Mươi Năm Ấy Biết Bao Nhiêu Tình

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Mươi Năm Ấy Biết Bao Nhiêu Tình

Postby nmchau » 10 Mar 2006 05:04

PHAN THỊ TRỌNG TUYẾN

Kính tặng bác Hoàng Khoa Khôi
Quà nhỏ nhân sinh nhật thứ 82


Ðầu tháng mười hai năm 98, chúng tôi, gần một trăm người, chen chúc nhau trong một quán ăn nhỏ ở quận 13 Paris. Kỷ niệm 30 năm "lưu đày, biệt xứ."

Ra đi khoảng cuối năm 68 và 69 (1), từ Sài Gòn, đúng là biệt xứ, còn lưu đày? Bởi ngày ra đi, quí vị con gái khóc quá trời là khóc?

Thật vậy, ba mươi năm trước, trong máy bay các cô đã suýt làm trôi mấy bà hôtesses. Tới Paris, cả đám nai vàng, tuổi đôi chín đôi mươi, được dẫn đi loanh quanh xem kinh thành hoa lệ. Ôi lá thu vàng khắp chốn, ngó quanh: toàn tây đầm, dinh thự nghểu nghện, đồng hương trắng lốp mập mạp... các nàng càng lã chã dòng châu. Vài hôm sau, chia (tay) nhau lên xe lửa về tỉnh. Vì ở Paris hay các nơi đông sinh viên Việt Nam (tỉnh lớn như Lyon, Marseille hoặc ở nước Bỉ và Thụy Sĩ: Bruxelles, Liège, Louvin, Genève v.v.) học hành thi cử khó khăn, giáo sư Meillon đã (đày) phân tán chúng tôi về... vùng quê ngay từ lúc ấy. Gare de Lyon, gare de l'Est, gare du Nord. Ðèn vàng, đèn đỏ, đèn tỏ với đèn lu, cái nào cũng nhoè nhẹt.

Ðêm (tỉnh nhỏ) im ắng, không tiếng xe ồn, không tiếng ti vi hàng xóm, không tiếng trực thăng, không tiếng bom, tiếng đại bác. Vào trường, thầy nói thầy... nghe, xung quanh bạn tây đầm la hét, chọc thầy, chọc nhau... thật kinh khủng... Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu... (2)

Bạn bè năm ba mống đeo nhau mà sống. Vừa học vừa khóc, vừa nhớ, vừa quên. Nhưng không thể là tù đày vì không có chủ ngục.

Ở nơi nào chúng tôi cũng không được bí thư đảng, tổ/đội/đoàn/đảng trưởng săn sóc đến đời sống tinh thần lẫn vật chất. Không hội họp, báo cáo. Rất vô chính phủ. (3)

Chúng tôi theo dõi tin tức đất nước qua phim ảnh (phóng sự Tây, Mỹ), báo chí sinh viên, không ít thì nhiều đứa nào cũng thích tình yêu (trai gái, bạn bè, quê hương) hơn là chiến tranh. Tình nào cũng thiết tha to lớn hơn bình thường, tim to hơn óc. Bị níu kéo, dằn vật bởi đủ thứ; sống còn tới bây giờ, kể ra đáng được an ủi cho một tiếng (?!). (4)

Nhà nước Pháp ghê gớm lắm: nằng nằng đòi óc tạm quên tim: này, giản dị lắm, rớt hai năm liên tiếp? sinh viên sẽ mất học bổng, sẽ bị khiêng lên máy bay (?) gửi trả về gia đình. Nếu đậu liên tiếp hai năm? Sẽ được phép về Sài Gòn chơi ba tháng hè. Con nít nhẹ dạ cả tin. Sợ đòn hơn mê cà rốt, nhưng kết quả như nhau: năm 71, 73 một số chúng tôi hẹn nhau về nước, nhân lúc sinh viên Sài Gòn tổ chức trại nối vòng tay lớn (năm 73) (với bộ Dân vận - chắc để giải độc - : ngày đó thiên hạ hay bảo nhau không nên cho con đi Pháp: tụi nó bị dụ khị theo Việt Cộng hết trơn): lần đầu tiên (chúng) tôi được đến tận bờ Bến Hải, ra sông Thạch Hãn, đến Quảng Trị, Huế... bằng xe nhà nước, tàu,
trực thăng nhà binh.

Ăn cà rốt kiểu ấy, trong hoàn cảnh ấy, có khi bị bội thực...

Nhưng đó chỉ là cơn cảm cúm nhẹ trong mùa dịch tả...

*

Bây giờ, ba mươi năm sau, tất cả hân hoan, vui vẻ, và phát tướng (5), dấu vết xưa thật mơ hồ... Người năm cũ hiện diện, tính kỹ chỉ vài chục mống, kỳ dư đều "ăn theo," nói cho lịch sự theo chúa đảng Silicon Band (6), là bạn bè, phu quân với phu nhân cùng quí tử.

Vì ở tản mát khắp nơi, chúng tôi "tìm nhau" mất mấy tháng mới tụ hội được từng ấy người. Gọi là biết tin nhau, có lẽ chỉ một nửa số người năm xưa, phần còn lại: kẻ ở (Pháp) người đi (Canada, Thụy sĨ, Ðức, về cõi hư vô...)

Ba mươi năm (lưu lạc, lưu đày) với những cái mốc lớn:
hiệp định Paris năm 1973, kết thúc chiến tranh tháng tư 1975, cuộc thống nhất đất nước 1976, những làn sóng người vượt biên từ Việt Nam bằng đường biển, đường bộ từ sau tháng tư 75 cho đến cuối những năm 80, những vụ đổi tiền, cải tạo tư sản, chiến tranh chớp nhoáng với Trung Quốc, chiến tranh giải phóng rồi chiếm đóng và sa lầy ở Cam Pu Chia, kinh tế kiệt quệ,
chính sách đổi mới: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những tổ chức kháng chiến, phục quốc, những diễn tiến hoà bình, phong trào gửi tâm thư, kiến nghị vận động dân chủ... Gia đình bên nhà, những mẹ cha, anh chị, ai còn ai mất, ai phải đi cải tạo, ba năm, mười năm sống xa gia đình, ai được thêm thân nhân cách mạng, trùng phùng bà con, họ hàng từ Bắc, từ bưng biền, từ Trường Sơn? Bên này, chúng tôi, ai vẫn "chuyển tình, chuyển lửa" về quê hương? Ai từng tin tưởng vào chân trời 90, nghe lời ông Trần Bạch Ðằng:
hãy tin cậy chúng tôi? Ai vẫn kiên trì trong việc kiến thiết, xây dựng dưới bất cứ chế độ nào? Ai vẫn miên man hoà giải hoà hợp? Ai đã mỏi mệt vì những đợi chờ kinh niên và ước vọng bất thành? Chúng tôi đã sống ba mươi năm đó ra sao? Những vết sẹo ra sao? Những thương tổn giấu biệt nơi nào? Những giọt nước mắt của giận hờn của bất lực đã rơi chảy về đâu?

Vậy mà gặp nhau, hôm ấy, dường như chúng tôi chỉ nhắc đến hai chuyện: Thứ nhất, những ngày tháng cuối cùng ở Sài Gòn, chờ nghị định của bộ Giáo Dục,
chạy (7) lo thông hành, giấy tờ xuất cảnh của bộ Nội vụ, bàn tán việc ông Tổng trưởng bộ Giáo Dục Lê Minh Trí bị ám sát. (8)

Chủ đề thứ hai: những dấu ấn đầu đời nơi đất lạ: trong giảng đường đại học, bữa ăn, bữa ở thứ nhất tại quán cơm, nhà trọ sinh viên. Những giai thoại của thuở tình mới chớm. Chấm hết.

Và cuối bữa: bây giờ khoẻ không, khoẻ chưa? Con cái bao lớn?

Vì chúng tôi cũng... lịch sự như người Pháp?

