Niềm vui gia đình - Ngô Kỳ Điệp

ynguyen
Digital IC
Posts: 151
Joined: 01 Oct 2007 17:21

Niềm vui gia đình - Ngô Kỳ Điệp

Postby ynguyen » 21 Dec 2006 16:26

- Kỳ à ! Con làm chi lục đục dưới bếp còn chưa chịu lên ăn cơm cho rồi ?
Tiếng mẹ vọng xuống từ phòng khách xen lẫn tiếng mưa rơi lộp độp trên mái tôn hạt mè.
- Dạ, con đang làm canh rau muống. Con lên liền, mẹ.
Tôi vớt rau vô đĩa, cho vào nồi nước một phần tư muỗng cafe muối, một ít vị tinh, nặn năm ba giọt nước chanh vào. Sau cùng là một mớ hành lá và ngò tươi xắt nhuyễn mới cắt từ ngoài vườn. Nêm nếm xong xuôi tôi mang tô canh đặt lên bàn trong lúc ba mẹ đang chờ tôi. Hơi nóng tỏa trên mặt nước thoảng mùi thơm dịu.

Chiều nay, trời Canberra bất chợt đổ mưa, mưa rào. Những giọt nước nghịch ngợm nhảy tung tóe vào hiên nhà ướt đẫm. Tôi tưởng mình đang sống ở quê vào những ngày mưa gió dầm dề, mang áo tơi đội nón lọt tọt theo chân mẹ ra ao cắt rau muống, vớt cá rô để chiều về cả nhà cùng quây quần bên bữa cơm đạm bạc, ấm cúng. Tôi đoán không chừng lâu lắm rồi ba mẹ mới tìm lại được hương vị món canh giản dị này. Mẹ trầm trồ nếm một muỗng thử rồi chắp miệng:
- Chà chà ! Ai dạy con nấu canh rau muống mà ngon rứa, Kỳ ?
Tôi phỉnh mũi, mắt láo liên tự đắc:
- Dạ, con tự nấu chứ ai mô mà chỉ.
Tôi đâu dám nói thật số là ngày hôm qua nhận được thư của Cúc gởi sang. Cúc cặn kẽ chỉ cho tôi làm răng có thể nấu một nồi canh đơn giản như canh rau muống, canh tần ô, lá lốt, tập tàng, canh chua bạc hà. Cúc lý lắc cho biết ăn những thứ canh ấy trước sẽ giải nhiệt trong người sau nữa, không gì hơn, là để nhớ đến người con gái ở quê nhà vẫn mỏi mòn, vấn vương người xa xứ. Tôi thấy ba mẹ ăn cơm với canh ngon miệng, lòng tôi vui như mở cờ trong bụng.
Ba chợt như nhớ ra điều gì, rồi nói với tôi:
- Kỳ à, đầu tháng Chạp ni, ba mẹ về Việt Nam ăn Tết với bà ngoại, nếu con muốn về ba mẹ cho con cái vé mà về, chứ bà ngoại nhớ con lắm. Nhất là sắp nhỏ con của bác Hai Phúc, dì Tư Cần, chú Út tụi hắn cứ nhắc con miết.
Tôi nheo mắt, vò đầu:
- Con chưa muốn về lúc ni, tiền nớ ba mẹ phụ thêm cho dì Tư để con của dì đóng tiền học ở trường. Còn con, khi mô đủ tiền con sẽ về.
Mẹ nói:
- Con càng ngày càng suy nghĩ giống mẹ quá chừng. Dì Tư con nghe được chắc dỉ mừng lắm nghe con.
Ba thở ra:
- Rứa khi mô con mới về ?
- Con định cuối năm tới con sẽ về với đại gia đinh cho vui.
Mẹ lại gọi tôi.
-Kỳ à, mẹ có chuyện ni muốn nói cho con biết
- Dạ.
Mẹ lặp lại:
- Lần này về Việt Nam, trước thăm bà ngoại cùng mấy chú bác con, sau nữa, ba mẹ dự định kiếm đứa mô vừa ý, vừa tứ rồi làm giấy tờ bảo lãnh qua đây cho con. Con có ý kiến, ý cò chi không, sau này khỏi phải lôi thôi ?
Tôi vội vã kiếm cớ từ chối:
- Con ... con học chưa xong mà mẹ.
Mẹ trấn an:
- Thì làm giấy tờ đến khi vợ con qua là vừa.
- Chuyện đó con lo được. Mẹ yên tâm đi.
- Trời. Ông thấy thằng con trai của ông không ? Chuyện đại sự như rứa mà nó nói là tự lo được. Nói không phải giựt mình con, chứ năm xưa cưới mẹ, ba con phải lo đến ba năm trời đó nghe con. Con đừng có lớ quớ, giỡn chơi.
