha! Bên kia điện thoại, ở một nơi xa lắm, Em cười khẽ vì tôi ngô nghê.

Những ngày nắng mịn tươi, giữa giờ làm việc, gọi điện thoại bảo nhớ (khi tình đầy ngọt lịm lời thương). Em than khẽ: “mắt trĩu nặng cơn buồn ngủ sau buổi ăn.” Trưa, ăn nhiều dễ buồn ngủ, tôi hỏi “vậy Em ăn trưa những gì?” Giọng con gái bắc, em ngây thơ kể “Đâu có ăn nhiều .. Nhỏ chỉ ăn nửa ổ bánh mì thôi … à, với lại một mẩu bánh chuối nướng ngon lắm … ừ, và thêm ly chè ba màu hôm qua mang vô sở chưa ăn, nên hôm nay ăn nốt …” Tôi bật cười … chao ơi!! Rồi, tôi vu vơ hát

À ơi ... nắng ơi ... ngủ ngon nắng ơi ..
À ơi ... gió ơi ... thổi lên gió ơi ..
Cho giấc mơ đầy ...
Cho mắt thôi cay ...
Trọn cơn mê này ...
Lời hát ru nắng mong chờ ... ngủ say (3)

Nũng nịu than thở “biết mà, không ai thương Nhỏ hết mà!” Rồi, em trách tôi “ác” vì đã không lây tỉnh cơn buồn ngủ của em giữa trưa trong giờ làm việc. Lại còn “nhẫn tâm” ngân giọng trầm trầm à .. ơi … như vậy. Nếu như em thả hồn theo lời ru … và, lỡ như mất việc vì lý do ngủ gục … thì xấu hổ biết mấy!
Tôi lại cười …

Tình tôi tha thiết nên ngỡ có thể làm gần lại khoảng không gian xa xôi giữa em và tôi, ngỡ đã mang tâm hồn hai người đồng điệu cùng nhau, nhưng không! Những gì em muốn, đôi khi quá lý tưởng, và thật đời với hòan cảnh sống của tôi đã không đáp được cho em vừa ý, đầy vui, dù tôi đã trao cho em trọn vẹn yêu thương.

Giòng đời có được mấy khúc vui? Chong chênh định mệnh nào biến cuộc tình thành áng mây trôi. Có khi tôi đã tha thiết hỏi “Ru em mãi yêu người, nhé em!?" Và, em yên lặng thay câu trả lời. Tim nhói, tình ơi!

Lần ấy, em đón tôi bằng vòng tay lơi hờ hửng, bằng lời ngượng ngùng, bằng ngại ngần gìn giử từng cử chỉ, như sợ vô tình có lỗi với người mới trong tim em. Tôi khù khờ nào biết, nên vẫn đón em bằng đôi tay yêu thương rộng mở ôm siết, với nụ cười hạnh phúc trên môi. Hụt hẩng chới với, tôi!

Ru em mười ngón tay trần
Ru ta ngày tháng phù vân gọi về
Hoàng hôn nào cũng hôn mê
Bình minh nào cũng não nề nắng lên (1)

Với tôi, đời bây giờ còn lại những tháng ngày thừa sự trống vắng, tim côi thừa nỗi cô quạnh. Em, mười ngón tay dịu dàng con gái, vung xuống đời dấy sóng long đong!

Ru từng ngọt bùi đã qua
Ru người lận đận héo khô
Yêu em, yêu thêm tình phụ!
Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ .. (4)

Chia tay có tiếng của em thở dài với lời khuyên “hãy cố quên... !”, có tôi nghẹn ngào chân thành chúc em vui, tròn hạnh phúc bên người ấy. Không! không có lời trách buồn, không có lời hờn giận trong tôi, khi biết rằng lòng người như nắng thôi!

Ừ, thì biết kiếp người như mơ, và tình yêu là cơn mộng trong giấc ngủ mơ. Biết vậy, nhưng nỗi đau như rất thật, xót xa quay quắt!

Sáng nay, trời Thu se se lạnh, lá đã phơn phớt ửng vàng. Bàng bạc mây thu, em là niềm nhớ trong tôi. Chạnh lòng tiếc nuối chuyện tình đã vội tàn khi chưa tròn mùa thay lá. Tình và em rồi cũng như lá thôi! Trời gió lộng, lá bay xa, khuất.

À .. ơi … à … ơi … tôi ru tôi đêm thức trắng, mắt đen thâm quầng, dỗ giấc cô miên đợi chờ …

Xin chờ những rạng đông
Đời sao im vắng
Như đồng lúa gặt xong
Như rừng núi bỏ hoang
Người về soi bóng mình
Giữa tường trắng lặng câm ....
...
Xin ngủ trong vòng nôi, ta ru ta ngậm ngùi …
Xin ngủ dưới vòm cây ..
Xin ngủ dưới vòm cây ... (5)




Viết riêng cho Mây Thu & Hoàng Hạc

Mây Thu hoá kiếp sa mù
Hoàng Hạc rũ cánh lãng du, rã rời



_________________________________________________________
(1) Ru Em - Thơ Phạm Ngọc, Nhạc Phạm Anh Dũng
(2) Ru Tình - Trịnh Công Sơn (TCS)
(3) Ru Nắng - Trầm Tử Thiêng
(4) Ru Em - TCS
(5) Ru Ta Ngậm Ngùi - TCS

Niem Nhien
Analog IC
Posts: 55
Joined: 01 Oct 2007 23:23

a day like every day

Postby Niem Nhien » 29 Nov 2005 14:37

Một Ngày Như Mọi Ngày (*)

Hôm thứ Bảy, tôi ghé vào tiệm bán hoa, vẫn như thói quen tôi mua một bó hoa hồng màu vàng nhạt để về trưng trong nhà. Tôi rất thích hoa hồng màu vàng nhạt, vì nhìn nụ hoa đượm chút nhu mì nhưng kiêu sa, sao đó.

Lúc đang đứng chờ trả tiền, tôi nhìn quanh tiệm hoa bày đầy những lọ hoa hồng trình bày thật đẹp. Khắp nơi quanh tiệm, nhiều những bó hoa nụ đỏ rực rỡ vừa hé chen lẫn với mớ hoa lấm tấm bé tí, nho nhỏ màu trắng. Ngoài ra còn có những chiếc bong bóng hình trái tim cũng màu đỏ, chiếc cột thấp, chiếc cột cao, lơ lửng ở khoảng không của tiệm, và những hộp kẹo cũng bằng hình trái tim đỏ trưng bày đẹp mắt tại quầy tính tiền. Không riêng gì tiệm hoa này, mà bất cứ cửa cửa hàng, hiệu buôn nào cũng chuẩn bị hàng bán cho ngày lễ Tình Nhân. Ngày đó sẽ có những bó hoa hồng, những chiếc bong bóng, những hộp kẹo chololate, những món quà, những tấm thiệp của tình nhân trao tay tình nhân... và các nhà hàng hạng sang, đòi hỏi thực khách phải đặc bàn cả tuần trước đó, mới mong có bàn phụ vụ cho buổi ăn tối của ngày Lễ Tình Nhân.

Người yêu xưa của tôi đã không vừa ý, đã hờn dỗi, khi ngày lễ Tình Nhân mà tôi vẫn tỉnh bơ kiểu "một ngày như mọi ngày". Người ấy đã không chịu được cái gàn dở khác thường của tôi, khi thấy mọi người ai cũng loay hoay, vội vã, lo toan sợ trễ dịp đi tìm mua hoa, mua quà cho ngày Lễ Tình Nhân, còn tôi phớt lờ, mặc người đời!

Thương yêu nhau, tôi không cần ai định cho tôi duy chỉ một ngày, trong 365 ngày của năm, rồi gọi là ngày "Lễ Tình Nhân" để tôi có dịp bày tỏ sự ân cần yêu thương của tôi với người tôi yêu.

Với tôi, ngày nào cũng có thể là ngày Lễ Tình Nhân!
Một hôm nào đó, thu xếp việc làm công sở để về sớm, nấu món ăn ngon miệng, chọn một chai rượu chát thắm vị, hợp khẩu, bày bàn ăn chờ sẳn, và đón người yêu tận cửa nhà với một nụ cười. Buổi cơm ngon đầm thắm, và như vậy buổi chiều ấy là buổi Tình Nhân.

Hoặc, một cuối tuần hẹn gặp nhau ở một quán ăn mà cả hai cùng thích, sau buổi ăn xong, hai người đi dạo phố. Lấy cớ quên gì đó, để người ấy chờ một lúc trong khi mình vội ghé ngang tiệm mua một chùm bong bóng đủ màu và vòng ra chổ đậu xe, treo bên cửa xe, chờ sẳn. Khi đi phố xong, lấy xe lái về, người ấy sẽ ngạc nhiên thích thú. Vậy là một ngày Tình Nhân bất ngờ dễ thương.

Hoặc, chờ khi người ấy vừa thiếp ngủ, tôi nhẹ đi ra phòng khách, thắp đầy những ngọn nến nho nhỏ thoang thoảng mùi thơm, ánh nến sáng lung linh gian phòng. Tôi pha hai ly chocolate nóng để sẳn trên bàn. Khẽ thức người ấy dậy, trong cơn ngáy ngủ, dẫn người ấy ra phòng khách để người ấy ngạc nhiên. Không khí ấm cúng phủ trùm, choàng lấy hai người yêu thương. Ngồi gần bên nhau, cuộn chung tấm chăn, nhâm nhi ly chocolate nóng, tỉ tê lời yêu thương, và vậy là một buổi khuya lễ Tình Nhân với hoa đăng trong tim nhau.

Hoặc, ngày sinh nhật cũng là ngày Lễ Tình Nhân. Tuy ở rất xa, tôi cũng lặn lội đường ngàn dặm tìm đến, khi người ấy không hề nghĩ rằng có dịp để gặp nhau. Đến, với trên tay là món quà nhỏ, trên môi là nụ cười ấm như nắng lụa, dù bên ngoài trời đang trút mưa lạnh buốt. Khẽ gỏ cửa nhà, người ấy mở cửa, tròn mắt nhìn ngạc nhiên rồi òa vui ôm chầm. Ngày sinh nhật rất riêng cũng là ngày lễ Tình Nhân rất tình....

Vậy đó, thì trong một năm 365 ngày, đâu chỉ duy nhất một ngày là ngày lễ Tình Nhân để cùng đua chen với thiên hạ mua sắp để làm giàu cho các hiệu buôn, cho kinh tế thương mại.

Ừ, thì tôi gàn dở, ngông, dị, thế nên ngày Lễ Tình Nhân với tôi chỉ là một ngày như mọi ngày, mặc ai đó loay hoay tỏ bày tình yêu trong ngày hôm ấy.

Bạn tôi nói mi ngông nên hậu quả tình cảm là trái tim trống không!
Vâng, tôi thì không! không tình nhân, không quà, không hoa, không kẹo, không nốt những bày biện khác nữa của một ngày lễ Tình Nhân để khép tôi vào cái khuôn ấy. Trước cũng không, bây giờ vẫn không!
Rõ ngông!


________________________________________________________

(*) Mượn tựa bài nhạc "Một Ngày Như Mọi Ngày" của cố nhạc sĩ TCS.

Niem Nhien
Analog IC
Posts: 55
Joined: 01 Oct 2007 23:23

the morning still asleep!

Postby Niem Nhien » 29 Nov 2005 14:41


Vu Vơ Buổi Ngày Hãy Còn Say Ngủ


Người ta nói "thức đêm mới biết đêm dài", có lẽ điều ấy đúng với những ai ít khi thức thâu đêm, vì lâu lâu bị mất ngủ sẽ thấy đêm dài lê thê. Nhưng, nếu thường bị mất ngủ, thức đêm hoài, chắc sẽ thấy thời gian không còn dài nữa, vì quen rồi. Tôi vu vơ nghĩ .. cũng có thể là vậy chăng?! Thật thì những khi mất ngủ ,thức thâu canh, thời gian của "đêm dài" không là điều đáng sợ, mà những dật dờ nhớ quên của ký ức, những chập chờn bóng dáng kỷ niệm, những loáng thoáng dư âm ngọt ngào lẩn cay đắng từ tiềm thức vọng về, và cái khô cứng, đặc quánh của không gian vắng lặng chính là nỗi đáng sợ.