Vì thiếu thì giờ chăng? Hôm họp mặt ấy : Mọi người được dán... nhãn, được sắp chỗ ngồi xong, bắt đầu ăn cũng đến hơn hai giờ trưa. Phải trả quán lúc sáu giờ. Và nhà hàng "hơi bị" nhỏ: ba dãy bàn ghế, còn hai lối (chỉ đủ một người) đi, ai yên vị rồi, nhất là ở hai dãy dựa tường, chẳng thể nhúc nhích được! Chưa biết số điện thoại lưu động (nếu có) của nhau, chỉ còn nước
nhìn nhau cười trừ.

Vì có lẽ, chúng tôi chỉ có chung một tí quá khứ là thuở ấy và giây phút hiện tại (điều quan trọng nhất: bây giờ và nơi đây)? Còn lại: đường bay riêng lẻ, tâm sự cũng riêng lẻ, không thấy gì trong những tiếng cười, trên những gương mặt ít nhiều dấu thời gian kia.
Vì chỉ cái quá khứ ấy, hiện tại ấy là tươi đẹp? Còn lại, trước sau đều mù mịt? Là ảo tưởng đã mất? Là mệt mỏi, là tri thiên mệnh, tri nhân tình, là đã chứng ngộ?
Trước đó vài tháng, chúng tôi náo nức tìm nhau. Như đang lạc giữa đêm khuya, nghe tiếng quen, bèn gọi về một điểm hẹn, nhìn nhau một thoáng như nhìn... mình trong gương.

Thế mà trước hôm họp mặt chính thức ấy, trong một lần gặp gỡ chuẩn bị, tán dóc, bàn cãi vớ vẩn (tôi dại dột mỉa mai) về cái "đảng ta" đỉnh cao trí tuệ, giặc nào cũng thắng, khó khăn nào cũng qua nhưng lúc nào cũng sợ địch vô nhà. Một người mới quen đã mắng mỏ (chúng) tôi: những kẻ gọi-là-trí-thức được (mẹ cha vận động) ra nước ngoài... trốn lính, trốn chiến tranh thuở ấy, bây giờ vẫn cao ngạo, xa lạ, vẫn coi thường dân tộc v.v...

Tôi nghe bao tử của mình bị thụi một cái. Oan ơi ông địa. Mười tám, mười chín tuổi, mẹ cha nuôi mãi mới được thước rưỡi với ba mươi tám kí lô, học toé khói
mới đậu tú tài, được ai "giác ngộ," biết gì mà thức với ngủ? Thậm chí bây giờ, ba mươi năm sau, tỉnh táo chưa, nói chi đến trí thức, sĩ phu! Thức với ngủ là
chuyện của từ ba mươi năm đã qua. Từ năm mươi năm qua. Từ một ngàn năm trước.

Và vô số chúng ta, đứng ở bờ này, bến nọ, phiền trách nhau, giết nhau vì không chịu thức, ngủ cho đúng cách, đúng điệu!

Còn những cha mẹ cho con trốn lính? Kể cả những mẹ cha đã hãnh diện tiễn con ra mặt trận, họ có chăng một chút tự do quyết định? Ai đủ "thẩm quyền" và tư cách phê phán thái độ phương cách bảo vệ con của những mẹ cha trong thời chiến, từ ngàn xưa với cả ngàn sau?

Lãnh tụ có bao giờ (mãi mãi) là dân tộc? Một số nhỏ, dù là đại diện chính thống hay đại ngụy phi chính thống, dù họ ước mơ ghê gớm, và dù dùng đủ mọi cách chiếm lĩnh vinh dự (?) này, có bao giờ là dân tộc đâu.

Nhưng tôi mang nỗi đau dai dẳng, dù biết rằng người ấy cũng đoảng vị chẳng kém.
Ðể bớt đau, tôi thấy người ấy phần nào có lý. Với lại, một hai trăm mạng giữa mấy mươi triệu, là bao? Vài số phận lẻ loi, như ngược dòng, ngược đời. Như một tiếng thở dài.

Một vài trăm mống, tính luôn những người đã đi du học trước và sau bọn tôi, ở tây Âu hay bắc Mỹ châu, Úc châu, Nhật Bản v.v... của những năm sáu mươi và
cho đến năm 1975, một vài nghìn là tối đa. Chỉ có mỗi một chuyện là đi học. Nhiều lắm cũng chỉ tới mức vừa đi làm vừa đi học vừa đi biểu tình. Oai (?) hơn chút nữa thì học cái ni xong, đổi sang cái khác, học nữa, học hoài. Càng oai hơn nữa thì thêm dấn thân chính trị. Là yêu nước. Ði tới tương lai, với người này hay chạy trốn hiện tại, với người kia. Tạm chấm hết. Ngoặc kép với ngoặc đơn vẫn mãi chưa ra ngoài. Ðời tư thuở ấy cũng là đời chung.

So với nửa triệu người Việt khác ở khắp Âu Châu, sau này... Và những triệu Việt khác trên thế giới hay ở quê nhà. Như những hạt bụi. Phất phơ vơ vẩn. Vô tình chìm lắng một lớp trầm tích thạch khác. Một nơi chốn khác. Một chút thanh với khí, tương ứng với tương cầu, vài giờ gặp gỡ. Một vài gạch nối. Giản dị như rứa thôi, tôi phải hiểu ra sao trách cứ hằn học đó?

Sợi dây liên lạc mong manh này có cơ lụi tàn trong vài năm nữa nếu bọn tôi không còn gặp gỡ nhau. Như soi gương. Chúng tôi không (chưa?) khùng đến mức hỏi gương rằng: nói giùm coi, có phải chúng tôi đẹp nhất trên cõi đời này không?

Cần bao nhiêu cái chung mới được sợi dây riêng chắc chắn?

2.

Mười tám tuổi, tôi ngốc tử, tưởng cái thế giới quanh mình là thứ thiệt, độc nhất vô nhị. Chấn động đầu tiên, mở cửa ra bên ngoài qua lần ăn Tết đầu tiên với các bạn và kiều bào trong tỉnh (hay đến từ vùng lân cận):
tôi gặp hai bác công nhân về hưu, cựu chiến binh thế chiến thứ nhất. Bác Ðào và bác Cát.
Trước đó, chúng tôi đã vài lần đi xem nhà mồ Verdun (9); trong hàng trăm ngàn hài cốt lính chiến, có cả một "hộc" xương của lính Ðông Dương. Chết vì tổ quốc. Vì nước Pháp. Còn lại gì trong trí nhớ tôi, những bài học lịch sử lờ mờ, sơ sài của thời trung học? Càng cận đại, càng lờ mờ. Thi cử xong (đã tưởng là hay lắm, tuy rằng chưa có tấm bằng để "dán ngay lên cột"), coi như trang sử đã lật qua. Lính Ðông Dương? Ði đánh giặc cho Tây ngày xưa!

Một chút ngậm ngùi mơ hồ. Sao mãi hai bác không chịu về quê hương kia chứ? Xa nhà từ hơn năm mươi năm! Mà vẫn còn... sống sót!? Có thể được sao?!
Chuyện trở về, thuở ấy, dưới mắt tôi, giản dị, dễ dàng như cái chớp mắt.

Gặp lại hai bác lần thứ nhì, thứ ba, cùng ăn Tết, không khác lần trước: chào hỏi vài câu ngắn ngủi. Bọn trẻ chúng tôi lăng xăng bưng mâm, chạy bếp, lắng quắng chẳng gì ra gì. Rồi xếp hàng múa nón, múa quạt, hát hò vớ vẩn dăm bài ca dao. Tưởng như vừa về quê. Và khiêng quê qua tây. Thiệt là quê một đống.

Sau trận đánh kinh hồn ở Verdun, trong thế chiến thứ nhất, tình cờ, may mắn nào đã cho hai bác nguyên vẹn trở về trong khi gần nửa triệu người đã nằm lại? Và hai bác làm gì ở đây, hai ông già lầm lì, ít nói, độc thân, lủi thủi ra vào gian nhà nhỏ, giữa đất trời và người ta lạnh lẽo, vô tình?