Ba đưa tay lên miệng tằng hắng vài cái:
- Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, nhưng thằng Kỳ nhà mình có nhọt đằng sau cho nên ngồi không được, phải không ?
Tôi khoái chí bụm miệng cười, vài hạt cơm sặc ra trong lòng bàn tay. Không ngờ, ba nói giỡn nhưng lại trúng phóc. Mẹ dừng đũa, ra vẻ không được vui:
-Răng ông lại vô tư rứa ? Ông phụ tui lo cho nó. Lớp lớn thì mô vô đó rồi - nhà chỉ còn mình nó là út phải lo cho đàng hoàng, tử tế với người ta.
Mẹ lại đi xa hơn:
- Lỡ mai tê mốt nọ, tui với ông có theo ông theo bà, lúc nớ ai đứng ra mà lo cho nó, tội nghiệp nó ông ơi. Dầu răng đi nữa, còn cha còn mẹ cũng mặn mòi hơn ông à. Nhứt là chuyện cưới xin.
Nghe mẹ nói, ba đắc ý gục đầu liên tiếp. Mẹ tiếp tục cuộc hành trình:
- Ông không thấy nó học năm thứ ba rồi mà chưa có đứa mô hết trơn, hết trọi. Ông còn nhớ năm xưa tuổi này, tui với ông đã sinh ra thằng Hai Kỳ, rồi tới con Ba Hưng. Ông ráng nhớ coi thử tui nói có đúng không hỉ ?
Ba rờ cằm, suy ngẫm:
- Chuyện nớ đâu có sai. Bà nhớ hay quá. Nhưng mà nghĩ cũng lạ, con cái nhà mình lại lơ là trong chuyện ni hè ? Mấy anh chị của nó lập gia đình trễ ơi là trễ, bây chừ, lại đến lượt nó cũng rứa, nước tới trôn còn chưa chịu nhảy, lúi húi nó bạc tóc bây chừ.
Ba đưa ánh mắt hiền từ nhìn tôi như gởi gắm những gì chân thật nhất:
- Kỳ à, con cứ nghe lời ba mẹ đi, lỡ mai mốt ba mẹ khuất núi, khuất non ba mẹ cũng vui lòng.
Đến nước này tôi không thể nào không cho ba mẹ biết về chuyện giữa mình và Cúc từ bấy lâu nay. Sở dĩ tôi giấu ba mẹ là vì tôi không muốn ba mẹ mình phải bận tâm trong chuyện này. Hôm nay tôi thấy ba mẹ hớn hở lo chuyện tương lai cho mình nên tôi chẳng có chi phải giấu thêm nữa.
- Con...con có bồ rồi mẹ à !
Bất chợt, mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt ”điệp viên 00 chớp”:
- Cái chi ? Mắt mẹ đột nhiên phát sáng như hỏa châu trong đêm. - con đã có bồ rồi à ?
Ba mẹ ngạc nhiên mừng phơi phới như vừa nhận được của lạ từ Cung Hằng, Cung Quảng gởi xuống. Lần đầu tiên ba mẹ nghe thằng con út con iếc của mình nhắc đến chuyện lứa đôi, biểu ai không rộn ràng cho được. Mẹ nhấc ghế ngồi gần tôi. Khuôn mặt mẹ rạng rỡ ra thấy rõ.
- Mèn ơi ! Bộ bạn con mắc cở lắm hay răng mà con không dẫn ”con dâu” tương lai về đây trình làng cho bà con lối xóm biết mặt biết mũi ? Tại răng con lại tệ như rứa hỷ Kỳ ?
Tôi ngập ngừng như gà mắc đẻ, trả lời cụt ngủn:
- Dạ tại... tại con chưa có dịp.
Mẹ thắc mắc:
- Con làm cái ông chi ở đây mà không có dịp, bộ con là chủ tịch quấc hội hả ? Mấy ngày mồng Năm, ngày Tết huống chi dịp, con nói chơi.
Tôi đuối lý. Mẹ khoát tay:
- Thôi hỷ, con đừng có qua mặt ba mẹ. Con chẳng có chi hết. Quyết định rứa đi con ! Ba mẹ về Việt Nam lần này sẽ dựng chồng gả vợ cho con. Không nói ôn đơ, mô tê chi hết.
Tôi vội bỏ chén cơm lên bàn nhìn ba như nài nỉ mẹ một phen nhưng vô ích, ba nhún vai đứng dậy bước ra ngoài hiên quét nước mưa. Mình tôi ngồi lại bàn ăn. Tôi húp một muỗng nước canh rau muống còn lại mà nghe đắng chát.