Có lần, một người bạn ghé ngang đọc trang thơ văn của tôi trong Trinh Nữ. Đọc xong, bạn tôi không nhận xét gì về lối viết của tôi, hay hoặc dỡ như thế nào, nhưng chỉ thắc mắc duy nhất một điều. Đó là tôi tìm đâu ra thời gian để thơ với thẩn, viết với lách !? Hỏi như vậy, vì bạn ấy biết rõ đời sống tôi vốn quá tất bật với công việc sinh kế, một ngày cả chín, mười tiếng đồng hồ, chưa kể thời giờ lái xe, trên đường lộ bị kẹt nghẽn triền miên. Khi về đến nhà, tôi lại là đầu bếp nấu cơm, rồi làm giáo viên dạy kèm bài tập học ở trường, có những ngày thì ngoài hai chức vụ ấy ra, tôi kiêm luôn làm tài xế khi thì đưa nhóc con đi đàng đông học võ, lúc lái sang đàng tây chở đi đá banh, đó là chưa kể những việc vụng vặt không tên, không thời khoá mà chao ơi làm hoài, sao vẫn không hết, không xong!

Nghe bạn ấy hỏi, tôi cười, và giải thích là vì những đêm mất ngủ tôi có cả khối giờ để viết, chỉ sợ tâm trống ý, trí rỗng ngôn, muốn viết mà vắt không ra chữ. Bạn tôi tròn mắt nhìn, dò xét, rồi nhấn giọng hỏi lại rằng nếu nói vậy thì có bao nhiêu bài thơ, bao nhiều bài văn trong trang của tôi là chừng đó bao đêm thức trắng, trong suốt khoảng thời gian một năm đó hả? Tôi trả lời lửng lờ .. không biết rõ số đêm mất ngủ, vì có đêm viết được nhiều, và có đêm tìm không ra một chữ làm kiểng. Người bạn thở dài lắc đầu, mắt lo ngại nhìn tôi.

Và, hôm nay cũng vậy! Đã 4:00 AM, chiếc đồng hồ điện tử hiện con số giờ màu đỏ đỏ, nho nhỏ, lâu lâu lại thay đổi con số của đơn vị phút. Lại một đêm thức trắng nhợt tròng con mắt! Trăn trở hoài, giấc ngủ vẫn không về. Bật dậy lấy giấy viết ra, rồi ngồi hoài không tìm được một điều gì để viết, đành vậy, dẹp giấy viết vào góc. Tôi bước xuống giường, thay quần áo, rồi lái xe đến sở. Có những khi không ngủ được, và cũng không cảm hứng viết lách chi hết, thì tôi lại đến công sở. Căn phòng làm việc của tôi còn là một "cõi riêng" để tôi tìm đến "tị nạn" bằng cách vùi trí vào việc làm, lánh những khoảng lắng buồn nãn hoặc trống vắng của đêm mất ngủ.

Bước vào văn phòng, đóng cửa lại, tôi ngồi xuống tựa lưng vào ghế, chầm chậm xoay chiếc ghế một vòng, tôi nhìn quanh những quen thuộc trong "cõi riêng" của tôi. Bật điện máy computer, vào đọc sơ qua những hồ sơ cần giải quyết ... Dưng lại không muốn làm việc. Thật tôi dị quá!!

Bây giờ lại muốn viết, thèm viết, dù ý miên man, lẩn thẩn. Không gian đang lắng bị những tiếng lộc cộc, khi nhanh khi chậm, của mười ngón tay gõ trên phím keyboard. Vài điều vu vơ về một đời sống quá bình thường đến độ gần như tẻ nhạt, vậy mà cứ thành chữ tuông dòng suy tư lẩm cẩm, miên man.

Gõ một lúc thì ... đã hết ý để viết nữa rồi ...

Quái, bây giờ đôi mắt lại cay cay, mi nặng nặng muốn nhắm lại để ngủ một giấc. "Kỳ thật, ở nhà không buồn ngủ, vào đến sở lại gật gù buồn ngủ, rõ là tự hành tội, rõ là mình số cực thân..." Tôi thì thầm càm ràm chính mình.

Tôi đứng dậy đi pha ly cà phê để bắt-đầu một ngày hãy còn chìm sâu trong màn đen, và mọi người hãy còn say ngủ.

Niem Nhien
Analog IC
Posts: 55
Joined: 01 Oct 2007 23:23

shadow of yester-year

Postby Niem Nhien » 29 Nov 2005 14:43

Dung Dáng Người Đàn Bà

Khi xưa, đã có những khi tôi rộn vui ngắm người đàn bà ấy. Tôi đã từng thấy người đàn bà ấy tươi trẻ đầy hạnh phúc, tràn sức sống.
Đôi môi đỏ hồng, nụ cười ngọt mềm;
Mắt long lanh sáng, thương yêu về ngự trong ánh nhìn;
Bàn tay không lẻ loi, vì có bàn tay ai đó đan tình về;
Bóng không quạnh chiếc, vì bước chân người đàn bà ấy - dấu chân đơn, lê dài, giữa hai bên dấu tròn - đã có đôi gót chân khác bên cạnh, đi chung đường đời, đường tình.

Đôi ba lần yêu, tình cũng phai. Không còn ai!
Làm sao nắm giữ được dòng đời, lòng người, trôi!
Tuy tha thiết thương, cũng không gượng ép buột ràng ai, khi người muốn rời xa.

Bây giờ, mỗi ngày, tôi vẫn lặng ngắm người đàn bà ấy. Người đàn bà có nụ cười với chiếc cằm thon thon, hơi móm. Thoáng nhìn sơ qua cánh môi cười, có nét chừng như hồn nhiên, nhưng đâu đó ẩn hiện niềm u uẩn. Đôi mắt to, đen lay láy, không thể đậy che góc sâu thẳm của nỗi buồn. Nhiều khi, ánh mắt nhìn xa xăm, có thể người đàn bà đang ngược dòng ký ức để gom nhặt chút kỷ niệm sót lại mà chắt chiu gìn giử. Kỷ niệm đôi khi là nhung mịn dịu êm, lắm lúc lại là sợi dây treo lửng trái tim giữa khoảng chơ vơ của bên này là vách núi cuộc đời và bên kia là lũng sâu cuộc tình.

Nhìn lại dung dáng người đàn bà, tóc chừng như úa nhầu, nhiều những sợi phai bạc màu. Trái tim hiện nét mệt nhoài qua nụ cười héo hắt. Để ý, tôi nghe rõ từng tiếng thở dài nén muộn phiền ray rức.
Đúng không?
Người đàn bà vẫn bướng gàn chóng chế ... không phải là tiếng thở dài, chỉ là hơi thở sâu!
Thật ư?

Mỗi ngày, qua chiếc gương soi, giữa miền tâm thức, tôi vẫn lặng nhìn người đàn bà ấy như lạ, như quen!

Niem Nhien
Analog IC
Posts: 55
Joined: 01 Oct 2007 23:23

Bi' and his homework project

Postby Niem Nhien » 29 Nov 2005 14:45

BÍ VÀ BÀI LÀM

Vừa đầu năm lớp sáu, trong môn khoa học xã hội (social science) bà giáo đã cho bài tập là mỗi học trò phải tìm hiểu về một bang trong các liên bang của nước Mỹ . Bí mang về nhà tờ giấy thông báo bài tập cần chữ ký của phụ huynh, trên giấy có hàng chữ “parent and child working and having fun together!” Câu ấy gián tiếp cho tôi thấy điều rắc rối trong bài tập này. Thay vì mỗi nhóc viết bài tường trình những gì mình biết về tiểu bang được chỉ định phải tìm hiểu học hỏi, thì bà giáo lại bắt mỗi đứa học trò sáng tạo bằng cách: một là làm thể loại thu hình như làm quảng cáo trên TV để giới thiệu lịch sử, thắng cảnh của bang đó để sao cho thu hút dân du lịch ghé đến bang ấy; hai là làm một cái "float" trưng bày trang hòan sao cho đẹp, gây ấn tượng cho người xem .

Thường thì Bí thích làm trò, làm hề trong nhà, nhưng đứng trước máy quay phim thì Bí … bí lời ! Cậu nhóc mắc cở đứng yên như tượng hình, nên nhóc chọn làm cái "float". Bí nhờ tôi giúp, Bí đưa ra một cái thùng giấy vuông to, mổi cạnh khỏang hơn 2ft, rồi loay hoay giải thích là Bí phải trang trí theo kiểu ba chiều (3 dimensions) sao cho cái thùng giấy biến thành cái "float". Tôi vốn chẳng biết cái "float" là cái chi chi . Không biết tại tôi tối dạ, hay tại con giải thích bằng nửa tiếng Anh, nửa tiếng Việt (tiếng nào giải thích cũng không rành) nên tôi mù tịt. Như vừa nghĩ ra, Bí mở computer và vào tìm hình của mấy cái "float" cho tôi xem, anh nhóc nói “see mẹ, cái float là như dzầy nè.” Ồ, thì ra cái "float" là xe hoa trang trí đi diễn hành vào những dịp lễ hội.

Bí được giao tìm hiểu về bang Oklahoma, và chọn trang trí bốn mặt của chiếc thùng giấy bằng bốn đề tài:

(1) Những tiêu biểu nhất như bản đồ (state map), cờ (state flag), chim biểu tượng (state bird), hoa biểu tượng (state flower) của Oklahoma (OK);

(2) Đặc điểm về dân cư của bang này (à, nhờ giúp Bí mà tôi biết được bang OK có nhiều nhất về dân số bộ lạc người dân da đỏ so với các bang khác của xứ này);

(3) Những điều đặc biệt và hiếm ai biết về bang OK (tôi cười mỉm vừa ý … à, cũng chịu khó tìm tòi trên internet);

(4) Oklahoma City Bombing Memorial.

Khu vườn tưởng niệm gồm có 168 chiếc ghế trống (Field of Empty Chairs) xếp thành từng dãy trên bãi cỏ rộng là biểu tượng tưởng niệm 168 nạn nhân. Mỗi chiếc ghế được thiết kế với phần trên làm bằng kim loại đồng thiếc màu đỏ xạm, và bên dưới của mỗi chiếc ghế là bục thủy tinh khắc tên người tử nạn. Buổi sáng, bục thủy tinh trong veo bên dưới của ghế phản chiếu màu xanh nền cỏ tạo nét nhìn tựa như những chiếc ghế đang lơ lửng ở khoảng cao, trên mặt đất. Buổi tối, phần kim lọai bằng đồng phía bên trên của ghế bị đêm đen che phủ, không thấy rõ, thì ánh sáng đèn vàng hắt hiu của từng bục thủy tinh tạo nên từng dãy bia mộ. Tôi đã bùi ngùi rưng rưng khi nhìn những hình ảnh đổ nát của tòa nhà Murrah Federal Building, ngày 19 tháng 4, 1995 lúc 9:02 sáng, bomb nỗ, 168 người tử nạn. Biểu tượng đài tưởng niệm với hai chiếc cổng thời gian (gates of time), Cổng 9:01 (một phút trước) và Cổng 9:03 (một phút sau) khi bomb nổ. Chỉ trong một phút, một tiếng nổ gầm vang, một lực phá là chết chóc, ly tan, thương tích, mất mác! Một phút thôi, đã thay đổi bao số phận con người.

Gần đây vấn đề bạo động tàn sát của bọn khủng bố đã làm chấn động nước Mỹ và cả thế giới, hàng bao ngàn người bị giết chết và thương tích vì bomb mìn khủng bố. Tuy nhiên, chuyện nổ bomb tòa nhà Murrah Federal Building tại Oklahoma city vẫn còn để lại chấn động mạnh kinh hoàng lòng người vì lần thảm sát ấy gây ra do bởi hai người dân của chính đất nước này.

Tôi vẫn nghe, vẫn biết về cái vô thường của kiếp sống, nhưng hình như mình mãi đa đoan bận rộn chạy theo bao dự định tương lai, ước vọng mai sau, mà nhiều khi quên đi sự sống trong giây phút hiện tại. Chợt nghĩ như vậy, tôi tự hỏi: hôm nay tôi đã ôm Bí vào lòng và hôn con chưa nhỉ? Ở sở, công việc bừa bộn làm hòai không xong. Về nhà, tư việc bộn bừa không xong, nên lại làm hòai. Cuộc sống cuốn quay con người theo.

Buông cây chì màu đang tô, tôi nhìn con hồi lâu rồi đến ôm chầm lấy anh nhóc và hôn lên trán, lên đôi má của con liên tục. Vài cái hôn trước Bí cười đón nhận, mấy cái hôn sau... thấy tôi vẫn hôn hòai Bí đùa “help ... storm of kisses .. help!!” rồi anh nhóc lách sang một bên giấu mặt trong lòng đôi bàn tay, tinh nghịch hé khe ngón tay đưa mắt xem tôi phản ứng ra sao . Tôi cười, rồi lại tiếp tục tô tô vẽ vẽ giúp con, và nghĩ thầm: rõ là con trai, hình như ngay từ nhỏ đã ít bày tỏ hoặc đón nhận cảm xúc hơn con gái.