Mỗi năm, Tết đến có một lần. Mỗi lần, thêm một số mặt mới đến từ (một nửa) quê hương xa vời, mỗi trẻ hơn và mỗi xa vời hơn. Dù "các em" cũng mặc áo bà
ba, đội khăn rằn, vác rỗ, vác thúng vinh danh ngày mùa tưởng tượng, hát vọng cổ ngọt lừ mà lắc "jerk" hay "twist" chẳng thua ai.

Bạn tôi có kẻ bảo vì hai bác đã quên tiếng Việt nên ít chuyện trò với bọn trẻ. Một người khác quả quyết rằng vì giọng Quảng hay Nghệ của hai bác nặng và khó
hiểu. Có dễ dàng hiểu được nhau với khoảng cách năm mươi năm đầy những biến cố lịch sử rối rắm?

Mấy mươi năm sau, ngoan hiền (?) hơn một chút, chúng tôi quay lại tìm thì các bác đã ra người thiên cổ.
Hỏi người quen, mới hay, mươi năm sau lần gặp cuối, bác Ðào bị kẻ lạ đánh chết trong đêm khuya, trên đường về nhà sau một buổi ăn uống vui chơi cuối tuần do người làng tổ chức. Vụ án mạng không thủ phạm rồi chìm vào quên lãng. Bạn bác cũng qua đời ít lâu sau đó.

Chấn động không ngừng... xảy ra vì sau hai bác, chúng tôi còn gặp những bác lính thợ, lính chiến người Việt ra đi từ những năm đầu thế chiến thứ hai. Trong vùng tôi ở dạo ấy -- miền đông bắc nước Pháp, gần biên giới các nước Ðức, Bỉ Hà Lục --, các bác khá đông, gần mười người, cùng qua lại rất thân cận, vài người là cựu thông dịch viên. Các bác cựu thông dịch viên đều khá giả, công chức hay chủ nhân các hàng quán ăn, tiệm buôn bán. Số còn lại là cựu lính chiến, cựu công binh,làm thuê làm công, nghề tay chân như thợ sơn, thợ nề,
thợ rừng.

Gần gũi nhất là bác Lê. Bác là công nhân trong một tiệm uốn tóc, cho đến cuối những năm 80. Bác thân với chúng tôi tự lúc nào không rõ. Bởi vì không chỉ Tết
nhất chúng tôi mới gặp bác. Gần như tuần nào bác cũng chở vợ đến chơi một buổi. Mời ở lại ăn cơm, không bao giờ bác chịu, mãi sau tôi mới hiểu. Chúng
tôi đành thỉnh thoảng ghé bác bất thần đem theo mấy cuốn chả giò hay lúc bác đến chơi, gói thức ăn bắt bác cầm về.

Thấy tôi mang bụng bầu, bác khen :

"Ðẻ con trai nghen, để đi bộ đội cụ Hồ!"

"Còn phải nuôi cho lớn đã, thưa bác! Chưa chi con đã nghe hết hơi."

Bác hỏi:

"Vậy chớ ngày xưa mẹ bây được mấy đứa? Bả có than thở như rứa không?"

"Tám mạng, thưa bác. Nhưng mẹ con có phải vừa đi học vừa nuôi con đâu ạ!"

"Ði học, đẻ con mà tưởng khổ?"

Bác cười hà hà nói thêm:

"Phải can đảm lên chứ. Mấy cháu bây giờ rứa là sung sướng lắm đó nghe. Ðến chục đứa rồi hẵn ngừng, nghen bây!"

Tụi tôi phản đối :

"Bác ơi, chẳng lẽ mình cứ đánh nhau hoài sao? Pháp với Mỹ đi mất tiêu rồi!!"

Nhưng bác tỉnh bơ, nói nựng lũ trẻ bằng điệp khúc trường kỳ :

"Lớn mau nha con, lớn lên về nước đi bộ đội cụ Hồ!"

Hoặc :

"Ăn mau chóng lớn đi cháu ngoan của bác... Hồ!"

Tôi phải kêu :

"Bác ơi, con sẽ đẻ toàn con gái!"

Bác cười thản nhiên :

"Thì đi nữ bộ đội, giặc đến nhà đàn bà phải đánh!"

Sau tháng tư năm 75, thỉnh thoảng bác đùa như cũ, nhưng rồi dần dần hai bác cháu cập nhật tình hình, bác hết nhắc đến bộ đội cụ Hồ và tôi cũng không còn hăm he sẽ cho con cái trốn lính hay đào ngũ.

Trong khá lâu, tôi nghĩ bác mang mặc cảm đi lính cho Tây. Như bao người lớn tuổi khác, bác bị giam trong cái quá khứ của mình? Nhưng tại sao bác lại tình
nguyện đi lính cho Pháp? Bác lại còn tự "dếnh" một bà vợ đầm. Dù không con cái, dễ gì hồi hương? Nhưng rồi dần dần già đi, tôi cũng bị quá khứ vây hãm. Trò chuyện với trẻ con, đôi lúc giật mình nhìn thấy mình trong những ánh mắt chúng. Ánh mắt tôi nhìn bác những năm đầu quen biết.

Và trong hơn hai mươi năm quen biết đó, tôi đã thờ ơ, ngây ngô, không đủ thông minh và thì giờ nắm bắt những sợi dây bác đã gửi đi trong những buổi chuyện trò ngắn ngủi. Vợ chồng bác ghé chúng tôi thứ bảy hoặc chúa nhật. Nhà chúng tôi thường là chặng đầu hoặc chặng cuối của cuộc du hành loanh quanh vài mươi cây số thăm bạn bè của hai người.

Bác gái, mập tròn, thấp, giọng nói to, khoẻ, dấm dẳng, cộc lốc. Mặt bà khó đăm đăm, đôi mày lúc nào cũng cau lại. Tóc bà bạc trắng và hớt ngắn sát đầu, cổ bà ngắn. Vòng ngực vòng eo vòng mông tròn trĩnh như nhau, cái robe hoa núng nính như bao bột mì. Bác Lê thì thấy vợ như "cái thùng rượu":

"Mà bác sĩ biểu phải ăn kiêng ăn khem, bả có nghe đâu! Cứ mê ăn bánh ngọt! Ở đó mà kiêng với khem!"

"Nhưng lâu nay bác ấy vẫn thế, con có thấy bác ấy béo thêm ra đâu?"

Tôi lấm lét hỏi. Bác nói bả bị bệnh tiểu đường. Hỏi bằng tiếng Việt, thì thào đấy, lấm lét đấy, mà y như rằng bà biết "thiên hạ" đang nói xấu bà. Bà ngưng vuốt ve con bọ cochon d'inde quát chồng, đôi chân mày ngẩng cổ cụng nhau, lông tóc dựng cả lên :

"Quoi?!!"

Bác Lê cười hề hề trả lời bằng tiếng Pháp, không tuân thủ luật lệ chính tả, văn phạm gì ráo. Ðại khái: có gì đâu, tôi nói bà bị tiểu đường. Rồi sẵn trớn, bác nói
chuyện kiêng khem, nửa như phân trần, nửa như muốn "mài dao dạy/dọa vợ." Bà cau mày nhìn tôi, hai con mắt hỏi lão nhà tôi kể lể thêm chuyện chi?

Bác cười khà vì tôi dịch thành ăn khiêng với ăn kem cho bà già nghe. Bà cũng cười khừ một tiếng ngắn, rồi cau mày tiếp tục cầu nhầu điều gì chỉ ông mới hiểu.

Ðối thoại của hai bác là những tán thán từ, mệnh lệnh câu, y như trong những truyện bằng tranh, các nhân vật chỉ có một vòng tròn nhỏ giới hạn/chứa lời đối đáp, một câu năm sáu chữ với thật nhiều chấm than, chấm hỏi, quả đấm, dao búa... Ðã đành bác Lê xăng phú. Bác trộn, bác chấm câu tiếng Pháp bằng tiếng mẹ đẻ, bác xài danh từ, động từ bất kể ngôi thứ, số ít, số nhiều, quá khứ hiện tại, tương lai, gần xa, trước sau.
Nhiều khi bác nói tiếng Việt tôi còn không hiểu nữa là.
Nhưng bác gái, tôi thấy lạ ghê lắm. Ðôi lúc tôi nghi bà cố tình quên mình là con /dân ruột của Voltaire, quên những uyển chuyển, những tế nhị, rõ ràng của văn chương phá lang sa để nói chuyện với chồng. Hai bác nói chuyện như truyện thật ngắn. Như hai gián điệp. Chỉ nửa chữ, nửa câu là mạch điện đóng, dòng điện chạy ro ro.