* * *

Từ ngày ”quyết định rứa đi con” hay nôm na là ”bữa cơm định mệnh” đến giờ, tôi hồi hộp từng giây, từng phút. Lòng tôi nóng như dung nham núi lửa Hawai. Tôi cảm giác lục phủ ngũ tạng của mình dần dần bị đốt cháy từng phần. Cây guitar trong phòng nằm im chờ tôi gảy lên bản ”Right here waiting for you” hằng đêm. Tôi tự nhủ, kỳ nghỉ hè này coi như là toi, xong cuộc đi đơn chiếc của mình. Hè đến vui đâu không thấy chứ phiền muộn dâng trào đến ngạc thở. Hết mần thư tình em đọc, hết đi mây về gió trong chiêm bao…Nhìn ánh trăng vờn vợn trong vườn khuya, tôi mơ màng nhớ lại mối tình học trò ngày nào... lần đầu tiên nắm lấy tay em trong sân trường vắng mà nghe tim đập thình thịch, mắt nhìn tứ phía rồi vội vã hôn em dưới tàn phượng vỹ. Em e thẹn đến đỏ mặt thấy càng thương. Môi em thơm và ấm. Anh ngây ngất nhìn đất trời đảo lộn xung quanh. Một vài chú ve lom com không hẹn mà đến, hòa cùng tiếng gió lao xao, trổi lên điệu nhạc du dương trầm bổng như để chia sẻ niềm vui đầu đời của hai tâm hồn trẻ.

Ba mẹ đi rồi, tôi buồn thỉu buồn thiu, căn nhà đã trống càng thêm trống. Đêm nào tôi không dán mắt lên bầu trời cao thẳm, cùng muôn ngàn vì sao lấp lánh, cầu trời, khẩn Phật phù hộ cho ba mẹ gặp ngay người mình thương, để sau này khỏi gặp phải chuyện rối ren trong tình cảm riêng tư.