Suốt buổi chiều mãi đến tối, hai mẹ con vẫn còn loay hoay mà vẫn chưa xong cho cái float. Vừa giúp Bí cắt giấy thủ công, tô hình, vẽ bút màu trang trí, tôi vừa càu nhàu tại sao bà giáo dạy môn Khoa Học Xã Hội lại lắm chuyện đa sự đến vậy, đâu phải môn thủ công nghệ thuật (art class) đâu mà bày trò quá.

Cuối cùng thì chiếc thùng giấy đã biến thành cái float đầy màu sắc hình ảnh trông đẹp mắt. Bây giờ làm sao cho cái float này di động như xe hoa trong buổi diễn hành? Bí lôi từ nhà kho ra hai thùng chứa đồ chơi của anh nhóc, lục tung tìm mấy chiếc xe bằng nhựa, xem chiếc nào có thể chuyên chở được cái float này không. Mấy chiếc xe đồ chơi lại quá nhỏ so với chiếc thùng vuông to, nên không cân xứng, vừa để lên thì chiếc thùng lật ngửa lật nghiêng. Sợ làm con nản lòng, nên tôi không nói lờI nào, nhưng ngấm ngầm càu nhàu bà giáo lắm chuyện, khéo bày, đa sự. Bí ngồi nhìn mấy chiếc xe đồ chơi nhỏ tí, rồi lại đưa mắt nhìn cái float to “khổ lòng”. Một lúc sau, anh nhóc lại đi xuống nhà kho lấy mấy miếng mút (foam), lấy cuộn băng keo loại to bản bề ngang. Bí loay hoay kê kê, ràng ràng, buột buột, nhưng chiếc xe đồ chơi nhỏ tí vẫn không chở được chiếc thùng to lật nghiêng trút ngược.

Nhìn đồng hồ hơn mười giờ đêm, đã quá giờ đi ngủ của Bí. Tôi đành nói với con hay là cứ nộp cái float không như vậy, không có bánh xe di động, vì đã tối quá rồi. Thôi kệ nó đi Bí à. Anh nhóc nhìn tôi, và bằng giọng rất tự tin nói “con có một idea, mẹ cho con mười lăm more minutes.” Tôi cười vì lối nói song ngữ của con, và khẽ gật đầu.

Bí lại lôi ra trong thùng đồ chơi chiếc xe đua điều khiển bằng remote control. Chiếc xe này nhìn to hơn mấy chiếc xe kia, nhưng vì là làm theo kiểu xe đua nên nửa phần trên đầu của chiếc xe thì nhỏ, thấp, chúi về phía trước, trong khi nửa phần cuối phía sau xe thì to hơn, cao hơn và chổng hẳn lên. Tôi vội ngăn Bí vì nếu để cái thùng lên chiếc xe sẽ không cân bằng, chỉ lại mất công tốn giờ thôi. Bí cương quyết “Mẹ, let me try!” Tôi miễn cưỡng ừ .. và đưa mắt nhìn đồng hồ nói khẽ đủ tôi nghe “trễ quá, tối rồi!”

Trong lúc tôi đang thu dọn mớ bút chì, bút màu, cọ, màu nước, kéo, keo để cất vào hộp cho gọn, và gom đống giấy vụn bỏ đi. Bí gọi to “Mẹ, coi nè, it works, my idea works, nó chạy nè!” Quả thật, anh nhóc dùng mấy miếng foam kê làm sao đó cho chiếc xe có thể chở cái thùng một cách cân bằng không bị nghiêng lật. Bí dùng remote control của chiếc xe điều kiển cho cái float di động chạy tới chầm chậm giống như chiếc xe hoa tí hon đang diễn hành. Tôi reo vui và vỗ tay thật to, khen con. Gương mặt Bí rạng rỡ, ánh mắt sáng tự tin, anh nhóc nói với tôi “see mẹ, con làm được mà, all I need is your support and believe in me!” Tôi ôm chòang đứa con vào lòng, và nói “Bí giỏi quá, nói đúng, rất đúng!”

Thật ra điều con nói, tôi biết trên lý thuyết, nhưng đã không thực hành khi cần thiết, chỉ vì sau một ngày dài làm việc công sở, và suốt buổi chiều đến tối hoay loay thêm những mệt mỏi. Và, thay vì đã càu nhàu cô giáo bày trò đa sự, tôi thầm cảm ơn bà ấy. Từ cái project của bà đưa ra, tôi đã thấy được tính sáng tạo nhẩn nại của con, và chính tôi đã học được một điều rất hay từ Bí để tôi có thể là người mẹ không những cho con tình yêu thương, mà còn trong bất cứ trường hợp hòan cảnh nào cũng nên khích lệ ủng hộ và đặc niềm tin nơi con để Bí có được sự tự tin và thành đạt.

Mỗi ngày Bí lớn khôn trưởng thành hơn, và tôi cũng từng ngày hiểu thêm làm sao là người mẹ tốt hơn đối với con.

Niem Nhien
Analog IC
Posts: 55
Joined: 01 Oct 2007 23:23

tall red-eye coffee

Postby Niem Nhien » 29 Nov 2005 14:46

Ly Cà Phê Đỏ Mắt

Buổi sáng, sau khi đưa Bí đến trường, tôi đi làm. Đường xá lại kẹt xe. Con lộ có bốn dãy đường vậy mà những xe và xe nối đuôi nhau thành những hàng dài, biến con lộ lưu thông giống như những dãy parking đậu xe.

Nghe cay đôi mắt, chắc phải tìm cà phê uống cho tỉnh ngủ. Tôi quẹo vào quán Starbuck, lại một hàng người đứng chờ! Ở thành phố lớn, đông dân cư, người ta hoặc tập được tính kiên nhẫn hơn, hoặc dễ dàng cau có nỗi quạu hơn vì chờ đợi. Tôi nhắc tôi hãy chọn sự kiên nhẫn, hãy mỉm cười và thanh thản đứng chờ, vì vội cũng chẳng được gì, ngòai đường đang kẹt xe kia mà.

Mỗi lần vào quán là cứ như mỗi lần tôi lại đứng nhìn cái bản liệt kê các thức uống pha chế cà phê từ nóng đến lạnh. Cà phê uống nóng cũng lại phân ra nhiều lọai, và cà phê uống lạnh cũng có chừng chục thứ, chục kiểu. Và, cũng như mọi lần, tôi lại chau mày lắc đầu... chao ơi.. chi mà nhiều vậy!

Tôi đọc đâu đó rằng khách hàng của cà phê Starbuck đại thể chia ra gồm ba lọai: (1) Những người thích thử các món pha chế cà phê lạ mỗi ngày; (2) Những người không biết pha cà phê cho ngon đúng khẩu vị dù họ biết uống cà phê rất rành (à cái này thì cũng giống như người biết thưởng thức món ăn ngon, nhưng lại không biết nấu ăn vậy mà, phải không nhỉ ?) (3) Những người lười không muốn tự pha cà phê nên ghé qua quán mua một ly... cho xong (tôi nghĩ mình thuộc lọai này, thì phải).

Đã bao lần tôi lóng tai nghe những người khách hàng đứng trước tôi gọi mua ly cà phê với một tràn dài đủ kiểu... như grande double-shot caramel non-fat caffe latte hoặc tall mocha coconut frapuccino.. v... v... Tôi thắc mắc nhiều thứ pha chế như vậy liệu cà phê còn nguyên chất vị hay không? Tự nói hôm nào mình cũng thử cái gì khác khác lạ lạ, xem ngon dở ra sao. Vậy mà mỗi khi vào quán Starbuck thì tôi chỉ mua vỏn vẹn một trong hai lọai: đơn giản là ly coffee nhỏ hoặc là ly double espresso. Vài người bạn, vẫn thường rủ nhau đi uống cà phê giờ trưa ở sở, đã cười và nói rằng tôi không biết thưởng thức vị lạ, và uống cà phê kiểu như tôi thì... chán bỏ xừ. Tôi mỉm cười, không giải thích phân trần chi hết, dù nghĩ rằng thật sự biết thưởng thức ly cà phê thì đừng để hương vị bị loãng, đừng để cà phê bị pha chế mất vị thơm đắng của chính nó.

À, đã đến phiên tôi gọi mua... Dưng tôi chợt nghĩ hay là hôm nay mình hãy khác lạ xem sao... Uống món gì nhỉ ? Cô hàng cà phê đứng tại quầy tính tiền nhìn tôi mỉm cười. Tôi tần ngần vài giây... Vẫn đưa mắt nhìn lên bản menu thức uống đủ lọai.. Cô bán hàng khéo léo đưa mắt nhìn mấy người khách đứng phía sau lưng tôi, rồi lại nhìn tôi... chờ đợi... Thay vì lại gọi ly cà phê thường hoặc double espresso, thì tôi đã "biến chế" hơn một tí.. ti (nhưng thật thì chẳng khác gì so với thói thường), tôi nói vội "tall coffee with extra shot". Cô quay sang người đang pha chế cà phê, nói là "tall red eye for this lady". Hay nhỉ, tôi gọi một ly cà phê với thêm một "shot" espresso để đủ đậm đà cho tỉnh cơn buồn ngủ, thì cô ấy "dịch" thành một ly cà phê đỏ con mắt. Nghe lạ, nhưng cũng đúng thôi! Khuya qua, lại là một đêm trắng, trằn trọc với trống vắng, mất còn, thương nhớ. Sáng ra, mắt đỏ cay cay...

Tôi uống một ngụm cà phê nóng, không đường, cảm nhận chất đậm đắng loang vị giác.

Niem Nhien
Analog IC
Posts: 55
Joined: 01 Oct 2007 23:23

Dear grandmom -- Memorial, my heart!

Postby Niem Nhien » 29 Nov 2005 14:51

Nén Tâm Hương

Từ phi trường về đến nhà cũng đã tối khuya. Chuyến đi xa công tác lần này dài hơn hai tuần, làm tôi nhớ con da diết nhớ. Ngày nào cũng gọi điện thoại về để hai mẹ con nói chuyện với nhau, vậy mà, vừa cúp điện thoại là tôi ngồi thừ người vì nhớ giọng nói thỏ thẻ ngây thơ của con bé. Khi nghe tiếng mở cửa lạch cạch, bác Tư, người giúp chăm sóc con bé mổi khi tôi đi làm xa nhà, vội đến mang hộ túi hành lý vào nhà. Bác Tư dường như hiểu ý tôi muốn hỏi gì, nên nhanh nhẹn lên tiếng trước
- Cháu nó cố chờ cô về, nhưng tối quá nên thức không nổi. Tôi vừa cho cháu đi ngủ khoảng hơn nửa tiếng.

Tôi nói vu vơ vài lời với bác Tư, xong rồi đi vội lên lầu. Khẽ hé mở cánh cửa và rón rén bước vào phòng của con, tôi đứng lặng nhìn con bé đang say giấc ngủ bình yên, gương mặt ngây thơ trong sáng như một thiên thần. Nhè nhẹ hôn lên trán con, và kéo tấm chăn lên đắp lại cho con, tôi vô tình tìm thấy tay bé con hãy còn nắm chiếc áo mà tôi mặc trước khi đi công tác xa. Cứ mổi lần tôi đi làm việc xa nhà là con bé lại len lén lấy chiếc áo tôi đã mặc mang về phòng giấu kỹ. Khi đêm về, bé con ôm lấy chiếc áo có hơi hớm quen thuộc của mẹ mà ngủ cho bớt nhớ. Mỉm cười, tôi lại cúi xuống hôn nhẹ lên vầng trán thơ ngây của con thêm lần nữa, rồi nhẹ nhàng kéo chiếc áo của mình ra khỏi bàn tay của con. Tôi bước từng bước chậm ra khỏi phòng.

Mang chiếc áo về lại phòng ngủ của mình, tôi ngồi bó gối thu mình thật nhỏ nơi góc giường. Miên man suy nghĩ, tôi bắt gặp hình bóng của chính tôi thuở nhỏ xa xưa trong cử chỉ thương nhớ của con. Lòng tôi chùm xuống thật thấp, nghe hối hận tiếc nuối dâng tràn ngập vì tôi đã vô tình đánh mất đi một tình yêu kính quý trong đời.

oOo ~~ oOo

Ngày ấy, tôi là con bé tuổi đời vừa lên chín, lên mười, luôn loay hoay quấn quít bên bà Nội, không rời dù nửa bước, nên bà âu yếm gọi tôi là Mèo Con. Mèo Con của Nội hay vòi vĩnh, nũng nịu và mau nước mắt, kiến Nội càng thương chìu nhiều hơn. Mỗi năm vào mùa Vu Lan, bà đi tịnh tâm suốt một tháng dài trong chùa. Tối nào, trước khi đi ngủ, Mèo-Con cũng ôm vào lòng chiếc áo mà Nội đã mặc trước ngày đi xa, đưa chiếc áo lên ngửi hơi hớm quen thuộc của Nội, con bé nhớ bà nên thúc thít khóc mãi đến khi mòn mỏi chìm vào giấc ngủ. Có những đêm trời mùa hè Sài Gòn nóng oi bức, con bé nghe thèm từng cánh gió dịu mát từ chiếc quạt lá mà Nội vẫn hay quạt liền tay để dỗ giấc ngủ cho Mèo Con.