"Quoi? Gì?"

"X đó!"

"Et alors? X puis Y, toi alors! Rồi sao? Hết X tới Y, ông thiệt là..."

"Alors cette histoire đó! Tôi raconter chuyện đó đó!"

"Oh la la celle-là, cette folle-là! Quel phénomène! Ô nói chi cái bà khùng ấy."

"Ông X, monsieur X đó! Pas sa femme."

"Oui, je vois. Cette dingue jalouse. Ừ, biết rồi. Con mẹ điên ghen tuông!"

"Leur dernier garcon đó. Quel âge hả? Son fils à X đó.
Con ổng, thằng út đó Con ông X, nó mấy tuổi?"

"Trop jalouse pour être une bonne mère, celle-là!
Ghen quá thì quên làm mẹ..."

"Quel âge? Mấy tuổi hè?"

"Dix ans. Et alors... Oui, les enfants, oui, toujours dans la rue. Les parents, vraiment nuls... Mười tuổi! Rồi sao?
Con cái cứ thả đi lang thang, cha mẹ không ra cái chi cả!"

"Explosion, parlé dans le journal. Pas lire le journal, toi? Vụ nổ, báo đăng, cháu không đọc báo à?"

"Quoi?"

"Mìn đó... Lựu đạn... à không đạn đại bác. Mine. Obus. De la deuxième guerre."

Bà à một cái. Trợn mắt nói với tôi :

"Non, de la première, tu te rends compte! Không, của thế chiến một, cháu coi đó!"

Ông bảo bà kể đi, sau khi chép miệng, lắc đầu :

"Bây biết không, chậc, chậc, bệnh viện cưa hết một giò!"

Bà kể, dài dòng hơn cho tôi hiểu và thỉnh thoảng ông chen vào :

"Có một thằng con trai út thôi, mà không biết thương!"

"...Quoi?!"

"Thiệt tội! Pauvre garcon, je dis."

"... Lui... s'intéresse qu'aux filles, bien belles et bien jeunes. Oh, vieux cochon!! Thằng cha thiệt... Chỉ mê con gái, trẻ, đẹp. Thiệt... dê xồm!"

"Ừ, lấy cưa mà cưa. Hết chuyện chơi rồi mà!"

"Quoi?!! Ah, oui, ceux là et leur père le vieux cochon. Tu te rends compte, aller dans la forêt scier un obus.
Bố con nhà ấy. Cái thằng cha, quái kiệt dê xồm! Cháu nghĩ coi, vô rừng cưa trái nổ!"

Khi ông lan man qua chuyện khác. Bà chán nản ôm con bọ ra vườn xem lũ trẻ chơi đùa, bác cháu tôi ngồi uống trà nói ba điều bốn chuyện :

Bắp tao trồng đó! Mềm dẻo, ngọt lừ, nghe. Bạn bác dưới Mạc Xây lên chơi mấy bữa. Ông Cẩm ở chung một trại với bác hồi xưa. Nấu cho bộ đội con ăn! Mấy
đứa khoẻ không? Công việc ra sao? Nhớ chịu thương chịu khó. Một câu nhịn chín câu lành. Canh mướp nấu tôm, hè ăn mát.

"Ngoài bao lơn cao ốc cũng trồng được bắp sao bác?"

"Tao trồng nhờ đất ông Châu. Châu cùng quê với bác chứ không phải Châu quán Mê Kông. Mướp này to xanh nhờ bà vợ ổng về quê ở Lútxembua đem hột
giống qua. Ờ ông Châu ngày xưa trốn lính sở Mọi, (10) qua Lútxembua rồi gặp vợ ổng. Bác ưa canh bầu hơn.
Mấy cháu ở nhà riêng, tha hồ nấu nướng, sướng chết, chẳng phiền hà láng giềng.

"..."

"Ông Thủa mới trồng bầu năm nay, thử coi nó chịu đất
vùng này không. Bác thấy tiệm Tàu ngoài phố tuần rồi
có bán cả nem chua và mắm tôm chua. Mấy đứa bây
giờ sướng chết. Bác hồi đó thèm quá, chẳng đâu có
mà mua!"

"Hai bác ở lại ăn cơm chiều với bọn cháu."

"Không, bác phải về. Còn cho bả uống thuốc nữa..."

"Trời dạo này ấm rồi. Mấy đứa phải ra đồng chạy bộ,
cho khoẻ. Phải vận động bắp thịt, tập thể thao, thể dục.
Cha mẹ bên nhà vẫn khoẻ chứ? Ðây nè: hột
bắp/ngò/cải năm ngoái tao cất để dành, đất bỏ không
uổng quá, tuần tới bây gieo được!"

Có khi gói hột nằm yên đó cho đến tuần sau. Bác thở
dài thậm thượt, than một mình :

"Sao mà nó nhác dữ a! Tối ngày cứ ru rú trong nhà,
phải ra ngoài... đổi gió, phải ra ngoài phơi nắng chứ!
Như trốn lính Ðức không bằng."

Rồi bác ra sau vườn lấy cuốc, xuổng xới đất, gieo gieo,
tưới tưới. Chỉ một chốc, đất đã nhuyễn nhỏ nằm vun
thành vồng. Bác trồng được một mùa bắp, hoa trổ mãn
thiên (nhưng không trái vì tôi quên tưới tiếp) và hai ba
mùa hành, ngò xanh um. Về sau, trẻ con đông quá,
chúng tôi phải đổi nhà, mấy năm sau mới tính chuyện
/có thì giờ mua đất tốt... trồng cỏ. Bác chịu thua luôn,
cuối tuần đến chơi, bác mang theo rau cải ăn ngay
được.

Chưa xong chén trà, bà trở vào hất hàm :

"On s'en va?! Ði chưa?"

Ông nói ờ ờ, chúng tôi rót thêm trà, châm thêm bánh
trái. Bà la oai oái.

"Allez! Lê! Assez! On s'en va! Thôi, đi. Thôi, đi. Lê
này. Mình đi."

"Uống nước đã. Bois encore, dis!"

"Trois tasses déjà. Assez bu! On s'en va! Ba, bốn tách
rồi. Ðủ rồi. Thôi, đi."

"Ði thì đi. Bon! bon! Tu veux venir, tu veux partir.
Toujours toi qui veux. Ði thì đi, được, được, có sao!
Ðòi đi cũng bà, đòi về cũng bà!"

"Quoi? Quoi?"

Bác Lê đứng dậy, lấy khăn lấy áo cho vợ. Hơn bốn
mươi năm trước, không biết ông yêu bà ra sao chứ bây
giờ tôi thấy ông cưng thùng tô nô lắm. Ông mở cửa xe
cho bà, ông xách giỏ, bưng đồ. Ông lau quét nhà bếp,
chùi rửa xe. Và ông đi chợ, ông cuốn gỏi cuốn, quay
vịt, chiên xào nấu nướng, chưa bao giờ tôi thấy bà vào
bếp. Bà bị bệnh, chính ông cân đo đường muối, đưa,
nhắc thuốc men. Bác kể chuyện vui, bác khôi hài cho
vợ cười. Bác lịch sự như dân Tây thứ thiệt, thời xưa.
Last edited by nmchau on 10 Mar 2006 05:32, edited 2 times in total.

nmchau
Site Admin
Posts: 1654
Joined: 01 Oct 2007 17:02
Contact:

Postby nmchau » 10 Mar 2006 05:21

Một lần, tôi hỗn hào dám hỏi bác làm sao "cua" được bác gái. Bác mắc cỡ ậm ự. Rồi đánh trống lãng :

"Hồi nhỏ bả cực lắm."

"Tại sao ạ?"

"Cha mẹ chết sớm, bả sống với hai bà dì."