Ngày ba mẹ trở lại Canberra là ngày tôi vui nhất và cũng là ngày mà tôi thóp thỏi lo âu nhất. Tôi phụ mẹ xếp lại mấy lá trầu khô, cau khô, thuốc rê, mứt gừng, mứt dừa xanh, đỏ, vàng thơm phức. Mẹ chia ra từng phần cho mấy anh chị. Còn ba săm se vài ba con khô chuẩn bị nhâm nhi với con cái, rể rang trong nhà. Mẹ lấy trong túi áo lá thư đưa cho tôi, nói:
- Kỳ, hình vợ tương lai của con nì, con nhỏ thiệt là ngoan và hiền ! Mẹ nói thiệt với con chứ đẹp xấu mẹ không thiết, chứ tính tình con nhỏ như rứa là mẹ ưng cái bụng rồi. Ta nói cái nết đánh chết cái đẹp con à.
Mẹ đưa tay vớ lấy ống nhổ kề bên, xẹt một cỗ nước trầu đỏ lòe vào trong. Tiện tay, mẹ xăn ống quần lãnh đen bóng lên khỏi mắt cá rồi lật ngược nó lại và cho ống quần chùi vào miệng gọn bâng như ngày còn ở Việt Nam. Nước trầu dính hai bên mép khô đi, sạch bóng. Mẹ vừa bõm bẽm nhai trầu vừa dặn dò:
- Mai sau con phải cư xử tốt với nó, còn không con phải biết tay mẹ. Người như rứa, con có thắp đuốc tìm cũng không gặp được.
Ba cũng vui vẻ họa theo:
- Hiền và dễ thương lắm đa !
Cầm lá thư trong tay, tim tôi từ từ thắt lại. Tiếng ve râm rang trong sân trường năm ấy vọng về bên tai tôi nghe thương nhớ não nùng. Nét mặt hiền từ và ánh mắt thẹn thùng của Cúc như quanh quẩn đâu đây... Tôi bước vào phòng, úp mặt lên gối. Một lát, tôi lấy kéo cắt bì thư. Tay tôi run run rút nhẹ tấm hình đầu tiên ra.
- Cúc !
Tôi hét lên làm bóng đèn trên tầng nhà muốn rơi xuống.
Cúc đây. Cúc của tui đây ! Tôi bỏ xấp hình trên giường rồi chạy như tên bắn ra phòng khách. Nhìn khuôn mặt mùa Xuân của tôi mẹ dừng tay hỏi:
- Răng, được không con ?
Tôi ngồi xuống đặt tay lên vai mẹ, nhe răng cười xòa:
- Dạ...dạ ba mẹ răng thì con rứa. Chứ con mô dám làm trái ý “Thánh Chỉ“. Được cũng tiến tới, không được cũng ... tiến tới.
Mẹ cười híp mắt. Ba cho mấy con khô cuối cùng vào túi, phủi phủi hai tay:
- Cha chả ! Thằng con bà bữa ni mạnh dạn dữ, hè !
Tôi xoay người qua hỏi ba:
- Ba, con nấu trà Móc Câu hay pha cà phê Trung Nguyên cho ba uống nghe ?
- Ừ. - Ba gục đầu. - Được đó con. Bữa ni, chuyển trời thấy lạnh lạnh, có tí trà nóng,
ăn với mứt gừng thì ấm bụng.
Tôi vừa xuống bếp, trên này ba thì thầm to nhỏ với mẹ.
- Thằng coi bộ lạ bà hỷ, bữa ni cái chi cũng tự nguyện làm ráo.
Mẹ chắc ăn:
- Ông lại khéo nói nhằm. Bây chừ, ông biểu nó lên núi bắt cọp nó cũng đi nữa chứ nói chi tới ba cái chuyện gãi ngứa nớ.
Tôi đứng dưới bếp nhìn ra ngoài vườn thấy mấy chậu Cúc đại đóa, mấy chậu Vạn Thọ ‘hình như’ đang nở rộ. Cơn gió Xuân hây hẩy vừa thổi vào lòng tôi nghe mát rượi khắp người. Bây giờ, tôi thật sự mới bắt đầu ăn Tết.

Canberra, rằm tháng Giêng, 2001
Ngô Kỳ Điệp

Return to “Truyện Ngắn Truyện Dài”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 2 guests