Mèo Con thường bắt gặp ánh mắt Nội nhìn con bé đầy nét thương yêu, nhưng cũng trong ánh mắt ấy, trí óc non nớt của Mèo Con nhận biết niềm buồn lo ưu tư của Nội. Có đôi khi bà không giấu được tiếng thở dài xót xa khi Nội thấy Mèo Con ngồi một mình ở góc sân nhà, và đưa mắt buồn buồn nhìn bọn trẻ con cùng lứa tuổi trong khu xóm đang nô đùa chạy chơi trốn tìm, chơi nhảy cò cò, hoặc nhảy dây. Những khi ấy bà lại đến bên Mèo Con thủ thỉ nói chuyện với cháu, hoặc tìm sách cổ tích trẻ thơ để con bé đọc cho bà nghe. Nội dành hết tình thương chăm sóc cho Mèo Con vì bà muốn bù đắp cho điều bất hạnh thiệt thòi của con bé. Vì, khi Mèo Con khoảng hai tuổi, sau cơn bệnh sốt tê liệt, đôi chân của Mèo Con đã bị liệt rút lại, nên hoàn toàn không thể đi đứng được, và thể lực của con bé rất yếu ớt. Bà vì cháu mà cực khổ vất vả cũng quá nhiều, mỗi khi có ai chỉ bày một người bác sĩ hay, một vị thầy thuốc giỏi, thì dù xa xôi cách mấy, Nội cũng dẫn Mèo Con tìm đến để trị bệnh với hy vọng phước chủ may thầy để Mèo Con có thể được bình phục.

Lần ấy, có người nói rằng ông thầy châm cứu ở tỉnh Hà Tiên rất hay, ông có thể trị lành bệnh sốt tê liệt, thế là bà dẫn cháu đi Hà Tiên, đi vô xa tít tận vùng mà phương tiện di chuyển chỉ bằng thuyền đò. Nội cõng Mèo Con trên lưng, đôi chân run run của bà bước từng bước chậm lên chiếc xuồng con đang chao đảo chòng chành. Con bé vì sợ té xuống nước nên bám lấy cổ của Nội chặt thật chặt. Khi lên được xuồng, Nội cẩn thận đặt Mèo Con ngồi xuống, rồi bà thở dốc thật mạnh vì mệt và vì bị vòng tay của Mèo Con làm nghẹt thở. Cổ của Nội bị đỏ ửng, mặt của bà bị tái xanh. Những giọt mồ hôi lấm tấm trước trán, và mồ hôi chảy dài hai bên thái dương. Nhìn Nội mà Mèo Con thấy có lỗi rất nhiều. Con bé biết Nội vì nó mà vất vã cực khổ, nên tự hứa sẽ làm bất cứ điều gì mang lại niềm vui cho Nội. Bé con ngây thơ hỏi
- Nội ơi, Nội muốn con làm gì cho Nội vui? Con sẽ làm theo ý Nội .
Bà mỉm cười trả lời cháu
- Nội muốn con hết bệnh để con có thể vui chơi chạy nhảy tung tăng.
Ngưng một lúc, vì đọc được ý nghĩ của Mèo Con, nên bà từ tốn giải thích
- Con không cần phải đáp đền tình thương của Nội cho con. Tình thương của ông bà, của cha mẹ cho con cháu là điều tự nhiên. Nó như dòng nước mắt chảy xuôi, như dòng sông luân lưu ra biển rộng bao la.
Trí suy nghĩ non trẻ của con bé không hiểu được hết ý của bà nói, Mèo con chỉ biết bướng bỉnh bằng giọng cương quyết
- Con thì khác. Con không muốn thương ai hết. Con chỉ thương Nội thôi.
Bà nhìn con bé, nước mắt hạnh phúc ứa vành mắt sâu buồn. Buổi chiều trên vịnh Hà Tiên có gió hiu hiu làm bay bay những sợi tóc bạc trắng của Nội, có nắng hoàng hôn soi rọi những nét nhăn hằn in theo tháng ngày nhọc nhằn vất vả, lẫn khổ đau, trên gương mặt hiền từ của bà.

Tháng ngày dần qua, lời yêu thương cho Nội mà Mèo Con nói đã bay theo cùng mây gió của buổi chiều trên sông lạch. Mèo Con, theo năm tháng, đã là một cô thiếu nữ tuổi mơ mộng vừa lớn, có bạn bè nhóm tụ vui chơi, và có những rung động tình cảm đầu đời. Mèo Con không còn buồn mỗi khi Nội đi tịnh tâm, không còn tìm áo của Nội ôm ngủ cho bớt nhớ mỗi khi đêm vắng Nội. Thay vào đó là những vẽ vời mơ mộng tình cảm của con tim vừa lớn với lần đầu tiên biết yêu người. Mèo Con lúc ấy như cánh chim vừa biết chấp cánh bay, chim non muốn tung cánh lướt cao trong không trung mới lạ, nên cánh chim vô tình quên đi chiếc tổ nuôi dưỡng chim non khôn lớn.

Theo cơn vũ bão tan tác đến trên quê hương, cuộc sống con người tù túng như bị giam lõng, mất hết tự do, và tương lai là một màu xám đen tuyệt vọng, bao người rời bỏ đất nước ra đi. Với hy vọng nền y học tân tiến xứ người có thể giúp chữa trị đôi chân tật nguyền của Mèo Con, và xã hội tự do sẽ tạo cơ hội cho Mèo Con có được một tương lai tươi sáng, nên ba mẹ quyết định cho Mèo Con đi vượt biển. Ý định này đã làm Nội khóc rất nhiều vì bà biết Mèo Con sẽ rời xa bà vĩnh viễn. Trong khi đó, Con bé bạc tình vô tâm không thể hiểu được sự đau khổ mất mát của Nội, ngược lại, Mèo Con chỉ biết mơ tưởng về một vùng trời mới lạ xa xôi đầy hứa hẹn . Trí phiêu lưu của tuổi vừa lớn mê mãi vẽ vời một viễn ảnh tương lai đẹp như mơ ước. Mèo Con ích kỷ, mãi bận dệt ước ươm mơ cho riêng mình, nên không biết được niềm đau khổ thương nhớ của Nội, khi bà biết sẽ xa cách đứa cháu mà bà yêu thương hơn cả cuộc sống của chính bà.

Ngày ra đi của Mèo Con rất bất ngờ, vội vã. Sáng đó, Mèo Con vẫn đến trường như mọi ngày, nhưng ba mẹ ghé đón cô bé từ trường rồi đưa thẳng ra xe đón đi Vũng Tàu để lên đường vượt biển ngày hôm sau. Chiều đó, Nội ngồi trước cửa nhà, trông chờ hoài không thấy con bé đi học về. Mãi đến tối, ba mẹ trở về và cho bà biết Mèo Con đã ra đi. Đứa cháu đi không nói một lời từ biệt với Nội, không cho bà thêm được một vòng tay ôm yêu thương lần cuối. Nội không nhìn được khuôn mặt của Mèo Con thêm một lần nữa trong đời. Bà lặng thinh không nói gì, nước mắt chảy dài, bà dõi mắt nhìn mông lung xa xăm cuối trời.

Sau hơn hai tuần lênh đênh trên biển cả, Mèo Con đã đến trại tỵ nạn. Vì không có tiền gởi điện tín khẩn gấp báo tin bình an cho gia đình biết, nên Mèo Con chỉ biết viết rất nhiều thư để nhờ những người rời trại tỵ nạn, đi định cư, gởi giúp về Việt Nam. Khi cánh thư của Mèo Con đến tay gia đình thì Nội của Mèo Con đã không còn sống trong cõi đời này nữa.

Ba mẹ viết thư sang trại tỵ nạn kể lại rằng: khi con đi chẳng bao lâu thì Nội trở bệnh rất nặng, sức bà yếu dần, nhưng Nội vẫn cố nương theo từng hơi thở hao mòn mà sống vì mong chờ tin con đến được bến bờ an lành. Ba mẹ sốt ruột mong ngóng tin con hơn một tháng, nhưng vẫn không biết tin tức gì của con. Ba mẹ lo lắng, nôn nóng mong tin của con và càng thương nhớ con, thì ba mẹ lại càng thấy có lỗi với Nội nhiều hơn. Vì, khi ba mẹ quyết định cho con đi vượt biển là ba mẹ đã trực tiếp tước mất đứa cháu yêu thương nhất của bà. Vì biết sức Nội đã kiệt, vì muốn khi Nội từ trần, tâm bà được thanh thản, không vướng bận lo buồn, nên ba mẹ đã bảo em của con viết thư giả mạo là thư của con. Ba mẹ đã phải đón ông đưa thư từ trước ngõ nhà, nhờ ông ấy mang thư vào đưa tận tay cho Nội, và nói rằng đây là thư của Mèo Con từ nước ngoài gởi về. Ba mẹ đã đọc thư ấy cho Nội nghe trong nước mắt ngậm ngùi, nhưng Nội lại rất vui, nét âu lo của bà tan biến dần theo từng lời thư. Tối hai hôm sau đó, Nội qua đời, trên gương mặt bà dường như còn nụ cười an tâm ẩn hiện. Hôm nay, hơn một tuần sau khi an táng Nội xong, thì ba mẹ thật sự nhận được thư của con từ trại tỵ nạn báo tin đến bến bờ an lành. Ba mẹ đã đi viếng mộ phần của nội, cúi lạy tạ lỗi với bà, và đọc cho Nội nghe từng lời thư của con. Nguyện xin linh hồn của Nội thanh thản siêu thoát.

Mèo Con đọc thư của ba mẹ mà nước mắt tuông dài, cổ nghẹn cứng không bậc ra nổi tiếng nâ’c. Niềm hối hận dâng ngập lòng, nghe ăn năn nghẹn ngào. Nước mắt khóc bao nhiêu cũng không chuộc hết tội vô tâm bất hiếu của Mèo Con. Lời kinh sám hối, dù khấn nguyện với trọn vẹn thành khẩn thiết tha, cũng không mang lại cho Mèo Con dù một giây phút ngắn ngủi của tháng ngày còn có Nội. Giây phút ngắn thôi cũng đủ để Mèo Con được một lần quỳ bên gối Nội và nói lời tạ tội, nói lời kính yêu thương nhớ, để nhìn mắt Nội bao dung tha thứ, để khóc òa bên Nội, như mỗi lần Mèo Con đã lầm lỗi khi xưa.

Trại tỵ nạn những đêm mất ngủ, Mèo Con lắng nghe tiếng tâm vọng lời thương tiếc ngút ngàn. Niềm hối hận ăn năn về chít từng chiếc tang trắng ngậm ngùi lên trái tim vô tình của Mèo Con. Nước mắt khóc vì Nội kính yêu đã không còn trong cõi đời này, và nước mắt khóc cho chính Mèo Con côi cút nơi đất lạ. Hơn bao giờ hết, trong cuộc sống bơ vơ tỵ nạn, Mèo Con cảm thấy khẩn thiết cần tình thương của Nội ví như cần hơi thở cho cuộc sống.

oOo ~~oOo

Đêm nay, qua bao thăng trầm trôi nổi trên xứ người, tôi đã không còn là Mèo Con khi xưa. Trời khuya tĩnh lặng, tôi cảm thấy tâm tư vẫn nghẹn ngào thương tiếc tình yêu cao quý đã mất. Niềm hối hận vẫn ray rứt đầy trong trái tim tôi. Ăn năn vọng tiếng vang như dư âm ngày nào tôi đã một lần nói với Nội "Con chỉ thương Nội thôi!" Nước mắt rơi mau, tôi bậc tiếng nấc gọi "Nội ơi! .. Nội ơi" rồi oà khóc như trẻ thơ. Tâm tôi khẩn thiết thưa với Nội rằng Nội ơi, Mèo Con tầm thường nên không là dòng nước chảy ngược để tròn hiếu thảo đối với Nội. Con chỉ là một dòng nước mắt chảy xuôi. Nội ơi! Và, bây giờ Mèo Con của Nội đã là một người mẹ, và con đã hiểu được lời Nội nói "tình thương của ông bà, cha mẹ cho con cháu như dòng nước mắt chảy xuôi" Tình thương của Nội là dòng nước mát thanh khiết dịu ngọt đã nuôi dưỡng con suốt tháng ngày tuổi thơ, đã tưới mát những năm dài khó nhọc cho con lớn khôn trưởng thành. Và, bây giờ, chính dòng nước dịu ngọt chảy xuôi ấy đang nâng niu nuôi dưỡng vào đời một trẻ thơ khác, con bé cũng mang hình hài giông giống như Mèo Con của Nội khi xưa. Thưa Nội, Nội vẫn đang sống với trọn vẹn bao dung yêu thương trong tâm hồn của con. Tình thương bao dung cao quý của Nội sẽ còn mãi trong đời này, dòng nước ngọt ngào tinh kiết chảy xuôi của Nội sẽ hoài luân lưu nguồn yêu thương bao la vô bờ bến.