Bác không nói rõ., bác cho tôi hoàn toàn tưởng tượng.
Thiếu bí mật bật mí, ít dữ kiện, tôi ráp những mẩu chuyện, nối kết những cái bulles của tập truyện thật ngắn do bác viết tặng. Chuyện tình của người lính thợ
quê Thanh Hóa với cô gái mồ côi gốc gác Lorraine.
Tưởng tượng mối tình (mắt, mũi, tay chân: thầm lặng?) bắt đầu từ giữa những reo hò của đoàn quân giải phóng, súng ống và băng hiệu đeo tay trong tiếng hoan hô của dân chúng và lời sỉ vả dành cho những người đàn bà đã "đi" với bọn xâm lăng Ðức.

Bác đã cưu mang, giúp đỡ như thế nào hai người đàn bà bị cạo trọc đầu và cô gái trẻ kia? Lúc đó bác chắc oai lắm, chẳng là bác đã trở về cùng một lúc với đoàn quân giải phóng (11) đó sao.

Bác còn mang oai phong đó "giang hồ" sang tận bên Ðức, trong "quân đoàn Việt Nam" (theo đuôi -làm-) người chiến thắng chiếm đóng, trả thù dân tộc trên các phụ nữ. Dù là những "chuyện tình" trước khi chính thức cưới vợ, bác thật kín đáo, mãi sau lâu lắm, bác khoe với chúng tôi thư và hình của vài cô tóc vàng, cô Helena, cô Greta...

Bác cao lớn, đẹp trai nhưng không biết nói tiếng Pháp và Ðức, và nếu chỉ là những cuộc tình "lương thực," trao đổi giữa xác thịt bại trận với sôcôla và... xúc xích chiến thắng, tại sao mấy năm về sau, bác vẫn nhận được tin tức những người xưa này? Ðã vậy, ông nhà tôi méc lại với tôi là bác khoe bác có tới năm "bà bồ"!

Bác gái cười hả hả, khoát tay: chuyện bịa! Giữa tiếng cười rổn rảng và đôi mày cau kia, tôi không nhìn ra một chút ghen tương. Chắc ớt (mù tạt) đã hết cay sau
hơn bốn mươi năm thử thách?

Bác Lê cũng lắc đầu phê bình vợ :

"Bả sảng lắm."

Một bà bạn Việt của bác cũng đã hơn một lần trề môi mách lẻo với chúng tôi :

"Sảng ghê lắm, bả chỉ ưa nói chuyện với con bọ của bả thôi."

Tôi nghĩ có lẽ tại bác Lê gái không biết đánh bài tứ sắc.

Bà Lê ngưng vuốt ve con bọ, kể : Một ngày đẹp trời mùa thu năm 79, qua cửa sổ phòng ngủ nhà ông bà trong một cao ốc mười tầng, bà nhìn thấy một chiếc
đĩa bay la đà, to cỡ chiếc bánh xe hơi bình thường, bên trong là hai phi hành gia tí hon. Mũ mãng bảo hộ kiểu khách du hành không gian vũ trụ, tứ bề dây nhợ ăng ten. Khách nhe (răng?) cười thần giao cách cảm thân thiện với bà trước khi bay vút đi. Tôi kinh ngạc :

"Họ giống chúng ta không hở bác? Da màu..vàng, xanh, tím? Có tóc tai, mắt mũi... bình thường?"

Bác Lê phủi phủi:

"Bả sảng. Thôi, a lê, đừng nói xàm nữa. Tin... dị đoan gì đâu không... Bả khùng rồi!"

Ông già lạ ghê, thương vợ như thế nhưng nhất định không tin vợ. Tôi vặn bác: "Thế bác ấy phịa chuyện làm chi, thưa bác?"

Ông lắc đầu, chắc lưỡi, đầy chán chường, khổ sở.
Sảng. Càng ngày càng sảng.

Bà chỉ khai sự việc này với cảnh sát và với... chúng tôi.

Bà vẽ tỉ mỉ cho tôi hình chiếc dĩa bay và hai người khách lạ với nụ cười đến mang tai. Ông tiếp tục lắc đầu phủi lia, phủi lịa: chậc chậc, bả sảng lắm.

Tôi dặn bà cụ: hễ thấy dĩa bay, nhớ gọi cháu nhá. Bà trợn mắt :

"Sẽ gọi ngay, nếu được, nếu có thể. Lần ấy, 'họ' làm sao mà bác không kêu, không cử động được. Bác chỉ nghe nóng ran nơi trán nhưng an tâm hiểu rằng ý định của họ vô cùng thân thiện. Nhìn trán bác nè!"

Chứng tích của tia siêu laser "thần giao cách cảm" là một chấm đỏ nổi tựa như nốt ruồi son giữa đôi chân mày trắng rậm của bà! Chao ơi, tôi nghe lạnh xương sống.

Bác Lê miễn cưỡng: ừ, chắc bữa đó bả bị muỗi cắn.
Tôi rùng mình

"Muỗi martien hả bác? Mười năm sau vẫn còn dấu vết. Ghê quá."

Bà khoe: cảnh sát bảo hôm ấy có nhiều người cũng thấy đĩa bay như bà. Nhưng những chiếc đĩa bay được tả lại đều có hình dáng, kích thước khác nhau!

Tôi lúc ấy đang mơ gặp người hành tinh lạ nên bác cháu bàn tán hào hứng. Bác Lê lắc đầu thở ra, lôi ông nhà tôi ra vườn nói chuyện trần gian. Có lẽ nhờ những trao đổi với bà các sách vở tài liệu về "chuyện dị đoan" này, lắm hôm hai người ở chơi khá lâu.

Chỉ những lúc ấy, tôi mới thấy bà sôi nổi, vui vẻ, linh hoạt. Một lần đi làm về, tạt ngang công viên lớn của thành phố, tôi tình cờ bắt gặp bà ngồi im lìm trên ghế
đá, con bọ nằm yên trong tay. Cả hai không đếm xỉa đến người xung quanh. Ðôi mắt hướng về những đỉnh bạch dương vàng rực nhưng nét mặt bà nghiêm khắc khép kín. Khiến tôi không dám đến gần.

Lâu lắm về sau, bằng những lời giản dị, bác Lê cho tôi hiểu rằng suốt thời thơ ấu, bà bị hai người dì độc thân hãm hiếp (dâm).

Buổi tối, bà ngồi phòng khách xem truyền hình, ông ở phòng bên cạnh, vặn máy hát nghe Thành Ðược, Út Bạch Lan ca Nửa đời hương phấn. Hai khối tâm sự u uất. Hoà lẫn, gửi cho nhau cách nào đây?

Cứ lẩm cẩm tưởng tượng, tôi cố tìm lời giải thích.

Nhưng tưởng tượng sao cho đủ, cho đúng.

Bác kể chuyện ngày xưa, có lần bác cùng vài bạn đồng đội bắt trộm cừu ăn thịt. Còn gà qué, chuột, thỏ, chó... thì khỏi nói. Chúng tôi cứ... trộm nghĩ:

Hoá ra ngày trước bọn mình hay rủ nhau đi hái lén bắp, mirabelles...không phải bởi thèm cây trái hay nhớ thuở nghỉ hè nhà quê...

Phải tưởng tượng như thế nào, khi tôi nhìn bác ngồi nắn nót viết tựa cho những băng nhựa các bài hát và tuồng cải lương bác thu lại của ai đó. Những nét chữ cứng, thô, ngập ngừng, run rẩy, của người mới biết viết. Mắt em là bể oan kiều, ra đi mùa lá rụng, tiết ướng luông, phàn lê quê dâng ngũ linh kỳ....chung vô vịm, tư ết đi sài gòn, âm nhạc cải cách: duy khánh về miền trung, Thanh tuyền ru con, kim loan căn nhà ngoại ô...

"Ừ, khi bác đi Tây, bác có biết đọc biết viết đâu, chữ Tây lẫn chữ quốc ngữ!"

"Sao bây giờ bác biết?"

"Thì lúc trong lính, anh em họ dạy cho! Có được đi học ở trường như mấy đứa bây giờ đâu, sướng chết mà không biết!"