Tôi thấy mình ngây ngô như tuổi thơ với mơ ước có được chiếc áo của Nội như có được một bảo vật vô giá . Chiếc áo mà, mổi khi nhớ Nội, tôi đã từng ấp ủ ôm vào lòng để ngửi hơi hớm của Nội, để nghe như tôi vẫn còn có Nội đang vỗ về ru êm giấc ngủ cho Mèo Con.

Nội kính yêu, đêm nay, con hướng dâng lên Nội nén tâm hương thành kính của lòng con!

Niem Nhien
Analog IC
Posts: 55
Joined: 01 Oct 2007 23:23

Cutie!

Postby Niem Nhien » 29 Nov 2005 14:54

Dễ Thương Ơi

Từ buổi ban đầu, khi chàng và nàng ngồi chung lớp học, đôi tim tuổi trẻ chung nhau một nhịp yêu thương. Khi nợ sách đèn đã trả xong, và cha mẹ đôi bên thuận lòng, chàng và nàng cùng xây mái ấm gia đình.

Đôi vợ chồng dự định sẽ có khoảng ba, hoặc nhiều lắm là bốn đứa con. Mong rằng trong số các con, có cả con trai và con gái, cho vui nhà vui cửa, cho đầy thêm hạnh phúc với tiếng trẻ nô đùa. Chuyện đời vốn là người tính không bằng trời tính. Đôi vợ chồng đã sinh đến cô con gái thứ tư, nhưng vẫn chưa có một cậu con trai nào cả. Vì muốn được một thằng con trai nối dõi tông đường, nên đôi vợ chồng quyết định cố gắng thêm một lần nữa, may ra ơn trên thương tình mà phú cho một đứa con trai như ước nguyện.

Khi đứa con gái thứ năm chào đời, cô bác trong họ hàng và lối xóm đã rất hoan hỉ đến chúc mừng đôi vợ chồng. Nào là: "Vợ chồng cậu mợ Bảy thật có phước. Sinh ngũ long công chúa!" hoặc "Sinh một dọc, năm cô con gái xinh xắn dễ thương là điều hiếm quý, chúc mừng ông bà" hoặc "Ngũ Long Công Chúa là gia đình sẽ được tài lộc thăng tiến, hạnh phúc tràn trề, cậu mợ hên quá!" Đôi vợ chồng ngoài miệng cười tươi đón nhận những lời chúc mừng, nhưng trong lòng buồn hiu hắt, nhất là cậu Bảy vì cậu vẫn mong ước có một thằng con trai cho "phe ta" bớt lẻ loi, cũng như để âm không quá thịnh và dương không quá suy.

Hai vợ chồng vẫn chưa nản chí, cố thêm lần nữa. Và, chao ơi cũng lại là con gái!! Khi cô bé thứ sáu ra đời, cậu Bảy cố giấu niềm thất vọng để nhẹ nhàng an ủi vợ:

- Em à thôi đừng buồn, số mình không có con trai, đành chịu. Con nào cũng là con. Mong sao khi các con lớn lên, chúng biết nghe lời khuyên dạy, biết hiếu thảo là được rồi!

Mợ Bảy nghe chồng nói cũng vơi bớt niềm thất vọng. Kể từ ấy, trong họ hàng và lối xóm đã không còn gọi bọn nhóc con nhà cậu mợ Bảy bằng danh từ kiêu sa Ngũ-Long-Công-Chúa nữa, thay vào đó bằng cách gọi bình dân là bầy con gái.

Buổi cơm trưa đã dọn lên, mọi người trong gia đình đã ngồi vào bàn ăn, riêng chỉ có Ti còn mãi trong nhà trong, chưa chịu ra. Mợ Bảy hỏi Yên, cô con cả trong gia đình:

- Ti nó làm gì trong phòng, không ra ăn cơm cho kịp đi học? Con vào kêu Ti ra cho mẹ.

Yên vẫn ngồi nguyên chỗ của mình, không vội đứng dậy làm theo ý của mẹ, cô nàng nói đoán
- Chắc là nhóc quên làm bài tập, hoặc chưa thuộc bài, nên muốn chần chừ trể giờ, bỏ học đó mà.

Nói xong, Yên ngồi tại bàn cơm, lớn giọng gọi to:
- Ti à, ra ăn cơm, mẹ gọi.

Cậu Bảy nhìn con bằng ánh mắt nghiêm nghị, và nhắc lại lời của mợ:
- Yên, con vô kêu em ra ăn cơm. Mau lên, rồi chuẩn bị đi học.

Yên dạ nhỏ, khẽ đẩy ghế đứng dậy, đi vội vào gian nhà trong.
Bày con gái trong gia đình nể ba hơn mẹ. Dường như đa số gia đình Việt Nam, người cha đứng ở một địa vị uy nghiêm trong việc giáo dục con. Tuy nhiên, chính sự uy nghiêm này vô tình tạo khoảng xa cách giữa người cha và các con. Ngược lại, người mẹ bao dung, kém phần nghiêm khắc, nên cảm thông gần gũi với các con nhiều hơn. Tình thương bao dung của mẹ đôi khi là lý do làm nghiêm luật của ba bị lung lay ít nhiều.

Chờ một lúc, vẫn không thấy hai cô con gái ra, cậu Bảy lên tiếng:
- Yên và Ti ra ăn cơm ngay, cả nhà đang chờ.

Một thoáng sau, Yên từ nhà trong quay trở ra, vừa đi Yên vừa bật cười nho nhỏ. Cố nín cơn cười nôn, Yên kề tai mẹ nói nhỏ điều gì đó, mà gương mặt của mợ Bảy biến đổi từ ngạc nhiên, không tin, rồi chao mày, bật cười theo Yên. Mợ Bảy đưa mắt nhìn về hướng con bé Ti đang cúi đầu thật thấp, đi từng bước chậm, rất chậm về hướng bàn ăn.
Ti ngồi xuống, nhẹ nâng chén cơm lên khỏi bàn, đầu con bé cúi càng thấp sát gần chén cơm. Cậu Bảy nhìn Ti, rồi nói:

- Ti ngẩn mặt lên đàng hoàng xem nào. Sao lại cúi gầm mặt trong bàn ăn vậy ?

Ti vẫn giữ tư thế cúi thấp đầu. Cậu Bảy nghiêm giọng như ra lệnh:
- Ba bảo con ngẩn đầu lên ăn cơm. Có nghe không Ti ?!

Ti ngẩn cao đầu lên thì hỡi ơi đôi chân mày trụi lủi !!

Mọi người trố mắt ngạc nhiên. Trên mặt con bé còn nguyên vẹn nét trang điểm vụng về. Nào là son đỏ lang ngoài vành môi nhỏ. Nào là má hồng đậm màu. Còn nữa, mèn ơi, đôi mắt tô mi xanh màu da trời pha với màu xanh lá. Giời ạ! đôi chân mày không cánh mà bay, làm cặp mắt trống trụi thùi lủi! Cái trán cao thông minh bướng bỉnh, không còn đôi chân mày làm khoảng ngăn cách biên giới với cặp mắt to đen lay láy, trông ngổ ngáo buồn cười làm sao. Mái tóc demi gacon ngắn củn không đủ dài để che dấu tích đôi chân mày tàn phai, đúng hơn là tàng hình, không cánh mà bay, trên gương mặt còn thoáng nét tinh nghịch của Ti. Khi cả nhà cười rộ, ti mím môi thật chặt, mắt con bé đỏ hoe, rưng rưng. Cậu Bảy cố làm mặt nghiêm, nhưng nhẹ giọng hỏi con:

- Ti làm sao mất tiêu chân mày vậy ?

- Con thấy cô Thủy nhổ chân mày và thoa son phấn cho mấy chị, nên con bắt chước làm đẹp giống vậy. Con lấy lưỡi dao cạo râu của ba, cạo chân mày mất một bên ... nên phải cạo luôn bên kia cho cân bằng.
Nãy giờ bày con gái nể nang bố đang điều tra về hiện tượng mất tích của đôi chân mày, nên cố nín cười. Bây giờ nghe Ti nói, chúng không nén được nữa, nên cười vỡ oà, cười ngất thoả thích thành một trận dài.

Cô Thủy, người em út của cậu Bảy, nín cười và phán rằng:
- Đúng là ngốc tử. Mi học lớp năm rồi, không biết phân biệt thế nào là "nhổ" và làm sao là "cạo" à ?

Cô gật gù vờ khen, chọc tiếp:
- Ừ, nhà mi dốt động từ, nhưng cũng giỏi luật cân bằng ấy chứ. Cạo hai bên chân mày không những cân bằng mà còn công bình nữa.

Bày con gái tạm dịu nhỏ tiếng cười, ngóng cổ chờ lời giải thích tại sao lại có chuyện công bình công minh khi hai chân mày thăng thiên cùng lúc,
Cô Thuỷ cố tình kéo dài giọng, nói tiếp:
- Không à, nếu mi cạo chỉ một cái chân mày thôi, thì bảo đảm con mắt bị mất chân mày sẽ kiện con mắt còn chân mày là chơi ăn gian, không cùng phe.

Bọn nhóc lại có thêm trận cười to. Mợ Bảy nháy mắt ra dấu cho cô Thủy buông tha đừng chọc Ti nữa. Riêng Ti thì con bé nhìn cô Thủy mà giận đến nghẹn cổ. Đôi chân mày của Ti không cánh mà bay vì cũng tại cô đó thôi! Tại cô cả đấy!

Mỗi khi cô mua mỹ phẩm nào mới, đẹp là cô gọi mấy chị lớn, và kêu cả con bé út trong nhà để trang điểm thử, nhưng chẳng bao giờ cô gọi đến Ti. Con bé tự ái tê người. Tự nghĩ không cần cô Thủy, tưởng gì thì khó chứ trang điểm dễ ợt hà. Thì, Ti vẫn thường thấy mỗi sáng mẹ điểm trang hoài đó mà. Nè nhé, mẹ tô son, thoa phấn, kẻ mắt chỉ vài phút là xong mà đẹp lắm. Mẹ làm dễ ợt có gì đâu mà khó chứ. Cô Thuỷ chỉ tổ làm cao với Ti, mà Ti gàn dễ gì chịu đi nài nỉ cô trang điểm cho Ti.

Rồi, buổi trưa đẹp trời hôm nay, Ti vào phòng ba mẹ tìm phá hộp phấn son của mẹ, thấy cây dao cạo râu, thế là con bé lả lướt một đường dao cạo, mất sạch trụi cái chân mày bên phải, nên dù lòng đau xót cũng đành cạo nhẵn nhụi chân mày bên trái.

Ti ăn buổi cơm trưa trong nước mắt. Đến giờ sắp đi học, con bé càng cuống quýt thêm hơn. Ti khẩn thiết năn nỉ mẹ:
- Mẹ ơi, mẹ cho con nghỉ học nha mẹ. Khi nào chân mày mọc lại rồi con sẽ đi học.

Mợ giấu môi cười, muốn dạy con đừng tinh nghịch nữa, nên doạ:
- Không được, Ti phải đi học. Chân mày cạo rồi, biết sẽ mọc lại hay không nữa. Ti muốn nghỉ học luôn sao? Con gái vừa xấu, vừa dốt, lớn lên ai dám thương.

Sau buổi cơm trưa, Ti vừa khóc thút thít vừa ôm tập đi học. Mợ Bảy thấy tội nghiệp con, nên tìm chiếc nón rộng vành cho Ti đội. Kéo vành nón lụp xụp che khuất nửa gương mặt, Ti e dè bước từng bước chậm ra khỏi ngõ nhà. Trông con bé tựa như một hiệp sĩ mù trong mấy phim võ thuật Trung Hoa. Ti vừa đi vừa tự hứa, mai kia khi lớn lên Ti sẽ không kiêu sa, không quá yểu điệu thục nữ như cô Thủy, như chị Yên. Ti sẽ là người con gái đơn giản, chân thành và sống thật với tình cảm của chính mình.

oOo ~~ oOo ~~ oOo

Tháng ngày qua mau. Tết năm nay là Tết lần thứ mười-tám trên xứ người. Bày con gái ngày xưa, nay đã trưởng thành, đã có gia đình riêng của từng cô. Cậu Bảy cuối cùng cũng đã tuyển binh được sáu cậu con rể về phe cậu, nên cũng an ủi. Tuy sống ở xứ lạ đất khách, và thành phố nơi gia đình cậu mợ Bảy cư ngụ không nhiều người đồng hương, nên không có cộng đồng tổ chức lễ Tết trong cộng đồng người Việt, gia đình cậu mợ vẫn giữ nguyên truyền thống phong tục ngày Tết. Ngày đầu năm Nguyên Đán, vợ chồng già cậu mợ Bảy đang ngồi trịnh trọng, nét trang nghiêm, tay cầm những phong bì lì-xì màu đỏ và chờ con cháu mừng tuổi. Bất chợt trong phòng có tiếng cười ồ của đám con nít, lẫn trong tiếng cười của bọn trẻ, có giọng nói của Ti nhỏ nhẹ hỏi con:
- Trâm nè, sao con lấy kéo cắt mất chòm tóc vậy ?!
Ngọc, chị của Trâm, nhanh nhẹn trả lời mẹ
- Tại em Trâm lấy cây lược điện cuốn tóc bị rối, con cố gỡ tóc nhưng Trâm nói gỡ đau. Trâm lấy kéo cắt hết tóc rối, khỏi đau!
Bày con nít, cháu ngoại của cậu mợ, lại cười ồ. Trâm xấu hổ lấy tay che mặt, nhưng bướng bỉnh không khóc, dù đang bị trêu cười. Âu yếm nhìn cháu, mợ Bảy lắc đầu mắn yêu
- Đúng là mẹ nào con đó, làm điệu ... không xong!

Như nhớ ra kỷ niệm thơ dại xưa, bầy con gái cười vui. Ti đỏ hồng đôi má vì vẫn thấy chút ngu ngơ ngượng ngùng xưa.

Niem Nhien
Analog IC
Posts: 55
Joined: 01 Oct 2007 23:23

Bi' and happiness

Postby Niem Nhien » 29 Nov 2005 14:56

Bí và Hạnh Phúc

Buổi chiều tháng Năm trời nắng tươi mịn, không khí dịu mát, bọn trẻ trong khu xóm tủa ra đường chơi đùa . Bí xin tôi cho nhóc con đi đạp xe với mấy tên bạn chung xóm . Trước khi Bí đẩy chiếc xe đạp ra khỏ nhà, tôi vẫn không quên dặn dò con phải cẩn thận và không nên đạp xe đi xa quá . Bí nhẽo miệng cười, quay lại nói , ngôn ngữ "ba rọi"
- Dạ con biết. Mẹ always say the same thing, con nhớ luôn á.
Tôi cười vì con nhận ra điều lẩm cẩm của mình, nhưng cũng chống chế giải thích
- Tại vì mẹ lo cho Bí, mẹ chỉ có mổi một mình Bí thôi .
Bí giả vờ suy tư như người lớn rồi gật gù nói
- Mẹ đừng kêu con là Bí nữa nha , my friends asked me about my nickname Bí , con nói là pumpkin. Tụi nói chọc con là Halloween Pumpkin, I really don't like to be teased . Tên của con là Kelvin hổng phải Bí, hổng phải Pumpkin .

Vừa lúc mấy cậu nhỏ cũng vừa tới, bọn chúng hối Bí đi theo nhóm . Không chờ tôi trả lời hay phân bua gì thêm về cái tên Bí của mình, chú nhóc leo gọn lên chiếc xe đạp . Đưa người về phía trước, Bí cong lưng cố lấy trớn đạp lên con dốc trước ngõ nhà, và nhập vào đám bạn .

Còn lại một mình, tôi chợt mỉm cười vì ca’i tên “cúng cơm” của con . Tôi nhớ lúc ấy, khi vừa biết vợ chồng sắp sinh con, Thức, ba của Bí, cứ muốn sinh một đứa con trai, nên không thiết tha gì khi tôi hỏi ý kiến về vài cái tên định chọn cho con gái, anh ấy nói
- Anh để em toàn quyền quyết định tên con gái, nhưng nếu sinh con là trai thì anh sẽ đặc tên là Kelvin .
Thức giải thích
- Tên Kelvin khi phát âm theo tiếng Việt giông giống Kế Vinh, ông bà Nội không biết tiếng Anh thì gọi cháu bằng tên Việt là Kê’ Vinh. Em nghĩ sao ?
Tôi không những đồng ý, mà còn rất khâm phục vì Thức suy nghĩ hay, dung hoà, lại rất chi tiết .

Nhưng chuyện là vầy, khi chú bé Kế Vinh khoảng bảy, tám tháng gì đó, nhóc con rất biếng ăn . Tôi mua đủ loại thức ăn làm sẵn cho trẻ sơ sinh ở chợ, món nào nhóc cũng không chịu ăn. Nghe bạn bè bày bảo, tôi chịu khó nấu cháo thịt với vài món rau quả khác, rồi xay nhiễn cho con ăn, vậy mà chú nhóc vẫn không thèm ăn . Bé Kế Vinh gầy gò vì kén ăn quá! Một hôm, nấu canh bí rợ cho buổi cơm chiều, sẵn đó tôi lấy một vài miếng bí tán nhiễn cho con ăn thử. Lạ, bé con hưởng ứng ngay . Từ đấy, khám phá ra được khẩu vị của con, cứ vậy mà tôi nấu món cháo thịt hầm với carrot, và bí rợ . Nấu nhừ, sau đó tôi lại cẩn thận xay nhiễn . Món ăn trán miệng cho con, tôi lại nấu khoai lang tán nhiễn, cho thêm chút tí ti đường. Anh nhóc khoái khẩu ăn nhiều và trông mủm mỉm ra . Thấy con ăn được tôi mừng, nên siêng năng làm món hợp khẩu của thằng bé .

Điều làm tôi lo là càng để ý thì tôi thấy da của còn ngày càng vàng . Tôi sợ con bị bệnh gan, nên đưa thằng bé đi bác sĩ . Khám bé con xong, ông bác sĩ mỉm cười hỏi tôi thường ngày cho con ăn những gì ? Sau khi tôi liệt kê nào là carrot, khoai lang, bí rợ, thì ông ấy bậc cười thành tiếng . Ngay lúc ấy tôi cũng vỡ lẽ ra rằng trong carrot, khoai lang, bí rợ đều có nhiều sắc tố vàng, vì cơ thể trẻ sơ sinh hệ tiêu hóa còn yếu không lọc được hết sắc tố vàng ấy, nên da của nhóc con cũng dần dần vàng . Vị ba’c sĩ già vui tính gọi đùa nhóc con là pumpkin boy . Ông còn đùa thêm rằng cũng may thằng bé không thích ăn đậu sweet peas, chứ nếu có thì tôi lại nấu sweet peas đủ món, và bé con sẽ xanh như anh chàng Incredible Hulk .

Từ đó tên Kelvin hay Kế Vinh gì cũng đã bị tôi thay thế bằng cái tên Bí, dễ thương, dù bao lần Thức không đồng ý khi tôi âu yếm gọi con như vậy .

Mới ngày nào Bí nhỏ bé trong vòng tay tôi nâng niu bồng bế . Tôi nhớ những ngày đầu đời, Bí bé sơ sinh nằm gọn trong chiếc khăn cuộn tròn quanh người, ngủ vùi trong một cánh tay bế của mẹ . Khi lớn hơn tí nữa, khoảng hai tuổi, Bí vẫn vòi vỉnh đòi đi "tàu bay" bằng cách nằm xoãi người, thẳng hai chân và dang hai tay như cánh máy bay, Bí nằm gọn trên đôi cánh tay của tôi, và tôi đong đưa Bí từ phải sang trái, thoạt đầu nhanh và cao như đang bay, dần dần chậm thấp và đáp lại như máy bay hạ cánh khi đôi tay tôi mỏi nhừ . Vậy mà, bây giờ Bí đã mười một, mười hai tuổi rồi . Anh chàng cao vượt hơn mẹ hơn cả cái đầu . Chợt bùi ngùi, tôi nhận biết thời gian trôi quá nhanh . Tôi nghe chút tiếc nuối, nhưng không ai có thể nắm giữ được tháng ngày đừng vụt qua, đừng trôi đi . Có lẻ cách nắm giữ thời gian hữu hiệu nhất là sống mổi ngày trong sự tĩnh thức và đối với mọi người bằng trọn vẹn tấm lòng của mình . Tôi nghe hạnh phúc len nhẹ vào tâm . Cảm ơn đời này cho tôi có Bí để tôi biết trân quý cuộc sống, biết ý nghiã sự tận tụy hy sinh của bậc sinh thành để tôi thương quý ba mẹ của tôi hơn . Và, nhất là Bí đã giúp tôi thật sự biết yêu , một tình yêu hoàn toàn vô điều kiện .

Niem Nhien
Analog IC
Posts: 55
Joined: 01 Oct 2007 23:23

My typical day

Postby Niem Nhien » 29 Nov 2005 14:57

Một Ngày Bình Thường


Giấc ngủ về muộn gần giữa khuya,
chưa đầy ba tiếng sau - lúc năm giờ rưỡi,
chiếc đồng hồ báo thức reo vang
chuổi âm thanh khô quánh chói tai
mắt vẫn nhắm nghiền,
tay quờ quạng tắt đồng hồ làm rơi xuống chân giường
trở mình,
cong người,
cuộn tròn trong chăn
thiếp ngủ tiếp


Sáng,
dậy muộn gần một tiếng sau,
soi gương, nhìn đôi mắt đói còm thiếu ngủ
pha vội ly cà phê, mang ra xe
lên xa lộ, lại đụng, lại tung nhau
kẹt nghẽn,
xe nhích từng vòng lăn
vội cũng không được,
mở radio nghe tin tức
những ám sát, bạo động, khủng bố, chết chóc
khủng khiếp thay con người!
như trốn chạy,
kinh sợ, tắt vội radio
đưa mắt nhìn xa lộ đang là bãi đậu xe
thở, hơi dài và sâu,
đành,
kiên nhẩn vậy!
theo thói quen, với tay lấy ly cà phê,
uống từng ngụm nhỏ
chất đắng lang vị giác ...
tỉnh


Trưa,
việc! làm mãi vẫn không vơi việc!
vậy mà vẫn thoáng lơ đểnh, thiếu tập trung,
tâm trí muốn đi rong chơi
lang thang vào cõi ảo
ghé đọc thư, những chân tình từ những chốn xa tít mù
ghé đọc vài bài thơ,
hồn lẩn thẩn theo vần ngữ
ghé nghe dòng nhạc mới âm giai du dương
...
như là bụng đói,
đun nước sôi bằng microwave-oven
hai phút sau,
nấu mì gói ăn trưa
giản tiện!
vị cay cay,
chất chua chua
mì gói Thái-Lan vẫn ngon miệng
dưng nhớ lại khoảng thời gian làm sinh viên
"con bà phước" (mồ côi), tỵ nạn nghèo,
ăn mì gói triền miên quanh năm
ngán!
Bây giờ, lâu lâu không ăn gói mì
thèm!


Chiều,
nhịp sống vội hơn nhiều
vội ra khỏi sở làm
vội về nhà đón Bí tan trường
vội nấu cơm để Bí ăn, cho kịp giờ đi học kèm thêm
vội lái xe đưa Bí đến lớp
thở phào, may quá không kẹt xe
bà giáo đón bằng nụ cười,
bà nói vài câu bâng quơ thời tiết, chuyện gà .. chuyện vịt xã giao
cũng nhoẻn miệng cười,
nụ tươi không (khi chẳng gì vui) ?
cũng đáp lại bằng vài câu vịt, câu gà ..
vẫy tay chào, bước đi
vô xe, ngồi đọc việc sở mang theo,
mắt cay cay, trĩu nặng
cơn buồn ngủ kéo đến
bật ghế ra phía sau, ngả lưng,
nhắm mắt khoảng mười lăm, hai mươi phút
mơ màng ... mơ ...
không thấy rõ nét mộng,
không nhớ rõ chi tiết chiêm bao,
chỉ biết khoảng ấy, lòng nhẹ êm
tỉnh dậy,
dưng chơ vơ giữa thật đời ...