Khi đủ can đảm, tôi hỏi bác :

"Nhưng sao bác lại tình nguyện đi lính cho Pháp?"

"Phải... tình nguyện. Ði Tây cho... biết với người ta. Nếu không, ông anh tao phải đi."

Bác cười kể lại chuyện người anh chạy trốn ngoài.. ruộng, khi làng đến bắt lính nộp huyện.

"Hắn đã có vợ và ba đứa con!! Với lại đi cho biết xứ Tây với người ta."

Bác nói như thể bác phải tình nguyện sang Pháp đánh Ðức chỉ vì người anh ruột không muốn đi. Như thể bác rời bỏ làng quê cốt ý thoả chí giang hồ, những ngày tháng khổ nhục nơi đất lạ là bọt bèo. Như thể bác xa lạ vô cùng với những bác Ðào, bác Cát khác, đã may mắn sống sót và trở lại quê hương. Càng không phải ra đi tìm đường cứu nước.

Phải ráp nối như thế nào những mẩu chuyện rời rạc bác kể theo yêu cầu, hình dung ra sao cuộc sống của hàng trăm, hàng nghìn người (tuyệt đại gốc gác) nông dân Việt trong các căng trại nào đó trên khắp nước Pháp vào (hai) thời thế chiến? Những người dân của một đất nước thuộc địa, kẻ làm lính, người làm thợ, đem sức lực, đời sống "cống hiến" cho "mẫu" quốc.

Phải tưởng tượng thế nào hầu "cảm" được cái đói, lạnh, cái đau, hờn nô lệ?
Phải tưởng tượng như thế nào để hiểu lý do ở lại của các bác trong khi đa số lính chiến, lính thợ đều trở về Việt Nam, tự nguyện hoặc bị ép buộc.

Phải tưởng tượng như thế nào để hiểu vì sao bác muốn các con tôi "đi bộ đội cụ Hồ." Bác, và những kẻ đồng hành, ra đi từ năm 1939, lúc ông Hồ Chí Minh chưa về đến Việt Nam. Phải tưởng tượng ra sao khi những chiếc tàu Hải Hồng lớn nhỏ nổi trôi trên đài truyền hình khiến bác thất kinh:

"Sao đồng bào Việt, Hoa liều chết vượt biên? Vì lý do gì nước bạn Trung Quốc sang đánh nước ta? Vì sao con của ngụy không được qua Pháp du học?"

Không nhớ chúng tôi đã trả lời bác ra sao, bởi chúng tôi dạo ấy cũng đã vui mừng, hân hoan, rồi hoang mang, chấn động.

Phải tưởng tượng như thế nào khi tôi xem kết quả các xét nghiệm, phim hình phổi của bác. Bác kể ừ ngày xưa, tại bác phải làm thuốc súng, bác sống cực khổ, đói nhục. Phải tưởng tượng ngày xưa của bác ra sao để hiểu được sự nhẫn nại, yêu đời của bác bây giờ?

Vào thăm bác ở bệnh viện, bác nói :

"Ừ, mấy bà y tá đó không dịu dàng cho lắm."

Nhưng bác không muốn tôi nói với họ điều gì.

"..."

"Họ làm nhiều việc quá, mệt thì cáu bẳn, kệ!Họ người Tây phương mà. Bác chỉ mong chóng khỏi về nhà. Hoặc có chết thì chết cho nhanh!"

"..."

Mặc họ! Như hai ba năm trước, một hôm, từ bệnh viện mắt về, bác đem đến cho tôi năm sáu sợi chỉ đen ngắn độ vài milimét, bóng loáng như dây cước câu cá.
Thì ra người ta đã bỏ sót chúng trong mi mắt bác sáu bảy tháng sau khi mổ.

Tôi giận lắm :

"Con làm đơn cho bác kiện bệnh viện!"

"Bậy nà! Bác hết đau nhức và hết chảy nước mắt sống rồi! Kiện với cáo!!"

Bác cười hề hề giở áo chỉ cho tôi xem một vết sẹo, to tồ như một sợi dây chão trơn, như một con rết cẳng dài cẳng ngắn, những đốt lưng không đồng đều, đến năm sáu chục phân, khó nhọc bò một đường đắn đo, run rẩy từ ức cho đến tận dưới rốn:

"Ối, bác quen rồi. Con kiến mà đòi kiện củ khoai à?"

Ông địa ơi, ngày xưa ấy, ở bệnh viện nhà binh dành cho lính thợ Việt, bác sĩ củ khoai mổ bụng con kiến tìm... khúc ruột (dư) sưng!

Và bác gái cười hả hả, thịt mỡ sóng sánh :

"Cái mẩu ruột ấy, cho tới giờ, toa có biết không...?"

Bác trai tiếp :

"Nó còn... dư nguyên đấy!"

Bà tiếp tục cười hả hả :

"Ừ, rốt lại, vẫn còn nguyên vẹn. Chẳng sưng cấp tính hay mạn tính. Cứ như mổ bò! Chuyện khó tin. Sống được quả là có phép lạ!"

Tôi cũng đã tưởng bác khoẻ lắm. Cho đến lúc vào bệnh viện thăm bác những lần sau, kinh hoàng thấy bác tan dần, chỉ còn da với xương.

Bác "nuôi" bệnh từ thuở nào? Bác chỉ nói "đừng lo cho bả, ừ, bả chích ngừa lao rồi," đừng lo vì bác vẫn cẩn thận chuyện bát đĩa, ăn uống, cả chuyện "ngủ nghê" cũng rứa.

Trước đó vài tháng, bác lẳng lặng tom góp hết tiền bạc, bảo tôi đem gửi cả về làng của bác. Bằng số tiền hưu hai, ba tháng. Bằng tiền vé máy bay khứ hồi Paris- Hà Nội/ Sài gòn. Cho làng xây cầu xây trường chi đó. Ðể giữ lời hứa với uỷ ban nhân dân xã nhân dịp bác trở về thăm làng đầu năm 75. Bác sung sướng kể cho tôi nghe đầy đủ, tỉ mỉ chuyến hành hương đầu tiên (và cuối cùng) sau ba mươi lăm năm xa quê. Bác cho xem ảnh làng và gia đình. Ðường vào làng này, cổng làng đó. Bờ đê ruộng, cây cầu xưa. Ðây là anh, đây là chị, kia là anh em thúc bá, nọ là cháu là chắt....

Hưu bổng của hai người cộng lại có lẽ chỉ vừa đủ chi phí cho cuộc sống hằng ngày. Những chút tiền chắt chiu tiết kiệm, bác gửi về đất nước quê hương trong vô số lần người ta lạc quyên: cứu lụt, cứu đói , mua hạt giống, máy cày v..v... Từ lâu lắm. Giúp Mặt trận giải phóng, giúp Hà Nội dưới bom, xây dựng quê hương thống nhất... Ðói, lụt, bệnh tật, mất mùa... và xây dựng liên miên bất tận, bác phải gửi hoài, nên tôi nhất định tưởng tượng rằng vì thế bác tôi đành sống gửi thác về.
Lần trở lại duy nhất trong cuộc đời biệt xứ.

Bác gửi tiền về nhà từ lâu hơn tôi tưởng: ngay từ hôm lãnh mấy đồng tiền "hoả hồng tình nguyện" đi Tây cuối năm 1939, từ những lần lương đầu tiên, và khi phái đoàn Hồ Chí Minh sang ký hiệp định sơ bộ tại Paris, cho đến tận lúc bấy giờ, tháng 12 năm 1992, những ngày cuối cùng của bác.

Một lần, bác bảo chúng tôi làm đơn xin/đòi bộ cựu chiến binh của nhà nước Pháp... trao huy chương cựu chiến binh cho bác. Tưởng bác muốn có thứ kỷ niệm khác hơn những tấm ảnh vàng ố xưa cũ. Hoá ra để sau đấy bác đòi nhà nước Pháp trả tiền hưu nhà binh. Ðể tiện việc (tiết kiệm) sổ sách, người ta xem bác như thợ chứ không như lính. Bác được tặng huy chương nhưng
rồi bộ cựu chiến binh có đồng ý trả thêm tiền hưu nhà binh hay không, chúng tôi cũng chẳng biết.

Ðó là những mẩu chuyện (cực ngắn) của đời bác. Bác mất đầu năm 93 đem theo những câu hỏi của tôi.

Bao nhiêu câu hỏi chìm nổi hàng ngày trong cuộc sống tôi. Như một ám ảnh khó chịu, như một hối tiếc vì dở dang, của một việc làm không đến nơi đến chốn.
Ðôi lúc, một cảm giác bơ vơ lạ lùng.

Ba mươi năm trước, chúng tôi ra đi từ một nửa nước Việt. Từ nơi đây, chúng tôi được gặp nửa nước Việt khác. Rất khác với một nửa nước thơ mộng, lãng mạn của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam. Rồi những năm 80, 90 chúng tôi gặp những đồng bào đến từ nước Việt thống nhất, cũng rất khác. Khác từ những những hoàn cảnh, cơ duyên, lý do ra đi, khác đến quá khứ, tâm tình, đời sống. Những người lính thợ, thuyền nhân, tù nhân, công nhân nghĩa vụ lao động quốc tế.

Những câu hỏi lại đặt ra. Chồng chất, rối rắm.

Về sau, có dịp gặp gỡ cũng như đọc sách, báo người Việt ở Ðông Âu, tôi càng thấy được nỗi khao khát tìm biết về lịch sử cận đại Việt Nam, của đa số chúng tôi, những kẻ xa nhà. Ngoài nhu cầu nhìn lại để nhận diện chính mình, để tồn tại, biết chuyện xưa mới hiểu vì sao có những chia rẽ, căm thù dai dẳng, những thành khẩn hành hạ nhau, biết, mới mong có thể nhìn nhau, nói
chuyện... bình thường, biết lý do xa nhau trong quá khứ mới đủ hy vọng được gần gũi trong tương lai.

Trong quá khứ ngắn ngủi của tôi: từ lúc còn nhỏ, ở Sài Gòn, trong những lần đi học, đi chơi, đi xi nê, đi mua sách, tôi thắc mắc khi ngang qua các con đường Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch. Họ là ai, sao không thấy trong những trang sử học ở trường; họa hoằn lắm, trong những lần nghe lóm chuyện người lớn, hay đọc sách báo, thoáng thấy những nhắc nhở rời rạc: đó là những người đệ tứ, trốtkít, bị cộng sản tức Việt Minh thủ tiêu, vì là Việt gian. Và Ðệ tứ cũng là cộng sản.

Sao họ được tổ quốc (miền Nam chống cộng) ngày ấy ghi ơn? Người lớn nghiêm trang, trầm trọng, bí mật và ít lời. Vì không biết hay không muốn nói.

Tuy một vài người lớn khác, thuở ấy, như Hồ Hữu Tường, phác thảo vài nét (12): đó là những người miền Nam, chống thực dân Pháp.

Nhưng năm 1975, khi đất nước thống nhất, tại sao những người đệ tứ này, một lần nữa, bị thủ tiêu?
Những người anh hùng bách chiến bách thắng (đệ tam), vẫn chối từ minh định lý do, chi tiết của những vụ chém giết, đối xử không nhân đạo và bất công với Việt gian, ngụy quân, ngụy quyền v.v... cùng gia đình của họ, từ những năm đầu của Việt Nam độc lập cho đến Việt Nam thống nhất?

Cho đến ngày tôi được quen hai người cựu lính công binh khác. Hai Việt kiều của Ðệ tứ cộng sản quốc tế tại Pháp.

Ngẫu nhiên, tôi tìm thấy những mảnh puzzles, những trang sử thiếu cho mình. Bỗng dưng tôi như được những sợi dây, những cọng rễ, những điểm tựa và dấu gạch nối, tưởng như nhìn thấy chút ánh sáng ở cuối đêm khuya và những cái vẫy tay dưới trời sâu. Không, không ai đã mang chúng tôi bỏ giữa trời sâu.

Ðó là những trang sử viết ở ngoài nước nhưng có liên hệ mật thiết với cuộc đời đất nước Việt Nam trước đó và hiện nay. Những sợi dây nối kết, những trang sử thiếu của tôi, phần lớn nằm trong những tài liệu, tác phẩm của hai người đệ tứ này, hai chứng nhân trong những chứng nhân cuối cùng còn lại của một thời kỳ lịch sử ngắn ngủi nhưng cực kỳ quan trọng của Việt Nam : bác Ðặng văn Long (13) và bác Hoàng Khoa Khôi (14). Sứ quán Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa ấy ở Paris chẳng có "các chú" có bổn phận trông coi, hướng dẫn, răn đe sinh viên, tôi chưa hề nghe hay thấy chuyện họ phái người đi bắt sinh viên (thờ ma cộng sản?) với sự cộng tác (thành khẩn hay bắt buộc) của
người Việt khác tại chỗ như vụ sứ quán ta ở Bulgarie bắt hụt lần một và bắt được lần hai Phạm Văn Viêm năm 1997 (15). Hình như vào thuở xa xưa ấy, họ chỉ đáng sợ (?) cho sinh viên bị cúp học bổng hay chuyển ngân (16).

(Còn tiếp)

Chú thích

(1) Các chuyến bay rải rác từ tháng 12/68 đến tháng 1/69 cho nhóm 68 và cuối tháng 10/69 cho nhóm 69. Ngày nhập học thông thường của đại học ở Pháp: đầu tháng 10.

(2) Thơ Ðinh Hùng.

(3) Nghị định cho phép đi du học thuở ấy có ghi rõ thời gian học là một năm, có thể gia hạn, Khi có kết quả thi (đậu), phải làm các thủ tục với sứ quán cũng như với chính quyền sở tại để ở lại học tiếp. Kiểm soát của nhà nước (VNCH) là ở chỗ này. Việc của công an, mật vụ, nếu có, chắc là khá kín đáo, ngoài tầm mắt và hiểu biết của chúng tôi ngày ấy: Trong năm 74, báo chí sinh viên Việt ở (Tây ) Ðức phản đối vài trường hợp (oan ?) trục xuất, cúp chuyển ngân hay bác đơn xin gia hạn thông hành sinh viên của sứ quán VNCH Tây Ðức.

(4) Theo Lương Châu Phước, trong Nhìn cây thấy rừng (Ðỗ Quyên, nxb Văn Nghệ, California, 1997, tr. 227) hầu hết các tổ chức sinh viên trí thức (đi từ Sài gòn ngày xưa ấy) ở hải ngoại (Pháp, Ðức, Gia nã Ðại...) có "cảm tình" với cách mạng Việt Nam - lập thành Chi bộ đảng - là do mấy ông cán bộ trong nước lập ra (...) và chuẩn y. Riêng ở Canada "tụi này không do trong nước thành lập."

(5) Trừ Hoàng Yến, Mai Ninh : vẫn thanh mảnh, xinh xắn như thời con gái, những người khác thêm từ năm đến mười lăm kí lô (mỡ)!!

(6) Phó trưởng ban tổ chức của chúng tôi; Vài tháng trước đó, nhờ Quỳnh Dao (trưởng ban tổ chức) đưa ý định làm ngày kỷ niệm, việc mới thành. Phải nghĩ hoài đến bạn, từ kẻ vẫn thường gặp đến người chưa gặp lại, bạn mới có ý tạo dịp cho tất cả gặp lại. Xin cám ơn QD.

(7) Chạy: từ nhà ra nha Du học, ra toà đại sứ Pháp, ra bộ Nội Vụ, ra toà án để xin các giấy tờ như bản sao bằng tú tài, trích lục khai sanh, giấy miễn dịch, giấy
chứng nhận (bố mẹ) không thiếu thuế nhà nước, không theo Việt cộng (?), phiếu điểm thi lục cá nguyệt v.v...