Tối,
kiểm chỉnh bài tập của Bí
xong, hai mẹ con ngồi nói chuyện chút,
Bí xin xem TV - a comedy show, hài kịch ngắn,
những mẩu đối thoại ồn ào,
lâu lâu lại chêm vào một tràn cười rộ lên
rồi, tắt lặng
tiếng cười, như ra hiệu, cho người xem biết rằng đoạn đó vui tếu để cười theo, máy móc thay những điều dàng dựng tạo vui !
...
nước ấm, nong nóng,
tràn thân
gội rửa mệt nhọc tất bật của ngày
trôi
xà bông ướt mịn da
hương bưởi
thoang thoảng thơm
choàng chiếc khăn quanh đôi vai
từng lọn tóc chưa khô,
đọng nước
thoáng thư thả, nhẹ tênh
nghêu ngao hát vài câu ..
mỉm cười
giọng hát "đồng bằng"
không lên triền dốc,
không xuống lưng đồi
không luyến láy
nên,
chính mình ráng nghe ... còn không được!
...
giờ đi ngủ của Bí,
cùng cầu nguyện ban đêm với con,
hôn nhẹ lên trán, lên đôi má,
đấp chăn,
bật đèn ngủ,
bật đồng hồ báo thức của Bí
tắt đèn phòng của con,
bước ra đến cửa,
quay lại chúc Bí ngủ ngon,
thầm nói, chỉ riêng mình nghe
"Bí ơi,
chớ vội lớn với nhiều rắc rối,
hãy hồn nhiên vô tư lâu thêm những ngày tháng nữa ...
nhé Bí !!"
ngẫm nghĩ, xưa, tuổi nhỏ
trông năm tháng qua mau để được làm người lớn
mà tháng ngày hình như cứ dung dăng dung dẻ
tà tà khônb buồn trôi
Bây giờ, ngược lại,
ngày và tháng qua nhanh, vút
cứ vậy
hai mươi bốn tiếng trong một ngày
ba trăm sáu mươi lăm ngày trong một năm
định luật thời gian thì tuyệt đối
nhưng
khái niệm tốc độ thời giờ của con người thì tương đối
khoảng tuổi nhỏ, vừa lớn
người ta tính thời gian trôi bằng ngày và tháng
sau hơn nửa đời
dường như
người ta tính thời gian trôi bằng từng mùa qua
nhưng ...
Xuân qua cũng vội
Hạ đi cũng chóng ..
khi tuổi đời đang ngấp ghé vào Thu ...
ừ, vậy đó! có chi là lạ !
...
đặt lưng xuống giường
biết một ngày vừa qua rất bình thường,
cảm nhận cuộc sống hiện hữu thật gần
điều chắc chắn: già thêm một tuổi ngày
điều suy tư: tâm thức có được gì thêm không !?
...
giấc ngủ ơi,
ngoan, về sớm nhé ... !!

Niem Nhien
Analog IC
Posts: 55
Joined: 01 Oct 2007 23:23

Postby Niem Nhien » 22 May 2006 19:28


Bí, Chàng Superman Của Riêng Tôi

Ngay cả trước khi Bí sinh ra, bà mẹ nuôi người Mỹ của tôi đã ân cần dạy rằng vợ chồng mới sinh đứa con đầu lòng, thế nào cũng có nhiều thay đổi trong đời sống, tốt nhất nên cho em bé ngủ riêng. Dù sao đời sống lứa đôi cũng bớt đi chút nào đó ảnh hưởng bởi đứa trẻ sơ sinh, để vợ chồng còn có thời giờ riêng cho nhau. Tôi ậm ự cho qua chuyện. Xem có vẻ tôi cần được thuyết phục thêm, nên bà mẹ nuôi cứ nhắc đi, nhắc lại lời khuyên ấy. Bà còn nói thêm tôi nên chuẩn bị tinh thần từ bây giờ, để khi cho em bé ngủ riêng, khóc cũng kệ, mặc nó khóc, tập dần em bé sẽ quen từ từ sẽ ngủ trọn qua đêm, đừng chìu hư. Trong lòng tôi thắc mắc, khi con khóc làm sao người mẹ nào có thể dửng dưng đành lòng để mặc cho con khóc kia chứ?! Nhưng, vì muốn bà mẹ nuôi vui, nên tôi dạ thật rõ với giọng đầy “cương quyết” cho bà tin là tôi sẽ nghe lời khuyên. Hơn nữa, dù con chưa sinh ra, mà ông ba của em bé cũng có ý muốn cho con ngủ riêng.

Thế là chọn 1 trong 3 căn phòng làm phòng riêng cho con. Suốt mấy tháng dài, từ ngày biết có mang thai, tôi đã tỉ mỉ trang trí căn phòng cho em bé, tôi trưng bày những hình hoạt hoạ Disney xinh xinh, dễ thương, những món đồ chơi cho trẻ sơ sinh nào là thứ có âm nhạc vui tai, thứ có âm nhạc nhè nhẹ ru ngủ, thứ có nhiều màu sắc và đèn lấp lánh xoay vòng. Ở một góc của gian phòng, là chiếc bàn thay tã, thay quần áo cho em bé, cạnh sát bên là cái tủ chứa đủ những bao tã xếp chồng lên nhau, mấy hộp giấy lau vệ sinh cho em bé, phấn bột, kem thoa da cho trẻ em. Xa hơn khoảng hai tầm tay là tủ quần áo của con.

Nhắc đến chuyện mua quần áo cho Bí, từng là một người lười và ngại đi shopping mua sắp nhất, tôi đã biến thành một người vừa siêng vừa mê ghé mấy cửa hàng bán quần áo trẻ sơ sinh, tôi ghé thường xuyên và lê la nơi đó lâu thật lâu, để tha hồn lựa tới, lựa lui ngắm nhìn, rồi tưởng tượng hình dung con của mình trong mấy bộ quần áo bé tí xinh xinh ấy. Tôi túc trực thường xuyên đến độ dần dần các cô bán hàng thành bạn của tôi khi nào không hay . Thông thường thì màu xanh da trời, xanh nước biển, là màu dành cho con trai, và màu hồng dành cho con gái, tuy lúc đó tôi chưa biết đứa con của mình đang cưu mang trong bụng là trai hay gái, nhưng tôi cứ mua sẵn mớ quần áo với màu lá mạ non, màu vàng nhạt, và đặc biệt là nhiều quần áo màu trắng vì tôi nghĩ màu trắng sẽ làm nét thiên thần của trẻ con càng trong sáng hơn. Tóm lại, tôi cứ tha về tổ mấy loại quần áo mà kiểu may và màu sắc đều trung dung thích hợp cho em bé dù là trai hoặc là gái. Trước ngày sinh con khoảng hai ba tuần gì đó, tôi nhớ mình đã đứng trong căn phòng dành cho con với niềm hạnh phúc tràn dâng thành giọt nước mắt, vì nhìn vào căn phòng với những tỉ mỉ trang trí bày biện chính là nhìn thấy hình dạng màu sắc của trái tim người mẹ, mỗi đồ vật dù lớn, dù nhỏ tí ti, khi chạm đến đều như chạm được tình thương của mẹ cho con.

À, trở lại chuyện cho Bí ngủ riêng, chẳng được bao lâu, chắc không hơn một tháng cộng thêm vài ngày gắng gượng! Mấy tuần đầu, vì tôi nể ba của Bí nên đành chìu ý cho con ngủ trong phòng riêng. Cũng như vì muốn giữ lời hứa "dõng dạc" của mình hôm nào với bà mẹ nuôi người Mỹ, nên đành để con, bên kia vách, nằm trong phòng một mình “côi cút”, còn tôi, bên này vách, nằm nhớ con nên cứ gượm dậy sang thăm chừng thằng bé, ngắm con ngủ, theo dõi từng hơi thở của con, thể như hơi thở của trẻ thơ chính là nguồn sinh lực của tôi, và sự tồn tại của người mẹ nằm gọn trong mầm sống sơ sinh hãy còn rất non ngày tháng. Rồi vài tuần sau đoi, tôi điều đình, đàm phán với ba của Bí, nói nghe xôm chứ đúng hơn là tôi tỉ tê năn nỉ bằng câu đề nghị thăm dò
- Anh à, hay là cho con ngủ riêng trong nôi, nhưng đặt cái nôi trong phòng của mình, để khi con khóc thì mình biết mà thức dậy lo cho con.

- Em sao khéo lo, có cái máy intercom rồi, chỉ cần em mở lớn âm thanh là con vừa cất tiếng o..oe, ọ..oẹ khóc bên đó thì bên đây em nghe liền rồi .

- Nhưng em sợ mình mệt ngủ mê, con có chuyện gì mình không biết, thì sao ?

- Em cứ lo vớ va vớ vẩn ...

Tôi rưng rức nghẹn ngào
- Anh đâu có phải mang nặng đẻ đau đâu, nên anh đâu thương con bằng em!

Nói chưa dứt câu thì cứng cuốn cổ, rưng rưng nước mắt. Ba của Bí nhìn tôi, rồi lắc đầu có vẻ như phải cam chịu đồng ý ký bản hiệp ước thay đổi chính sách cho con được ở cùng phòng với ba mẹ, nhưng với điều kiện ngủ riêng trong nôi. Mới vừa rơm rớm nước mắt đó, vậy mà tôi nhoẻo miệng cười tươi, vui mừng phấn khởi đứng dậy đi thu dọn phòng, chọn chỗ thoáng và trống để dời chiếc nôi của Bí qua. Thằng bé ngủ riêng trong nôi chắc đâu cũng được khoảng vài tháng. Lần đó, sau khi nhóc con chích thuốc ngừa hôm trước thì hôm sau bị sốt nặng. Cũng tại quân sĩ phe chánh phái của thuốc ngừa duyệt binh, dàn trận chống phe tà phái vi trùng không cho xâm nhập ngũ tạng, tứ chi, do đó mà thằng bé bị thuốc hành nóng sốt, khó chịu cơ thể mấy hôm liền. Tối đến cứ khóc nhè mãi, không ngủ trọn giấc. Tôi và ba của Bí phải thay phiên nhau thức suốt đêm chăm sóc cho con. Thay vì mỗi lần con khóc thì phải lòm còm ngồi dậy, đứng lên, đi lại chiếc nôi, bế con lên để dỗ, nhưng đã thức liên tiếp mấy đêm quá mệt, nên ba của Bí đặt thằng bé nằm luôn trên gường chung với ba mẹ, không chỉ vậy thôi, mà bé con còn được chiếm chỗ đặc biệt, nằm gọn ở giữa hai bên ba và mẹ cho tiện thể. Hễ ai nghe con khóc thì với tay thoa nhẹ vỗ về, nếu không nín khóc, thì lại ôm con vào lòng dỗ dành, rồi khi bé con ngủ lại thì mẹ hay ba cùng thiếp ngủ theo giấc chập chờn. Kể từ đó về sau, Bí không ngủ riêng trong chiếc nôi nữa.

Từ đó, chuyện Bí nằm ngủ chung giữa ba và mẹ là chuyện rất đương nhiên! Khi Bí còn nhỏ thì cả ba người, hai vợ chồng và đứa con, nằm dọc theo chiều của chiếc giường queen size, và Bí luôn nằm ở giữa ba mẹ. Cách sắp xếp rất vô tình này đã ngẫu nhiên tạo ranh giới ngăn ngừa hiệu qủa nhất để Bí không sớm có thêm đứa em nào. Khi Bí lớn dần, chiếc giường càng ngày càng chật dần, còn nữa Bí ngủ rất hay lăn, quay vòng vòng, đạp chân hất tay trúng phải trúng trái cả mẹ và ba đều lảnh chưởng hoặc song cước của Bí. Vậy nên tôi đề nghị đổi hướng nằm, thay vì nằm theo chiều dọc chiếc giường, thì nằm ngang lại cho rộng hơn, khổ thay nằm như vậy thì đôi chân của ba Bí hụt ra, hổng chơ vơ bên ngoài thành giuờng. Thế là ông ba tìm kế dành lại lảnh thổ đã bị chiếm dần theo độ lớn tăng trưởng của thằng con, khi đó đến phiên ba của Bí lo trang trí, bày biện lại căn phòng với mục đích dụ khị sao cho con trai về bên phòng của nhóc. Ông ba rủ thằng con đi mua sắp, nào là cái giường mới kiểu rất con trai, tấm trải giường hình Power Ranger, cái chăn thì lại là hình Pokémon, trang trí chung quanh phòng bằng tranh vẽ của vài nhân vật hiệp sĩ anh hùng trong mấy chương trình hoạt hoạ, và mấy tấm tranh poster hình xe sport, xe đua. Kể cả bên ngoài cửa phòng cũng được dán tên của nhóc bằng những mẫu tự nhiều màu đẹp mắt, Bí cứ đưa ngón tay be bé chỉ vào hàng chữ rồi thích thú nói tên của con, phòng của con. Những gì trước đây tôi trang trí cho một đứa trẻ sơ sinh khi chưa rõ con sẽ là gái hoặc trai, đã được tháo xuống, và chung quanh đã đổi dạng thay hình rõ nét là phòng của thằng con trai. Bí mê lắm, cả ngày thích thú đi ra đi vào, rồi có khi ở suốt trong phòng chơi mấy món đồ chơi. Vậy đó, nhưng đến giờ đi ngủ thì nhóc con cũng leo lên giường nằm giữa ba mẹ như là một điều đương nhiên bất biến, mặc cho ba của Bí dụ khị như thế nào cũng không chịu về phòng riêng để ngủ. Đến độ có nhiều lần đợi nhóc ngủ say giấc, ba của Bí bế con về phòng của nó, và tôi lò dò theo sau, đấp chăn cho con, lấy gối tấn chặn quang thành giường vì sợ con lăn lọt xuống sàn nhà bị đau, dù là sàn có lót thảm tương đối dày. Để rồi, chỉ chưa đầy một giờ sau, Bí thức giấc, lôi lết bết cái chăn Pokémon sang đứng trước cửa phòng ba mẹ mà gõ, không mở thì nhóc khóc to, khóc ròng bên ngoài. Lần nào tôi mở cửa cho con vào, khi chú nhóc leo tọt lên giuờng, thì ba của Bí lại cũng làm giống như thằng con đó là lôi lết bết cái chăn ... sang phòng khác ngủ.