(8) Cho lớp 68. Báo đăng tin VC ném lựu đạn giết ông , theo lời đồn thì lựu đạn mang màu quốc gia bởi ông có tội đã gạt bỏ tên con một tướng tá nào đó trên danh sách những thí sinh được tuyển chọn cho học bổng đi Pháp. Ðám sinh viên đi năm 68 đa số đều con nhà nghèo, học trường Việt và đậu tú tài phần hai hạng bình trở lên. Con nhà giàu một tí, hoặc học trường tây và chỉ được hạng bình thứ là không được chọn. Năm 69, nhiều đứa trong trong đám bạn chúng tôi ( học trường Việt) được bộ Giáo Dục chọn theo tiêu chuẩn năm trước, nhưng toà đại sứ Pháp bắt thi Pháp văn gay gắt hơn (?), dân trường Việt rụng như sung, để chỗ cho một số lớn từ lò Marie Curie, Jean Jacques Rousseau
v.v...

(9) Tại mặt trận này, quân Pháp và Ðức "đối mặt" nhau qua những chiến hào và công sự, từ tháng 2 đến tháng 12 năm 1916, phía Pháp hơn 300 000 lính tử trận, khoảng 400 000 bị thương; phía Ðức cũng thiệt hại hơn kém không bao nhiêu. Các nước thuộc địa của Pháp đã phải hiến dâng cho mẫu quốc một số lính khá đông. (Việt Nam khoảng 50.000 người). Hàng năm, vào ngày 11 tháng 11 lễ kỷ niệm ngày đình chiến thế chiến thứ nhất, tổng thống Pháp gắn huy chương (Bắc đẩu bội tinh ?) cho những người lính cũ còn sống sót,
tại Pháp. Năm ngoái, nhân kỷ niệm tám mươi năm đình chiến, chắc là không còn người sống (sót) để gắn huy chương (xin lỗi, tôi dựa vào chuyện thủ tướng
Pháp tuyên bố khôi phục danh dự cho vài trăm người lính Pháp bị xử tử làm gương trong những năm 1916, 1917- vì họ nổi loạn, từ chối chiến đấu-), tổng thống Pháp dự định sẽ tặng huy chương cho một cựu chiến binh thuộc địa Phi châu da đen cũ - Sénégal- nhưng ông cụ này đã qua đời vài ngày trước đó.

(10) M.O.I.: Main d'Oeuvres Indigènes: Ngạch Nhân công bản xứ, một Chi nhánh Bộ Thuộc địa của Pháp, thành lập trước thế chiến thứ nhất, lo việc chiêu mộ nhân công đến từ các thuộc địa, sau thế chiến hai, đặc biệt cai quản thợ Ðông Dương (xem chú thích 15).

(11) FFI (Forces Francaises de l'Intérieur): lực lượng kháng chiến quốc nội, thời Ðức chiếm đóng.

(12) Trong "Sống và viết với..." của Nguiễn Ngu Ý, Việt Nam 1969, nxb Xuân Thu in lại ở Mỹ.

(13) Ðặng Văn Long: sinh 15/3/1919 tại Hải Dương. Lính thợ sang Pháp cuối 1939, tham gia phong trào Công binh từ 1944. Trong nhóm Cộng sản Ðệ tứ quốc tế từ 1946. Vẽ tranh, làm thơ, viết sách, Về hưu năm 1979. Tác phẩm đã xuất bản: Truyện ngắn (1973, Paris; in lại 1998 tại Hungary thêm vài bài mới), Lính thợ O.N.S ,nxb Lao động Hà nội 1996, Thơ lòng, nxb Tân thư, Hoa Kỳ, 1996 và Người Việt ở Pháp 1940-1954, Tủ sách nghiên cứu, Paris, in tai Hungary,1997.

(14) Hoàng Khoa Khôi: Sinh ngày 3/6/1917 tại Nam Ðịnh, sang Pháp cuối 1939 với tư cách thông dịch viên, chuyên viên về hưu từ 1978. Một trong những
sáng lập viên và thủ lãnh nhóm chính trị tổ B.L. ( Bonsơvich-Lêninít) thành lập đầu năm 1944, và nhóm Tranh Ðấu ra đời tháng 11 năm 1944. Từ năm 43 đến
nay (1999), với nhiều bút hiệu khác nhau: Hà Cương Nghị, Bùi Thiện Chí, Hoàng Giang, Anh Vân... ,trong ban biên tập chủ lực, đôi khi là biên tập viên duy nhất, ông viết các báo Công binh tạp chí, Vô sản ,Tranh đấu, Tiếng thợ, Quan sát, Chroniques vietnamiennes v.v...
Ngoài ra ông có bài viết trong các báo Thông Luận (Pháp), Ðối thoại (Hoa Kỳ), Thiện Chí (Ðức) và trong nhóm chủ trương Tủ sách nghiên cứu (Paris, France)
Boite Postale 246 - 75 224 Paris Cedex 11 France.

Tủ sách này đã xuất bản Cuộc cách mạng bị phản bội (L.Trotski viết năm 1936, bản dịch 1993), Tờ trình Krútsếp (Báo cáo của Kroutchev trước đại hội lần thứ 20 của đảng CS Liên Xô năm 1956, Ðỗ Tịnh dịch, 1994), Ðời tôi (Tự truyện của Léon Trotski, theo bản dịch tiếng Pháp của nhà Gallimard in tại Paris năm 1953, Trotski khởi viết từ 1928, xong năm 1929, bản tiếng Nga in lần đầu năm 1930 tại Berlin. Quyển I ,7/1998, quyển II tháng 7/1999, in lần thứ nhất ở Hungary), Lenin, con người, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Liên, Hungary, 1998.

(15) Người dịch sang tiếng Việt quyển Chế độ phát xít của Zhelyu Zhelev, bị chính quyền Hà Nội lùng bắt (hụt) năm 1990.

Trong báo Tiếng Nói, phát hành tại Sofia, số 7 và số 8 tháng 4 và 5/1991, có bài tự thuật Tình yêu và cuộc sống, ông Viêm kể lại chi tiết cuộc đào thoát của mình.
Tất cả sáu người, trong đó có đảng ủy viên, bí thư chi bộ, dẫn đầu là bí thư thứ ba của đại sứ quán VN ở Bulgarie, đã đến phòng ông Viêm lục loát, đọc thư
riêng và tịch thu các bản thảo, thư, giấy nháp... và bảo ông Viêm "chuẩn bị theo (...) lên sứ quán". Thoát được nhờ "xin đi đánh răng, rửa mặt," và sau đó xin tị nạn tại Bulgarie, ông phải viết lại toàn bộ bản dịch. Năm 1993, quyển Chế độ phát xít ra mắt ở Mỹ. Tháng ba năm 1997, Hà Nội toại nguyện: họ "giăng bẫy" bắt được ông ở Bulgarie và đưa về Nội Bài vào tháng 12/1997, tin này do một người Việt tên Nguyễn Văn Chính loan đi từ Offenbach-Ðức- vào đầu năm 1998, qua báo Việt Nam tự do. Ðầu tháng Năm năm 1998, trên báo Người Việt, nhà văn Tưởng Năng Tiến thiết tha kêu gọi đồng bào hải ngoại đừng quên số phận của nhà văn Phạm Văn Viêm.

(16) Dù sao, rất ít người tự ý trở về nước, nếu thi rớt (bị mất học bổng hay chuyển ngân), đa số xoay sở đi làm thêm hay được gia đình chuyển tiền qua các ngả không chính thức. Hai, ba mươi năm trước, chính quyền địa phương khá dễ dàng cấp phát giấy tờ ở lại. Có lẽ vì bất lực (hay vì cách tổ chức kinh tế ở các nước tư bản lâu đời này) , chúng tôi không thể bỏ học đi buôn như một số sinh viên Việt ở các nước Ðông Âu và Liên Xô trong thập niên 80, 90. Nhưng đi "lậu" / "chui" từ Bỉ, Thụy Sĩ chẳng hạn, qua Pháp là chuyện không khó, thậm chí dễ dàng, vào thời ấy, nhất là ngay sau 30/4/75, nhiều người đang học dở dang và xin tị nạn chính trị, được giúp đỡ (có học bổng, giấy tờ cư
trú...)


Return to “Truyện Ngắn Truyện Dài”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 2 guests