Chuyện cũng chẳng đơn giản, nhiều lần ba của Bí càu nhàu cau có vì mất giấc ngủ, sáng thức dậy không nổi, và cả ngày ở sở làm mệt nhoài. Ônb ba đổ thừa, đổ trút bực bội trách là tại tôi là bà mẹ quá nuông chiều con, quá mức cưng con, nên thằng nhóc hư. Tệ hơn nữa là câu nói “em chỉ biết thương và lo cho mỗi thằng con của em, chẳng biết quan tâm thương yêu gì đến người chồng!” Tôi chỉ đưa mắt nhìn, hết ý để trả lời. Suy tính mãi, tôi tìm ra giải pháp hoà bình đề huề cho cả đôi bên, đó là rinh cái gường của Bí sang đặt chung phòng, vậy là thằng con vẫn ngủ chung, nhưng nằm giường riêng, nhóc một mình một cõi, tha hồ lăn xoay vòng vòng mà không sợ phiền giấc ngủ ba của Bí. Chuyện cũng chẳng dễ dàng đâu, Bí vẫn cứ khư khư đòi nằm giữa ba mẹ, tôi phải dỗ dành, phải dụ khị nói là Bí lớn rồi, chàng nhóc “lớn” chỉ ngủ chung phòng với ba mẹ thôi, đâu ngủ chung giường, chỉ có em bé nhỏ tí ti mới ngủ chung với ba mẹ thôi. Chú nhóc tạm đồng ý làm “người lớn” ngủ giường riêng, nhưng mỗi tối đều phải có mẹ nằm cạnh bên để thoa lưng cho con, còn Bí thì lấy hai ngón tay be bé vo ve trái tai của tôi mãi đến khi chìm vào giấc ngủ. Đây cũng là nguyên do tại sao tôi chẳng bao giờ đeo bông đeo hoa tai trưng diện làm điệu gì cả. Tôi nhớ có đôi khi đang nằm ủ con dỗ giấc tối, thằng bé thủ thỉ với tôi là con thích được mẹ ôm vì ấm lắm, và con không thấy sợ bóng tối. Bí có biết đâu lời nói thơ ngây ấy là hạnh phúc vô giá của con cho tôi! Và, cứ theo sự sắp xếp đó, ngôi nhà có đến ba căn phòng, hai phòng kia để trống, căn phòng này thì ba người, hai vợ chồng và thằng con, dồn lại ngủ chung.

Rồi, chuyện cố tránh để đừng xảy ra, nhưng điều ấy vẫn cứ đến. Ngày đó, một người khoát áo đi, căn phòng còn lại chỉ hai mẹ con! Bí vẫn ngủ riêng trên chiếc giường đặt đối diện giường của tôi. Bí cũng vẫn muốn tôi dỗ giấc ngủ, nhưng chú bé đã lớn hơn chút nữa, nên bỏ thói quen lấy hai ngón tay vo nhè nhẹ trái tai của mẹ, và có khi Bí cũng không thích tôi ôm, tôi ủ như trước, nhóc chỉ muốn mẹ nằm kề bên là đủ để con dỗ giấc ngủ. Theo tháng năm Bí lớn dần, không còn là nhóc mà tôi phải dụ khị làm người “lơ’n” nữa, và tôi lại lo con lớn nhanh quá!

Khoảng gần một năm trước, hai mẹ con đang ngồi ăn cơm chiều, Bí nói tôi nghe ý muốn dọn sang phòng riêng của con. Dưng lòng tôi chùng xuống thật buồn, dù biết nỗi buồn ấy vô lý, dù biết Bí nên có phòng riêng, và nên bắt đầu có ít nhiều cách sống tự lập của một đứa con trai đang tuổi lớn, đâu thể nào cứ mãi bám theo sát chân mẹ. Hoặc đúng hơn, đâu thể nào mẹ cứ mãi níu áo, nắm tay con mà bảo đừng nhanh quá Bí ơi! Khoang đã, chầm chậm lại Bí à, con chớ vội lớn, con hãy là Bí khờ dại bé nhỏ của mẹ thêm vài năm nữa, vì mẹ sợ khi con trưởng thành mẹ không còn được Bí quấn quýt gần gũi nữa. Lúc ấy Bí sẽ như chú chim vừa biết bay lượn, mà bầu trời xanh trong, bao la mời gọi đôi cánh non tung bay cao, bay xa, lià cái tổ vốn rất đơn chiếc này.

Tôi ậm ự diện cớ là không ai giúp dời chiếc giường của Bí sang phòng riêng. Tôi diện cớ căn phòng ấy cần sơn phết lại, và dẹp bớt mấy thứ lỉnh khỉnh trong đó trước cho rộng rải, gọn gàn, rồi Bí hãy dọn vô sau. Từ hôm nói ý muốn ấy, đến khoảng sáu tháng sau, Bí lại hỏi tôi nữa, và tôi cũng diện cớ y như vậy . Nhóc con có hơi thất vọng, nhưng không nói gì, và vẫn tiếp tục ngủ chung căn phòng vơ’i mẹ. Dịp lễ vừa rồi, hai người em họ của tôi được nghỉ làm, nên ghé thăm. Thế là nhóc Bí như nắm lấy cơ hội hiếm hoi, ngàn năm một thuở, nhờ ngay hai cậu giúp Bí dọn dẹp, dời giường, và bàn học sang phòng riêng. Ba cậu cháu loay hoay hơn nửa ngày thì căn phòng đã gọn sạch và sẵn sàn cho Bí trú ngụ. Tôi cố nắm níu lần cuối, nên nói

- căn phòng chưa sơn phết nhìn cho mới, Bí thích phòng sơn màu gì thì chờ thêm thời gian vài tháng, khi hai cậu về thăm lần nữa sẽ sơn cho con.

Bi’ trả lời ngay
- không cần sơn đâu mẹ,
nhóc còn dẫn chứng thêm
- Con thấy trọn căn nhà mình đâu có phòng nào, chỗ nào mới sơn đâu.

Tôi chống chế
- Phòng của Bí đương nhiên phải đặc biệt đẹp mới hơn chứ, với lại …
Tôi im lặng vì đuối lý, hết nguyên do, thấy tôi đang nói dưng ngưng bặt, buồn buồn nét mặt.

Bí dường như thoáng hiểu, đến ôm tôi an ủi
- Tối con ngủ ngay cạnh phòng bên này, cách mẹ có cái vách thôi mà.

Tôi cười, chắc nụ méo mó không tươi. Chợt nhớ lại lúc xưa, cách chiếc nôi của con cũng chỉ mỗi cái vách này, mà tôi nhớ thằng Bí sơ sinh, chưa tròn tháng khi ấy, đến độ ngủ không được, cứ chốc chốc lại đi sang phòng nhìn ngắm con, theo dõi hơi thở, giấc đêm khi con ngủ say. Thời gian qua nhanh quá, thoáng đó đã mười hai, mười ba năm trôi mau, bây giờ cũng cách cái vách đó, tôi lại nhớ thằng Bí thiếu niên của tuổi mười hai, mười ba đang lớn cao nhanh, chắc không lâu sẽ là chàng thanh niên trưởng thành.

Tối hôm đầu tiên Bí dọn vô phòng riêng của mình, sắp đến giờ ngủ, nhóc thủ thỉ nói mẹ qua phòng bên con, cùng ngồi cầu nguyện ban đêm trước khi ngủ như hai mẹ con vẫn thường nguyện thành tiếng vừa đủ âm thanh cho cả hai cùng nghe. Sau đó, Bí nói tôi đấp chăn cho con, bật đèn ngủ nhỏ tí với ánh sáng yếu ớt. Bí cứ nhắc đi, nhắc lại với tôi là mẹ đợi con nhắm mắt ngủ xong, rồi mẹ mới từ từ tắt đèn, và đóng cửa phòng lại cho con. Tôi ừ với con mà dâng niềm sung sướng trong tâm, vì biết con vẫn còn cần mình! Bí đang lớn nhưng vẫn còn nhỏ dại, vẫn còn sợ bóng đêm, dù đã có đèn ngủ, nên nhắc tôi đợi con nhắm mắt ngủ rồi hãy tắt đèn trên trần của phòng. Tôi mong sao cho Bí cứ cần tôi như vậy thêm thời gian lâu nữa, và bây giờ mỗi tối niềm vui của tôi là ngồi cầu nguyện với con, đấp chăn cho Bí, hôn lên trán, lên đôi má của thằng bé, rồi khi sắp đóng cửa phòng của con lại, tôi luôn nói cho Bí biết tôi thương Bí lắm! Và ngo’ng cổ chờ nghe Bí đáp lại bằng câu con cũng thương mẹ, good night mẹ!

Tôi lặng lẻ trở về phòng. Cũng khoảng không gian này, căn phòng này trước đây cả ba người, hai vợ chồng và đứa con, mỗi tối xum vầy, mẹ nằm dỗ giấc con ngủ, rồi vợ chồng nằm nói chuyện trong ngày, chuyện đời sống có khi vui nồng nàn, lắm khi buồn giận, qua bao trôi nổi, lo toan để mưu sinh, còn bao dự định mai sau khi con lớn, khi vợ chồng tuổi già. Tất cả tan biến hết rồi! Không trách gì, không lỗi ai, dòng đời trôi thôi mà, vốn đâu có gì thường hằng chứ! Nhưng, hỡi người xa đang vui hạnh phúc khác, hỡi vách gần vây khốn bóng chiếc tôi đây, hỏi xem có còn nhớ không kỷ niệm một thời , còn không dư âm ngày tháng đó !?

Tôi ngồi cong người, hai tay vòng lại bó đôi chân, cố cuộn tròn ôm thân, như thể nếu buông ra tôi sẽ rơi hun hút, rơi chới với xuống chốn không cùng, không tận sâu thăm thẳm! Nhìn quanh căn phòng , bây giờ đã là phòng riêng của tôi, dù hoàn toàn ngoài ý muốn, dù không do tôi chủ định. Lạ, cũng khoảng diện tích này nhưng sao trống trải chơ vơ, cũng không gian này sao lại quạnh vắng lạnh lùng, rợn người! Có những tiếng thở dài lê thê nối tiếp nhau để rồi từng tiếng thở dài tưởng không nguôi cũng phải chìm dầm, lịm mất trong thinh lặng đặc quánh buổi khuya.

Tôi không cho phép mình nghĩ ngợi hoài, không cho phép tôi buồn chán, hay đúng hơn vì Bí nên tôi không cho phép mình phiền muộn và bi quan, tôi bắt tôi phải vương lên để sống, để tồn tại, để đủ nghị lực mạnh làm chỗ nương tựa của Bí. Dù Bí chẳng hề hay biết rằng chính Bí có đầy đủ siêu năng lực như một superman đối với riêng tôi. Đúng, vì Bí có thể làm cho tôi vui hoặc buồn, an tâm hoặc lo lắng, hạnh phúc có một đứa con ngoan, hoặc nhọc lòng khổ trí khi có một đứa con hư hỏng khó dạy. Chừng ấy cũng đủ để Bí thành một chú bé có siêu năng lực với riêng tôi rồi, vì đâu ai khác có thể tạo ảnh hưởng trực tiếp và cường độ mạnh, nhiều với tôi như vậy! Đã bao lần tự hứa với chính mình, và thầm hứa với Bí là tôi cần giữ gìn sức khoẻ, cần quên để cho tinh thần an bình, cho tôi có đủ nghị lực và ý tri’ trong trọn hai chức vị vừa là cha, vừa là mẹ để nuôi dạy, che chở, chăm sóc ươm cho Bí lớn khôn nên người, thành nhân vốn rất khó hơn thành danh, lời này của ba tôi khuyên dạy trước ngày tôi rời gia đình đi vượt biển, bây giờ suy ngẫm càng thấy ông cụ nói rất đúng.

Niệm Nhiên


Return to “Truyện Ngắn Truyện Dài”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 2 guests